Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.125
123.140.081
 
Oliver Stone, Hành Trình Của Người Trí Thức
Sâm Thương

Từ những ngày đầu, chiến tranh Việt Nam đã trở thành một đề tài “đặc biệt” đối với các nhà văn, các nhà điện ảnh Mỹ. Đó không chỉ là một biến cố bi thảm, một nỗi kinh hoàng, một vết đau, mà theo như các nhà phân tích, chiến tranh Việt Nam không giống như những cuộc chiến tranh khác, nó “không phải chỉ là chiến tranh mà còn là lịch sử”. Tuy nhiên, không phải ở giai đoạn này không có những bộ phim ra đời như Tài xế tắc xi (Taxi – Driver, 1976), Sấm rền (Rolling Thunder, 1977), những anh hùng (Heroes, 1977), người săn Nai (Deer Hunter, 1978), Hồi hương (Coming Home, 1978), Ngày tận thế (Apocalypse Now,1979), Chiếc áo giáp thép (Full Metal Jacket, 1987)… có thể như để lý giải, hay muốn cởi bỏ một nỗi ám ảnh… thì khuôn mặt tiêu biểu nhất trong điện ảnh Mỹ lúc này không ai khác hơn Oliver Stone.

 

 

Angelina Jolie và Oliver Stone

 

Năm 1965, khi chiến tranh thực sự leo thang, trong số hàng chục vạn binh lính Mỹ ồ ạt đổ vào Việt Nam có Oliver Stone, lúc đó mới 19 tuổi, đầy ắp nhiệt huyết và khát khao.

 

Oliver Stone được thuyên chuyển đến Sư đoàn 5 bộ binh, anh thực sự tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam, và những gì tự mình trải qua trong hai năm ấy tại chiến trường đủ cho anh hiểu rõ bộ mặt thật của cuộc chiến tranh đó.

 

Sau khi mãn hạn quân dịch. Oliver Stone hồi hương, “làm lại từ đầu với phần thời gian còn lại trong đời” với một ý thức: “Những ai trong số chúng tôi đã gây ra cuộc chiến tranh tàn phá này phải có trách nhiệm xây dựng lại và phải có nghĩa vụ chỉ cho người khác về những gì mà chúng tôi biết rõ về cuộc chiến tranh. Bằng những gì còn lại trong cuộc đời, chúng tôi phải tìm ra điều tốt và ý nghĩa cho cuộc sống.

 

Sau khu vượt qua được những cơn khủng hoảng, chấn động tâm lý, anh ghi tên theo học trường Đại học Yale, và Đại học điện ảnh tư tại New York và trở thành một nhân vật phản chiến; đồng thời, anh chọn lựa con đường đi đến điện ảnh, coi đó là cách để thể hiện ý nghĩa làm người, ý thức trách nhiệm của một công dân đối với lịch sử, hay đúng hơn của một trí thức, nếu định nghĩa trí thức như một thái độ sống.

 

Với tư cách là nhà văn, Oliver Stone đã viết Tên Conan man rợ (Conan, the Barbarian), Bàn tay (The Hand), Chuyến tàu tốc hành nửa đêm (Midnight Ex-press), và với tác phẩm này, Oliver Stone đã được trao tặng giải Oscar 1978 dành cho kịch bản xuất sắc nhất. Tiếp đó là Salvador, Chiến trường địa ngục hay Trung đội (Platoon), Wall Street, Sinh ngày 4 tháng 7  v.v…

 

Bộ phim Trung đội được mở đầu bằng trường đoạn chiếc máy bay vận tải C 130 chở một đám cherries (tiếng lóng chỉ tân binh Mỹ) tới một chiến trường miền Nam gần Campuchia, và mang đi những bọc plastic đựng xác lính Mỹ tử trận. Trong số những tân binh đó có Chris Taylor (do Charlie Sheen đóng).

 

Chris vừa đúng 19 tuổi, xuất thân từ gia đình giàu có, tình nguyện nhập ngũ với tâm trạng đầy phấn khích, dào dạt tinh thần phụng sự Tổ quốc như trong lá thư anh ta gửi về Mỹ cho bà nội, hứa “…cố gắng noi gương ông nội trong Thế chiến thứ nhất và gương cha trong Thế chiến thứ hai”. Nhưng không bao lâu sau khi đặt chân đến miền Nam Việt Nam, tiếp cận cuộc chiến cùng những đồng đội mình, lý tưởng của Chris bắt đầu sụp đổ dần.

 

Từ đó, Chris trở nên thụ động, bị đày đọa, bị chế nhạo và xâu xé bởi hai nhóm, đại diện cho hai luồng suy nghĩ đối nghịch nhau, tập trung quanh hai thượng sĩ là Barnes mặt thẹo (do Tom Berenger đóng), một kẻ độc ác, tàn bạo, giết người không gớm tay và đã thoát chết nhiều lần; và Elias (do Willem Defoe đóng) đại diện cho những người còn có lương tri và tính người, và còn giữ được niềm tin nơi binh lính thuộc quyền. Hai nhân vật này xung đột nhau trong một tình huống đặc biệt: cả trung đội lính Mỹ trong đơn vị bị du kích tấn công. Cuộc xung đột cá nhân giữa hai cá tính, hai con người đó đã lên tới đỉnh điểm khi Elias ngăn chặn binh lính không được chém giết và đốt phá bừa bãi, nhất là khi Elias bắt gặp quả tang Barnes đang hãm hiếp một bé gái Việt Nam. Sợ bị Elias tố cáo, Barnes dựng một màn kịch hiểm độc nhằm đưa Elias vào tình trạng phản bội để rồi lạnh lùng giết chết đồng đội, đồng hương của mình.

 

Chris Taylor ngày càng nhận rõ bộ mặt thú tính của Barnes. Sau một trận đánh khốc liệt, đơn vị Chris thương vong khá nặng nề, bản thân anh và Barnes cũng bị thương, Chris đã dùng súng kết liễu cuộc đời Barnes sau khi bị hắn giết hụt.

Sau hai năm tham chiến với nhiều vết thương trên thể xác cũng như tâm hồn, Chris quay trở về Mỹ để làm lại từ đầu.

 

Khác với Francis F. Coppola, bộ phim Ngày tận thế là “một phim về đạo đức tính” (F. F. Coppola, Cahiers Du Cinema, tháng 4.1982). Với Trung đội, Oliver Stone cũng không có tham vọng giải thích chiến tranh như bộ phim truyền hình nhiều tập: Việt Nam – một thiên lịch sử truyền hình của Stanley Karnow, Stone chỉ muốn làm sống lại một cách trung thực những gì người lính Mỹ đã trải qua ngoài mặt trận, những gì họ làm, những gì  họ nghĩ và chiến tranh đã biến đổi họ như thế nào. Nói cách khác, Trung đội là kinh nghiệm của chính bản thân anh. Đối với Stone, thực hiện Trung đội là nhằm gửi đến đông đảo mọi người, đặc biệt là nhân dân Mỹ bức thông điệp “một cuộc chiến tranh như vậy sẽ không xảy ra lần nữa trong cuộc đời chúng ta. Nếu cuộc chiến đó lại xảy ra thì con em chúng ta lại phải chết một cách vô ích”.

 

Với Trung đội, Oliver  Stone đã được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất năm 1987 của Hiệp hội những người làm công tác Đạo diễn điện ảnh Mỹ, rồi cũng chính nó, Stone đoạt 4 Oscar của Viện Hàm lâm Khoa học Nghệ thuật điện ảnh Mỹ dành cho phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, âm thanh hay nhất, ráp nối xuất sắc nhất và giải Gấu bạc tại LHP quốc tế Tây Berlin 1987.

Tiếp theo, Sinh ngày 4 tháng 7 cũng lại là tấn bi kịch khởi từ chiến tranh Việt Nam, nhưng thay vì vẽ lại chân dung của chính mình như trong Trung đội, lần này Oliver Stone lại phác họa về Ron Kovic, bạn anh, với tiết tấu nặng nề, day dứt kéo dài 143 phút. Nó không chỉ chống lại chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam mà còn chống cả những người tuyên truyền cho cuộc chiến này trên truyền hình, trên bục giảng, trong phòng ăn của từng gia đình… Đó là một phim chống Hollywood, hay nói rõ hơn là chống lại những gì Hollywood ca ngợi: tình yêu, thân xác, chiến tranh. Trong phim này những thứ kể trên đều bị nguyền rủa kết án. Câu chuyện bắt đầu từ ngày 4/7/1956, sinh nhật thứ 10 của Ron Kovic và Quốc khánh lần thứ 108 của Hoa Kỳ. Cậu thiếu niên Ron Kovic (do Tom Cruise đóng) đã xem dân chúng diễu hành qua nhà và chợt có ý nghĩ rằng: “Chiến đấu vì tổ quốc là con đường ngắn nhất để dẫn tới vinh quang của một trang nam nhi”. Ron chỉ biết về cuộc sống, về lòng yêu nước qua những gì anh được giáo dục và bị choáng ngợp bởi những gì anh thấy ở cha mẹ, linh mục, thầy giáo, bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Kennedy, những chương trình vận động nhập ngũ. Ron cho rằng cuộc sống của người lính mới vinh quang làm sao. Ron muốn mình là một trong số họ dự phần vào cuộc chiến vinh quang đó, muốn đến vùng đất có tên Việt Nam. Nhưng những hình ảnh về cuộc chiến tranh đã đè nặng tất cả những gì xảy ra sau đó. Ron trở về nhà là một kẻ thương tật, bị liệt từ bụng xuống. Anh không thể lập gia đình, không còn được cha mẹ, anh em, bạn bè thương yêu như trước. Anh lại mang gánh nặng trong lòng, sự hối hận vì đã lỡ giết người bạn đồng ngũ khi đang cận chiến và sự day dứt và đã chứng kiến cảnh tàn sát cả một làng. Anh đánh đập cả cha mẹ, tự hủy hoại bản thân. Cuối cùng, khi không còn chịu đựng nổi, anh đã trút hết gánh nặng bằng cách đến với gia đình người bạn đã bị anh giết mà thú nhận tội lỗi của mình và rồi đứng lên hô hào chống lại chiến tranh.

 

Tạp chí Newsweek đã khẳng định: “Việt Nam đã khắc sâu một dấu ấn không bao giờ quên trong Oliver Stone. Ngày nay nhờ những kinh nghiệm và ký ức Việt Nam, Oliver Stone đã trở thành nhân vật số một của nghệ thuật điện ảnh Mỹ”.

 

Một lần nữa, tối 26/3/1990, với Sinh ngày 4 tháng7 tại cung Dorothy Chandler, Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã tuyên dương Oliver Stone, đạo diễn xuất sắc nhất.

 

Nhưng hình như vấn đề Việt Nam vẫn chưa hết day dứt, dằn vặt Oliver Stone, với Trời và Đất (Heaven and Earth) dựa theo cuốn tiểu thuyết của Lệ Lý Hayslip, anh phác vẽ lại chân dung cuộc đời của một cô gái quê Việt Nam. Cô gái tên Lệ Lý (do Lê Thị Hiệp đóng) là con gái thứ sáu trong một gia đình nông dân, ngay từ bé cô đã làm việc đồng áng giúp cha mẹ và bắt đầu hiểu thế nào là chiến tranh.

 

Trong ký ức của cô bé là những trận ruồng bắt, những nỗi đau tang tóc mà bọn lính Pháp đã dày xéo lên làng xóm cô. Lớn lên một chút, cũng như bao nhiêu dân lành khác, cô tiếp xúc với Mặt trận Giải phóng, cô đến với họ trong khi hai người anh thì đã ra đi. Lệ Lý là cô gái bình thường, không hiểu và không có ý thức chính trị gì. Trong chiến tranh cô bị giằng xé, vùi dập, bị hãm hiếp, bị bắt và tra tấn. Cô chạy trốn ra thành phố, ở đợ cho một gia đình giàu có. Cô dại dột có thai với ông chủ (do Hiang S. Ngor đóng), bà chủ (do Joan Chen đóng) đuổi cả hai mẹ con đi. Cô gái trôi dạt về Sài Gòn, kiếm sống xung quanh các căn cứ Mỹ, và trở thành con người khác. Cô đã bán cả cuộc đời cô và biết những mánh khóe để lọc lừa những người lính Mỹ ngây thơ. Chính trong một lần thỏa thuận, để rồi quỵt chạy ấy, cô đã gặp Steve Butler (do Tommy Lee Jones đóng). Bắt đầu từ đó cuộc đời cô bước sang một ngã rẽ khác, Steve yêu cô và muốn cưới cô làm vợ. Cô nhận lời và theo Steve về Mỹ. Nơi xứ sở mới, cô đã gắng hết sức mình để hòa nhập. Cô sinh cho Steve hai đứa con trai và cố vun vén hạnh phúc gia đình. Nhưng Steve không thoát ra được cơn khủng hoảng và nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh mà anh đã từng sống qua, nên anh tự sát.

Với Trời và Đất, Oliver Stone xem xét cuộc chiến tranh từ góc độ khác hẳn, hoàn toàn không lệ thuộc quan điểm chính trị nào, và vì vậy mà có phần mơ hồ. Lệ Lý ở đây không còn là một cá nhân, cô chính là thân phận đau thương của người phụ nữ Việt Nam giữa cuộc chiến tàn khốc theo cách nhìn của Oliver Stone. Cũng như hàng triệu thường dân vô tội khác, cô chỉ có mơ ước duy nhất là được sống bình yên, đầm ấm ở căn nhà và mảnh ruộng của mình. Nhưng chính chiến tranh đã lôi cô vào cuộc, cuốn cô đi như một con tốt vô định. Stone miêu tả cuộc đời Lệ Lý và đi bên cạnh cô bằng cái nhìn trắc ẩn, thương cảm. Nỗi trắc ẩn ấy được thể hiện bằng tấm lòng, cộng sự dày vò của chính bản thân anh – một người lính đã từng cầm súng trên chiến trường Việt Nam, hay chính nhân vật Steve trong phim. Steve đã yêu thương và sống hạnh phúc cùng cô, nhưng chính khuôn mặt Việt Nam của cô càng cuốn anh vào những nỗi ám ảnh kinh hoàng, khó thể quên được những tội ác ghê gớm mà anh đã gây ra cho người dân Việt trên những chặng đường hành quân.

 

Một lần nữa, với Trời và Đất, Oliver Stone cũng đã tái hiện lại chiến tranh Việt Nam bằng trái tim và ý thức trách nhiệm của một cựu binh – trí thức trước nỗi đau đồng loại.

 

Rất nhiều nhà phê bình điện ảnh cũng như xã hội học trên thế giới đã cho rằng sở dĩ Oliver Stone thực hiện tới ba phim về chiến tranh Việt Nam, là vì anh muốn thực hiện hành động đuổi quỷ. Con quỷ chiến tranh vẫn dằn vặt, hối thúc anh sau khi anh giã từ vũ khí từ chiến trường Việt Nam trở về. Thật ra, theo tôi vấn đề của Stone chính là ý thức trách nhiệm của anh đối với lịch sử và thế hệ tương lai của đất nước anh với tư cách một người cựu chiến binh, một người trí thức trước cuộc chiến tranh xâm lược đau thương, phi lý đó. Anh mong muốn: “Một cuộc chiến tranh như vậy sẽ không bao giờ được xảy ra một lần nữa trong cuộc đời chúng ta. Nếu cuộc chiến tranh đó lại xảy ra thì con em chúng ta lại phải chết một cách vô ích” (bài phát biểu tại buổi lễ nhận giải Oscar 1987 dành cho bộ phim Trung đội).

 

Cho nên, sau này khi xây dựng bộ phim JFK (tên tắt của Tổng thống John F.Kennedy) và đặc biệt, với bộ phim mới thực hiện về Richard Nixon, Oliver Stone đã tập hợp được một dàn diễn viên sáng giá dự định tốn kém 42 triệu Mỹ kim. Bên cạnh Anthony Hopkins vai Nixon còn có Joan Allen vai Pat Nixon và Paul Sorving vai Henri Kissinger. Kịch bản do Stone Christopher Wilkinson, Stepen J.Rivete viết. Oliver Stone vẫn không rời bỏ quan điểm của mình bởi như chính Stone đã trả lời phỏng vấn của tạp chí Le Point (25/1/1992) rằng: “Kennedy như người cha đỡ đầu của thế hệ tôi. Ông ấy là một người rất quan trọng trong một phương diện nào đó, như một thủ lĩnh, một ông hoàng”. Còn Richard Nixon cũng là một trong những nhân vật quyết định cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

 

Đã có tới 600 cuốn sách phân tích về vụ ám sát Tổng thống John F.Kenedy, Oliver Stone bằng vũ khí của mình tung ra giả thiết hoàn toàn trái ngược với Ủy ban của Earl Wareen (trong Ủy ban này có cả Allen Dulles cựu giám đốc CIA bị Kennedy giam lỏng sau mưu toan tấn công Cuba). Như một nhà trinh thám tài ba, Stone thực hiện lại cuộc điều tra bằng phim ảnh, qua đó anh muốn người Mỹ biết rằng Lee Oswald chỉ là một con tốt chứ đằng sau hắn là cả một nền công nghiệp chiến tranh giận dữ thấy Kennedy không tiếp tục chiến tranh lạnh với khối xã hội chủ nghĩa, muốn chấm dứt vai trò của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nên họ đã thực hiện “một trò đảo chính khác biệt” với hy vọng người kế nhiệm sẽ tiếp tục cuộc chiến khiến họ thu được món lợi nhuận hàng trăm tỷ Mỹ kim. Qua nhân vật Jim Garrison (do Kevin Costner đóng), một công tố viên, Stone muốn vạch trần những điều mập mờ của Ủy ban Warren, nhất là vấn đề “viên đạn huyền ảo”. Stone phân tích: “Viên đạn duy nhất được tìm thấy ở bệnh viện đã trúng lưng Kennedy, trổ ngược ra yết hầu, phá thêm hai chiếc xương của vị Thống đốc John Connally nữa, vậy mà viên đạn vẫn nguyên vẹn… Mặt khác, khẩu súng mà cảnh sát tìm ra lại không thể bắn liền 3 phát trong “2, 3 giây” mà nhờ vào một người quay phim tài tử thu được khi đoàn xe tổng thống đi qua, cho thấy sự kiện chỉ xảy ra trong khoảnh khắc đó. Chưa kể tới bao cái chết của nhiều nhân chứng khác, do bị giết hay do “tai nạn” khó thể giải thích được”.

 

Việc đưa Kennedy lên phim không phải là chuyện tình cờ, ngẫu nhiên, anh đã thực hiện JFK với những khó khăn chưa từng thấy. Mọi phê phán đã bắt đầu ngay từ lúc khởi quay. Các tờ báo lớn ở Mỹ đều nhắm vào anh mà tấn công, chưa bao giờ có phim nào mới quay mà đã bị sự phản bác có quy mô như thế. Kịch bản bị đánh cắp, ghi chú và in ra nhiều bản gửi cho báo chí. Ben Braddle, cựu Tổng biên tập Washington Post, người đã công bố tài liệu Watergate đã không chịu đăng tải phần trả lời của Stone với những lời đe dọa nếu Stone tiếp tục thực hiện JFK. Nhưng bất chấp tất cả, Stone vẫn tiếp tục cuộc chọn lựa của mình, bởi: “Cái tôi muốn đưa lên là sự thật đã hoàn toàn biến dạng. Chẳng hạn như trong bản ghi nhớ 63 của Hội đồng an ninh Quốc gia cho biết sẽ có những cuộc rút lui đầu tiên của những cố vấn quân sự tại Việt Nam. Bốn ngày sau vụ Dallas, một bản khác do Johnson ký lại hủy bỏ việc đó. Người ta đã thấy, Kennedy rất rõ ràng trong việc không gửi quân đến Việt Nam, Lào, Cuba nữa”. Như thế đã rõ, với JFK, Oliver Stone ít ra cũng chứng minh rằng Kennedy đã chết vì không muốn tiếp tục cuộc chiến tranh lạnh, không tham dự thêm nữa vào chiến tranh Việt Nam.

 

Và ngay cả bộ phim Những tên sát nhân bẩm sinh (Natural Born Killers) Stone vẫn không ly khai với sự lựa chọn trí thức của mình. Dựa theo kịch bản ban đầu của đạo diễn trẻ Quetin Tarantino, Stone và cộng sự “gia cố” thêm để làm nên “một hành trình vui thú từ địa ngục” theo lời Stone. Phim được quay từ chiếc camera Super – 8,18 mm và dùng phim đen trắng lẫn phim màu Tecnicolor và các pha quay cận cảnh, nhanh, để làm nên chân dung những nhân vật giết người hàng loạt đang là tình trạng phổ biến tại Hoa Kỳ. Đó là một cặp thanh niên nam nữ yêu nhau, tên là Mickey (do Woody Harrelson đóng) và Mallorry (do Julliette Lewis đóng) trốn chạy khỏi những nếp nghĩ cổ hủ và trên hành trình tự vong đó, họ đã gây ra rất nhiều cái chết.

 

Có dư luận cho rằng Stone mang những ý đồ ca ngợi hai nhân vật Mickey và Mallorry, nhưng Stone đã khẳng định: “Chúng tôi không làm vinh quang họ, mà đả kích xã hội bạo lực quá đáng của nước Mỹ, khiến nó mang danh xã hội bạo lực nhất trong lịch sử (…) Có thể các tay sát nhân mang bệnh điên ấy, nhưng các nhân vật nói trên, những đại diện sa đọa biến chất của luật pháp, vậy thì luật pháp cũng sa đọa và biến chất”.

 

Với tuổi 50, chắc hẳn cuộc hành trình của Oliver Stone còn dài, những bộ phim do anh đạo diễn sẽ tiếp tục ra đời và có lẽ không chỉ giới hạn trong những đề tài quen thuộc mà anh đã thực hiện, nhưng dù với đề tài nào,  theo tôi, Oliver Stone vẫn luôn mang trong hành trang ký ức của một cựu chiến binh Việt Nam, luôn chọn cho mình thái độ sống, thái độ của một trí thức ý thức được trách nhiệm của mình với lịch sử và bằng trái tim biết yêu thương đồng loại./.

 

 

Sâm Thương
Số lần đọc: 2251
Ngày đăng: 01.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trung Đội Hay Nỗi Ám Ảnh Của Người Mỹ - Sâm Thương
Sám Hối: Giấc Mơ Hiện Thực - Sâm Thương
Một Cái Nhìn Về Người Hùng - Sâm Thương
Ingrid Bergman: cơn bão trong vinh quang - Sâm Thương
Marilyn Monroe đuổi bắt ảo ảnh - Sâm Thương
Trần Anh Hùng: tính nữ của tôi rất lớn - Nguyễn Thị Dạ Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 1 - Sâm Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 2 - Sâm Thương
Yilmaz Guney , Người tử tù bị săn đuổi. - Sâm Thương
Francois Trufaut- nhà điện ảnh cổ điển của đợt sóng mới - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)