Năm Đinh Dậu, niên hiệu Quang Hưng thứ 20 (1597) đời Lê Thế Tông, Phùng Khắc Khoan (lúc đó đã 70 tuổi, đang giữ chức Công Bộ tả thị lang) được cử làm chánh sứ sang sứ nhà Minh. Khởi hành từ trung tuần tháng 4 đến tháng 10 sứ bộ đặt chân tới Yên Kinh. Gặp tiết Vạn Thọ của Minh Thần Tông – thay vì những lễ vật quý hiếm, đắt tiền - lễ vật mà Phùng Khắc Khoan dâng lên mừng thọ ông vua nước lớn này là một… tập thơ (30 bài). Đây là tập thơ có nhan đề: “An Nam sứ thần Vạn thọ thánh tiết khánh hạ”. Quả là một lễ vật đặc biệt. Xem xong, Minh Thần Tông đã phê: “Thế mới biết nhân tài không chỗ nào là không có. Trẫm xem thơ, thấy hết lòng trung thành của Phùng Khắc Khoan, rất đáng khen ngợi”. Là một tập thơ chúc thọ được sáng tác kịp thời, nhưng Phùng Khắc Khoan muốn qua đó chứng tỏ nước ta là một nước văn hiến và nhân đó đánh vào lòng tự hào nước lớn của Minh Thần Tông, nhằm buộc Minh Thần Tông phải thừa nhận nhà Lê. Tập thơ này sau đó được vua Minh lệnh cho khắc in để ban hành trong nước (có bài tựa của sứ thần Triều Tiên cũng sang sứ trong dịp đó là Hình Tào tham phán Lý Toái Quang).
Vì vẫn nhận lễ cống của nhà Mạc và vẫn ngầm mong cho cuộc nội chiến Lê - Mạc kéo dài, làm cho thế lực của cả hai bên đều suy yếu để ở giữa kiếm lời (lúc này Mạc Kính Cung đã chạy đi Thái Nguyên và Cao Bằng), Minh Thần Tông phong cho vua Lê chức Đô thống sứ ti - một cái danh hão như đối với nhà Mạc (chứ không phong vương) – Phùng Khắc Khoan đã viết một bài biểu, trong đó có đoạn: “Chủ của thần họ Lê - vốn là dòng dõi của An Nam quốc vương, giận nghịch thần họ Mạc tiếm ngôi, cướp nước, không chịu được mối thù ngàn năm mới nằm gai, nếm mật, lo thu phục lại cơ nghiệp của tổ tông, nối theo dấu cũ của tiên đế. Họ Mạc kia vốn là bề tôi của họ Lê nước An Nam, vậy mà làm chuyện giết vua cướp ngôi, thực là tội nhân của thượng quốc, sao lại ngầm được phong chức Đô thống? Nay chủ của thần không có tội như họ Mạc, mà lại phải nhận chức như họ Mạc là nghĩa thế nào?’
Trước những lời lẽ sắc sảo đó, Minh Thần Tông phải gượng cười, chữa khéo: “Chủ của ngươi tuy không ví như họ Mạc, nhưng vì mới lấy lại được nước, sợ lòng người chưa yên, hãy cứ nhận đi, sau sẽ gia phong tước vương cũng chưa muộn gì…”
Thần thơ Nguyễn Văn Siêu (1795 – 1872) trong một bài thơ đề tặng Phùng Khắc Khoan hơn 200 năm sau đã gọi bài biểu là tờ kháng sớ (sớ chống lại thiên triều):
“ Đô thống vô vi tập thị danh
Kháng ngôn nhất sớ động Yên Kinh….”
(chức Đô thống chỉ là hư danh; Những lời lẽ (của Phùng Khắc Khoan) trong tờ sớ kháng chỉ đã làm lay động cả Yên Kinh).
Lần đi sứ này, Phùng Khắc Khoan đã gặp gỡ, xướng hoạ thơ phú với một số quan lại nhà Minh và với sứ thần các nước (cùng đi sứ trong dịp này), mong tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với nhà Lê. Đặc biệt, ông còn học được nghề dệt the, lượt và ngầm lấy được giống ngô và đỗ đen (cũng như kỹ thuật gieo trồng) mang về nước. Ngày 25 tháng 12 năm Mậu Tuất, niên hiệu Quang Hưng thứ 21 (1598), sứ bộ đặt chân đến Trấn Nam Giao (Lạng Sơn) sau chuyến đi sứ kéo dài đúng 1 năm lẻ 8 tháng.
Về danh hiệu trạng Bùng, nhiều tài liệu trước đây thường nhấn mạnh đến việc ông lấy được giống ngô, đỗ của Trung Quốc mang về; là người cải tiến và hướng dẫn chế tạo một số nông cụ như: cày, bừa, và là tổ sư của nghề dệt the, lượt, nên được dân phong trạng. Nói như thế là đã vô tình hạ thấp Phùng Khắc Khoan và danh hiệu trạng của ông; bởi - nếu chỉ như thế thôi - bất quá ông cũng chỉ là trạng của làng mình, hoặc rộng hơn của một địa phương, chứ không phải là của cả nước.
Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613) tự là Hoằng Phu, hiệu là Nghị Trai, quê làng Phùng Xá (tục gọi làng Bùng), huyện Thạch Thất (Hà Tây). Là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn trẻ ông đã nổi tiếng văn chương, kiêm thông thuật số. Không ra hợp tác với nhà Mạc, năm Canh Tuất, niên hiệu Thuận Bình thứ 2 - Mạc là niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550), Phùng Khắc Khoan theo Lê Bá Li chạy vào Thanh Hoá quy thuận nhà Lê. Đỗ đầu khoa thi Hương đời Lê Trung Tông (1549 – 1556). Được Trịnh Kiểm tri ngộ, trao cho chức Ký lục, coi quân bốn vệ ở ngự dinh và được tham dự việc chính sự ở trong màn trướng. Dưới triều Lê Anh Tông được cử đi chiêu dụ dân lưu tán (vì cuộc chiến tranh Lê - Mạc) trở về quê cũ làm ăn, được thăng chức Binh Khoa cấp sự trung rồi Lễ Bộ cấp sự trung. Năm Canh Thìn, niên hiệu Quang Hưng năm thứ 3 (1580) đời Lê Thế Tông, nhà Lê mở lại khoa thi Hội, Phùng Khắc Khoan đã tham dự kỳ thi này và đỗ Hoàng giáp ở tuối 53 (khoa này tổ chức ở Thanh Hoá. Lấy đỗ 6 người, tên ông đứng thứ hai). Sau khi đỗ, được thăng Đô cấp sự, rồi Hồng lô tự khanh; sau đổi sang Công Bộ hữu thị lang, tiếp đến Thừa Chính sứ Thanh Hoa rồi Công Bộ tả thị lang. Năm 1597, được cử làm chánh sứ sang sứ nhà Minh. Lần đi sứ này, Phùng Khắc Khoan đã khiến vua tôi nhà Minh phải nể phục (ngưòi Trung Quốc đều khen là sứ giỏi. Minh Thần Tông gọi ông là Phùng kỳ lão – ông lão họ Phùng có kỳ tài. - chứ không gọi thẳng tên), làm rạng rỡ, vẻ vang cho quốc thể. Sau khi đi sứ về, được phong Lại Bộ tả thị lang, tước Mai lĩnh hầu. Có lẽ theo gương Minh Thần Tông, Trịnh Tùng cũng tránh gọi tên mà gọi ông một cách tôn kính là Phùng tiên sinh. Đời Lê Kính Tông (1600 – 1619) được thăng Thượng thư các bộ Công và Hộ, tước Mai quận công. Trải 4 đời vua, trên dưới 60 năm tham dự việc triều chính, Phùng Khắc Khoan được coi là bậc công thần đối với nhà Lê trong cuộc trung hưng. Về trước tác, ông còn là tác giả của nhiều bộ sách. Ngoài tập thơ: “An Nam sứ thần vạn thọ thánh tiết khánh hạ” mừng thọ vua Minh ra, còn có: Sứ Hoa bút thủ trạch thi; Ngôn chí thi tập; Nghị Trai thi tập; Mai lĩnh sứ Hoa tùng vịnh; Phùng công thi tập; Đào nguyên hành (cũng gọi là Lâm tuyền vãn); Thượng thư sấm ký; Huấn đồng thi tập; v.v…..
Ngày 24 tháng 9 năm Quý Sửu (Tây lịch là ngày 06/11/1613), ông trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà, hưởng dương 86 tuổi. Sau khi mất được tặng chức Thái phó và được phong là Phúc thần.
Với tài năng, đức độ và những cống hiến to lớn cho dân, cho nước (trên nhiều lĩnh vực, như: Kinh tế, chính trị, văn hoá, ngoại giao,….), Phùng Khắc Khoan đã được người đương thời phong là Trạng nguyên (sau lần đi sứ về) và được các thế hệ tiếp nối mặc nhiên thừa nhận (mặc dù – như trên đã nói – ông chỉ đỗ Hoàng giáp). Theo mỹ tục, vì ông quê ở làng Phùng Xá (tục gọi là làng Bùng), nên nhân dân vẫn gọi một cách thân mật và trìu mến ông Trạng của mình là Trạng Bùng./.
Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Khoa học xã hội – Hà Nội 1998)
- Lịch triều hiến chương loại chí (NXB Sử học – Hà Nội 1960)
- Phùng Lĩnh hầu thế hệ khoa hoạn phả.