Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.246
123.154.723
 
Doãn Dân giữa bằng hữu, cuối những năm 1960
Lữ Quỳnh

tặng Trần Hoài Thư

 

Thời gian qua đã lâu nhưng mỗi lần nghĩ đến Doãn Dân tôi vẫn cảm thấy gần gủi với những kỷ niệm nổi cộm về anh. Thật tình cờ vào cuối những năm sáu mươi chúng tôi, Trần Hoài Thư, Doãn Dân, Nguyễn Kim Phượng cùng ở sư đoàn 22 đóng tại Bà Gi, tỉnh Bình Định. Doãn Dân làm việc ở Phòng 2, Nguyễn Kim Phượng Phòng 3, Trần Hoài Thư Đại đội Thám kích, và tôi Tiểu đoàn Quân y. Nhờ những truyện ngắn đăng trên Bách Khoa mà dưới mỗi bài chúng tôi ghi Ba Gi, ngày tháng…, Thư và tôi đã tìm nhau, nhưng cũng phải mất thời gian khá lâu mới gặp mặt.

 

Doãn Dân ở cư xá sĩ quan với vợ và bốn con gái. Những đêm ngủ lại đơn vị, tôi thường lái xe qua nhà anh uống trà và nghe anh chơi guitar. Chị rất giản dị và các cháu đều ngoan. Không nói ra, nhưng tôi biết anh muốn chị sinh một cháu trai, để trong đám trẻ có trai có gái cho vui, thế mà lần sau cùng chị sinh một cháu gái nữa. Trong đời sống Doãn Dân có nhiều bức xúc. Anh không vui với đời. Thời gian truyện dài Chỗ Của Huệ in ở Sài Gòn, anh thường nói chuyện văn chương với bạn bè. Anh nói nhà văn Nhật Tiến đang in giúp anh tác phẩm này. Và anh thấp thỏm chờ đợi. Theo anh,  Nhật Tiến rất thân. (Sau này có dịp gặp nhà văn Nhật Tiến ở Calif. tôi có hỏi thăm anh mong được biết tin tức về gia đình Doãn Dân, nhưng anh cũng mất liên lạc với họ ngay trước 1975.)

 

Doãn Dân nổi tiếng rất sớm. Nhiều truyện ngắn của anh đăng trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn. Trên một trang mục lục Bách Khoa cũ tôi thấy có mấy truyện Sương Mù (số 110), Giao Thừa (số 122) của anh, khoảng năm 1959, 60. 

 

Một buổi chiều tôi lái xe chở Doãn Dân chạy quanh ngọn đồi lên tháp Bánh Ít thăm Trần Hòai Thư. Từ ngọn tháp này có thể nhìn bao quát cả một vùng từ thị trấn An Nhơn đến quận Tuy Phước. Cảnh quan thật đẹp, thật hiền hòa. Ngọn núi Kỳ Sơn trước mặt chẳng hùng vỹ bí hiểm gì,nằm đơn độc giữa cánh đồng bạt ngàn mây nước, nhưng vô cùng bất trắc với Trần Hoài Thư và đơn vị anh. Nhiều lần hành quân vào ngọn núi này mà không chiếm nó dễ dàng, đã phải để lại nhiều máu đồng đội.Tôi chỉ cho Doãn Dân góc tháp mà Thư đã dựa lưng và kê ba lô lên đùi ngồi viết sau những lần nghỉ hành quân.

 

Tại miền đất này chúng tôi đã có những tác phẩm nói lên sự bi thảm và phi lý của chiến tranh, về sự chia lìa  khốn khổ của những người dân hứng chịu bom pháo ngày đêm, sống  giữa hai lằn đạn mà không biết đâu là kẻ thù !

 

Cuốn Chỗ Của Huệ dày khoảng 200 trang, Doãn Dân ký tặng bạn bè. Rất khích lệ, anh hẹn sẽ in tập truyện ngắn mà anh tâm đắc vào năm sau.

 

Qua năm 1970 Trần Hoài Thư tự ý rời đơn vị, tôi cũng chuyển về quân y viện. Trong những lần gặp gỡ sau cùng với Doãn Dân ở Sư đoàn , tôi thấy anh buồn và bất mản rõ.

 

Anh kể trong dịp đi phép về Sài Gòn lo đám tang người thân trong gia đình, lúc trở ra trả phép bị cấp trên xài xể vì trễ mấy ngày, anh đã cự nự cãi lại. Anh tâm sự, phải ở trong hoàn cảnh của mình, tình cảm của mình đối với người vừa nằm xuống như thế nào, mới hiểu  được nỗi đau và sự khó khăn mà mình chịu đựng. Chứ còn giải quyết sự việc một cách máy móc thì nói làm gì! Sống phải có tình, có sự tương kính, cảm thông nhau chứ.

 

Mình chấp nhận đi bất cứ đơn vị nào trên bốn vùng chiến thuật !  Tôi biết tính anh thẳng thắn, trung thực, không chịu khuất phục bất cứ áp lực phi lý nào.

 

Sau này Doãn Dân chuyển về Sài Gòn một thời gian, tôi không rõ anh phục vụ ở đơn vị nào. Chỉ biết qua năm 1972, vào mùa hè, tôi nghe tin anh đổi ra Quảng Trị đúng thời điểm chiến trường nơi đây vô cùng khốc liệt. Một đoạn đường trên quốc lộ 1 đã nổi tiếng là đại lộ kinh hoàng. Không rõ anh đã tìm ra đơn vị mới chưa, nhưng qua báo chí lúc bấy giờ, anh đã bị pháo chết lúc ngồi trên xe qua đoạn đường này. Nhiều trang báo đăng phân ưu gia đình anh. Bằng hữu vô cùng xúc động, thương tiếc anh, một Doãn Dân nhà văn tài năng, một sĩ quan cương trực đã sớm đền nợ nước!

 

Những năm tháng sau này thỉnh thoảng gặp người quen cũ, tôi có hỏi thăm chị Doãn Dân và các cháu, nhưng không ai biết. Chỉ nghe đâu chị bị đau yếu và đang sống với các con trong hoàn cảnh khó khăn.

 

Khi tôi viết những giòng này thì các cháu bé bỏng ngày nào ở Bà Gi bây giờ tuổi đã ngoài bốn mươi, hẳn đã có chồng con và đang sống một vùng trời nào, bên này hay bên kia trái đất. Các chú, bạn của ba các cháu, nhà văn Doãn Dân, cầu mong các cháu dù ở bất cứ nơi đâu cũng được sống an bình, hạnh phúc.

 

Bắc Calif., Feb.10-2011.

(*) Thư Quán Bản Thảo, Số 46, tháng 4-2011. Bản gửi từ tác giả

 

 

Lữ Quỳnh
Số lần đọc: 2181
Ngày đăng: 22.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan: Danh nhân thi sĩ - Phùng Văn Khai
Mai Lâm-NGUYỄN ĐẮC LỘC ( 1897- 1975): nhà văn “ bất đắc dĩ”. - Thế Phong
Mai Thảo (1927-1998) . 1 - Thụy Khuê
Mai Thảo (1927-1998) . 2 - Thụy Khuê
Trần Phong Giao, người gác cổng văn học, tạp chí Văn - Du Tử Lê
Đinh Hùng ( 1920-1967), Giải Quán Quân Thơ ” Văn Chương Toàn Quốc 1961 ”( miền Nam ). - Thế Phong
Vũ Hoàng Chương: ” …Thơ Ta Chẳng Viết Cho Đời… “ - Thế Phong
Quà xuân của nhà văn hoá Hữu Ngọc - Vân Long
Trăn trở về danh cầm họ Nguyễn - Lâm Bích Thủy
Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Bóng tối dưới hầm (truyện ngắn)
Sông sương mù (truyện ngắn)
Chỉ có kẻ còn lại (truyện ngắn)
Cõi yên nghỉ (truyện ngắn)
Cát vàng (truyện ngắn)
Cuộc Chơi (truyện ngắn)
Ngõ Cụt (truyện ngắn)
người tù (truyện ngắn)
Mùa Xuân Hư Vô * (truyện ngắn)
Cam Lâm (thơ)
Ngõ cụt (truyện ngắn)