Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.281
123.156.817
 
Cường Hào Thời @
Xuân Tuynh

Sau trận mưa lớn đầu mùa, bầu trời thành phố trở nên mát mẻ, báo hiệu đã sang thu. Chỉ còn non một tháng nữa là bước vô năm học mới (2010 - 2011), khắp thành phố, các bậc phụ huynh có con bước vào lớp một nô nức kéo nhau ra trụ sở phường xin xác nhận hộ khẩu thường trú để được nhập học đúng tuyến theo quy định của ngành Giáo dục. Những bậc cha mẹ có con đầu lòng tới tuổi bước vô lớp một, đây là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của họ.

 

Tại trụ sở phường P.L., mới 7 giờ sáng đã có rất đông các ông bố, bà mẹ trẻ nét mặt hân hoan tụ tập chờ lãnh đạo phường tới xin giấy xác nhận. 8 giờ Ủy ban phường mới mở cửa làm việc. Khi cánh cửa phòng hành chính vừa mở, mọi người ùa vô, ai cũng muốn có được giấy xác nhận trước để còn về làm ăn, bởi trong phường có khá đông hộ buôn bán tư thương.

 

“Mời mọi người vô hội trường nghe thông báo quy định của chủ tịch phường” - chánh văn phòng, một phụ nữ chừng 40 tuổi, người to béo, có gương mặt lạnh lùng dõng dạc nói. Mọi người vô hội trường ngồi chỉnh tề. Khoảng 15 phút sau cũng chính người phụ nữ to béo ấy ra hội trường, trên tay cầm tờ thông báo. Người phụ nữ đứng giữa hội trường trịnh trọng đọc:

 

“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

 

Ủy ban nhân dân phường P.L. số... ngày... tháng... năm... Thông cáo về việc xác nhận hộ tịch, hộ khẩu cho con em vào học lớp một. Nội dung như sau:

Điều 1: Tất cả các hộ trong phường có con em tới độ tuổi vào học lớp một - niên học 2010 - 2011 đến xin giấy xác nhận của chủ tịch phường, trước tiên phải là gia đình đạt danh hiệu: “Gia đình văn hóa” (có giấy chứng nhận của thành phố).

Điều 2: Quy định này còn được áp dụng với các đối tượng có đơn xin làm chế độ chất độc da cam và các chế độ khác v.v...

Điều 3: Quy định này có hiệu lực kể từ ngày... tháng... năm...

 

Thay mặt Ủy ban nhân dân phường

P.L. Chủ tịch Lê Thị Ánh Mai ký.

 

Nghe đọc xong thông báo, cả hội trường ồn ào, bàn tán om xòm. Họ ngơ ngác không hiểu sao lại có cái quy định lạ lùng vậy. Một phụ nữ chừng 30 tuổi, nét mặt giận dữ, nhảy lên đứng trên bục cao đặt giữa hội trường nói lớn: “Đây là một quy định vô lý, vi phạm đến quyền và lợi ích của trẻ em. Theo Công ước Quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết. Không thể vin vào lý do gia đình không đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” mà từ chối xác nhận vào hồ sơ nhập học của con em chúng tôi là không thể chấp nhận được. Nếu lấy tiêu chuẩn gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa thì phường này có tới 200 hộ không đạt tiêu chuẩn vì họ không làm theo chủ tịch phường, không giao đất cho cái “dự án ma”. Quy định này là một sự trả thù hèn hạ của bà chủ tịch phường. Xin mạn phép hỏi bà chủ tịch: Gia đình bà có xứng đáng là gia đình văn hóa không? Khi bố đẻ bà quan hệ bất chính với “ô sin” ngay trong ngôi nhà của bà bị “ô sin” trả thù cắt mất cái của quý... (cả hội trường cười ồ lên. Nhiều người còn cao hứng vỗ tay tán thưởng, nói lớn: “Phát biểu hay lắm!, hay lắm!). Người phụ nữ ngưng một lát rồi nói tiếp: Tôi đề nghị mọi người đồng tâm phản đối cái quy định quái thai này!”. Cả hội trường đồng thanh vang lên: “phản đối!, phản đối!”.

 

Trước sự phản ứng mạnh mẽ của mọi người, ả chánh văn phòng bối rối, mặt mày tái nhợt, lúng túng không biết xử lý ra sao, liền chạy vô phòng chủ tịch.

 

Chủ tịch phường Lê Thị Ánh Mai ở trong phòng làm việc lúc này nghe rõ tiếng la ó bên ngoài cũng đứng ngồi không yên. Hai tay mụ chắp vào hông, đi đi, lại lại trong phòng, mặt đỏ ửng, hai mắt trắng bệch, long lên như muốn bật ra khỏi cái gương mặt lưỡi cày gồ ghề, dữ tợn của mụ. Thấy chánh văn phòng đẩy cửa bước vô, mụ nghiến răng nói: “Dẹp, dẹp ngay, kẻ nào không chấp hành kêu tự vệ bắt nhốt. Xem kẻ nào còn dám chống đối quy định của ta!”. Ở bên ngoài không khí vẫn náo động, tiếng la hét phản đối trào dâng như sóng biển xô bờ.

 

Nguyễn Xuân Vũ, một sĩ quan trẻ, công tác ở đảo Trường Sa Lớn. Năm nay Vũ có con trai đầu lòng vào học lớp một. Ngày nhập trường của con là một sự kiện thiêng với vợ chồng Vũ. Vũ được đơn vị cho nghỉ phép về nhà đưa con đi nhập học. Vũ không tin cái thông báo trên là có thực, mặc dù Vũ cũng có mặt trong hội trường nghe chánh văn phòng Ủy ban phường đọc. Vũ chỉnh đốn lại trang phục, đi đến gặp chủ tịch phường để có được sự giải thích rõ ràng. Vũ gõ cửa phòng chủ tịch: “Cộc... cộc, cộc...”. Cửa vẫn đóng. Vũ lại gõ tiếp: “Cộc... cộc, cộc...”. Bên trong có tiếng hỏi vọng ra:

- Ai gõ cửa đó. Có chuyện gì? - giọng phụ nữ chát chúa như tiếng đinh đóng vào tường.

- Dạ. Tôi là Vũ ở... Vũ nói chưa dứt câu thì vẫn cái giọng nói chát chúa đáp lại:

- Đồng chí là Vũ - Nguyễn Xuân Vũ ở khóm hai phải không? Gia đình đồng chí cũng nằm trong diện không phải gia đình văn hóa nên chúng tôi không giải quyết. Đồng chí về đi. Tôi không có thì giờ để tiếp đồng chí.

 

Vũ rời khỏi Ủy ban phường ra về, trong lòng trĩu nặng một nỗi buồn. Niềm hy vọng của Vũ được dắt tay con vào trường học ngày đầu tiên của cuộc đời đứa con trai đầu đã vụt tắt vì thời gian nghỉ phép sắp hết. Vũ suy nghĩ miên man không hiểu sao một cái quyết định vô lý, đi ngược lại luật pháp, trái với lòng dân lại được người ta ngang nhiên ban bố. Sao cái chính quyền phường P.L. lại cư xử với dân như vậy?. Chẳng khác gì cái chính quyền thời phong kiến mà Vũ từng được nghe ông nội lúc sinh thời kể lại. Vũ nghĩ: Nếu mình mang câu chuyện này ra kể cho đồng đội ngoài Trường Sa hẳn mọi người buồn lắm!. Tất cả những gì đang diễn ra ở trong đất liền hôm nay khác xa với nghĩ suy của những người lính đảo. Nó không tốt đẹp như mọi người tưởng. Có lẽ nào hàng trăm, hàng nghìn người con của mọi miền đất nước phải xa quê hương, xa gia đình, xa người thân ngày đêm bồng súng đứng trên đảo nhỏ trước phong ba bão táp, dõi mắt canh giữ biển đảo của Tổ quốc thân yêu là vô nghĩa sao? Ôi, hậu phương, hậu phương của người lính giờ đây đang dậy

sóng!

 

Được bà con nhân dân trong phường phản ánh, chủ tịch phường P.L. bố cáo một quy định bất thường, gây bất bình trong dân chúng, một số nhà báo thường trú trên địa bàn thành phố vào cuộc.

Một buổi chiều, tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường P.L. có khoảng 5, 6 phóng viên của những tờ báo nổi tiếng, có uy tín với đọc giả ngồi chờ lãnh đạo phường.

- Chúng tôi là nhà báo xin được gặp chủ tịch phường - một phóng viên người cao lớn, nhanh miệng lên tiếng. Một phụ nữ to béo, từ trong phòng hành chính bước ra. Giọng trịch thượng:

- Chủ tịch đi họp trên thành phố. Các anh gặp có chuyện gì?.

- Chúng tôi đến gặp chủ tịch để làm rõ một số ý kiến phản ảnh của dân - vẫn người phóng viên cao lớn lên tiếng.

- Tôi là chánh văn phòng, có việc gì trao đổi với tôi. Tôi thay mặt chủ tịch giải quyết.

- Chúng tôi cần gặp chủ tịch.

- Vậy các người cứ ngồi ở đó mà đợi. Người phụ nữ to béo, dáng đi lạch bạch như con vịt bầu vào phòng làm việc, đóng cửa phòng lại. Ngồi nghỉ ở dãy ghế băng cửa hội trường, bất giác anh em phóng viên nhìn thấy tờ thông báo dán trên bản tin ở góc phải hội trường, đó là tờ quyết định có nội dung đúng như những gì dân phản ảnh. Mọi người lấy máy ảnh ra chụp. Nhìn thấy nhà báo chụp tờ thông báo, chánh văn phòng hấp tấp chạy ra, ngăn không cho chụp. Lúc này bà ta sao nhanh nhẹn thế, khác với cái dáng đi lach bạch ban nãy - mọi người nghĩ thầm trong bụng, bấm nhau cười tủm tỉm:

- Đã là thông báo công khai, niêm yết nơi công sở sao chúng tôi không được sao chụp? - Tất cả các nhà báo đồng thanh hỏi.

- Quy định của chủ tịch sao thì tôi làm vậy. Chủ tịch chỉ thị: “Không cho bất cứ ai sao chụp” bản quy định này.

- Quy định đâu mà lạ lùng vậy? - một nhà báo hỏi vặn lại.

Mặc cho chánh văn phòng ngăn cản, mọi người vẫn giương máy lên chụp. Hàng loạt tiếng bấm máy kêu tanh tách vang lên! Không cản được các nhà báo, ả chánh văn phòng bất lực, liền la lớn: “Bớ chủ tịch cứu... cứu em với họ...!”. Nghe tiếng kêu cứu của chánh văn phòng, Ánh Mai từ trong phòng làm việc, bật cửa chạy ra. Mặt đằng đằng sắc khí:

- Có chuyện chi. Các người định làm loạn chốn công đường chăng?. Tất cả các nhà báo đổ dồn mắt về phía bà chủ tịch quyền uy. Mọi người lúc này mới nhận ra bà ta không đi họp trên thành phố mà không muốn đối mặt với các nhà báo nên đóng kín cửa, ngồi ở trong phòng.

- Họ... họ... chụp... ả chánh văn phòng ấp úng nói, tay chỉ lên tờ thông báo.

- Ai cho phép các anh chụp ảnh? - quay sang ra lệnh cho chánh văn phòng:

- Đồng chí chánh văn phòng lập tức đi mời công an phường đến lập biên bản vụ việc này, đưa lên cấp trên xử lý, cần thiết bắt giam tuốt.

- Cần lập biên bản thì lập. Chúng tôi là nhà báo, chúng tôi làm theo Luật Báo chí. Chẳng có điều chi sai mà phải sợ. Bà đừng đe dọa chúng tôi. - Vẫn cái ông nhà báo cao to lên tiếng.

Ít phút sau theo lệnh của bà chủ tịch phường, biên bản được lập.

 

*

Nguyên cớ gì một mụ chủ tịch phường lại lộng hành, bất chấp pháp luật ra những quy định trái ngang, coi thường công luận, gây sức ép lên đầu nhân dân như vậy?.

 

Ngày Lê Thị Ánh Mai còn là một bí thư chi đoàn phường, tôi đã nhiều lần làm việc với Ánh Mai, tôi nhận thấy Mai là cô gái hiền lành, tính tình dễ thương. Sao giờ ở cương vị chủ tịch phường một cái chức vụ cỏn con mà Ánh Mai lại dữ vậy. Gây thù oán cho nhiều người.

 

Là nhà báo, lại có chút máu văn chương, tôi quyết định đi sâu tìm hiểu điều gì làm cho con người Ánh Mai thay đổi. Tôi đã lặn lội ngày đêm không kể nắng mưa, rét buốt xuống ăn ở với dân phường P.L., gặp gỡ các cán bộ hưu trí của phường nghe họ kể tội Ánh Mai.

 

Sự thay đổi trong con người Ánh Mai, khởi nguồn từ khi có dự án đô thị mới Long Khánh ra đời. Cái dự án mà người dân ở phường P.L. và báo chí gọi là “dự án ma”. Tóm lược như sau:

 

Năm 2004 xí nghiệp tư nhân L.K. có tờ trình đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Biển Xanh cho lập dự án khu đô thị mới Sông Trăng (nay là khu đô thị P.L.) với tổng số vốn hơn bảy trăm tỷ đồng, tờ trình vừa gửi lên đã được thành phố chấp thuận, thành phố vội vàng ra quyết định thu hồi gần 50 héc ta của dân giao cho xí nghiệp L.K. làm dự án (!!). Quá trình thực hiện dự án, đã vi phạm các quy định pháp luật: không lập dự án khả thi; không được chính phủ phê duyệt, cho phép; không thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư; không thực hiện kê khai đất của từng hộ dân, vân vân và vân vân. Nói tóm lại, một dự án sai bét từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Đây là một hành vi cướp đất của dân như trong đơn khiếu nại của dân tố cáo. Từ đó đã bùng lên một làn sóng phẫn nộ trong dân.

 

Dân khiếu kiện, tỉnh, thành phố không giải quyết mà đưa đội quân liên ngành mang máy ủi, máy xúc xuống, do Lê Thị Ánh Mai, chủ tịch phường P.L. dẫn đầu thi hành cưỡng chế. Thế là tranh chấp giữa dân và đội cưỡng chế diễn ra. Nhiều gia đình bị mất nhà cửa, tài sản bị giam giữ. Cụ Huỳnh Thăng, một cụ già đã 89 tuổi đời, là cán bộ lão thành 61 tuổi Đảng, cụ nguyên là cán bộ T3 Cục Quân báo Trung ương, cụ đang sống yên bình trên mảnh đất của tổ tiên để lại thì bị cưỡng chế, cụ đứng ngăn không cho xe ủi đổ nhà cụ, cụ đã bị bắt giam giữ ngay trong nhà cầu của gia đình cụ. Người ra lệnh bắt là bà chủ tịch phường Lê Thị Ánh Mai. Khi tôi tới gặp cụ, cụ không nói được thành lời, nén trong lòng một nỗi đau, nỗi uất hận đến tột cùng. Hàng nước mắt cụ cứ ứa ra, thấm trên gương mặt nhăn nheo nhìn rất thương tâm. Ngoài cụ Thăng, còn nhiều gia đình như ông Hà, ông Út, bà Tiễn v.v... là những nạn nhân của cái gọi là “dự án ma”.

 

*

Trước nỗi thống khổ của dân bị mất đất, mất nhà, mất của cải tài sản, là một chủ tịch phường lẽ ra Lê Thị Ánh Mai phải đứng về phía dân, đứng về phía công lý để bảo vệ dân, ngược lại mụ lại đứng về phía nhà đầu tư ức hiếp dân, đẩy người dân của mình vào con đường khổ cực. Qua tìm hiểu tôi được biết, Lê Thị Ánh Mai đã được chủ xí nghiệp tư nhân L.K. trả tiền hậu hĩnh hàng tháng để giữ đất ở khu đô thị mới Long Khánh. Ngoài ra Ánh Mai còn được chia chác tiền bán đất trong dự án lên đến hàng tỷ đồng để tiêu xài. Ánh Mai đã mua sắm xe con đắt tiền để đi ăn chơi, mua sắm nhiều đồ dùng đắt tiền. Trong lúc nhiều người dân trong phường còn cực khổ, hàng ngày phải đi lượm từng chiếc túi nilon, từng mẩu sắt vụn... đem bán lấy tiền đong gạo sống qua ngày. Ánh Mai từng kiêu ngạo nói với đàn em trong bữa tiệc ở một nhà hàng sang giữa thành phố Biển Xanh rằng:

- Ánh Mai này còn làm chủ tịch phường P.L. thì còn nhiều kẻ phải khiếp sợ. Bọn cường hào ác bá thời xưa thua xa Ánh Mai ta.

 

Ai, ai đã đứng đằng sau hậu thuẫn cho Ánh Mai, cho cái ác lên ngôi (!?).

Câu hỏi khiến lòng tôi day dứt không nguôi. Càng nghĩ càng thấy buồn, thấy thương cụ Lang, bà Tiễn và Nguyễn Xuân Vũ, người đồng đội của tôi đang canh giữ đảo Trường Sa đã bỏ lỡ cơ hội được đưa đứa con trai đầu lòng đến trường trong năm học mới. Chỉ vì không làm theo ý muốn của chủ tịch phường giao đất cho “dự án ma”, cái dự án không thuận lòng dân, trái với pháp luật nhà nước; cái dự án đang là điểm nóng của Báo chí giữa những ngày thu lịch sử./.

Xuân Tuynh
Số lần đọc: 1804
Ngày đăng: 03.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng Hát Lúc Nửa Đêm - Trần Minh Nguyệt
Dòng Sông Ám Ảnh - Đỗ Ngọc Thạch
Người chỉ đường ở Lyon - Vũ Thư Hiên
Quà Sinh Nhật - Kinh Dương Vương
Chỗ Đến Của Hạnh Phúc - Đặng Kim Côn
Cờ Tàn - Nam Dao
Cái áo mùa cũ - Lưu Thuỷ Hương
Hoa Phù dung trong mưa - Nguyễn Xuân Hoàng*
Đò Đầy - Ngô Thị Ý Nhi
Ngày Tháng Phiêu Bồng - Lê Văn Thiện