Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.258
123.155.786
 
Trần Đỗ Liêm- Khắc Khoải Hồn Quê
Ngô Minh

( Đọc tập thơ Cho cau gặp trầu của Trần Đỗ Liêm )

 

Nhà thơ Ngô Xuân Hội ở TP Hồ Chí Minh gửi tặng tôi tập thơ Cho cau gặp trầu (*) của Trần Đỗ Liêm với tin nhắn “ Bác đọc thơ cha này, được lắm…”. Thế là tôi ngồi nhâm nhi Cho cau gặp trầu suốt mấy tiếng liền. Đọc kỹ Trần Đỗ Liêm cái dễ nhận ra là thơ anh mang mang một nỗi  niềm tha thiết, day dứt chân thật về quê hương, đất nước, con người. Chân thật là tiêu chuẩn hàng đầu của thơ. Như tình thật không hề giả trá Lòng biển xanh nồng mặn đến xa khơi ( Hải Kỳ). Sự chân thật, da diết ấy lôi cuốn  người đọc qua từng bài thơ.  Trong thơ ca, mỗi nhà thơ đều có một “bản quán thơ” của mình. Cái bản quán thơ đó  tạo nên  giọng điệu, ngôn ngữ của từng nhà thơ . Ví dụ Xuân Diệu luôn lạc trong tình trường; Nguyễn Bính chân quê; Hàn Mặc Tử là tiếng thơ của thú đau thương… Dù mới làm thơ, Trần Đỗ Liêm cũng đã sớm có một “bản quán thơ”, dù chưa thật rõ nét.  Cái bản quán thơ đó chính là Hồn Quê Khắc Khoải .

 

Ngay cái  tít tập thơ Cho cau gặp trầu đã gợi ý cho người đọc về nội dung mà nó mang tải. Câu chuyện Cau- Trầu là cổ tích ngàn đời của người Việt. Miếng trầu là đầu câu chuyện, là cái hồn quê trầm tích. Cau trầu tình duyên đôi lứa, cau trầu tình làng nghĩa xóm .Thương nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười. Cau trầu là lòng mẹ bao la: Lá trầu héo quả cau khô / Cũng nên cốt đỏ suốt mùa đông thơm ( NM). Cho nên Trần Đỗ Liêm mới thảng thốt : Lẻ loi buồn lắm trời ơi / Trầu cau được trộn với  vôi mới  nồng ( Cho cau gặp trầu). Khởi nguồn từ trầu cau là khởi nguồn vô tận của cảm xúc,  làm cho tập thơ mang hơi thở của chiều sâu đất đai nồng nàn hoài niệm.

 

Hồn quê, hồn nước là cái  còn lại mà mỗi đời người mang theo cho đến tận cùng thể xác. Hồn quê trong thơ Trần Đỗ Liêm có khi là cái rất cụ thể như các cổ vật: Độc bình đĩa chén, bình vôi…/ Trắng trong , xanh nhạt, tím  ngời, vàng thau. Những sản phẩm  ấy Từ trong đất  lửa sinh ra / Hồn non nước, cỏ hoa, hồn người ( Cất giữ hồn quê). Hay những sản vật, món ăn dân giã thân thuộc : Chợ quê bánh khúc, cúc tần / Cá rô lách ngược- ngoài sân mưa rào ( Nhớ tháng ba). Cũng có khi là một nơi gặp gỡ, nhớ nhung: Con đò giận dỗi bến quê / Người xưa không thấy bốn bề sương giăng ( Bến đò xưa). Cái “bến quê” ấy neo mãi con đò ký ức quê nhà trong tâm khảm, dù  con người có dãi dầu trăm nẻo bắc nam. Hồn quê ấy nhiều khi là những hình ảnh buồn dung dị , khuất lấp ở đâu đó nơi đầu làng,cuối xóm,  nhưng vô cùng chất chứa: Sông đầu bạc dập vùi xô quá khứ / Phù sa bồi gốc bần già  ủ rũ / Mảnh trăng non mờ ảo đứng đầu cồn ( Ngày mai). Tôi thích những hình tượng thơ như thế, vì nó nhòe mờ, không rõ ràng, nhưng lại ám ảnh, lay động. Hồn quê của Trần Đỗ Liêm khi là những hình ảnh thân thuộc từ tuổi thơ của châu thổ Sông Hồng: Trâu về chuồng  khua mõ / Bóng chiều hay bóng mình..; khi lại là miên man sông nước miền Tây châu Thổ: Mái chèo khua nước  giòn tan / Áo bà ba bó sát ngang eo tròn.. hay Quả mắm xanh chát chua đầu lưỡi…Thương trái bần xanh chát/ Co ro đứng mé dòng

 

Nhưng nếu chỉ có những hoài niệm về hồn quê không thôi thì không  bao giờ thành thơ. Đối với Trần Đỗ Liêm, hoài niệm hồn  quê được đẩy lên ở cấp độ khác . Đó là sự trăn trở, tự vấn, tự nghiệm hay sám hối trước thực tại cuộc sống, khi những hồn quê cật ruột  đang ngày càng bị phai nhạt trong tâm hồn con người. Đó chính là “triết lý” thơ của anh. Trong tập thơ Cho cau gặp trầu rất nhiều sự chiêm cảm, chiêm nghiệm như thế : Ta bơ vơ giữa ồn ào …vì cảnh xưa người cũ đã quá vãng : Hà thành từ bữa chiêm bao / Buồn vui bất chợt ùa vào như mơBỏ em chống chọi một mình / Giữaphồn hoa giữa điêu linh tình đời…( Lặng lẽ phố chiều ). Đi tìm những hoài niệm đã mất, nhà thơ trở thành kẻ đơn côi : Chông chênh một gốc thông  già / Suối mòn sỏi trắng, sân ga vắng tàu ( Em về). Có những lúc nhà thơ lang thang đi tìm bóng quê, hồn nước , “ta lầm lũi bước chân buồn lối cỏ”, nhưng tìm chẳng thấy, bởi thế mà thơ trở nên khắc khoải :

 

Ở đây đang có một kẻ điên

Uống trăng trong chén rượu ưu phiền

Dốc bầu tâm sự trên đầu sóng

Khắc khoải đêm thâu tiếng độc huyền ?

( Bóng giai nhân)

 

Lên Tây Nguyên “đối mặt  với khoảnh khắc xưa đất Việt”, “Đại ngàn bỏ đi trang trại lấn về”,  nhà thơ xót xa với lịch sử: Lẩn khuất tàn cao u hoài nỗi nhớ / Hoàng đế lưu vong giữa đất nước mình… Quá khứ rồi, trang  sử xưa nhàu nát ( Viết bên hồ Lak ). Đau xót hơn là những nét văn hóa dân tộc đã mai một, không còn là cuộc sống thường nhật của đồng bào các dân tộc : Cồng chiêng treo vách nhà rông chờ lễ hội / Thổ cẩm, khăn viền thấp thoáng trong thơ…( Khác xưa rồi Tây Nguyên Tháng Ba ) . Đối với Trần Đỗ Liêm , phố xá  thời tân tiến  Đại lộ thênh thang hoa kiểng nhập/ Cao ốc chọc trời lững lững hồ Tây , như là sự “Lạc điệu” với hồn quê :

 

Ta lạc giữa phấn son phù  phiếm

Những cái bắt tay lịch sự hững hờ

Ngắn ngủi vô hồn hỏi, chào người máy

Cử chỉ nghĩa tình  chỉ thấy trong mơ

 

Những câu thơ ấy là nỗi lòng tác giả: Có và mất, hăm hở mà đau buồn.  Đó là sự day dứt, lo lắng  khôn nguôi. Trần Đỗ Liêm có bài thơ có tựa đề  Sám hối, bài thơ cấu trúc, chữ nghĩa chưa điêu luyện, nhưng tấm lòng tác giả với thiên nhiên thì đầy khắc khoải. Tác giả mừng vui khi người ta trồng lại rừng tràm, thả cá thia lia vào mương rạch, khi cánh cò bay bổng trắng chiều hôm… Anh gọi đó là sự sám hối của con người trước thiên nhiên hay Thiên nhiên trở lại với con người.

Đó là một suy tư, day dứt của một tâm hồn lớn, một khát khao cháy bỏng. Không chỉ là thiên nhiên, người nông dân  nghèo cũng đang bị đẩy tới cảnh cùng cực: Ở giữa Tháp Mười / Những mảnh đời đen bạc / Hai cánh tay ông cong queo quờ  quạng… Đất ông khai hoang họ lấy họ chia / Họ đang là quan cán bộ ( Giữa Đồng Tháp Mười) …Những cảnh tỉnh  ấy dường như càng ngày càng ít trong thơ !

 

Hồn  quê trong thơ Trần Đỗ Liêm còn được đẩy đến  những  xúc cảm tâm linh. Đó là nỗi nhớ hình bóng , anh linh của đồng đội xưa từng bên nhau chiến đấu. Đồng đội đang nằm ở đâu ? Rừng Trường Sơn/ Hay trên đất bạn/ Nơi ấy chắc giờ lạnh lắm… Nhớ thương đồng đội, Trần Đỗ Liêm thảng thốt : Người thợ rừng hãy cho cây đổ nhẹ / Lưỡi cày khai hoang, / Rễ rừng ơi/ Xin đừng xuyên xé / Những thi hài đồng đội dưới đất sâu ( Đồng đội ơi ). Đó là nỗi đau trào nước mắt khi ông Sáu Dân ( Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt ) đi xa: Ôi một trái tim Sáu lần vì Dân ấy…( Hai lần Tự trào nước mắt)…

 

Thơ Trần Đỗ Liêm là nhịp đập của trái tim đa cảm dành cho tình  quê non nước. Tôi rất ngạc nhiên khi được biết nhà thơ là một doanh nhân , chủ nhiệm HTX vận tải Rạch Gầm quản lý hàng ngàn lao động và hơn 300 tàu, xà lan vận chuyện  trên khắp sông nước miền Tây. Công việc như thế phải  phân thân  giỏi lắm  mới có thơ như thế. Anh bộc bạch :

 

Khi tỉnh làm doanh nhân

Lúc mơ là thi sĩ

Thường trực trong suy nghĩ

Tâm với tình người ơi

….

Không phải là thiên sứ

Ta chỉ là ta thôi

( Nói với người)

 

Một doanh nhân làm thơ, chưa là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng Trần Đỗ Liêm có rất nhiều câu thơ hay . Ở trên tôi đã trích  một số cầu thơ ám ảnh. Những câu thơ “thật thơ” như thế ta còn gặp rất nhiều trong tập Cho cau gặp trầu : Rượu cần nghiêng ngả trăng non ( Ngày có em ). Say rượu cần không nghiêng ngả người mà  nghiêng  ngả trăng non thì thần quá, thi sĩ quá. Hay : Mưa bâng quơ xối ướt tiếng cười ( Nỗi buồn tan chảy); Uống trăng trong chén rượu ưu phiền ( Bóng giai nhân); Ta gom nhặt trẻ trung còn sót lại / Gửi đầu nguồn đất nước xa  xôi ( Lên Đồng Văn); Lẫn giữa thị thành một hồn quê ( Vô đề); Hiu hắt đổ dài con phố nhỏ / Heo may mỏng mảnh lạnh vai mềm  ( Nỗi buồn tan chảy).v.v..Những câu hay như thế nói với người đọc rằng : Ăng-ten thơ của tác giả có tần số cao nên bắt rất nhạy với những cảm xúc thế thái nhân tình, dù thoáng qua chốc lát.

 

Tất nhiên trong tập thơ Cho cau gặp trầu của Trần Đỗ Liêm vẫn còn một số hình ảnh và câu chữ chưa thơ. Một số  bài  kết cấu loãng, tứ thơ chưa rõ. Giá như tác giả đào sâu hơn vào cái tôi phận người, bớt đi những bài “thơ du lịch”, tập thơ sẽ thích thú hơn.

Mong mỏi là vậy, chứ một doanh nhân làm thơ tay trái mà có được tập thơ như Cho cau gặp trầu  nồng nàn hồn  quê như thế thật đáng đồng tiền tiền bát  gạo.

 

Huế, 12/2010

Cho cau gặp trầu, Thơ Trần Đỗ Liêm, NXB Văn Nghệ, 2009

Ngô Minh
Số lần đọc: 1632
Ngày đăng: 08.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nếu Ai Muốn Biết Hơn Về Ông Lão Gần 80 Tuổi… - Thế Phong
Nhà văn Kinh Dương Vương nói về vụ phim “Đường kiến”: Tôi tin theo chiều hướng tích cực với lời giải thích của đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa - Nhiều Tác Giả
Vài Suy Nghĩ Về Đám Tang Cố Học Giả Nhà Thơ Phạm Công Thiện - Quỳnh Thi
90% Thanh Niên Nông Thôn Quê Tôi Không Biết Làm Nghề Nông - Hoàng Trọng Muôn
Ra mắt tuyển tập kỷ niệm 10 năm ngày mất Trịnh Công Sơn - ánh nến và bạn bè - Nhiều Tác Giả
Một Câu Hỏi Lớn Không Lời Đáp? - Hoàng Hưng
Bài Phát Biểu Tại Lễ Nhận Giải Của Quỹ Giải Thưởng Phan Châu Trinh - Lại Nguyên Ân
‘Đường kiến’ - phim ngắn đoạt Cánh Diều Bạc là tác phẩm ăn cắp nội dung và tên truyện. - Nhiều Tác Giả
Trường thơ Loạn, những cái tôi đầy đối cực - Nguyễn Thị Quyên
Đường TrỊnh Công Sơn Sẽ Thành “Không Gian Văn Hóa Trịnh” - Võ Quê