Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.148.469
 
Ngày Lễ Và Cộng Đồng
Hamvas Béla

( Trích trong tiểu luận triết học: câu chuyện vô hình)

 

1.

Cách đây mới khoảng một trăm năm trước, một vài nhà thơ và một vài nhà tư tưởng bắt đầu tuyên bố, đời sống là đau khổ.

 

Điều dạy dỗ này cũ rích và đáng ngạc nhiên. Những kẻ đầu tiên nêu vấn đề : Byron, Leconte de Lisle, Schopenhauer, Poe, Kierkegaard, Baudelaire nhắc lại những gì người Trung Hoa cổ, người Ấn, người Ai cập, người Hy lạp, người Thiên chúa giáo cổ đã nói.

 

Điều dạy dỗ này nhanh chóng lan truyền, xé rách tả tơi cái quan niệm đời là niềm vui. Ngày nay phần lớn mọi người đều rõ, chẳng có lý do gì để ta tin rằng cuộc đời là sự thật, là cái đẹp, cái tốt, cái thánh thiện, là niềm vui.

 

Sự việc không phải ở chỗ, các nếp nhăn xuất hiện trên mặt ta như của người Trung Hoa cách đây năm nghìn năm; cũng không phải ở chỗ ta đã bị hạnh phúc hành  hạ; mắt ta mờ, trí óc ta mệt mỏi, lưng ta còng xuống, và ta bắt đầu chán chường, buông thả rồi chết, như những người Hy lạp, người Ấn, người Thiên chúa giáo cổ.

 

Bàn tay của bà cụ già xương xẩu, chai sạn, khô héo run rẩy không phải vì lao động nhiều. Đấy là bàn tay giơ về phía niềm vui. Khuôn mặt chưa bao giờ tỏ ra chân thành một cách cảm động đến thế. Nhìn bàn tay ấy thực thể lạc quan nhất của cõi nhân gian cũng phải giật mình.

 

Suy cho cùng, bàn tay của chúng ta đều sẽ trở thành thế, một bàn tay già nua tội nghiệp, buồn bã, mệt mỏi, cô đơn. Không cách nào giúp, thay đổi cũng không. Điều duy nhất con người có thể làm như Doxtoiepxki, phủ phục và rên rỉ: không phải trước ngươi, mà trước toàn bộ sự đau khổ của nhân loại!

 

Khi cách đây một trăm năm, một lần nữa người ta nhận ra cuộc đời là đau khổ, nhưng  không nghĩ thêm ra điều gì khác ngoài bàn tay của bà cụ già. Và tình thế từ bấy đến nay chỉ thay đổi ở chỗ, một bộ phận nhân loại khăng khăng bám vào chủ nghĩa lạc quan. Họ cố gắng tin vào ảo ảnh cuộc sống là niềm vui.

 

Bộ phận nhỏ bé khác của loài người- khi nhìn thấy bàn tay cụ già- chợt hiểu ra sự thật thời cổ đại, hiểu ra tư tưởng của triết học Ấn độ, của bi kịch Hy lạp, của tôn giáo Ai cập, của tinh thần Thiên chúa giáo.

 

Số phận của con người lơ lửng như một sợi tóc trước vực thẳm đáng sợ và đầy rẫy những vấn đề đen tối, đời sống quả là một sự khủng khiếp.

 

2.

Những kẻ  phủ nhận đau khổ của đời sống bằng lời, đành lấy hành động của họ ra để chứng minh. Bằng cách, dùng toàn bộ sức lực của mình chiến thắng sự đau khổ.

 

Xét về phương diện cá nhân con người có thể tự bò ra khỏi sự đau khổ.

 

Không nhất thiết phải nghĩ đến việc theo thời gian người ta đã nghĩ ra bao nhiêu công cụ để chống lại sự đau khổ, và người ta bảo vệ nhau như thế nào để có thể cào cấu được chút ít niềm vui.

 

Một trong những công cụ như thế trước hết là nền kinh tế. Ở đây có đủ  chủng loại và giới tính của sự hưởng thụ. Rồi đến các thể loại nhân sinh quan khác nhau để con người có thể ru ngủ mình trong ảo tưởng một cách dễ chịu. Toàn bộ những sự vật sự việc này đều ở mức độ thấp, thông thường và tầm phào.

 

Nhưng có những phương cách cao hơn và khó hơn, khi con người tự rút mình ra khỏi nỗi đau khổ và tìm cách chống đỡ lại nó. Một số nhánh nhất định của joga phương đông làm được điều này.

 

Nếu một kẻ nào đấy tích lũy kinh tế, hoặc thả mình vào các dạng hưởng thụ, hoặc xây dựng một ẩn náu thế giới quan, kẻ đó thử một cách vô thức tránh né sự đau khổ.

 

Còn các dạng joga khác nhau lại trực tiếp tránh đau khổ một cách có ý thức. Bằng cách: với thứ kỷ luật thường xuyên bứt khỏi bản thân mình những thứ làm mình đau.

 

Nhưng cho dù phương pháp tầm thường và vô thức, cho dù phương pháp cao cấp và có ý thức, kết quả vẫn chỉ là một: con người nâng mình lên khỏi sự sống đau khổ và đạt tới trạng thái hạnh phúc.

 

Ai cũng biết, điều này không phải không làm được. Và ai cũng biết, ta tự do làm điều đó. Nhưng một trong những nỗi nguy hiểm của sự việc này không phải ở đoạn cuối mà chính ở đoạn giữa các tình huống.

 

Truyền thuyết kể rằng có bốn nhà thông thái cầu nguyện đến chừng nào xảy ra điều họ mong thỏa mãn thì thôi: lên thiên đường cùng những kẻ đã được cứu rỗi. Họ có thể ở cả ngày với những kẻ hạnh phúc, từ lúc bình minh lên đến khi mặt trời lặn họ có thể nếm trải mùi vị thiên đường.

 

Kẻ thông thái đầu tiên không chịu được trạng thái này và lăn ra chết; kẻ thứ hai mắc chứng rối loạn tâm thần; kẻ thứ ba khóa trái ấn tượng này vào bản thân và giữ độc quyền niềm hạnh phúc đã giành giật được cho đến hết đời. Chỉ kẻ thông thái thứ tư bỏ đi một cách lành lặn khi sử dụng những gì nhìn thấy giúp đỡ những kẻ tìm đến mình.

 

Từ vòng tròn của đau khổ ai nấy đều tự do bước ra, như họ muốn, và tìm cách đạt được hạnh phúc. Nhưng ai từng kiểm chứng thế giới được cứu rỗi, một phần tư trong số họ không chịu nổi ấn tượng này và bị nó tiêu diệt.

 

Ngày nào ta cũng nhìn thấy một kẻ gục ngã và chết ngay ngưỡng cửa thiên đường. Một phần tư khác tâm thần vất vưởng. Đầy rẫy những kẻ nửa điên khùng như vậy. Còn một phần tư thứ ba khóa hạnh phúc vào bản thân mình, chỉ dành cho riêng mình, và không bao giờ cho ai khác.

 

3.

Người đời kể, một ông vua gửi sứ giả đến Delphoi để cầu khẩn thượng đế. Câu trả lời mang về nhưng không thỏa mãn được vua cha. Vua nghi ngờ và không tin. Ngài cần chứng cớ.

 

Ngài quyết định thử thượng đế, ngài gửi sứ giả khác đến nơi cầu nguyện và đặt câu hỏi: nhà vua đang làm gì đúng giây phút câu hỏi này được thỉnh cầu thượng đế? Câu trả lời như sau: nhà vua đang ở trong phòng của mình và đang ăn. Vua tin ngay lập tức. Bởi đúng là như vậy.

 

Câu trả lời không khó khăn gì. Kẻ nào đầy lòng nghi ngờ, phân vân cả với tận đức chúa trời, muốn bằng chứng trên hết, kẻ đó chắc chắn ngồi một mình trong căn phòng của hắn và ăn.

 

Hắn là kẻ thứ ba trong số các nhà thông thái dạo thiên đường. Hắn giữ lại tất cả cho mình, chỉ cho mỗi bản thân, hắn khóa hắn trong phòng, ăn một mình và chỉ cho mình, không muốn kẻ khác nhìn thấy cả cảnh mình đang ăn- Manu đã nói: kẻ nào chỉ nấu cho bản thân mình, kẻ ấy đã phạm điều cấm.

 

4.

Chỉ nhà thông thái thứ tư chịu được niềm hạnh phúc.

 

Bởi kinh tế, niềm vui, tri thức, tài năng có thể tự do thu lượm, nhưng thật khốn khổ cho kẻ nào không đủ mạnh đối với những thứ đó. Hoặc sẽ có kẻ chết, hoặc có kẻ phát điên, hoặc bo bo giữ lấy chỉ cho mình. Ánh sáng của vườn thiên đường trong những thứ đó sẽ biến thành bóng tối. Kẻ chịu được niềm hạnh phúc là kẻ biết phân phát. Ánh sáng chỉ biến thành sự phù hộ với kẻ đem cho người khác.

 

Bởi khi đưa tiễn chúng ta, ĐẤNG QUYỀN LỰC tiễn ta lên đường và bảo: ta giao từng con người cho con, con hãy giúp đỡ họ, hãy cho họ ăn, cho họ quần áo, hãy chăm sóc họ như chăm sóc bản thân con, đừng để họ rơi vào bóng tối. Cái con kiếm được, cái con đạt đến, cái con biết, cái con trải qua, hãy chia xẻ.

 

Cả thế gian là của con. Con tự do lựa chọn từ từng viên đá đến tận bầu khí quyển. Hãy nhận thức, hãy chinh phục, không ai cấm đoán con, nhưng thật khốn khổ, nếu con chỉ giữ cho riêng mình. Cái con không chia xẻ cho người khác, nếu là vàng sẽ biến thành bùn, nếu là ánh sáng thiên thần sẽ biến thành lời nguyền rủa, nếu là nỗi say mê sẽ biến thành cái chết.

 

Ta tha thứ cho con như với tất cả mọi người : con chịu trách nhiệm về tất cả những ai sống cùng con, con phải trang trải từng đồng xu nhỏ con đã tiêu cho mình, trang trải toàn bộ niềm vui con đã dành riêng cho mình, trang trải toàn bộ những khoảnh khắc hạnh phúc con dành riêng cho bản thân, thôi, con hãy lên đường, hãy sống, bởi toàn bộ thế gian là của con.

 

5.

Kẻ thông thái thứ tư hiểu mệnh lệnh của sacra dies. Ngày Thường Nhật thiêng liêng là khi các sự việc đến và đi nối tiếp nhau một cách bình thường, đơn giản và trong lành như một ngụm nước.

 

Đối diện với thế giới của những ý tưởng thiêng liêng là thế giới không ý tưởng. Cứng rắn, bình thản, không lãng mạn. Không có chỗ cho đau khổ lẫn anh hùng ca. Không lý tưởng. Thô thiển một cách thiêng liêng.

 

Trên thế gian rất ít kẻ hiểu được tính chất thần thoại nhỏ bé và bình thường của ngày thường nhật, để hiểu, sáng dậy rửa ráy, chuẩn bị bữa ăn, vội vã đi làm, bực bội cáu kỉnh có nghĩa là gì- một cách tẻ ngắt, máy móc, đều đều, tỉnh táo và không vờ vịt đến mức đáng ngạc nhiên

 

Chỉ rất ít kẻ biết rằng cái xảy ra trong một ngày trên đường phố, ở nhà, trong cửa hiệu, ở nơi làm việc không gì khác ngoài cái hàng thế kỷ nay xảy ra trên thế gian này.

 

 Cần, để con người nhận ra tính chất cộng đồng thánh thần thường ngày và chất thần thoại tỉnh táo, cần không biết mệt mỏi, không được phép tê dại, một tích tắc cũng không được buồn chán; không được thả thời gian ra khỏi bàn tay. Luôn luôn có lý do để cảm thông, ngạc nhiên, để giúp đỡ, để cười. Đức hạnh của thần thoại chính là sự tỉnh táo.

 

6.

Theo John Cowper Powys bậc thày của nghệ thuật cô đơn, ta nên bố trí cuộc sống như cái gì của hoàng đế thì trả hoàng đế, cái gì của cộng đồng thì trả cộng đồng, vì: chỉ sau đấy con người mới thu tóm được quyền cô đơn.

 

Một số thời gian nhất định bắt buộc phải lao động, một cách lạnh lùng, bởi vì cần, vì sự tôn trọng, vì không thể nhận không bất kỳ cái gì. Đây là khoảng thời gian bị mất, bởi vì chỉ sau đó cuộc sống thật sự mới bắt đầu. Hạnh phúc là việc riêng. Hãy đi ra bờ biển, hãy dạo chơi, ngồi xuống những tảng đá, và ngắm những con hải âu!

 

Ở đây có một sự tương phản: số phận con người có vẻ như có hai cực khả năng, một là cho bản thân kẻ cô đơn, kẻ ngoài mình ra chẳng muốn gì khác, chỉ sống cho mình, nấu cho mình. Còn kẻ kia vì cộng đồng, kẻ khoác cây thánh giá của tập thể lên vai, chỉ sống vì người khác. Kẻ cô đơn coi thường kẻ sống cho cộng đồng, kẻ vì cộng đồng kết tội kẻ cô đơn.

 

Nếu ở đâu đấy, thì ở đây, trong sự tương phản này con người phải đối diện với ngày thường nhật không chút cung kính thần thánh. Ngày thường nhật dạy ta  không có sự tương phản này. Con người vô ích tự hành hạ mình cùng nó. Rất ít người tham gia sự biểu dương việc ĐẤNG QUYỀN LỰC  chấp nhận sự từ bỏ  hoàn toàn cái cá nhân. Kẻ nào nhận thức ra: chẳng ma nào cần đến sự phủ nhận bản thân, cần đến hành động vác thập tự lên vai vì nhân loại của nó, kẻ đó tự quẳng đi biết bao nhiêu sự phiền nhiễu vô ích cho chính nó.

 

Đừng ai tin, tự họ có thể hiến dâng họ thay cho những người khác! Số phận kiểu này dành cho các thần linh.

 

Nhưng trái lại, tất cả mọi người cần nhớ rằng, nếu thượng đế không cần họ từ bỏ bản thân họ, thì họ phải có trách nhiệm với tất cả những ai sống cùng thời đại họ, họ cần phải coi trọng số phận những người khác như với số phận riêng của họ!

 

Sự tỉnh táo thánh thần của ngày thường nhật hé mở cho con người chút sự thật bé nhỏ xám xịt rằng chỉ hưởng thụ sự sống một mình là có tội, nhưng nếu tin rằng cần phải từ bỏ toàn bộ thì hơi quá đáng.

 

7.

Sự vật đơn giản hơn, phi màu sắc, và bình thản hơn rất nhiều. Các mức độ. Đã được quy định sẵn để biết từ tri thức, tài năng, từ niềm hạnh phúc, từ niềm vui ai được phép giữ lại bao nhiêu. Có một cái ngưỡng, đến đâu thì được phép. Chừng nào đúng là của tôi ngần ấy, tôi có thể dạo chơi trên bờ biển theo cảm hứng của tôi. Ở một mức độ nhất định được phép đơn độc, quá ngưỡng ấy không thể. Cái gì trên các mức độ, tôi cần phải chia xẻ.

 

Không cần cho đi toàn bộ, tất cả, không cần từ bỏ hoàn toàn bản thân mình. Chẳng ai muốn và cần điều ấy. Nhưng khi tiền bạc, tri thức, tài năng, sự say mê   quá ngưỡng, quá mức độ, và chỉ giữ cho bản thân, lúc đó tôi sẽ trở thành ông vua, kẻ ngồi một mình trong phòng và ăn. Kẻ chỉ nấu cho bản thân. Vàng sẽ biến thành bùn trong tôi, ánh sáng thánh thần biến thành lời nguyền rủa và say mê trở thành địa ngục.

 

Thực ra về mức độ ai cũng quá biết. Thậm chí họ tìm kiếm. Một cách tội nghiệp. Họ quy định, một người  nên có bao nhiêu đất, bao nhiêu tiền. Giới hạn của cải vật chất nhỡn tiền được đẩy đến mức độ cao nhất. Bằng mọi sự khéo léo, mọi giá, một cách không mệt mỏi, như thế cán cân nằm ở của cải vật chất. Thực chất sự vật nhiều hơn thế. Ai có thể kiểm tra nổi kẻ nào dấu cái gì trong bản thân nó cái không phải của nó? Đây là vấn đề trách nhiệm của con người.

 

Giới hạn là: cái được phép đến chừng ấy. Quá hơn ngần ấy, cấm. Sự tỉnh táo thánh thần xác định rõ mức độ vi phạm, chẳng ai không phải trả giá cho sự vi phạm này.

 

Trong tập quán của ngày thường nhật có sự đe dọa của chủ nghĩa tự kỷ. Niềm vui và của cải dành cho tất cả mọi người, nhưng nếu tôi dám cho vào túi mình nhiều hơn số lượng đúng là dành cho tôi, sẽ có loại sức mạnh vô danh biến những thứ này thành những con rắn độc, tiêu diệt nốt cả những phần đúng là dành cho tôi.

Không ai không biết điều này.

 

8.

Tất cả những ai nhận thức về bản chất to lớn của cộng đồng và hiện thực thật sự của nó đều đồng tình với quan điểm của nhà thông thái thứ tư, từ vua Csamuraga đến Lão tử, Zarathushra, hay Lycurgus, Platon, Dante đều hiểu ý nghĩa đặc biệt của quyền lực này.

 

Dường như đây chính là quyền lực, thứ cần nói đến. Thứ quyền lực hoặc từ đó cộng đồng phát triển, nở hoa, hoặc bị tiêu diệt. Làm thế nào để thu thập được? Ai được phép? Cần cho ai? Cần phải sử dụng nó như thế nào? Cần phải thực hành nó? Gìn giữ? Trực thuộc nó? Sống với nó?

 

Nhưng quyền lực chưa phải vấn đề của cộng đồng. Đều nhầm lẫn những ai tin rằng sự trù phú cũng như thất bại của cộng đồng nằm trong vấn đề quyền lực. Đặc tính của quyền lực vẫn nằm trong khuôn khổ của nhà thông thái thứ ba, và nếu ai tò mò về định nghĩa của nó, câu trả lời sẽ như sau: quyền lực là sự cám dỗ cuối cùng của đời sống cá nhân.

 

Kinh thánh biết điều này và tuyên bố công khai. Khi trong sa mạc quỷ bước đến cạnh Chúa Giê su và đề nghị Chúa hãy biến đá thành bánh mỳ. Theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay là đề nghị một chương trình cải cách cho nền kinh tế, như lý thuyết của chủ nghĩa duy vật lịch sử, vấn đề bánh mỳ là vấn đề hệ thống cuối cùng, là chủ nghĩa xã hội, là mức sống nâng cao, là sự biến mất của đói nghèo.

 

Giê su từ chối. Lời đề nghị thứ hai còn nguy hiểm hơn: mi hãy trèo lên tháp chuông và bay xuống đây không mảy may sứt sẹo. Cám dỗ này nói theo ngôn ngữ ngày nay: mi hãy trình bày ra đây khả năng vô biên của mi, hãy làm người khác tối tăm mặt mũi, bởi như vậy mi sẽ dành giật được  một đám đông lớn nhất.

 

Giê su không màng đến sự giàu có của cải vật chất lẫn thứ nhân gian có khả năng làm mù quáng con người. Chúa muốn một thứ hoàn toàn khác: vượt qua cả bản năng sinh tồn, mức sống, công danh, đám đông, muốn một cái gì lớn hơn cả sự quyến rũ tài năng và lời ca ngợi. Rất có thể, nếu Quỷ sứ không xuất hiện, ngài chưa chắc đã hiểu ra mình một cách tỉnh táo, nhanh chóng và dứt khoát đến thế.

 

Lúc đó sự cám dỗ thứ ba xuất hiện:họ cùng lên đỉnh núi và Quỷ sứ nói như sau: phía dưới là tất cả các quốc gia và các dân tộc của Trái đất, mi hãy cúi đầu dưới chân ta, ta sẽ cho mi toàn bộ. Sự cám dỗ cuối cùng nguy hiểm và đáng sợ nhất: quyền lực.

 

9.

Đặc tính của quyền lực đúng bằng phương hướng của nó: đi xuống. Là một vị trí chỉ có thể nhìn xuống chứ không thể nhìn lên. Những cái để con người lo âu, cái họ cho là quan trọng, cái họ muốn, họ khao khát đều ở dưới con người. Nhưng như vậy vẫn chưa là tất cả. Bởi sự sống không phải là trạng thái cuối cùng, quyền lực là một nghịch lý. Nghịch lý thể hiện trong việc tận cùng con người cũng không thể đạt đến quyền lực. Đặc biệt kẻ không đạt được chính là kẻ mơ ước. Kẻ dành được quyền lực  là kẻ không cần đến quyền lực.

 

Là kẻ với nó đấy không phải là mục đích, chỉ là gánh nặng thừa thãi, chỉ là vật cản trở thứ yếu. Trong thực tế kẻ nắm được quyền lực là kẻ chỉ sờ đến nó khi có liên quan, sử dụng nó một cách thận trọng, tiếp nhận nó một cách chín chắn và cố gắng thoát khỏi nó. Và giả thử đạt được, không được phép sống với quyền lực. Kẻ nào sống bằng quyền lực, kẻ đó lập tức bị mất ngay quyền lực.

 

Quyền lực từ mọi góc cạnh đều nghịch lý. Cái gì sẽ xảy ra nếu ngươi sử dụng quyền lực của Thượng đế? Chỉ  ma quỷ là quyền lực. Thượng đế chỉ: tồn tại.

 

10.

Quyền lực là vấn đề cá nhân của con người. Là vấn đề sau rốt nhưng vẫn là của cái TÔI con người. Vẫn chưa thuộc đời sống của cộng đồng. Là sự việc của nỗi khát khao cái TÔI của đời sống cá nhân, của hiệu lực cá nhân, của dục vọng và sự hưởng lạc cá nhân.  Đây là cái ngáng mà những Thế lực ma qủy đặt ở bậu cửa cuối cùng cho con người. Kẻ nào vấp phải, kẻ đó hết đời. Nó sẽ nhận được toàn bộ quốc gia và dân tộc của Trái đất, nhưng cần phục vụ cho sự TỐI TĂM. Đấy là quyền lực. Macht ist böse – Burckhardt đã nói, quyền lực là cái ác. Đúng thế.

 

11.

Cộng đồng không bắt đầu bằng việc một đội quân người khỉ liên kết với nhau, không bằng việc đàn ông và đàn bà lấy nhau, không bằng việc vài kẻ cướp lập băng đảng, không bằng cách con vật yếu ẩn náu vào hang những con khỏe. Gốc rễ của cộng đồng không có trong tự nhiên, trong gia đình, trong bộ lạc, trong lợi ích.

 

Mọi việc không bắt đầu từ bên ngoài mà từ bên trong, không từ dưới mà từ trên, không sở thị mà trong sự vô hình.

 

12.

Khi kẻ thông thái thứ tư trở về từ vườn thiên đàng, y trở về nhà mình với vợ con và công việc, bước vào thế giới tỉnh táo của ngày thường nhật, như thể chưa hề  xảy ra điều gì, y chỉ quay nhìn lại với trái tim đã tẩy rửa và trí óc đã thanh lọc, rồi: cho người này một lời nói,người kia một đồng xu, cho một người khác lời khuyên bảo, cho một kẻ khác nữa mẩu bánh mỳ và mang theo mình sự ấm áp trong sạch tri thức của y đi khắp nơi.

 

Bản chất của kẻ thông thái thứ tư: y là con người của trách nhiệm cộng đồng. Kẻ duy nhất trong bốn kẻ nhớ đến lời của Đấng Quyền Lực khi y ra đời: Con hãy cẩn thận, ta trao cho con tất cả mọi người, con có trách nhiệm với họ, như với chính con, hãy đừng để ai rơi vào sự tăm tối.

 

Vấn đề của kẻ thông thái thứ tư không phải quyền lực mà là một vấn đề khủng khiếp vô biên: bạo lực. Bạo lực là một kẻ khác biệt hẳn với những kẻ khác trong tri thức, trong khả năng, trong sức mạnh và trong sự thức tỉnh, kẻ đã trải qua các khu vườn địa đàng, nhận biết hết toàn bộ nỗi bình yên và niềm vui, sau đó trở lại giữa những con người, để phân phát những gì nó đã biết, nó có khả năng: kẻ đó được phép hay không cưỡng bức con người chống lại ý muốn của họ?

 

13.

Nhà thông thái thứ tư có ba môn đệ. Môn đệ thứ nhất thu xếp chỗ ở cho những người anh em gặp hoạn nạn, tiếp đón, chữa bệnh, dạy dỗ, phân phát đồ bố thí. Môn đệ thứ hai thức dậy sớm, nhìn ngó vào các sân, các nhà, tìm kiếm xem ở đâu có những kẻ yếu đuối bệnh tật, bị bỏ rơi, nghèo khốn. Môn đệ thứ ba trở thành bộ trưởng, đề ra những đạo luật nghiêm khắc, cần phải làm những gì, để không ai gặp hoạn nạn, bị nghèo khổ, hay chịu sự bất công, nhưng nếu có kẻ chống lại đạo luật, sẽ bị bỏ tù, thậm chí bị xử tội chết.

 

Bạo lực luôn luôn và trong mọi trường hợp, với tất cả mọi người đều đáng cấm. Cấm cả khi con người không hề có một ưu đãi nào, khi bị nghèo khổ, kể cả khi con người không biết làm gì hơn ngoài việc sử dụng đến bạo lực. Cấm kể cả khi bắt buộc phải dùng đến bạo lực vì không có khả năng khác, khi cần và bắt buộc. Cấm kể cả khi con người quăng đi sự tự chủ, nỗi vinh danh, sự nổi tiếng, sự giàu có để ngoan ngoãn bất lực cho một sức mạnh siêu nhiên nào đó thử tìm cách cưỡng bức họ.

 

Cấm kể cả khi con người tự nguyện đảm nhận trách nhiệm một cách có ý thức, thậm chí cả khi tự gánh lên nó toàn bộ sức nặng của sự trừng phạt vì sử dụng bạo lực. Cấm kể cả khi con người bằng ý thức tự chủ sáng suốt tự gánh chịu lên bản thân mình sức mạnh trả đũa của ma quỷ, tự thân phục vụ, bằng bản thân mình phục vụ toàn bộ dân chúng, để sự trừng phạt chỉ đến với một mình họ.

 

Cấm bạo lực. Tất cả những ai sống bằng bạo lực đều biết, họ đang thể hiện một hành động bị cấm. Cùng lắm con người chỉ có thể nói: tôi cố ý làm điều bị cấm. Không được phép. Tôi biết. Kẻ nào vẫn thực hiện, kẻ đó bị trừng phạt. Tôi chấp nhận. Tôi không bào chữa, không đổ lỗi cho người khác. Tôi không tự chứng minh rằng tôi bị bắt buộc. Tôi biết, điều đó chẳng đi đến đâu. Kể cả khi tôi gánh chịu toàn bộ sức nặng của trách nhiệm, bởi vì bạo lực chẳng cứu vớt được gì.

 

Nhưng tôi vẫn cứ làm, bởi vì như vậy tôi làm cho nhiều người nhất. Như vậy tôi cứu vớt được ngần ấy người không cần đến bạo lực. Và điều này mới là quan trọng. Tôi đã cứu họ, họ sẽ sống. Và tôi sẽ bị trừng phạt vì điều ấy? Cứ việc! Tôi chấp nhận.

 

Cộng đồng bắt đầu từ lúc người ta phó thác toàn bộ nhân loại cho tôi, và tôi phải có trách nhiệm với nó.Thứ ý thức trách nhiệm tập thể này, thứ ý thức cộng đồng người có như thể Trái đất nằm trong đám đá gơ nai cổ. Tuyên bố sớm nhất của trách nhiệm tập thể có vẻ như sau: bạo lực cưỡng bức toàn bộ nhân loại: hãy đi theo ta đến khu vườn của hạnh phúc.

 

Bạo lực đáng bị cấm. Và trong tội ác của bạo lực có tất cả các vị vua, thủ lĩnh, tộc trưởng, bộ trưởng, nhà tư tưởng, kẻ mang pháp luật đến cho nhân loại, từ vương quốc thành Úr đến Platón, và cho đến ngày nay. Từ hành động bị cấm này tất cả đạo luật, mệnh lệnh, trật tự đều tăm tối, đều xuất hiện để thật khủng khiếp khi chịu đựng sự tuân thủ pháp luật, đều xuất hiện để chỉ còn một sự việc đáng cấm nhất bên cạnh bạo lực: là chống lại bạo lực.

 

Bạo lực xuất hiện để con người hiểu sai trách nhiệm tập thể riêng của mình. Người ta tưởng rằng vì họ có cần chú tâm đến tất cả mọi người, chịu trách nhiệm vì tất cả mọi người, cần liên hệ với một liên kết vì nhân loại, cho dù nhân loại muốn hay không muốn, vẫn cần phải cứu vớt, cần phải lùa con người vào vườn Địa đàng, kể cả khi bị trói, hoặc bằng roi vọt hoặc kể cả bằng cái chết.

 

14.

Có loại bạo lực, mơ hồ, ấu trĩ và vô thức. Hành động một cách mù quáng, không nhận thức rõ ràng cái đang làm bị cấm, và khi xảy ra hậu quả thì lùi bước. Thế là bế tắc, trệch đường ray và thất bại. Nhưng có loại bạo lực nhất quán, sáng sủa và có ý thức. Nó thừa biết đang làm một việc bị cấm, nhưng không dừng lại và làm đến cùng.

 

Bạo lực luôn luôn tiêu cực. Nhưng mang ý thức và từng nấc bước ra khỏi bạo lực đến lúc xảy ra hậu quả cuối cùng nhân tố tích cực sẽ xuất hiện. Khi nhân tố tiêu cực hấp hối, tự nó sẽ bắt đầu tách ra khỏi nó và sản xuất ra nhân tố đối kháng. Sự đối kháng này liên tục lớn lên. Và khi cái tiêu cực đạt đến điểm đỉnh, trong một nháy mắt nó biến đổi và chuyển ngược trở lại. Cái tích cực nổ ra từ đó.

 

Đây là đặc tính Phoennix của sự sống. Bạo lực cần phải bị tiêu diệt. Lửa đốt nó cháy hết. Nhưng nó sẽ sống dậy từ tro tàn.Giờ đây không phải THỰC THỂ ĐẦU TIÊN nữa, không phải sai lầm và thứ bị cấm. Mà là CÁI CUỐI CÙNG. Từ tro tàn của bạo lực thứ phục sinh: sự hiến dâng.

 

15.

Sự hiến dâng, Baader nói, tạo khả năng cho con người bước vào cộng đồng.Sự hiến dâng của con người cách tân cộng đồng. Bằng cách này nó mở ra sự tiếp xúc tự do với một thế gian, nếu không có sự cách tân, thế gian ấy luôn luôn bị đóng kín.

 

Sự hiến dâng nâng con người lên một giới hạn cao hơn của thế gian. Chất tiêu cực của bạo lực thử đưa cho con người một nhận biết cao hơn: tri thức, hạnh phúc, niềm vui dành cho tất cả mọi người, hãy mở ra. Sự hiến dâng là một hành động tích cực, để con người nâng cộng đồng lên và cùng bước vào các vườn địa đàng.

 

Bạo lực,  vì nó là tiêu cực nên cùng lắm tạo dựng cho con người tri thức và hạnh phúc; còn sự hiến dâng, chính vì nó là tích cực, không mang đến và mở ra cho con người tri thức, niềm hạnh phúc, mà: mang đến  một sự sống cao hơn. Nó mở ra con đường tự do dẫn đến sự sống, thứ sự sống trong bản thân nó chứa đựng niềm hạnh phúc. Hiến dâng là một hành động tạo dựng ra thứ cộng đồng phù hợp với sự sống cao hơn, và đây là sự tan hòa hợp nhất với sự sống cao cả hơn: là khoảnh khắc hình thành cộng đồng người.

 

Bạo lực sử dụng sự cưỡng chế, và muốn con người hạnh phúc. Để nâng con người khỏi sự đau khổ của sự sống. Bạo lực bắt buộc sự giải phóng khỏi đau khổ xảy ra. Thực chất nó chẳng muốn điều gì. Bởi vậy nó tiêu cực. Tiêu cực  thiếu: đúng thế, chỉ chứa: không. Và bởi vì bạo lực tiêu cực nên không chỉ không đạt đến hạnh phúc, không chỉ không mở ra con đường dẫn tới hạnh phúc, mà trái lại khóa con đường đó lại kỹ hơn.

 

Sự hiến dâng không muốn nâng con người lên khỏi sự đau khổ của đời sống mà thay thế và bước vào sự sống cao hơn đời sống người. Bởi vậy nó tích cực. Tích cực thiếu: không, chỉ có: đúng thế. Mục đích của nó không phải niềm hạnh phúc, mà là thứ cao hơn đời sống người.

 

Khi bạo lực đòi hỏi hạnh phúc từ cái giá của sự giải phóng đau khổ, thì sự hiến dâng tạo dựng cộng đồng bằng một sự sống từ lúc đó trở đi hết đau khổ.  Sự hiến dâng tạo ra con đường tự do dẫn đến sự sống, thứ không là  hạnh phúc, niềm vui, tri thức mà là thứ ngay trong bản thân nó chứa đựng hạnh phúc và niềm vui.

 

16.

Người ta từng chế ra nhiều lý thuyết về cái gì là nền tảng của cộng đồng và thế nào là cộng đồng chân chính. Có người bảo cộng đồng là kinh tế, là vật chất mà các tế bào của nó do nền tảng kinh tế vật chất tạo dựng. Người khác lại cho rằng cộng đồng là đạo đức, kẻ khác nói đó là chính trị hoặc ngôn ngữ, hoặc chủng loài hoặc dân tộc hoặc tinh thần. Tất cả những lý thuyết này biến cộng đồng như một nhân tố nguy hiểm đe dọa hơn là như một nhân tố tạo dựng. Tất cả những lý thuyết này chỉ để sử dụng tạo ra sự phân biệt hơn là tạo dựng nên một cộng đồng.

 

Kinh tế, chính trị, ngôn ngữ, chủng loài, tinh thần đều là thí nghiệm của cái TÔI, để phá vỡ và chia rẽ cộng đồng.

 

Cộng đồng duy nhất-độc nhất chỉ tồn tại trong một sự sống mà sự hiến dâng mở ra dành cho con người: cao hơn sự sống người. Sự sống chung của tất cả mỗi con người không nằm trong vật chất, trong tinh thần, trong tôn giáo hay đạo đức, mà nằm trong Thượng đế. Nếu con người gặp nhau trong vật chất, trong đạo đức, trong chủng loài, trong tinh thần, thì ngôn ngữ, vật chất, nhà nước, tinh thần sẽ tan rã, cộng đồng sẽ chấm dứt. Sự tan hòa sau rốt chỉ có thể trong sự sống của Thượng đế. Đấy mới là một cộng đồng chân chính. Duy nhất. Đấy là: cộng đồng.

 

Tất cả các loại cộng đồng khác đều chỉ là bề ngoài, và không tốt đẹp. Chỉ là bộ phận, nhóm, mẩu, đều bị băm nhỏ và khiếm khuyết như cộng đồng của chủng loài, dân tộc, quốc gia, ngôn ngữ và nhà nước. Cộng đồng ở phía dưới không tồn tại, chỉ có ở phía trên. Tất cả mọi cộng đồng không liên kết với Thượng đế đều chỉ để chống lại việc nhân loại có thể gặp gỡ nhau trong Thượng đế. Sự hiểm nguy không nằm bên ngoài. Chủng loài, quốc gia, tinh thần và ngôn ngữ không phải những nhân tố bên ngoài. Đấy là cái TÔI nằm trong con người, kẻ bám lấy phương kế nhằm phá vỡ cộng đồng.

 

17.

Với tất cả những điều nêu trên, giờ đây có thể hiểu nổi ngày Lễ là gì. Ngày Lễ là ngày của sự hiến dâng. Cộng đồng bắt đầu, khi trong con người thức tỉnh ý thức: tôi không đơn độc, và tôi có liên quan đến số phận của tất cả mọi người. Cộng đồng hình thành khi sự hiến dâng mở con đường tự do đến với sự sống của Thượng đế.

 

Ngày lễ là ngày của sự hiến dâng, là sự gặp gỡ của nhân loại trong sự sống Thượng đế. Không có ngày Lễ quốc gia, chủng loài, lịch sử,tinh thần, cũng như không có cộng đồng quốc gia, chủng loài, tinh thần. Những sự thu hẹp này chỉ đe dọa ngày Lễ. Bản chất của ngày Lễ là sự hiến dâng. Và cái người ta hiến dâng chính là những sự phân biệt: chủng loài, quốc gia, tinh thần, ngôn ngữ-cái TÔI.

 

Trong sự tỉnh táo giản dị, bình yên, bình thường của ngày thường nhật là một cái TÔI chỉ muốn bản thân mình, chỉ muốn được một mình, chỉ muốn giữ cho mình tất cả tri thức, niềm vui, nó chỉ tồn tại và sống. Nhưng trong ngày Lễ nó cần phải chết.

 

18.

Về ngày Lễ có hai yếu tố nổi bật: Ý nghĩa của ngày thường nhật bị lật tẩy ở đây và bầu khí quyển tràn ngập sự hiện diện Thượng đế. Nhưng ý nghĩa của ngày thường nhật mở ra vì thế, và bầu khí quyển tràn ngập sự hiện diện Thượng đế vì thế, bởi vì cộng đồng của sự sống Thượng đế được hoàn thiện tại đây. Sự hiến dâng tạo khả năng cho sự hoàn thiện này.

 

Nếu không có hiến dâng sự sống Thượng đế dành cho con người đã không bị khóa. Sự hiến dâng không là gì khác ngoài sự tước bỏ của cái TÔI khác biệt, đơn lẻ, cô đơn. Khi cái TÔI cá nhân con người bị tiêu diệt, trong giây phút hiến dâng, con đường đến với sự sống Thượng đế bỗng rộng mở. Khi con người gặp gỡ những người khác trong sự sống cao hơn, nó bước ra khỏi đau khổ.

 

Ngày Lễ này là cộng đồng. Ngày lễ là cộng đồng của tất cả con người trong sự sống Thượng đế nơi con người chỉ có thể đạt tới bằng hiến dâng cái TÔI của nó. Bởi vậy ngày Lễ là sự thực hiện của sự sống tập thể. Tất cả cộng đồng mang tính chất ngày lễ. Bởi vậy Hölderlin nói về festliche Gemeinschaft( lễ hội cộng đồng).Không có ngày lễ khác, chỉ có ngày lễ của cộng đồng. Ngày thường nhật là sự nhiễu loạn của những cái TÔI. Trong ngày Lễ chỉ nhân loại được nâng lên sự sống Thượng đế để cùng chung sống với nhau.

 

19.

Về cộng đồng triết học, khoa học, thi ca bàn tới như thể nó đã xuất hiện. Nhưng thực ra con người chưa đạt tới cộng đồng. Cộng đồng chỉ có thể được tạo dựng bởi LINH HỒN CUỐI CÙNG, và chính vì thế cộng đồng chỉ trong THỜI GIAN CUỐI CÙNG thực hiện nổi. Tính chất tập thể người lớn lao, sự gặp gỡ và thống nhất của tất cả con người trong sự sống thượng đế-  sự kiện khải huyền-  sẽ là một trong những sự kiện sau cùng và to lớn nhất của lịch sử thế giới.

 

Cho đến hôm nay mới chỉ có những cái TÔI, những chủng loài, những quốc gia, các ngôn ngữ, các tôn giáo, các lợi ích, những nỗi đam mê, chỉ có tinh thần, thiên nhiên, lý tưởng, sự thật. Chưa có ngày lễ. Không thể có. Cái đang tồn tại chỉ là ngày thường nhật, đôi khi sáng sủa đôi khi tăm tối.

 

Bởi vì ngày Lễ mang tính khải huyền: nằm trong THỜI GIAN CUỐI CÙNG.

 

Khi con người tước bỏ từ bản thân cái TÔI, để hiện hữu trong bản chất đích thực của nó, và hòa hợp cùng với tất cả những con người khác trong cộng đồng./.

 

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

( 2011.01.27)

 

 

Hamvas Béla
Số lần đọc: 1727
Ngày đăng: 18.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Thanh Tâm Tuyền - Nguyễn Vy Khanh
Nhầm Lẫn Khi Đọc Thơ - Trần Văn Nam
Một ngả rẽ thú vị của truyện ngắn Việt Nam sau 1986 - Trần Viết Thiện
Từ Thích Giả Ngộ đến Thích Giác Ngộ - Kiệt Tấn
Thơ Tô Thùy Yên, quán trọ hồn đông-phương - Nguyễn Vy Khanh
Triết học nào cho thế kỷ 21. tiếp - Đặng Phùng Quân
Về Những Thể Nghiệm Thơ Gần Đây - Hoàng Hưng
Triết học nào cho thế kỷ 21 - Đặng Phùng Quân
Phổ lời - Nam Dao
Dịch và tán phét về thơ Prévert : Mấy lời đính chính. - Phan Huy Đường