Ba Gò ra sông Trăng biên giời khá xa. Khi tôi đến nơi thì trời đã ngã về chiều. Anh Thức khuyên tôi nên đi luôn cho kịp chuyến tàu đêm từ Hồng Ngự lên Châu Đốc. Vậy là tôi khoác ba lô hăm hở dấn bước một mình trên con đường băng đồng rộng ngút ngát.
Không may cho tôi là lúc trời sập tối lại chuyện mưa mù mịt. Đêm đen đặc như bịt lấy mắt. Sấm chớp nhì nhằng. Những chớp lửa lóe lên ngang dọc như rạch nát cả bầu trời. Không còn xác định được phương hướng, tôi lạc lòng vòng giữa đồng rộng. Đến lúc dứt mưa thì tôi biết rằng, mình không còn cách nào ra kịp chuyến tàu đêm. Ở lại giữa đồng thì không được. Đi thì dang dở. Nhưng dù sao thì vẫn cứ phải đi. Đi hú họa với hy vọng gặp được một ngôi nhà hay một cái chòi vịt gì đó.
Khoảng gần mười một giờ đêm, khi đôi chân đã mỏi nhừ như sắp bị đứt lìa ra, tôi chợt nhìn thấy phía xa trước mặt có anh lửa đèn. Mừng klhấp khởi như vớ được món đồ qúy, tôi cắm cúi bước dân lên. Bụng nghĩ thầm, tới nơi sẽ lăn ra ngủ một giấc cho thật đẫy.
Không phải chòi mà là một căn nhà hẳn hoi. Bên trong có ông lão khoảng ngoài sáu mươi đang ngồi xếp bằng trên bộ ngựa ván còng. Trên bàn thờ có hình Chúa Jésu và hình Đức Mẹ. Ông lão ngồi với ve rượu đã vơi gần một nửa, với cả con gà lôi gần như còn nguyên.
Thấy tôi, ông lão không nói gì, chỉ ra hiệu mời tôi ngồi xuống. Khi tôi đã an vị, ông lão đẩy cái chén và đôi đũa để không đến cho tôi. “Qua biết thế nào cũng có người. Hồi chiều con chim khách kêu riết róng lắm. Lại cả một con nhện rớt xuống, giăng tơ ngay trước mặt”. Bấy giờ tôi rất tò mò muốn biết, không hiểu vì sao chỉ một mình mà ông lão lại thịt cả một con gà lôi lớn như vậy. Hình như ông lão đã quay nó bằng củi đước. Đống than ngoài sân vẫn còn đỏ rực, một vài gộc cây vẫn đang cháy rưng rức. Trời mới mưa nên không bị nạn muỗi cỏ. Tuy vậy ông lão vẫn đứng dậy đổ vào đống than một thúng trấu đầy có ngọn. “Cho chắc ăn chú ạ! Xứ này muỗi cỏ đốt nhoi nhói. Đêm nô en có khách ghé bất tử như vầy là hên lắm”. Nói xong, ông lão dùng dao xẻ con gà ra. Nó vẫn còn nóng hôi hổi. Mùi thơm của các thức gia vị và húng lìu bốc lừng lựng. Đúng ra, tôi mới là người hên cùng mình. Đang đói rã ruột lại gặp thịt gà quay, lại gặp ông lão tốt bụng sống một mình giữa đồng. “Từ đầu năm tôi đã quyết định, dứt khoát nô en này phải có thịt gà lôi quay. Chúa không muốn nhìn thấy con cháu của ngài đói khổ trong đêm giáng sinh của mình. Nhưng ngài chỉ cho đức tin, chứ thịt gà thì ngài làm gì có. Nước Chúa ở trên trời, lấy đâu ra đất mà nuôi gà. Tôi nuôi một con, để nó mồ côi cũng tội, giết đi là phải lẽ. Chú quê ở Nghệ An à?”.
Nghe giọng nói vui vẻ của ông lão, bao nhiêu mệt mỏi trong tôi, cùng lúc bay biến đi đâu. Và tôi đã thức trắng đêm với ông lão giữa cánh đồng ngút ngát.
Năm Rựa cuối cùng cũng cưới được vợ. Cũng làm lễ đeo tên thánh. Cũng làm lễ rửa tội ở nhà thờ. Từ một tay giang hồ tứ chiếng, trở thành tín đồ công giáo, mọi chuyện với Năm Rựa cứ như trò chơi. Năm đó Năm Rựa ba hai tuổi, còn người vợ mơi hăm hai. Họ cất riêng một căn nhà ngoài mé sông, sống bằng nghề chài lưới. Làm ăn hụp hửi mãi không khá được, hai vợ chồng đưa nhau vô tuốt trong đồng, sống bằng nghề cá đìa. Của nả mang theo chỉ có mấy bức tranh thánh. Vậy mà người vợ sáng nào cũng dậy sớm tụng kinh. Còn Năm Rựa, nếu vợ không nhắc, thể nào cũng quên làm dấu thánh. Đã làm lễ ở nhà thờ, nhưng Năm Rựa không thể nào nhớ nổi tên các vị thánh. Còn kinh nhật tụng, y không thể nào nhớ nổi quá hai câu. Chúa cha, chúa con, chúa ba ngôi, cứ rối cả lên. Với Năm Rựa, chúa là chúa, chúa ở trên trời và chúa treo mình trên thánh giá. Y lăn lưng ra quần nhau với đất. Tối tăm mặt mày với mưa nắng, vậy mà vẫn không cất đầu lên nỗi. Cái nghèo cứ đeo đẳng dai như đỉa đói. Đã mấy mùa cá đìa, vợ chồng vẫn không có được một mống con nào với nhau. Đã vậy, lâu lâu ông trưởng ấp lại mò vào đòi làm tiền. Mỗi lần như vậy, cũng pải tốn tới vài chục ngàn mới yên thân.
Tới tháng chạp năm 70, bà vợ đang khỏe xơi xởi, bỗng lăn ra bệnh. Tốn kém không biết bao nhiêu tiền mà bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Đến đêm trước thiên chúa giáng sinh vài ngày, vợ Năm Rựa vịn thành giường ngồi dậy, nói với chồng: “Nô em này mình ráng kiếm con gà lôi. Được không anh?”. Năm Rựa thương vợ, phải lăn lội ra tận chợ Hồng Ngự mới mua được một con gà. Anh nấu cà ri dâng lên bàn thờ Chúa. Chúa không ăn được. Vợ anh cũng không ăn được. Thành ra Năm Rựa cũng không ăn được. Nhai miếng thịt cứ thấy đắng nghét trong miệng.
Đêm đó, sau giờ thiên chúa giáng sinh một lúc thì vợ anh trút hơi thở cuối cùng. Đau đớn cùng cực, Năm Rựa đổ hết tội cho Chúa. Vợ anh ngoan đạo là vậy. Dù ở giữa đồng, nhưng ngày nào chị cũng chắp tay tụng kinh, thành kính với Chúa hết mực. Vậy mà Chúa nỡ lòng nào để chị phải ra đi. Trong cơn quẫn trí, Năm Rựa lột ảnh Chúa, tượng Chúa, nhét hết vào hộc tủ. Cả nồi cà ri gà anh cũng đem đổ xuống ao làm mồi cho cá. Rồi anh lôi chai rượu ra uống. Lầm lì từng li từng li một. Tới sáng, một mình anh lầm lũi đào huyệt mộ, lặng lẽ chôn cất người vợ xấu số.
Từ đó, năm nào, đúng vào đêm nô en, Năm Rựa cũng làm một mâm cơm cúng có thịt gà lôi. Đến nô en năm 75, không hiểu vì sao Năm Rựa lại quên chuyện mua gà lôi về làm cơm cúng. Đêm đó, vợ anh hiển linh, hiện về nhắc anh phải bày tượngChúa và treo tranh Chúa lên bàn thờ. Chị nói, chị được Chúa cho theo về nước thiên đường ở trên trời; mỗi ngày chị vẫn cầu Chúa cho anh được bằng an trong mọi việc. Năm Rựa thức dậy, vừa treo tranh Chúa vừa nghĩ: nước thiên đàng có gì ở trển, dưới này tôm cá ê hề lại không sống. Chúa có công bằng không, đã không cho anh một mụn con, lại còn gọi vợ anh về trời. Một mình thì tiền bạc mà làm gì.
Sang năm 76, nhớ lời vợ hiển linh căn dặn, Năm Rựa mua một cặp gà lôi về nuôi. Cặp gà dư dả thức ăn, lớn sơn sởn. Vậy mà rắn hổ mang mổ chết mất con mái. Đến ngày nô en, mới đầu Năm Rựa định nấu cà ri, nhưng rồi nghĩ tới chuyện không thể nào ăn hết được, nên đổi qua quay cả con gà. Đang quay thì có con chim khách bay tới, kêu khách khách ngoài bụi tre. Bước vô nhà, một con nhện sa ngay trước ngạch cửa. Nắng chiều chiếu vào sợi tơ óng ánh. Nghĩ là thế nào cũng có khách, nên Năm Rựa để nguyên cả con gà ngồi đợi. Và… gần tới giờ thiên chúa giáng sinh thì tôi lù lù xuất hiện.
Đêm nô en ấy là đêm nô en có một không hai trong đời tôi. Bởi vì ở giữa đồng mà được ăn thịt gà lôi thì quả là chuyện rất hi hữu, không phải ai cũng có duyên được như vậy. Nhưng chuyện hiển linh của người vợ, để Năm Rựa treo lại tranh Chúa, bày lại tượng Chúa, mới là chuyện khiến tôi phải suy nghĩ mà viết lại chuyện này.