Cùng viết với VÕ TRIỀU DƯƠNG
Theo các cụ bô lão ở đình Phú Cang, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa thì ngày xưa, khi dân chúng di cư tới lập nghiệp ở đây, thường bị “ma quỷ” quấy nhiễu không làm ăn được. Người ta cầu các vị thần linh lên hỏi, mới biết là vùng đất này thuộc về các vị thần linh của người Chàm (Chăm) xưa. Muốn được yên ổn làm ăn thì gia chủ phải làm giấy “vay mượn đất” và “nạp lễ vật” cho chủ đất cũ. Thủ tục này được các thầy pháp thực hiện bằng một lễ cúng gọi là lễ tá thổ (chữ Hán, tá có nghĩa là vay mượn, thuê mướn; thổ là đất đai). Còn theo cụ Ngô Tạ, 80 tuổi, ở thôn Đại Mỹ, xã Ninh Thân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, cúng đất hay còn gọi là khao thổ lệ tế, dân địa phương quen gọi là cúng lệ. Nhà nào giàu có, cúng lớn thì thỉnh pháp sư tới làm lễ, nhà nghèo thì gia chủ tự cúng. Nếu cả làng cúng thì gọi là cầu an tống lệ, cứ 3 năm cúng một lần.
Hàng năm, cứ đến ngày 18 tháng 3 âm lịch, nhiều làng xã vùng Vạn Ninh, Ninh Hòa có lễ cúng đất nhộn nhịp lắm. Tùy theo điều kiện kinh tế, nhà nào cũng sắm sửa lễ vật từ hai ba ngày trước để cúng Bà Hậu Thổ và các thần. Chủ yếu phải có gà cồ giò vừa biết gáy, với nhà nghèo ít nhất cũng phải 5 - 6 con, nhà giàu từ 15 đến 20 con. Thời ấy, gà vườn nuôi dễ dàng lắm, ít khi bị nạn gà mắc toi hoặc nạn bắt trộm, do đó cúng vài chục con gà cồ giò là việc đơn giản. Phải có bộ tam sênh (que, hột, tợ), đồ xào nấu, giấy vàng mã v.v... Khi cúng, người ta lập bàn thờ ngoài sân, không cúng trong nhà. Nhà nào có thủ kỳ thờ Hoàng thiên Hậu thổ thì cúng nơi này. Trong thủ kỳ có yểm 4 phiến đá ở 4 góc và 4 thanh kiếm bằng tre. Lễ cúng thời ấy đa số đều do thầy pháp hay thầy cúng đứng chủ trì, bởi người dân quan niệm ông thầy vái kỹ hơn. Trong ngày này không ai mời ai, cúng rồi nhà nào nấy ăn.
Với nhà nghèo, chủ nhà tự cúng lấy, hay mời một anh thầy cúng “học mò” theo khoa nghi thầy pháp đứng cúng giúp, để quen miệng cúng vái kỹ hơn. Trả công cho anh ta cũng phải một con gà cồ luộc chín tréo cổ lớn nhất và bánh trái. Với nhà từ trung nông trở lên, có ruộng lúa dồi dào thì hàng năm cúng lệ phải mời thầy pháp. Thầy pháp tại địa phương ít nên người ta phải đi rước thỉnh thầy pháp ở các xã dưới từ ba bốn ngày trước. Chiều ngày 17 tháng 3 các thầy đã đủ mặt, mang theo gươm gỗ, cung tên, khăn ấn, mõ, còi... Lại có vài ba người nhà đi theo mỗi thầy, để chiều ngày mai còn gánh lễ vật gà vịt bánh trái của các chủ nhà trả công đem về. Có lúc thiếu thầy pháp, lễ cúng phải lần lượt khởi đầu từ giữa tý, tức 12 giờ khuya. Ai mời rước trước cúng trước, ai mời rước sau cúng sau.
- Nhà nghèo cúng lệ: Ngày ấy mời thầy pháp cúng lệ Bà Hậu Thổ phải tốn kém lắm, cho nên nhà quá nghèo thì tự trưng bày lễ vật rồi đứng cúng. Nếu vái cầu không đúng không đủ cũng không sao, bởi trong dân gian có câu “Vô sư vô sách, thánh thần bất chấp bất trách”. Chỉ có điều người ta truyền miệng với nhau rằng, nhà nào cúng lệ qua loa không có thầy pháp chủ trì thì làm ăn không giàu lên được. Nhà nghèo vừa vừa thường mời anh thầy cúng. Ngoài những vị thầy pháp học hành “chánh quy” ra, còn có những ông thầy cúng ăn theo, tức là học nghề thầy pháp nửa chừng, hay các anh xác đồng đi theo hành nghề với thầy pháp thường xuyên, hiểu biết đại khái khoa nghi cúng đất. Mời rước các anh này cúng, tiền công sẽ nhẹ hơn.Giới thầy cúng khi đứng trước lễ đàn van vái, miệng đọc tụng cũng giòn tan gần kịp thầy pháp, mời thỉnh đủ cả thánh thần ma quái về tham dự. Chỉ có điều là không dám xưng pháp hiệu, không dám bắt chước thầy pháp dùng hai tay bắt ấn Ngũ Lôi hay ấn Quế Tích khi xua đuổi tà quái. Không mang khăn ấn trên vai và mang cung kiếm, không đi bộ tam tài hay đứng bộ đinh. Do vậy lễ vật tạ cho thầy cúng đơn giản bình thường. Theo thông lệ, con gà cồ nào luộc tréo cổ đặt trên bàn to nhất là của thầy cúng. Để cho dễ nhận ra và ngầm báo trước với gia chủ, khi cầm hương van vái vừa xong, thầy cúng đảo mắt trên bàn thấy con gà nào to nhất, liền cắm cây hương lên lưng con gà ấy. Đó là phần của thầy cúng mang về nhà cho vợ con.
Nhà nghèo vừa, trần thiết lễ cúng như sau:
- Đặt ngoài sân một cái bàn kê cao chân làm bàn Bà Hậu Thổ, sắp lên từ 3 đến 5 con gà luộc tréo cổ, trên lưng mỗi con bỏ một dúm muối hột. Ngoài ra còn có hoa quả, đèn nhang, rượu trà, vàng mã...
- Bên trái đặt một cái bàn nhỏ thấp hơn bàn Bà, đặt tên là bàn ông Chúa (Cọp chúa). Nếu năm nào khấm khá thì cúng ông Chúa cái đầu heo, năm nào nghèo thì cúng con gà luộc.
- Bên phải là bàn Ngũ Phương thấp hơn bàn Bà, gồm có gia đình chúa quái tức chúa Ngung Đào Lương Bang (người Hời), Man Nương Nguyễn Thị Thúc (người Thượng) và con trai là cậu Hai Nguyễn Lương, Thổ Địa, Thổ Chủ... Đặt lên 5 con gà cồ giò luộc chín tréo cổ, trầu cau, thuốc lá, rượu, vàng mã và hai hình người thế (vẽ trên giấy) một nam một nữ, thường được thầy cúng, thầy pháp đặt tên là Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Thị Hạ, đó là 2 người thế mạng theo phục dịch hầu hạ các thần Ngũ Phương. Trên bàn Ngũ Phương luôn luôn phải có một bộ tam sênh biểu tượng là 2 trứng vịt luộc, 2 con cua biển (nếu đường xa không đi chợ mua được thì thay thế bằng 2 con cua đồng - loại cua sen to nhất) và 2 cục thịt ba chỉ, gọi tắt là que, hột, tợ.
- Ở dưới bàn liệt phải trải 2 chiếc chiếu, nếu nhà nghèo chỉ có 1 chiếc thì đặt giữa chiếu một đường bẹ chuối ngăn hai, tượng trưng là 2 chiếc chiếu liệt. Một bên cúng đám cô hồn hiền hậu, già cả ốm yếu, trẻ thơ, tàn tật. Một bên cúng cho đám cô hồn thuộc loại mặt rằn đầu gấu, loại du côn bợm bãi đàn anh đàn chị... Lễ vật dưới 2 chiếu liệt trần thiết giống nhau, như cơm canh đồ xào, gỏi cá, chè xôi, thịt gà... Ngoài ra còn phải có hai tô cháo nhão, để đám cô hồn già cả ăn không được thì uống nước cháo. Hai bên ngoài chiếu liệt đặt hai chậu nước trong và nhiều chiếc gáo dừa, để các âm linh ăn xong thì dùng gáo múc nước uống.
Khi cúng lệ, thầy cúng có mời đủ cả đám ma Chiêm, ma Hời, ma Mọi, ma Rợ, ma Hú… là lớp dân tiền bối. Để cúng cho các ma này, ở dưới chiếu liệt phải có rau luộc, mắm nêm, mắm ruốc, mắm bằm, cá tràu thui hay cá nướng, gỏi. Thầy cúng đứng vái giòn tan, chủ nhà thì thụp quỳ lạy rất thành kính. Sau ba tuần rót rượu, lễ cúng chấm dứt bằng nghi đốt vàng mã, thầy cúng hú lên ba tiếng ở ba hướng trước nhà rồi vãi tung gạo muối cho cô hồn nhận lãnh.
- Nhà giàu cúng lệ: Nhà giàu có nhiều ruộng đất thường mời pháp sư cúng lệ, bởi hai lý do:
Một là: Thần thánh, dây mơ rễ má, tay chân của Bà Hậu Thổ rất đông. Lễ cúng đất mà mời thiếu các vị thần thánh các đẳng nhang dàng thì sẽ bị họ quở trách, làm ăn không giàu có. Người dân bình thường không biết ngõ để mời, phải nhờ thầy pháp mời mới linh nghiệm.
Hai là: Ở cõi âm cũng có đám cô hồn du thủ du thực, lăn dưa đá cà, mặt rằn đầu gấu. Khi nghe gia chủ đốt hương đèn cúng bái mời mọc thì chúng đến ăn, chúng ỷ mạnh hung hăng, hà hiếp cô hồn già cả, ốm yếu, trẻ thơ để giành ăn hết. Ăn xong rồi không chịu đi, cứ ở lì trong vườn nhà gia chủ để quậy phá. Do vậy phải có thầy pháp chủ trì lễ cúng, sau khi ăn xong, thầy pháp sẽ “ra oai thần võ” mà đuổi chúng đi xa.
Nếu nhà nào đáo hạn làm đơn vay đất lại (tá thổ) thì cũng phải nhờ thầy pháp. Lớp nhà nghèo không thể nhờ thầy pháp đứng ra trung gian để làm đơn vay đất của Bà Hậu Thổ, chỉ xin bằng miệng trong lễ cúng. Dù Bà Hậu Thổ có cho hay không cho cũng cứ việc ở lỳ, bởi vì con dân nghèo khổ chỉ còn biết: “Nhất lý, nhì lỳ, thứ ba liều mạng”.
Thầy pháp khi cúng không viết văn sớ, chỉ học thuộc lòng, khi cúng thì đọc tràng giang đại hải theo điệu vè hoặc tụng theo lối vãn hay chầu văn, ngắt câu bằng tiếng mõ. Giọng thầy tán tụng có giọng âm giọng dương, giọng trầm giọng bổng. Khi vỗ khăn ấn đuổi tà ma thì hô hét trợn mắt phùng mang, vẻ mặt lúc này rất cứng rắn hung dữ.
- Cách thiết đặt bàn ghế trong lễ cúng lệ có thầy pháp : Nhà xây cửa về hướng nam thì bàn Bà Hậu Thổ đặt ở đầu sân phía trên cao nhất (tức là nhà dù xây ở bất cứ hướng nào, lễ đàn vẫn phải lập ở đầu sân phía trái, tính từ ngoài đi vô). Bà Hậu Thổ có hiệu là Thừa Thiên Hoàng Hậu Vạn Phước (hay Diệu Tú) Phu Nhân Tôn Thần, hiểu nôm na là Bà Vợ của ông Vua Trời hay Bà Chúa Đất. Trên bàn Bà Hậu Thổ có dâng lên 3 con gà cồ giò tréo cổ luộc chín và hương đăng, trà quả, giấy vàng mã. Có nhà dâng cúng 5 con gà.
Bàn thấp hơn đặt phía trước bàn Bà vài ba tấc gọi là bàn Hội Đồng, gồm các vị thần nhỏ hơn Bà Hậu Thổ như: Ngũ Hành Ngũ Tinh Thần Nữ Nương Nương, Thái Giám Bạch Mã, Hành Khiển, Hành Binh, Hành Ôn, Thành Hoàng Thổ Địa, Tư Hỏa Táo Quân v.v... Bàn này cúng 5 con gà giò tréo cổ, trầu cau, rượu, trà, hương đèn.
Phía bên phải của bàn Hội Đồng, cách 7 - 8 tấc là bàn Tổ sư của thầy pháp, dâng cúng 5 con gà giò luộc chín to nhất và bánh trái, chè xôi. Phẩm vật cúng tại bàn Tổ sư Thái Thượng sẽ giao hết cho thầy pháp mang về nhà, “phính pháng” cho đám âm binh. Bởi vì đám âm binh theo trợ đàn cho thầy không được mời vào ngồi cỗ với đám cô hồn dưới chiếu liệt, mà chỉ có bổn phận giữ an ninh trật tự. Do vậy phải có của lễ riêng giao cho thầy mang về nhà khao chúng. Nếu không chúng sẽ quậy phá.
Bên trái bàn Hội Đồng (từ trước bàn nhìn vô) có đặt 2 cái bàn ngang nhau, một là bàn ông Sơn Lâm Chúa Tướng (ông Cọp), cúng một cái đầu heo, hai là bàn Chúa Quái gồm có chúa Ngung và Man Nương cùng con trai là Cậu Hai Nguyễn Lương. Bàn Chúa Quái cúng 5 con gà giò tréo cổ, một bộ tam sênh gồm có 2 trứng vịt luộc, 2 con cua biển, 1 cục thịt ba chỉ to bằng cổ tay, tất cả đều luộc chín, thuốc hút, trầu cau... Nếu nhà nào có làm heo thì phải thêm một dĩa lòng và một khổ thịt ba chỉ bằng nửa ký. Trường hợp này bàn Tổ sư cũng phải có 1 dĩa lòng thật đầy và một khổ thịt đùi 1 ký. Thầy bảo phần thịt này vọng tạ tiên sư (sư phụ).
Dưới đất trải 2 chiếc chiếu liệt trước bàn Hội Đồng, bên trái dành cho đám cô hồn các đẳng bợm bãi, bên phải dành cho đám cô hồn lương thiện. Ai ngồi sai đã có viên tướng đầu sỏ và đám âm binh của pháp sư điều hành. Hai chiếu liệt phải dâng cúng lễ vật thật nhiều, các món xào nấu y theo lễ cúng đám giỗ, sắp món phẩm vật hai bên phải y nhau. Lại có 2 chén gạo và muối, 2 tô cháo nhão.
Thời đó lễ cúng lệ luôn luôn có bánh cúng. Dùng nếp gói bằng lá chuối, to bằng ngón tay cái. Hai chiếu liệt phải sắp bánh cúng thật nhiều, có ý rằng sau khi cô hồn các đẳng ăn xong, sẽ mang thêm bánh theo ăn tiếp, hay cho lại những cô hồn què dẹo không đi đến được lễ đàn. Hai bên chiếu liệt có khá nhiều đũa tre, hai chậu nước và nhiều cái gáo dừa, ca múc nước.
Trong lễ cúng, pháp sư mời hết đám ma dân tộc thiểu số như ma Hời, ma Mọi, ma Rợ, ma Chợ, ma Rú, do đó phải có thêm lễ vật khác nhau rau luộc, ốc bươu luộc, cá nướng, cá thui, mắm nêm, mắm ruốc cho họ dùng.
Tất cả các bàn và chiếu liệt đều có vàng mã, trầu cau, trà rượu. Riêng bàn Bà Hậu Thổ có bộ đồ cúng Bà bằng vải gấm vải lụa, tượng trưng bằng khổ giấy lớn. Bàn Chúa Quái, Ngũ Phương, Man Nương có thêm hai hình người thế, một nam một nữ. Hai hình này vẽ trên giấy, sau khi được pháp sư làm phép khai quang điểm nhãn sẽ theo hầu hạ thần Ngũ Phương và gia đình Chúa Quái.
Tại bàn Chúa Ngung, Man Nương, Cậu Hai Nguyễn Lương còn bày các thứ như chà dắc, gùi, ống điếu, ché hay lu là những vật dụng biểu tượng cho người Chăm và người Thượng.
- Lễ phục và binh khí của thầy pháp trong lễ đàn:
Pháp sư đầu đội khăn đóng, cắm xiên qua khăn đóng trước trán 3 cây hương. Mặc áo dài đen, thắt lưng bằng khổ vải đỏ, trên vai mang khăn ấn. Ống quần cột bó sát vào chân để khi dẫn xuất tiến lui qua lại khỏi vấp té.
Khăn ấn là một khổ vải màu vàng rộng khoảng 8 tấc, dài khoảng 1,5 mét, trên mặt vải vẽ chi chít mấy chục đạo bùa như bùa đuổi đánh ma quỉ, bùa chữa bệnh, bùa công phú thành trì, bùa chống đỡ đạn tên v.v... Tấm vải bùa được xếp gọn lại thành một khổ bằng 1 tấc, gọi là khăn ấn.
Muốn vỗ khăn ấn nổ to như tiếng pháo chuột, cũng phải có nghệ thuật tập luyện. Ma quái nghe tiếng nổ ấy kinh sợ chạy trốn.
- Cách vỗ khăn ấn:
Tay nắm một đầu khăn ấn đưa mạnh thẳng tay lên thật nhanh, rồi giật thật mạnh liền xuống trong chớp mắt, thì khăn sẽ phát ra tiếng “bật bật”. Khi vỗ khăn ấn, miệng pháp sư la hét bằng câu thần chú và tay kia bắt ấn Quế Tích để khu trừ ma quái.
Trước lễ đàn cúng đất, pháp sư mang thanh “bảo kiếm” bên lưng, được làm bằng gỗ sơn màu vàng đỏ. Công dụng của thanh gươm này là để chém tà ma. Vai mang cây “thần cung xạ quái” làm bằng tre, dây cung bện bằng dây chuối hột, cái ống tre đựng 5 cây tên tre gọi là “Du ngũ tiễn”. Nhưng khi đứng trước lễ đàn hô hát, pháp sư lại nói cho đám ma quái biết rằng: tên hơn 5 khối sắt, cung dây nặng 7 cân đồng, 5 cái tên ở núi Du Phong, xem hiệu nọ là Du Ngũ Tiễn.
Trên cổ thầy mang một sợi dây vải, một đầu cột vào cái còi làm bằng chót sừng trâu có đục thông lỗ. Khi khởi lễ đàn pháp sư sẽ thổi còi lên, âm thanh nghe khá huyền bí. Một đầu dây kia cột vào cái mõ làm bằng lõi gỗ cây mít, to bằng ngón chân cái và kèm theo cái dùi. Khi đọc vè hay tụng kinh, hoặc mời thỉnh thánh thần cô hồn, thầy sẽ gõ mõ hòa theo để ngắt câu.
Với cách phục sức, mang theo binh khí và pháp khí ấy, xem ra vị pháp sư đứng trước lễ đàn cũng thật “oai phong lẫm lẫm sát khí đằng đằng”, làm sao lũ yêu quái không sợ cho được!
- Thế đứng và cách di chuyển đôi chân của pháp sư trước lễ đàn:
Thầy pháp khi ra trước lễ đàn không phải đứng hay quỳ một chỗ như thầy chùa mà luôn có những động tác tiến lui qua lại đầy tính nghệ thuật. Các động tác đó là đứng chữ đinh (giống chữ T), bước bộ tam tài xàng qua xàng lại, đi xạ quái (bắn yêu quái) bằng bộ ất (giống chữ Z)… Khi di chuyển qua lại lui tới, từ thế chữ đinh chuyển qua bộ tam tài, hai chân cũng khép lại đứng thành chữ đinh như sau:
- Nếu muốn xàng qua trái thì chân trái (đang đứng bộ đinh) nhón gót lên cách mặt đất chừng 1 phân, ngón chân cái vẫn chấm đất, rồi đưa đầu ngón chân cái ra phía trước, lại đưa bàn chân qua bên trái chừng 1 bước (cũng đầu ngón chân cái chạm vào đất, gót chân cách đất một phân). Chân trái đứng trụ lại, đoạn rút chân phải theo và khép lại thành bộ đinh. Các động tác này phải làm liền theo trong chớp mắt, nếu làm chậm chạp pháp sư sẽ bị mọi người chê là còn yếu tay nghề. Hay bước qua bên phải, thì dùng bàn chân phải, cũng với các động tác như thế.
- Nếu muốn xàng tiến ra trước, thì bàn chân tiến phía trái hay phải tùy ý. Khi bàn chân đưa ra phía trước rồi, liền kéo lếch ngón chân cái ấy dang ra và chồm về phía trước rồi đứng lại. Bàn chân sau kéo theo và cũng ghép vào bộ đinh. Hoặc lui ra sau, liền đưa bàn chân ra trước đã rồi mới kéo dang lùi ra đằng sau và chân kia cũng kéo lùi ra sau khép vào đứng thành bộ đinh.
Năm nào cúng đất cũng phải xạ quái (tức bắn cung tên xua đuổi loại yêu quái hung dữ đi nơi khác).
Trong cả khoa nghi cúng tá thổ, nghi xạ quái bắn cung tên là ấn tượng nhất. Khi xạ quái thì đi vòng vòng trước lễ đàn theo bộ ất. Cách đi như sau:
Vừa đi vừa hát, hai chân bước chéo qua chéo lại, bước ngắn mà chậm chạp. Khi bước đi, hai tay cầm cái cung lắp mũi tên vào, với tư thế chuẩn bị xạ quái. Vừa đi vòng vòng trước lễ đàn theo bộ ất vừa hô hát bài: “Sắc Tiễn Vương đại tướng”.
Bài kinh văn hát này khá dài, thầy đọc tụng cũng có giọng âm giọng dương khá êm tai. Khi tụng gần hết chỉ còn 5 - 7 câu thì thầy đi vô lễ đàn cũng bằng bộ ất, nhưng cung tên không dương thẳng vô các bàn lễ mà dương né qua một bên. Đoạn thầy quay ra, vừa đọc đến câu “Cẩn thỉnh nam phương lôi bộ lôi bộ” tức thì thầy không bước theo bộ ất nữa, mà ráp hai bàn chân vào bộ đinh đi ra hướng nam. Liền đó dương cung tiến tới bằng cách bàn chân trước lếch thẳng hướng các ngón tới trước, còn bàn chân sau đặt ngang, cũng lếch liền theo từng nhịp bước để lúc nào hai bàn chân chạm nhau cũng ghép đúng vào chữ đinh. Khi đúng điểm đứng bắn rồi thì bước sau của bàn chân sau không lếch tới nữa, lúc này hai bàn chân cách nhau một bước. Bấy giờ thầy xuống bộ đinh tấn y theo thế võ cổ truyền Bình Định. Đọc vừa dứt 4 từ “lôi bộ lôi bộ” thì các học trò đồng thanh hét to: Xạ! (bắn). Pháp sư liền bắn mũi tên bay vút vào không trung theo hướng đó. Rồi thầy cũng ca kệ vài câu, xàng lui lại theo bộ tam tài vào lễ đàn và tiếp tục đọc câu “Cẩn thỉnh đông phương lôi bộ lôi bộ”, tiến ra hướng đông y theo điệu bộ đi đứng như để xạ quái hướng đó. Cứ thế làm tiếp tục cho đến hết các phương.
- Đơn tá thổ:
Theo Hán tự, tá có nghĩa là vay mượn. Nội dung đơn tá thổ tức giấy vay mượn đất tùy theo sự cam kết giữa gia chủ với Bà Hậu Thổ và gia đình Chúa Ngung Man Nương. Nếu vay mượn đất trong thời hạn 3 năm hoặc 5, 6 năm, khi đáo hạn phải làm đơn vay cúng lại trong dịp lễ cúng đất. Thời gian vay lâu thì tiền bạc (vàng mã) trả nhiều, lễ vật heo gà phải cúng lớn. Thời gian vay ngắn thì trả vàng mã lễ vật ít lại. Thường dân làng chỉ làm đơn vay 3 năm đáo lệ.
Bản khế ước Tá Thổ do pháp sư viết sẵn mang theo, khi đến phần làm giấy mượn đất, thì các thần như Bà Hậu Thổ, Hành Khẩn, Thổ Địa, gia đình Chúa Ngung, Man Nương lần lượt nhập vào anh xác đồng xưng danh hiệu, phần Cậu Hai Nguyễn Lương cứ đòi “ca lắc” (tức uống rượu) liên tục. Pháp sư ngồi hoặc đứng đọc tờ khế ước này, sau đó yêu cầu tất cả 6 vị thần, chúa quái ấy ký tên lăn tay vào. Đến lượt ai được thầy pháp mời thì nhập vào xác mà ký nhận.
Xong công đoạn này, pháp sư lấy tờ khế đặt lên bàn Chúa Ngung, bàn Hội Đồng rồi dâng lên bàn Bà Hậu Thổ, sau đó giao cho gia chủ đem cất kỹ. Đáo hạn 3 năm làm giấy lại sẽ đem ra lễ đàn đốt bỏ và nhận tiếp tờ khế mới.
Bản văn tá thổ sau đây sưu tầm được tại nhà ông Võ Đệ, làng Đồng Thân, xã Ninh Thượng, Ninh Hòa.
KHẾ ƯỚC TÁ THỔ VĂN
Linh Bảo Bắc Đế lập đàn khánh trạch ếm trấn linh phù, kỳ an khánh trạch pháp đàn.
Việt Nam quốc Ô Châu xứ, Vị Hà phủ, Đà La huyện, Bố Châu tổng, Nam Chiêm bản địa. Tiền truyền lão thổ Đào Lương Bang, phu nhân Man Nương Nguyễn Thị Thúc, Ngũ Phương Thần chúa thổ đẳng.
Vi văn lập khế tá thổ sự duyên:
Kim hữu thổ trạch nhất khoảnh, tọa lạc tại Đồng Thân xứ. Đông cận Thanh Long, tây cận Bạch Hổ, nam cận Châu Tước, bắc cận Thuyền Vũ. Đông tây tứ cận y như khế, nội hứa tá thổ trạch ư dương thế.
Việt Nam quốc, Khánh Hòa tỉnh, Ninh Hòa phủ, Tân Định huyện, Thân Thượng tổng, Đồng Thân xã, Kim Vi (vì):
Trạch chủ Võ Đệ phu thê đồng ưng tá thổ thử tạm niên, trị giá hoàn kim ngân tài đẳng vật các khoản, cụ túc nhận lãnh. Dĩ ngật đông phương Bà La Vương, tây phương Bà Ninh Vương, nam phương Bà Ma Vương, bắc phương Ma Ni Vương, trung ương Già Tăng Vương, ngũ phương Chúa Ngung Đại Thần, lập dịch hạ tự gia văn khế. Lãnh thủ kim ngân phủ hoàn phụ thổ giao lai vĩnh vi dĩ thổ, cấu lập gia đường an cư lạc nghiệp, hòa cốc phong đăng, điềm tàm hưng vượng, ngưu kê thạch mậu, tử tôn miêu duệ.
Nhược hậu nhật, nhất thiết đẳng thần gian tình phục ý, gia trạch bất an, pháp sư tức tấn Thượng Đế, sắc hạ điều luật trị tội.
Quốc hữu pháp hình, khế ước phân minh, giao lai trạch chủ chấp chiếu y khế.
Tuề thứ … niên... nguyệt nhật.
Chứng kiến nhị vị:
- Tả Xin Niên Hành Khiển
- Hữu Quan phủ Thổ Địa
Đồng vi chứng:
- Thái Tử Nguyễn Lương áp chỉ
- Chúa Ngung Đào Lương Bang áp chỉ
- Thổ Thị Man Nương Nguyễn Thị Thúc áp chỉ
- Hậu Thổ Nương Nương áp chỉ
(Pháp sư đóng dấu ấn)
Tạm dịch:
Giấy mượn đất
Thần Bắc Đế hiệu Linh Bảo chứng cho lập đàn mừng nhà mới ếm trấn bùa linh, cầu an gia chủ.
Nước Việt Nam, xứ Ô Châu, phủ Vị Hà, huyện Đà La, tổng Bố Châu gốc đất là của Chiêm Thành. Nguyên những vị thần giữ đất này là khởi từ trước do Đào Lương Bang (chồng - người Chăm) vợ là Man Nương Nguyễn Thị Thúc (người Đê) cùng các thần trong 5 phương.
Nguyên do việc lập tờ khế này:
Nay có một khu viên gia tọa lạc tại... Đồng Thân xã, Thân Thượng tổng, đông giáp Thanh Long, tây giáp Bạch Hổ, nam giáp Châu Tước, bắc giáp Huyền Võ. Đông tây tứ cận y theo tờ khế, hứa cho người dương thế mượn.
Nước Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa, phủ Ninh Hòa, huyện Tân Định tổng... xã... Nay:
Vợ chồng tên Võ Đệ đồng ý mượn đất 3 năm, giá trị tính bằng vàng tiền (giấy vàng mã), giao nhận đủ giữa hai bên. Nguyên xưa đất này phía đông giáp đến Bà La Vương, phía tây là Bà Ni Vương, phía nam là Bà Ma Vương, phía bắc là Ma Ni Vương, ở giữa là Già Tăng Vương. Ngũ phương đại thần là chúa Ngung (tức Đào Lương Bang) đứng ra đại diện giao kèo tờ khế này. Nhận đủ vàng bạc rồi thì giao đất này lại cho người chủ mượn đất, để cất nhà cửa làm ăn, cày cấy, chăn nuôi, sanh con đẻ cháu...
Nếu ngày sau, các vị thần gian xảo lừa gạt đòi lại đất, gây chuyện bất an trong gia đình chủ nhà, thì pháp sư sẽ viết sớ tâu lên thiên đình, Thượng Đế sẽ giáng luật trị tội.
Nước có pháp hình, khế ước phân minh, giao lại cho chủ nhà chấp chiếu, y theo tờ khế ước.
Năm Quý Mão (1963) ngày... tháng... Hai vị chứng kiến là:
- Tả Kim Niên Hành Khiển
- Hữu Quan phủ Thổ Địa
Đồng làm chứng:
- Thái Tử Nguyễn Lương ký tên và lăn tay
- Chúa Ngung Đào Lương Bang ký tên và lăn tay
- Man Nương Nguyễn Thị Thúc ký tên và lăn tay
- Bà Hậu Thổ Nương Nương ký tên và lăn tay.
- Pháp sư đóng pháp ấn.
Bản khế ước tá thổ này có hai phần, phần đầu nói nguyên thủy xứ này là của Chàm ở xứ Ô Châu, phủ Vi Hà... đông tây tứ cận bằng việc hư cấu địa danh phong thủy như: Thanh Long, Châu Tước...
Phần hai nói đất này đã thành của Việt Nam, mượn lại của các vua Chàm có họ Bà và vua Đê là Ma Ni Vương, Già Tăng Vương.
Khi cúng, chủ nhà quì đội tờ khế ước trên đầu, pháp sư hò hét triệu mời chư vị thần về dự lễ đàn. Sau đó lá đơn được đặt lên bàn gia đình của Chúa Ngung, Man Nương, Nguyễn Lương. Anh xác đồng ngồi lúc lắc khi thì xưng Cậu Hai Nguyễn Lương, khi thì xưng Chúa Ngung Man Nương, luôn miệng đòi “ca lắc” tức uống rượu (tiếng Thượng). Sau đó cả nhà vị thần này (tức anh xác đồng) ký và lăn tay vào khế ước cho mượn đất. Cuối cùng tờ khế đặt lên bàn Bà Hậu Thổ lăn tay ký vào (cũng anh đồng ngồi lúc lắc xưng Bà Hậu Thổ nhập về ký vào).
Đơn này được gia chủ cất giữ đúng 3 năm, đáo hạn sẽ làm tại tờ tá thổ khác.
- Nghi thức lễ cúng đất:
Khởi đầu, trước lễ đàn pháp sư cầm cái còi sừng trâu thổi inh ỏi ba hồi dài, với chủ ý báo cho giới cõi âm biết rằng giờ cúng khởi sự. Thầy truyền cho viên tướng đầu sỏ phân bố âm binh bộ hạ theo trợ đàn, chia nhau gìn giữ an ninh ở bốn hướng quanh đàn tràng, các đệ tử tập sự cũng khăn đóng áo dài, thắt lưng bằng dải lụa đỏ đứng phía sau thầy, làm y theo mọi động tác của thầy.
Gia chủ lúc này đứng ngoài lễ đàn, pháp sư đứng hướng vào bàn Tổ vái:
Phụng thỉnh Thái Thượng Lão Quân Tổ Sư, cập chư tiên sư truyền thọ, thập nhị Tổ Sư kế tục: Chơn, An, Cẩn, Đức, Thông, Đạt, Lịnh Quang, Tín, Ân, Trung, Chánh. Cảm ứng chứng minh thỉnh đồng giáng hạ.
Hướng vào bàn Bà Hậu Thổ và bàn Hội Đồng, pháp sư đọc to:
Tuế thứ … niên, … nguyệt, …nhật
Khánh Hòa tỉnh, Ninh Hòa huyện, Đồng Thân thôn.
Kim trạch chủ Võ Đệ cẩn cáo: Kim niên thường lệ khao thổ nhất diên (nếu có làm đơn vay đất thì thầy đọc thêm là: cập, tá thổ), hiệp toàn gia nam nữ đại tửu đẳng cẩn cầu, hòa cốc phong đăng, tử tôn bình an miêu duệ...
Thầy gọi:
Trạch chủ tựu vị (rồi đánh lên ba hồi mõ).
Xướng:
Thiết lễ tam bái. Nhất bái ngưỡng khấu vu thiên, nhị bái hư vô chứng giám, tam bái nghênh thỉnh Ngũ Phương bản thổ thị chi thần, cập ngũ phương Chúa Ngung, Man Nương, Nguyễn Lương, ngũ phương thần quái thần quan, các nhất lễ tự lập chi nghi. Trạch chủ lễ nghênh tứ bái.
Thầy tự xưng:
Phục vị: Quyền tri bổn thổ, chức thống tam thiên, thị nhật lương thần, cầu chi tất ứng.
Tức vị:
Việt Nam quốc, …tỉnh, …huyện, …tổng, …xã, …thôn.
Cư phụng: Đạo bảo an, Kim vì trạch chủ Võ Đệ..., hiệp nội gia nam nữ đại tửu đẳng, cẩn dĩ Kim ngân thanh chước, thứ phẩm chi nghị tình chỉ kỳ ư kim niên quý xuân (tháng 3) tiết, cát nhật lương thần, kỳ nhương thổ lệ, thỉnh mệnh đạo lưu, tựu vu gia xứ. Ta thuyết:
- Cung thỉnh Thừa Thiên Hoàng Hậu Vạn Phước phu nhân chi thần, thỉnh đáo giáng lâm thỉnh đồng hiệp tọa.
- Kim niên Hành Khiển Hành Binh chi thần, thỉnh đáo giáng lâm thỉnh đồng hiệp tọa.
- Cung thỉnh Tả Thái giám Bạch Mã lợi Vật Quan... hiệp tọa.
- Cung thỉnh Hữu Thái giám Bạch Mã Lợi Vật Quan... hiệp tọa.
- Cung thỉnh Cao Cát Quảng Độ Đại Vương chi thần... hiệp tọa.
- Cung thỉnh Kim Tinh Nương Nương Thần Nữ chi thần... hiệp tọa.
- Cung thỉnh Mộc Tinh Thần Nữ chi thần... hiệp tọa.
- Cung thỉnh Thủy Tinh Thần Nữ chi thần... hiệp tọa.
- Cung thỉnh Hỏa Tinh Thần Nữ chi thần... hiệp tọa.
- Cung thỉnh Thổ Tinh Thần Nữ chi thần... hiệp tọa.
- Cung thỉnh Kim niên bản xứ Thành Hoàng xã lệnh, Thổ Địa Chính Thần...
- Cung thỉnh Đông Phương Trương Nguyên Bá Hủ Mộc chi tinh...
- Cung thỉnh Nam Phương Khắc Nguyên Đạt Hỏa Quan chi tinh...
- Cung thỉnh Tây Phương Triệu Công Minh Kim ngân chi tinh...
- Cung thỉnh Bắc Phương Sử Văn Nghiệp Vị thủy chi tinh...
- Cung thỉnh Trương Ương Lý Xử Chiêu thổ chi tinh...
- Cung thỉnh Chúa Ngung, Man Nương, Nguyễn Lương.
- Cung thỉnh Chúa Lồi Chúa Lạc, Sơn Xuyên cấm kỵ câu trận đằng xà, Thập nhị thời thần, phục thi cố khí, thổ mộc yêu tinh.
- Cung thỉnh kẻ cả chăng là, người sa trong nước, kẻ vào ở trước, khai khẩn đất đai, tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cư, Tiên sư tư mệnh Táo Quân, Thỉnh đáo giáng lân thỉnh đồng hiệp tọa.
- Cung thỉnh Thổ kỳ, Thổ chủ, Thổ phủ long thần... hiệp tọa.
- Cung thỉnh Thổ trọng, Thổ khanh, Thổ mạch, Thổ mẫu, Thổ gia, quyến thuộc...
- Cung thỉnh Nội gia Viên kỳ, địa trạch ngũ phương, ngũ quỷ thần quan.
- Cung thỉnh Ngoại gia Viên kỳ, địa trạch ngũ phương, ngũ quỷ thần quan.
- Cung thỉnh Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền châu tước, hậu huyền võ.
- Cung thỉnh Thượng tuần thuyền, trung tuần thuyền, hạ tuần thuyền.
- Cung thỉnh Cao Cao chi tổ, hạ cập viễn viễn chi tông, bá thúc đệ huynh cô di tỷ muội, đăng chư hương hồn.
Thầy lại mời nội gia viên trạch, ngoại gia viên trạch, chúa tai chúa quái, niên hình nguyệt hại, quỷ mỵ bất trường, khắp hết chư phương, dương thần gia trạch đồng lai hiệp tọa.
Thầy lại mời nội gia viên trạch, ngoại gia viên trạch, âm hồn cô hồn, hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, thương vong lỗi lạc, nhất thiết chư vị âm thần, đồng lai hiệp tọa.
Thầy lại mời ma Chiêm ma Chợ ma Mọi ma Rợ hữu danh vô vị, hữu vị vô danh đồng lai hiệp tọa.
Cung thỉnh tiên đáo tiên tọa, hậu đáo hậu tọa, cao giả tọa thượng, thứ giả tọa trung, ty giả tọa hạ, tọa giả định vị.
- Phù tán: Tức là tán tụng những lễ vật dâng lên bằng câu vè mỗi câu 4 chữ, đọc ê a theo lối đọc và dân gian, cuối mỗi câu ngắt ngang bằng tiếng mõ. Thầy pháp nào có giọng thanh ấm, đọc cho diễn cảm, sẽ dễ chinh phục chủ gia và người nghe. Cuối lễ cúng, gia chủ sẽ trả công cho thầy đậm. Ở trình độ cao hơn, thầy pháp phải biết Hát Xà Hát Mộc trong lễ cúng đất, mà thời đó chỉ có nhà giàu mới tổ chức nổi. Trong lễ đàn cúng đất có Hát Xà Hát Mộc, phải có 1 thầy chính và 2 thầy phụ.
Thầy cũng đứng bộ chân chữ đinh. Khi đọc vè, sau một bài thì xàng qua xàng lại như sau:
- Phù hương (đốt hương): Hương là của báu, ở Thất Bửu Sơn, có việc dương gian, lấy hương mà đốt, khói hương nghi ngút, quá tợ rồng bay, thấu đến phương tây, kỳ nam vật lạ, mùi hương thơm xạ, mới gọi rằng hương, thấu đến thập phương, thông tri tam phủ, tư hiến trạch chủ, sở nguyện tùng tâm, chư vị lai lâm, cầu chi tất ứng, mùi thơm lừng lựng, thấu đến thiên đình.
- Phù thủy (mời uống nước): Võ Vương thuở trước, khắp hết 9 châu, cả Tây Giang lầu, có Nam Hải thủy, có sắc Thượng Đế, cho xuống Long Vương, dâng nước 4 phương, chảy về 1 ngả, vạn dân thiên hạ, lợi vật lợi nhân, cúng tế chư thần, cây hương bát nước, đã lấy làm thước, lại lấy làm đầu.
- Phù tân lang (mời ăn trầu): Hùng Vương thuở ấy, Nam quốc nhi lai, một gái hai trai, ở Tây phương quận, kẻ sau người trước, biến hóa cả ra, cây xanh mướt mướt, lá cũng già già, đuôi phụng nở ra, đầu rìu hợp lại, Hùng Vương ăn phải, mặt đỏ hây hây, hòa thơm hòa cay, hòa ngon hòa ngọt, má đào tươi tốt, môi hạnh vẻ vang, tên đặt Tân Lang, thế gian ưa chuộng, tiên đồng hái xuống, ngọc nữ dâng lên, để mà mời khuyên, dùng trong các việc, đặt làm bàn tiệc, phép có trầu cau.
- Phù tửu (mời uống rượu): Rượu là mỹ tửu, ở chốn thượng thiên, bốc thuốc thần tiên, Tiên Bà Vương Mẫu, Tiên Ông dạy nấu, tiêu tửu để dành, Bàn Đào hội cả, xưa Tôn Hành Giả, lấy trộm đem về, trăm thứ mỹ vị, ở trong rượu ấy, truyền để dân ta, Thái Tông làm ra, cho Võ Nương uống, quan yêu dân chuộng, trăm việc đều dùng, yến ẩm tiệc tùng, quân thần hỉ hạ, tam bôi chúc tạ, giữ miễn tiêu sầu, tiên ông một bầu, sống lâu ngàn tuổi, đời đời truyền nối, đơm tế chưng thường, rượu rót ba tuần, chứng cho trạch chủ, lễ tuy bất túc, tâm kỉnh hữu dư, khả dĩ đoạn trừ, khả dĩ quý tế, chư vị nạp lễ, giáng phước độ sanh, trạch chủ kiền thành, tấn thân sở kiến.
- Phù gỏi cá: Miệng phun nước bạc, đuôi phất cờ vàng, ba tiếng sấm vang, về chầu thủy giới, ba đào hải đới, lưới gặp ngư ông, bắt được đem dâng, làm món gỏi cá.
- Phù trư (mời ăn thịt heo): Vốn sanh Hán Quốc, dưỡng dục Liêu gia, tịch tịch dạ hoa, triêu triêu ngọc tỉnh, Kim quốc sở định, Di vực lai du, lễ tác Xuân Thu, Trần Bình tể nhục, đồ nhi thành thục, Y Doãn tác phân, dĩ tế tôn thần, nguyện kỳ nạp lễ, huyết nhục can phủ, ngũ tạng bào lòng, vốn xưa đã dùng, lấy mà đem tế, đời đời truyền để, cứu trợ thế gian, chừ cũng độ sanh, chừ cũng độ tử, đến khi có sự, đem tế quỉ thần, trạch chủ kiềm thành, cúc cung hiến lễ.
- Phù kê giả (mời ăn gà): Nhớ thuở xưa Đế Thuấn Công Canh, tưởng ngày nọ Thần Nông trồng trọt, toàn gia phú túc, vạn sự thạnh bình, trạch chủ kiền thành, tấn thân á hiến.
Đầu đội Kim Quang, chân đeo cựa sắt, mình bận thất tinh, đêm chưa qua canh, gáy lên một tiếng, giả làm trời sáng, cứu mạnh thường quân, thế gian khi cần, dâng lên cúng tế, thành tâm nạp lễ, cung kiến thành thần.