Giải Đặc Biệt Ban Giám Khảo Cannes 1987
Sám hối là bộ phim mới nhất của đạo diễn người Gruzia, Tengiz Abuladze, thực hiện năm 1984 với sự yểm trợ của Đài truyền hình Gruzia, và sự ủng hộ tích cực của E. Sévarnadze, lúc ấy là Bí thứ thứ nhất Đảng cộng sản Gruzia. Sám hối là phần cuối của bộ ba, tiếp theo sau Nguyện cầu (1966) và Cây khát vọng (1977). Bộ phim không chỉ thu hút giới báo chí, các nhà phê bình điện ảnh mà gồm khán giả khắp nơi trên thế giới. Mới đây, Sám hối đã giành được giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes năm 1987, và huy chương vàng Liên hoan phim quốc gia Liên Xô 1987 – phim cũng đã được chiếu tại thành phố Hồ Chí Minh, ở Nhà văn hóa Khoa học Liên Xô.
Câu chuyện được khởi đầu bằng cái chết của Varlam Arevidze (Avtandil Makharadze), thị trưởng thành phố. Đám tang thật trọng thể, có diễn văn và những nhân vật thế lực của thành phố đến tiễn đưa. Bên quan tài có con trai Avtandil Makharadzé) con dâu, Gulico (Nia Ninidzé) và cháu nội, Tornike (Mérab Ninidzé) mới 17 tuổi.
Sáng hôm sau khi thức dậy Gulico phát hiện xác cha chồng được dựng đứng nơi một gốc cây trước nhà họ lặng lẽ đem chôn. Rồi hôm sau, cũng chính Gulico một lần nữa nhìn thấy xác Varlam được đặt ở vị trí cũ. Lần này cơ quan an ninh đến họ chở xác Varlam đi trên chiếc xe ngựa bịt bùng trước đây dùng để chở tù để điều tra, trước khi trả lại cho thân nhân mang đi chôn. Chôn cất lần thứ ba xong, theo gợi ý của một người hàng xóm họ làm một cái lồng sắt rào ngôi mộ lại như chuồng sư tử. Nhưng buổi sáng sau đó, chính người hàng xóm phát hiện xác Varlam được đặt trên ghế ở nhà dưới.
Một lần nữa, họ đem xác đi chôn và đêm đến nhờ lực lượng an ninh canh giữ.
Ngoài những người đó, Tornike tự động xách súng vào nghĩa trang định bắn kẻ đã xúc phạm ông nội mình. Nửa đêm, Tornike nhìn thấy kẻ đào mồ. Chàng thanh niên căm giận đưa súng lên ngắm và bóp cò. Tiếng súng nổ, và mọi người đổ xô lại. Kẻ bị bắn chỉ bị thương ở tay, và rõ ra đó là Ketevan Barateli, người phụ nữ làm bánh khéo tay ở gần đó. Thế là Ketevan bị bắt và bị đưa ra tòa.
Trước tòa, Ketevan nhìn nhận mình đã đào mộ Varlam nhưng không nhận hành vi đó là tội. Cô khẳng định: chừng nào tôi còn sống, Varlam không thể nằm yên dưới đất. Đó là bản án chung quyết không thể chống án. Chính đấng tối cao đã xử hai chúng tôi như vậy – tôi và Varlam. Không phải ba lần mà ba trăm lần tôi vẫn đào!
Được tòa yêu cầu Ketevan cho biết: Khi Varlam nhận chức thị trưởng thành phố thì cô mới tám tuổi. Cha cô, họa sĩ Sandro Barateli (Ghi. Orgobiani) đã có lần đến gặp Varlam cùng một số người để yêu cầu ông ta đừng cho thí nghiệm khoa học trong nhà thờ. Sau cuộc gặp gỡ, những người đó, và lần lượt đến Sandro, Mikhail bí thư của Varlam, bạn thân của Sandro, và cuối cùng là mẹ cô, Nino Barateli (Ketevan Abuladze) đều đã bị bắt giam, bị đọa đày cho đến chết.
Phiên tòa tạm ngưng. Tornike hiểu rằng ông nội mình thật sự là kẻ có tội, còn cha mình, ít ra cũng là kẻ đồng lõa. Chàng trai 17 tuổi rất đỗi hối hận và thống khổ hơn khi chính mình là kẻ cầm súng bắn vào người phụ nữ đó. Anh đích thân đến nhà giam xin Ketevan thứ tội. Trong khi đó, Avel, vợ và vây cánh của ông ta, gồm những người có thế lực đã hoạch định âm mưu đưa Ketevan vào nhà thương điên. Biết được âm mưu của cha, đau khổ, tuyệt vọng và xấu hổ vì gia đình, Tornike dùng súng tự sát. Còn Avel, sau cái chết của con trai, mới thức tỉnh tự tay đào xác Varlam ném từ trên núi cao xuống thành phố.
Có lẽ những gì chúng ta được chứng kiến trên màn ảnh đó có thể chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ trả thù của Ketevan Barateli, người phụ nữ làm bánh mà chúng ta đã gặp ngay ở phần générique, đang nói chuyện với một người đàn ông mặc đồng phục kaki, và cũng chính cô với người đàn ông đó ở đoạn kết thúc. Do đó, chúng ta sẽ không ngạc nhiên vì những chi tiết tưởng chừng như phi logique: Ketevan, bị cáo mặc áo quần rất thời trang, lại bị dẫn đi bởi những người lính mặc giáp, cầm vũ khí, và các quan tòa áo chùng, đội mũ thời trung cổ. Trong khi một số người tham dự phiên tòa lại đọc báo, nói trước máy ghi âm, ông chánh án táy máy chơi Rubik. Tất cả đó là cách thế xử lý nghệ thuật của đạo diễn, hoàn toàn không đi ngược lại với nội dung, thậm chí nó càng khẳng định: Câu chuyện điển hình này không ở đâu cả, nhưng ở bất cứ đâu. Ở đâu mà công lý bị chà đạp, phẩm giá con người bị tước đoạt và sinh mạng người công dân thường xuyên bị đe dọa va sự sợ hãi trở nên là chuyện bình thường trong xã hội.
Còn Varlam là ai? Chắc hẳn các tác giả của bộ phim muốn trình bày cho khán giả biết rằng những gì họ đưa ra màn hình không thể thu nhỏ thành một nhân vật lịch sử cu thể nào đó. Chính đạo diễn Tenguiz Abuladze đã giải thích: “Đó là tất cả những kẻ độc tài. Tôi cho thấy điều đó bằng một loạt chi tiết: chiếc kính kẹp mũi, đó là Beria, bộ ria mép, đó là Hitler, ưa cao giọng hát, đó là Mussolini. Và có thể kể ra đủ thứ bậc những kẻ độc tài, từ Néron đến bọn Hồng vệ binh của Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc (Le Monde, 7.7.1987).
Varlam là một con bệnh với chứng say mê quyền lực trầm trọng. Dưới mắt ông: cứ ba người thì có đến bốn kẻ thù; để đi đến hành động, Varlam đã nhắc lại lời Khổng Tử: Khó mà bắt được mèo đen trong phòng tối, nhất là mèo không có trong ấy, nhưng ông đã cố tình hiểu sai và giải thích theo ý mình bằng cách thêm vào sau câu nói đó: Nếu muốn chúng ta sẽ bắt mèo trong phòng tối. Do mù quáng bởi ý muốn tiêu diệt kẻ thù nghịch với mình, ông ta không từ chối bất cứ một thủ đoạn nào để bắt bớ, đày ải và thủ tiêu những người vô tội. Tất cả những thủ đoạn đó lại được che đậy bởi những từ ngữ hoa mỹ: Vì lợi ích dân tộc, vì sự nghiệp chung, vì nguyện vọng của đa số, và vì thế hệ tương lai v.v… Nhưng tất cả những sự bắt bớ, thanh toán đó đã được thi hành như ngoài ý muốn của ông ta, do người khác làm, có thể do chính người bị kết tội hoặc do những thủ hạ lạm dụng quyền lực của ông. Varlam có thú vui là rình rập một nạn nhân, bắt đầu cái trò chơi độc ác với kẻ thù mới của mình bằng chính việc chuẩn bị một phương thức hành xử đẫm máu.
Hành động chống lại con người tiêu biểu nhất của Varalm là bất chấp sự can gián, ông ta cho làm thí nghiệm khoa học trong đền thờ, làm nổ tung đền thờ. Varlam muốn chặt đứt rễ sống nuôi dưỡng và làm giàu đời sống tinh thần của nhân dân xóa bỏ truyền thống văn hóa – đối với Varlam, đó là kẻ thù chính, và Varlam sẽ không thể yên tâm khi nào chưa huy diệt cái đó, và tất cả những tài năng chung quanh ông ta.
Thật ra, Sám hối không chỉ đề cập đến vấn đề số phận con người bị chà đạp dưới lòng hận thù điên cuồng của những kẻ độc tài như Varlam. Bức thông điệp mà các tác giả của bộ phim gửi tới chúng ta là đánh giá thế nào, có thái độ ra sao trước những sai lầm và tội lỗi của chúng ta trong quá khứ và hiện tại? Ở đây, Ketevan rất dứt khoát hành động trả thù của cô xem ra có ve lạ lùng, nhưng phải hiểu cô là nạn nhân. Đối với cô:” Trao ông ta cho đất tức là tha thứ cho ông ta, là làm ngơ trước tất cả những gì ông ta đã phạm.”. Làm như thế không phải để sỉ nhục một xác chết như công tố viên đã chất vấn cô, mà vấn đề của cô ở chỗ chừng nào người ta còn bảo vệ ông ta, thì ông ta vẫn còn sống, những tay chân của ông ta sẽ tiếp tục con đường của ông ta, còn tiếp tục làm cho xã hội càng trở nên tệ hại. Thai độ của Ketevan khác hẳn Mikhail, ông tự nhận: Tôi phải đào đường hầm từ Bombay đến Luân Đôn, và Mikhail có ảo tưởng những lời khai phi lý của mình sẽ đánh đổ kẻ độc tài.
Đạo diễn TENGUIZ ABULADZE
Tenguiz. Abuladze sinh ngày 31.1.1924 tại nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Georgia. Khởi đầu tìm kiếm một nghề nghiệp cho đời mình, ông theo học ngành đường sắt tại thủ đô Tbilisi và tốt nghiệp vào năm 19 tuổi (1943), rồi theo học tại viện kịch nghệ và, cuối cùng, cùng với bạn là Revaz Chkheidze, người sẽ cùng với ông làm phim Con khỉ của Magdan, - thi vào trường Điện ảnh Matxcơva, tại đây ông được trực tiếp học hỏi với những đạo diễn lớn của nền điện ảnh Xô Viết, như Sergei Yotkevich và Mikhail Romm. Tốt nghiệp năm 1952, T. Abuladze cùng với R. Chkheidze đứng tên chung đạo diễn một số phim do Xưởng Gruziafilm sản xuất, có thể kể: Dmitry Arakishvili (tài liệu, 1952), Lâu đài của chúng tôi (tài liệu, 1953), v.v…Năm 1955, hai người bắt đầu làm phim truyện, và bộ phim truyện ngắn đầu tay của hai người mang tên Con khỉ của Magdan đã nhận được giải thưởng lớn tại LHP quốc tế Cannes, 1956. Phim nói về mấy đứa tre tìm thấy một con khỉ nhỏ bị một người buôn than giàu có bỏ rơi, chúng đã đem nó về nhà và săn sóc nó. Thế rồi người chủ cũ đòi lại con khỉ và kiện các cậu bé ra tòa. Toàn thể dân làng gồm cả già trẻ đã xuất hiện ở tòa án để bênh vực cho các “bị cáo” nhỏ tuổi. Chuyện phim rất bình dị song chủ đề chính của nó đã báo hiệu cho thấy tư tưởng xuyên suốt của T. Abuladze trong những tác phẩm về sau, đó là lòng trung thực, trách nhiệm và sự liên đới của con người.
Năm 1958, T. Abuladze bắt đầu đứng tên riêng đạo diễn phim Những đứa con của người khác, và rồi năm 1963, ông làm phim Tôi, bà nội, Iliko và Hillarion theo truyện ngắn của nhà văn Nodar Dumbadze. Ơ bộ phim trước, T. Abuladze đi sâu vào vấn đề con người và gia đình, còn ở phim sau, cái nhìn của ông tập trung vào con người và đất, con người và quê hương nơi anh ta sinh ra cùng với những mối dây quan hệ chằng chịt. Những nhân vật trong phim đại biểu cho tính cách dân gian, người chủ của những giá trị truyền thống của dân tộc. Thời gian này (1961), T. Abuladze được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Công huân Nước cộng hòa Georgia.
Từ 1969, T. Abuladze đã thực hiện một loạt các phim: Nguyện cầu, Chiếc vòng cổ cho người tôi yêu, Cây khát vọng, và rồi Sám hối. Trong đó đáng chú ý nhất là bộ ba phim Nguyện cầu, Cây khát vọng, và Sám hối. Đã có không ít những câu hỏi được đặt ra về bộ ba phim này, người ta cần biết xem tính xuyên suốt chủ đề của các phim, rằng thực sự T. Abuladze muốn gửi gắm thông điệp gì cho con người thông qua sáng tác của mình. Và ông đã trả lời: Trong “Nguyện cầu”, người ta giết một con người vô tội như khi cắt cổ một con lợn vì lý do tôn giáo. Trong “Cây khát vọng”, một cô gái trẻ là nạn nhân của “những ân nhân” của cô, và cô đã chết nhục nhã trước mặt dân làng nhân danh một sự thật không bao giờ là của cô. Trong “Sám hối”, cả một dân tộc là nạn nhân. Tất cả chúng ta đều có tội vì sự hiện hữu của Varlam và những kẻ giống như hắn, chúng ta có tội vì con của hắn là Abel luôn luôn sống giữa chúng ta.
Cây khát vọng được trao giải “David de Dontallô” – một trong những giải có uy tín nhất tại Ý trao hàng năm cho những nhân vật hoạt động văn hóa nổi bật của Ý và thế giới. Còn Ervin Rado, Chủ tịch LHP Melbourne nói: Sự thành công của “Cây khát vọng” nằm trong tính cách phổ quát của nó, vì phim nêu lên những vấn đề mà nhân loại quan tâm: Những giấc mơ và niềm hy vọng.
Khởi đầu từ một góc nhỏ của nước Nga mênh mông, T. Abuladze ngày nay đã được toàn thế giới biết đến như một bậc thầy của nền điện ảnh Xô Viết hiện đại. Người nghệ sĩ ấy đã chiến đấu không khoan nhượng chống lại bất kỳ một hình thức áp bức nào. Người ta biết rằng Sám hối khi mới được làm ra đã bị các “giới thẩm quyền” kiểm duyệt, cho xếp xó hai năm ròng chỉ vì nó đã dũng cảm nói lên sự thật, một sự thật trần trụi và đau xót của số phận con người không phải ở mức độ một cá nhân mà la của cả một dân tộc! Nó vạch ra cho thấy trách nhiệm của mỗi một con người chúng ta trước tội ác. Nếu tôi còn làm được một điều gì đó, tôi sẽ chỉ làm những gì mà tôi không thể không làm. – T. Abuladze nói – Ngày nào mà cái xác của Varlam không bị ném cho quạ rỉa thì ngày đó họng súng của hắn sẽ luôn luôn nhả đạn và chúng ta tiếp tục mất đi những người thân thích ruột rà, nạn nhân của cái sức mạnh của hắn tuy đã chết nhưng vẫn con hung hãn.
Liên hoan phim Cannes, 1956 đã giới thiệu cho thế giới thấy một tài năng nhiều triển vọng, còn giờ đây cũng ở Cannes 1987 và ở LHP toàn Liên Xô lần thứ 20, hơn 30 năm đã trôi qua, người ta gặp lại không phải chỉ là một đạo diễn tài hoa mà là một nghệ sĩ dũng cảm đã, thông qua tác phẩm của mình, đấu tranh cho phẩm giá của con người. Những tác phẩm đó đã đưa T. Abuladze với tư cách là nhà nghệ sĩ chân chính lên đến đỉnh cao của vinh quang. Thế nhưng với tuổi 63, ông vẫn không ngừng lên đường để tiếp tục khai quật những ngôi mộ đã làm cản trở con đường tiến hóa của lịch sử tinh thần nhân loại. Tôi mong ước rằng tất cả chúng ta đừng bao giờ “bằng miệng mà không bằng lòng”. Hãy tự vượt qua sự dối trá, đó là điều quan yếu nhất của con người.