Khi vô tình nghe mấy nữ đồng nghiệp trong phòng kể nhau nghe về mộng mị chiêm bao, anh giật mình. Bất chợt, anh nhận ra đã rất lâu, mình không có một giấc mơ nào. Bất kể đó là một giấc ngủ chợp mắt ban ngày hay cả giấc ngủ dài ban đêm. Anh không thể nhớ một chút gì. Trống trải hoàn toàn trong bộ nhớ của anh. Dĩ nhiên, anh không phải là một nhân vật có cỡ để đòi được đưa vào một phòng thí nghiệm Y khoa nào đó mà ghim mà gắn vào đầu những dây nhợ lằng ngoằng, xem mình thật sự không mơ hay chỉ đơn thuần vì không thể nhớ ra được khi thức dậy.
Anh loay hoay với tình trạng kỳ lạ xảy ra cho bản thân. Thật vất vả. Anh chẳng dám hỏi ai, kể cả mấy thằng bạn gần gũi nhứt, mà thật ra anh thì họa nằm mơ mới may ra có được một người bạn thân. Vợ anh thì khỏi bàn, cô ấy thậm chí không thèm quan tâm tới chuyện anh có ngủ hay không nữa. Giá có một thằng con - dù nhỏ xíu, mà chắc càng nhỏ càng tốt thôi - anh sẽ thầm thì với nó như cái gã trong truyện đời xưa nói thầm chuyện bí mật vào đất để chôn đi.
Loay hoay mãi, anh đâm ra khủng hoảng. Cơn khủng hoảng như một trận giông, đến từ từ, chậm mà chắc, lừ đừ mà mạnh dần lên trông thấy. Chẳng mấy chốc, nó sẽ hóa thành cơn bão, chắc chắn thế.
Anh tự mình kiểm tra. Như một nhà khoa học, anh thử cho đông hồ reo giữa đêm - vào nhiều giờ giấc khác nhau - thầm mong việc bất chợt thức giấc sẽ không làm anh quên béng cái chiêm bao vừa xảy ra - nếu nó có trong giấc ngủ của anh. Suốt một tuần sau đó, anh trắng tay, thua cuộc hoàn toàn. Không một tăm tích, không một mảy may. Những giấc mơ đã bỏ rơi anh thiệt tình, bỏ rơi mà không thèm báo trước một tiếng nào.
Anh đứng khổ ngồi sở. Sẵn sàng nổi cộc với bất cứ ai. Anh tin mình mắc một cơn bịnh khắc nghiệt. Vô phương cứu chữa. Anh ngẫm, số mạng mình chẳng ra cái ôn gì. Đủ thứ chuyện không hay đổ lên đầu. Từ cái chuyện một mình lủi thủi lớn lên và sống như một kiểu sống sót, cho chí cái chuyện gặp gỡ và bập vào hôn nhân bộp chộp thiếu suy xét. Bạn – gần như không có – mà chỉ rặt toàn bè. Những năm ở Đại học như một bộ phim kinh dị pha hài. Lặn lội băng qua cánh đồng nhớp nháp của cuộc đời, một mình cắn răng mà đi, bì bõm trong bùn lầy, mò mẫm tự quyết định những khó khăn. Mà hình như anh cũng đã chẳng băn khoăn quyết định gì nhiều, mọi cái trôi tuồn tuột đi, đa phần từ cao dần xuống thấp.
Bây giờ lại thêm cái thần kinh bệnh hoạn này nữa. Cả tâm hồn anh như vừa bị một cái tát làm xiểng niểng.
Tự dày vò mình thêm một tuần, rồi một tuần nữa, anh đi tới một quyết định.
Nơi văn phòng anh làm việc ở lầu tư một cao ốc mười lăm từng, có một cửa sổ trông xuống sân sau một chung cư. Cái sân thường xuyên vắng ngắt bởi đa số dân cư ngụ nơi ấy là công nhân viên. Họ đi làm suốt ngày, đám con nít thì vùi đầu vào trường bán trú tới chiều. Anh ước lượng từ thành cửa sổ xuống tới cái mặt sân tráng xi-măng lúc nào cũng ướt át ấy cũng đâu mười hai mười ba mét. Một khoảng cách đủ để một người dù nhẹ cân một cách khó tin như anh phải đạt được thoả nguyện chấm dứt đời mình, khi lao ra từ thành cửa sổ.
Chắc như bắp.Khỏi có vụ chấn thương sọ não hay dập ngực dập bụng sơ sơ.
Là xong. Khỏi phiền luỵ cả Nhà lẫn Nước. Ngành Y tế đâu rảnh mà phải bỏ tiền tài sức lực mà lo cho một công dân rệp bọ như anh. Có tốn chỉ tốn vài ngàn bạc xăng cho một chuyến xe trực chỉ nhà xác.
Chẳng có gì để chuẩn bị nhiều ngoài một chúc thơ đơn giản và ngắn gọn. Chỉ để những đồng nghiệp trong phòng khỏi khi không dính vô rắc rối lãng òm.
Đợi cho đám đồng nghiệp cả nam lẫn nữ rời phòng xuống ăn bữa trưa, anh đứng lên, bước tới cánh cửa, gài chốt. Phải tránh rủi ro cho thiên hạ, lỡ ra một kẻ nào đột ngột quay trở lại lúc anh đang leo lên thành cửa sổ. Lúc đó, rắc rối phát sinh, cái hình ảnh chẳng lấy gì làm đẹp đẽ của anh biết đâu sẽ ám ảnh không tha trong đầu óc kẻ kia. Điều đó thiệt chẳng nên.
Trước khi leo lên thành cửa, anh quay nhìn một lần chót nơi mình làm việc đằng đẵng năm năm trời. Quen thuộc đến nhàm chán. Anh chợt nhận ra một điều. Nếu cõi bên kia là có, và anh còn đủ thông minh để có hồi ức, có lẽ đây là nơi duy nhất anh sẽ nhớ. Ký ức thời sinh viên nhạt nhoà như bóng ma thoắt ẩn thoắt hiện. Mối tình duy nhứt lạt lẽo như nước ốc để nguội. Căn nhà trọ ở với vợ vỏn vẹn hai tháng trước khi ly thân anh còn chẳng nhớ được quét vôi màu gì. Người vợ tốc hành con nít sau một cơn say xỉn đang nguyền rủa. Chỉ chưa đầy sáu mươi ngày đêm đã đùng đùng cuốn gói về nhà Mẹ chờ ngày ly dị. Chẳng có gì đáng nhớ trong cái chuỗi ngày dài vô vị của đời anh.
Một cái gì thật ngậm ngùi buồn tủi dâng lên cổ làm anh muốn nghẹn. Anh cảm thấy khó thở. Anh vội vội vàng vàng đi như chạy tới thành cửa sổ. Leo lên, không nhìn xuống, anh cẩn thận một cách tỉ mỉ và chậm rãi, gài lại nút túi áo mà trong đó anh đã xếp làm tư lá chúc thơ viết ngắn gọn đại thể tự nhận hết trách nhiệm về hành động của mình, ngỏ lời xin lỗi cấp trên và đồng nghiệp về những công tác bị bỏ dở.
Ngước mặt lên bầu trời đang nắng gắt, anh hít rất sâu một hơi thở. Nhắm mắt lại và bước ra.
Trong khoảnh khắc và khoảng cách giữa cửa sổ với mặt sân xi-măng, tự dưng trong đầu anh nổ bùng một thứ gì đó.
Bất chợt, anh nhớ ra, anh đã thật sự vuột mất, trong một thời gian dài, những giấc mơ không chỉ trong khi ngủ, mà quan trọng hơn, cả khi tỉnh thức. Anh đã sống mà không còn mang trong đầu bất cứ một giấc mơ nào. Hy vọng, mộng mơ, là một cái gì cực kỳ xa lạ với anh. Anh chợt cười rú lên, mừng đến điên loạn khi tìm thấy cái nguyên nhân làm mình trở thành một người không đáng sống.
Những người có mặt gần nơi xảy ra vụ việc, đoan chắc với nhà chức trách rằng họ có nghe một tiếng rú thảng thốt. Tuy nhiên, căn cứ vào lá chúc thơ, và nhất là, cánh cửa khoá trái từ bên trong, người cán bộ công an phụ trách điều tra, kết luận đây là một vụ tự sát hoàn chỉnh. Người vợ - người thân độc nhất của đương sự - khai rằng đã không gặp mặt anh ta suốt ba tháng qua, cô vừa trở về sau chuyến du lịch bốn nước Âu châu kéo dài hai mươi ngày với bạn mình.