“Phố không cây thôi sầu biết bao chừng
Buồn vạn lớp trên mái nhà dợn sóng”
(Huy Cận)
Cứ vài ba năm khi mùa Đông sắp tàn, những giọt nắng mỏng manh chấp chới trên các cành nhánh rì rì biên biếc những chiếc lá non khiến tôi thường có một công việc rất thú vị là tự tay làm mới ngôi nhà bằng cách thay đổi màu sơn trên các bức tường, sắp đặt kê bàn tủ ghế vào những vị trí khác, thay đổi những bức tranh, chuyển dời những đồ vật trang trí… Tôi muốn lâu lâu biến ngôi nhà có cái nhìn mới mẻ, sống động. Tuy nhiên mỗi lần sắp xếp lại là tôi thay một số đồ đạc cũ, lỗi thời, ngoài ra còn phải bỏ bớt một số sách vở, báo chí, tài liệu, thư từ... đang gần muốn tràn ra từ các hộc tủ trong phòng đọc sách.
Mấy mươi năm, từ ngày tom góp mớ hành trang ít ỏi, nhét kín cho đầy mấy thùng carton là những tác phẩm văn học của Nga, của Ba Lan in lem luốt trên những trang giấy tái chế vàng xỉn được tôi mang qua đây cất giữ trong tủ như cất giữ một mảnh đời - lâu lâu nhìn lại vẫn thấy lóng lánh những giọt nước mắt của một thời còn đậm trong trí nhớ. Buổi sáng nay, tôi ngồi khoanh chân giữa đống bộn bề quá khứ trong căn phòng sơn màu tím thẫm trầm mặc - ngồi tựa lưng vào vách gỗ nâu đen chứa đầy những cuốn sách nằm tự tại thơm nồng mùi giấy cũ mèm - lặng lờ lục lọi những tờ giấy ố vàng, những mảnh báo chữ in nhòe nhoẹt được cắt vội vàng giữ lại một bài thơ, một đoạn văn lý thú của tác giả nào đó. (Ngày trước chưa có Internet, mỗi lần đọc thích bài nào, chưa kịp chép vào cuốn sổ là cứ cắt đó để dành, để từng xấp trong hộp). Tôi tẩn mẩn đọc lại những mảnh rời bản thảo tạp văn, bút ký, những bài thơ vụng về, ngây ngô, viết trong nỗi xúc cảm bất chợt. Rồi có lúc trái tim như sóng sánh khi bắt gặp lại dòng chữ của những đứa bạn, những người thân quen giờ mất hút, mờ mịt phương nào rồi. Đây là lá thư màu xanh còn lại duy nhất của Châu – mối tình đầu, mà hình ảnh thường hiện về trong giấc mơ với cảm giác ngất ngây một thời ở trung học Phan Chu Trinh, Biên Hòa. Đây là note ghi vội của Bích Thuận giai đoạn làm quen báo chí qua nhịp cầu báo Công Luận bên hông chợ Bến Thành xa xưa. Đây là tấm postcard gửi về từ phi trường Tokyo của đứa con trai cách đây 10 năm. Đây là những tấm thiệp màu sắc chói chang cứ gần dịp Noel – cô bạn thân tên Nhịn ở Mỹ Tho tẩn mẩn đi chọn rồi gửi qua mừng sinh nhật với nét chữ viết tay thật bay bướm. Đây là cánh lá phong của Vithảo hái bên bờ thác Niagara một buổi chiều con gái ghé qua… Đây là, đây là…
Tôi cứ ngồi mân mê từng món, đọc chăm chú, cầm lên nhìn ngắm, tần ngần bỏ xuống - dưới ánh sáng êm ả xao xuyến cùng với hồi ức - lãng đãng từng kỷ niệm, từng ánh mắt, nhớ cả giọng cười, nhớ từng nét mặt - lúc ẩn, lúc hiện, kỷ niệm chợt bùng lên rồi lắng lại sững sờ… Lòng tôi như ngẩn ngơ, như luyến tiếc, xốn xang… Nhìn những ngổn ngang bày ra trước mắt tưởng như lụn vụn, vứt đi – nhưng với tôi đó là kỷ niệm, thảy thảy là những mảng kỷ niệm – có vui, có buồn - khiến tôi bần thần… Kỷ niệm giống như rong, như rêu, chồng chồng lớp lớp bám kín trong lồng ngực trong trí nhớ....
Cuối cùng tôi sắp mọi thứ lại. Cất vào hộc tủ.
Trong lần này, tôi đọc được tản văn “Khóm Tường Vi ” của Trần Hoài Dương, viết vào năm 1999. Thấy hay, bèn đánh máy lại - Mời bạn cùng đọc.
Hoa Tường vi.
“Ông lão già yếu đạp chiếc xe cà tàng chở cây cảnh bình dân đi bán dạo. Xích líp rệu rã, khô dầu kêu kẽo kẹt dưới trời nắng gay gắt. Trên khuôn mặt nhăn nheo đen sạm, mồ hôi chảy ròng ròng. Phía sau xe, trên một giá gỗ chen chút những giỏ cây cảnh rẻ tiền. Lơ phơ mấy khóm hồng, khóm hoa lài, khóm mai chiếu thủy… Giữa đám hoa lèo tèo ấy, nổi bật lên một khóm Tường vi. Cả vòm hoa vồng lên vừa bằng một chiếc vỏ ấm tích. Lác đác mấy nhành lá. Hoa Tường vi cánh mỏng manh, loăn xoăn bồng bềnh xôm xốp như bọt xà bông rực lên màu hồng thật thấm điểm nhụy vàng óng ánh như kim tuyến.
- Giỏ Tường vi giá bao nhiêu, ông lão ơi?
Nghe tiếng gọi, ông lão dừng xe lại. Mấy cô cậu trẻ tuổi vây quanh khóm Tường vi, cười nói rổn rảng:
- Trông dễ thương quá kìa! Cả bụi cây chỉ toàn hoa là hoa!
- Cây bé xíu vậy mà nở hoa quá trời!
- Nở đến phát thương đến thế kia!
Cây Tường vi, có lẽ được sự khích lệ của mọi người, càng hồng rực lên trong nắng. Những chùm hoa cố phô hết vẻ đẹp rực rỡ của mình như mời gọi người ta mua giúp cho ông chủ nghèo khổ của nó.
Vậy mà, người ta chỉ khen nó, trầm trồ ngắm nghía nó… Ông lão lại lên xe, gò lưng đạp tiếp. Tiếng dây sên rệu rã lại lạch cạch, lạch cạch….
Phía sau, khóm Tường vi vẫn cố nở bung từng cánh. Có lẽ, nó nghĩ, phải đẹp hơn nữa, phải vắt kiệt mình cho hoa nở rực rỡ hơn nữa mới hy vọng có người mua giỏ hoa này cho ông lão…”
(Hầm Nắng Michigan cuối tháng 3-2011)