2/ những bước ngoặt ở cuối-thế-kỷ
Cuộc tranh biện giữa hai học giả Hoa học/sinologue Billeter (1939-) và Jullien (1951-) khởi sự từ phê phán Jullien dưới nhan đề Contre François Jullien có thể gây sốc đối với người đọc theo Jullien (tuy nhiên, thực ra lối đề xuất này cũng thông thường, như đã từng có những sách Contre Althusser, Against Deconstruction v.v.. xác định đối tượng phê phán có một tầm ảnh hưởng đáng kể nào đó) và phản bác của Jullien dưới nhan đề Chemin faisant, connaître la Chine, relancer la philosophie (ở bìa sách có thêm Réplique à ***) chỉ ra thái độ 'nhậy cảm' của người viết (ba dấu hoa thị không nêu tên người đối tác, và từ ngữ 'relancer' không bình thường: có ý nghĩa quăng trả lại, tố thêm trong canh bạc xì phé, quạt banh trả lại đối thủ). Cuộc bút chiến gay gắt giữa hai cá nhân không cần nói tới ở đây, nếu không vì mục tiêu họ đề ra liên quan đến vấn đề của thời đại: nói về phương Đông có phải là một tha tính đối với phương Tây, hay văn minh Trung hoa gắn liền với chủ nghĩa bá quyền nhất thống?
Đó chính là điều tôi xét đến sau đây:
Trước hết, khái quát về hai tác giả. François Billeter người Thụy sĩ, nguyên giảng dạy tại Đại học Genève, tác giả Li Zhi, philosophe maudit: contribution à une sociologie du mandarinat de la fin des Ming 1979, L'art chinois de l'écriture 1989, Chine trois fois muette: essai sur l'histoire contemporaine et la Chine 2000, Leçons sur Tchouang-Tseu 2002, Etudes sur Tchouang Tseu 2006. Nếu khởi sự, Billeter nghiên cứu Lý Chí (1527-1602) là nhà tư tưởng sống vào thời Minh, chống lại đạo học thời Tống của hai họ Trình và Chu, là người đã phát biểu câu 'đồng tâm thường tồn, tắc đạo lý bất hành' có nghĩa là nếu giữ mãi được cái tâm trẻ thơ, ắt không cần tới đạo lý, nên Lý Chí trở thành một nhà triết học bị ruồng bỏ vì đi ngược lại cái trật tự đang diễn trong xã hội. Những bài học về Trang tử là bốn bài giảng Billeter đọc ở Collège de France vào năm 2000 theo lời mời của Pierre-Etienne Will, giáo sư sử Trung quốc hiện đại. Nghiên cứu Trang tử, dường như đúng hướng của người đã viết về Lý Chí. Chủ yếu trong những bài giảng này là lối dịch và lý giải của nhà chuyên cứu Hoa học - Billeter sử dụng khi phê phán Jullien [xem ĐPQ, Khởi thảo Lịch sử Triết học, dưới lăng kính siêu quốc, kỳ 5 trên gio-o.com]. Phân tích những bản văn trong Trang tử theo Billeter chỉ ra nguyên mẫu của Trang tử. sự qua lại giữa hư không và sự vật, đó là chức năng của chủ thể, rút ra từ chức năng của thế giới. Billeter xác định, trong hai từ dẫn trên, hư không hay hỗn độn được coi là cơ bản, chính vì do hư không này mà con người có khả năng thay đổi, làm mới xác định lại quan hệ với mình, với tha nhân và sự vật, có quan năng đem lại những ý nghĩa. Trong chương IV Những nghiên cứu về Trang tử, Billeter dẫn vào chương hai Tề vật luận/mọi sự ngang bằng Trang tử hỏi về ngôn ngữ dẫn đến định vị nơi con người mọi ý nghĩa mnhận thức trong những từ, những hình thái và sự vật.Những nghiên cứu của Billeter theo nguyên tắc ông đề ra, dịch thế nào để Trang tử như một người hiện đại với chúng ta, trình bày bẩy chương đối thoại của Nội thiên trong Trang tử, luận về phi-quyền lực và phi-ý chí, sứ mạng của Nhan Hồi, quan hệ đình đốn, thị kiến và ngôn ngữ (sẽ bàn đến trong tiết 3: thời quá độ). Cuộc tranh biện với Jullien chủ yếu gồm hai phần: Đọc Vương Phu Chi như thế nào? trên tập san Etudes chinoises 1990 q. IX, số 1 và tập sách nhỏ Contre François Jullien 2006. Tiểu luận đăng trên tập san nghiên cứu Trung hoa nhằm phê phán quyển Procès ou Création, Une introduction à la pensée chinoise 1989 của Jullien. Ở đây tôi chỉ nói đến những luận cứ phê phán của Billeter và phản biện của Jullien, phần giới thiệu Vương Phu Chi trong tác phẩm này của Jullien, hay La raison des choses, Essai sur la philosophie de Wang Fuzhi 2005 của Jacques Gernet, giới thiệu Thiệu Ung trong tác phẩm Transition to Neo-Confucianism, Shao Yung on Knowledge and Symbols of Reality 1989 của Ann D. Birdwhistell, The Recluse of Loyang, Shao Yung and the Moral Evolution of Early Sung Thought 1996 của Don J. Wyatt, The Religious Thought of Chu Hsi 2000 của Julia Ching và những chuyên khảo của nhiều học giả khác sẽ nói đến trong tiết 3 khi xem xét tác động vào sinh hoạt triết học thế giới.
Khởi đầu phê bình, Billeter xét từ hai quan điểm: dưới góc nhìn của người đọc là nhà nghiên cứu Hoa học, khen ngợi tác phẩm của Jullien viết về Vương Phu Chi (1619-1692), một trong những triết gia lớn nhất của Trung hoa, sống vào cuối triều Minh đầu triều Thanh, sau khi tham gia chống Mãn Châu thất bại, lui về suy tưởng. Tuy nhiên, Billeter nhận xét Jullien đã tạo lại triết học Vương từ bên trong, có nghĩa là không theo lối quy ước trình bày những trích dẫn, giảng giải để xây dựng một công trình bất động, mà dùng một ngôn ngữ đặt vấn đề phục hoạt phản tư của Vương Phu Chi, thường dẫn từ những sách của Vương, như Trương tử chính mông chú, Chu dịch ngoại truyện, Chu dịch nội truyện. Trong phần đầu, từ chương 1 đến chương 5 Procès ou Création nói trên của Jullien, chỉ ra làm thế nào từ nhưng luân lưu điều tiết mùa màng và những hiện tượng tự nhiên khác, Vương rút ra một quan niệm tổng quát về thực tại, theo từ của Jullien là “quá trình”. Trong quá trình, mọi sự là quan hệ, đối lập chuyển tiếp, vận động đảo nghịch.; những hiện tượng được xác định bằng những quan hệ chuyển động giữa chúng. Trong phần hai, từ chương 6 đến chương 10, nói về luận lý quá trình gồm toàn bộ những quan hệ di chuyển nhờ đó xác định những hiện tượng với nhau và những trao đổi không ngừng sản sinh giữa thực tại khả giác và kho vô tận những hoạt động mà thực tại chồi lên và trở lại.Những chương 13 và 14 theo Billeter nhận xét là những chươnghay hơn cả về lý giải kinh Dịch theo triết học. Jullien đưa triết học của Vương gần với chủ nghĩa khắc kỷ, so sánh giữa tư tưởng hy lạp (nghiên cứu thế giới vật lý phân rời nghiên cứu đạo lý nơi triết học Platon và thần học Cơ đốc) trong khi tư tưởng về quá trình trung hoa vẫn giữ sự thống nhất giữa phản tư về thế giới và phản tư đạo lý. Nói chung, Jullien trình bày một tổng hợp xuất sắc triết học của Vương Phu Chi, một tư tưởng có tầm rộng khắp nguồn tri thức truyền thống trung hoa.
Nhìn từ góc cạnh khác, quyển sách của Jullien có thể là một thất bại trong toan tính giúp người đọc không phải là nhà Hoa học hiểu tư tưởng Vương, theo Billeter do hai nhược điểm: Khi sử dụng tư tưởng Vương Phu Chi như một phương tiện và thông qua đó khảo sát một số nét của tư tưởng trung hoa nói chung ở cấp độ thứ nhất, rồi đối lập những nét này với một số nét tương ứng trong tư tưởng phương tây ở cấp độ thứ hai, ly tiếp đề lý luận quá trình/sáng tạo (quá trình như Jullien xác định là biểu hiện cơ bản của thế giới quan trung hoa và sáng tạo là mẫu hình nhân học và triết học ở phương Tây) đã làm tiêu tán cái tinh túy từ Vương Phu Chi trong nghiên cứu của Jullien. Quả thật, trong nhan đề sách, trong tiểu đề (mà Jullien phụ chú như một Dẫn nhập vào tư tưởng trung hoa, và một tiểu luận về vấn tính giao văn hóa) cũng như trong mục lục không đề cập tên Vương Phu Chi. Theo Billeter, hai “truyền thống” nhận thức như những khả hữu thuần túy của tư tưởng và giả định hiện hữu ngoài những cá thể nhà tư tưởng hay những tác phẩm đặc thù.; viễn tượng này khó phù hợp với bản chất của tác phẩm. Công trình của Jullien có xu hướng tỷ giảo/comparatiste bất xác, như rơi vào chỗ khoảng không. Một số những điều khác theo Billeter nhận xét, như công trình của Jullien ở giao lưu của nhiều con đường, chẳng hạn như con đường Jacques Gernet (sinh năm 1921, dạy Collège de France, giáo trình về Vương Phu Chi trong những năm từ 1978 đến 1989) đã mở ra, phân tích ý nghĩa của khái niệm Thiên của phái tân-Khổng và bất phù hợp với những biểu hiện mà những thừa sai Cơ đốc ở thế kỷ 17 về vũ trụ trong tác phẩm Chine et christianisme 1982, song Jullien đã không lập một thư mục đầy đủ liệt kê những tác phẩm viết về Vương Phu Chi hay những vấn đề đó, khiến người đọc có thể nghĩ tác giả tự tìm hiểu lấy một mình về nhà tư tưởng lớn này. Khái niệm “tư tưởng khổng giáo/pensée confucéene” mà Jullien ưa thích dùng từ ngữ “tư tưởng nho sĩ/pensée lettrée” ở đây để chỉ những nhà tư tưởng phái tân Nho thời Tống và Minh, song những trực quan cơ bản của Vương Phu Chi theo Billeter (đồng ý với nhận xét của John Lagerway) có nguồn cổ hơn và sâu xa hơn từ Khổng giáo nguyên thủy, cũng như bắt nguồn từ Đạo giáo, không phải từ Khổng giáo. Billeter chê trách Jullien trong khi nhằm khảo sát “tư tưởng nho sĩ” không xác định thay vì thực sự là trình bày tư tưởng Vương Phu Chi. Ông nhận xét ý hướng của tác giả thì hay, song thực hành không tốt, ví như người lữ hành quẳng lại hành lý dọc đường. Nhược điểm của Jullien là muốn giải quyết vấn đề phương pháp khi lấy đối tượng là hình thái đặc thù mà Vương đã cho, làm thế giới quan trung hoa. Cái bất đối xứng này do Jullien về mặt thực tiễn đã không theo đúng con đường ông vẽ ra về mặt lý luận. Ông đã không nói gì về “tư tưởng sáng tạo của phương tây” để người ta hiểu mâu thuẫn với tư tưởng quá trình của Vương Phu Chi như thế nào.
Nhược điểm thứ hai xuất phát từ nhược điểm trước. Khi đặt việc đọc Vương phụ thuộc vào “vấn đề giao văn hóa”, Jullien đã làm mất phương tiện khảo sát Vương Phu Chi như một triết gia và do đó, mất phương tiện thực sự làm sao để người đọc không phải là nhà Hoa học hiểu tư tưởng của Vương. Lấy một tiêu biểu là chương 6 viết về “khả thị và bất kiến/le visible et l'invisible”, Jullien chỉ ra là bất kiến và khả thị không đối lập nhau trong tinh thần Vương như giữa hữu thể và biểu diện trong triết học phương tây, mà chúng thông giao và thâm nhập lẫn nhau. Cái bất kiến, hay hư/xu là trạng thái khí/qi dưới dạng mở, trong, tế vi và động, cái khả thị hay thật/shi là những thực tại thô thiển hơn mà những giác quan có thể nhận biết và sinh ra từ hoạt động này qua tụ hay tán. Vì hư là một hoạt động tự do của mọi hiện thực đặc thù, nó cử hoạt với mọi xung động trực tiếp và hoàn toàn thích hợp. Nó có một khả năng vô tận để ứng/ying có nghĩa là đáp ứng. Từ sự kiện này, nó bảo đảm ở mọi nơi và mọi thời khoảng cuộc chơi khởi động từ bên trong những hiện tượng cũng như tácđộng qua lại của chúng, cấu thành cái mà Jullien gọi là “chiều kích kỳ thành/shen” của thực tại, từ ngữ hoa này thông thường dịch là “tinh thần”. Billeter dẫn đoạn sau đây trong sách Jullien “khu biệt giữa tinh tế và biểu hiện, khả thị và bất kiến về mặt luận lý dẫn đến khu biệt giữa ý thứcvà vô thức, và cái tiềm ẩn tự nó tới chỗ trở thành hiển hiện do một hiệu quả của thiên hướng nội tại ghi nhận trong cùng cấu trúc của mọi phát triển”, khi viết cái khu biệt thứ nhất “về mặt luận lý dẫn đến” khu biệt thứ hai, dường như F. Jullien muốn nói cấu trúc cùng là một trong cả hai trường hợp và như vậy có loại suy/analogie giữa những phát triển mà chúng ta quan sát trong thế giới với những phát triển mà chúng ta quan sát ở bên trong ý thức của chúng ta. Sang chương 7 sách dẫn trên, Jullien chỉ ra chiều kích bất kiến này của cái thực/réel làm sinh động thế giới khả xúc cũng như làm những phần tử thông giao với nhau đối với Vương Phu Chi cũng hình thành cơ sở chủ thể tính của chúng ta. Chiều kích này là “cái hư không thống nhất của ý thức” trương ra hoạt động của những giácquan và làm chúng thông giao với nhau. Ý thức như Jullien lý giải là “trình độ/stade bất khu biệt của khả năng kinh nghiệm và nhận thức và có thể, nhờ vào đặc tính đa năng tuyệt vời của nó, đạt tới một cách tự phát trực quan không cái gì có thể hạn chế hay lấp đi tiềm thế/virtualité…”
Khi Jullien khẳng định tư tưởng trung hoa tiến xa hơn vào trong sự đồng hóa chiều kích bất kiến, hay tinh thần, cũng là sự đồng hóa ý thức vào chiều kích bất kiến, hay tinh thần, đặc thị trình độ phi-hiện thực hóa mọi cái thực, ở ngoài nó, Billeter hỏi đồng hóa này xây dựng trên cái gì. Theo ông, người ta không thể thừa nhận phổ cập cho một nhà triết học, ở tầm cỡ Vương phu Chi mà không đặt vấn đề chân lý chứa trong triết học của Vương. Jullien đã không đặt vấn đề quan trọng này.
Đến đây, Billeter đứng trên mặt lý giải triết học để phê phán: khi tự hỏi với tư cách là một người Âu châu ở thế kỷ XX, có sẵn những ý tưởng, và kinh nghiệm riêng, có thể nghĩ và nói gì về loại suy mà Vương Phu Chi thiết lập giữa những birến đổi của ngoại giớivà những biến đổi của ý thức. Ông cho là giữa hai loại biến đổi có một tính bất đối: Luận lý quá trình của Vương thấy ở tác phẩm trong vận động thường trực của thực tại khách quan có thể mê hoặc chúng ta, song nó có thể khó khiến chúng ta tán đồng, vì không có giá trị thực hành. Cho nên Billeter đưa ra một quan điểm, dựa trên những điều ông đã khai triển trong tác phẩm của ông L'art chinois de l'écriture 1989 để xét những cơ sở thực trong triết học Vương Phu Chi: “Tôi nghĩ trước tiên, ở Vương cũng như nhiều triết gia trung hoa khác một lĩnh hội rất khu biệt về thế giới của ý thức, về những biến đổi của nó, những bất biến rút ra từ những biến đổi này - và phóng chiếu thế giới ý thức này trên ngoại giới, ngoại giới trở nên có ý nghĩa và khả tri do hậu quả phóng chiếu này [in nghiêng của JFB]. Tôi nghĩ nếu nhà triết học tìm thấy trong những biến đổi của thế giới khả giác một luận lý, chính vì ông đã phóng chiếu trong thực tại bên ngoài một luận lý đính kết với kinh nghiệm chủ quan của chính mình.”
Billeter xác định phóng chiếu mà ông nói đến là một hiện tượng cơ bản, tự nhiên và phổ quát là cơ sở cho mọi quan hệ của chúng ta với ngoại giới mà thông thường chúng ta không ý thức. Nó tạo ra những tương đương giữa những quá trình mà ý thức lĩnh hội trực tiếp trong lòng hoạt động của nó hay hoạt động của thân tư/corps propre, và những quá trình mà nó lĩnh hội trong ngoại giới. Theo ông, tuy Vương không phân tích cơ chế của phóng chiếu, song cũng như những triết gia trung hoa khác, ông rất quan tâm đến những loại suy rút ra từ hai loại hiện tượng, loại suy này giữ một vai trò then chốt trong tư tưởng của ông và luôn luôn được lý giải trong cùng chiều hướng: những quá trình tự nhiên được quan sát trong thế giới là ưu tiên với ông và cấu thành ở mọi góc cạnh một khuôn mẫu cho ý thức.Lý giải này dường như cố hữu với mọi nhà tư tưởng nho giáo. Quan điểm của Billeter đảo ngược: những gì Vương mô tả xem như “chức năng tự nhiên của thế giới” hay như Jullien gọi là “luận lý quá trình” thực tế rút ra từ một phóng chiếu tự phát của chức năng ý thức trên thế giới khả giác. Ông cũng xác định ý thức nói đến ở đây là ý thức tự phát nơi chúng ta là ý thức cơ bản mà chúng ta phóng chiếu trong thế giới, thế giới trở thành thế giới của chúng ta. Hiện tượng phóng chiếu này phổ quát, song phương cách thay đổi tùy vào xã hội hay văn minh tương ứng. Theo ông, tư tưởng trung hoa trong toàn bộ có vẻ trung trinh với những dữ kiện của kinh nghiệm chung hơn, cũng như với mối quan hệ tự nhiên mà chúng ta hành xử với chúng ta và sự vật trong dòng sinh hoạt. Triết gia trung hoa lấy đối tượng phản tư là thực tại hiện ra với mọi hữu thể cử hoạt và cảm xúc trong khi nhập cuộc hành động. Họ tìm kiếm trí năng của những biến đổi khiến cho hành động hữu hiệu, coi hành động kỳ thành như một nhận thức đương hoạt và nhận thức này là nhận thực duy nhất chân thực. Triết học Vương Phu Chi đối với chúng ta không những mới về khởi điểm, đối tượng và hình thức nhung ngay cả từ mục đích của ông. Vương cũng như mọi triết gia tân Nho xem Khổng tử như nhà Hiền triết đã thực hiện kỳ thành toàn hảo. Những dật thoại trong Luận ngữ dưới mắt Vương minh hoạ một hành động tối cao vì tuyệt đối không có tư kiến. Khổng xử sự giống như Trời/Thiên, trong khả năng dự bị vô biên, đáp ứng với công minh tức thời cho mọi hoàn cảnh, tán trở bừng nở, phát triển và thành tựu của mọi vật: Khổng muốn im lặng, như trả lời Tử Cống “tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên, thiên hà ngôn tai” - theo Billeter, đồng nhất hành động của mình với hành động của Trời, mà trong ngôn từ của chúng ta ngày nay, là hành động của thế giới, của chính thực tại. Vương cũng như phái tân Nho đã khai triển một lĩnh hội rất khác biệt về những luật của hành động kỳ thành, nhưng thay vì trình bày trực tiếp những luật này, họ đã phóng chiếu chúng trong ngoại tại, có vẻ diễn đạt khách quan những luật này. Họ đã tuân thủ cơ chế phổ quát của phóng chiếu, theo thiên hướng phóng chiếu lên thế giới những hình thái ý thức đang vận động hơn là hình thái của ý thức bất động . Có hiểu điều đó mới nắm vững được những “luật của hoạt động kỳ thành” cấu thành hạt nhân hợp lý tư tưởng của họ.
Lấy một ví dụ, Jullien dẫn lời Vương “thể kỳ diệu dụng” để chỉ nhà Hiền triết thể hiện luận lý “tự điều hòa của Quá trình”, phải hiểu trong tản văn của Vương, câu nói đơn giản ấy chứa đựng ý nghĩa phong phú cũng như vẻ nghiêm xác của tư tưởng. Billeter giải thích thể ở đây có giá trị của một động từ có ý nghĩa “đem mình ra”, “thực hiện trong hoạt động của thân thể”, về mặt khái niệm triết học, thể chỉ “thực thể/corps de la réalité” nghĩa là căn để hoạt động của thực tại mọc chồi lên những hiện tượng. Cho nên Vương nói “hư nhi thần” có nghĩa là bởi vì trống không, nên kỳ thành, hay “hư nhi thiện ứng” có nghĩa là vì trống nên để kháng đúng. Liên hệ với những sự thường, nó có ý nghĩa ngay khi chúng ta nhận thức hành động trong đời sống, như nắm cây gậy trong lòng bàn tay. Để giữ thăng bằng, quan sát đầu gậy, di chuyển bàn tay sao cho gậy có điểm tựa, ý thức của chúng ta như mở ra trong toàn bộ quá trình, như trống vì không tựa vào một bộ diện đặc thù nào trong quá trình. Ví dụ sơ đẳng ấy để xác định quan niệm hiện tượng luận của hoạt động hình thành hạt nhân hợp lý trong tư tưởng của nhiều nhà tư tưởng trung hoa, và có lẽ là một trong những cơ sở của tư tưởng trung hoa nói chung.
Billeter nghĩ nó cấu thành trong mọi trạng thái nguyên nhân, cơ sở thực trong triết học Vương, điểm bỏ neo vào thực tại trong triết học của ông. Billeter xác định nếu luận cứ này đúng, người ta có thể nhận thức qua triết học của Vương Phu Chi, một hiện tượng luận hoạt động thực và trở lại lý giải triết học của ông khởi đi từ hiện tượng luận này. Khi nhận ra hiện tượng luận hành động trong lòng triết học Vương Phu Chi còn bao hàm một chiều kích đạo lý. Billeter nhận xét, nhà triết học phương tây xem hiện tượng luận như một nghiên cứu mô tả những dữ kiện cơ bản của kinh nghiệm, song không nhận thức bao hàm cả đạo đức, là lãnh vực của những mệnh lệnh luân lý. Thế nên hiện tượng luận của Vương Phu Chi tổng hợp cả hai việc này. Billeter nhận thấy học giả người Mỹ, Angus C. Graham đã nhìn ra tổng hợp này trong triết học trung hoa.
Sai lạc của Jullien là không thấy rõ ý thức trong chuyển biến thường trực không phải là ý thức phản tư mà là ý thức của hữu đang hoạt. Vương quả thực nhận thức hành vi đạo đức là một hành vi sáng tạo, như một tổng hợp tự phát của những lực vượt khỏi tri năng.
Chủ ý của Billeter nhằm phá đổ huyền thuyết về coi Trung hoa như một thế giới dị biệt với thế giới tây phương, cái tư kiến coi phương đông như tha tính của phương tây. Khi khảo về thái độ trí thức hiện đại, ngay ở Trung hoa, ông phân bốn loại: những người đạp đổ thần tượng triệt để (xem văn minh trung hoa gắn liền với đế quyền tộc trưởng), những người có xu hướng phê phán (xác định lại lý lịch trung hoa, theo kịp tây phương song không mất bản sắc), những người theo thuyết tỷ giảo và những người theo xu hướng thanh tẩy (về nguồn). Phân loại này hàm ngụ chính trị, vì xu hướng phê phán quá khứ có ý thức chủ trương những quyền tự do chính trị và dân chủ, những người có xu hướng tỷ giảo có cái nhìn kém quyết liệt, thích nghi dễ dàng hơn với hệ thống chính trị hiện tại, những người chủ trương về nguồn phục vụ lực lượng bảo thủ.
Billeter xếp Jullien vào mẫu người tỷ giảo, có xu hướng thực dụng, như Zhao nhận xét đáp ứng yêu cầu của những nhà doanh nghiệp, đầu tư tìm sự hiểu biết về một nước Tàu có nền văn hoá hàng nghìn năm ngõ hầu làm sao có lợi nhuận ở xứ sở của Khổng-Lão.
Đó chính là đầu mối của cuộc chiến tranh biện giữa hai nhà nghiên cứu Hoa học. Phản biện của Jullien ra sao?
Trong Triết học nào cho thế kỷ 21
(còn tiếp)