Từ mấy tuần lễ nay , các trang websites , các đài phát thanh , truyền hình và báo chí của người Việt Nam trên khắp thế giới đều đăng tin , chia buồn và tưởng niệm cố Học giả Nhà thơ Phạm Công Thiện đã viên tịch vào ngày 08 – 03 – 2011.
Tôi đã định không phát biểu hay viết gì hết trước diễn đàn văn học , sau khi đến phúng viếng và tham dự đám tang ( lễ hỏa tang ) cố Học giả Nhà thơ Phạm Công Thiện ngày 13 tháng 3 năm 2011 .
Nhưng thiết nghĩ nếu không nói lên điều gì đó trước công luận và những người yêu văn học Việt Nam , cho đến nay là ngày 25 -3- 2011 . Mới vừa đúng hai tuần lễ . Thì cảm thấy lòng mình ray rức đay nghiến không yên . Và biết đâu chừng , sẽ là có lỗi với vong linh Nhà thơ đã khuất .
Tôi xin phép sơ lược tiểu sử Nhà Thơ dựa theo văn bản thông báo của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Văn phòng 2 Viện Hóa Đạo tại Hải ngoại như sau :
TIỂU SỬ
Giáo sư Phạm Công Thiện sinh ngày 01 – tháng 06 – năm Tân Tỵ 1941 tại Mỹ Tho , Việt Nam .
· Tiến sĩ Triết học tại Đại học Sorbonne Pháp .
· Giáo sư Triết Đại học Toulouse Pháp
· Nguyên Khoa trưởng Đại học Văn khoa và Khoa học Nhân văn Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn .
· Nguyên Giám đốc soạn thảo chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa của viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn từ 1966 tới 1970 .
· Chủ biên tạp chí Tư tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn
· Giáo sư Phật học tại các học viện , Cao đẳng Phật học tại Hoa Kỳ
· Nguyên Tổng vụ Trưởng Văn hóa Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất văn phòng 2 Viện Hóa Đạo hải ngoại .
Ai cũng biết tên tuổi Phạm Công Thiện không chỉ là một nhà văn , nhà thơ lớn . Ông còn là một Giáo sư học giả uyên bác hiếm hoi của Văn học Việt Nam . Ông đã để lại một di sản văn hóa lớn lao cho dân tộc . Những tác phẩm đã xuất bản từ 1964 ở Việt Nam cho đến nay ở Hoa Kỳ như :
· Tiểu Luận Về bồ Đề Đạt Ma , Tổ Sư Đạt Ma ( 1964 )
· Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học ( 1965 )
· Ngày Sinh Của Rắn ( 1967 )
· Trời Tháng Tư ( 1966 )
· Im Lặng Hố Thẳm ( 1967 )
· Hố Thẳm Tư Tưởng ( 1967 )
· Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực ( 1967 )
· Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn ( 1970 )
· Đi Cho Hết Một Nơi Hoang Vu Trên Mặt Đất ( 1988 )
· Sự Chuyển Động Toàn Diện Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo ( 1994 )
· Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên ( 1995 )
· Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bậc Bồ Tát ( 1998 )
· Sáng Rực Khắp Bốn Phương Trời ( 1998 )
· Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo ( 1998 )
· Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Im Lặng ( 1998 )
· Một Đêm Siêu Hình Với Hàn Mạc Tử
· Khai Ngôn Cho Một Câu Hỏi Dễ Hiểu : Triết Học Là Gì ?
· Đối Mặt Với 1000 Năm Cô Đơn của Nietzch ( 1991 )
NHỮNG TÁC PHẨM DỊCH THUẬT
· Jddn Krishnamuti , Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng ( 1968 )
· Martin Heidegger , Về thể tính Của Chân Lý ( 1968 )
· Martin Heidegger , Triết Lý Là Gì ? ( 1969 )
· Friedrich Nietzche , Tôi Là Ai ? Đây Là Người Mà Chúng Ta Mong Đợi ( 1969 )
· Nikos Kazantzakis , Rèn Luyện Tâm Thuật Huyền Linh ( 1991 )
Tất cả những sáng tác hay tác phẩm dịch thuật ở Việt Nam trước 75 đều do nhà xuất bản Lá Bối hay An Tiêm xuất bản và ấn hành .
Một Nhà Thơ nhà Tư tưởng, Triết gia có công với nền văn hóa Việt Nam như thế, mà đám tang lại thiếu vắng những nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa tên tuổi, hiện đang sinh sống ngay tại thành phố. Kể cả các hội đoàn như: Văn bút Việt Nam hải ngoại, Hội Văn hóa Khoa học Việt Nam Thành phố Houston. Các Dân Biểu, Nghị viên thành phố người Mỹ gốc Việt, Ban đại diện cộng đồng Thành phố Houston, các Hội đoàn Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa .
Các quí vị và Hội đoàn nêu trên, đã không thấy tham dự tang lễ cũng không có được một vòng hoa phúng viếng. Thật tủi cho vong linh một nhà văn hóa lớn của dân tộc !
Đành rằng nhà thơ Phạm Công Thiện chọn một lối sống âm thầm ẩn dật như một thiền sư ẩn sĩ. Cho đến lúc qua đời ông cũng chỉ muốn gia đình tổ chức tang lễ ( hỏa thiêu ) một cách đơn giản theo nghi thức Phật giáo .
Lúc sinh thời ông không muốn giao tiếp và hầu như không muốn ai biết là ông hiện đang sống tại thành phố Houston, chỉ trừ gia đình và những người thân tín của ông. Ngay cả những bạn bè văn nghệ sĩ , ông cũng tìm cách lẩn trốn .
Thiết nghĩ những người phụ trách chủ chốt các Hội đoàn văn hóa , những nhà văn, nhà thơ nói trên, phải có trách nhiệm thăm viếng một Nhà Thơ lớn, một Nhà Văn hóa lớn, để tỏ lòng kính trọng và biết ơn một nhà thơ đã hy sinh, đã bỏ cả đời mình ra để phục vụ văn hóa và giáo dục cho đất nước. Có như thế mới xứng đáng là những bậc trưởng thượng, những người lãnh đạo quần chúng đã nêu gương sáng cho lớp trẻ và đã làm tròn trọng trách của đạo lý làm người .