Wieland Wagner ở Bắc Kinh, SPIEGEL, 03/18/2011
http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,751467,00.html
Ảnh: REUTERS
Bắc kinh đang cố gắng bảo đảm chắc chắn rằng các nhà hoạt động dân chủ Trung Hoa, những người đòi có một cuộc “cách mạng hoa nhài” của chính họ, không thành công trong cuộc tranh đua với những người cùng hội cùng thuyền của họ ở Bắc Phi. Sự đàn áp của lãnh đạo gần với hoang tưởng, Nhưng đảng Cọng sản biết rằng sẽ gây nguy hiểm cho thần kỳ kinh tế đang duy trì được ổn định xã hội.
Mọi vật đều đỏ chói, từ những tấm thảm đến những chiếc ghế đến những lá cờ. Theo một thứ tự đã được xác lập chặt chẽ, Hồ Cẩm Đào, chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, và các thành viên ban lãnh đạo Trung Hoa bước vào Đại Lễ Đường, hoan hỉ vỗ tay theo nhịp quân nhạc. Trang phục màu sắc rực rỡ của các dân tóc thiểu số, như Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ, được đưa vào như một hoạt cảnh dân tộc bắt buộc.
Thoạt nhìn, mọi thứ đúng như mọi năm, khi Hội nghị Hiệp thương Nhân dân, quốc hội trình diễn của Bắc Kinh, được triệu tập và những người cộng sản Trung Hoa tán dương thành công của họ. Nhưng lần này có cái gì khác. Cứ như thể có một vị khách không mời đến quấy rầy cuộc trình diễn hòa hợp giả tạo, một kẻ nào đó không thể nêu tên nhưng vẫn làm cho mọi người bực bội.
Chỉ có trong tâm trí
Con ngáo ộp khiến cả nước bực mình có tên là “cuộc cách mạng hoa nhài.” Với cảm hứng từ cuộc nổi dậy cùng tên của Tunisia, các nhà hoạt động trên Internet chọn thuật ngữ này đặt cho hàng loạt cuộc biểu tình trong đó người Trung Hoa tràn ra các đường phố để đòi có nhiều tự do ngôn luận hơn. Tuy nhiên, cho đến nay những biến động như thế chỉ tồn tại trong trí óc bấn loạn của các lãnh đạo đất nước. Niềm mê say tự do kích động những cuộc nổi dậy quần chúng ở miền Bắc Phi xa xôi không có bất cứ tiếng vang nào trong 1,3 tỉ người Trung Hoa. Đó là bởi vì có sự khác biệt một trời một vực trong cách nhìn của Trung Hoa về tương lai, một kết quả của thành công về kinh tế, với sự vô vọng mà những thần dân của nhiều nhà độc tài Arập đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, đây là câu chuyện các nhà lãnh đạo đảng của Trung Hoa gắn bó với số phận của các nhà độc tài Arập đã bị nhân dân đuổi cổ đi như thế nào. Họ đã tăng cường giám sát nhân dân của họ với sự giúp sức của một chiến dịch an ninh khổng lồ, với một cường độ mà nước Cộng hòa của Nhân dân này chưa từng trải qua kể từ Olympic Mùa hè 2008 ở Bắc Kinh.
Phản ứng với những cuộc bạo động ở Trung Đông, lãnh tụ đảng Cộng sản Hồ Cẩm Đào đã triệu tập một cuộc họp các quan chức chóp bu từ các tỉnh và quân đội hồi tháng hai. Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người chờ để sắp tới thay thế Hồ, cũng có mặt. Chủ đề của cuộc họp là các cấp chính quyền làm thế nào ngăn ngừa được xung đột xã hội và hướng dẫn dư luận quần chúng trên Internet đi theo hướng mong muốn.
Nhóm [lãnh đạo] này đi đến kết luận rằng tình trạng bất an và những cuộc biểu tình thuộc loại đã xảy ra ở Bắc Phi ngay từ đầu không được phép xảy ra. Từ đó, những từ như “hoa nhài” hoàn toàn bị chặn trên Internet. Thậm chí một bài hát dân ca truyền thống ca ngợi mùi hương của “Hoa Nhài” cũng trở thành nạn nhân của việc kiểm duyệt này. Chính quyền còn quản thúc hơn một trăm nhà hoạt động, luật sư và người bất đồng chính kiến.
Săn lùng các phóng viên
Siêu cường mới nổi này dường như đang đuổi bắt một bóng ma. Trong nhiều dịp cuối tuần, cảnh sát đã chặn các khu vực mua bán trong các thành phố lớn nhất Trung Hoa, kể cả Vương Phủ Tỉnh, khu vực đi bộ nổi tiếng ở Bắc Kinh, tên của nó cũng bị đưa vào danh sách đen của Internet.
Nhưng thay vì những người phản kháng mà người ta sợ hãi, chỉ có một số lớn cảnh sát và bọn côn đồ mặc thường phục, xuất hiện và săn đuổi các nhà báo nước ngoài. Một số sĩ quan cảnh sát dắt theo chó, trong khi nhiều người khác ngụy trang làm những người quét đường. Cảnh sát còn ngăn chặn những mục tiêu của các mạng điện thoại di động trong một số thời gian. Một số đặc phái viên nước ngoài, trong đó có phóng viên hãng truyền hình ARD của Đức và tạp chí Stern đã bị thẩm vấn trong nhiều giờ. Các phóng viên ATV với Bloomberg New thậm chí còn bị đánh đập.
Các lực lượng an ninh Trung Hoa cũng quấy rầy một số đại diện của các hãng truyền thông phương Tây tại các căn hộ của họ, dùng các cuộc “đến thăm ban đêm” đe dọa để ép họ “hợp tác.” Họ bị cảnh báo rằng nếu không, họ sẽ bị từ chối gia hạn giấy phép vào cuối năm nay.
Chế độ tin rằng tăng sức ép lên các hãng truyền thông phương Tây sẽ trám được những khe hở cuối cùng trong bức tường kiểm duyệt, nhờ đó mà đất nước khổng lồ này sẽ cô lập được bản thân nó khỏi phần còn lại của thế giới. Twitter, Facebook và YouTube từ lâu đã bị chặn./.