(Nhân đọc “Chuyện của Paco” - Tiểu thuyết của Larry Heinemann, NXB Phụ nữ, 2011)
Tôi vừa có dịp “gặp” lại các bạn trong tiểu thuyết “Chuyện của Paco” (CCPC). Gọi là “gặp lại” vì tôi đã có lần gặp Larry Heinemann ở Huế. Hồi đó, trong chuyến đi dọc đất nước Việt Nam, ông đã ghé lại Huế nhiều ngày để “mong muốn hiểu thêm và kỹ hơn về văn hoá và văn học dân gian của các vùng” (như Bảo Ninh đã viết trong “Lời tựa” CCPC) với sự giúp đỡ của nhà thơ Võ Quê cùng nhiều cán bộ văn hoá-văn nghệ ở Huế. Cũng như Bảo Ninh - có lẽ nói đúng hơn là “tệ” hơn Bảo Ninh - cũng trong dịp anh gặp ông ở một tiệm rượu phố Bà Triệu (Hà Nội) trước khi ông vào Huế - tôi vốn là kẻ kém giao tiếp, lại mù tịt tiếng Anh, nên ngoài lời chào và cái bắt tay thật chặt, chẳng biết nói gì hơn. Dù vậy, ông đã tặng tôi cuốn Paco’s Story (bản tiếng Anh “Chuyện của Paco), có lẽ do được giới thiệu tôi là người viết tiểu thuyết. Có thể là ông đã quên lần gặp ngắn ngủi với tôi bên bàn cà phê trong sân Hội Văn nghệ 26 Lê Lợi chục năm trước; còn tôi, cũng đã quên ông, quên cả cuốn Paco’s Story mà tôi đã tặng lại cho một giảng viên tiếng Anh…
Một điều cũng nên thú thật là thoạt nghe ông nói qua về tác phẩm, tôi cứ nghĩ CCPC viết về trận chiến bi thảm của lính Mỹ ở “Đồi Thịt Băm” trên A Lưới và nhân vật chính là một người… dân tộc Pa Cô! Cho đến hôm nay, đọc bản dịch Paco’s Story của Phạm Anh Tuấn, tôi mới biết mình nhầm vì một cách nghĩ có thể gọi là… ấu trĩ về văn chương. Chinh nhờ tác giả không “bám” thực tế một cách quá máy móc và thật thà - Paco và các nhân vật khác cũng như cứ điểm Harriette trong tiểu thuyết đều là hư cấu - nên ngòi bút không bị trói buộc và tác phẩm có sức khái quát cao.
Bảo Ninh, qua “Lời tựa” cuốn tiểu thuyết - một “Lời tựa” dài hiếm thấy (8 trang), nhưng chỉ có mấy dòng giới thiệu tác phẩm: “… Thiết nghĩ, chỉ trong những tác phẩm văn học đích thực ấy (như “CCPC”, theo ý Bảo Ninh - NKP chú giải) mới hiện lên đích thực bi kịch Mỹ trong và sau chiến tranh Việt Nam, và mới thực sự cho ta thấy cuộc đời cùng số phận của những người Mỹ lính tráng, nông dân, thợ thuyền, tiểu thị dân… bị chiến tranh đày đoạ và giày vò như thế nào…”; còn nữa, anh dành để tâm sự, giãi bày nỗi băn khoăn gần như là ân hận vì “không được đọc và không đọc được rất nhiều tác phẩm văn học muốn đọc và cần phải đọc…biết quá ít về nước Mỹ, người Mỹ, hoặc biết theo cái lối rất cũ lỹ, phiến diện và ấu trĩ một thời…Tôi tự hỏi mình biết gì về văn học thế giới một khi không biết gì đáng kể về văn học Mỹ… Mà không hiểu văn học Mỹ, thì làm sao có thể viết được cho hay, chí ít là có sức thuyết phục, về cuộc chiến tranh ấy…”
Tôi hoàn toàn chia sẻ những điều Bảo Ninh giãi bày. Thú thật là tôi chưa đọc một trang sách nào miêu tả “cận cảnh” những người lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam một cách trần trụi và cả thô tục nữa như CCPC. Đây là cảnh lính Mỹ “xử” một “người Việt” bị bắt:
“…gã người Việt đó sẽ trợn tròn mắt nhìn, co rúm người lại vì sợ. Chúng tôi sẽ nện thằng chó đó nhừ tử; cho đến khi mỏi tay thì thôi - “còn ai muốn nện nó nữa không? Một thụi. Hai thụi. Đù mẹ, ba thụi. Sau đó một người sẽ giữ gã đó trong khi Jonesy lấy ra con dao cạo có cán nạm xà cừ… bằng một động tác chậm rãi, bình tĩnh và bình thản giống như để bổ một quả dưa, Jonesy sẽ cắt đứt cổ họng gã người Việt đó từ bên này sang bên kia…”
Còn đây là cảnh vụ hiếp dâm tập thể một du kích mà Paco nhớ lại khi đã trở về Mỹ và sắp phải chạy trốn khỏi một quán ăn mà khó khăn lắm anh mới xin được việc rửa bát ở đây, vì không muốn lộ “tung tích” của mình: :
“…Nó gào lên bằng tiếng Việt không ai hiểu nổi nhưng hoàn toàn có thể luận ra, “Đồ con lợn, mấy là đồ co lợn. Lính Mỹ là đồ con lợn ăn cứt xấu xa nhất. Tao nhổ vào mặt mày!”…Jonesy tiến lại gần phía sau đưa con gái đó, hắn rút con dao cán nạm xà cừ bằng một động tác vung tay của nhà ảo thuật…rồi hắn rạch chiếc quần đen mỏng từ gấu tới cạp giống như người ta kéo phecmơtuya áo tới tận cổ… Sau đó, Gallgher bước lại gần phía sau đứa con gái, đứng giữa hai chân của nó, mở khoá quần rồi rút cu của hắn ra…”
Larry Heinemann miêu tả với những từ ngữ “lính tráng” tục tằn đến nỗi tôi không thể trích dẫn tiếp. “Sau khi tất cả đều đã xong lượt của mình bao nhiêu lần tuỳ thích”, Gallagher “nắm cả mớ tóc trên đầu nó mà giật…Hắn túm đứa con gái đó giống như người ta bóp cổ một thằng nhóc con đéo nào đó - thành thạo và gọn gàng đéo chịu được - hắn gí đứa con gái dựa vào tường… đặt họng súng vào trán của đứa con gái, ở chỗ nằm giữa hai lông mày…Paco còn nhớ tia máu phun ra, những mảnh gạch và xương vụn văng tung toé lên người Gallagher và Jonesy và tất cả mọi người…”
Bảo Ninh thì gọi đây là những trang sách “gai góc và gây sốc” và tại hội thảo về cuốn Paco’s Story tại Boston, anh đã chứng kiến công chúng Mỹ có những phản ứng “gần như đối chọi: cười khóc, tán thưởng, giận dữ, vỗ tay và la ó.” Theo dịch giả Phạm Anh Tuấn, một giáo sư sử học tại Đại học Wiconsin đã nói với tác giả Paco’s Story rằng :”nếu ông ta gặp những người lính như Larry Heinemann, ông ta sẽ nhổ nước miếng vào mặt họ.”
Là tiểu thuyết, không ai nghĩ Larry Heinemann là Gallagher, Jonesy hay Paco - người lính duy nhất trong đại đội Alpha sống sót với thương tật đầy mình trên cứ điểm Harriette. Cũng theo dịch giả Phạm Anh Tuấn, chúng ta biết tác giả từng là lính của sư đoàn bộ binh 25 đóng tại Củ Chi và Dầu Tiếng những năm 1967-1968 và em trai ông - có nhiều nét rất giống nhân vật Paco - cùng sang Việt Nam thời gian đó; chỉ khác, anh ta trở về Mỹ và đã tự tử! Cho dù vậy, tôi cứ thầm mong ông chỉ là người chứng kiến hoặc nghe cậu em kể lại những cảnh khủng khiếp và man rợ mà Paco từng trải. Và có khi ông đã bịa thêm, cường điệu thêm…Bởi vì tôi nhớ lại lần gặp ông tại Huế, nhớ ánh mắt, nụ cười hóm hỉnh, thân thiện của ông và cái nắm tay nồng ấm mà mình đã dành cho ông. Không lẽ một con người như thế lại từng gây ra những tội ác ghê tởm với đồng bào mình?
Vậy mà có lần ông nói: “Không ai hiểu được sự tàn bạo của chiến tranh bằng những người lính bộ binh bình thường” và ông “muốn viết một câu chuyện trung thực để hất tất cả cái thứ bẩn thỉu đó vào mặt những kẻ đã gây những thứ bẩn thỉu đó.”
Chúng ta hiểu vì sao một số bạn đọc Mỹ “la ó” - “CCPC” đã vạch trần sự dã man và cả lý do thất bại của cuộc chiến mà chính phủ Mỹ đã một thời cố sức tô vẽ với nhiều mỹ từ.
Có phải nhờ thế - chứ không phải nhờ sự xoa dịu của quãng cách thời gian - mà đọc những trang dễ “gây sốc” nhất trong CCPC, chúng ta không căm thù Gallagher, Jonesy hay Paco…, mà chỉ thấy ghê sợ và oán ghét những kẻ đã gây ra chiến tranh. Chiến tranh đã khiến con người tha hoá, tàn nhẫn hơn cả súc vật như thế đó.
Vậy mà khắp nơi - từ Trung Đông cho đến châu Á…- súng vẫn nổ, thiên hạ vẫn chạy đua mua sắm vũ khí, hằm hè gây ra những cuộc chiến tranh mới! Hoá ra con người rất khó “thuộc” những bài học đắt giá trong quá khứ.
Có phải vì thế mà Paco’s Story đã được trao giải thưởng Sách Quốc gia dành cho thể loại hư cấu ở Mỹ năm 1986, một giải thưởng lớn khiến “mọi người sửng sốt bởi vì họ đều đinh ninh người được trao giải sẽ là Toni Morrison - người 5 năm sau đó đã được trao Nobel Văn học”. Và nhiều báo chí đã khen ngợi hết lời Paco’s Story: “Có sức gợi ghê gớm…ngôn ngữ như đi từ ruột gan và hấp dẫn khôn cưỡng …” (The Boston Herald) “…Một cuốn tiểu thuyết dữ dội, cay đắng, nó khoét một lối đi vào trong tâm trí và khước từ đi ra khỏi đó.” (The Chattanooga Times)…
Tôi bỗng nhớ tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh một thời đã bị không ít người lên án, có lẽ chẳng khác chi CCPC bị “la ó” ở Mỹ. Sự thật trần trụi của chiến tranh là món cay đắng không dễ “nuốt” đối với mọi người.
Nếu tôi nhớ không nhầm - một dạo có tờ báo loan tin tác giả của “Nỗi buồn chiến tranh” sắp công bố tiểu thuyết mới, nhưng đến nay anh vẫn bỏ trong “ngăn kéo”? Anh không dám viết trần trụi, nhìn thẳng vào sự thật như Larry Heinemann hay anh đã viết như thế nhưng e ngại búa rìu của dư luận?
Không phải ngẫu nhiên mà Bảo Ninh lại nhận viết “Lời tựa” cho CCPC. Một sự “hội tụ” cũng có ý nghĩa và nhờ thế, tôi có dịp được “gặp” cả hai nhà văn nổi tiếng trong cùng một cuốn sách./.