Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.144.825
 
Niềm Lạc Quan Vẫn Có Giữa Thời Chiến Qua Thơ Của Khuất Đẩu
Trần Văn Nam

Thời chiến tranh khốc liệt ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, có một tập thơ mà chỉ với nhan đề thi phẩm thôi cũng đủ nói lên niềm lạc quan thấy vẫn còn le lói giữa mùa loạn lạc. Chiến tranh tàn phá đất nước, làm xã hội đảo điên, lòng người thấm đậm triết lý hiện sinh hiểu theo nghĩa tiêu cực nhất. Khi ấy xuất hiện thi phẩm “Những Dòng Nước Trong” của Hoàng Bảo Việt. Tiếc rằng hiện tại ta không có tập thơ này trong tay để tìm hiểu có những nét sáng tạo về nghệ thuật nào nhằm hổ trợ cho nội dung hé thấy những dòng nước trong giữa biển đời vẩn đục.

 

Nhưng hiện tại, ta có trong tay một thi phẩm khác do Tạp chí Thư Quán Bản Thảo dự định in ấn mà nhan đề cũng le lói niềm lạc quan, cũng ra đời ở thời gian ấy: thi phẩm “Khúc Sinh Ca Của Đồng Lúa Trỗ”. Tác giả nghe chưa quen tên thời gian trước 1975 (với người viết bài này) là nhà thơ Khuất Đẩu. Xét về thời điểm sáng tác, thấy ghi chú ở dưới mỗi bài thơ bắt đầu từ năm 1968 đến 1978.*

 

Không phải ta thấy le lói lạc quan chỉ ở nhan đề, mà nhờ đọc được hết thi phẩm nên có thể nói tập thơ chứa khá nhiều nét sáng tạo về ý tưởng cũng như nghệ thuật (không lập lại những ý tưởng đã khuôn sáo, cách diễn tả chưa ai có trong một số câu thơ). Ta sẽ lần lượt nêu ra những điều trên một cách cụ thể để minh chứng, cố gắng tránh những lời phát biểu mơ hồ.

 

Trong bài thơ “Giá Như Tôi Là Thi Sĩ” sáng tác năm 1968, với ý tưởng muốn biểu lộ về tình nhân loại nên có với nhau khiến ta nghĩ là làm sao thực hiện được khi hai phía lãnh đạo khác biệt về ý-thức-hệ (quần chúng do nhiều hệ lụy cũng bị ràng buộc vào). Ý tưởng này như vậy cũng khá khuôn sáo. Ý không mới, nhưng tác giả sáng tạo hình ảnh những câu thơ của mình như những thanh củi đốt cháy đỏ bếp lửa nhân gian; và thơ mình như tấm áo len trên đó nồng ấm tâm tình muốn đắp lên lên bộ ngực đời đang suy nhược:

 

… tôi làm thơ như em ngồi đan áo

Hơi thở tôi xin đắp lên ngực đời

… muốn biến trái tim thành bếp lửa

Đốt thơ tôi cháy đỏ nhân gian.

 

Trong bài thơ “Tôi Phải Làm Gì” sáng tác năm 1968, ta hơi ngạc nhiên khi mới đọc thoáng qua, tưởng đâu nhà thơ mơ mộng thành sao đêm hay trăng của biển để phát hiện một cảnh quan ngoạn mục hay huyền bí nào đó, nhưng chỉ là muốn phát hiện từng sợi lông măng trên má em. Có lẽ là những sợi lông măng trên má em bé thơ sinh. Ta đoán tác giả viết lên một hình ảnh tượng trưng, vì bối cảnh chính yếu của toàn thể tập thơ là thời tàn phá do chiến tranh, không thể có những ý tưởng ngoài dòng mạch làm mất sự thống nhất xuyên suốt về nội dung của toàn thể thi phẩm:

 

tôi tiếc không là sao của đêm

tôi tiếc không là trăng của biển

để những sợi lông măng trên má em

sáng lên từng chiếc một.

 

Ta bắt gặp thêm một ẩn dụ sáng tạo: đất nước thời chiến tranh là cái gạt tàn thuốc vĩ đại, trong đó chứa đựng tro bụi của chiến tranh và thương tích xã hội thời tao loạn. Điếu thuốc gắn lên môi là ẩn dụ cho khả năng hay phương tiện mà con người có thể gây lợi hại cho nhau; tất cả đều làm tác giả sợ nên rất ngần ngại, không sẵn sàng đốt lên xử dụng. “Cái Gạt Tàn” là bài thơ sáng tác năm 1965. Chút tình của đôi trai gái có thể là tình đời thường, dù vậy cũng phải hệ lụy do chiến tranh (phải nhập ngũ hay phải tù tội mà xa nhau). Và cũng có thể hiểu là những hậu quả của tình người gây di hại cho nhau để rồi cùng bị bỏ vào cái gạt tàn vĩ đại của cuộc đời:

 

điếu thuốc gắn lên môi

hằng giờ

mà không muốn đốt

bởi tôi sợ cháy

tôi

và tôi sợ cháy

em

tôi sợ chút tình của chúng ta

chỉ còn là những tro rất lạnh

trong cái gạt tàn vĩ đại

mang tên cuộc đời.

 

Bài thơ “Sông” sáng tác vào năm 1969 mô tả một con sông thật đẹp, nhưng con sông này chỉ là con sông của ý tưởng, một con sông trừu tượng không từng hiện hữu cụ thể trên Trái Đất. Ta không hiểu tác giả trực cảm như thế nào mà thấy con sông tưởng tượng ấy thanh khiết như người điên và diệu kỳ như sự chết. Ta chỉ liên tưởng nó như Con Sông Thiên Thai trong bài hát của nhạc sĩ Văn Cao, nó cũng bay lên rồi mất hút trên bầu trời tím ngát. Nhưng ta đừng quên tập thơ là chứng tích của một thời chiến tranh, nên con sông bay lên trời này không đồng chất với con sông thần tiên. Đọc dần xuống đoạn kết, ta đã hiểu đó là con sông nội tâm muốn trải rộng lòng người bát ngát và ngân nga tiếng gọi cầu mong thanh bình:

 

… những dòng sông không tên

chảy qua cuộc đời chúng ta miên viễn

thanh khiết như người điên

diệu kỳ như sự chết

nên một hôm

một hôm rất tuyệt vời vì đã không báo trước

sông bay lên đỉnh trời chiều

tan vào không gian tím ngát…

anh hãy gọi tên mình

nghe ngân nga cũng một dòng sông.

 

Tác giả tiếp tục với những ẩn dụ mang chất sáng tạo, chưa ai từng so sánh như mình, nên tác giả đã tránh được những khuôn sáo thường mắc phải khi diễn tả. Tác giả vượt thoát sự dễ dãi của những người không chịu “lao-động-với-thơ” (nghĩa là cứ mượn những gì mà người khác đã phát biểu, đã so sánh). Chẳng hạn như nhà thơ Quang Dũng có lần bên phòng tuyến núi non nhớ về Hà Nội xa xăm ánh đèn dưới đồng bằng, nên bất chợt thấy “Thoáng bóng em về trong đáy cốc. Nói cười như chuyện một đêm mơ”. Nếu không chiụ khó lao-động-với-thơ để sáng tạo một thi-ảnh khác thì ta dễ lấy hình tượng này đưa vào thơ của mình, vì thấy nó hay quá. Tác giả Khuất Đẩu, xem chừng cũng đi từ ảnh hưởng của câu thơ ấy, nhưng đã làm nên một sáng tạo khác. Đi từ ẩn dụ thỏi đá băng tan trong đáy cốc đến ẩn dụ hoàn toàn không còn hơi hám ảnh hưởng thơ của người khác. Đó là hình ảnh nước đá tan ra chính là lòng mình phơi trải và ước vọng dấn thân cho trọn vẹn vào hoài bảo ấy. Nhập tiệc đá tan, uống cạn những ước nguyện của lòng mình. Nội dung trên chứa đựng trong bài thơ “Tự Giác” sáng tác vào năm 1970:

 

ta làm một người

như thỏi đá tan trong đáy cốc

ngày một ngày hai

sống là đem chính mình ra làm tiệc

hãy uống cạn đời ta.

 

Trong bài “Trên Đỉnh Lang Biang”, nhà thơ Khuất Đẩu hơi cường điệu khi thấy dòng sông quanh co trong núi rừng Tây Nguyên, con sông dưới đỉnh Lang Biang ở Đà Lạt, thành con sông vươn dài theo tâm hồn tác giả mà chảy ra đến tận Biển Đông (như phần nhiều những con sông khác ở Miền Trung Việt Nam). Cường điệu vì đó là con sông tượng trưng, con sông tâm hồn buồn bã của tuổi trẻ thời chiến tranh. Nó lặng lẽ mang nỗi phiền muộn biến thế hệ thanh niên thời chiến thành già trước tuổi. Ví dụ mới mười chín hai mươi, độ tuổi mà thời hoà bình còn cần lên đại học,  vậy mà họ sớm gánh chịu trách nhiệm sinh mạng của nhiều người trong vai trò chỉ huy xông pha ngoài chiến trận. Đó là ta chỉ kể trong giới sinh viên, chưa kể những thế hệ tuổi trẻ thuộc thành phần dưới quyền. Gánh trách nhiệm lo an toàn cho sinh mạng đồng đội, một trách mhiệm quá lớn làm thanh niên già trước tuổi.“Con sông mang dần tuổi trẻ” phải chăng là như vậy, vì họ có thể mạng vong (sóng sẽ chôn tôi), hoặc họ sẽ già dặn sau cuộc chiến (sóng viết tên tôi):

 

sông mang dần tuổi trẻ

bồi đắp Biển Đông già

tôi thấy mộ phần tôi ở đó

sóng sẽ chôn tôi và sóng viết tên tôi.

 

Chủ đề xuyên suốt tập thơ rất rõ ràng về nôị dung: niềm lạc quan về tình người giữa thơì chinh chiến, lạc quan bừng lên “Khúc Sinh Ca Của Đồng Lúa Trỗ”.  Đây là nhan đề bài thơ dài nhất trong tập thơ (cũng được lấy làm nhan đề thi phẩm), sáng tác vào tháng 4 năm 1970, nghĩa là còn ở trong vòng binh lửa vừa đúng 5 năm nữa. Vậy mà nó bừng lên như một bản trường ca tràn đầy sự tin tưởng vào tương lai, tin tưởng sự sáng lạng “mặt trời không bao giờ mọc ngược”, tin tưởng “đất tinh khôi từ ái của tôi ơi”, tin tưởng “những thân cau một đời đứng thẳng”, không quá hoài nghi để hỏi “liệu mặt trời còn có màu xanh”… Còn rất nhiều thi ảnh lạc quan trong bài thơ trường ca này. Quá dồi dào làm người đọc như reo vui lên cùng tác giả, nhưng bài trích thơ xin gạn lọc những câu thơ mang dấu ấn sáng tạo chưa ai có, tìm cái hết sức độc đáo của chỉ riêng tác giả, như chủ đích nêu ra để minh chứng tác giả rất chiụ khó lao-động-với-thơ hầu tránh những khuôn sáo lập lại những gì của người khác. Ta thử hỏi có từng đọc của ai chưa ẩn dụ “đứng bên này giọt lệ” để thấy “hoàng hôn đẹp tựa châu sa”: chắc ý tác giả muốn nói đứng bên đau khổ (giọt lệ) để tin tưởng sự tàn tạ (hoàng hôn) còn có thể hồi sinh. Còn nguời cũng đứng bên kia giọt lệ có phải đã thấy một bình minh biếc hơn mọi lần. Cả hai đều đang ở kề cận sự đau khổ do chiến tranh, nhưng cũng đều thấy sáng lạng niềm tin. Giọt lệ như lăng kính, như một thử thách, chiếu sáng cho tương lai. Ta thử hỏi đã từng đọc của ai chưa về ẩn dụ những cây cau cao vút mà mưa chảy mãi ngàn năm chưa tới, và bóng của mình dài hút (chắc ý tác giả muốn nói nguyện vọng hoà bình của người dân vời vợi ước mong) không biết sẽ gặp nhau ở đâu, vì nguyện vọng ấy sâu xa như không có giới hạn. Xin nêu ra những ẩn dụ độc đáo nhất trong bản trường ca “Khúc Sinh Ca Của Đồng Lúa Trỗ”, còn như độc giả thích choáng ngợp trong niềm lạc quan thì xin đọc toàn bài thơ (chắc Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 36 sẽ in lại đầy đủ):

 

chúng ta là những cây cao

những thân cau một đời đứng thẳng

nỗi song song vút tận trời gầy

mưa chảy mãi ngàn năm chưa tới

lắm khi trời hoàng hôn

chúng ta thấy bóng mình dài vút

sẽ gặp nhau ở những nơi đâu

… tôi đứng bên này giọt lệ

nhìn hoàng hôn đẹp tựa châu sa

người ở phía bên kia

phải chăng thấy một bình minh biếc

… tôi đã đi suốt đời mình

khêu sáng những niềm tin bấc lụn.

 

Những độc đáo về nghệ thuật diễn tả ý tưởng của tác giả Khuất Đẩu trong toàn phần đã viết ở các đoạn trên đều nghiêng về phương pháp mỹ từ của ẩn dụ, nghĩa là ta mới chỉ nêu ra phương pháp dùng hình ảnh mỹ cảm để biểu hiện ý tưởng. Ta chưa nêu ra được ngôn ngữ thơ nào khác ngoài ẩn dụ. Vậy ta thử nêu ra đây một loại hình nghệ thuật tạm gọi “ngôn ngữ tự mình là ngôn ngữ thơ” (không nhờ so sánh, không nhờ liên tưởng). Ngôn ngữ bộc lộ thi tính của một không gian dàn trải, phải chăng đúng tên của nó là “ngôn ngữ biểu hiện”?:

 

thương ai ngàn năm trước

nhớ ai ngàn năm sau

một trời thu man mác

ngàn lau thương ngàn lau.

(Trích bài Ngàn Lau, sáng tác năm 1969)

 

Đáng lẽ ta sẽ tiếp tục thưởng thức “ngôn ngữ biểu hiện” của nước lặng lẽ trong chai, hoặc “ngôn ngữ biểu hiện” của tiếng mưa rơi đều đều, nhưng tác giả lại trở về mỹ-từ-pháp ẩn dụ, nghĩa là còn nương nhờ những giới-từ so sánh. Thiết nghĩ ta cũng không làm sao thoát ra khỏi sự ràng buộc của liên tưởng khi diễn tả. Tuy nhiên, đọc đoạn thơ này, ta chìm vào cảnh giới tịch lặng, mặc dù cứ thỉnh thoảng lại bị làm thức tỉnh bởi những giới từ “như… như”. Nó không để mặc ta rơi vào trạng thái đồng hoá với thế giới đồ vật lặng lẽ của nước trong chai, của tiếng mưa đều đều ngoài đường phố, của thời khắc im vắng mọi nhà đang ngủ kỹ:

 

tôi ngủ lặng yên như nước trong chai

đường phố vẫn rì rào ca hát

tôi tỉnh giấc trời đã hừng đông

mưa vẫn rơi, mọi nhà vẫn ngủ

mưa thao thức như tiếng gọi đò

trong tăm tối bão bùng thế kỷ

… xin chúc cho nhánh giây leo

xin chào mừng nụ hoa tầm gửi

xin thức dậy mọi người

dậy sửa lại trái tim như

sửa lại đồng hồ

cho cùng nhịp đập….

(Trích trong bài Mưa, sáng tác năm 1978) **

 

Nội dung chủ yếu của thi phẩm là niềm lạc quan ở tình người, ở sự gượng dậy đứng lên của đất nước; dĩ nhiên trong thơ cũng hàm chứa những bi hận, nhưng “khúc sinh ca” bao trùm toàn thể thi phẩm. Người viết bài xin gạn lọc, chỉ nêu ra những nét độc đáo về nghệ thuật diễn tả, chủ yếu là những ẩn dụ rất mỹ cảm chưa ai nghĩ ra, điểm xuyết vài khám phá về ngôn ngữ biểu hiện tác giả đã sáng tác bằng trực giác. Nội dung và hình thức của thi phẩm như vậy đã tự xác định đây là một tập thơ rất có hạng. Còn một điều ta muốn nêu ra: nếu tác phẩm đã xuất bản tại Miền Nam trong thời chiến trước 1975 mà một thời gian dài bị lãng quên không được nhắc nhở (thành ra tên tác giả không nghe quen), nếu vậy thì đây là một di sản văn hóa khá quý của Miền Nam Thời Chiến, một chứng tích ước mong thanh bình của tâm tình người Miền Nam Thời Chiến. Và nếu thi phẩm chỉ ở dạng bản thảo (chưa hề xuất bản) thì ta ước mong Tạp chí Thư Quán Bản Thảo (định in ấn tập thơ này) có dịp kể cho chúng ta biết rõ về thân thế nhà thơ Khuất Đẩu và về các thời điểm sáng tác mà tác giả ghi dưới những bài thơ.

 

Walnut, California, tháng 2 năm 2009

(Trích trong Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 36. Bản gửi từ tác giả)

 

Ghi chú thêm- Chị Lương Lệ Huyền Chiêu (vợ anh Khuất Đẩu) trong một điện-thư gửi tới anh Trần Hoài Thư nhờ cải chính giùm: tất cả các bài thơ trong tập KSCCDLT đều được sáng tác trước năm 1975. Cải chính ấy cũng đã giúp giới hạn vào đúng thời gian cho những lời nhận định (có chủ quan lắm không?): “Vẫn còn niềm lạc quan gượng đứng dậy trong thời chiến tranh tàn khốc”. Người viết bài này đã có sai lầm về thời điểm sáng tác của tác giả như trên là do tài liệu gửi tới ghi lầm bài thơ “Mưa” viết năm 1978.

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2630
Ngày đăng: 09.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sóng Lành Mùa Phật Đản - Trần Kiêm Ðoàn
Tranh biện về triết Học Trung Quốc. phần 3, hết. - Đặng Phùng Quân
Tranh biện về triết Học Trung Quốc. phần 2 - Đặng Phùng Quân
Tranh biện về triết Học Trung Quốc. phần 1. - Đặng Phùng Quân
Phạm Công Thiện, người muốn nhảy qua cái bóng của mình - Bùi Công Thuấn
Dương Nghiễm Mậu: cuộc đời tình cờ - Nguyễn Vy Khanh
Về Với Thiên Nhiên Cùng Lê Văn Trung - Trần Văn Nam
Ngày Lễ Và Cộng Đồng - Hamvas Béla
Bùi Giáng : Con Đường Ngã Ba - Nguyễn Vy Khanh
Thơ Thanh Tâm Tuyền - Nguyễn Vy Khanh
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)