Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.151.047
 
Hồn phố qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn
Trần Hoài Anh

Thoáng chốc, đã 10 năm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm. Thời gian trôi thật nhanh và cuộc sống cũng đã có biết bao biến đổi. Những gì được, mất… vẫn cứ trôi theo dòng đời. Nhưng nhạc Trịnh Công Sơn và hình ảnh của ông vẫn còn đó trong tâm thức biết bao người. Và cũng còn đó những đường phố ông đã đi qua, đã thao thức, đã ngắm nhìn, đã gắn bó... Và rồi cũng chính ông chứ không phải ai khác với biết bao trải nghiệm đã thổi vào những đường phố vô tư kia một linh hồn, một số phận, một cuộc đời. Vì vậy, hồn phố qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn là một phần không thể thiếu trong gia tài âm nhạc mà ông để lại cho đời.

 

Trịnh Công Sơn sinh ngày 28. 2. 1939, tại thành phố Buôn Mê Thuột, một tỉnh thuộc cao nguyên Trung phần. Nhưng ông lại lớn lên, trưởng thành ở Huế và Sài Gòn. Và cũng từ thành phố Sài Gòn hoa lệ này, trong những năm đầu của thế kỷ XXI, tại con phố quen thuộc trên đường Duy Tân, (tên gọi trước 1975) nay là đường Phạm Ngọc Thạch, ông đã vĩnh viễn đi ra ngoài cõi sống. Như vậy, cả cuộc đời Trịnh Công Sơn luôn sống và gắn bó với chốn thị thành. Có lẽ, vì thế, chất văn hóa đô thị đã thấm sâu trong tâm thức ông và kết tinh thành những dự phóng sáng tạo. Nhạc Trịnh Công Sơn, vì thế là loại nhạc sang trọng, thanh tao mang dấu ấn của nền văn hóa đô thị. Đến với nhạc Trịnh, ta thấy hiện lên hình ảnh những con đường mà ở đó chất chứa bao thăng trầm của phận người cũng như số phận của lịch sử dân tộc mà ông là một chứng nhân.

 

Không biết tự thuở nào, hình ảnh đường phố đã trở thành một ám ảnh trong tâm thức Trịnh Công Sơn và biến thành cảm hứng sáng tạo, tan chảy vào nhạc của ông. Vì vậy, những đường phố trong nhạc Trịnh Công Sơn không phải là những con đường vô hồn của cuộc sống đô thị xô bồ mà đã trở thành một thân phận, một định mệnh gắn liền với cuộc sống con người và lịch sử.

 

Trước 1975, khi đất nước còn đắm chìm trong khổ đau của chiến tranh, khi mà số phận của một nửa dân tộc phải sống trong sự giày xéo bởi đạn bom kẻ thù, cũng như mọi người dân Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ, Trịnh Công Sơn luôn sống trong khắc khoải và khổ đau nên “tình cảm đau thương về Tổ quốc là một cảm hứng lớn trong nhạc Trịnh Công Sơn” (1). Vì thế, khát vọng về một ngày đất nước thống nhất, hòa bình luôn canh cánh trong lòng ông. Nhưng rồi ngày ấy sao quá xa mờ và cũng như ông, những đường phố lúc này phải sống trong hắt hiu, buồn thảm, đau đớn và tiêu điều.

 

Đường phố nào một đường phố nào

Đường phố nào còn nằm che dấu

Cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau

Đường hắt hiu

.............

Đường phố buồn một đường phố buồn

Đường phố buồn mọi người đi vắng

Trong kinh đô tiêu điều dấu ngựa hồng

Đường im lìm

……

Đường phố cần một giờ yên lành

Đường yên bình và nằm nghe ngóng

Nghe trong đêm những cây cành báo tin

Đường giới nghiêm …

( Có những con đường)

 

Không đau khổ và buồn thảm sao được khi cũng như ông, những đường phố quen thuộc ấy, từng ngày, từng giờ, luôn chứng kiến cảnh đồng bào mình, nhân dân mình và chính bản thân mình phải sống trong khổ đau và khốn khó của chiến tranh. Trước hiện thực đen tối ấy, cái tâm thức hiện sinh nhuốm màu Phật học trong ông lại trỗi dậy, nhập vào hồn của từng con phố, tạo cho nó những ẩn dụ đầy tính triết luận làm cho những con phố kia bỗng chốc trở thành những số phận rong ruỗi trong cuộc đời

 

Dưới ngọn đèn một bóng chim qua

Giữa đường đi một người đứng gọi

Có biết gì về ngày chưa tới…

( Cỏ xót xa đưa)

 

Nhưng cũng chính từ trong những năm chiến tranh gian khổ ấy, Trịnh Công Sơn đã luôn mơ ước một ngày hòa bình trên quê hương mình. Vì thế, cho dẫu những đường phố trong  nhạc của ông vốn phủ đầy màu sắc của khổ đau và cô quạnh thì vẫn có những lúc rực sáng một niềm tin và chính điều này đã làm cho hồn phố qua những con đường trong nhạc của ông bỗng chốc rạng rỡ  niềm vui cho dù niềm vui đó chỉ tồn tại trong mơ ước

 

Đường ta đi mênh mông phố xá bao người quen

Bàn chân ta thênh thang những nắm tay reo mừng

…..

Đường Việt Nam hôm nay có bước chân tự do

( Đồng dao hòa bình)

 

Đó là những hình ảnh đầy tính dự báo, để rồi khi nước nhà thống nhất, những đường “phố giới nghiêm”, những đường “phố im lìm”, những đường “phố buồn” đến “hắt hiu” ngày nào đã trở thành những đường “phố mùa xuân” với những hình ảnh linh động và đầy sức sống cho dẫu tiết trời giờ đã sang thu

 

Xôn xao con đường xôn xao lá

Nhòa phố mong manh nhòe phố mưa

(Đoản khúc thu Hà Nội)

 

Và hồn phố lúc này đã sáng ngời lên sức sống của những chồi non xanh biếc cùng với sự đổi thay của đất nước trong cuộc sống hòa bình

 

Đường phố em về tết cùng hoa quyến luyến

Chồi lá khoe mầm cho đời biết tên

(Thành phố mùa xuân)

 

Và còn  vui hơn khi

 

Về thăm phố quen

Ngàn sao lung linh suốt đêm

(Tết suối hồng)

 

Chính niềm tin vào sự đổi thay diệu kỳ của đất nước, Trịnh Công Sơn đã khẳng định một điều mà trong những năm tháng đầy khó khăn của thời “bao cấp” ấy, không phải ai cũng có một niềm tin mãnh liệt như thế!?.

 

Em ra đi nơi này vẫn thế

Vẫn có em trong tim của mẹ

Thành phố vẫn có những ước mơ

Vẫn sống thiết tha

Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi

(Em còn nhớ hay em đã quên)

 

Điều này, theo chúng tôi, thêm một lần nữa để khẳng định tấm lòng yêu quê hương tha thiết và khát vọng về một  nước Việt Nam tươi đẹp, phồn vinh mãi mãi là một ám ảnh và là một tâm nguyện hằng cửu trong trái tim của người nhạc sĩ thiên tài họ Trịnh chứ không phải là thứ “tình cảm màu mè”, “làm dáng”, “xu thời”, “cơ hội” như ai đó đã từng nghĩ không đúng về ông. Bởi nói như GSTS. Huỳnh Như Phương, trong bài viết “Tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” năm 2009, xét cả về “tư cách công dân lẫn tư cách nghệ sĩ, Trịnh Công Sơn không phải là người “tùy thời”, càng không phải là người “xu thời””(2). Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin vào những thông điệp đầy tính nhân văn mà ông giử lại trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của mình.

Nhưng có lẽ cái hồn phố kết tinh sâu sắc nhất qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn chính là những con phố gắn bó với bao kí ức và hoài niệm của ông về tình yêu và thân phận. Đó là một thế giới cô đơn và đau khổ của phận người đã làm cho ông ( và có lẽ cho nhiều người trong chúng ta), nhiều khi đi giữa phố phường vẫn cảm thấy xa lạ, cái xa lạ đến hắt hiu trong một thế giới rỗng không của tâm thức hiện sinh. Bởi theo, Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Nỗi cô đơn của phận người là một đóng góp quí báu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho cảm hứng âm nhạc Việt Nam một thời”. (3) Vì: “một nền nghệ thuật đánh rơi mất nỗi cô đơn của phận người chưa phải là một nền nghệ thuật hoàn hảo”(4)

 

Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua

Đường về tình tôi có nắng rất la đà

Đường thật lặng yên lòng không gì  nhớ

Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ

(Bên đời hiu quạnh)

 

Vốn là người chịu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo và triết học hiện sinh nên tư tưởng trong nhạc của Trịnh Công Sơn là sự hợp lưu giữa hai dòng sông triết học đó. Vì thế cái hồn phố qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng là một nhánh sông chở đầy sắc màu tư tưởng Phật giáo và chũ nghĩa hiện sinh. Hay nói cách khác, đường phố trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng là phương tiện chuyển tải những tư tưởng triết học của ông đến người tiếp nhận trên nhiều bình diện khác nhau của đời sống. Sự đa dạng và sâu sắc của các hình tượng đầy tính đa nghĩa này đã biến hồn phố qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn trở thành một mã văn hóa, mã thẩm mỹ riêng trong thế giới nghệ thuật âm nhạc chứa đầy tâm thức hiện sinh của ông.

 

Đường phố dài một đường phố dài

Đường phố này một chiều tôi tới

Đi lang thang tôi chào vẫy mọi người

Đường phố cười.

Đường phố nào một đường phố nào

Đường phố nào còn nằm che dấu

Cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau

Đường hắt hiu

…..

Đường phố buồn một đường phố buồn

Đường phố buồn mọi người đi vắng

Trong kinh đô tiêu điều dấu ngựa hồng

Đường im lìm

(Có những con đường)

 

Quả thật, với tính đa nghĩa của ngôn từ trong nhạc Trịnh Công Sơn, để giải mã hồn phố qua những con đường trong nhạc của ông không phải là điều đơn giản. Bởi ngôn ngữ trong nhạc Trịnh Công Sơn là một thứ ngôn ngữ đa trị chứa đầy chất suy tưởng của tư duy triết luận, là một thứ ngôn ngữ được mã hóa nên mang tính ẩn dụ rất cao. Nó là một thứ ngụ ngôn của cuộc sống và tình yêu mà chỉ có sự nghiệm sinh ở mỗi người mới may ra cảm nhận được. Và đó là sự cảm nhận của vô thức và tâm linh, một sự cảm nhận không cần phải lý giải. Bởi nó như một thứ dưỡng khí của tâm hồn giúp ta bình yên sau những bộn bề lo toan của đời sống. Đó cũng là một thứ kinh cầu cứu rỗi linh hồn ta trong cõi nhân gian đầy bụi bặm này. Đến với nhạc Trịnh Công Sơn là đến để lắng nghe,  để thổn thức, để tĩnh tâm cảm nhận như cảm nhận từng lời ru tha thiết…

 

Ôi đường phố dài

Lời ru miệt mài, ngàn năm ngàn năm

Ru em nồng nàn, ru em nồng nàn

….

Ôi đường phố dài

Lời ru miệt mài, ngàn năm ngàn năm

Ru em giận hờn ru em giận hờn

(Tuổi đá buồn)

 

 

Và cũng có khi cái hồn phố ấy lại gắn với những con đường đầy mộng mị của những dấu chân kỉ niệm trong tình yêu mà nhiều khi chỉ cần nhắc đến là ta lại thấy nao lòng…

 

Đường phượng bay mù không lối vào

Hàng cây lá xanh gần với nhau

( Mưa hồng)

 

Hay có khi là những con nắng thắp đầy trong ký ức yêu đương

Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy

( Hạ trắng)

 

Và cứ thế hồn phố lại hóa thân thành những nổi ám ảnh của vô thức và tâm linh, là một sự tìm về với sự mỏng manh của phận người trong cõi vô thường.

 

Ta về nơi đây phố xưa dấu đạn

Con đường bên sông có lá buồn tênh

Ta về nơi đây tháng năm quá rộng

Đường xưa em lại thấp thoáng bàn chân

( Khói trời mênh mông)

 

Nhưng sẽ là một điều thiếu sót nếu nói đến hồn phố qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn mà không nói đến hình ảnh của những con người mà số phận cuộc đời luôn gắn liền với nhũng con đường thành phố. Đó là hình ảnh người phu quét đường lặng lẽ giữa dòng đời xuôi ngược…

 

Người phu quét lá bên đường

Quét cả nắng hồng

Quét hạ buồn tênh

….

Người phu thôi quét bên đường

Quét chổ em nằm

Quét cả mùa xuân

(Góp lá mùa xuân)

 

Hay hình ảnh của những cô gái lầm lỡ trong đời mà cuộc sống gắn với những đường phố tối tăm và u ám. Nhưng rồi họ cũng tìm thấy ánh sáng và ý nghĩa của cuộc sống khi nhận ra sự bất hạnh của mình và đã từ bỏ cái quá khứ tối tăm đau khổ ấy để đi về phía ánh sáng được thắp lên từ lòng nhân ái và sự bao dung của cuộc đời

 

Em về đâu hỡi em

Có nghe tình yêu lên tiếng

Hãy chôn vào quên lãng

Nỗi đau hay niềm cay đắng

Đời nhẹ nâng bước chân em

Về lại trong phố thênh thang

Bao buồn xưa sẽ quên

Hãy yêu khi đời mang đến

Một cánh hoa giữa tâm hồn

( Đời gọi em biết bao lần)

 

Như vậy, hồn phố qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn là một hiện tượng đa nghĩa. Nó luôn gắn với hiện thực cuộc sống của môi trương văn hóa đô thị. Nó là một biểu hiện trong đời sống tâm hồn của con người phố thị. Và dưới cái nhìn của Trịnh Công Sơn những đường phố ấy là những sinh linh với tất cả sự phong phú của thế giới tâm hồn chứ không phải là một vật thể khô khan vô nghĩa. Tìm về với hồn phố qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng là tìm về thế giới của hiện hữu gắn với thân phận con người. Và chính vì thế nó cũng gắn với vận mệnh của dân tộc và của mỗi cá nhân.

 

Vì vậy, hồn phố qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn thật sự là một hệ giá trị không thể phủ nhận đã góp phần làm nên sự hằng tồn của nhạc Trịnh Công Sơn. Và tôi tin vào sự bất tử của nhạc Trịnh Công Sơn như ngày xưa Ga-li-lê đã tin vào chân lý khoa học khi ông khẳng định trái đất vẫn quay quanh mặt trời cho dẫu đứng trước hình phạt của tòa án giáo hội, tòa án của một thế lực thần quyền trong thời đại trung cổ đầy dã man ấy. Bởi nói như André Malraux: “Nghệ thuật là cái chống lại định mệnh”. Phải chăng âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng là một loại “nghệ thuật chống lại định mệnh” như thế!  Và xin mượn lời của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường để khép lại bài viết của mình: “Chúng ta hài lòng khi thấy Trịnh Công Sơn đã giành được trong tay định mệnh, cái mà người nghệ sĩ nào cũng thèm muốn: Sự bất tử.” (5)./.

 

Tp. Hồ Chí Minh, 31/3/2011

 

Chú thích:

(1) (3) (4) (5) Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé, Nxb Trẻ, 2005, tr.8, 7, 7, 138

(2) Huỳnh Như Phương, “Tưởng niệm Trịnh Công Sơn”, đăng trên http://www.viet- studies.info/culture.htm

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 2962
Ngày đăng: 25.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tại Sao Ta Ít Nhớ Thơ-Nhạc Thời Mới Khởi Phát Chiến Tranh - Trần Văn Nam
Lịch Sử Hiện Đại Hoá Thơ Việt Trong Mắt Một Nhà Thơ - Hoàng Hưng
Niềm Lạc Quan Vẫn Có Giữa Thời Chiến Qua Thơ Của Khuất Đẩu - Trần Văn Nam
Sóng Lành Mùa Phật Đản - Trần Kiêm Ðoàn
Tranh biện về triết Học Trung Quốc. phần 3, hết. - Đặng Phùng Quân
Tranh biện về triết Học Trung Quốc. phần 2 - Đặng Phùng Quân
Tranh biện về triết Học Trung Quốc. phần 1. - Đặng Phùng Quân
Phạm Công Thiện, người muốn nhảy qua cái bóng của mình - Bùi Công Thuấn
Dương Nghiễm Mậu: cuộc đời tình cờ - Nguyễn Vy Khanh
Về Với Thiên Nhiên Cùng Lê Văn Trung - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)