Thằng Tâm vừa đúng 18 tuổi và không biết một chữ nhứt là một. Tôi phát hiện điều nầy trong đợt thăm nuôi vừa rồi. Cả phòng D1 chỉ vỏn vẹn bốn người với sáu mét vuông, bao gồm cả chổ ngủ, hầm bô, bồn nước… nên tất cả đều đồng ý chung mâm, có gì ăn nấy. Nếu so với dãy A và C phía bên kia, thì D1 đúng là thiên đường trong cái trại tạm giam nầy. Chỉ một lớp cửa sắt, lại gần nhà bếp, thi thoảng ghé mắt qua lỗ đưa cơm thấy mấy người ở phòng lao động tất bật vo gạo, làm cá cũng vui. Hóa ra, ở đâu cũng có sự phân định rạch ròi. Điều nầy phải đợi đến khi cả bốn đứa đều nhận được cáo trạng, tôi mới suy ra. Dãy D là nơi tạm giữ những người mới phạm tội lần đầu, hoặc do sơ ý mà phạm tội. Nói chung không phải dạng ở tù chuyên nghiệp, có thể cải tạo được nói theo thuật ngữ của những nhà giáo dục học.
Lần đầu tiên nếm mùi tù tội nhưng xem ra thằng Tâm không có gì là sợ hãi. Khi mới chuyển qua phòng nầy, thấy một thằng oắt con đúng nghĩa, trần truồng hết sức tự nhiên, miệng ong ỏng ca mười năm không gặp tưởng tình đã cũ. Tôi đã ghét hết sức ghét! Nhưng sau đôi ba tháng chung đụng trong khoảng không gian chật chội nầy, tôi lại thấy thương nó nhất phòng. Thì ra, khi mở miệng là chưởi thề, hở một chút là cây hàng 5 tấc, 6 tấc cũng chỉ là một kiểu ham làm người lớn
mới vừa học được trong tù. Nó làm người ta thấy tức cười hơn là sợ hải.
Sự phân định giàu nghèo sẽ phơi bày hết bộ mặt nhẫn tâm của nó trong môi trường tù tội và bệnh viện, nơi mà mọi vỏ bọc cảnh giác không còn. Một gương mặt hớn hở khi giỏ thăm nuôi đầy ắp thức ăn đắt tiền. Và kia, ánh mắt lặng lẽ cuối xuống với túm đôi ba ổ bánh mì yểu xìu, khô khốc. Má thằng Tâm mỗi tháng mới vào thăm nó một lần. Sáng nầy, vừa mở mắt nó đã nói với tôi bữa nay má em vô. Và khi nó xách lệch vai cái giỏ nặng trĩu bước vào phòng, sau tiếng rít ken két của cánh cửa sắt, ba đứa tôi đã ồ lên vô mánh. Thằng Tiếu lanh chanh đón lấy giỏ đồ, cầm mảnh giấy ghi tên tuổi người thân và liệt kê những món đồ gởi kèm đưa thằng Tâm nói: mầy đọc lên cho tao kiểm tra coi đủ không. Trái với sự háo hức khi ra nhà thăm nuôi, nó buông một câu xuôi xị: kệ nó. Cái thằng! Tiếu cằn nhằn rồi cầm mảnh giấy lẩm nhẩm đọc: Ủa! Người gởi chị Nguyễn Thị Đào, không phải má mầy vô sao Tâm? Đang cởi quần áo, thằng Tâm quay qua như cái lò xo. Cái gì? Chị Đào nào! Chết mẹ! Lộn giỏ rồi. Nói xong nó nhào tới cửa chỏ miệng ra hét lớn: Cán bộ ơi! Cán bộ ơi! Lộn giỏ rồi…
Tối hôm đó, nằm kế tôi thằng Tâm cứ trằn trọc không yên. Hai đứa kia đã ngáy khò khò. Sực nhớ chuyện hồi sáng, tôi hỏi nó khi nhận giỏ sao mầy không đọc tên người gởi. Phải hồi lâu sau nó mới trả lời: em có biết chữ đâu mà đọc! Rồi nó kể cho tôi nghe. Thằng Tâm không có cha. Nó được sinh ra và đương nhiên nhập hộ khẩu vào xóm rác. Một khu xóm lụp xụp nằm ven quốc lộ, gần bãi rác thành phố. Khi vừa biết đi, biết chạy thì chổ nó lao đầu vào cũng là bãi rác, nơi hàng ngày mấy chiếc xe đầy ắp thứ đồ phế thải của con người đổ xuống. Má nó tiệt không nhắc một tiếng về người đàn ông đã kết hợp với mình, dù muốn hay không muốn; dù hân hoan hay đớn đau thì cũng đã cho ra đời một sinh linh là nó. Lớn lên một chút, đôi khi nó tự hỏi: ba mình là ai hén ta?! Giống ông nầy hay ông kia rồi ngơ ngẩn nhìn đống rác bốc mùi…
Nhiều bữa, chiều xuống vác bao “chiến lợi phẩm” về nhà. Nó thấy hoài tụi học sinh cỡ tuổi nó, chạy xe đạp ngoài lộ, cười giỡn vang rân. Tụi nó đứa nào cũng đeo một cái khăn màu đỏ trên cổ, chẳng biết để làm gì! Nó khoái được như vậy lắm, nhưng thổ lộ với má thì nó không dám. Mà nó cũng không có thời gian đâu mà đi học. Phải canh xe về ngoài bãi, mà phải công nhận nó có “khiếu” móc rác hay sao ấy. Cả một xe đổ ụp xuống hàng bao nhiêu tấn rác, cả một đám mười mấy con người già, trẻ lao vào. Vậy mà, lúc nào nó cũng kiếm được nhiều hơn những người khác. Có lần, kể cho tôi nghe mà nó còn rùng mình. Em vớ được một bọc vải nằng nặng, mở ra là một đứa bé mới sinh đã chết cứng tự hồi nào. Bà ngoại – là người đàn bà già nhất xóm - tụi nhỏ quen miệng gọi là bà ngoại. Mang ra chôn ở rìa bãi rác, cũng nhang khói đàng hoàng mấy ngày.
Thằng Tâm mê đi xe đạp lắm, nó muốn được một lần mặc áo trắng, không có khăn quàng cũng được, vừa chạy xe vừa cười giỡn như tụi nhỏ mỗi chiều. Má nó hứa: Ừ! Con ráng kiếm tiền dành dụm. Khi nào biết chạy xe, má mua cho một chiếc. Mọi việc chưa đâu vào đâu, giấc mơ đeo đuổi nó suốt một thời tuổi thơ nhọc nhằn vẫn chưa thực hiện được, thì nó lại vào đây. Cái thằng, bộ nó tưởng luật pháp có thể xin tì như chơi nhà chòi hay sao? Bữa đó, ra thị trấn mua đồ cho má. Trưa nắng gắt váng cả đầu. Không biết xe đạp của ai mà để khơi khơi, chẳng khóa mà cũng chẳng ai coi chừng. Ma xui quỷ khiến không biết, nó bước tới dắt đi tỉnh bơ. Đến khi nghe tiếng hô hoán: Ăn cắp xe! ăn cắp xe! Nó còn chưa biết người ta đang nói mình. Bị đòn thì đành rồi. Cán bộ điều tra hỏi: Sao lấy xe mà không chạy? Nó nói: Con không biết chạy. Vậy mầy lấy làm gì? Dạ! Con tính lấy về tập chạy… cán bộ kêu trời rồi kết luận điều tra cái rụp.
Tôi tuyên bố với cả phòng: Tao sẽ dạy thằng Tâm học. Ít ra, nó cũng phải đọc được tên má nó khi nhận đồ thăm nuôi. Trong thời gian chờ ra tòa chỉ có ăn và ngủ, nên khi tôi bày chuyện chẳng thằng nào phản đối. Nhưng, lại nhưng! Dạy bằng cách nào? Ở trại tạm giam, tuyệt đối cấm sử dụng giấy viết vì sợ thông cung. Viết lên tường ư? Cán bộ kiểm tra là “bành thân”! Suy đi, tính lại tôi sực nhớ thằng nào vô đây mà không có vài tờ giấy tạm giữ, rồi gia hạn tạm giữ, rồi tạm giam đã hết hạn. Tôi bảo ba đứa lục giỏ đưa tôi mấy tờ lệnh. Mỗi tờ xé làm 8 mảnh, chỉ 4 tờ thôi đã đủ để làm một bộ mẫu tự. Xong chuyện giấy, lại đến chuyện mực viết. Cái nầy phải nhờ Tuấn đen, cái thằng tháo vát nhất phòng. Nó lui cui xé mấy cái bọc hai quay làm hỏa tốc đốt lên rồi lấy cái bo (thau mủ) bể hứng khói. Cái gì chứ khói hỏa tốc thì khỏi nói, đen kịn, đầy nhóc. Chỉ một lúc là đủ, Tuấn cạo khói vào một cái chén, thêm chút nước quậy lên sền sệt, đâu thua gì mực tàu của mấy ông thầy nho. Còn viết thì dễ kiếm rồi, chiều khi cán bộ mở cửa đổ rác Tuấn nhanh tay nhặt một que tre, tước cho vừa tay, đập dập dập một đầu là xong.
Cuối cùng tôi cũng có một bộ mẫu tự đầy đủ cả chữ lẫn số. Hàng ngày, tôi xếp từng con chữ ra dạy Tâm tập đọc, rồi ráp vần xuôi, vần ngược. Cái thằng coi vậy mà sáng dạ lạ lùng, thêm nữa thằng Tuấn đen, rồi thằng Tiếu thấy Tâm ham học cũng bày đặt sắp chữ nầy, chữ nọ ra đố. Nhờ đó thằng Tâm càng mau biết. Nhiều bữa, hai “thầy – trò” nằm bò ra mà đánh vần. Cái thằng, đọc được hứng chí hay sao mà cứ quát miệng lên gào: m..a..sắc..má! bờ..a..ba! làm cán bộ quản giáo tưởng có chuyện gì, bước đến cửa, đứng nghe một hồi rồi bỏ đi.
Cái mà thằng Tâm lần đầu tiên đọc được suôn sẻ lại chính là tờ giấy triệu tập nó ra tòa. Tôi biết giờ chia tay của chúng tôi sắp đến, mỗi đứa sẽ đi một đường, cho trọn cuộc hành trình tù tội của mình. Nhiều đêm, nằm bên nhau tôi khuyên Tâm sau nầy về đời cố gắng học một nghề gì đó. Lớn rồi, cứ sống dựa vào của bỏ đi của thiên hạ liệu có thành người hay không?! Khi tôi xách bọc quần áo bước ra khỏi phòng D1, cũng là lúc tôi và thằng Tâm chia tay chẳng biết khi nào gặp lại.
*
Bẵng đi đâu cũng tám, chín năm. Khi mà chuyện tù tội đã trở thành sợi khói mỏng manh trong ký ức thì tôi gặp lại thằng Tâm. Sáng đó, vừa trờ xe tới một ngã tư thì kẹt đèn đỏ, đang lừng khừng nửa muốn đạp thắng, nửa muốn rồ ga thì có tiếng gọi tên tôi, giọng mừng rỡ. Quay qua, một khuôn mặt rất quen nhưng tôi không nhớ đã gặp ở đâu, phía trước xe lại có một bé gái khoảng 5, 6 tuổi. Gương mặt sáng ngời xinh xắn, hai cái bím tóc cột nơ màu hồng, long lanh như hai giọt sương buổi sáng. Anh không nhớ em sao? Thằng Tâm D1 nè! Anh đợi em một chút, em cho con nhỏ đến trường rồi anh em mình kiếm chổ uống cà phê tâm sự.
Chấp nối những lời kể rời rạc của Tâm sau vài lần cà phê, cà pháo rồi lai rai thịt cầy, thịt chuột tôi cũng hình dung được cuộc đời của nó sau ngày ra tù. Xách bọc đồ về đến xóm rác, câu đầu tiên thằng Tâm nói với má nó là: Con biết đọc rồi! Con muốn học nghề chớ không móc rác nửa đâu! Chuyện thằng Tâm ở tù mà biết đọc chữ khó tin giống như cái xóm lụp xụp đó hóa thành nhà lầu. Phải đến khi nó cầm tờ báo lên đọc ro ro, mọi người mới tròn mắt gật đầu. Má nó coi bộ suy nghĩ lung lắm. Rồi chẳng biết cậy cục sao đó, đâu tháng sau thằng Tâm được theo học nghề thí công tại một cửa hàng sửa chữa xe gắn máy trong thành phố. Thấy nó sáng dạ lại chịu khó, chỉ gần năm trời ông chủ cho nó ăn ngủ luôn tại chổ, còn ưu tiên cho nó nhận bơm, vá xe đạp lấy tiền bỏ túi.
Xéo xéo chổ nó làm là một trung tâm dạy nghề. Mấy đứa con gái học may trong đó ghé chổ nó mượn ống bơm hoài. Đồ hà tiện! Có năm trăm cũng tiếc. Chỉ có một đứa duy nhất khi xe xẹp bánh, không mượn mà kêu nó bơm rồi móc năm trăm ra đưa. Đồ làm phách! Đã vậy ta đây cũng không thèm, năm trăm mà nhằm nhò gì! Để đó đủ trăm ngàn lấy luôn. Bữa nọ, đã sắp đến giờ trung tâm đóng cửa, con bé “làm phách” hớt hơ, hớt hải dắt xe tới nói: Anh coi giùm em cái bánh xe, cho em gởi luôn nghe, tới giờ học rồi! Nói xong nó tọt vô trỏng chẳng cần biết thằng Tâm có đồng ý hay không. Thiệt tình! Có cái “chân đi” mà cũng không “chăm sóc thuốc thang” tử tế. Tâm lầm bầm trong miệng rồi lui cui lấy đồ nghề mở bánh xe. Trời ạ! Cái ruột vá chằng, vá đụp còn hơn trưởng lão tám túi. Kiểu nầy chỉ có thay ruột mới chớ vá nỗi gì! Thằng Tâm nói với tôi: Chẳng biết lúc đó em nghĩ gì mà móc tiền túi ra mua cái ruột xe mới thay cho nó. Đã vậy, lúc lấy xe nó hỏi bao nhiêu tiền, em còn nói trớ đi xì vòi, sửa chút xíu tiền bạc gì. Để đó đủ trăm ngàn lấy luôn.
Hai ngày sau con nhỏ ghé lại, không bơm, sửa gì cả mà đưa em cái bọc nhỏ. Mĩm cười rồi chạy vô trường. Mở ra, một gói Héro và mảnh giấy ghi mấy chữ: Em cám ơn anh nhiều lắm! May phước là em biết đọc, không thì chẳng biết ra sao! Tụi em quen nhau từ đó. Suốt mấy năm trời thằng Tâm dấu biệt chuyện nó lớn lên ở xóm rác, chuyện tù tội và cả chuyện chỉ đọc được, chớ viết thì khó còn hơn lên trời! Mỗi lần nhận thư, đọc xong nó trả lời bằng miệng luôn, viện cớ sửa xe tay chân dầu mỡ, cầm mỏ lết quen rồi, viết thư lọng cọng.
Cũng trắc trở trăm bề nhưng rồi tụi em cũng thành vợ thành chồng. Nhờ hai đứa cắc củm dành dụm, rồi người nầy người nọ giúp đỡ, tụi em mua được miếng đất nhỏ cất nhà, em sửa xe, vợ em may đồ loanh quanh trong xóm cũng sống được. Thiệt đúng là cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Khi đó vợ em có bầu độ ba bốn tháng, một buổi trưa nọ vắng khách em đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng gọi: Anh ơi! Ra ghi giùm em… thì ra có hai bà khách đến may đồ, họ đang gấp gáp chuyện gì đó mà hối thúc luôn miệng. Thằng Tâm vừa bước ra, thì vợ đã nhét vào tay cuốn sổ và cây viết. Tay đo thoăn thoắt, miệng thì: Ngang… tay… nách… Em đứng đực người ra, lúng túng – thằng Tâm nhớ lại – cây viết trong tay nặng chịt như núi Ngũ hành sơn đè Tề thiên. Lóng cóng chẳng biết làm gì, em bỏ đại cây viết, cuốn sổ lên bàn, tay vớ cái nón, chân bước ra cửa, miệng nói: Anh đi công chuyện! Tiếng một bà khách lầm bầm: Chồng con gì! Thiệt tình, nhờ chút xíu cũng không được! Thôi, đưa đây tui ghi cho… Đi tuốt ra quán cà phê bờ sông, em ngồi đó suốt cả buổi chiều, suy tới tính lui mà buồn. Không phải em buồn vì mình không biết viết chữ, cái em buồn là không giúp được vợ mình trong một chuyện nhỏ như vậy! Sau nầy những chuyện lớn hơn sẽ ra sao?!
Khi thằng Tâm quay về nhà thì vợ nó đã chuẩn bị cơm nước xong xuôi. Tuy vợ không nói gì, nhưng nó biết giữa hai vợ chồng sẽ có một chuyện gì đó. Đến lúc vào mùng ngủ con vợ nó mới thủ thỉ: Anh không biết viết phải không? Trời lạnh mà em muốn đổ mồ hôi hột – thằng Tâm nói – nhột quá, cuối cùng em đành nói thiệt. Em kể cho nó nghe hết mọi chuyện mà em còn dấu diếm. Từ chuyện bãi rác, chuyện gặp anh trong tù, chuyện được anh dạy đọc và cả cái câu anh khuyên em kiếm một nghề gì đó… Con vợ em không nói gì cả mà ôm em khóc ròng. Mấy bữa sau nó nói: Anh phải tập viết chữ, để sau nầy còn viết tên con mình khi nó đến trường. Rồi nó kiếm ở đâu không biết lôi về nào mấy cuốn tập đồ, tập viết đủ cả… Tối xuống, đóng cửa, nó cầm tay em tập viết từng chữ, cứ như đang tập cho em bé. Nó còn kể cho em nghe chuyện bà gì đó dạy chồng hồi xưa, rồi bắt buộc mỗi ngày em phải viết xong một trang mới vô ngủ.
Bây giờ thì em viết được rồi, tuy không đẹp như mấy người ăn học giỏi nhưng con vợ em vui lắm. Ngày con em đi học, mọi việc đều do vợ em lo liệu nhưng giấy nhãn bao tập nó nói em muốn anh ghi cho con. Không hiểu sao khi viết xong tên con bé lên tờ giấy nhãn, em cứ rưng rưng nước mắt. À! Còn chuyện nầy nữa. Con em nó học giỏi lắm, ngày nào về cũng khoe con tập viết được mười điểm. Bữa nọ, chẳng biết moi móc thế nào nó cầm ngay quyển tập viết của em ra hỏi: Ba ơi! Cuốn tập viết nầy của ai vậy? Nhìn là phớt qua biết của ai rồi, em đáp đại: Ờ! Của ba học hồi nhỏ đó con. Nghe vậy, con bé lật ra xem rất chăm chú rồi bình luận. Hồi nhỏ ba viết chữ xấu hơn con! Em chẳng biết nên khóc hay cười. Đã vậy, nghiên cứu một hồi nó còn phát hiện: Ba ơi! Sao cô giáo của ba không cho điểm? Đến đây thì em ngọng thật sự, gương mặt em lúc đó chắc giống y như hồi con vợ em nhờ ghi số đo cho khách. Em vả lả chắc tại cô quên. Con bé vẫn chưa buông tha: Sao cô lại quên vậy ba? Đến đây thì em thật sự đầu hàng, em “bán cái” cho vợ: Cái đó thì con phải hỏi má con mới biết! Con bé đang ngồi trong lòng em tuột cái rột xuống đất, cầm quyển tập chạy ra nhà sau: Má ơi! Sao cô giáo của ba quên cho điểm… Em vớ cái nón, nói vọng ra sau: Anh đi công chuyện! Rồi em trở lại đúng cái quán cà phê bờ sông, cũng đúng bàn đó, kêu cái đen ngồi nhâm nhi. Lần nầy em không buồn, mà vui lắm. Niềm vui mênh mông như con nước đang tràn bờ, cũng chẳng biết vì lẽ gì!
Nghe câu chuyện Tâm kể, có lúc tôi bật cười, cũng có khi nghe cay cay sóng mũi./.