“Dâng Cha”- Khúc Nhạc Lòng Hiếu Đạo
Dâng Cha.
Tết này nhà lại vắng cha.
Thuốc không thơm nữa ấm trà hết ngon
Cha đi về phía vuông tròn
Trần gian lấm láp mãi còn nắng mưa
Đời người mới đấy thành xưa
Nhìn lên nhân ảnh ảo mờ khói hương
Con không tin có thiên đường
Nhưng tin có thật nỗi buồn, cha ơi!
Con tìm đâu những chơi vơi
Cha đi về phía xanh lời cỏ hoa
Cách người thước đất mà xa
Rót mời cha một chén trà hư không
Rưng rưng tàn thuốc quặn vòng
Thương cha khói cũng nặng lòng không bay.
Trương Nam Hương
Cách đây độ bảy mươi năm, thế hệ các nhà Nho cùng thời đại với nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị thường dạy con cháu về hiếu đạo với câu chữ Hán: "phụ tại quan kỳ chí, phụ một quan kỳ hành; tam niên bất cải phụ chi đạo, khả vi hiếu kỷ!", câu này có nghĩa là cha còn sống thì theo cái chí của cha, cha mất thì nhớ lại và theo cách hành xử của Cha, ba năm không thay đổi đạo sống của Cha, khá gọi là người con có hiếu vậy.Thế nhưng, xã hội càng tiến hoá, học vấn càng mở rộng, tầm hiểu biết và nhận thức của con người càng được nâng cao, không phải bó hẹp vào khuôn khổ của một nền giáo dục theo đường hướng nhất định nào! Bởi đó mà nói về hiếu đạo, tuy trước đây là một khái niệm thuộc phạm trù đạo đức học; nhưng theo nhận thức mới, thì người ta có thể coi hiếu đạo là thuộc về phạm trù tâm lý học, "hiếu là một thứ tình cảm cao quý, hướng thượng của con người. Thể tính tự tri và tự hành: đó mới thực là đạo hiếu sâu xa, thực tiễn. Bản chất của "hiếu" là thực hành, không phải lý thuyết để giảng dạy suông!.Nói đến tình cảm phải nói đến "thơ", người Đông phương thường quan niệm "thi, tâm thanh dã" tức:"thơ là tiếng nói của cõi lòng ". Thực thế, thơ là thứ ngôn ngữ tế vi để diễn đạt những rung động sâu xa, vi diệu nhất của tình cảm. Tình cảm là nguồn suối của tâm linh, của đạo đức, mà đồng thời tình cảm cũng là nguồn suối của nghệ thuật, trong đó có "thơ". “Dâng cha” của nhà thơ Trương Nam Hương có thể coi là “khúc nhạc lòng hiếu đạo”. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được tình cảm chân thành, như là lời “điếu văn” Trương Nam Hương ngậm ngùi, than khóc Cha của mình.
Quy luật sinh-lão-bệnh-tử là phạm trù mang tính triết học mà trong mỗi con người chúng ta ai cũng phải một lần trải qua. Kẻ thù của chúng ta, than ôi, bao giờ cũng là định mệnh. Ta là người như thế nào đi nữa, với ta, định mệnh cũng chẳng nới tay. Ai cũng biết thế, tôi cũng biết thế, mọi người theo sau linh cữu của người mất cũng đều biết cả. Thế mà đọc bài thơ “Dâng cha” của Trương Nam Hương, tôi ngậm ngùi trước nỗi đau vô hạn của một người con đối với cha, khi năm hết tết đến rồi mà tìm mãi…tìm mãi… chẳng thấy hình bóng cha đâu. Mở đầu cho bài thơ “Dâng cha” Trương Nam Hương đau xót thốt lên:
“Tết này nhà lại vắng cha.
Thuốc không thơm nữa ấm trà hết ngon
Cha đi về phía vuông tròn
Trần gian lấm láp mãi còn nắng mưa”
Tiêu đề bài thơ “Dâng cha” gây cho người đọc cảm nhận được tấm lòng “thành kính”, một tình cảm hiếu thảo của nhà thơ đối với cha. Ta cảm giác như khi viết bài thơ, tác giả thắp nhang và quỳ lạy trước di ảnh của cha. “Tết này nhà lại vắng cha”- vậy là một cái tết nữa thiếu vắng hình bóng của cha. Với Trương Nam Hương lúc này, mọi cái đều trở nên vô nghĩa:” thuốc không thơm nữa ấm trà hết ngon”.
Nếu ta nghĩ đến Mẹ là nghĩ đến hình ảnh dịu dàng, bao dung, và tận tụy, Mẹ là bóng mát che chở cho con những buổi trưa hè, Mẹ là ánh sáng trong đêm thâu khi con lạc bước, Mẹ là bầu sữa ngọt ngào nuôi con khôn lớn từng ngày... thì Cha chính là hình ảnh của một cột trụ vững chắc trong gia đình. Cha là "mái" của một căn nhà. Người ta có lối ví von: "Con không cha như nhà không nóc". Đối với người Á Đông, người Cha trong gia đình thường đóng một vai trò gia trưởng và nghiêm khắc. Đi đâu xa về, con cái thường xà vào lòng Mẹ để tìm một chút an ủi và vỗ về, chứ ít ai dám xà vào lòng Cha dù trong lòng rất muốn nũng nịu và nhõng nhẽo với Cha mình. Bên ngoài lớp vỏ nghiêm nghị, nghiêm khắc và cũng có thể gọi là lạnh lùng đó, trong lòng Cha lúc nào cũng nghĩ về con và lo lắng cho tương lai của con cái. Cha ít khi biểu lộ tình cảm ra ngoài, có khi Cha lại còn che giấu tình cảm cả với con cái chỉ vì sợ con "lờn mặt". Cha thường bày tỏ nỗi lòng lo lắng cho con thông qua Mẹ. Cha có thể chịu nhiều cực khổ để mong mỏi đàn con có được cơm no áo ấm và được che chở như trong câu ca dao:
"Còn Cha gót đỏ như son
Đến khi Cha mất, gót con dính bùn"
Hoặc:
"Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra"
Mới đó mà lại thêm một cái tết nữa Trương Nam Hương nghĩ về Cha khiến người đọc vô cùng cảm động. Có lẽ giờ này cha đang yên nghỉ bình yên nơi suối vàng thiên thu. Ở nơi ấy đã “vuông tròn”, nhưng nhà thơ nghĩ tới Cha và liên tưởng cuộc sống ở trần gian vẫn còn “lấm láp” nắng mưa. Cha bỏ con lại trong nỗi đau đớn tột cùng, cuộc sống trần gian thì vẫn còn bề bộn, toan tính, bon chen của người đời. Để bây giờ mình con phải đương đầu với bao sóng gió, đối mặt với cuộc sống”trần gian”. Biết bao giờ thôi hết “nắng mưa” ở “trần gian” hả cha? Tâm trạng trống trải vắng cha xen lẫn cảm xúc đời thường khi nghĩ về cuộc sống tiếp diễn ở “trần gian”, càng làm Trương Nam Hương nhói đau, cảm thấy đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa từ khi “cha đi về phía vuông tròn”.
“Đời thiếu vắng từng mùa, đời tàn tạ
Ngày không cha, ngày đã tắt mặt trời”
Phải rồi…ngày không cha- ngày đã tắt mặt trời…Có lẽ Trương Nam Hương đã cảm nhận như thế khi viết lên những vần thơ “dâng cha”. Ta hãy lắng nghe những lời độc thoại nghẹn lòng tiếp theo của Trương Nam Hương:
“Đời người mới đấy thành xưa
Nhìn lên nhân ảnh ảo mờ khói hương
Con không tin có thiên đường
Nhưng tin có thật nỗi buồn, cha ơi!”
Đạo hiếu xuyên suốt trong phong tục của nhân dân ta, không thể không nói đến chữ “hiếu” khi viết về phong tục cổ truyền của ta. Lời thơ của Trương Nam Hương càng lúc càng dẫn người đọc ngẫm nghĩ về bài học “hiếu đạo” ở đời. Khi cha còn sống cho đến lúc cha ra đi biết thế nào tròn bổn phận được: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Mà “đời người là hữu hạn”, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi thôi đã thành “xa xưa”. Trương Nam Hương nhìn lên di ảnh của Cha, anh nghẹn ngào và đầy suy tư…Mới ngày nào còn được ở bên cha, giờ đây anh chỉ nhìn thấy cha qua tấm di ảnh “ảo mờ” khói hương. Đau đớn lắm chứ! Trước đây anh không tin là có “thiên đường” của người đã mất. Vì thế Trương Nam Hương ngỡ ngàng trước một sự thật “Nhưng tin có thật nỗi buồn, cha ơi!”.Anh dày vò, đau xót trước sự ra đi của cha mình. Cuộc đời con người như triết lý nhà Phật, chỉ là “cát bụi” và đến với cuộc đời rồi thân ta cũng lại về với cát bụi. Dẫu biết tấm thân này không thể tồn tại mãi với thời gian, nhưng người Cha ra đi làm cho Trương Nam Hương hụt hẫng, cha như con đâu đây, như mới vừa hôm qua với cái siết tay thật chặt. Thế là trái tim của một con người giàu lòng nhân ái đã ngừng đập. Thế là bộ óc của một con người luôn sống chan hòa với làng xóm, quê hương đã ngừng suy nghĩ…Thế là đôi mắt của một người cha luôn tận tụy với con đã khép lại vĩnh viễn. Dưới suối vàng nghìn thu lạnh lẽo, cha có hay chăng chiều chiều con vẫn ngồi tựa cửa dõi mắt xa xăm ngóng đợi cha về…
“ Con tìm đâu những chơi vơi
Cha đi về phía xanh lời cỏ hoa
Cách người thước đất mà xa
Rót mời cha một chén trà hư không”
Có nỗi đau nào bằng nỗi đau khi phải mất đi người thân yêu nhất của mình? Phải là một người con hiếu thảo, thương yêu, tôn kính cha nhiều lắm, thì Trương Nam Hương mới viết lên được những vần thơ làm xúc động lòng người như thế! Nhìn di ảnh cha mà lòng nhà thơ “chơi vơi”, như thực, như không giữa cuộc sống đời thường. Nơi cha ra đi có lẽ bình yên lắm, không khí “thiền” nơi đấy làm hương hồn cha an tọa. Nếu chỉ có cách nhau”thước đất” thôi, thì không xa tí nào. Nhưng khoảng cách từ cõi dương đến cõi âm thì lại là hai thế giới khác nhau hoàn toàn. Vì thế ngút ngàn xa lắm, Trương Nam Hương chỉ còn thấy cha trong sự hồi tưởng khi nhìn di ảnh hay qua những giấc chiêm bao. Cuộc sống xung quanh mỗi gia đình bình thường, giản dị, ấm cúng nhất là được xum vầy cùng nhau bên mâm cơm, bên ấm trà…cùng nhau kể cho nhau nghe những câu chuyện đời thường. Cha đi rồi, còn đâu ngày tháng như thế, Trương Nam Hương chỉ còn biết “rót mời cha một chén trà hư không”. Anh uống trà trong một tâm trạng nhớ nhung cha vô hạn. Tấm lòng của người con có hiếu như thế, tôi tin rằng ở đâu đó, cha vẫn nghe và thấu được lòng Anh. Cha có thấu chăng, ngày lại ngày khi vầng tà dương lặn tắt, bóng tối chập choạng trên ngõ vắng là lúc con mong đợi cha về để gọi hai tiếng thân thương :”Cha ơi” như ngày nào còn đây…
“Rưng rưng tàn thuốc quặn vòng
Thương cha khói cũng nặng lòng không bay”
Hình ảnh câu thơ cũng “nức nở” theo tâm trạng của nhà thơ. Tàn thuốc cũng “quặn vòng”, chứ không phải rơi từng cái tàn một như ta hút thuốc bình thường. Khói thuốc cũng “nặng lòng” không thể bay được. Hai câu kết, hình ảnh thơ vô cùng nghệ thuật. Lúc này ta liên tưởng tới một bức tranh nghệ thuật:Có Trương Nam Hương đang cầm điếu thuốc hút, với đôi mắt u buồn nghĩ ngợi xa xăm.., vào một buổi chiều nín gió, hình ảnh khói thuốc cuộn tròn. Nói vậy để thấy rằng: người cầm điếu thuốc hút cũng có rất nhiều tâm trạng khác nhau. Với Trương Nam Hương bây giờ, không phải là tâm trạng của “trà tam, rượu tứ”, anh đang một mình suy tư, thả hồn qua những làn khói thuốc để nhớ về cha của mình. Vì thế hình ảnh thơ có cả tính họa, mà người họa sĩ tài tình vẽ được bức tranh ấy mang tâm trạng “nặng lòng”, không phải ai khác, chính là Trương Nam Hương. Một con người có tâm, hướng về hiếu đạo thì mới chấm phá được “chính tâm” của bức tranh tràn đầy tình cảm như thế.
Cả không gian nhuốm màu tang tóc bi thương , hoa lá cỏ cây héo hon, chim muông thôi hót , dòng suối, con sông nỉ non than khóc , vầng tà dương lặn tắt trên trời , chỉ còn nỗi buồn đau trải dài theo năm tháng ….
“ Nếu một mai người chết…
Người khiêng quan tài cũng bật khóc
Thái dương vụt tắt trên bầu trời
Hoa lá cỏ cây thôi cười
Tiếng chim bên đồi ngừng hót
Dòng suốt mát trong cạn hết
Không gian bốn bề vắng lặng
Hàng cây ủ rũ ven đường
Bàn thờ phủ bóng thê lương
Tro tàn rơi rụng bát hương
Vầng trăng mây đen che khuất
Lạnh lẽo lối đi quanh nhà
Bến sông con đò xao xác
Ngọn gió heo may vờn thổi
Cuốn đi chiếc lá tiêu diêu …
Người đi rồi …U tịch …Cô liêu …”
Thế là Cha ơi ! Trời đất đã sang thu ! Trời xanh mây trắng, nắng vàng thênh thang …. Hoa vàng đang độ nở. Thảm cỏ xanh , cánh hoa vàng khẽ rụng …Đột nhiên trời không nín gió, cánh hoa vàng bay bay, bay mãi cuối trời xa… Bài thơ làm tặng Cha, đang tìm tứ đặt vần cũng vội khép lại dở dang …”Dâng cha” là tấm lòng thành kính của người con gửi đến Cha, khi cha không con nữa. Đây cũng chính là :”Khúc nhạc lòng” hiếu đạo, về thông điệp “đạo làm con”- bài học đạo làm người mà nhà thơ Trương Nam Hương muốn gửi gắm tới chúng ta. Cảm ơn Trương Nam Hương với bài thơ “Dâng cha” tròn chữ “hiếu”làm cảm động bao trái tim bạn đọc yêu thơ !
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14/4/2011