Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
731
123.237.101
 
Đường viễn xứ
Lưu Thuỷ Hương

Trại tị nạn Đông Berlin, 199...

Căn phòng nhỏ độ mười lăm mét vuông là nơi dừng chân cho năm mảnh đời phiêu bạt. Một kệ đựng chén đĩa xoong nồi, một tủ áo quần, một cái giường đơn phía sau tấm màn cho mẹ con chị Lựu. Còn lại một khoảng vừa đủ trải hai tấm nylon, buổi chiều đó là chỗ ăn cơm cho cả nhà, buổi tối là chỗ ngả lưng cho mấy người đàn ông.

 

Không bao giờ tôi đến đó mà trở về trong tình trạng tỉnh táo. Lúc nào họ cũng có mấy chai wodka giấu sẵn ở góc nào chờ tôi sang, uống đến say bò lê bò lết. Riềng, ông em họ lớn hơn tôi tám tuổi cứ chăm chỉ rót rượu, khề khà bảo: "Anh chưa say thì chưa hiểu hết cái nghĩa anh em, chưa thấu được cái tình đồng hương Quảng Bình". Hắn là thành viên duy nhất ngụ trong căn phòng này có một nghề nghiệp rõ ràng, có giấy tờ hợp lệ từ diện lao động hợp tác xin ở lại tị nạn. Buổi tối, khi các siêu thị bắt đầu đóng cửa là đến giờ làm việc của hắn. Quét rác, lau sàn, chùi kính... mãi đến sáng hôm sau. Vào lúc nhân viên bán hàng chuẩn bị một ngày mới đón khách, hắn âm thầm kéo lê chiếc bao tải cũ mèm về đến phòng, chui vào góc sàn ngủ vùi một ngày chập chờn, giữa những âm thanh ồn ào nhốn nháo của khu trại tị nạn. Mà cũng nhờ vào giờ giấc làm việc trái ngược với mọi người, ít ra hai vợ chồng hắn còn có được một khoảng không gian riêng tư vào ban ngày, khi những người đàn ông khác trong phòng ra đường kiếm sống. Những người đàn ông cùng làng, quen biết nhau từ khi còn chập chững biết đi đến khi biết đuổi bắt, chăn trâu ngoài ruộng. Bằng muôn ngả đường bất hợp pháp họ tìm đến đây, tá túc trong căn phòng nhỏ xíu của Riềng.

 

Anh Lý vừa uống, vừa ngủ vật vờ, người lúc nào cũng hôi khét mùi dầu mỡ sau một ngày phụ bếp nhà hàng. Những lúc rảnh rỗi, anh hay ngồi thờ thẫn ngắm nhìn tấm hình người vợ trẻ và đứa con trai năm tuổi còn chưa thấy mặt cha, chìm đắm trong giấc mơ huy hoàng của ngày trở về. Tỉnh giấc mộng anh lại chạy loăng quăng trong khu nhà tị nạn tán tỉnh, ỡm ờ với các chị sồn sồn sống chen chúc trong các dãy phòng xung quanh. Các chị xa chồng lâu ngày lao xao ánh mắt, cười rấm rích khen anh hàng xóm vui tính, tốt mã.

 

Anh Tảo ngồi cười ngơ ngẩn, cái cười lạc lõng buồn thắt ruột. Ai cũng biết, anh cười để khỏi phải than khóc cho mọi người nguyền rủa.

 

Những buổi tối cuối tuần như vầy, Đàn thường về rất trễ, bao giờ cũng có Quỳnh lặng lẽ theo sau. Chẳng ai biết họ lang thang cả buổi ở nơi nào. Khoảng không gian chật hẹp ngột ngạt trong khu nhà này không có chỗ cho tình yêu của họ. Căn phòng bên Quỳnh nhỏ xíu, bịt bùng. Hai xô đựng cá chép nằm chễm chệ ngay lối ra vào. Mấy con vật bất hạnh nằm thoi thóp chờ người mua hoá kiếp, chất chồng lên nhau trong vùng nước nhớt nhúa, cô kiệt. Một nửa phía trước gian phòng, đủ kê hai cái bàn thấp và vài cái ghế đẩu, là hàng bánh cuốn của chị dâu Quỳnh. Nửa phía sau tấm màn sống chen chúc bốn mạng người, không có không khí để thở, không có cả chỗ để vươn vai. Hai đứa nhỏ chẳng thể trở thành Phù Đổng, chúng teo tóp xanh mét. Cánh cửa sổ duy nhất phủ mờ mịt làn hơi ẩm, trên mặt kính rịn ra từng giọt chảy. Gian phòng chật hẹp hậm hực mùi bột, mùi nước mắm, mùi cá, mùi dưa chua... đặc quánh, bám dai dẳng theo ánh mắt quầng thâm mòn mỏi của người chị dâu. Sang bên phòng Riềng, Quỳnh bao giờ cũng co ro, khép nép chiếm một chỗ nhỏ bé sau lưng Đàn, mái tóc dài buông xõa che nửa khuôn mặt êm đềm - một vầng trăng khuyết sáng mong manh giữa màn đêm phong vũ.

 

Riềng nhấp một ngụm rượu, máu Quảng Bình thấm hơi men lãng đãng bốc thành thơ, giọng miền Trung khô rát gió Lào, lê thê mưa phùn buồn rã rượi.

 

Đêm mòn mỏi qua vùng cửa hẹp,
Bức tường đen vây khép vầng trăng.
Bốn thằng khố rách chung chăn.
Ly hương tàn mộng, thù hằn ngày mai.

 

Đêm lãng đãng buông dài tiếng thở. Đàn mím môi, mắt nó loé sáng, dữ dội dưới ánh đèn vàng hiu hắt. Nó ngang tàng, liều lĩnh, không ngơ ngẩn, yếu đuối như anh Tảo. Tuổi thơ đã sớm rời bỏ nó từ một ngày rất xa, trong một buổi sáng ra đồng chăn trâu nghe bom nổ. Căn nhà lá nhỏ bé của gia đình chỉ còn là một hố bom sâu hoắm chôn vùi tất cả cha mẹ, chị em. Anh Tảo nằm cháy sém trong đám thân chuối dập nát. Từ ngày đó, Đàn phải bươn chải cưu mang anh mình, ở tuổi đời vừa lên năm.

- Khốn nạn lắm, anh nờ - giọng Đàn khản đặc khói thuốc - một ngày mấy đợt bom, chưa nghe tiếng máy bay thì bom đã nổ đùng đùng cạnh mình. Chừng nghe được tiếng máy thì hắn đã bay qua, bom chỉ nổ hút xa trước mặt. Cuộc sống mong manh đói rách. Còn cái chết lại kiên trì luẩn quẩn bám theo.

Anh Tảo ngồi trong góc nhà nhìn thờ thẫn màn đêm mờ đục ngoài cửa sổ. Ánh trăng vàng vọt hắt lên nửa khuôn mặt gầy đen lạnh lẽo thành những chiếc bóng loang lổ, dị dạng, nửa khuôn mặt kia âm thầm lẫn vào bóng đêm ngun ngút, từng vùng âm ỉ cháy. Giọng anh đứt quãng, nặng nề, đọc thơ như nhập đồng sang thế giới khác.

 

Mặt trời chết. Một ngày rạn vỡ.
Đêm vật vờ lạc giữa mù câm.
Hàn nguyệt khóc. Ướt đầm sương phủ.
Mây lưu đày bay tìm giấc ngủ.
Kìa, đường về trắng rũ tha ma.
Bóng kẻ nào lần bước. Hồn ta.
Điệu cuồng bi miên loạn nghê thường.
Ly hương!
Ly hương hỡi, qua đò. Không bến.

 

Căn phòng lạnh ngắt. Tôi hỏi trổng:

- Thơ ai?

Anh Lý nhăn mặt nhổ phựt một sợi râu:

- Thơ lão già điên. Bọn Quảng Bình ni chỉ đói ăn chứ thơ khi mô cũng đầy trong bụng.

Riềng làu bàu chửi:

- Lão Tảo, răng lão cứ đọc mấy bài thơ như ma quỷ rứa. Khi mô mới chịu hoàn hồn, ráng kiếm đủ tiền về cưới o nớ?

"O nớ" là o Liễu, người yêu của anh Tảo, cô gái mù hát xẩm bên bờ Nhật Lệ, người duy nhất trên đời này có thể chia sẻ với anh phần thế giới "lưu đày, mù câm sương phủ". Thỉnh thoảng anh Tảo cũng hát, bài hát của riêng anh và o Liễu. Những lời ca u uẩn về một mối tình nửa mộng, nửa mù của anh mồ côi nghèo khổ với cô gái Triều châu tàn tật. Những âm điệu thê lương trong một nỗi sợ hãi mê cuồng của một kẻ mang kiếp lưu đày, vì người mình yêu, phải cố sức bước ra khỏi màn sương trú ẩn mà hoà nhập vào dòng đời trần trụi, xa lạ.

Ngoài khung cửa bóng tối vây trùm nuốt chửng trăng sao. Gió đuổi mây mù qua khoảng trời nhỏ hẹp giữa những bức tường lở lói, nham nhở gạch vữa. Không khí trong phòng đặc quánh hơi người, hơi rượu, mù mịt khói thuốc. Bốn bức tường chật hẹp giam giữ những gã đàn ông tha phương không ngày mai. Mùi rác rưởi xông vào từ ngoài hành lang, từ nhà bếp tập thể bên cạnh, từ nhà vệ sinh công cộng ngoài hiên... và cả mùi bánh cuốn chua lè từ nhà Quỳnh.

 

Thằng bé con sáu tháng tuổi trên giường thở khò khè mệt nhọc. Nó bỗng thức giấc, thảng thốt oe oe khóc. Chị Lựu xoay người vào trong cho con bú, ê a vài lời ru lạc lõng rồi mẹ con thiêm thiếp ngủ. Đêm tha phương vất vưởng qua dãy nhà tị nạn. Tiếng dép guốc gõ lẹp bẹp trên hành lang nhoè nhoẹt nước đọng, tiếng cá chép hấp hối quẫy đành đạch trên những thân hình trần trụi, tiếng bọn thanh niên ngoại quốc cười dâm dật bên bờ rừng. Mấy thằng say đánh chửi rầm rĩ cuối dãy nhà, lẫn vào giữa tiếng đàn bà khóc la the thé.

Đêm thôi tiếng thơ, thôi ước mộng.

 

*

Đàn quyết định ra đi. Buổi chia tay nó trong một ngày mưa lạnh, ngậm ngùi lặng lẽ. Không ai buồn cũng không ai dám vui. Cứ như một điều tất sẽ đến mà thăm thẳm không ai biết sẽ dẫn về đâu.

Cả bọn uống say ngất ngư từ trưa. Anh Tảo ngồi bó gối trong góc nhà câm lặng, ánh mắt thê lương bám vào từng cử chỉ của thằng em. Đàn chậm rãi bắt tay từng người. "Đến biên giới em sẽ viết thư về". Tôi nhìn ánh mắt thép lạnh, liều lĩnh của nó chợt nghĩ, nó sẽ sẵn sàng thí cả cuộc đời cho cuộc phiêu lưu, ngông cuồng thách đố số phận. Con đường giông bão của một kẻ không còn biết sợ trời đất kia rồi sẽ kéo cả cuộc đời Quỳnh theo, vùi dập.

 

Đàn siết chặt tay tôi, bàn tay mạnh mẽ chân tình. Tôi giữ lấy đôi vai nó, lặng lẽ tìm trong mắt nhau mối đồng cảm, chợt nghe dòng máu giang hồ rạo rực trong huyết quản những thằng con trai phiêu bạt. Tôi với nó đều là kẻ luân lạc ở chốn chân trời, gặp gỡ nhau đây giữa dòng đời, kể làm gì chuyện chưa từng quen biết nhau.

- Các anh ở lại chăm sóc anh Tảo dùm em, hỉ. Chừng mô có nơi ở ổn định em sẽ nhắn về cho anh nớ sang biên giới.

 

Ánh mắt anh em nó chạm vào nhau, đằng đẵng yêu thương. Trong một phút giây bất ngờ tôi bỗng kinh hãi nhận ra khuôn mặt thật của Đàn. Đứa trẻ tưởng như đã vĩnh viễn bị cuộc chiến tranh phi nhân, tàn khốc giết chết, vẫn còn sống vất vưởng mãi không siêu thoát. Nó đứng đó bé bỏng, ánh mắt trẻ thơ lạc lõng đau thương, đôi bờ vai run rẩy bất lực trước cuộc chia ly. Dường như anh Tảo cũng nhận ra điều đó, từ trong tiềm thức tối tăm bỗng bật ra một tiếng kêu bi thương kinh khiếp. Anh chồm lên, phóng chạy hoảng loạn như con thú bị tên. Đàn đứng lặng nhìn theo cái bóng lòm khòm gãy đổ của anh trai khuất sau bờ rừng... đôi mắt nó từ lúc nào đã xám lạnh. Nó phũ phàng nắm tay Quỳnh lôi đi. Hành lý cũng chỉ có hai cái túi xách nhỏ, gói trong đó mảnh tương lai mờ mịt của kiếp người.

 

Tôi đứng giữa trời mưa, xót xa nhìn theo con đường mấp mô sỏi đá. Chiếc bóng mảnh mai xiêu vẹo của Quỳnh đuổi khấp khểnh theo những bước chân vội vã của người yêu cứ nhỏ dần, mong manh. Từ bên kia cánh rừng bỗng văng vẳng tiếng hát của anh Tảo mù đặc vật vờ. Lời ca kỳ dị ướt nghẹn mưa phùn, thấm từng giọt vào lòng u lạnh.

 


Biệt ly, ô hỡi, biệt ly hề
Kẻ ở bên nì, kẻ bên tê
Tha phương đầu bạc chửa quay về
Cách trở, ô hời, biệt sơn khê.

Dứt áo, ơ hờ, khó gặp nhau
Tình chia máu chảy ruột mềm đau
Đường lên quan ải sương mờ mịt
Đời ni, ờ hợ, tựa chiêm bao.

... Tình tang tịch tang tình...

Rượu say ô hố, bôi mạc đình
Lệ nến chưa tàn đoạn tử sinh
Tằm xuân chưa thác tơ đà cạn
Ngựa hí lìa đàn, vạn lý chinh.

Khúc biên đình, tiễn đường gió bụi
Bàn tay tìm lần cuối bàn tay
Ra đi gửi áo lại đây
Để nàng đắp kẻo gió tây lạnh lùng.

Ô hời, ô hỡi sầu ly
Khóc chi
Buồn chi
Thương chi
Đời ni,
Ô, chỉ giấc chiêm bao.
...

*

Riềng được xã hội phân bố chỗ ở mới, thoát khỏi khu trại tị nạn. Căn hộ thuê ba phòng, trong khu nhà lắp ghép thời bao cấp của Đông Đức. Những dãy nhà cao tầng trơ trụi, đơn điệu như những dãy nhà tù xám xịt, nằm lô nhô trên bãi đất hoang đầy cỏ rác. Căn nhà Riềng nằm trong chương trình nâng cấp của thành phố sau ngày thống nhất. Phía bên ngoài được sơn sửa ngụy tạo màu sắc, kiểu dáng cho tương xứng với bộ mặt phồn vinh giả tạo của người láng giềng Tây Berin. Phía trong vẫn còn để nguyên tình trạng tồi tàn, xuống cấp của nền kinh tế ưu việt xã hội chủ nghĩa. Cầu thanh lểnh khểnh ọp ẹp, run rẩy theo bước chân người. Tường nhà mỏng lét thiếu nguyên liệu, gió mùa đông thổi qua lạnh buốt, nắng mùa hè nung chảy hơi người.

Chị Lựu ngơ ngẩn trong giang sơn mới, chạy từ phòng này qua phòng khác, mở cửa sổ, đóng cửa sổ, sờ bức tường, xoa tấm thảm, vẫn không tin vào sự thật bảy mươi mét vuông cho một gia đình. Chị chất vào nhà đủ thứ đồ vật tha được từ ngoài đường. Bộ bàn ghế ai vất bên cổng chợ, cái tủ gương nhặt ngoài bãi ... và vô số đồ từ thiện của xã hội. Chẳng mấy chốc mà căn phòng ngồn ngộn của cải. Cuộc sống vợ chồng Riềng trở thành giấc mơ của những người tị nạn lông bông khác trong cộng đồng. Một căn hộ thuê, một việc làm ở hãng vệ sinh, một xe bán mì xào trước chợ và những tấm giấy cư trú hợp pháp. Giấc mơ đổi đời xa lắc, xa lơ của những người nghèo xứ Quảng.

 

Riềng vẫn giữ cuộc sống và sinh hoạt như thời còn trong trại tị nạn. Vẫn những buổi tối cuối tuần bên sàn nhậu tiết canh heo, dồi trường, bao tử, lòng non... và wodka. Cửa nhà vẫn để ngỏ cho những người khách nghèo khó vừa từ quê sang tá túc, vẫn một manh chiếu ngả lưng cho kẻ tha phương lỡ bước, vẫn một bữa cơm rau trứng luộc cho mảnh tình đồng hương. Vẫn những khuôn mặt xạm đen nắng gió miền Trung, những ánh mắt lo âu trĩu nặng và đôi bàn tay chai sạn, nứt nẻ ôm khư khư cái túi hành lý nhỏ bé, sờn rách. Họ đến và đi qua sàn nhậu nhà Riềng như qua một nhà ga, những khuôn mặt chỉ gặp một lần rồi biến mất khỏi cuộc đời mình, như ngày tháng qua đi không bao giờ trở lại. 

 

Nhưng cũng chính trong những ngày tháng tưởng chừng như bình thường lặng lẽ ấy, cuộc sống vẫn hối hả lăn dài dữ dội, tàn khốc cuốn con người vào vòng bánh quay nghiền vỡ biến dạng. Bản thân Riềng từ lúc nào đã âm thầm thay đổi, trở nên cau có nghiệt ngã. Hắn thôi làm thơ, chỉ còn tuôn ra những lời nguyền rủa hằn học, đôi vai còng xuống dưới chiếc bao tải cũ, ánh mắt cay độc nhìn xăm xoi cuộc đời. Anh Lý, anh Tảo, Đàn, Quỳnh... như cát bụi, phiêu bạt tan tác chốn chân trời nào không dấu vết. Tâm hồn tôi cũng dần hoá đá chai sạn, thờ ơ dửng dưng với những mảnh đời trôi nổi quanh mình. Những dề lục bình tình cờ tấp lại bên nhau ở một khúc sông rồi vội vàng theo dòng nưóc cuốn đi dặm dài không bao giờ gặp lại.

 

Dạo này khách quê nhập lậu từ đường Đông Âu qua đây đa phần là phụ nữ. Không biết cuộc sống xứ người thuận lợi gì hơn cho người phụ nữ, hay vì họ có những thứ giá trị mà nam giới không thể có. Một tấm nhan sắc, một sự nhẫn nhục câm lặng và một sức chịu đựng vô bờ bến. Các cô đều trẻ, đều dạn dĩ, hối hả cởi bỏ những ràng buộc làng quê xưa cũ để tây âu hoá cuộc đời. Quần jean bó chẹt, giày cao gót lênh khênh, áo xanh đỏ ngắn cũn cỡn chừa ra một khoảng eo gầy còm, còn đen xạm màu gió Lào. Những dịp cuối tuần các cô túm tụm bên sàn nhậu vồn vã bàn tán chuyện giấy tờ, lấy Tây, mua chồng, hôn thú giả... lau nhau, ríu rít như đàn chim sẻ tìm mồi. Tôi ngồi đó nhìn họ thờ ơ, họ bước ngang qua mặt tôi dửng dưng, hờ hững. Nghèo xác xơ cả, đời lông bông cả, có gì để mà làm bộ, để mà giấu giếm nói riêng với nhau. Họ cũng như tôi, như Riềng, từ lúc nào thả xuôi theo dòng đời cuộn chảy để mình đã chẳng còn là mình. Chỉ trong những cơn mơ hoảng loạn, vất vả bơi ngược dòng cuồng lũ tìm về với bản ngã.

 

Chỉ có Diệp là không giống ai.

Trong một cộng đồng luẩn quẩn, nhỏ hẹp, "khác người" nghĩa là chống đối lại tập thể, chấp nhận - hay chịu đựng - trở thành cái đích để dư luận xông vào tấn công, xâu xé. Diệp chấp nhận với một sự câm lặng.

Người ta cười tính bất biến, thiếu giác ngộ của Diệp, trêu ghẹo mối tình ảo tưởng cũ mèm của Diệp với anh trai làng. Đã ba năm Diệp sống vất vưởng ở thành phố này, làm thuê làm mướn đủ mọi việc, ở lăn lóc từ nhà này sang nhà khác. Nợ nần vay mượn để sang được đây vẫn còn chồng chất, giấy tờ bị cảnh sát tịch thu đang chờ bị trục xuất trở về quê. Diệp, bốn mùa chỉ tấm áo sơ mi úa vàng mỏng manh, cái áo khoác đen bạc màu lam lũ. Diệp, đôi mắt nhẫn nhục khép kín. 

 

Ban ngày Diệp phụ chị Lựu bán mì xào, buổi chiều đón bọn trẻ tan học về nhà, lo cơm nước, giặt giũ cho mọi người. Lúc nào cũng thấy Diệp lầm lũi với công việc, dọn rửa, bưng cơm, tắm cháu... cứ đúng như bổn phận làm công trong gia đình. Mà chị Lựu không hề là bà chủ của Diệp, "tôi với nó cũng chỉ là người nghèo cùng quê".

- Ở nơi ni một thân một mình, không họ hàng, không nơi nương tựa như nó sẽ không sống nổi mô. Con bé lại không dứt khoát để bám vào người khác, cứ đau đớn làm chi mãi chuyện xưa. Nếu bây chừ nó bị đuổi về thì nợ nần kia cũng sẽ giết chết nó lần mòn. Lại còn cha, còn mẹ, các em nhỏ nghèo đói, khốn khó trông chờ. Bọn con gái không giấy tờ như nó, làm chui làm lậu trong những cửa hàng người Việt, một ngày mười hai giờ vất vả, may lắm thì người ta ném cho hai mươi Euro. Mà không phải khi mô cũng có việc. Hai mươi Euro đấy là tiền trả nợ, tiền dành dụm chạy giấy tờ, tiền lo cho gia đình, tiền sanh sống, tiền thuốc men... Ngần ấy tiền, làm răng trả dứt.

 

Riềng không nói nhẹ nhàng sau lưng như chị Lựu, hắn cứ có dịp là nói toẹt vào mặt Diệp :

- O không thức thời thì không sống nổi ở đây mô. Lại cứ kiểu "giấy rách cố giữ lề", cả lề cũng rách toàn toạt ra, o còn chi mà giữ.

 

Bình thường nghe những lời nặng nề của Riềng, Diệp chỉ im lặng. Không hiểu sao hôm nay Diệp lại lủi thủi bỏ ra ngoài. Tiếng cười khằng khặc của Riềng đuổi theo đến tận cửa. Mọi người cũng cười khằng khặc như Riềng rồi nâng ly, khua chén bát. Tôi sợ nếu mình còn ngồi lại đây thì sẽ phải xông vào đấm vỡ mặt ông em họ, rồi cả hai lại ôm nhau cười khóc khằng khặc trong cái thế giới đảo điên này.

 

Tôi bỏ ra ngoài tìm Diệp, hay tìm chút không khí trong lành, tôi cũng không rõ. Bên ngoài trời đang tím dần, màu sáng mong manh trôi lãng đãng qua những hàng thông già bình thản. Dòng sông đã thôi lao xao nắng, lặng lẽ trở về với cõi lòng, chìm đắm bến bờ trong thăm thẳm khói sương. Mấy đóa hoa dại cố vươn chiếc cổ dài ngoẵng xuyên qua bờ cỏ, đốt cháy lần cuối mảnh nhan sắc phai tàn dưới ánh tà dương. Chính trong lúc này, trong nỗi khao khát kéo dài sự sống của một ngày thì cái mong muốn trở về với chính mình lại buông thả hơn bao giờ hết.

 

Bóng áo trắng của Diệp thấp thoáng dưới giàn hoa thanh vũ. Từng chùm hoa lồng đèn buông rủ hoà với sương chiều, tím nhạt nhòa cả một triền sông. Diệp ngồi co ro trên băng ghế đá, phấn hoa vàng vương trên mái tóc mịn màng. Em nhìn tôi cười qua làn nước mắt.

- Em vẫn phải cố quên đi nhiều để thích nghi với cuộc sống ở đây. Nhưng đôi lúc đi giữa những khu phố cao tầng, những công viên rực rỡ cỏ hoa xén tỉa, em vẫn nhớ vô cùng cánh đồng lúa xanh thẫm ngút ngàn đến tận chân núi tím mờ. Em nhớ cả những mùa lũ đi qua làng mình để lại đồng lúa vừa đơm bông thối rữa trong đất bùn. Và cả những ngày bão biển kéo về hung tợn, mẹ đốt lửa trên cồn cát, quỳ lạy suốt đêm thâu cầu xin thuyền cha lành lặn trở về. Lưng mẹ còng gãy trong đêm. Tóc mẹ trắng rũ vật vờ trong gió... Có những đêm lạnh em bỗng giật mình tỉnh giấc, cứ tưởng lại nghe tiếng mẹ khóc ngoài gian liếp, lạnh như ri e mạ vừa cấy lại chết úa cả thôi. Em xa nhà mang theo cả nỗi đau của cha mẹ, nỗi đau của người nghèo quê mình. Cả trong giấc mơ, đêm cũng về tối tăm hãi hùng cùng giông bão.

 

Bàn tay Diệp gầy gò ôm lấy bờ vai lạnh co ro. Diệp còn trẻ lắm, trẻ như đứa em gái út của tôi, tuổi đời vừa chớm hai mươi, nhưng cuộc sống sớm nổi trôi, vất vả quá. Cái nghèo cái khổ đã đi vào tận trong những giấc mơ.

 

*

Ngày tôi đi bé Cải mới tám tuổi, cứ cười lem lém: "Anh Hai đi về làm đám cưới lớn với chị Tranh nghen". Tranh ngồi đó mắt đỏ hoe. Tôi nhìn Tranh xót xa rồi khẽ lắc đầu. Thân với nhau từ nhỏ, hiểu thấu tim gan nhau, cần gì phải nói thành lời. Tranh cũng biết, mảnh vườn mấy ngàn nọc tiêu kia, ảo tưởng xây lên đó một mái gia đình đã biến thành tấm vé máy bay trong túi áo tôi. Cả những giấc mơ theo đuổi tôi suốt cả một thời thơ ấu Tranh cũng biết và bao giờ cũng chỉ đứng bên ngoài cùng nỗi sợ hãi lo âu.

 

Những ngày thả bò trên đồi, tôi vẫn chạy xuyên qua những cánh rừng chồi, đến bên bờ lúp xúp cỏ lau nhìn mải miết về những con đường đất đỏ xa mù mịt, mùa khô bụi đỏ mù, mùa mưa nhão nhét đất sình. Những chiếc xe hàng ì ạch leo lên những đoạn đường dốc đứng, chậm rãi nhẫn nại bò như những con kiến khổng lồ, xa dần, xa mãi đến cuối chân trời. "Những con đường ngoằn ngèo đó sẽ dẫn về đâu? Có một cõi đất trời nào khác bên ngoài cái làng heo hút bụi đỏ, vùi mình trong những rừng cao su muôn thuở âm u cô quạnh này?" Những lúc đó Tranh đều lo lắng kéo tay tôi:

- Tụi mình về đi, bò chạy tuốt qua rẫy khoai mì rồi.

 

Rồi tôi cũng đặt chân mình lên những con đường đất đỏ ấy, đi mải miết vào những trang sách. Những bài học mới về một thế giới bên ngoài đầy tri thức cứ cuốn hút giấc mơ của tôi, xa mãi Tranh. Thằng con trai của đất rừng xuống đến thị xã, về tận thành phố rồi lang bạt sang châu Âu. Tranh cũng đã thôi chờ đợi. Đám cưới Tranh to lắm, to nhất Đăk Nhau. Đăk Nhau nghèo xao xác, hoang dã núi rừng. Cô dâu trong chiếc áo dài trắng kéo lê bụi đỏ trên đường, hai hàng nước mắt buông xuôi.

 

*

Tôi về tỉnh làm việc như điên suốt bốn tháng mùa hè, ráng kiếm đủ tiền hoàn tất những môn thi cuối cùng ở trường đại học và mua cho Diệp một cái áo len. Mùa thu, khi tôi trở lại Berlin thì Diệp đã không còn ở đó. Chị Lựu nhìn tôi như kẻ xa lạ:

- Con bé Diệp lấy chồng rồi. Sang tận Phần Lan.

 

Quầy đang đông khách, tôi phụ chị Lựu xào mì, dọn rác mãi đến chiều. Buổi chiều thu gió lồng lộng qua những hàng cây vàng úa, tà dương nhạt nhòa, heo hắt lạnh. Bên hè phố, từng mảnh lá gầy mong manh tìm đến bên nhau, nép vào lòng run rẩy, ấp ủ lần cuối chút tình đồng loại trong giờ phút chia phôi. Có chiếc lá nào đã theo gió cuốn đi tan tác mãi mù sương.

- Nó cùng đường rồi, anh nờ. Con bé ấy vốn ngang bướng, quyết cắn răng chịu đựng chứ không khi mô lại chịu buông xuôi. Cha nó mất tích trong cơn bão vừa qua, e là không về nữa. Ông Việt Kiều ni lớn tuổi hơn cả cha con bé nhưng nghe dịch vụ bảo tiền bạc cũng rộng rãi, bản thân lại không tì vết chi. Người Việt với nhau thì còn chút hy vọng, không tình cũng nghĩa. Chứ phải cắn răng lấy Tây thì cực nhục lắm, cực nhục trăm đường.

 

Tôi câm lặng nuốt nghẹn tách cà phê đắng ngắt. Chị Lựu nhìn tôi dò xét mãi, cuối cùng lại đành thở dài sụt sịt kể tiếp:

- Thì tôi cũng đoán anh không tình ý riêng với con bé, nhưng lúc cùng đường tuyệt vọng nó vẫn cố tìm một cái chi để bám vào. Mấy hôm trước khi đi nó cứ cuống cuồng lên, chạy hỏi khắp nơi tìm anh. Tìm không thấy lại về nhà tôi nằm khóc ròng rã. Giá mà gặp được anh lần cuối thì cuộc đời con bé cũng còn một chút chi tử tế để mang theo.

 

Đã quá muộn màng, một chút gì tử tế cho Diệp. Tôi trao món quà tặng cho chị Lựu, con tim tôi tàn tật nhìn chị cười méo mó. Chị sẽ sàng cầm chiếc áo rồi cũng nghẹn ngào cười.

- Răng áo đẹp dữ ri? Cả đời tôi có được ai tặng quà mô.

 

Quen chị bao nhiêu năm, ăn nhậu nhà chị bao nhiêu lần, vậy mà tôi vẫn vô tình chưa bao giờ quan tâm đến chị. Tôi ngượng ngùng nói đùa vài câu, khen vào tíu tít cho chị vui. Đôi mắt chị nhạt nhòa sau những nếp nhăn. Bàn tay chai sần, thô ráp mân mê lớp len mịn màng, khẽ khàng đưa lên ướm thử. Tôi chết lặng quay mặt đi, trốn chạy, tưởng như nhát dao nào vừa cắm vào ngực mình.

Ôi... màu xanh lơ, màu của ước mơ và hy vọng, cho em. 

 

Đêm về tôi uống rượu say khướt. Mấy thằng bạn cùng phòng đi làm vắng cả. Một mình tôi đối ẩm dưới trăng khuya, đối diện với chính con người thật chưa biến dạng của mình. Say như chưa hề tỉnh bao giờ. Cơn đau không tiếng nói, từ cõi lòng quặn thắt trào lên môi, nôn cả mật vàng mật xanh, nôn hết gan ruột. Sáng hôm sau thấy mình nằm ngủ co quắp trên sàn toilette, giữa đám áo quần bẩn thỉu của bạn bè. Đầu váng vất tê dại như sau một buổi trưa hè ngủ quên trong vườn ươm cao su. Nhựa cây non bắt nắng say nồng, chôn vùi hồn người vào lớp lá khô ẩm mục, u minh. Thằng đàn ông bệ rạc, râu ria tua tủa trong gương nhìn tôi trách móc.

 

Tôi lặng lẽ cười với gã lần cuối rồi dang tay đập vỡ tấm gương. Thằng người bạc nhược kia cũng đành phải bước ra khỏi nơi ẩn náu cuối cùng mà chấp nhận dòng đời nghiệt ngã. Sàn nhà loang lổ đỏ thẫm. Có nỗi đau âm ỉ nào vẫn nhức nhối hơn những vết cắt ngoài da.

Câm lặng - không thét gào - nỗi đau vùi lấp giữa đêm đen.

 

*

Tôi đã đi đến cuối con đường dài của mơ ước. Một chiều mùa đông quay về từ biệt bờ sông xưa, nơi tâm hồn tôi đã gặp gỡ một tâm hồn.

 

Giàn thanh vũ chỉ còn xơ xác dây leo bên chiếc ghế đá phủ đầy lá khô và cát bụi. Mùa xuân xưa đã qua cùng giông bão không quay lại bao giờ, chỉ còn tôi cùng chiều hoàng hôn tím ngát một triền sông. Ngày mai tôi sẽ ra đi, xa mãi nơi này, để lại sau lưng một quãng đời viễn xứ. Mười lăm năm ở hải ngoại, từng ngày vật vã sống cho một ước mơ.

Qua khỏi thị trấn đìu hiu, lơ thơ mái nhà chênh vênh sườn núi, theo dọc con đường đất đỏ bụi mù len giữa vùng rừng cao su xanh thẫm... Căn nhà gỗ nhỏ bé, xiêu vẹo của ba mẹ tôi sẽ hiện ra giữa triền đồi vàng cháy cỏ tranh.

 

Núi rừng quê hương, điệp trùng thương nhớ./.

 

Đường viễn xứ, 1-2007

Lưu Thuỷ Hương
Số lần đọc: 1807
Ngày đăng: 03.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng Hát Lúc Nửa Đêm - Trần Minh Nguyệt
Dòng Sông Ám Ảnh - Đỗ Ngọc Thạch
Người chỉ đường ở Lyon - Vũ Thư Hiên
Quà Sinh Nhật - Kinh Dương Vương
Chỗ Đến Của Hạnh Phúc - Đặng Kim Côn
Cờ Tàn - Nam Dao
Cái áo mùa cũ - Lưu Thuỷ Hương
Hoa Phù dung trong mưa - Nguyễn Xuân Hoàng*
Đò Đầy - Ngô Thị Ý Nhi
Ngày Tháng Phiêu Bồng - Lê Văn Thiện
Cùng một tác giả
Cái áo mùa cũ (truyện ngắn)
Đường viễn xứ (truyện ngắn)
Bay đi chim bồ câu (truyện ngắn)
Kẻ săn chó (truyện ngắn)
Dạ yên thảo (truyện ngắn)
Kẻ sát nhân (truyện ngắn)
Làng Tàm Thực (truyện ngắn)
Kẻ đội mồ (truyện ngắn)
Kẻ tự vẫn (truyện ngắn)
Kẻ săn kiến (truyện ngắn)
Kẻ săn bướm (truyện ngắn)
Sống (truyện ngắn)
Mạt lộ (truyện ngắn)
Kẻ đồng hành (truyện ngắn)
Tao Khang (truyện ngắn)
Phố ly hương (truyện ngắn)
Mặc áo soi gương (truyện ngắn)
Xanh như lá (truyện ngắn)
Hội thi hương (truyện ngắn)