Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.081
123.164.162
 
Sông Rồng lắng sóng đất Thăng Long
Thanh Giang

Mỗi  mùa đông sang, trời phương Nam hơi lành lạnh, lạnh hơn chút nữa gọi là rét ngọt. Cái rét gợi niềm nhớ thương miền Bắc rét đậm mỗi mùa!

 

Nhớ ngày ấy… Mang tâm trạng buồn vui lẫn lộn, chúng tôi bước chân lên bến biển Sầm Sơn là đụng đầu ngay cái rét buốt mùa đông nơi xứ lạ. Vậy mà hãy còn ngu ngơ như là điếc không sợ súng. Bởi sau những ngày chịu bão biển bèo nhèo trong khoang tàu “Liên xô”, vừa  thấy hồ nước trong gần bên lán trại, chúng tôi mừng húm, rủ nhau bươn đi tắm liền. Lần đầu tiên trong đời anh bộ đội miền Nam mới biết thế nào là cái rét mùa đông trên đất Bắc. Ôi cha! Lạnh tím da, thấu xương! Răng đánh “bò cạp” lụp cụp. Rồi trong áo bông  lần đầu biết mặc, ấm nhanh lại mấy hồi. Lại còn lân la phụ bếp để được trò chuyện cùng mấy cô gái Bắc líu lo như chim. Con gái mà gọi nhau xưng hô cậu tớ, nghe thiệt ngộ! Mời các anh xơi chè, thấy màu nước đo đỏ trong ca tưởng đâu ăn chè ngọt, nào ngờ hớp ngụm nước vối đắng dội cổ. Nhưng vẫn cố ráng “ngậm nghe” (chớ nhổ ra mất lịch sự). Rồi thử nuốt từ từ, ai dè hậu ngọt cũng thiệt ngộ! Sau rồi quen, đâm ra thích nước vối mới kỳ đời !…

 

Buổi đầu bỡ ngỡ, được tiếp đón ân tình, chúng tôi cảm nhận ấm lòng mà quen nhanh cái rét lạ. Rồi lại thích rét để được ngồi bên bếp kiềng ba chân, chen chút những bàn tay con gái cùng hơ trên ngọn lửa thơm thơm mùi lá dương xỉ núi nổ lách bách vui tai… Ấy là lúc chúng tôi chuyển về đóng quân nhà dân vùng Hậu Lộc - Thanh Hóa. Cũng vừa lúc tết đến. Tết Ất Mùi - 1955. Cái tết đầu tiên xa quê hương miền Nam.

Nhiều năm kháng chiến xa nhà rồi đi tập kết luôn. Nay tết về trên đất Bắc mới càng nhớ nhà, nhớ má miền Nam nhiều hơn lên bội phần! Nếu ở doanh trại chắc là chúng tôi trùm mền nằm khóc! May thay, ở nhà dân, chúng tôi được nằm ổ rơm, hoặc tấm rơm bện thành nệm. Đời bộ đội chưa từng ngủ nệm, nằm nệm rơm càng nghe ấm áp tấm lòng miền Bắc, đùm bọc bộ đội miền Nam.

 

Bếp ăn đại đội đặt trong đình làng. Chúng tôi còn được dân mời tết ở nhà mình đóng quân. Câu đối: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưn xanh” từng nghe truyền miệng, giờ đây thích thú được ngắm vào khẩu vị. Lần đầu nếm bánh chưn, té ra cũng như bánh tét quê mình; có phần ngon hơn là mềm nhừ. Còn thịt mỡ thì thò đũa hơi ngại ngùng. Mẹ giục: “Ăn đi các con! Món nầy gọi là thịt đông, ăn với dưa hành đây!”. Rồi mẹ ân cần gắp bỏ vào chén cho các con. Giọng mẹ mới nghe hơi lạ tai, song âm điệu vẫn ngọt ngào tình mẹ. Đôi mắt mẹ hiền từ cùng hàm răng đen mun khẽ cười âu yếm. Xa má miền Nam, được gần mẹ miền Bắc. Miếng bánh chưn, miếng thịt mỡ dưa hành ngắm vào gan ruột đậm đà…

 

Rồi hai năm trôi qua, giặc thù âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, chà đạp hiệp định Genève, lê máy chém khắp đường làng, mở chiến dịch tố Cộng, trả thù kháng chiến cũ, tàn sát sinh linh đẫm máu ! Đau xé ruột gan, tôi viết lên nỗi niềm:

 

Máu chảy miền Nam mềm khúc ruột  

Trái tim Hà Nội thắt từng cơn

T rời Thăng  Long nắng Ba Đình lửa đốt

Mồ hôi giọt thao trường: ngày Bắc - đêm Nam!     

 

Một vinh hạnh nhớ đời, chúng tôi được triệu tập về Thủ đô Hà Nội, nuôi dưỡng  trong Thăng Long thành xưa. Ơi! Hạt gạo ân tình Đất Tổ, thấm đẫm hào khí Thăng Long hùng thiêng, cùng trí tuệ sĩ phu Bắc - Hà hun đúc, trang bị cho chúng tôi: Tình yêu và Chí lớn; Dũng khí và Tài hoa”…

 

Mùa đông năm 1961, tiếp theo những đoàn quân đi trước chúng tôi từ tạ Thủ đô Hà Nội thương yêu, vượt Trường Sơn dầm dề những cơn mưa thử thách, trở về chiến trường xưa. Tôi dấn thân vào nghiệp cầm súng - cầm bút từ độ ấy. Hồi nào thắc thẻo cái nỗi: ngày Bắc - đêm Nam, thì bây giờ, những bài viết mang hơi thở chiến trường cùng nỗi niềm ngày Nam - đêm Bắc ! :

 

Đêm đêm Bắc đẩu chong sao.

Bác Hồ chong mắt… trông vào miền Nam !

 

Trời Thủ đô Hà Nội mở biên độ mênh mông tấm lòng Bác Hồ nói lời thiết tha: “Miền Nam trong trái tim tôi !” Ôi! Cụm từ nỗi lòng của Bác lắng sâu hồn người, trở thành sức mạnh thiêng liêng cho cả dân tộc. Hiện thực vào thơ Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Núi rừng âm vang bước quân hành. Tiếp bước cấp số nhân những đoàn quân Nam tiến năm 1945, lớp lớp những chàng trai Thăng Long, những cô gái Bắc Hà… hợp từng đoàn từng đoàn nối nhau ra tiền tuyến. Mấy má miền Nam thương hết sức,  âu yếm gọi: “Mấy đứa Ba Sẵn Sàng”

 

Giặc Mỹ thua đau ơ  miền Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Đất Tổ bom rền! Trời Thăng Long đỏ lửa… Nơi chiến trường xa, chúng tôi nhức nhối trái tim đường ra trận! Tâm nguyện miền Bắc gọi - miền Nam trả lời!

 

Chiến dịch Bình Giã - tán đởm Sài Gòn

Diệt Mỹ rạp Kinh Đô - kinh tâm Nhà Trắng…

            *

Rồi từng mùa xuân sang, phút giao thừa thiêng liêng vọng về Thủ đô Hà Nội, lắng nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đồng bào; tiếp sức lập công, mong sớm đón Bác vào Miền Nam - “ trái tim của Bác !” Nhưng đau đớn biết dường nào! Đời dâng trái ngọt mà Người Trồng Cây đã đi xa! Nước mắt giọt giọt theo đường hành quân!…

 

Trời Việt Nam suốt chiều dài đất nước, chiều rộng nhân gian, hằng nhật tụng:

Còn non còn nước còn người

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

 

Câu thơ di chúc tiên tri như là chất đốt linh diệu tăng cường nội lực cho cuộc chiến tranh vệ quốc toàn thắng, đất nước vút lên những công trình thế kỷ: đập thủy điện: Hòa Bình, Trị An, Ya-ly…, hệ thống đường dây điện 500 ki-lô-vôn xuyên Việt hòa mạn lưới quốc gia, một công trình “đổi đời” là cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền dài hơn 1500 mét. Tiếp theo là cống đập Ba Lai - Bến Tre đã phát huy phúc lợi, cầu Rạch Miểu bắc qua sông Tiền, cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu đang thi công …

 

Thú vị thay, đúng năm con Rồng - năm chào thiên kỉ mới, khánh thành cây cầu Mỹ Thuận hình rồng, bắc qua con sông Rồng. Trên cầu đúc thênh thang chúng ta đi mà lòng vừa hân hoan vừa ngậm ngùi tưởng tượng Bác vẫn cùng nhịp bước sang sông. Con sông trải qua mấy mùa kháng chiến, cán bộ chiến sĩ miền Nam từng đùm nilông bơi sang, thường đụng tàu địch ngăn chặn bắn giết! Dòng sông nước bạc phù sa pha máu đỏ đến mức mệnh danh “ con sông giảm kỉ!”. Dòng sông từng âm vang câu ca hùng tráng: “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang”; từng lập bao chiến công, tích lũy nhân tố cho trận tập kích chiến lược Xuân Mậu Thân Sài Gòn -1968; cấm cột mốc hình trái tim đỏ lửa, lộ tiêu cuộc chiến tranh về đích!…

 

Ơi, sông Rồng lắng sóng đất Thăng Long! Con sông máu miền Nam từng chia lửa cùng đồng bào, chiến sĩ Thủ đô Hà Nội nêu cao hào khí Thăng Long, lập kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” hùng vĩ, đánh bại không lực Hoa Kì, buộc kẻ thù phải kí kết hiệp định Paris, cuốn cờ về nước; tạo thế lực cho chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc cuộc chiến tranh ba mươi năm toàn thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử! Đại thắng của chân lý Bác Hồ: Không gì quý hơn Độc lập Tự do!

 

Ôi, Độc lập Tự do! Nền tảng của bao công trình thế kỷ nối nhau, lớp sau chào lớp trước! Chào cầu Hiền Lương nối liền Bắc - Nam một cõi, mở đường cho cầu Mỹ Thuận cùng những cầu vĩnh cữu lớn nhỏ liên hoàn. Trên cầu Hiền Lương bề thế, ta luống bồi hồi nhìn sang cầu Hiền Lương xưa còn kia, thanh sắt rỉ hãy còn dấu vết hai màu sơn đối lập! Và máu của bi kịch chia cắt hơn hai mươi năm rơi dưới gươm thù như còn trôi theo dòng Bến Hải! Một nhà thơ nước ngoài đến thăm Việt Nam thời chiến tranh đã viết:

 

Đất nước Việt Nam dài như một chiếc đàn bầu

Mà sợi tơ đàn bỗng bị đứt ngang -  nơi cái lẫy đàn: sông Bến Hải!

Bờ sông đó hãy còn lệ chảy…

 

Giờ đây cầu Hiền Lương Ngày - Đêm - Nam - Bắc thông thương, dẫn về Thủ đô Hà Nội, tưởng niệm Bác Hồ kính yêu! Người nằm trong Lăng - tỏa sáng công đức khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; kế thừa và phát huy truyền thống những chiến tích thiên niên kỉ của bao bậc Anh hùng tiền bối, phát động và điều hành cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, dựng lên chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam! Người là linh hồn Đất Nước, cô đúc “Hào khí Thăng Long”, tổng hoà sức mạnh cả cộng đồng dân tộc vào truyền thống, mạnh hơn bất kỳ mọi loại vũ khí, mà Bác đã tặng cho quân đội ta: “… Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành! Kẻ thù nào cũng đánh thắng!”

 

Trên đây không chỉ vận hành những công trình công nghệ hóa - hiện đại hoá to đẹp ngàn lần hơn mà còn ghi dấu ấn xúc động lòng người là những công đức nhân văn! Đó là công đức ứng cứu cực nhanh những số phận tai ương, bao trận bão lụt miền Trung, miền Núi, miền đồng bằng sông Cửu Long… Đó là công đức ổn định an ninh chính trị, cải thiện dân sinh; cùng những chương trình xã hội hóa xóa đói giảm nghèo; nhà tình nghĩa, nhà tình thương, cứu nạn chất độc da cam… Tựu trung là công đức tổng hợp từ bộ não năng động và trái tim nhân ái của Thủ Đô - Thăng Long, đã hội tụ những tấm lòng vàng, thể hiện bản sắc dân tộc: Nhiễu điều phủ lấy giá gương…

                     *

 

Sông Rông lắng sóng đất Thăng Long ơi ngàn năm thương nhớ! Đất cố đô “Địa linh - Nhân kiệt”, trải bao thời liệt oanh chống xâm lăng dựng nước và giữ nước, sừng sững oai linh trong binh đao, cùng bom lửa, bão bùng! Sừng sững trước thử thách cực kỳ khốc liệt vào thời đại Hồ Chí Minh, với cuộc đối đầu lịch sử quyết liệt nhất, đã đánh bại cuộc xâm lược của ba đế quốc hiện đại nhất, hùng mạnh nhất hoàn cầu, giành độc lập tự do dân tộc, thống nhất toàn vẹn Tổ quốc non sông!  

 

Ôi! Bác Hồ vô vàn kính yêu đang nằm trong Lăng - tỏa sáng hào khí Thăng Long cùng đức độ vào nội lực các thế hệ nối theo, giữ yên bờ cõi đời đời.                                                           

 

TP. Hồ Chí Mimh, thu đông 2004

Thanh Giang
Số lần đọc: 2527
Ngày đăng: 02.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm trăng non Gò Tháp - Thanh Giang
Mẹ tôi - Thanh Giang
Bông Huệ đỏ - Thanh Giang
Một thời để nhớ - Ngọc Thủy
Vườn chim Bạc Liêu - Phan Trung Nghĩa
Huế, đi giữa mùa hoa - Võ Quê
Về Đồng ăn tôm sú - Phan Trung Nghĩa
Miền sóng vỗ không nguôi - Hồ Tĩnh Tâm
Khách Thương Hồ - Phan Trung Nghĩa
Mùa tát đìa - Phan Trung Nghĩa