Trong chương trình của chứng chỉ điện toán 101 (CS101), người sinh viên được học về hai đặc tính cần phải định nghĩa trước khi anh ta bắt tay vào việc thảo chương trình (program) hay một dự án nhu liệu nào đó (software project). Đó là public (chung) và local (riêng). .. Ví dụ trong truyện ngắn Đường Kiến của Kinh Dương Vương, nỗi hiểm nguy cận kề, đói khát, đau đớn và ý thức tồn tại được định nghĩa trong phần chung (public), còn người lính miền Nam, súng M16, khóa Thủ Đức được định nghĩa trong phần riêng tức phần Local.
Qua phần định nghĩa này, người thảo chương viên mới dễ dàng hạn chế vai trò hay tầm mức hay nới rộng những dữ kiện.
Khác với vai trò người thảo chương viên hay phân tích hệ thống (system analyst) là cố gắng làm cho hệ thống được an toàn tối đa bằng cách hạn chế vai trò "chung" của khách hàng, thì niềm mơ ước của nhà văn là cố viết làm sao để tác phẩm của mình đến với số đông, càng nhiều người đọc càng tốt. Nếu sách được dịch, được phổ biến khắp năm châu, được phỏng làm phim thì còn gì hãnh diện cho bằng !
Để đạt được niềm mơ ước ấy, nhà văn phải biết nhắm vào cái chung. Ví dụ trong truyện Đường Kiến, nhà văn Kinh Dương Vương đã nhắm vào ý thức sống còn của bất cứ một chiến binh lâm nạn nào qua hành động mưu sinh thoát hiểm. Không phải là người lính miền Nam mới có ý thức này. Mà người lính Tàu, Tây hay Mỹ, đều có cùng chung một tâm trạng, một việc làm như nhau. Hầu như các truyện trước 1975, ví dụ một truyện đã đăng trên Văn mang tên là Nhà Cầu thì phải, ông đã tả cái khoái cảm ngây ngất khi được dịp trút bầu tâm sự. Đó là tâm trạng chung..
Ông đã nhắm vào cái chung của loài người chứ không phải dựa vào đường lối mệnh lệnh hay giai cấp. Cái chung ấy là: Nhân bản. Vì con người và cho con người.
Và đó là lý do tại sao nhà đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa đã thực hiện cuốn phim Đường Kiến.: “Khi làm bộ phim tôi không định kể câu chuyện về ‘ta’ hay ‘địch’, tôi muốn kể về người lính, về con người trong chiến tranh.”. (Theo VNexpress)
Chỉ tiếc là cái chung ấy đã không được thực hiện một cách như ý,muốn của tác giả khiến truyện Đường Kiến mất đi cơ hội để bay bổng khắp năm châu, (biết đâu, phim Đường kiến sẽ được đón nhận nồng nhiệt tại đại hội phim ảnh ở Cannes) để chứng tỏ cho cả thế giới này hiểu rõ hơn thế nào là văn chương miền Nam. Có thật là nó là nọc độc văn hóa, hay văn chương đồi trựy, văn chương phản động...văn chương thực dân kiểu mới... để rồi tất cả bị đốt hủy, truy diệt, không còn tàn tích...
Để may ra, có những người cầm cây cuốc đào bới lại những Đường Kiến khác của văn chương Nam, đang nằm trong nghĩa trang chữ nghĩa không được may mắn như tập Văn số 125 năm 1969.