Qua bản sắc phong cổ, tôi biết về con người này và trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, biết thêm một số thông tin về nhân vật sinh ra cách đây 300 năm này. Trước hết là đạo sắc phong:
Phiên âm:
Sắc Nam sang huyện, Vũ Xá xã Nguyễn Quang Ngọc, vi dĩ Lị Tiệp cơ, Hùng Tả đội, tùy tiền Trình Quận công công thảo Đông Nam đạo, phù hoạch tặc đồ, trảm tặc quắc, phả hữu công tích, dĩ kinh chi chuẩn, ứng Bá hộ chức, khả vi Phấn Lực Tướng quân, Hiệu Lệnh ty Tráng sĩ, Bá hộ, Hạ trật, cố sắc.
Cảnh Hưng thập nhị niên nhị nguyệt nhị thập nhị nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho Nguyễn Quang Ngọc, người xã Vũ Xá, huyện Nam Xang, ở cơ Lị tiệp, vệ binh đội Hùng Tả, từng theo Trình Quận công đánh giặc đạo Đông Nam, bắt được giặc, chém được đầu giặc, rất có công tích, đã ban sắc chuẩn cho chức Bá hộ, phong là Phấn Lực Tướng quân, Tráng sĩ ty Hiệu Lệnh, Bá hộ, Hạ trật, kính thay.
Ngày 22 tháng 2 năm thứ 12, niên hiệu Cảnh Hưng (tức ngày 19/3/1751).
Cụ tên chữ là Nguyễn Quang Ngọc, sinh năm Canh Dần, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ năm (1710), mất ngày 22 tháng 11 năm Mậu Thân, niên hiệu Chiêu Thống thứ hai (tức ngày 19/12/1788 dương lịch), hưởng thọ 79 tuổi.
Cụ là võ quan. Do võ công trận mạc, ngày 22 tháng 2 năm Tân Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 12 (tức 19/3/1751 dương lịch), cụ được Triều đình ban đạo sắc phong Phấn Lực Tướng quân, chức Bá hộ.
Với chức vị ấy, cụ ở hàm Chánh lục phẩm, bậc hạ trật.
Khi chầu vua, phẩm phục được dùng: nón sơn son, chóp cài lông đỏ, áo màu hồng, cổ đứng, dây thao đơn, tay cầm roi và kiếm.
Ở ngoài thành, được dùng ngựa, yên sơn đen thếp thau.
Lúc về hưu, lộc huệ dưỡng được cấp 10 mẫu và 33 quan tiền quý, 8 người hầu.
Khi mất, tuất được cấp 100 quan tiền gián, các con được tập ấm Quan viên tử, cháu đích tôn được tập ấm Quan viên tôn, các cháu được tập ấm Nhiêu nam.
Đầu năm 1740 chúa Trịnh Doanh lên ngôi. Trịnh Doanh là một vị chúa có tài thao lược quân sự. Khi ấy trong nước nhiều vùng diễn ra loạn lạc, như Hải Dương có cuộc nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu (Quận He), Thái Bình có Hoàng Công Chất, Vĩnh Phúc có Đoàn Danh Phương,... Thế nhà Chúa thật nghiêng ngả, đích thân chúa Trịnh Doanh phải nhiều lần xuất chinh và cử nhiều hổ tướng xung trận. Hơn 10 năm Chúa mới dẹp yên.
Trình Quận công được nhắc trong sắc phong trên chính là Trình Quận Công Hoàng Công Kỳ.
Năm 1740 Trình Quận công Hoàng Công Kỳ được cử làm Đại tướng, thống lĩnh quan quân đạo Sơn Nam (các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và tỉnh Hà Đông), dẹp quân nổi dậy của Hoàng Công Chất. Năm 1742 Quận công Hoàng Công Kỳ lại thống lĩnh 12.000 quân đi dẹp quân nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu tại Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh. Tháng 3 năm 1744 Quận công Hoàng Công Kỳ được giao Trấn thủ đạo Sơn Nam. Trong một lần đi kiểm tra việc xây đắp đồn lũy vào tháng 12 năm 1745, ông bị Hoàng Công Chất bắt và sau đó ông bị hạ sát.
Người được nhận sắc phong trên lúc đó là thuộc tướng của Quận công Hoàng Công Kỳ. Cụ tham gia nhiều cuộc chinh chiến dẹp loạn cùng chủ tướng.
Sau khi Quận công Hoàng Công Kỳ tử trận, chắc chắn cụ còn tham gia nhiều cuộc chinh phạt khác. Bởi ngày hai mươi hai tháng hai âm lịch (tức ngày 19/3/1751 dương lịch), Chúa Trịnh Doanh trong cuộc xuất chinh đánh dẹp quân Đoàn Danh Phương ở vùng Vĩnh Phúc ngày nay, ngay tại bãi sông Hồng, trước thành Thăng Long, đã làm lễ khao thưởng ba quân và cụ được nhận đạo sắc phong kể trên trong buổi lễ ấy.
Cuộc xuất chinh và giao tranh ấy của Chúa Trịnh Doanh diễn ra rất ác liệt. Cuối cùng Đoàn Danh Phương bị bắt. Cũng trong dịp đó, một cánh quân khác dưới sự chỉ huy của Phạm Đình Trọng, tiến đánh liên quân của Nguyễn Hữu Cầu và Hoàng Công Chất ở vùng Thanh Hóa, Hoàng Công Chất phải dạt về Nghệ An, tiếp đó chạy lên vùng Điện Biên ngày nay, còn Nguyễn Hữu Cầu bị bắt. Sau đấy Nguyễn Hữu Cầu và Đoàn Danh Phương bị xử tử.
Theo chiến sự xảy ra ngày đó, thì nhân vật trên sẽ chinh chiến ở các vùng: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng (đó là trước năm 1751), còn năm 1751 ở vùng Vĩnh Phúc, sau đó không rõ cụ quản binh và chinh chiến ở những vùng nào, cũng không rõ cụ về hưu vào năm nào, hàm chức đến đâu. Nếu theo lệ thường thời ấy, 70 tuổi thì về hưu, vậy cụ có thể về hưu khoảng năm 1780 (đời chúa Trịnh Sâm).
Về những năm cuối đời của nhân vật trên, tình hình đất nước có nhiều biến động, nhà Tây Sơn ra Bắc diệt chúa Trịnh (vào năm 1786) và chỉ trước vài ngày nhân vật kể trên mất, thì Tây Sơn phế bỏ nhà Lê (1788). Triều Tây Sơn chắc chắn sẽ xóa bỏ các quyền lợi của quan lại chế độ cũ nhà Lê.
Địa danh quê hương của nhân vật trên, ngày nay thuộc thôn Thọ Chương, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam./.