Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.239
123.154.461
 
90% Thanh Niên Nông Thôn Quê Tôi Không Biết Làm Nghề Nông
Hoàng Trọng Muôn

Tác giả bi quan quá nhưng đáng cho những nhà nghiên cứu xã hội quan tâm, tôi nghĩ trong đó có trách nhiệm của những người phải chịu trách nhiệm như: giáo dục, chính sách nông nghiệp không được ưu đãi, định hướng nghề, kể cả tổ chức thanh niên. Còn nhiều lắm, hãy khoan dung với các em và phải biết trách mắng những người có trách nhiệm khác.

Nguyễn Hoà vcv

 

Quê tôi đất nông nghiệp chính cống. Hầu hết đều là nông dân và nghề chính là làm ruộng, chăn nuôi. Nghề phụ rất ít, nghề dịch vụ, tự do cũng chỉ chủ yếu vào lúc nông nhàn. Đất đai cũng không bị mất nhiều vì công nghiệp hoá hay các sân golf như nhiều nơi khác nhưng phải thừa nhận rằng, hầu hết thanh niên ở đây đều không biết, thậm chí chưa bao giờ phải đụng tay đụng chân làm các công việc đồng áng, chăn nuôi, các công việc của nhà nông, của nông dân. Vì thế tôi thấy khá buồn khi nhiều bài báo, nhiều người viết chỉ nhìn thấy việc nông dân mất đất, mất việc, trong khi quê tôi ruộng đất còn khá nhiều thì lại không có nhiều người làm, không có mấy ai mặn mà với đồng ruộng và lực lượng lao động chính ở nông thôn hiện nay là thanh niên thì hầu hết chẳng biết làm gì, càng không thể làm nông nghiệp. Vì thế, tương lai của nông thôn, của nông dân quê tôi có lẽ không phải là nông nghiệp.

 

Nhà tôi vẫn cấy ruộng. Dù đã cho người khác cấy khá nhiều do không có người làm thì cũng còn đến gần 5 sào, một năm cấy 2 vụ lúa nước và một vụ trồng cây màu, chủ yếu là ngô bao tử xuất khẩu, dưa chuột và ớt xuất khẩu. Tôi hàng chục năm nay vẫn sống ở nông thôn, vẫn làm ruộng, vẫn chăn nuôi khá nhiều gia cầm, cả nuôi lợn nữa nhưng đúng là chính bản thân tôi cũng đang ngại và hầu như không động chân động tay đến công việc nhà nông.

 

Cánh trẻ hơn, từ độ 30 tuổi trở xuống, đang tuổi thanh niên nhưng thường ngày vẫn thấy chúng vật vờ la cà quán sá hoặc ngồi nhậu nhẹt, hoặc tán gẫu ngoài đường. Chúng chẳng biết làm gì vì hầu hết bố mẹ chúng đều không cho chúng làm gì cả, chỉ phải lo học, học thật giỏi, tốn kém không thành vấn đề dù phải vay vàng, vay tiền nặng lãi. Miễn là học đại học, cao đẳng cũng được chứ không chịu học Trung cấp mấy khi và trong thâm tâm, trong lời dạy con cái của họ bao giờ cũng là phải thoát ly nông nghiệp, phải xa làng xóm, phải không được “bám đít con trâu” nữa dù hiện nay, máy móc khá nhiều và con trâu cũng chỉ chủ yếu nuôi để mổ lấy thịt bán. Thế nhưng khổ nỗi, nhiều thằng không thể thành thiên tài được dù bố mẹ đắp vào cái đầu bã đậu của chúng hàng núi tiền với hàng trăm mối lo trả nợ. Mấy đứa con gái thì lấy chồng cho yên chuyện đã đành, nếu không thì cũng chấp nhận làm công nhân may sau vài lần trượt thi đại học nhưng bọn con trai thì sĩ diện kinh khủng, không chịu mặc quần áo công nhân, không chịu đi học trung cấp, mà chỉ thích mặc đẹp, ăn ngon, ngồi nói khoác sau khi thi đại học đến năm, sáu năm không đậu. Với lại, sức của chúng trói gà không chặt thì làm được gì. Ra nắng một chút là ốm, bê vác gì nặng một tí là thở dốc, đụng tay vào lúa thì ngứa ngáy phải bôi thuốc suốt. Thực sự chúng chẳng biết phải làm gì, và chẳng muốn đụng tay vào việc gì, trừ một số thằng nhà quá nghèo, phải lăn lộn kiếm sống từ bé. Hơn nữa, hầu hết chúng được nuôi dưỡng từ tính sĩ diện, háo danh và sự tính toán hết sức ngu dốt của bố mẹ chúng, những nông dân đang chán ngấy ruộng đồng, ngán tận cổ cuộc đời nông dân. Ngay cả những thằng học đại học xong, về làng sống vật vờ vì không kiếm được việc cũng chỉ biết ăn bám mấy ông bà già ngày ngày nhặt nhạnh từng trăm bạc lẻ ở những mớ rau, buồng chuối. Đến khổ thân cho những cách nghĩ về sự nhàn nhã và giàu có của những nông dân.

 

Tôi không hiểu sao nông dân họ nhìn những người phố thị, những người không phải làm ruộng với con mắt ngưỡng mộ thế. Họ cho rằng đó mới thực là sống, làm những nghề đó, ở những nơi đó mới là văn minh, mới kiếm được nhiều tiền, mới nhàn nhã, sung sướng. Và từ ước mơ, họ biến con cái mình thành những thực thể sống không phải lao động từ nhỏ, biến chúng thành những con chuột bạch thí nghiệm cho những giấc mơ đổi đời của mình. Ngày trước, vào mùa màng bận rộn, trẻ con ở quê như chúng tôi đã vất vả và làm quen với đồng ruộng, với chăn nuôi từ khi còn rất nhỏ. Ba, bốn tuổi đã phải ra ngồi vật vạ ngoài đồng chờ mẹ cấy, gặt xong. Nhiều khi mải chơi, ngã xuống ruộng, xuống mương, sặc sụa nước mới được vớt lên. Nhờ thế mà cứng cỏi. Nhờ thế mà ám hơi đồng ruộng. Năm, sáu tuổi đã phải đi đun xe lúa ngoài đồng về, nếu không cũng phải ở nhà phơi lúa, ủi lúa, giở rơm cho nhanh khô và nấu cơm, nấu cám lợn, băm rau cho gia súc gia cầm… nói chung là bận tối mắt tối mũi. Tám, chín tuổi đã biết bám bờ đỗi bắt cua, tát giòn, tát nước cho ruộng, đơm đó đêm, kéo vó… nói chung là lăn lộn ngoài đồng nhiều thời gian hơn ở nhà, kể cả lúc đang đi học. Vì thế ruộng nương, chăn nuôi không đứa nào không biết. Thậm chí trong câu chuyện hàng ngày đi học còn kể toàn những chuyện đồng áng, mùa màng, chăn nuôi, công việc hàng ngày phải làm, đứa nào nhà giàu, ít phải lao động thường rất ít bạn bè, vì chẳng ai muốn chơi với bọn lười lao động.

 

Bây giờ thì trẻ con sướng từ bé nên khi thành thanh niên chẳng biết làm gì kiếm sống. Nói thật, có thả bọn thanh niên làng tôi ra đường tự bươn trải thì hầu hết sẽ chết đói, nếu không cũng trộm cắp, cướp giật, con gái thì nhiều đứa sẽ thành gái bao vì mới lớp 5, lớp 6 đã biết dùng điện thoại di động để xem phim sex, chụp hình, nhắn tin, biết chưng diện, biết vào mạng chat chít. Lớp 6, lớp 7 đã yêu đương lăng nhăng, có đứa còn bỏ nhà qua đêm mấy ngày hết tiền mới về. Chuyện học hành đã có nhà trường lo cả vì họ cần thành tích. Lên THPT, nhiều đứa học kém thì bố mẹ chịu khó quan tâm đến thăm thầy cô là được vì thực ra các thầy cô cũng chẳng muốn để học trò của mình học dốt, tổng kết thấp vì ai cũng muốn có thành tích cả. Còn làm ruộng thì tuyệt đối không, thậm chí nấu cơm quét dọn cũng không nốt để dành mọi thời gian tập trung cho việc học. Thế là bố mẹ cứ nai lưng ra làm, làm từ sáng đến tối, khuya mệt lăn ra ngủ chẳng biết những đứa con tài giỏi của mình làm gì.

 

Nhưng nhiều lúc, tôi nghĩ cũng thấy thương bọn chúng vì có muốn làm nông dân cũng chẳng có việc mà làm. Cua, cá bây giờ do phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng đều chết hết cả, không thể kiếm dễ dàng như chúng tôi ngày trước. Ao, hồ cũng lấp cả để xây nhà, làm sân chơi… Những con mương dẫn và chứa nước có cá thì làng cho thầu hết để lấy tiền, lấy thóc kiến thiết làng xóm nên không thể ra đồng kiếm cá kiếm tôm, cua được. Ngày mùa thì đã có công nông chở lúa về, có máy phụt làm thay máy tuốt, rơm cũng vứt cả ngoài đồng, ngoài đường, lúc nào khô chỉ cần quẹt diêm làm một mồi lửa là gọn gàng chứ mấy nhà còn đun rơm nữa. Bếp bây giờ đun củi, đun than, đun điện, đun ga cả rồi. Đun rơm chỉ tổ đau mắt, bẩn tay chân, bụi quần áo, hôi hám khắp người. Cấy hái thì có máy bơm nước, máy cày mini và hầu như thuê người làm cả. Nhiều nhà có ruộng chỉ là để góp vui với làng xóm, cho đỡ nhớ nghề, đỡ bị mọi người chê cười là bỏ ruộng, chứ còn thuê tất, chẳng phải làm gì ngoài việc phơi ít lúa, cất vào mấy chiếc thùng tôn, chuột cứ gọi là đứng mà khóc. Mà nhiều nhà bây giờ cũng bán thóc non cho hàng sáo nên chẳng phải nhọc công phơi phóng cho ngứa ngáy. Cuối vụ hạch toán không lỗ là tốt rồi.

 

Thế nên con gái lớn không biết gánh gồng, lưng cứ thẳng nõn nà, cầm quang gánh gánh chiếc thúng không cũng tợt cả vai, cúi xuống quét nhà thì lưng đau ê ẩm. Lội ruộng thì sợ nước bẩn, sợ đứt móng chân, sợ dẫm phải mảnh thuỷ tinh của những chai đựng thuốc trừ sâu. Con trai thì càng không thể cấy hái, chăn nuôi vì đến giặt quần áo cho mình cũng có người khác giặt hộ rồi, có tự giặt cũng chỉ nhúng nước rồi phơi lên cho bẩn thêm. Rửa chén bát thì vỡ hết, và đầy dầu mỡ bám bẩn… Nói chung là bố mẹ thấy ngứa mắt, thôi thì lên nhà học bài, chúng tao làm cố một tẹo là xong. Bài ca ấy đang góp thêm vào cuộc cách mạng lười hoá, ăn bám hoá, trơ trẽn đến đáng sợ của thanh niên nông thôn - những nông dân thời @ ở quê tôi. Không biết đồng ruộng sau này sẽ thế nào. Chỉ sợ rằng Nhà nước muốn giữ đồng ruộng, muốn phát triển chăn nuôi để khuyến khích nông dân cũng khó vì thế hệ nông dân @ này lại kêu khổ, kêu ngại, lại không muốn làm và sớm hay muộn sẽ bán hết đồng ruộng lấy tiền chạy theo những giấc mơ phù phiếm./.

Hoàng Trọng Muôn
Số lần đọc: 1683
Ngày đăng: 29.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ra mắt tuyển tập kỷ niệm 10 năm ngày mất Trịnh Công Sơn - ánh nến và bạn bè - Nhiều Tác Giả
Một Câu Hỏi Lớn Không Lời Đáp? - Hoàng Hưng
Bài Phát Biểu Tại Lễ Nhận Giải Của Quỹ Giải Thưởng Phan Châu Trinh - Lại Nguyên Ân
‘Đường kiến’ - phim ngắn đoạt Cánh Diều Bạc là tác phẩm ăn cắp nội dung và tên truyện. - Nhiều Tác Giả
Trường thơ Loạn, những cái tôi đầy đối cực - Nguyễn Thị Quyên
Đường TrỊnh Công Sơn Sẽ Thành “Không Gian Văn Hóa Trịnh” - Võ Quê
Một bức thư từ Nhật bản của TS Hà Minh Thành - Hà Minh Thành
Thư gửi bạn đọc nhân Kỉ niệm 23 năm ngày mất của Nhà thơ Quang Dũng tháng 10 năm 2011. - Bùi Phương Thảo
Góp Thêm Một Cái Nhìn Về Truyện Ngắn Dị Hương Của Sương Nguyệt Minh - Nguyễn Trọng Bình
Mẹ, Chị Và Em Trong Về Kinh Bắc - Hoàng Hưng