Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
685
123.237.641
 
Ngày Tháng Phiêu Bồng
Lê Văn Thiện

Nam Thanh mặc quần áo, mang giày, định ra phố, nhưng bỗng thấy chán, không đi. Thiên Kim đến chơi. Mười giờ sáng, ngày nghỉ. Kim nói, đọc báo nghe nhạc mãi cũng mệt, chẳng biết làm gì cho hết ngày. Thanh khen Kim tươi mát. Kim bảo: “Em mới tắm giặt”.  “Anh hai tuần giặt một lần, chỉ tắm khi nào thích, ba hôm rồi anh chưa thích”. Kim hoảng: “Ghê quá, nay mai anh sẽ bị ghẻ chốc !”. Nói thế, nhưng khi Thanh hôn, Kim không chê. Thanh hôn lên hai má và trán bạn, khá lâu, say sưa. Qua bốn năm quen biết, anh chị đã hôn nhau nhiều lần, nhiều không nhớ hết. Chỉ hôn thôi, rất bình thường, và cũng … bất thường. Không hiểu Thiên Kim có thấy bất thường chăng ?... Hơn tháng rồi Kim không tới đây. “Lâu quá, anh tưởng em đi theo đứa nào, hay bị bắt cóc”. “Em cũng muốn đi đây đó, đổi thay chút ít. Mười năm nay em hát mãi bài Một ngày như mọi ngày…Công việc quen thuộc, nhàm chán. Mấy chục gương mặt lạnh băng, cũ mèm, như một dĩa hát sáu mươi bài, quay đi xoay lại sáu mươi bài.”. “Làm những công việc cũ, nhìn mãi những dung nhan quen, nó khiến ta…Hy vọng sẽ được em cho nghe vài chuyện lạ”.

 

Lần nào đến chơi, Thiên Kim cũng có nhiều chuyện làm quà. “Để em nghĩ xem”. Nói là nghĩ nhưng Kim đã chuẩn bị sẵn: Chuyện mẹ đỡ đầu. Vợ chồng một người anh họ Kim mới sinh được một bé trai. Thầy bói bảo thằng bé khắc tuổi mẹ, phải tìm cho nó một mẹ khác. Nay vẫn còn khá nhiều người tin những điều mơ hồ như thế. Thiên Kim được chọn, được nhận danh hiệu “mẹ đỡ đầu”. “Anh có ông chú cưới vợ năm bốn mươi ba tuổi. Ông ấy không thích trẻ con, nhưng sợ cái nhà dưỡng lão, em đóan xem, sau chú gặp gì?”. Kim nghĩ năm phút, chẳng đoán ra. “Cặp sồn sồn ấy không sinh đẻ, thế mới điên”. Kim hỏi, thăm dò: “Anh thấy con nít thế nào?”. “Anh yêu chúng...Hoa đẹp nhất trên đời, kế đến là trẻ con”. Nam Thanh cởi giày vứt vào gầm giường. “Có một thứ chúng mình phải chạm mặt hàng ngày nhưng không chán”. “ Là gì?”. “Mặt trời !”. Kim nói, ở công ty nàng có sự kiện mới: một ông trưởng phòng vào nằm bệnh viện, đã mười ngày, vì bệnh mập. “ Em muốn nặng thêm ít ký, lại không tăng... Chiều nay anh làm gì? ”. Thanh nghĩ khá lâu: “Chắc sẽ ra quán cà phê, hoặc đi dạo một lúc cho giãn gân cốt”. “Hôm chủ nhật, trong bữa cơm tối, bỗng nhiên ba em đặt ra câu hỏi khó: Đời người sáu, bảy mươi năm là ngắn, phải không ? Rồi ông trả lời, không ngắn, cỡ đó vừa. Nếu kéo dài thêm sẽ dễ rơi vào tình trạng sống dai, “đi loanh quanh cho đời mỏi mệt” ( Trịnh Công Sơn) ... Nếu một sáng nào đó anh nhận được cú điện thoại báo: Kim qui tiên rồi, anh sẽ nghĩ gì?”. Nam Thanh giật mình: “Ôi, sao em nghĩ vậy? Câu hỏi độc đấy”. Kim cười tít mắt: “Đùa chút, vui thôi, ý đó em mới nghĩ ra cách đây hai giờ”.

 

Thiên Kim đưa ra ba địa chỉ giải trí cho buổi chiều và tối, nếu thích Thanh có thể cùng dự. Thanh cảm ơn, bảo cần phải suy tính kỹ trước khi chọn lựa... Họ là bạn lâu năm của nhau, vừa giống tình nhân, vừa như bạn đồng giới. Lúc vui, Thanh gọi Kim: “Cô bạn kinh niên”. Đối lại, Kim tự xưng là “em 33”. Ba mươi ba xuân. Tuổi tác ám ảnh Thiên Kim khôn nguôi, nàng thường nói: “Mỗi khi lãnh thêm một tuổi, em muốn khóc!” ... Thanh đọc báo. Thiên Kim nằm võng ngủ một giấc dài nửa giờ. Trước khi về, Kim dặn: “Sáu giờ em gọi. Anh nhớ tắm sạch sẽ. Dù đi xem phim, đến nhà chú Hợp ăn rùa rang muối, hay đi dự sinh nhật đều phải tắm !”.

*

 

Nam Thanh ăn trưa ở quán Ba Hóa, như mọi ngày. Không nhìn ai, chẳng nghĩ gì. Ăn uống cũng cũ, quen, như làm việc ở công ty. Cắm cổ vào sổ sách, mệt đừ, nhưng nếu mỗi tuần nghỉ bốn ngày thì ... đáng sợ. Tiểu thư Bích Ngọc, con chủ quán, đến ngồi đối diện Thanh. Ngọc hoạt bát, nhí nhảnh, nói nhiều, thích phóng đại và bi thảm hóa mọi việc. Thanh chỉ khơi gợi vài câu, Ngọc đã kể ra gốc ngọn thực trạng của ngôi trường khốn khổ, nơi nàng dạy, với vô số chi tiết xám ngoét và buồn cười. “Vấn đề nằm ở thầy, không phải trò. Đa số giáo viên không ưa tay Khúc, hiệu phó, nhưng nay hắn lại sắp lên hiệu trưởng... Không ở đâu tật sùng bái chức tước nặng như giới giáo chức.” Khúc trẻ, lọai trẻ mốc meo, không đi đôi với mới mẻ. Người ta bảo, hắn lên nhanh nhờ vào mấy chiếc ô rộng. Giáo viên chia ra ba phe, một theo hiệu trưởng, một theo Khúc, và phe đứng giữa. “Em đứng về phía hiệu trưởng, Khúc kém toàn diện, chỉ được cái mồm khoác lác thôi”. “Em đừng đứng về phía nào cả, tránh chuyện sân si cho tâm hồn”. “Bộ óc còn hoạt động, mình phải bảo vệ lẽ phải và sự trong sáng. Có lần em nói thẳng với Khúc: Tôi rất nản khi đối diện những kẻ đầu rỗng”. “Thế nào là đầu rỗng?”. “Anh đừng bắt bí em”. “Nó đần độn nhưng mồm to, nó gào hay rống mặc xác nó ... Nếu gặp trường hợp này, anh sẽ không giận, không ghét, anh ung dung đứng xem”. Chuyện các “thầy” đấu đá nhau không lạ. Khá nhiều trường, ở nhiều nơi, rơi vào tình cảnh đó. “Người nóng tính thường nổi giận sẽ mau già, dễ đau tim”. Ngọc xua tay: “Em chẳng sợ già !... Lão Khúc biết anh đấy”. “Thật sao...để anh nhớ lại, Khúc nào”. “Lão nói, anh độc đáo, lưỡng tính, vô hại”. “Lưỡng tính ư? Lưỡng tính và vô hại ... Em không sợ à?” Bích Ngọc cười: “ Vì sao sợ? Em đâu phải gà con nhát gan...Lưỡng tính như gì, như con đỉa ?” Nam Thanh trầm ngâm: “Tên ấy làm anh hoảng... Khúc nào nhỉ ?”. Ngọc trấn an bạn: “Yên tâm đi, bao năm nay em thấy anh vẫn vậy, không thay đổi, vẫn chững chạc, đẹp, đáng yêu !”. “Những con đỉa , đen sì, mềm nhũn, chẳng lịch lãm chút nào!”

 

Chiều và tối Bích Ngọc có ba tiết mục hay, nàng rủ Thanh cùng đi. Ngọc quảng cáo: không phải lúc nào cũng có sẵn những cuộc vui hấp dẫn, đặc biệt. Thanh nói, chưa thể quyết định ngay, cần suy nghĩ sáu mươi phút, hoặc lâu hơn. Bích Ngọc thất vọng. “Đi chơi, vui thôi, có gì quan trọng đâu anh... Anh thường từ chối lời mời của em”. Quán vẫn đông khách, và vẫn yên tĩnh. Trưa này cũng giống hàng trăm buổi trưa trước đây, nhàn nhạt, uể oải. Làm việc, đi lại, ăn uống. Rồi, sắp tới đây, sẽ là gì? Sẽ ăn uống, làm việc, đi lại... Nhà, phố. Người. Xe cộ. Rất đông người. Nam Thanh nhìn ra đường, thấy nắng gắt, và những dòng người trôi đi, trôi qua – nhìn cô bạn ngồi trước mặt, quen, gần gũi như bức tranh trên tường, như tô chén trên bàn. “Nhân vật chính trong một tiểu thuyết Nhật nói với người tình: Anh sẽ tặng em một chùm ảo tưởng. Anh có chùm ảo tưởng nào không ?” Bích Ngọc hỏi... “Anh sẽ không quên lời mời của em. Anh đang nghĩ về anh chàng Khúc và sự lưỡng tính vô hại”. Nam Thanh không phản bác, cải chính những điều người ta nghĩ về mình. Có thể họ chẳng ác ý, chính cái tuổi bốn mươi hai làm phiền anh.

*

 

Tối, Thiên Kim và Bích Ngọc gọi điện đến nhắc lại lời mời đi chơi, Thanh từ chối cả hai. Anh nói thật, mình lười, không hứng thú. Lúc đầu anh định đưa ra vài lý do giả để hai bạn khỏi buồn. Nhưng nghĩ lại, không nên. Sao cứ phải biện bạch lòng vòng, làm khổ mình vì những thứ vu vơ. Đôi lúc ta cũng có quyền lười nhác tí chút, có quyền từ chối mà chẳng cần nêu ra một lý do nào cả.

 

Gần 8 giờ, Hà Huy - bạn trai thân nhất của Thanh - đến chơi. Hai, ba tuần Huy tới đây một lần. Huy thường tặng bạn những món quà nho nhỏ, như trái cây, dĩa hát, hôm nay là hai cuốn sách. Nam Thanh chỉ đọc báo, ít mua sách. Huy ra sức khuyến khích cổ vũ để Thanh mê sách, nhưng xem ra không mấy hiệu quả... Như thường lệ, Hà Huy nói, về nhiều đề tài, đủ chuyện lớn nhỏ. Nam Thanh nằm nghe, chỉ nghe, không khen chê. Huy nói, thỏa sức, chán thì thôi. Chỉ một thứ Thanh không thích, là nước hoa. Mùi nước hoa Huy dùng quá đậm, khó chịu... Hà Huy kể một chuyện phim anh vừa xem. Phim Nam Mỹ đặc sắc.  ( Nếu để ý sẽ thấy Huy gọi tất cả những phim anh đã xem là đặc sắc, những cuốn sách anh vừa đọc là tuyệt cú). Đây là phim Brazil. Có một chi tiết vui: Bọn cướp tấn công một trang trại. Chúng cướp vàng bạc, súc vật. Khi chúng rút lui, ông chủ trang trại thấy phe ta mất hai người: con trai ông, và một cô gái nô lệ. Tìm mãi mới gặp cả hai bị trói tay, miệng ngậm giẻ, nằm dưới giếng cạn. Anh chị bị cướp bắt, chạy thóat được, nhảy xuống giếng trốn. Giếng không nước, nhưng hai người đã chết cứng, chẳng hiểu vì sao. “Phim Nam Mỹ đậm chất trữ tình, hoang dã, dữ dội”. Hà Huy bảo Thanh đoán đoạn kết phim thế nào, nhưng nhìn lại, anh chàng đã ngủ ! Huy cười. Nam Thanh không cấm Huy nói, bù lại Huy không cấm Thanh ngủ. Nhờ thế tình bạn của họ đã kéo dài non mười năm. Trong cuộc sống, ta đừng lè phè, bê tha quá, nhưng cũng chẳng nên quan trọng hóa mọi vấn đề. Giấc ngủ “phim Brazil” dài chừng hai chục phút. Thanh dậy. Huy nói về việc đọc sách. Nếu chịu khó, ngày đọc vài trang sách Thanh sẽ quen, và thích. “Hai cuốn ( Huy mới mua ) này kể hai chuyện đáng nhớ: một phụ nữ da đen gắn bó, trung thành với bà chủ bị phá sản – một tình yêu của đôi nam nữ đẹp như...” Nam Thanh thở dài rõ to. “Tình yêu bao giờ cũng đẹp trong đầu mấy ông nghệ sĩ. Nhiều lúc tôi nghĩ, không hiểu họ có biết yêu chăng, yêu thế nào”. Hà Huy mừng:  “Muốn biết họ yêu ra sao thì ta đọc. Cam đoan, đọc nhiều, bạn sẽ mê tít... Điều chán nhất của dân ta là ít đọc sách, ít ở mức thê thảm”.

 

Hà Huy mời Thanh thứ bảy tới về quê ăn cưới. Đám cưới một cô em họ của Huy. Chắc chắn lý thú. Huy đưa ra những hình ảnh đẹp, có sức thuyết phục. Đó là một làng quê thơ mộng, còn giữ được nhiều nét xưa, có con sông như sông Tiền, có cánh đồng... Huy nói trước: “Không được lắc đầu, nên đi, thú vị lắm...Các nhà khoa học dự đoán, vài trăm năm nữa hình dáng con người sẽ biến đổi nhiều: dài ngoằng ra, lưng còng, đôi tay gần chấm đất, bởi ngồi quá nhiều bên các loại máy móc... Mỗi tháng bạn nên rời xa căn phòng này vài ngày”. Thanh bảo, để coi lại, hình như thứ bảy sẽ có ... Anh kể ra ba, bốn việc cần giải quyết. Hà Huy buồn. Từ đó tới lúc về, Huy không nói gì... Thanh tiễn bạn đến cửa, anh chìa tay ra, Huy không bắt tay lại ôm chầm anh, hôn lên má. Huy thường hôn Thanh, nhưng anh chưa bao giờ hôn lại. Cái hôn, và mùi nước hoa thơm nồng gây cho Nam Thanh cảm giác khó tả: ghê ghê, buồn buồn.

*

 

Bích Ngọc đến, im lặng quét dọn, lau bàn, rửa ly chén. Nam Thanh nằm quay mặt vào tường. Cô gái làm, vén khéo, những công việc nhỏ, tỉ mỉ, gọi chung là nội trợ. Đã ba ngày Thanh chê cơm, chỉ ăn cam, uống sữa. “Gần đây có ai tới thăm anh?”. “Hà Huy, bạn anh, và chị Khuê kế toán... Anh xin phép nghỉ ba ngày, nhưng nay đã năm ngày... Thấy anh không ra khỏi phòng, hôm nào bà chủ nhà cũng gõ cửa hai lần, bà sợ anh chết khô trong này”. “Nay anh phải ăn cơm”. Thanh nói, nhiều lúc anh cảm thấy người nhẹ hẫng, mất cảm giác, như bơi lơ lửng trên không. “Sáng hôm kia anh thấy em tới đây”. “Em ?”. “Anh nằm, nửa thức nửa ngủ, nghe tiếng gõ cửa. Mở mắt, anh thấy em đứng giữa cửa, cười. Anh bảo: vào đi. Em nói: mở cửa cho em... Anh ngồi dậy, chóng mặt, khó chịu, chưa nhận ra lúc này là sáng hay chiều. Em mặc áo xanh mới, cứ đứng đó gõ cửa cộc cộc. Đã đứng bên trong sao còn gọi ? Anh xuống giường, đi như không bước, suýt té. Anh mở cửa, bà chủ nhà thò đầu vào”. “Anh uống cà phê hiệu gì?”. “Cứ cà phê là được, không kể hiệu”. Bích Ngọc cho các quạt máy chạy hết cỡ, mở rộng hai cửa sổ. Nàng nói, không hiểu sao người ta lại sống được nhiều năm trong căn phòng kín mít, như con tò vò rúc trong tổ đất.  “Tối nay em ngủ ở đây, thử nghiệm cái thú đi hoang”. Nam Thanh mừng, cảm động. “Em đúng là quới nhơn của anh !”. Bích Ngọc bảo, mười hai giờ khuya nàng mới cho cha biết việc này. Cụ sẽ lo cuống, sẽ bớt than phiền về cái tuổi hai mươi chín !... Bích Ngọc nhận xét: Nam Thanh phải khuấy động, quậy mạnh để xua tan bầu không khí trầm trệ bao quanh đây, nếu không anh sẽ bị bụi bặm, rong rêu bám dày ! “Em thương anh, hay thương hại? Gì cũng được, miễn là tối mai, tối mốt em cũng đến nữa... Rồi anh sẽ mạnh. Chưa bao giờ anh thấy sống một mình nó lẻ loi, nó “một mình” như thế này!”.

 

“Hôm qua, lần đầu ba em bàn chuyện chồng con của em trước cả nhà, cụ nói: mày hăm chín rồi đấy, đừng quên !” Em đùa: con không quên đâu, mai con sẽ ra đứng giữa ngã năm rao to “ cô bác chú ý, tôi hai chín tuổi đây !”. “Nhiều người gọi anh là “gay””. “Thế à, anh buồn hay giận ?” “Không hiểu sao anh không thích nghĩ đến việc lấy vợ, kể cũng bất thường... Sách báo xếp các “gay” vào loại người của thế giới thứ ba. Có lẽ anh thuộc dạng thế giới thứ tư !”. “Mấy hôm nay anh uống thuốc gì ?”. Thanh đưa cho Bích Ngọc xem mớ lọ thuốc cũ, đều thuộc dạng trị các chứng nhẹ, “trung tính”. Mấy ông bác sĩ nói quanh co, đoán định không giống nhau. Một ông phán rằng anh chớm đau bao tử. Một ông bảo, anh mắc bệnh tưởng, chỉ cần nghỉ ngơi vài tuần, ăn uống thích hợp là khỏi. Nhưng khó thể nghỉ lâu, và ăn thế nào cho thích hợp, Thanh không biết. “Xưa nay anh không hiểu rõ mình lắm... Khổ là tháng ngày cứ trôi xuôi, anh đã ngoài bốn mươi... Anh vừa định bệnh, bốc thuốc cho mình: thay đổi lối sống, cách sống. Có lẽ anh phải mau chóng đưa ra một chọn lựa, một quyết định...”. “Mai em sẽ khoe với ba: con đã vào ngồi chễm chệ trong giấc mơ của một tín đồ Độc thân giáo !”.

*

 

Tắm rửa, ăn uống, xong xuôi mọi việc lớn nhỏ, mới hơn chín giờ. Bích Ngọc kéo võng xếp tới bên cửa sổ, nằm đọc báo. Có mùi gì thơm nhẹ, phảng phất trong gió. Đó là mùi đậu nành. Có một nhà chế biến cà phê gần đây. Họ rang, xay đậu nành, trộn vào cà phê. Kiểu gian lận này tốt, đậu nành bổ béo hơn cà phê ! Bích Ngọc đọc cho Nam Thanh nghe những tin vụn vặt, tin của tuần trước. Tin cũ, mới thực ra chẳng khác nhau mấy. Tin mới đây. Mới , là mới xảy ra, nhưng nội dung của chúng cũ xì.. Quái quỉ, năm ngoái hàng ngàn người vào tù vì lừa đảo, cướp bóc, buôn lậu, năm nay cũng thế. Sang năm thế nào ? Có lẽ cũng vậy, đó là kịch đời, kịch cũ... Dù cho tất cả mọi người đều là triệu, tỉ phú thì vẫn có người vào tù do những tội tương tự, bởi lúc đó sẽ nảy sinh các rắc rối, bất ổn, nhu cầu mới, ẩn sau những chiếc mặt nạ mới, dưới tầm vóc rộng, cao hơn hiện nay.

 

“Anh quan tâm điều gì nhất ?”. Nam Thanh suy nghĩ hơi lâu. “Trước, thứ khỉ gì anh cũng ghé mũi vào, nhưng nay, dù có nghe nói một con khủng long vừa từ dưới đất chui lên, đang quậy phá ở Gò Vấp, anh cũng chẳng để ý !”. “Nhưng anh cũng mua báo đây ?”. “Anh đọc tin thể thao, chứng khoán... Những người chết cách đây sáu, bảy năm thiệt thòi lớn: không biết trò chứng khoán!”. Nam Thanh ngủ, chập chờn, luôn trở mình, chép miệng. Bích Ngọc mở máy nghe nhạc. Quá mười một giờ, Thanh dậy, nói lớn: “Hay quá, em vẫn còn đây ! Lạ nhà em không ngủ được ?”. “Không, em quen ngủ muộn”. “Gọi về nhà đi, ba đang mong đấy... Một ngày đẹp trời nào đó, có thể ông cụ sẽ mở một cuộc hội thảo khoa học mổ xẻ về cái tuổi bốn hai của anh”. Bích Ngọc cười: “Năm mươi phút nữa mới gọi. Chơi cụ một vố đích đáng, để cụ nhớ lâu !”.

 

Sáng, trước khi về, Bích Ngọc rửa ly tách, nấu ấm nước, pha bình trà, và pha một ly cà phê cho Thanh. “Lát nữa Út Em sẽ mang cháo đến, trưa em sẽ đem cơm... Cố ăn vào, biết đâu cơm cá sẽ làm anh mạnh, biết đâu ông bác sĩ bảo anh mắc bệnh tưởng là bác sĩ giỏi”. Bích Ngọc ra khỏi phòng, đóng cửa lại, nhẹ nhàng. Nam Thanh vui sướng, anh bước xuống giường, làm vài động tác thể dục. Rồi bỗng nhiên, anh hét lên: “Thiên Kim, đừng trách ta !... Ta sẽ nói to cho thiên hạ nghe: tôi lên xe hoa đây...tôi không phải “gay” !”./.

Lê Văn Thiện
Số lần đọc: 1853
Ngày đăng: 25.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài giảng trên núi - Nguyễn Ước
Bay đi chim bồ câu - Lưu Thuỷ Hương
Nỗi Khổ Không Rời - Mang Viên Long
Kể chuyện Giuđa - Kahlil Gibran
Hoa Nghĩa Địa - Quý Thể
Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa - Vũ Thư Hiên
Một Chút Ngậm Ngùi - Phạm Văn Nhàn
Trên Một Chuyến Xe - Võ Thụy Như Phương
Bóng đè - Huỳnh Văn Úc
Đừng Có Mơ - Lê Nguyệt Minh
Cùng một tác giả
Biển cũ (truyện ngắn)
Nó nằm trong túi áo (truyện ngắn)
Ngày đó (truyện ngắn)
Cực lạc (truyện ngắn)
Ao buồn (truyện ngắn)
Mây Khói Lên Trời (truyện ngắn)
Chết đường (truyện ngắn)
Như Nguyệt (truyện ngắn)
Cho Kẻ Khuất Mặt (truyện ngắn)
Nói Trong Đêm (truyện ngắn)
Mộng (truyện ngắn)
Ngoại Lệ (truyện ngắn)
Chợ Tối (truyện ngắn)
Quá đã (truyện ngắn)
Âm Thầm (truyện ngắn)
Chiếc phao (truyện ngắn)
Ánh Sáng Trước Mặt (truyện ngắn)
Chuyện Tình (truyện ngắn)
Có Miền Sông Nước (truyện ngắn)
Như Là Vô Định (truyện ngắn)
Chuyện Vườn Đào (truyện ngắn)
Róc Rách Suối Ngầm (truyện ngắn)
Cổ tích mới (truyện ngắn)
Người đi (truyện ngắn)
Lơ mơ Ngọ (truyện ngắn)
Kỷ Niệm (truyện ngắn)
Một lối tiện lợi (truyện ngắn)
Chờ Mong Mòn Mỏi (truyện ngắn)
Nắng Quái (truyện ngắn)
Kêu ai (truyện ngắn)
Quán vắng (truyện ngắn)
Mưa Chết (truyện ngắn)
Mưa Lạ (truyện ngắn)
Bàn Tay Ấm Áp (truyện ngắn)
Diễn Viên (truyện ngắn)
Gió đưa (truyện ngắn)
Buồn Một Mình (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Quế (truyện ngắn)
Ôm Đĩ Mất Tiền (truyện ngắn)
Đẹp Và Ảo (truyện ngắn)
Tình Quê Xa Khuất (truyện ngắn)
Thư Giãn (tạp văn)
Mần Ăn (truyện ngắn)
Quả Bóng (truyện ngắn)
Giàu Nghèo Ngổn Ngang (truyện ngắn)