Nguyễn Hồng Nhung đã may mắn được chiêm ngưỡng những bức tranh bất hủ của Brueghel trong bảo tàng ở Bruxell- Bỉ.Trích thư chị viết cho VCV
( Trích trong tiểu luận triết học Câu chuyện vô hình)
Ai định kiếm tìm cội rễ của lối vẽ genre Flamand trong khuynh hướng dân gian, kẻ đó đã đi nhầm đường. Sự nhầm lẫn xuất hiện khi người ta đối chiếu quan điểm hội họa được hình thành từ vẻ đẹp hiền hậu và lý tưởng của dân phương Nam với sự thô kệch và tự nhiên chủ nghĩa của dân phương Bắc. Dân Ý đã sửa lại tự nhiên, đã:” tẩy sạch”” làm”hoàn thiện”. Còn dân phía Bắc thì vẽ”như nó có” „là hiện thực”.
Sự đối chiếu này vi phạm điều quan trọng nhất: cái bản chất-người ta tưởng hội họa xuất phát từ tự nhiên: họ không muốn nhận ra bản năng nằm sẵn trong hội họa bao giờ cũng tiềm ẩn từ bên trong. Những đường nét phát triển trực tiếp của bức tranh không bao giờ đứt đoạn với hình ảnh cổ: nét họa của kẻ sống trong hang đá, do đó chưa bao giờ có sự sao chép, mà là: phép thuật.
Bức tranh là tiên đề hiện tại của cái không-hiện tại-
Ma thuật ở chỗ: bằng việc, con người treo ảnh chân dung của tổ tiên đã mất lên tường, họ mang tổ tiên trở về trong cái hiện thực xương thịt thật sự của họ; bằng việc người nào đó treo bức tranh cánh đồng hoa lên tường, là họ mang vào phòng sự tươi tắn của cánh đồng hoa; bằng việc con người bày ngổn ngang tranh thánh quanh họ, là họ muốn nhắc nhở đến thần thánh.
Bức tranh không bao giờ hướng cái nhìn về thiên nhiên. Hoernes, khi phân chia hội họa thành nghệ thuật tự nhiên chủ nghĩa và nghệ thuật hình họa, đã cho rằng nghệ thuật trừu tượng hình họa không phải là vấn đề, bởi vì trang trí nằm trong cái trí tuệ hợp lý của con người, vấn đề chính là thứ nghệ thuật tự nhiên chủ nghĩa, cận thiên nhiên, bởi con người trong giây phút bắt đầu làm nghệ thuật, đã làm trái ngược với thiên nhiên.
Không!- vấn đề không phải ở hội họa tự nhiên hay hình họa: vấn đề chính là bản thân nền hội họa- là phép mầu nhiệm, thứ mang lại một vùng quê xa xôi, dựng âm hồn thành người sống, miêu tả tinh thần vũ trụ trong hình hài người, tạo các tư tưởng thành khả năng trực giác. Bản chất của tranh là phép thuật, và tất cả các bức tranh là yếu tố phép thuật: không nảy sinh từ tự nhiên, mà bước qua tự nhiên, không tuân theo nhu cầu của vật chất, mà trái lại chiến thắng và vượt lên vật chất.
Tìm kiếm những điều kiện tự nhiên trong xuất xứ của tranh zsáner phương Bắc- đây là sự nhầm lẫn của tính thiên vị chật hẹp của thế kỷ trước. Ai từng ngắm kỹ một vài bức tranh Flamand, chắc chắn cần cảm thấy một cái gì đó đặc biệt khác lạ, có ý nghĩa, có sức nặng trong một biển các hiện tượng thô bạo, nghèo hèn, nhiều lúc đáng kinh tởm, có một cái gì đó, người họa sĩ muốn thể hiện như thật một hiện tượng họ vẽ.
Nếu chăm chú tìm kiếm xuất xứ lịch sử của hội họa Flamand, người ta sẽ trầm ngâm suy nghĩ nền hội họa này phát triển như thế nào, xuất phát từ đâu, cái gì là ý tưởng vĩnh cửu của nó: đột nhiên người ta chợt hiểu bí ẩn của những hội hóa trang, các đám cưới, các quán rượu, những cảnh ăn chơi, những hình vẽ khiêu dâm, cảnh những người nông dân ăn uống nhồm nhoàm và say bí tỉ, những mụ đàn bà bụng phệ, những đứa trẻ nhem nhuốc.
Bắt đầu nền hội họa Flamand là tranh có chủ đề kinh thánh. Điều tất nhiên: tôn giáo là bản năng vĩnh cửu của phép màu vĩ đại- là phép thuật lớn nhất: tìm kiếm sự bảo vệ của các thần linh, lôi cổ họ xuống các nhà thờ, các tu viện giữa những con mọt cầu nguyện.
Nhưng trên những bức tranh khởi đầu sớm nhất, đặc chất tôn giáo đã chứa đựng một cái gì đó được đặt tên là genre : trong cái đám đông chiêm ngưỡng cảnh đóng đinh lên thánh giá, một kẻ nào đấy đang”giải quyết” nhu cầu vệ sinh. Giê su oằn người dưới cây thánh giá, phía trước hai con chó đánh hơi lẫn nhau; Giê su đứng trước mặt Pilatus, một bên một mụ đàn bà đang thay quần cho một đứa trẻ, đám đông đứng xung quanh bịt mũi lại.
Ý nghĩa bức tranh này thật rõ: phần lớn con người vô cảm với những”việc lớn”, nhưng lại rất nhậy cảm với những”việc nhỏ”. Những người Flamand cho rằng cần thiết cần nhấn mạnh: trong những giây phút lớn lao của lịch sử thế giới, các hiện tượng sự vật”nhỏ bé” vẫn không ngừng tồn tại. Con người cần thay quần áo sạch cho con trẻ, cần”giải quyết” các nhu cầu , nếu cái bụng bất an, cần phải làm rỗng, cho dù đang xảy ra một khoảnh khắc biểu tình ở Jeruzsálem, hay tuyên ngôn trên núi hoặc phút ban thánh trang trọng ở Jordán.
Bản năng không thể khuất phục của hội họa Flamand là nhấn mạnh sự tương phản của hứng khởi lịch sử và mang cái thô bạo của ngày thường vào màn kịch kinh thánh lớn lao.
Tranh zsáner tách ra khỏi chủ đề chính của kinh thánh, nhưng không rơi ra khỏi chủ đề ấy. Tất cả cảnh nhảy múa, chè chén, đình đám, hóa trang cùng với hậu trường mang chủ đề tôn giáo khiến các bức tranh mới có thể rõ nét hoàn toàn. Nên bức tranh không hề vẽ vua ba ngôi, cảnh chôn cất, bữa ăn tối cuối cùng, nhưng tất cả vẫn thấy có ở đấy.
Những cảnh đó phảng phất đâu đó, đấy chính là hậu trường đích thực của bức tranh: đấy là hậu trường vĩnh cửu- đấy là nền tảng, là mảnh đất để bức tranh zsáner trở nên là chính nó hoặc chỉ thoạt trông như vậy. Nó không tách rời khỏi hiện thực và sự kiện. Từ bức tranh, cảm hứng anh hùng ca tôn giáo, kịch tích lịch sử bị bỏ rơi, chỉ còn lại sự thô bạo, thô kệch- nhưng trong cách tiếp cận vẫn còn nguyên chất thần bí thiên chúa giáo.
Xung quanh một bức tranh zsáner luôn có một” Sự đóng đinh lên cây thánh giá”, một” Kẻ giết trẻ ở Bethehem” hoặc” Việc xua đuổi lũ buôn tiền”. Sự hoàn chỉnh cần thiết của tranh zsáner trong mọi trường hợp là hình ảnh tôn giáo, thiếu điều này bức tranh vô nghĩa.
Bởi cảnh quán rượu, hát hò nhảy múa, cảnh ăn uống, và mọi hình thức thể hiện khiêu dâm chỉ trong lăng kính tôn giáo mới thể hiện được đúng ý nghĩa chân thực của nó, chỉ như vậy nó trở thành sự thể hiện của sự tách đôi giữa trời và đất, sự tách đôi giữa Thượng đế và con người: vĩnh cửu của sự sống và cái hữu hạn, sự hoàn thiện và sự thực dụng, sự cao cả thánh thần và vật chất vô duyên.
Cảm hứng của những bức tranh mang chủ đề dân gian Flamand đầy tôn kính, sự tôn kính trong ý nghĩa thiên chúa giáo: nuôi dưỡng và củng cố niềm tin.
Un foi que ne doute pas c’est un foi mort – Pascal tuyên bố: niềm tin nào không phân vân là thứ niềm tin chết.
Chất nuôi dưỡng thứ niềm tin phân vân, chất tôn giáo do dự, mơ hồ, niềm sùng kính rối rắm, thứ niềm tin nghiêng ngả cố gắng vươn tới sự cung kính khổ sở và hoảng hốt vì buộc phải chống lại những nghịch lý đối chọi nhau chính là bức tranh Flamand, thứ liên tục duy trì trước mắt con người sự thực hành, tính vật chất hóa, sự vô duyên và trần trụi của nó.
Tất cả những điều này, cái gọi là genre, là một dạng của thử nghiệm, khi con người run rẩy trong tranh, thử học cách chống lại cái”xấu”. Bởi vậy trong cái quái dị méo mó của tranh Flamand luôn luôn là bầu khí quyển siêu nhiên ma quỷ. Bức tranh không đơn thuần tức cười- bức tranh thật khủng khiếp.
Khi con người bật cười vì những hình dạng méo mó kỳ quái, sự trong cái cười chế nhạo này phảng phất sự ghê sợ, như màu sắc của cầu vồng ẩn náu trong những tia ánh sáng- không thể nhìn thấy khác biệt. Chỉ khi ánh sáng khúc xạ, khi vượt qua phản xạ nhận ra cái gì xảy ra trong thực tế, lúc đó sẽ nhận thấy: trên sự ngu xuẩn, hèn kém và thảm hại phân vân của con người, trong chừng mực khát vọng vượt lên mạnh hơn cả sự lưỡng lự, chừng đó chủ thể chính của tranh tôn giáo vẫn là kinh thánh.
Khi sự lưỡng lự mạnh dần lên, hình ảnh tôn giáo đọng lại, và chỉ thể hiện trong lực lượng vật chất hóa khăng khăng của con người trần tục, trong cảnh quán rượu, trong hội hóa trang, trong các vũ hội, đám cưới, cảnh ăn uống, trong sự quyến rũ lười biếng tha hóa và chìm đắm của quỷ sứ. Và con người trần tục này cần hiện ra trước tòa án của Vĩnh hằng!Bản án dành cho con người sẽ xảy ra trong ngày tận thế! Một số phận như thế nào có thể chờ đợi con người?-
Không gì xảy ra tiếp tục ngoài câu hỏi này, như một nỗi khiếp sợ về ngày tận thế. Sự run rẩy khải huyền nhảy nhót trong các vũ hội Flamand, lật tẩy những chiếc bàn thừa mứa thịt, xúc xích, ánh lên từ nét đờ đẫn say rượu của những gã nông dân. Tất cả tranh zsáner là một ảo ảnh khải huyền. Khi phác những nét cọ, họa sĩ muốn dẫn dắt đến sự phản ánh trung thành, về con người, về hiện thực và các nguyên mẫu cần nhận ra chính bản thân họ.
Chủ ý của họa sĩ muốn chê cười họ vì sự ngớ ngẩn, biến họ thành sự quái dị. Chủ ý của họa sĩ muốn rầy la họ, muốn cảnh cáo họ, sẽ dẫn đến cái gì nếu nghe theo lời quỷ sứ. Chủ ý của họa sĩ muốn phả lên toàn bộ bức tranh sự khủng khiếp của trừng phạt- bởi vì trong những bức tranh này đã có thể cảm thấy sự đau khổ khôn tả của trừng phạt bằng những cử chỉ lưỡng lự, con người bằng cử chỉ này muốn được tự giải phóng, bằng cử chỉ này bức tranh muốn tự thủ tiêu nó, muốn hối hận vì tội lỗi, muốn tiếp nhận sự trong sạch, sự điều độ, muốn vượt lên toàn bộ những gì bức tranh trình bày và giãi bày.
Đấy là toàn bộ ý nghĩa đầu tiên cũng như cuối cùng của tất cả các bức tranh zsáner Flamand, đấy là xuất phát điểm thần bí của mọi bức tranh và cũng là điểm cuối để các bức tranh quay trở lại
2.
Kẻ nào tìm xuất xứ những bức tranh của Brueghel trong hội họa zsáner Flamand, kẻ đó hoàn toàn lạc lối. Cái thoạt đầu đánh lừa: sự giống nhau về chủ thể, những quán rượu, các hiện tượng đám đông, các lễ hội hóa trang, đám nông dân. Các chủ đề tôn giáo có đủ, sự đóng đinh trên thánh giá, tội ác giết trẻ con, những phần vẽ thô thiển quen thuộc. Những cảnh dâm ô và thô lỗ từ cuộc sống gia đình, từ tình dục, từ các căn bệnh.
Thoạt trông tất cả đều cho thấy: Brueghel cũng là một họa sĩ khải huyền, như các bậc thày của Flamand, trong tranh của họ không thể biết cái nào là sức mạnh lớn hơn, sự quyến rũ hay cái khủng khiếp, có thể cái khủng khiếp quyến rũ và cái quyến rũ thật khủng khiếp.
Trong toàn bộ tranh của Bueghel người ta không thể tìm thấy bất cứ cái gì được gọi là”đẹp”. Toàn những cơ thể thô thiển, vô duyên, thuần túy điên rồ, ngu ngốc và thảm hại. Toàn những sự nặng nề, tù túng, nghèo hèn và bẩn thỉu. Tất cả đúng như tranh Flamand, không có chút gì của Rabelais: ở đây không ai có thể ngây ngất trong cái niềm vui ”thấp hèn” của cuộc sống, tuyệt đối không thể vượt quá thế giới của người bình thường. Bề mặt là thế giới của Pantagrueli- ăn,uống, yêu- nhưng người họa sĩ không cổ vũ cho các nhân vật của mình. Đôi khi hình như ông cũng không lên án họ, nhưng rồi ai cũng hiểu: bằng cách vẽ họ đã đủ để trừng phạt họ rồi.
Brueghel là nhà họa sĩ truyền thống theo cách người ta quen nhìn, luôn luôn có vấn đề. Vị trí của ông giữa những người Flamand giống như Dostoijevski giữa người Nga, như Baudelaire giữa người Pháp hoặc như Wagner trong âm nhạc, như Valentius giữa những kẻ gnostikus hoặc như Hegel giữa triết học hiện đại. Những quan niệm theo trường học cứ việc liệt kê danh sách những kẻ theo phong cách truyền thống như Quinten Masys, Peter Huis, hoặc Gogol, Schumann, Leconte de Lisle hoặc Jaspers. Cái vấn đề không thể giải thích nổi luôn luôn trượt ra khỏi truyền thống, không rơi vào phạm trù”cá nhân” của mỹ học; không phải đặc thù cá nhân, không dẫn dắt đến cái khác. Đúng hơn, có vẻ như bên cạnh – và dưới - sự tiếp nối truyền thống của lịch sử nghệ thuật trộn làm một với lịch sử tư tưởng, còn có những sợi dây chằng của một cái khác không nhìn thấy, hoặc ít nhất không phải luôn nhìn thấy và không dành cho tất cả mọi người. Có thể sợi dây bí hiểm này tập hợp những người không liên quan đến sự tiếp nối của lịch sử.
Có thể Valentinus và Baudelaire và Wagner và Dostojevski và Heidegger, trong chừng mực không thể phù hợp với lịch sử, họ phù hợp với nhau, tương ứng với một truyền thống khác mơ hồ và phù hợp một cách vô hình? Điều này nổi lên rõ rệt, nếu người ta so sánh: Wagner có quan hệ khăng khít với Baudelaire, hơn là với Schumann- Dostojevski có quan hệ sâu sắc với Heigger, hơn là với Gogol,- Valentinus gần với Brueghel hơn là với Markion. Truyền thống bí ẩn gì gắn bó các nhà soạn nhạc, họa sĩ, triết gia, nhà thơ và nhà văn viết tiểu thuyết?
Brueghel không phải họa sĩ khải huyền. Trên những bức tranh quan trọng nhất của ông( Những người mù, Những kẻ khốn khổ, Dulle Griet, Những câu tục ngữ) phản ánh rõ điều này, và từ đây có thể nhận ra toàn bộ tác phẩm của ông: hội họa hiện đại chỉ chuyển hóa cái bên ngoài để trình bày nội dung đặc thù của chính nó. Cảm hứng tranh của ông mang tính văn học nhiều hơn bất kỳ đồng nghiệp đương thời nào.
Bên trong tác phẩm của ông chứa nhiều chất châm biếm và phản ánh. Kể cả bức tranh có đối tượng đơn giản nhất, khi ông chỉ vẽ một cái đầu( Dulle Griet) như một câu hỏi, không mang tính hội họa- mang tính tâm lý học. Có thể đọc thấy toàn bộ tâm lý của sự vụng về khi ông vẽ một Griet ngớ ngẩn, nhưng điều quan trọng hơn: trên bức tranh có một đôi mắt không thể chết, đôi mắt này trân trân tỏa cái nhìn đần độn vào người xem tranh.
Bức tranh Dulle Griet thực ra là một cái nhìn thôi miên hơn là một bức vẽ hiện thực. Bức tranh này cào cấu vào người xem, kéo ra ngoài sự ngớ ngẩn ẩn sâu trong con người. Đây là một câu hỏi thời đại, bắt con người nghiền ngẫm sự đần độn tuyệt vọng của bản thân mình. Nó bắt buộc người ta rơi vào tâm lý người đàn bà điên khùng, cần phải sống cùng bà ta với sự đờ đẫn khủng khiếp của não, với sự hồi tưởng quên lãng, sự phân ly hoảng tưởng, với thế giới vô nghĩa, rối loạn tản mát của kẻ ngớ ngẩn.
Bằng sự giúp đỡ của Dulle Griet có thể nuôi dưỡng những kẻ đần độn tuyệt vời, tuyệt vời đúng như với những kẻ lập dị kinh tởm và chán ngấy, hư hỏng và tâm thần với thơ của Baudelaire, những thiên thần đầy dục vọng ngất ngưởng trong bệnh tật của chúng với các vở nhạc kịch của Wegner, và những kẻ chui lủi từ những đam mê cống rãnh tối tăm với các tiểu thuyết của Dostojevski.
Ở Brueghel không mảy may mang dấu vết của” Nỗi sợ hãi ngày tận thế”, của sự run rẩy khải huyền. Brueghel chưa từng và không run rẩy: ông thò tay vào, khuấy trộn, chọc ngoáy, ngửi ngẫm. Ông không làm điều các họa sĩ khác làm: đánh thức, làm thức tỉnh, cảnh báo. Ông muốn điều của Dostojevski: hành hạ,- của Baudelaire: làm kinh tởm,- của Wegner: đầu độc. Ông không nhắc nhở trước vực sâu: hãy chú ý! Ông ẩn náu và xô đẩy những kẻ bộ hành ngây thơ. Kẻ nào có lương tâm quá tử tế, hãy ngắm nghía một bức tranh của Brueghel, hãy hiểu và một phút sau sẽ lập tức cảm thấy thế giới là một thực thể bẩn thỉu nhất.
Có thể chăng, cái truyền thống của Brueghel là truyền thống của nghệ thuật đạo đức? Người ta trầm ngâm ngắm nghía, và thấy rằng: khoa học và nghệ thuật phân chia một cách đặc thù về mặt đạo đức. Đạo đức xếp các đức hạnh vào một hệ thống, và không để ý tới mặt kia của nó.Chưa hề có lấy một loại đạo đức hiện đại nào bàn về các sai lầm của nó. Nghệ thuật chỉ quan tâm đến sai lầm của đạo đức: nghệ thuật quất roi, chế riễu, như thể chưa hề có các đức hạnh.
Còn sự cứu rỗi của khoa học về đạo đức: chẳng ai quan tâm đến nó một cách nghiêm chỉnh.
Không có nghệ thuật của đạo đức- chưa từng có kể cả khi từ cuốn Hội chợ phù hoa của Thackeray sự phù hoa dường như biến mất khỏi thế gian. Ngược lại thì có: sự phù hoa lan truyền. Nó cần phải lan truyền bởi vì thiên tài nêu tấm gương, và con người phải theo gương thiên tài. Yahook có từ ngày Swift bắt buộc con người phải nuôi dưỡng yahook. Flaubert tạo ra Homais Zola mang vào thời hiện đại chủ nghĩa cuồng nhiệt tối tăm và độc ác của giáo phái thời trung cổ, Tolstoj mang đến chủ nghĩa cộng sản hư không, vô nghĩa, bức bối của các cộng đồng thiên chúa nguyên thủy; Ibsen treo lên thế kỷ mới một cây dằn nặng nhất, sự bảo thủ già cỗi đóng khung.
Nghệ thuật đạo đức giải phóng những lực lượng làm hư hỏng con người. Khi tưởng nó đang lật tẩy, thực chất nó mở ra những nguồn sức mạnh bí ẩn, phóng xuống nhân loại thứ năng lượng độc hại bị khóa. Nghệ thuật luôn luôn là phép thuật. Làm nghệ thuật chỉ có ngần này: lan truyền tác động của những sức mạnh siêu nhiên dẫn dắt con người. Các thiên tài luôn luôn và trong mọi trường hợp làm thức tỉnh lũ ma quỷ trong cội rễ của đời sống và phóng thả xuống đầu nhân loại.
Nghệ thuật đạo đức, khi lập đối tượng, truyền lan thứ sức mạnh mà nó lập ra; khi chế nhạo, tăng sức mạnh cho cái nó chế nhạo, khi phản đối, nhân khả năng của điều bị phản đối lên trăm nghìn lần. Không thể đề phòng một cách đầy đủ từ nghệ thuật đạo đức. Dưới tác dụng của nó con người trở nên độc ác, cuồng tín, đê tiện và thảm hại. Có thể nhạo báng thứ khoa học đạo đức. Nhưng với nghệ thuật đạo đức thì không, bởi bản thân nó bắt đầu từ sự nhạo báng. Đấy là sức mạnh lớn nhất của nó- đấy là điều làm nó luôn đi trước tất cả mọi người, là thứ ép buộc và chiến thắng tất cả mọi người, là thứ dùng để quyến rũ, ve vãn và chinh phục mọi người. Nghệ thuật luôn ca hát, và chỉ khi con người biến thành con lợn, con người mới nhận ra nó đang nghe một bài ca của một kẻ Kirke nào đấy.
Nhưng giữa nghệ thuật đạo đức và truyền thống của Baudelaire- Wagner- Dostojevski- Brueghel có sự khác biệt bản chất.
Nghệ thuật đạo đức làm việc với những sức mạnh phá hủy cuộc sống nguy hiểm, nhưng nó không nhận thức về điều này. Sự ngu xuẩn thảm hại của nó là nguyên nhân để đạt tới cái trái ngược với điều nó muốn. Cái đặc trưng trong từng chi tiết nhỏ nhất nghệ thuật của Brueghel chính là sự chủ ý, là mức độ thông minh đáng trầm trồ. Ở ông không có sự nhầm lẫn. Không thể hiểu nhầm, không có sự đi lạc hướng về bất cứ điều gì; ông nhận biết các sức mạnh và tính chất của các sức mạnh.
Đấy là đặc trưng của ông và của tất cả các nghệ sĩ hay các nhà tư tưởng giống ông: sự nhận thức ý thức và vật chất nâng cao dần, và việc sử dụng ý thức tự thân, không bị tác động bên ngoài. Không thể cứu vớt những bức tranh như khi con người nói: nghệ thuật đạo đức.
Hãy chỉ một thoáng ngắm nghía một bức tranh Flamand khác:” Luilekkerland” và tranh Brugehel, lập tức sẽ thấy ngay sự khác biệt. Những bức tranh Flamand biến con người thành con lợn đang nhai ngồm ngoàm, với hy vọng bằng điều này giải phóng con người khỏi một dục vọng.Còn Brugehel biến con người thành con lợn một cách có chủ ý, có cân nhắc, cô đọng và bằng một sự tuyệt vời.
Không ai trên thế gian có thể nhận ra như Valentinus, một triết gia theo truyền thống Brugerhel nói về chuyện ăn uống của Giê su:” Ngài ăn và uống-ông viết theo trích dẫn của Alexandria Kelemen- nhưng không phải cách, thức ăn một lần nữa sẽ rời khỏi ngài. Sức mạnh tự chủ bên trong của ngài lớn đến nỗi, thức ăn không hư hỏng bên trong ngài, bởi bên trong của ngài không có sự hư hỏng.” Toàn bộ thế giới tư duy của Valentinus, như thế giới của Dostojevski và Wegner được chất đầy từ sự hư hỏng, sự giải thể, sự nghiến ngấu, tội ác, sự buồn chán, sự kinh tởm.
Brugerhel là người đặc biệt quan tâm đến sự tăm tối rác rưởi, đến tội phạm và lũ người rách việc, ông rất gần gũi và có quan hệ họ hàng thân thuộc với Heidegger, triết gia Đức, với kẻ mà đời sống là” sự lo âu”, và những cảm xúc chủ đạo của cuộc đời là: sự sợ hãi, sự run rẩy, sự lo âu, sự rùng mình.- hay đúng hơn toàn bộ đời sống con người không là gì khác ngoài một điên loạn thần kinh bị hành hạ kinh hoàng.
Brugerhel bằng ý thức hoàn toàn đối diện với cuộc sống, ông tha hóa nó, mổ xẻ và đạp đổ nó. Nghệ thuật đạo đức cũng quan tâm đến sự bẩn thỉu của con người, nhưng hành vi đạo đức cuối cùng khác hẳn với truyền thống kiểu Brueghel. Nghệ thuật đạo đức là sự giải phóng cái bẩn thỉu, còn nghệ thuật của Brueghel là sự chiêm ngưỡng ma quỷ, sự giải phóng cái bẩn thỉu cảm nhận được.
Những kẻ như Brueghel bằng toàn bộ sức mạnh thiên tài nhấn con người vào sự hoang mang, đọc được từ họ các tội ác, sự thảm hại và ngu xuẩn, và trên tất cả những điều đó -yêu thích và làm cho người ta yêu thích cái bẩn thỉu. Dưới tác động của tranh Brueghel con người rơi vào một trạng thái bị thôi miên của cái bẩn thỉu: tâm linh đờ đẫn chống lại cái ý muốn kinh khủng xa lạ, nhưng lại bị bỏ bùa bởi sức mạnh khủng khiếp của thiên tài, và con người không thể từ bỏ khỏi sự mê hoặc làm tê dại của cái nhìn thôi miên- trong chừng mực con người học cách nhận thức từ sự bị hạ thấp bản thân, từ sự thảm hại hóa của bản thân, sự quấy đảo trong cái bẩn thỉu, họ nhận ra cái ngây ngất kinh hoàng của tội ác, cái ham mê rùng rợn của một đời sống bị tan rã.
Đối tượng muôn thuở trong âm nhạc của Wagner, trong thi phẩm của Baudelaire, trong tiểu thuyết của Dostojevski, trong triết học của Heidegger và trong hội họa của Brueghel là sự chìm đắm vào đổ vỡ của cuộc sống: là bệnh tật, sự nghèo khốn, sự suy đồi, sự tăm tối, bẩn thỉu, thảm hại, ngu ngốc. Nghệ thuật của Brueghel không mang tính khải huyền mà là thứ nghệ thuật của ác độc.
3.
Trong một bức tranh của Brueghel có hai con khỉ bị trói trong một cái cửa sổ của một cái tháp. Hậu trường phía dưới là quang cảnh thành phố và thiên nhiên, như con khỉ ngây độn. Tất cả như một khoảnh khắc impressionista( ấn tượng), một genre thuần túy. Nhưng họa sĩ còn có một bức tranh khỉ khác, một khắc họa. Trong khu rừng một lái buôn lăn ra ngủ, khi đó những con khỉ chia nhau đồ dùng của ông ta. Ý nghĩa của bức tranh này thật rõ ràng: con người đồng nghĩa với con khỉ- tìm ra những sự vật không biết dùng vào việc gì, và sử dụng những đồ vật này một cách vô ý nghĩa.
Sau khi nhìn bức đồ họa này con người tìm ra một cách giải quyết. Nảy ra trong họ một đường hình parabon, cái mà Platon đã viết trong Politeia, về cái bóng của một kẻ bị trói trong hang đá, kẻ cứ tưởng cái bóng đó là hiện thực. Không thể hiểu sai chệch về ý tưởng này: con người là con khỉ bị xích. Sao lại là khỉ?- không nghi ngờ gì nữa. Dây xích?- những thói quen, đạo đức, ngôn ngữ, sự giáo dục, sau đến sự hạn chế của bản thân, sự bất lực, sự yếu kém. Từ thế giới của con khỉ bị xích nhận ra điều gì?- một hình ảnh hoang mang. Cái gì được cho là quan trọng: ăn, uống, ngủ, tình dục và dây xích. Những khát vọng của nó là gì? cuộc sống của nó ra sao?- Có xứng đáng để nói về nó hay không?
Tất cả con người của Brueghel là con khỉ bị xích. Cần phải lôi ra một loạt các bức tranh trong đó ông thu thập những cái đầu người nông dân. Giá những cái đầu này vô tư và mang tính chất giải trí như trong các cuốn truyện tranh về các nhân vật. Nhưng những cái đầu này không phải sự kỳ diệu tâm lý học của các nhân vật xuất chúng. Trong lịch sử chỉ có những hình tượng mộ ở Etrusk giống các cái đầu trong tranh Brueghel, thật đáng ngạc nhiên khi một vài cái đầu nông dân này như những bản sao trung thành các hình tượng người Etrusk. Những mặt nạ hình tượng mộ chí- các mặt nạ thần chết, những cái đầu người méo mó trong cái chết, mang hai ý nghĩa: quyến rũ bởi sự kinh dị của cái cười điên dại, cùng lúc làm cảnh tỉnh người khác bằng sự thay đổi khủng khiếp của nó. Cái chết chóc khủng khiếp trong những hình tượng này: quyến rũ và đẩy ra khỏi nó.
Đấy là bản thân cái chết trong đó: sự kêu gọi và xua đuổi, tiếng cười và tiếng khóc cất lên, sự thể hiện trên khuôn mặt họ là sự đau khổ lớn nhất và sự ngây ngất rõ nét nhất, làm bật cười và làm phát khóc, sự ngọt ngào và cay đắng, sự gắn bó và sự run rẩy mạnh nhất. Trong những cái đầu nông dân của Brueghel trạng thái hai ý nghĩa không thể giải thích này của tâm lý thể hiện rất rõ. Tất cả mọi cái đầu là cái đầu thần chết, là tiếng khóc bật cười thể hiện trên các hình tượng Etrusk nhăn nhở khổ sở, là điệu cười ha hả lạnh toát run rẩy, là sự cảnh tỉnh quyến rũ và sự xô đẩy kêu gọi.
Nhưng có một điểm mà các bức tranh của Brueghel đã vượt quá hình tượng mộ chí. Ở các hình tượng Etrusk chỉ là câu hỏi về trạng thái chết thuần túy, không có chút gì về con người. Nhưng ở Brueghel nhiều hơn thế.
Brueghel là người thiên chúa giáo, đối với ông đây là câu hỏi về phục sinh, đúng hơn – bằng ngôn ngữ Brueghel- là niềm tin về sự điên rồ của phục sinh. Sự tượng tưởng về cuộc sống thiên đường của lũ khỉ bị xích- có thể bồi thường cho sự thảm hại đời thường bằng niềm hạnh phúc vĩnh cửu ngu ngốc.
Trên tất cả các gương mặt Brueghel- không chỉ trong sưu tập đầu nông dân – trong tất cả các phác họa và tranh của ông chứa đựng một chủ nghĩa đần độn khủng khiếp theo kiểu con sâu cái kiến. Maria hấp hối, những kẻ xung quanh đần độn chiêm ngưỡng; thánh János giảng đạo, và những kẻ ngu đần ngây người nghe; Kristus oằn người dưới cây thánh giá, mọi người đờ đẫn vây quanh. Sự ngây ngô của cái chết nằm ngay trong những khoảnh khắc không thể gạt bỏ khi con khỉ bất hạnh làm việc hoặc giải trí. Trên nét mặt những người đang gặt, đang cày ruộng, các thủy thủ, cũng như trên mặt các vũ công, hay những người ngồi xung quanh bàn ăn. Dulle Griet không là một thể loại, đấy chính là bản thân nhân loại, là con người sâu bọ chết chóc kiểu Brueghel.
Con người như thế này sắp xếp như thế nào trên thế gian: Brueghel đưa ra một cách giải quyết hoàn toàn mới. Ông nói: con người tận cùng chẳng có ý nghĩa gì. Một vài phác họa của ông( Szt.Hieronymus, Magdolna hối lỗi, vv…)trong cả một bức tranh phong cảnh lớn, bên góc phải „nhân vật chính” xuất hiện như một câu đố. Không có ở đấy cũng chả sao. Thế nào cũng được, có hay không có. Tuyệt đối không có những cảnh lớn.
Nếu nói về chúa Giê su, cần tìm trong đám đông dày đặc và cảnh vật lộn xộn kinh khủng. Nếu ông vẽ về một đối tượng lịch sử lớn, dễ dàng nhận thấy người ta không tìm ra đối tượng. Vị trí con người trên thế gian như một loài côn trùng, bằng con mắt tự do khó có thể nhận ra, chỉ thấy được trong đám đông, lúc đó nó mới có một ý nghĩa nào đấy trong cái không gian vĩ đại này.
Nhưng ngay cả bản thân phong cảnh cũng không phải thứ phong cảnh trong tranh các họa sĩ khác. Người ta bảo phong cảnh của Brueghel xứng đáng gọi là tuyệt mỹ. Có thể người ta hiểu cái không khí trong sạch khác thường, những nét vẽ rất sắc, những khoảng không sâu thẳm. Quả thật tất cả những điều này làm sững sờ- bằng bầu khí quyển nóng bỏng của một cơn ác mộng. Thật nhầm lẫn nếu tin rằng những „phong cảnh lý tưởng” của hội họa Ý hoặc Flaman gần với Brueghel. Nhà họa sĩ đã sử dụng truyền thống để dấu đi bản thân nội dung định nói. Brueghel khinh bỉ sâu sắc hiện thực trong cả con người cùng phong cảnh, ông chỉ vẽ cái bản chất, không phải cái” nhìn thấy” mà là cái” có”. Không phải hang đá của Platon mà là con khỉ.
Phong cảnh của Brueghel là ảo ảnh hiện lên trong tưởng tượng phát sốt của con bệnh. Là độ bỏng của máu hừng hực bốn mươi độ, là sức nóng hư không tỏa ra từ nó. Những phong cảnh như vậy bằng trí tưởng tượng bình thường không thấy, đấy không phải hậu cảnh Ý lý tưởng hiền hòa. Trong các ngọn núi kính của Brueghel, những dòng sông màu xanh, trong các khu rừng xanh non và tím ma quái, ma quỷ phá vỡ đời sống ẩn náu, hơi thở của chúng cháy rực phía sau hậu cảnh như một vết thương bỏng rát, một vết sưng tấy hoặc một vết nhiễm trùng.
Phong cảnh xanh- xám-trắng-tím của Ikarus hoặc Sự hối cải của Pál hoặc Những người gieo gặt là phong cảnh của thế giới bên kia- là phong cảnh của địa ngục, của cái chết vẫy gọi một cách quyến rũ, duyên dáng và dấu trong bản thân nó cái đẹp chết chóc ma quỷ của nó.Ông nói về cuộc sống của con người: cả cuộc đời là một màn hề thảm hại. Ông vẽ những kẻ tội phạm, những kẻ đáng ghét, nhưng đức hạnh cũng không kém phần.
Bức tranh Sự thật thuần túy sự tàn nhẫn, Hy vọng là một sự ngu xuẩn, bức Chuyên cần là sự ngớ ngẩn. Công việc tập thể là một sự vô ích. Bức Gieo gặt là trò hề của công việc,- người gieo hạt, và ngay lập tức chim mổ hạt. Trò hề của một tác phẩm lớn bức Tháp Babilon: một nửa tác phẩm chưa xong đã bắt đầu đổ vỡ và sụp đổ. Bức Thánh János giảng đạo là trò hề giáo dục; giữa các bức phác họa có Con lừa được hạ thấp như ông thày. Sự sắp đặt của chính quyền và nhà nước như thế nào được nói lên trong bức Kẻ giết trẻ em ở Betlehem .
Ý kiến của ông về các sự kiện lớn là các sự kiện không hề lớn: Maria chết nhưng các bạn gái, họ hàng ngồi bên cạnh ngủ gật. Ikarus rơi xuống, nhưng chẳng ai buồn chú ý nhìn. Kristus vác cây thánh giá, xung quanh đó những người đàn bà tán gẫu, đàn ông lý sự với nhau,trẻ con đánh lộn.
Trong cuộc sống kinh khủng này con người không thể phân lập, chạy trốn( Sự phản bội của thế giới) Trong thế giới khác cũng một hoàn cảnh như ở đây một cuộc đấu tranh vĩnh viễn không vì cái gì cả( Những thiên thần thất bại) Trong Hội hóa trang và ăn chay:những kẻ điên rồ đập đầu họ và cầu nguyện, và những kẻ khùng trên nóc các thùng rượu rống lên say mèm.
Các khát vọng, thế giới lý tưởng, thiên đường: các bức Luilekkerland, Slaraffia. Kết luận: chúng ta là những con sâu thấp hèn kinh tởm và bất lực( Những kẻ khốn khổ)phần lớn là sự dẫn dắt của những kẻ ngay lập tức bỏ rơi chúng ta, khi cảm thấy chúng gặp nguy hiểm( Kẻ mục đồng xấu xa)
Nhưng nếu không như vậy, nếu như chẳng may thiên tài dẫn dắt- thiên tài là cái gì? Những kẻ mù lòa đem lại câu trả lời. Kẻ mù chỉ huy một phi thế giới, một kẻ mù đưa kẻ khác vào một xó góc, bởi ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống: con người vấp ngã, và sau cùng vấp phải đúng cái chết của mình. Khải hoàn ca của cái chết là cảnh tượng ăn uống chân thực và đúng trên thế gian. Là điều quan sát xứng đáng và đúng bản chất xảy ra với con người: thối rữa.
Brueghel không chấp nhận tận cùng cái ông suy nghĩ. Ông quan sát cái gì người ta gọi là sự thông thái, ông nhìn vào tận cùng tư duy của con người, nơi đơn giản và trang nghiêm có cùng lúc mọi tri thức: ngạn ngữ và sự thông thái. Một sưu tập phác họa nói về những gì tìm thấy trong các câu tục ngữ, một thứ lộn xộn vô nghĩa cho thấy sự thông thái không là gì khác ngoài một dạng điên khùng.
Ý kiến sau cùng của ông trong bức Các câu tục ngữ là nơi ông phác lên gần một trăm ý nghĩa của sự”thông thái”: ông bóc trần chủ nghĩa ngu xuẩn trong mọi con người từ cái thoạt nhìn đẹp đẽ bên ngoài. Ikarus là một bức tranh khủng khiếp nói về: thật vô nghĩa khi con người làm một việc lớn.
Còn bức Những kẻ khốn khổ kinh khủng hơn, khi cho rằng chúng ta là những con sâu cuồng tín. Sức mạnh ma quỷ của bức Những kẻ mù lòa lớn hơn khi thể hiện: những kẻ lãnh đạo lớn của con người cũng chả nhìn thấy gì, không khác gì đám dân thường. Bức Các câu tục ngữ là ảo tưởng ác độc thuần túy Brueghel, kẻ cho rằng: không có hy vọng thay đổi cuộc sống bởi tinh thần lớn lao, tri thức, sự thông thái vô nghĩa, vô ích, vô dụng, là sự điên rồ nực cười cho rằng có thể nâng con người tầm thường lên, nhưng thực ra chỉ chứng minh tính hời hợt của nó: sự thông thái là sự tưởng tượng điên rồ của con khỉ bị xích, ngoài ra không là gì khác.
4.
„Nghệ thuật- Nietzsche nói-thực ra là nhiệm vụ của cuộc sống…là hành động siêu hình của cuộc sống.”
Tất cả những gì con người làm và có thể làm đều phụ thuộc vào hiện thực, bị nhúng vào đấy và không bao giờ có thể bước ra khỏi. Chỉ nghệ thuật đứng cao hơn hiện thực và có khả năng làm thay đổi, để sáng tạo cái mới, để tạo dựng. Chất phép thuật của nghệ thuật: tranh, tượng, thi phẩm đều luôn luôn là biểu hiện của trạng thái và” nghệ thuật là hoạt động siêu hình của cuộc sống” có nghĩa là không phải vượt qua vật chất mà từ vật chất.
Cuộc sống con người trong mọi trường hợp sẽ là cái mà nghệ thuật tạo ra- đứng trước hiện thực, nâng lên từ hiện thực, và trái ngược với hiện thực. Sự chỉnh hướng đời sống trong mọi thời đại nằm trong tay nghệ thuật: trong thời kỳ Magdalenien cuộc săn bắn bò tót khác trên vách các hang đá đã bắt buộc thần may mắn phải rơi xuống mặt đất, bắt buộc thần phải giúp đỡ những người thợ săn bắt được bò tót.
Phép thuật của những bức tượng Hy lạp cổ là nụ cười của các thần linh; của các bức tượng da đỏ là sự hãm phanh chất mông muội của các lực lượng nguyên thủy ẩn náu trong thiên nhiên; Không có duy nhất một bức tranh, một hình vẽ, một bài thơ, một bài ca, một câu chuyện cổ tích nào không là một trung tâm sức mạnh, mà từ đó không tràn ra thứ sức mạnh siêu nhiên chỉ hướng cho đời sống. Tác phẩm nghệ thuật chỉ là chừng này: là vị trí của các thế lực chỉ đạo đời sống siêu việt được tích lũy.
Khi cho rằng nghệ thuật của Brueghel ác độc, điều đó có nghĩa rằng từ các bức tranh của Brueghel toát ra sức mạnh quỷ sứ. Tác phẩm của Brueghel là những trung tâm năng lượng phép thuật, đầy những năng lượng độc ác. Hướng dẫn đời sống, nhưng kẻ hướng dẫn là quỷ.
Ai là Diabolos? Kẻ lật ngược. Là một kẻ nào đó chuyên lật ngược sự vật và lật ngược đời sống. Là một bản chất siêu việt cá nhân, kẻ can thiệp vào sự điều chỉnh đời sống, để ngăn cản đời sống. Là kẻ đi hành hạ, đầy đọa, gây bệnh tật, làm phá sản. Bên ngoài của cuộc sống là một „giả bộ đẹp đẽ”: của bản chất đã hoàn thành, của sự vật đã hoàn thành, của entelekheia. Cuộc sống trong từng khoảnh khắc thay đổi, nhưng trong tất cả các khoảnh khắc là cái toàn bộ là: sự hoàn thành.
Sức mạnh ác độc đứng trên con đường hoàn thành, và phá tan những sự việc, sự vật đã xong. Đấy là kẻ thù chính của sự hoàn tất, là kẻ ngu ngốc, kẻ lộn xộn, là kẻ tạo ra một”vẻ bên ngoài xấu xí”: là thủ lĩnh của toàn bộ những lực lượng sức mạnh đập phá, đốt cháy, tiêu diệt, tiêu hóa và cấu xé. Về cái”vẻ bên ngoài xấu xí” con người hiện đại đặc biệt hiểu rõ, bởi vì cái có trong nghệ thuật hiện đại không là gì khác ngoài chính bản thân” vẻ bên ngoài xấu xí”đó. Đấy là những vở kịch nô bộc, là thi phẩm thảm hại, là nghệ thuật của mùi xà phòng rửa bát, của sự tê liệt, ressentiment, của cơn cách mạng điên rồ, của sự hằn thù giai cấp, sự cuồng tín, sự chán chường, thẩm mỹ thấp kém par excellence.
Nghệ thuật hiện đại bằng sự nhấn mạnh liên tục „vẻ ngoài xấu xí” đã khiến đại đa số con người tưởng đó là hiện thực, và bắt đầu cho rằng” hiện thực” là thế, thứ có mùi vị thật kinh tởm, thấp hèn, đáng buồn nôn, khiến đại đa số con người rơi vào sự hoang mang khi đặt câu hỏi: quá trình bẩn thỉu này là cuộc sống? Thứ cống rãnh này là xã hội? thứ sâu mọt bẩn thỉu này là con người?
Thời đại hiện đại quá quen thuộc với thứ sức mạnh phá vỡ, ngăn cản, làm hỏng, với kẻ tạo dựng ra cái”vẻ ngoài xấu xí”, với công việc của ma quỷ. Quá quen thuộc với một Diabolos đảo lộn và lật ngược sự vật, với một nghệ thuật độc ác. Và thời đại này biết rằng: tình trạng suy đồi của cái xấu…sự phá hoại từ từ của sức mạnh các tổ chức…tác động để lại dấu vết của cái xấu: sự thể hiện nỗi chán chường sống…cái xấu là cái phi nghệ thuật, là sự nghèo nàn khiến đời sống đau khổ.”( Nietzsche)
Nhưng đó cũng chính là đặc quyền của con người hiện đại: biết là sự đổ vỡ, bởi vậy hãy đổ vỡ, biết là chán chường, và cần trở nên chán chường. Biết là đau khổ, nhưng cần đau khổ sâu sắc hơn nữa. Sự đổ vỡ của đời sống, nghệ thuật của ma quỷ vẫn ít với con người, cần nhiều hơn nữa: sự độc ác, bởi điều này không chỉ tiêu diệt mà họ muốn tiêu diệt một cách có ý thức.
Ma quỷ chỉ là những sức mạnh hoang dại phá vỡ cuộc sống: Diabolos là thủ lĩnh điều khiển những sức mạnh này. Công việc chống lại bản thân cuộc sống chính là công việc của ma quỷ. Khổ hạnh, sự tự gìm giữ, tự hành hạ, thói kiêu ngạo, hành động tàn sát, kỹ thuật- là những sức mạnh tiêu diệt cuộc sống, là sự hiện diện của ma quỷ. Nhưng những sức mạnh này phảng phất bên trong, không nhận thấy và không có ý thức. Nhưng khi sự phá hủy cuộc sống đã dâng đến mức trở thành nhiệm vụ-hơn thế nữa: thành mục đích có ý thức- hơn thế nữa, thành sự đam mê: thành ma quỷ, bởi đây là sự ngất ngây trong hủy diệt của ma quỷ, là cái cười nhăn nhở của đau đớn tồn tại, là sự ngất đi của tiêu diệt, là giọng cười ha hả của đau khổ bị hành hạ. Sự độc ác: là đam mê của hủy diệt đời sống một cách có ý thức.
Nghệ thuật của Brueghel là nghệ thuật của ác độc. Cái tỏa sáng từ đó: sự ngất ngây của hủy diệt cuộc sống một cách có ý thức. Brueghel một cách có ý thức giải phóng ma quỷ hủy diệt bằng khả năng phép thuật của nghệ thuật: sự độc ác, sự đê tiện, sự lừa dối, sự cuồng tín, sự bẩn thỉu, bệnh tật, sự đói nghèo và chủ nghĩa ngu xuẩn.Ông giải phóng những sức mạnh này và vui sướng vì chúng.
Ông nhìn ngắm chúng trong công việc, ngây ngất vì chúng như Wagner ngây ngất trong sự đau khổ vì tấm thân bị bệnh ghẻ của Amfortas, như Raskolnyikov bệnh hoạn của Dostojevski khi giết Smergyakov, như Baudelaire ngây ngất hít hương thơm của những”bông hoa của sự đổ vỡ”, như niềm hạnh phúc ngất ngây của Heidegger khi lo âu, kinh tởm, phản đối,chán chường, sợ hãi- hoàn toàn có ý thức khi ông sợ ông gọi tên nỗi sợ, khi ông run rẩy ông trích dẫn cái làm ông run rẩy, khi ông chìm vào „vẻ bên ngoài xấu xí”. Ông ngạc nhiên, âu yếm nâng niu hâm nóng và cổ vũ chúng. Nếu trong thế giới này có cái gọi là tình yêu thương, có thể nói: ông yêu thương ma quỷ.
Dưới cái nhìn của Brueghel” cuộc sống đau khổ” và ông vui mừng vì sự đau khổ này.Triết học của Brueghel là chủ nghĩa pantagruelizmus không niềm vui. Mục đích cuộc sống của ông là sự phá hủy cuộc sống riêng của mình, đam mê của ông là đam mê phá hủy, cảm hứng của ông là cảm hứng của sự ác độc, là cảm hứng trong sự tự cấu xé- phép thuật nghệ thuật của ông là sự giải phóng quỷ sứ phá hủy đời sống.
Tranh của Brueghel chứa đựng một câu hỏi rốt cục với con người: có muốn chấp nhận hay không, thứ có tên Ngưỡng cửa nghệ thuật. Ngưỡng cửa nghệ thuật là giới hạn của sự kết thúc. Bên trên cái kết thúc là khả năng sống là nghệ thuật của ”vẻ bên ngoài đẹp đẽ” của con người khỏe mạnh, mạnh mẽ vui tươi, thông minh, trong sạch. Bên dưới ngưỡng cửa là sự lộn xộn, mờ mịt, bất ổn, sự dang dở, là „vẻ bên ngoài xấu xí” của các sức mạnh phá vỡ và làm phá vỡ, của kẻ yếu, bệnh tật, thấp kém. Hay bằng từ ngữ tâm lý học: ngưỡng cửa nghệ thuật là một đường kẻ, bên trên là một tác phẩm đã hoàn thành, bên dưới là một trạng thái hỗn loạn hoang mang trước lúc sáng tạo
Con người tự do lựa chọn giữa hai loại nghệ thuật: giữa sức mạnh sáng tạo ra thế giới hay sức mạnh hủy diệt thế giới. Tất nhiên đời sống của sự chọn lựa này có ý nghĩa quyết định sự lan truyền đến từng khoảnh khắc.
Nếu anh quay vạch đường của ngưỡng cửa và quay lưng với những gì có ở phía dưới, điều ấy có nghĩa anh gọi về entelekheia, điều này chỉ trong một giây, gọi sự sống tràn đầy, như thể anh đứng vào một khoảng không đầy từ tính của cuộc sống, và cho phép sự quyến rũ tuyệt vời của ánh sáng vào tận xương. Anh bắt đầu đi trên con đường mà những sức mạnh của các thế lực hủy diệt cuộc sống không còn nữa: anh đứng với sự an toàn không lay chuyển nổi của entelekheia trên cả những khuấy động âm phủ của ma quỷ hủy diệt, bởi vì chính sự cao cả trong sạch không thể hiểu nổi dành cho sự hủy diệt này là sự màu nhiệm ẩn náu của entelekheia.
Nhưng nếu con người xóa vạch ngăn ranh giới, hoặc cho phép những sức mạnh của thế giới bên kia đến với mình, lúc đó họ đã giải phóng nửa khác những quy luật khó khăn của nghệ thuật, đặt mình vào một cuộc sống lật ngược, hay còn gọi là sự hủy diệt, không phải sự hoàn thiện mà là sự hủy diệt.
Con người có thể lựa chọn: nâng cao mình lên cuộc sống tràn đầy, cho phép mình nhận sức mạnh, ánh sáng của cái”bên ngoài đẹp đẽ”hoặc đắm chìm và cho phép sức mạnh tối tăm hút mình vào sự hỗn loạn. Và con người, dù muốn, dù không đều phải lựa chọn.
Cả cuộc đời con người không là gì khác ngoài sự ngoan ngoãn với một trọng lực phép thuật có tên gọi là nghệ thuật,- con người lựa chọn, cho dù thích hay không, không bị tác động, nhưng bằng toàn bộ trách nhiệm phải gánh chịu tất cả mọi hậu quả của sự lựa chọn, cho dù làm được hay không, hoàn toàn một mình và một cách tự do.
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
( Budapest 2011.04.23)