Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.231
123.153.780
 
Sự cáo chung của cái thế giới mà chúng ta từng biết
Phạm Nguyên Trường

Adrian Hamilton (The Independent, Anh, 23/03/2011) – Phạm Nguyên Trường dịch

 

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn bất định và thay đổi vô tiền khoáng hậu trên bình diện toàn cầu. Những cuộc chiến tranh và thiên tai, những tranh chấp về chính trị và kinh tế - mà chúng ta tưởng là đã biết - đã không còn như xưa nữa.  


Ai đã nghĩ đến chuyện đó? Trả lời: không ai. Nếu đầu năm nay, một người nào đó nói rằng trước tháng ba, thế giới Arab không những sẽ bị rối loạn mà còn lật đổ được hai nhà độc tài cầm quyền lâu nhất ở đấy, rằng Liên hiệp quốc sẽ cho phép một cuộc can thiệp quân sự do Mĩ dẫn đầu vào một nước Hồi giáo và rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ bị sóng thần tàn phá, thì người đó sẽ bị coi là một kẻ dối trá yếm thế, đang đi tìm những thứ mà hắn mơ tưởng chứ không phải những thứ mà hắn có thể tiên đoán.

 

Thế mà chúng ta lại đang ở đây, vừa mới bước vào thập kỉ thứ hai của thế kỉ, và tất cả những điều vừa nói đã xảy ra rồi. Nhưng không chỉ việc bất khả dự đoán đã làm cho các sự kiện này trở thành quan trọng đến thế - không dự đoán được luôn là một phần của đời sống của con người – mà là những thay đổi sâu sắc mà chúng tạo ra làm cho người ta nghĩ rằng đây là thời khắc làm nên lịch sử.

 

Đầu tiên và quan trọng nhất chính là cuộc nổi dậy hoàn toàn bất ngờ trong thế giới Arab. Bạo loạn không phải là điều mới mẻ ở Trung Đông. Một nửa những người cầm quyền ở đấy là kết quả của những cuộc đảo chính diễn ra cách đây một thế hệ. Nhưng lần này thì khác. Nó diễn ra một cách tự phát, nó lan qua các đường biên giới nhờ Twitter và điện thoại di động và có vẻ như không phải là do một nhóm chính trị và một tổ chức cụ thể nào.

 

Hàng chục năm qua người Arab ở Bắc Phi và vùng Vịnh dường như đã chấp nhận tình trạng là chế độ dân chủ - nếu quả thật có một chế độ như thế - chỉ là cái lá nho che đậy, giúp cho các ông vua hay những tổng thống giành được đến 99% số phiếu ủng hộ, giúp họ đàn áp những người bất đồng và tưởng thưởng cho gia đình mình và cánh hẩu của mình lợi ích thu được từ dầu mỏ và bất cứ sự phát triển nào. Dĩ nhiên là chủ nghĩa thực dân mới cũng có phần nào đáng trách, và đã bị bị chê trách rồi. Nhằm bảo vệ cho “sự ổn định” được tung hô một cách quá đáng và vì những lí do còn bẩn thỉu hơn là tiền và dầu hỏa mà các chính phủ phương Tây yểm trợ cho các chế độ ở Saudi Arabia, ở vùng Vịnh và trên khắp Bắc Phi, mà theo bất cứ tiêu chuẩn tiến bộ bình thường nào thì cũng đáng quẳng vào đống rác của lịch sử từ cách đây mấy thế hệ rồi.


Đây là một đặc điểm mới, đáng chú ý trong các sự kiện vừa qua. Lời kêu gọi chung nhất của chúng không phải là yêu cầu cụ thể nào đó mà là lời kêu gọi thay đổi của những giai tầng và nhóm người đã quá mệt mỏi vì nạn tham nhũng và tình trạng lố bịch trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn xã hội. Họ muốn tự do, nhưng trên hết, họ muốn lật đổ cơ cấu quyền lực hiện hữu mà họ cho rằng đã thu hẹp chân trời và ngăn cản khả năng hoạt động của họ.

 

Thanh niên thất nghiệp là tác nhân quan trọng nhất. Chỉ cần nhìn vào các con số thống kê là ta thấy ngay rằng những nước đang có biểu tình hiện nay đều có từ 30 đến 40% dân số có tuổi dưới 25 và khoảng 20% thanh niên ở đó không có việc làm. Đấy không phải là vấn đề của riêng thế giới Arab – chỉ cần nghĩ về châu Âu là ta có thể tìm thấy sự tương đồng – nhưng đây là trường hợp đặc biệt nhất, đây là lúc nồi áp suất đang sắp nổ tung. Người ta có thể kể thêm các tác nhân khác, thí dụ như quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở ngay cả các nước nghèo nàn nhất.  Trước đây cũng đã từng có những cuộc biểu tình của những người nông dân không có ruộng đất và đói khát, nhất là ở châu Á, nhưng cái làm cho những cuộc bạo loạn này trở thành có sức mạnh dời non lấp bể là đám đông – theo tiếng gọi nhanh như gió của tin nhắn trên điện thoại di động - có thể lập tức tụ tập lại trên các quảng trường.


Có thể thấy thêm một đặc điểm nữa, nó làm cho phong trào này có một ý nghĩa đặc biệt và gây bất ngờ, đấy là vai trò nổi bật của phụ nữ trong các cuộc biểu tình. Ống kính và micro của các phóng viên đã nhiều lần chộp được trong đám đông những người biểu tình các diễn giả là những người phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi, mà họ lại nói năng cực kì lưu loát. Có thể điều đó cũng làm gia tăng ý nghĩa của các sự kiện. Nói trước ông kính chưa chắc đã phải là dấu hiệu của quyền lực. Nhưng rõ ràng là giáo dục, nhất là trong những nước theo thế tục một cách hình thức như Ai Cập, Tunisia và Iran theo dòng Shia, đang tạo ra một thế hệ mới những người phụ nữ có học vấn, những người có quan điểm riêng và nghiêm túc về xã hội và chính trị.

 

Một sự ngạc nhiên lớn nữa của phong trào này và nó cũng làm cho các “chuyên gia” về Trung Đông bất ngờ là tốc độ mà những cuộc biểu tình tuần hành bất bạo động đã lật đổ hai nhà độc tài đã cầm quyền trong một thời gian dài là tổng thống Mubarak của Ai Cập và tổng thống Ben Ali ở Tunisia, hầu như không cần phải chiến đấu và chỉ trong vòng vài tuần sau khi những tín hiệu bất đồng đầu tiên xuất hiện. Có thể nói đến đủ mọi nguyên nhân vì sao chuyện đó lại xảy ra ở hai nước này chứ không xảy ra ở các nước Libya, Bahrain hay trong thời điểm hiện nay là Yemen. Dầu mỏ là một tác nhân. Của cải do dầu mỏ mang lại đã được những người cầm quyền và bạn bè thân cận của họ tích lũy có thể giúp họ dễ dàng mua chuộc lòng người, để người dân không đòi hỏi thay đổi. Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác đang liều lĩnh làm như thế. Là những nước không có nhiều dấu khí lại có đông dân, Tunisia và Ai Cập không có nguồn lực để có thể xoa dịu dân chúng khi giá hàng hóa tăng cao như những nước kia.

 

Một nguyên nhân nữa là quân đội. Giành được quyền lực nhờ một vụ đảo chính quân sự, việc đầu tiên mà đại tá Gaddafi làm khi lên cầm quyền là vô hiệu hóa lực lượng vũ trang, không trang bị và không trả lương cho quân đội, trong khi đó ông ta lại xây dựng những nhóm vũ trang đặc biệt, được trang bị tốt và trả lương cao, tập trung xung quanh ông ta. Đấy chính là chỗ dựa của ông ta trong những tuần trước khi vùng cấm bay được áp đặt, nhưng do quân số hạn chế cho nên hiện nay ông ta cũng sẽ dễ bị tổn thương.

 

Mặt khác, ở Tunisia và Ai Cập quân đội đóng vai trò quan trọng hơn nhiều, nhưng trong quá khứ họ lại giữ vai trò trung lập. Khi lực lượng an ninh của Mubarak và  Ben Ali không thể giải quyết được đám đông thì họ buộc phải kêu gọi quân đội can thiệp. Và cũng giống như sự sụp đổ của Liên Xô ở Đông Âu, quân đội và cảnh sát không chịu bắn vào đồng bào của mình và điều đó cuối cùng đã quyết định số phận của chế độ. Nếu có thể hi vọng là sự thay đổi cũng có thể diễn ra ở Yemen thì cũng là do nguyên nhân vừa nói. Máu của thường dân đổ xuống sẽ làm cho các tướng lĩnh buồn nôn.

 

Dĩ nhiên là từ phân tích như thế có thể dự đoán rằng cuộc nổi dậy cuối cùng sẽ chẳng thay đổi được gì, rằng quân đội sẽ tiếp tục trò chơi của mình, họ sẽ bảo vệ quá khứ và họ không phải là cây cầu dẫn tới tương lai, rằng việc đàn áp người biểu tình ở Bahrain sẽ là qui luật chứ không phải ngoại lệ và các chuyên gia về Trung Đông sẽ tuyên bố: “Thấy chưa, chúng tôi  đã đúng, đấy bao giờ cũng chỉ là hiện tượng nhất thời. Thế giới Arab sẽ chẳng bao giờ có thay đổi thật sự”. Có thể không phải như thế. Hiện nay không ai có thể nói chắc được kết quả. Nhưng dự đoán vừa nói đã bỏ sót một điểm. Người dân trong thề giới Arab đã vùng lên trong một cuộc phản đối bất bạo động. Họ tuyên bố rằng không muốn sống như trong quá khứ nữa. Dù có kết cục như thế nào thì điều kiện thảo luận và tương lai chính trị cũng không còn như xưa nữa.

 

Hơn thế nữa, lần này người dân Arab đã tự mình làm lấy. Đây là lần đầu tiên trong suốt nửa thế kỉ qua và lâu hơn nữa khi tiếng thét bất bình (ngoại trừ Gaddafi đã bị dồn tới chân tường) không nhắm vào chủ nghĩa đế quốc phương Tây nói chung và Mĩ nói riêng. Người ta cũng không đổ hết tội lên Israel, mặc dù những người đại diện cho Israel cùng với một người hiện đã mất tín nhiệm là Tony Blair tiếp tục than vãn rằng phải giữ không cho Liên đoàn Hồi giáo tham gia vào chính trị, làm như thể trong nội các của họ không có những người tôn giáo cực đoan, một thành phần của liên minh cầm quyền vậy.   

 

Đây là phong trào Arab, do những người Arab lèo lái và hành động một cách cực kì dũng cảm mà không cần dựa vào phương Tây (ngoại trừ Libya). Ngay cả ở Bahrain cũng không thấy có những lời kêu gọi lực lượng bên ngoài và hầu như không có dấu hiệu nào chứng tỏ rằng Iran đã khuấy động tình hình, mặc dù hoàng gia và nước Saudi Arabia láng giềng tuyên truyền như thế. Không ai có thể đánh giá hết được giá trị tiềm tàng của nó đối với thế giới, nơi mà bao giờ người ta cũng coi Trung Đông là nguồn gốc của ác nghiệp không thể nào cải tạo được. Dù người Arab có đi về đâu thì tất cả những nước mà nạn tham nhũng đang hoành hành và các chính phủ độc tài đang cai trị (xin nghĩ đến Nga và Iran,chưa nói Trung Á) cũng có thể sẽ đi theo họ.

 

Cũng không được đánh giá thấp phản ứng của thế giới đối với hậu quả của các cuộc nổi dậy này. Khi việc can thiệp quân sự vào Libya chuyển từ giai đoạn cứu Benghazi sang giai đoạn tranh luận về mục tiêu của cuộc chiến, người ta cũng dễ dàng trở thành những kẻ vô liêm  sỉ khi bàn về động cơ và hành động của những người liên quan. Những chuyện đó đều có thể dẫn đến rối loạn và bất đồng trong hàng ngũ liên quân. Nhưng sự kiện là lần này phương Tây đã chờ đợi cho đến khi có sự ủng hộ của thế giới Arab và quan trọng hơn là đã hành động thông qua Liên hiệp quốc. Đầu năm nay Liên hiệp quốc có vẻ như đã bị cho ra rìa, đấy là khi tổng thống Obama theo đuổi những mục tiêu riêng của mình và đa số các nước khác cũng không coi Liên hiệp quốc ra gì.

 

Nhưng sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng thời đại hợp tác quốc tế mới đang đến gần. Đại tá Gaddafi là người có tư chất hiếm hoi trong việc liên kết mọi người nhằm chống lại ông ta. Hành động của ông ta thiếu nhất quán và chỉ chăm chăm vào bản thân mình đến nỗi chỉ có Zimbabwe (đấy là lí do mà ông ta ủng hộ nước này) là lo lắng cho ông ta mà thôi. Sự phối hợp của các sự kiện như thế có vẻ như sẽ không lặp lại ở Bahrain hay Yemen hoặc ở bất kì nơi nào khác. Nhưng điều đó cũng không che được mắt chúng ta trước các sự kiện: lần này Mĩ chỉ là người lãnh đạo bất đắc dĩ của liên minh phương Tây, cuộc can thiệp chỉ có thể xảy ra sau khi được thế giới Arab ủng hộ và Liên hiệp quốc lại được coi là – tương tự như thời chiến tranh lạnh – tổ chức mà sự hợp tác có thể và cần phải dựa vào.

 

Nếu các cuộc nổi dậy trong thế giới Arab là một nửa của những sự kiện bất ngờ trong năm nay: các công dân Arab có thể vùng lên, không cần sự can thiệp của phương Tây, họ đã giành được thắng lợi một cách nhanh chóng trong việc lật đổ hai nhà độc tài đã cầm quyền trong thời gian dài, các cuộc nổi dậy đều là tự phát, được tổ chức bằng điện thoại di động chứ không phải là do các nhóm chính trị, kết quả là sự can thiệp của liên minh Hối giáo-phương Tây và sự chấp thuận của Liên hiệp quốc – thì sự kiện cực kì quan trọng khác chính là động đất và sóng thần diễn ra sau đó ở Nhật Bản.


Động đất và sóng thần dĩ nhiên không phải là sự kiện mới. Nhật là nước nằm ở trung tâm khu vực động đất, họ đã chuẩn bị hàng chục năm rồi, họ đã áp dụng những tiêu chuẩn xây dựng nghiêm nhặt nhất, đả xây kè dọc bờ biển. Điều không lường trước được là sức mạnh của tự nhiên, sóng biển đã tràn qua bờ kè và cuốn trôi hết mọi thứ từ xe tải tới nhà cửa và các công trình xây dựng khác, và tạo ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất kể cuộc các vụ ở Three Mile Island và Chernobyl. Sự kiện là điều đó đã xảy ra ở đất nước có trình độ công nghệ và kĩ thuật cao và đã chuẩn bị kĩ lưỡng như Nhật Bản đã buộc các dân t
c khác, cả phát triển lẫn đang phát triển, phải nhìn lại chính mình.


Cuộc khủng hoảng dĩ nhiên là chưa chấm dứt, mặc dù nó đã đẩy câu chuyện về Libya xuống hàng thứ hai. Càng biết nhiều thì chúng ta càng nghĩ nhiều về những căn bệnh cũ của Three-Mile Island: bỏ qua những cảnh báo về an toàn, quan hệ nồng ấm giữ cơ quan quản lí và cơ quan vận hành, che dấu mức độ nghiêm trọng của vấn đề trước khi nó bùng nổ. Đối với người Nhật, điều đó sẽ gây ra những hậu quả đáng kể đối với niềm tin vào chính phủ và doanh nghiệp của họ. Còn đối với toàn thế giới thì đấy là lời cảnh báo rằng khi lò phản ứng nóng chảy và phóng xạ thoát ra ngoài thì hậu quả sẽ không chỉ là sức khỏe của con người mà còn lương thực và môi trường nữa.

 

Hơn thế nữa, khi động đất và sóng thần xảy ra trong một đất nước công nghiệp hiện đại đã làm dấy lên những nỗi sợ hãi và lo lắng về sức mạnh của tự nhiên mà con người chưa thể chế ngự được. Ảnh hưởng thật sự của quá trình nóng lên có thể là không lớn. Nhưng trong quan niệm của xã hội thì tự nhiên vẫn mạnh hơn công nghệ và loài người có vẻ như đã đi quá đà. Nhật Bản biết mình nằm trên đường đứt gãy địa tầng và đã chuẩn bị, nhưng hóa ra là những cố gắng của họ cũng chẳng là gì trước sức mạnh áp đảo của tự nhiên. Sợ thiên nhiên và sợ hạt nhân là hai tài sản mà cái đất nước tưởng rằng đã chuẩn bị kĩ vừa nhận được.

 

Những lí do khác để có thể tuyên bố đây là thời khắc quan trọng của lịch sử chỉ là phỏng đoán. Những sự kiện trong lịch sử chỉ có ý nghĩa quan trọng vì nó tác động trong khung cảnh rộng lớn hơn. Chúng ta đã trải qua cuộc khủng hoảng ngân hàng và tài chính năm 2007-2009. Đã có nhiều người dự đoán rằng đây là sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản mà chúng ta đã biết, là sự khởi đầu của sức mạnh bá quyền mới của Trung Quốc và Ấn Độ, là sự xuất hiện của thế giới mới, bị quá trình thay đổi khí hậu trói chân trói tay.

 

Không có chuyện gì như thế cả. Những biện pháp được sử dụng nhằm giải quyết khủng hoảng ngân hàng và núi nợ nần ở phương Tây cũng vẫn là những biện pháp cũ, thường được sử dụng trước đây. Chủ nghĩa tư bản đã không sụp đổ. Các chính phủ và người tiêu dùng cũng hành xử không khác trước bao nhiêu.

 

Nhưng các cuộc khủng hoảng lớn như thế không thể không tạo ra thay đổi. Các sự kiện trong thế giới Arab và ở Nhật Bản rõ ràng là những hiện tượng đặc biệt đối với chính họ. Song những tình cảm mà nó tạo ra đối với trật tự cũ, cái trật tự vẫn diễn ra từ trước đến nay, nhưng không còn đáp ứng được kì vọng của người dân, thì không có gì đặc biệt.

 

Xin hãy xem xét danh mục những điều người dân kêu ca: nạn tham nhũng làm giàu cho một ít người nhưng lại đè nén quá nhiều người, hệ thống chính trị (cả dân chủ lẫn độc tài) đã đánh mất niềm tin của người dân, các giải pháp công nghiệp không thể đối đầu được với thảm họa. Đấy là những tiếng kêu của rất nhiều người trên thế giới.

 

Nếu nhân tố chủ yếu của những sự kiện hiện nay là không thể dự đoán được thì chỉ có người ngu mới đoán xem chúng sẽ dẫn tới đâu. Nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng lịch sử đang vận động và chúng ta mới ở giai đoạn khởi đầu của cuộc vận động mà thôi./.

 

Nguồn: The end of the world as we know it

 

Phạm Nguyên Trường
Số lần đọc: 1628
Ngày đăng: 29.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Libya: sẽ không có phiên tòa theo kiểu Nurember. - Phạm Nguyên Trường
Thảm họa ở Nhật Bản làm rung động nền kinh tế toàn cầu - Hiếu Tân
Libya và dầu mỏ: câu đố của Muammar Gaddafi - Phạm Nguyên Trường
Tại sao Gaddafi sống sót được qua cuộc nổi dậy Libya - Hiếu Tân
Mùi hoa nhài khó chịu: Lãnh đạo Trong Hoa sợ nhân dân của chính họ - tiếp và hết - Hiếu Tân
Bắc Phi, tiếp sau là gì? - Phạm Nguyên Trường
Mùi hoa nhài khó chịu: Lãnh đạo Trung Hoa sợ nhân dân của chính họ - Hiếu Tân
Chernobyl Nhật Bản: Fukushima Đánh dấu Kết thúc Kỷ nguyên Hạt nhân, tiếp và hết. - Hiếu Tân
Bài học hạt nhân Nhật Bản - Phạm Nguyên Trường
Chernobyl Nhật Bản: Fukushima Đánh dấu Kết thúc Kỷ nguyên Hạt nhân, tiếp - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Một vụ ám sát hụt (truyện ngắn)
Thiên tài (truyện ngắn)
Người (truyện ngắn)
Chết treo (truyện ngắn)
Bắc Phi, tiếp sau là gì? (nhìn ra thế giới)
Vì sao Gaddafi phải ra đi? (nhìn ra thế giới)
Bàn về chủ quyền quốc gia (nhìn ra thế giới)
Tầng lớp trí thức là gì? (nhìn ra thế giới)
Giờ hoàng đạo của NATO (nhìn ra thế giới)
Mùa xuân Miến Điện (nhìn ra thế giới)