Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có chàng Cuội già ôm một khối mơ…
Cuội ơi ta nói Cuội nghe
Ở trên trăng mãi làm chi…
Có con dế mèn
Hát trong đêm thâu
Hát sẩm không tiền
Thân nghèo xác xơ …
(Một bài hát khoảng 60-70 năm trước)
Bây giờ thì hai người đã rũ được mối bấn bíu cũ về một tình yêu không có lối thoát. Hai anh chị, một già một trẻ, đúng là như đôi đũa lệch so sao cho bằng, họ vẫn đùa vui với nhau như vậy khi họ đã đến với nhau, đậm đà gặp nhau và nhẹ nhõm gần nhau – mỗi ngày yêu là một ngày vui, người đàn ông nói thế – mỗi bước yêu là một bậc thang lên miền ngây ngất, người đàn bà nói thế – hai người thi nhau nói cứ như thể đang tranh hết công việc của các người có nghề làm thơ.
Sau rồi, những phút giây nhẹ nhõm cứ hiếm dần. Cuộc đời mỗi ngày diễn ra như những tiếng thở dài ngắt nhịp, người đàn ông nói thế – cuộc sống trôi đi bằng tổng số những bước đi phải rút khăn thấm nước mắt, người đàn bà bỗng chuyển sang Toán học lúc nào không ai hay biết. Mỗi ngày, của người đàn ông, cứ tích tụ mãi rồi cũng thành vô số ngày, làm sao mà nhẹ nhõm mãi cho được. Mỗi bước, của người đàn bà, cứ leo mãi rồi cũng mỏi cẳng, làm sao mà ngây ngất mãi cho được. Thế rồi, họ nhận ra là đã tới lúc hai người cần chia tay nhau thôi. Chia tay để giữ được những nét đẹp của cái niềm vui khi đang còn bầm dập yêu đương (cách nói của họ, không phải của người chép truyện), họ quyết định như thế và lý giải như thế – rành rành là những con người thời hậu hiện đại!
Đúng vào cái hôm họ ra quyết định chia tay thì người đàn bà đặt câu hỏi:
- Sau này, em và Cụ sẽ nhớ lại những ngày qua với nhau như thế nào nhỉ?
Câu hỏi không được đáp lại, vì người đàn ông trả lời như sau:
- Cám ơn em đã tìm ra được một cách xưng hô dùng cho chúng ta trong giai đoạn mới.
Người đàn bà nói:
- Em thề, từ nay không bao giờ yêu một người nào dù chỉ dính dáng một ly một leo đến thơ… Cụ hiểu chứ?
Người đàn ông nói:
- Cám ơn em đã có thái độ quyết liệt với thơ… Tôi hiểu, chứ sao lại không hiểu? Thơ khó tính lắm, khó chiều lắm…
*
Cho đến hôm nay, hai người ấy tức là vẫn “Cụ” ấy và “em” ấy, cũng tức là mối tình của hai người khi đã bước sang giai đoạn mới không còn say đắm như thuở nào, thì hai người bỗng tình cờ lại được ngồi với nhau trước cảnh lồng lộng trăng lên. Trăng treo bên trên Hồ Tây. Một chút mây hoặc chút khói sương môi trường ô nhiễm làm cho trăng có màu vàng vàng đùng đục, không trong xanh như bao giờ, nhưng cũng chẳng sao, vì trăng vẫn cứ là trăng.
Chưa kể là, người ta ngồi trước trăng không chỉ để nhìn trăng, mà để nhìn vào thẳm sâu ký ức của mình. Người ta không ngắm trăng, mà còn nhớ trăng.
Và trong cái nỗi nhớ trăng khi đứng trước trăng, được thấy trăng treo lơ lửng trên đầu là chàng ta lại xao xuyến. Xao xuyến thực sự ấy. Chàng không có cái xao xuyến của trẻ con được chiếc bánh trông trăng và được chiếc đèn có con thiềm thừ để chạy dưới trăng. Một cuộc sống khô khan khiến chàng ta không từng có một tuổi thơ như vậy. Chàng ta chưa từng được lẫm chẫm ì ạch chạy theo cây đèn cho tới khi ngọn nến tắt trong miệng con thiềm thừ. Nhưng đổi lại một tuổi thơ khắc khổ, chàng có cả một bầu trời cao cho cái khờ khạo của riêng mình để đón một ông trăng bao giờ cũng là của riêng mình. Sau này, và mãi mãi sau này, không suy suyển, bao giờ chàng cũng nghĩ đời mình thật hạnh phúc – cái hạnh phúc do mộng mơ và dại khờ đem lại.
Bây giờ thì chàng ta đã về già thật rồi. Vừa kéo ghế ngồi cùng nàng ở cái quán nước bên Hồ Tây thì chàng ta bỗng ngẩng mặt lên và khẽ nói “Trăng!”. Ngay lập tức, mấy câu thơ hiện lên…
Nàng đinh ninh trong dạ chắc hẳn là “Cụ” đang nghĩ mấy vần thơ cho mình. Nàng không biết rằng “Cụ” đang nhớ tới những câu thơ khác. Hôm đó có một cô giáo nào đó trong một cuộc đi chơi ở đâu đó đã nói với chàng như thế đó “anh làm bài thơ tặng em có ông trăng kia đi”. Chàng dừng lại nắm lấy tay cô giáo ấy, chàng nhắm mắt lại để nhìn cho rõ hơn một đôi mắt được chàng gửi trong một tứ thơ bất chợt, trăng thu nhè nhẹ lên đèn, ơi con mắt tròn bình yên… Người đàn bà dù có là một cô giáo mô phạm thì cũng vẫn nũng nịu như mọi người đàn bà: “Không đủ, trong bài thơ phải có cả tên em nữa kia!” Và chàng đã đọc tiếp để gửi phứa phựa được tên nàng vào thơ của mình “Trung thu linh thiêng, xa vời xa vời, tắt ngọn đèn trời, cất tiếng không lời…
Người đàn bà hỏi rằng: “sao lại tắt ngọn đèn trời…” Người đàn ông không nói. Thơ là thế, cứ luôn luôn chứa đựng những miền bí ẩn, mà thiếu chúng nhà thơ vẫn làm ra đủ những vần những điệu, chỉ không làm ra thơ mà thôi. “Sao lại tắt ngọn đèn trời … ?”
“Ờ, sao lại tắt ngọn đèn trời nhỉ?”
Người con gái đang cùng ngồi bên Hồ Tây lúc này với chàng ta vốn là người nhạy cảm, cái nhạy cảm đã khiến hai người đến với nhau và cũng cái nhạy cảm chia lìa kia, liền cất tiếng hỏi “… Cụ đang nghĩ đến người tình thứ mấy đó?” Chàng ta mỉm cười, nhắc lại cái câu thơ đã dẫn tới một câu hỏi bâng quơ hơn cả thơ “Ờ, sao lại tắt ngọn đèn trời em nhỉ?”
Cô gái này quá thông mình, nên đoán gì cũng đúng, chỉ có điều cô đoán đúng tới đâu cũng vẫn là đoán không thấu. Họ đã đến với nhau – mỗi ngày yêu là một ngày vui, mỗi bước yêu là một bậc thang lên miền ngây ngất – hai người đã đến với nhau như các người làm thơ vẫn đến với nhau. Nhưng rồi họ vẫn không thấu được nhau.
Điều gặng hỏi của cô gái làm cho ngay cả ông trăng treo lồng lộng bên trên Hồ Tây lúc này bỗng thành dung tục:
- Cụ vừa nghĩ đến người tình thứ mấy đó?
- Nghĩ gì đâu?
- Có nghĩ! Cụ cứ nói, em không tức đâu.
- Cứ cho là một người tình đầu tiên đi.
- Năm nào?
- Năm tròn sáu mươi tuổi.
- Thế thì làm sao lại có thể là “đầu tiên”? Trước đó đã lăn lóc chán chê, đầu tiên sao cho đặng!
- Đầu tiên mà…
- Cụ kể em nghe đi…
- Ờ … Tháng trước, cũng ở cái ghế này, tôi và nàng ấy cũng ngồi đây, và trăng trước rằm tháng Tám khi đó cũng chợt hiện ra trên đầu trước mặt như đêm nay…
*
Chàng ta như lạc vào một miền đất lạ nào đó, chàng ta không biết rằng mình đã không nhớ đến và không kể lại câu chuyện hồi xưa có ngọn đèn trời “linh thiêng” để gieo cho đúng vần có tên nàng…
Kể làm sao bây giờ nhỉ? Người mà chàng đang yêu đắm đuối lúc này, hôm nay, đưa tay ra là với được đây, vẫn đang là một mối tình đầu thực thụ. Đó là một cô gái tuổi cách chàng hơn hai phần tư thế kỷ. Nhưng thực sự đây là một cuộc tình đầu. Bao giờ chàng ta cũng run rẩy khi nghĩ tới em, và bao giờ chàng ta cũng mang một nỗi đau chung tình như nỗi đau hồn nhiên và chung tình của con Dế mèn đêm nào cũng ngồi hát ở nơi kín đáo góc buồng góc vườn góc ao góc trái tim ta …
Chàng ta ghi trong nhật ký hôm nay là ngày thứ sáu mươi tư ta đang nhớ đến em … đã sáu mươi tư ngày rồi kể từ lần gặp gỡ hôm ấy, những sáu mươi tư ngày một tình cờ đã làm hai bên gặp nhau, và ngày nào cũng như ngày nào, mỗi lần hai người rời cái nơi cùng làm việc ấy, chàng ta lại lẩm nhẩm câu thơ đã thành như là thơ của kẻ khác làm ra và lúc này chàng ta chỉ đang lầm nhầm nhớ lại … hạnh phúc phân vân … Chợt xa đã thấy mây vần trời xanh … Đã nghe nức nở nắng hanh … Chợt khuất lối nhỏ đã thành biệt ly …
Mỗi buổi chia tay ấy chàng ta đều thấy đó là một cuộc biệt ly chẳng biết khi nào còn hy vọng gặp lại, chàng ta đều thấy thật sự đau quặn lòng, đẫm nước mắt, không sao lý giải nổi vì sao chợt khuất lối nhỏ đã thành biệt ly …
Người con gái ấy nhỏ nhắn và nhỏ nhẹ, nhưng bên trong là cả một sức mạnh. Một thế lực đủ để chàng ta luôn luôn hãi sợ. Một nỗi sợ chỉ những người si tình mới biết gọi tên ra, rằng đó là nỗi sợ! Chàng sợ đụng vào em thì chút tình cảm mong manh vun vén lúc này sẽ vỡ tan, và đó sẽ là cơ hội cuối cùng chàng mất đi khi vẫn đang còn được mê mải sống trên cõi đời này…
Nàng đã gửi cho người tình si những dòng thế này.
Ngày …
Ta bắt đầu lây (quen?) từ Người cái cách nói năng với kẻ khác mà bao giờ cũng như nói với chính mình. Ta viết biết bao nhiêu lá thư và ta không gửi cho Người. Hỡi kẻ đàn ông ích kỷ kia ơi, Người có biết ai đang viết thư cho Người mà chẳng hề gửi đi?
Ngày …
Thế là hết rồi! Đêm đêm, ta bắt được Người trên mạng. Người làm gì trong khi ta đang mơ mộng? Người nhớ nhung ai trong khi ta nhớ nhung chính Người? Ngày xưa, những người yêu nhau có cản trở là đẳng cấp là giàu nghèo là quyền uy là bối cảnh. Thời nay có gì mà con người yêu nhau vẫn cắt chia nhau?
Ngày …
Người ấy hỏi Ta “em có thích đi chơi xem trăng trên Hồ Tây không?” Mình mỉm cười. Và Người ấy run run sợ hãi, lắp bắp, “em không thích thì thôi”. Ôi chao, ngần ấy tuổi mà vẫn như con nít, Người ấy vẫn không biết là Ta thèm khát được đi cùng Người. “Thôi, thôi, em không thích thì thôi”. Sau rồi, mình lại chở Người tới đúng chỗ Người muốn ta cùng tới. Trăng mùa thu bên Hồ Tây. Một thế kỷ trước, trăng ở chốn đây có như đêm nay? Nhiều thế kỷ trước, trăng ở đây có khác trăng đêm nay? Giản dị thế, nhưng sao Người lại run sợ?
Cái câu hỏi dung tục, cái câu hỏi dẫn tới đổ vỡ, lại vang lên bên tai:
- Em hỏi “Cụ” câu này. Khi yêu, “Cụ” yêu cái gì?
- Yêu à? … Yêu hử? … Sao lại yêu?
- Nói đi, “Cụ yêu cái gì?
- Yêu … có thể là cái bóng của mình trong kẻ khác.
- Nhưng cái bóng đó làm sao nguyên vẹn được như thật?
- Yêu … có lẽ là những cảnh hiện ra ở lối ngoặt lúc ta đi trong rừng…
- Có thật hay không có thật…?
- Cái gì có thật, cái gì không có thật? Mà có lẽ chính vì cuộc đời ấp úng như thế, nên mới có đổ vỡ, có ảo tưởng, có si mê, có chán chường, có đủ năm vị của quả lê, chua cay mặn chát ngọt bùi…
- Chua cay mặn chát ngọt bùi … đó là sáu vị…
- Năm tức là sáu. Sáu tức là năm.
- “Cụ” vừa mới ngụy biện nhé!
- Không hề. Như khi Ta được phản chiếu trong Kẻ Đó, ta có sáu mất một còn năm. Và có khi Ta có năm, bỗng dưng thêm một được sáu.
- Trăng kìa …
Trăng mùa thu như đã hiện ra để cứu họ khỏi sự bàn thảo nhạt nhẽo về tình yêu. Hai người ngồi im lặng ngẩng cao đầu nhìn trăng treo lơ lửng trên cái màn bảng lảng khói sương đầu mùa thu Hồ Tây.
Chẳng biết vì sao mùa thu hay có khói…
Có lần Nàng của ta đã vô tình (hay cố ý) nhắc lại một câu văn xuôi làm giả thơ đó. Bây giờ không có khói, chỉ có sương. Qua làn sương mỏng, trăng mùa thu chuyển sang mùa đông bao giờ cũng tỏ hơn mọi thời điểm khác.
Nàng lấy máy ảnh ra chụp. Nàng xoay quanh một cây liễu để lấy mấy cành mềm lê thê lơ thơ sẽ đổ một dáng lang thang lay lắt trên tấm hình có một bóng trăng như một ngọn đèn trong đêm đen ở bức hình kỹ thuật số.
Nàng không biết rằng cái vẻ hăm hở ghi hình vừa rồi đã khiến cho một người trong hai người hoàn toàn dứt bỏ được nhau.
Nàng vẫn hồn nhiên hỏi chàng:
- “Cụ” này! Có đúng là có một thời hình như chúng ta đã yêu nhau phải không nhỉ? Hay đó là ảo tưởng từ một trong hai phía?
- … cũng không biết chắc nữa…
Trả lời trực diện vào “thời hiện tại” bao giờ cũng khó. Chưa kể lúc này chàng ta lại còn đang mải nghĩ đên một mối tình đầu khác nữa sau cái vụ trăng mùa thu linh thiêng như con mắt tròn bình yên từ từ hiện lên ở chân trời.
*
Bấy giờ là một ngôi nhà và hai hàng bạch đàn. Đó là một thị xã ở biên giới và ở gần một vùng kinh tế mới. Hai người quyết định thuê một cái xe máy để chạy tám mươi cây số về thăm những con người ở một vùng kinh tế mới có tên là Dương Minh Châu.
Sáng sớm hôm ấy, lẽ ra hai người phải nổ máy xe và cho xe chạy, thì bữa đó em lại lắc đầu nói là mình không muốn đi nữa.
- Không nên đi anh ạ.
- Vì sao?
- Anh không chịu đựng nổi đâu.
- Chịu đựng gì?
- Nơi cha mẹ em đang làm kinh tế mới không đẹp như bài thơ anh tặng em đêm qua.
- “Em kể một lần rồi ta nhớ mãi … Có một ngôi nhà và hai hàng bạch đàn…”
- Hai hàng bạch đàn ấy là của nhà hàng xóm. Nhà đó ở quả đồi chênh chếch phía trước mặt. Em kể rồi, nhưng mà anh không chịu nhớ, anh ghép chúng vào cho thành ngôi nhà của em…
- Ôi, anh xin lỗi, anh không cố tình…
- Em hiểu, nhưng em yêu anh chính vì điều đó. Em yêu anh vì bao giờ anh cũng xa cái thực tại cuộc đời đen đúa. Cả bài thơ của anh chỉ có một câu đúng sự thật.
- Câu nào?
- Đố anh biết đấy!
- Em nói đi, câu nào đúng sự thật?
- “Chẳng nhớ ngôi nhà cùng người yêu dấu, chỉ nhớ đêm đêm núi biết khóc òa“. Một trái núi biết khóc và đang khóc.
- Anh viết thế thật à?
- Anh làm mọi việc hăm hở như trẻ con, rồi anh lại mau quên…
- Thật à?
- Nhưng em vẫn yêu anh, em yêu anh vì thế.
- Không, anh yêu em trước.
- Em yêu anh trước.
- Không thể. Anh nhớ, ngay khi gặp em, ý nghĩ đầu tiên là mình đã gặp người này ở đâu, từ khi nào… Hóa ra là một người trong mộng.
- Em yêu anh trước. Một gã đàn ông không có tuổi. Một quả lê ăn đủ năm mùi.
- Ồ, ý hay quá, rồi sẽ có lúc anh đặt ý tưởng đó vào một bài thơ nào đó. Quả lê ăn đủ năm mùi…
*
Chàng ta không nói gì, cũng không kể lại những điều vừa hiện ra trong óc, không thấy buồn cũng không thấy vui, chàng lẳng lặng nắm lấy bàn tay nàng.
Hai người ngồi im như thế rất lâu, nàng khẽ hát bằng tiếng nước ngoài Main dans la main … Tay cầm tay, tay trong tay … Hát đi hát lại. Chàng ngả người cắn khẽ vào vai nàng. Mặc dù đã chính thức cam kết chia tay.
Nàng lẳng lặng đẩy chàng ta ra. Nàng nói:
- Hôm qua cũng có một người cắn vào vai em như “Cụ” lúc này.
- Em thì rắc rối lắm! Một hôm nào đó, tôi sẽ viết một câu chuyện kể về người tình thứ nhiều lắm của em, khi tôi không còn ở đây nữa để giễu cợt em…
- Hai đứa chúng em đi chơi suốt ngày. Rạc cẳng, ngồi lại chụp bốn cái chân sóng soài. Rồi cũng ngồi chính cái chỗ này đêm nay em và “Cụ” ngồi.
- Thế hử? Thế mà tôi cứ nghĩ mình đến đây chỉ vì mình mang tâm sự riêng, mình muốn đến cái nơi mình lại đang giơ tay quờ quạng hạnh phúc…
- Nhưng nó cắn mạnh hơn “Cụ”. Nó bảo “Em yêu chị”. Và em để mặc cho nó cắn. Em thèm khát…
- Một mối tình đầu?
- Em không biết nữa. Em sợ là mình không bao giờ có được mối tình đầu cả.
- Em nhầm. Một đời người có vô số mối tình đầu. Với điều kiện định nghĩa lại mối tình đầu.
- Em vẫn thèm khát một mối tình đầu … đẹp như trong mộng.
- Cuộc sống thực không bao giờ “đẹp như trong mộng” hết, tôi nghĩ thế. Mối tình đầu là mối tình ta cho đi hết mình, chứ không phải là mối tình ta nhận được đầy đủ.
- Có lẽ vậy. Thôi, “thưa quý vị, cuộc trò chuyện lãng phí thời gian của chúng tôi đến đây là hết” … Anh cắn vào vai em đi. Cắn nhẹ cũng được… Thế… thế… thế… Ôi em yêu anh, mối tình đầu của em…
Cô nàng không biết là mình vừa vi phạm quy chế hai người đặt ra với nhau khi họ quyết định sẽ chia tay nhau, vì cô vừa chợt quên và đã gọi chàng ta là “Anh” thay vì gọi chàng ta bằng “Cụ”.
Dĩ nhiên là tiếng “Cụ” được đặt trong ngoặc kép./.