Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.139.289
 
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. còn tiếp
Hiếu Tân

Những người chống đối có thể tìm thấy một con đường giữa chế độ độc tài và vô chính phủ hay không?

Dexter Filkins, NEW YORKER , 11/4/ 2011

 

 

Ảnh: GETTY IMAGES

 

Đầu tháng Ba, khi hàng ngàn người đang kêu gọi cách mạng, thì Ali Abdullah Saleh, người đã là Tổng thống của Yemen trong ba mươi ba năm qua, mở một cuộc ăn mừng khổng lồ cho ông ta. Những cuộc nổi dậy trên khắp vùng Trung Đông đã quét bay hai bạn đồng cảnh của Saleh và đang đe dọa hạ bệ chính chế độ của ông ta. Ở thủ đô Sanaa, hàng ngàn người Yemen đổ vào đầy Sân vận động Cách mạng, lòng trung thành của họ được bảo đảm bằng những lời hứa trả công sau cuộc mít tinh. Một số leo lên những khán đài không mái, những người khác tập hợp ở trên sân, nơi đặt những ghế nhựa trắng và xanh trên bãi cỏ trước mặt một bục cao dành cho Tổng thống và người của ông ta. Bên ngoài sân vận động, cách khoảng một dặm, những người biểu tình phản đối, đã tập hợp cả tuần nay, lên án Saleh, hô to “Cút!” Hàng giờ liền những người Yemen trong sân vận động giơ những tờ báo che đầu tránh cái nóng ngột ngạt. Tiếng loa om sòm, “Thưa quý vị, tổng thống của toàn dân Yemen, người bảo tồn thống nhất, Vị Cứu tinh của Dân tộc, bình an ở cùng Ngài, Ngài Ali Abdullah Saleh!”

 

Đám đông reo hò, hàng ngàn người vung tay, một số người dương cao những áp phích. Những người đàn ông hôn gió; phụ nữ mặc những áo choàng đen nhánh, vỗ những bàn tay đeo găng. Saleh, mặc bộ com lê xẫm màu và Ray-Bans, ngồi xuống một chiếc ghế chạm khắc thủ công dát ngà. Tiếng hoan hô vang lên nhiều phút, cứ một hay hai đợt, Saleh lại giơ tay phải lên. Rồi một đám đông do một người trên khán đài dẫn đầu, bắt đầu hô lặp lại nhiều lần “Máu của chúng tôi, linh hồn của chúng tôi, chúng tôi sẽ hy sinh cho ngài!”

Trước cuộc xâm lược Iraq của Mỹ, năm 2003, người Iraq cũng hát những bài tụng ca như thế với Saddam Hussein, người thầy và bạn của Saleh. Người Yemen thường gọi Saleh là “Saddam nhỏ.” Năm 1990, khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu trục xuất những lực lượng của Saddam khỏi Kuwait, Yemen là nước A rập duy nhất bỏ phiếu chống. Để trả đũa, Saudi Arabia và những nước vùng vịnh khác đã đuổi hàng triệu dân Yemen, khiến đất nước này mất đi nguồn tiền gửi về - một trong những nguồn tiền chủ yếu của nó. Nền kinh tế Yemen sụp đổ, và không bao giờ hồi phục lại được hoàn toàn. Gần như mọi khía cạnh của cuộc mít tinh của Saleh bắt chước những cuộc diễu hành phô trương từng được tổ chức cho Saddam - thậm chí những áp phích, vẽ nhà lãnh đạo này trẻ trung hơn và có khí lực hơn ông ta trong thực tế.

 

Trong khi người Yemen bày tỏ lòng ngưỡng mộ với ông ta như thế, thì Saleh tỏ ra bồn chồn trong ghế của ông ta, liên tục quay sang nói chuyện riêng, lúc đầu với Thủ tướng và Phó tổng thống, sau với một nhóm phụ tá đằng sau ông ta. Người ta bảo Saleh có một trí thông minh hiểu rộng biết nhiều và sức chú ý của một thiếu niên. Cuối cùng, sau khi liếc nhìn đồng hồ tay, chiếc đồng hồ mặt vuông kính màu tím trang điểm đầy châu báu, ông ta đứng lên nói.

 

Saleh lùn và chắc mập, với cử chỉ thô kệch và một giọng nói thô ráp. Trong một diễn văn trước đó một tuần, ông ta thật sự đã hét vào mặt những người tập hợp trước ông, thề đánh những người biểu tình “đến giọt máu cuối cùng.” Trong một bài diễn văn sau đó, ông ta đổ tội biểu tình cho Mỹ và Israel. “Tại Tel Aviv có một phòng điều khiển để làm mất ổn định thế giới A rập,” Saleh nói. “Nó được quản lý bởi Nhà trắng.” Đó là loại nhận xét thường phục vụ rất tốt cho ông ta.

 

Nhưng lần này giọng điệu của Saleh mềm mỏng lắm. “Đồng bào thân mến” ông ta bắt đầu - một sự nhún nhường khác thường. Ông ta cám ơn những người Yemen đã ra đường để ủng hộ ông, và ngay cả những người phủ nhận tính hợp pháp của chính phủ ông. Saleh nói ông ta đã ra lệnh cho các lực lượng an ninh tiếp tục bảo vệ những người biểu tình của cả hai bên. Từ “tiếp tục” làm cho câu nói thành dối trá: từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình, nhiều đoàn người, đôi khi có cả cảnh sát và quân đội tham gia, đã tấn công những người biểu tình bằng gậy gộc, dùi cui và súng.

Bây giờ hình như Saleh đang đề nghị ngừng bắn. Ông ta phác thảo nhiều đề xuất thay đổi đối với Hiến pháp Yemen, hứa hẹn chuyển nhiều quyền của ông ta cho quốc hội. Đây là lần thứ hai ông ta đề xuất nhân nhượng bởi vì những rắc rối ở Trung Đông đã bắt đầu. Đầu tháng Hai, khi những người biểu tình vừa bắt đầu thu hút sự chú ý của quốc tế, Saleh tuyên bố rằng ông ta sẽ rút lui vào cuối nhiệm kỳ của mình, năm 2013, và hứa hẹn rằng Ahmed con trai ông ta, chỉ huy Vệ binh Cộng hòa, sẽ theo ông ta ra khỏi dinh. Bây giờ ông ta nói “Tôi cầu xin Chúa hướng dẫn tất cả chúng ta vì quyền lợi của đất nước ta.”

 

Đến đây, những người Yemen tuôn ra đường leo lên các xe buýt và nhận tiền của mình.

Người Yemen đã tranh cãi trong suốt nhiều tuần về việc liệu Saleh có đánh như Gadhafi hay là  ra đi trong hòa bình như Mubarack. Dường như nhiều người nhất trí rằng Saleh sẽ rơi vào khoảng giữa hai cực đó, nhưng không ai biết rõ ở đoạn nào. Ông ta không điên khùng, nhưng ông ta cũng không phải là một lão già mỏi mệt.

 

Đáp lại bài diễn văn trên sân vận động, John Brennan, cố vấn về chống khủng bố của Tổng thống Obama phát đi một tuyên bố từ Nhà Trắng khen Saleh và tuyên bố rằng, “Tất cả các thành phần đối lập của Yemen nên đáp ứng có tính xây dựng với lời kêu gọi của Tổng thống Saleh đi vào một cuộc đối thoại nghiêm túc để kết thúc tình trạng bế tắc hiện nay.”

 

Không có ai cắn câu. Các lãnh tụ đối lập bác bỏ sáng kiến của Tổng thống và kêu gọi ông ta từ chức.

 

Buổi sáng hôm sau, cảnh sát và binh lính đã tấn công một nhóm người biểu tình chống chính phủ tại Đại học Tổng hợp Sanaa, xịt hơi cay, bắn đạn cao su, và đạn thật. Những người biểu tình ném đá vào binh lính. Khi cuộc đụng độ kết thúc, bốn người Yemen chết, và hơn ba trăm người bị thương, gần như tất cả số đó là những người biểu tình. Ngày hôm sau nữa, cảnh sát và binh lính lại lao vào những người biểu tình, giết chết hai người và làm bị thương hơn một trăm người. Cuộc nổi dậy ở Yemen đã đi vào một giai đoạn đẫm máu.

 

Nhà trắng nói tuyên bố của Brennan không có ý định cho phép Saleh tấn công những người biểu tình. Nhưng, từ khi những cuộc náo loạn bắt đầu, chế độ Saleh đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ khác thường từ chính quyền Obama. Nhà Trắng đã nói rõ nó tin rằng cần phải tránh thay đổi đột ngột ở Yemen, thậm chí với giá của nhiều sinh mạng người Yemen. Brennan, một trưởng cơ quan CIA ở Trung đông, duy trì một quan hệ gần gũi với Saleh, và đã sang thăm Sanaa bốn lần từ khi nhận chức vụ chống khủng bố năm 2009. Sau bài diễn văn ghê gớm trách Israel và Mỹ về những cuộc biểu tình phản đối, Saleh gọi cho Brennan để xin lỗi. Chính quyền Obama trách Saleh sau cuộc tấn công vào những người biểu tình ở Đại học Sanaa, nhưng nó không thúc ép ông ta từ chức. Một sĩ quan cao cấp quân đội Mỹ giải thích tại sao: “Nếu Saleh ra đi, sẽ có hai kết quả có thể xảy ra nhất: hoặc là vô chính phủ hoặc là một chính phủ không thân thiện.”

 

Vị sĩ quan đó nói, dù là kết quả nào trong hai cái đó thì cũng sẽ khích lệ Al Qaeda ở Bán đảo Arab, bọn này đã có chỗ trú chân chắc chắn ở Yemen. Một quan chức cao cấp trong chính quyền nói rằng có khoảng từ một trăm đến hai trăm chiến binh Al Qaeda trung kiên đang ở Yemen và có hàng trăm người Yemen ủng hộ chúng. Cùng với những vùng thuộc các bộ lạc của Pakistan và Somalia, Yemen hiện giờ được coi như một trong những vị trí có khả năng nhất cho Al Qaeda mở một cuộc tấn công vào Mỹ. Hai âm mưu thất bại gần đây hóa ra xuất phát từ các thành viên Al Qaeda ở Yemen: âm mưu của Umar Farouk Abdulmutallab bố trí gài bom trên máy bay vào Ngày Giáng sinh 2009, và chất những ống mực máy in chứa thuốc nổ lên những máy bay vận tải có hợp đồng với Mỹ, tháng Mười 2010. Các quan chức Mỹ nói rằng họ đã tìm thấy mối liên hệ giữa Abdulmutallab với Anwar al-Awlaki, một mục sư người Mỹ gốc Yemen, hiện nay là phát ngôn nhân nổi bật cho Al Qaeda trên bán đảo Arab. Mùa xuân năm ngoái, Tổng thống Obama cho phép giết Awlaki, được biết hiện đang ẩn náu ở Yemen.

 

Quan hệ giữa Mỹ với Saleh đã có lúc căng thẳng. Năm 2000, sau khi Al Qaeda đánh bom tàu khu trục USS Cole, ở cảng Aden, các quan chức Mỹ phàn nàn rằng chính phủ Saleh chẳng làm gì ngoài việc cản trở cuộc điều tra của họ, và rằng những thành viên cao cấp của chính phủ ông ta dường như thông đồng với nhóm khủng bố. Tuy nhiên bản thân Saleh không bị coi là một Islamist, hay ngay cả một người đặc biệt mộ đạo, giống như Saddam trước ông ta, ông ta chỉ quan tâm nhất đến chuyện duy trì quyền lực. Thật ra, sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, Saleh, phụ thuộc vào Saudi và viện trợ của phương Tây, đã hứa hợp tác với cuộc chiến chống khủng bố.

 

Từ đó, ông ta đã cho phép Mỹ bắn tên lửa vào các chiến binh nghi vấn, ra lệnh cho các lực lượng của ông ta bắt giữ những kẻ tình nghi khủng bố theo yêu cầu của Mỹ, và tạo điều kiện cho các hoạt động thu thập tin tức tình báo kể cả do thám bằng máy bay không người lái. Mỹ phối hợp đưa người vào một trung tâm chỉ huy quân sự ở Yemen.

 

Trong những năm gần đây, Mỹ đã tăng đột ngột viện trợ cho chế độ Saleh, tập trung vào huấn luyện và trang bị cho các đội quân chống khủng bố của Yemen những vũ khí hiện đại, camera quay ban đêm, và trực thăng. Chương trình này mãi đến gần đây, năm 2008, vẫn còn chưa đáng kể, thì năm ngoái đã có một ngân sách một trăm năm mươi triệu đô la. Mỹ cũng tăng đáng kể viện trợ kinh tế và phát triển cho Yemen, phần lớn nhằm vào những vùng có đông những kẻ cực đoan.

 

Như các quan chức ở cả Washington và Sanaa nhiều lần nhắc tôi, Yemen không phải là Ai Cập, nó về thực chất không có giai cấp trung lưu, một xã hội công dân yếu, một tầng lớp trí thức đứng bên lề, và không có thiết chế xã hội nào hoạt động độc lập đối với Saleh. Phe đối lập Yemen bao gồm những người Islamist nổi tiếng, trong đó có Abdul Majeed al-Zindani, một giáo sĩ mà Mỹ chỉ rõ là một tên khủng bố.

 

Một nhà ngoại giao phương Tây ở Yemen nói, “O.K., tuyệt, Saleh ra đi. Thế rồi bạn làm gì? Không có một thiết chế nào có khả năng - trong bộ máy quan liêu, trong quân đội, hay trong bất kỳ một tổ chức nào trong xã hội này - thực sự bước vào và nhặt lên những mảnh vụn và điều hành một cuộc chuyển đổi.” Một nhà nước thất bại ở Yemen, kết hợp với một tình trạng vô chính phủ đã có sẵn ở Somalia, có thể cung cấp cho các chiến binh Islamist hàng trăm dặm bờ biển không có người canh giữ, cắt đứt đường tàu biển chạy từ Kênh Suez đến Ấn Độ Dương.

 

Vị quan chức cao cấp trong chính quyền (Mỹ) thì nói toạc ra: “Mục tiêu của chúng tôi là ngăn ngừa một cuộc đảo chính hay một vụ tiếm quyền của loại như Huynh Đệ Hồi giáo hoặc Al Qaeda.”

 

Ngay trong tình trạng rối loạn, Yemen vẫn là một chốn đẹp một cách giản dị. Ở Sanaa, cổng lớn Ottoman ở lối vào khu phố cổ dẫn đến một mê cung những con đường nhỏ và những ngôi nhà đá có tháp cao với những akmar, hay những “mặt trăng”, những cửa sổ hình lưỡi liềm lắp kính nhiều màu. Những con đường nhỏ tạo cho Sana cái vẻ cổ kính. Người ta đi bộ trên các đường phố mang những jambiyas, những dao găm cong hai mặt cắm trong những vỏ bao rực rỡ sắc màu và đeo ngay trên bụng. Phụ nữ, trong những áo choàng đen nhánh, đôi khi đội nón rơm, trông nghiêng như những bà phù thủy.

 

Sau vài giờ hoạt động buổi sáng, nhịp độ ở Sanaa giảm xuống, khi những người Yemen ngồi xuống với những túi là khat của mình - một loại dây leo vạn niên thanh có chất ma túy mà những chiếc lá mềm mại của nó được nhét đầy mồm. Cho đến đầu buổi tối, nhiều cư dân thành phố đi vào một nhà tắm hơi tập thể. Ali Saeed al-Mulaiki, một nhà báo Yemen nói đùa với tôi rằng Saleh nên cám ơn hiện tượng này, “Nếu người dân Yemen không nhai những lá khat, họ sẽ nghĩ về tương lai của họ và về cuộc sống của họ, và sẽ có thể có một cuộc cách mạng.” Khat không chỉ hủy hoại tinh thần làm việc của người Yemen, nó còn hút cạn khô đất nước này. Mỗi một túi lá dùng hàng ngày cần khoảng năm trăm lít nước để làm ra nó, và các nhà khoa học tiên đoán rằng Sanaa sẽ bắt đầu khô cạn từ thập kỷ sau, vào khoảng thời gian mà dầu mỏ của nó cũng hết.

 

Bên ngoài các thành phố phong cảnh mở ra những dòng suối cạn, những khe núi, những vách đá dựng đứng, từ đó những ngôi làng đá không cây cối có vẻ như không ngừng mọc lên. Trong những vùng nông thôn, phép vua thua lệ làng, lệnh của chính phủ hết hiệu lực, thay vào đó là truyền thống của bộ lạc. Những cuộc giao tranh lẻ tẻ thường xuyên nổ ra giữa các bộ lạc, quân của một số bộ lạc sử dụng cả súng máy và súng cối. Thật ra, người Yemen đánh nhau từ năm 1962, khi một nhóm sĩ quan quân đội lật đổ triều đại trị vì phần hiện nay là miền bắc của đất nước. Vương triều ở miền nam, phần lớn nằm dưới sự cai trị của Anh cho đến 1967, đã trở thành chư hầu của Liên Xô trước khi sáp nhập với miền bắc, năm 1990.

 

Saleh đã cai trị các bang Yemen - trước tiên là miền bắc, sau đó cả nước thống nhất - từ 1978, khi đó vốn là một trung tá trẻ gần như không có học vấn chính quy, ông ta đã cướp chính quyền sau vụ ám sát Tổng thống Ahmed al-Ghashmi bằng một chiếc cặp chứa bom nổ. (Quả bom được gài bởi một đặc phái viên từ miền Nam Yemen). Vào thời gian đó, Saleh đang đóng quân ở thủ đô thương mại của Yemen, Taiz, tại đó ông ta chỉ huy một đơn vị đồn trú ở địa phương. Khi nghe thấy tin  này, ông ta lập tức bay đến Sanaa. Trong vài ngày, ông ta đã thuyết phục được nghị viện Yemen và quân đội để chấp thuận sự lên ngôi của ông ta.

 

(Còn tiếp)

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2391
Ngày đăng: 10.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Liên Xô đã nói dối về chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin vào năm 1961 - Phạm Nguyên Trường
Rủi ro hạt nhân - Hiếu Tân
Chị em Hồi giáo: Nhận diện người phụ nữ trong nước Ai Cập mới - Hiếu Tân
Bàn về chủ quyền quốc gia - Phạm Nguyên Trường
Trò chuyện với nhà triết học AC Grayling: “Làm thế nào anh có thể là một người vô thần chiến đấu? Nó chẳng khác nào ngủ một cách hung hăng.” - Hiếu Tân
Tham vọng toàn cầu của quân đội Trung Quốc - Phạm Nguyên Trường
Định Mệnh Tokyo: Can đảm đối mặt với thảm họa - Hiếu Tân
Sự cáo chung của nền chuyên chính tâm thần phân liệt - Phạm Nguyên Trường
Hỗn loạn và mơ hồ trong hàng ngũ lãnh đạo cách mạng Libya. hết - Hiếu Tân
Hỗn loạn và mơ hồ trong hàng ngũ lãnh đạo cách mạng Libya. còn tiếp - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)