Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.133
123.140.321
 
Kiếp trước không tốt kiếp này lãnh đủ
Lâm Bích Thủy

Tôi chưa biết dùng từ nào để nói về cô em út. Em là trường hợp mà người đời tự an ủi cho gia cảnh nhà mình “nhà nào cũng phải có đứa này đứa nọ”. Đứa nọ nhà tôi đích thị là em rồi! Nhà, giày, nón, hồ sơ đều có số; vậy con người sao khỏi mang con số? Mỗi người mỗi phận đấy. Em út tôi chắc là số mạc rệp! Má tôi kể “Lúc nhỏ đưa em tới thăm người bạn gái; nhìn em đi, đứng bà chép miệng rồi thốt lên

Đời cô bé sẽ không xu dính túi!”.

 

Ai dám tin lời người đàn bà ấy nói. Người ta còn bảo “Con bé này là số đào hoa” vì thấy nó cũng khá xinh gái, mặt sáng sủa. Có lẽ vì nó đào hoa, mà đào hoa thì không xong rồi, ông cha ta đã dặn  “Chém cha cái kiếp hoa đào” vì đào hoa thì mệnh bạc!

 

Ôi! Sao câu nói ấy vận đúng vào đời em tôi đến thế! Một ngày trôi qua là sự thực chứng minh cho lời nói ấy. Đúng là mệnh em rất bạc!

 

Mấy chục năm qua, lúc nào em cũng là con nợ.  Nợ của em chính là nợ mà chị em tôi phải trả. Kỳ lạ ở chỗ nợ này có gốc có rễ, có vòi như bạch tuột, chặt chỗ này nó lại vươn ra chỗ khác, vừa dọn xong ở đâu ùn ùn dồn lên thành đống rồi nêm chặt vào đời em để chúng tôi gỡ mãi không xuể!

 

Ở đời có ai nhờ vào chữ nếu. Nhưng ai cũng dùng nó. Nếu như sau giải phóng,  má tôi để em ở lại Hà Nội, bây giờ đời nó có lẽ khá hơn, đỡ khổ cho chị em tôi chăng!?

Nếu hồi ấy, em tôi lấy một trong những chàng trai yêu nó, thì bây giờ ít ra cũng có của ăn của để rồi. Thế mà.. !

 

Thế mà! Cũng phải thôi! Ai bảo hồi nhỏ em ham chơi, trốn học. Học không đến nơi đến chốn chỉ có trình độ 10+3, ra trường về dạy cấp 1, lập gia đình khi tay còn trắng trơn.

 

Chồng em là con trai độc nhất trong gia đình có 8 chị em. Lạ lắm cơ, nhiều cô gái khác cũng đua nhau tiến quân vào ngôi nhà lớn trên đường Lê Lai - TP Qui Nhơn. Bố cậu có chiếc xe chở khách ra vô Qui Nhơn – Sàigòn, thế là các cô tưởng lấy được cậu thì tương lai vào đời rộng thênh thang, không phải lo gì sất.

 

Không biết em yêu cậu ở điểm nào, chứ tôi thấy trán cậu thấp, mủi tẹt, tỷ lệ là “bảy phần khỉ ba phần người” với người  như vậy thì có gì để dự báo cho một tương lai sáng sủa đâu! Thế mà cuối cùng em tôi “được” vào ngôi nhà đó đấy.

 

Chửa đứa đầu, em bỏ dạy và “mất dạy” sau đó. Hai năm sau đứa thứ hai; đến khi cô gái thứ ba chào đời, cũng là lúc  vợ chồng em chia tay .

 

Không công ăn việc làm, một mình dành nuôi cả ba con;  phải dựa vào ba má tôi để sống. Vốn dĩ ba má tôi cũng trầy trật, lận ngụp bươn chải để mưu sinh. Hơn nữa làm sao thoát khỏi số trời định cho “ai mang họ Lâm khổ 3 đời”. Câu nói này cũng khá chính xác đến từng thành viên của dòng họ Lâm nhà tôi đấy các bạn ạ!

 

Không có người đàn ông chung vai đỡ, gánh nặng càng oằn lên vai em! Nhưng vai em nặng một thì vai anh chị nặng mười. Vì em sống với cha mẹ già. Cha mất rồi còn người mẹ hơn 90 tuổi nên chúng tôi, mỗi người mỗi thứ giúp em: nào  tủ lạnh, ti vi, máy giặc v.v... nhà em đủ tiện nghi sinh hoạt. Bốn mẹ con em sống được đến giờ này gần như nhờ vào tình thương của  anh chị đã làm theo di chúc ba để lại “Các con phải biết thương nhau, đứa nào khá giúp đứa bần, lá rách đùm lá nát..”

 

Em có gì phải lo, con ốm nặng, má tôi điện ra Hà Nội, vào Sài Gòn cầu cứu. Nếu vào Sai Gòn trị bệnh thì tôi phải lo, còn ra Hà Nội thì cũng có anh chị lo từ A đến Z.

 

Chúng tôi không giàu có chỉ nhờ “ biết ăn thì no, biết co thì ấm” và thanh thản với lẽ đời “Nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình”

 

Tất nhiên chúng tôi muốn biết vì sao em nợ. Em chơi số đề hay cờ bạc v.v..??? Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra. Thử hỏi bà con lối xóm, họ đều khen em nhanh nhẹn, tháo vát, bán thứ gì cũng ngon, đông khách thế mà cuối mỗi tối tổng kết lại, lúc nào cũng lỗ. Và tôi đã giải mã được vì sao “nợ của em như vòi bạch tuột”:

 

1- Thứ nhất em vụng tính “Vụng tính ở lính suốt đời”

Nói em không xu dính túi thì không đúng. Đã hai ba lần  em cầm trong tay từ 15 đến 60 triệu chứ ít đâu. Với số tiền đó, nếu biết tính toán sẽ gầy nên cơ nghiệp lớn. Ấy vậy mà không hiểu sao???!!!

 

Em nấu ăn ngon, đông khách nhưng em vụng tính, không  tiết kiệm và nhìn xa. Có hôm em bỏ ra 9 trăm ngàn mua các thứ nấu bánh canh. Mưa đến, không bán được, thu về có 6 trăm, đồ còn lại em đổ cho heo ăn…thế là lỗ. Bán lỗ phải ăn vào vốn. Vốn hết lại mượn, nợ củ cộng nợ mới và vay thêm  thành nợ đầm đìa…..!…..

 

Tệ nhất là mỗi lần về quê, thấy mặt chúng tôi, chủ nợ mừng ra mặt, hỏi “Có phải chị là chị Hai, chị Ba của Đ? nó nợ em chừng này, các chị về, trả cho em nghen!”

Vì em là người trực tiếp chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi...  chúng tôi mỗi người một ít phụ cho em là điều phải làm.

 

Vừa rồi, về giỗ  cha, lấy danh nghĩa là chị cả tôi  buộc các em khác đóng góp để giải quyết dứt điểm món nợ trên 40 triệu, với lãi 6% tháng lần cuối cùng (theo lời em nói), còn mua cho em chiếc xe nước mía, ngoài ra cả 5 anh, chị ở xa, mỗi người đóng 500 ngàn/ tháng = 2,5 triệu để em chi tiêu và chăm bà thay anh chị.

 

2/ Nghiệp chướng! Tưởng gả chồng cho cháu, con gái thứ hai và gái út của em xong là vai chúng tôi nhẹ đi. Nào ngờ vai càng xệ hơn vì gánh nặng không giảm mà tăng thêm về phía nhà chồng của cháu.

 

Đã lấy chồng mà sáng nào chồng của hai đứa cũng chở vợ bỏ nhà mẹ đẻ, lý do nhà ngay chợ, về phụ bán nước mía, sinh tố “để được chia phần về cho nhà chồng”. Vậy là  trưa, em lại lo cơm cho hai đứa đã có chồng, con. Buổi chiều mỗi đứa lấy 25 ngàn (dù ngày đó bán ế). Cũng tội, ở thị trấn nhỏ bé, chỉ với xe nước mía làm sao kiếm đủ tiền ăn cho mẹ con và nhà chồng con em từng ngày nói chi để dành lúc ốm đau, đừng phiền hà anh chị nữa.

 

Vừa giải quyết món nợ đó chúng tôi về thì lại nghe  có chủ nợ mang gậy, dao đến đòi nợ nữa. Tức mình tôi điện ra hỏi “Tại sao mày bảo như thế là hết nợ và lãi, thế mà giờ mày bảo còn nợ 40 triệu nữa. Hàng tháng đã có 2,5 triệu để tiêu sao còn mượn để mang nợ”. Em bảo “số tiền ấy đủ em trả lãi, có được xài đồng nào đâu” Nó lí nhí trong diện thoại “ Em nợ nhiều nhưng không dám nói, sợ các chị mắng”.

 

Trời ơi! Nó bảo sợ tụi tôi mắng mà như thế đó, nếu không sợ thì còn tới đâu ???!!! Đến giờ này, tôi giám quả quyết rằng “Hể chị em tôi còn sống là còn phải trả nợ cho em!”.

 

Tôi biết rồi. Vì kiếp trước tôi sống không tốt, có thể tôi là tham quan từng ăn chặn, ăn đểu của người nên kiếp này phải trả đủ . Vậy tôi khuyên kiếp này ai lỡ tham nhũng, hại dân hại nước, tham ô lãng phí hãy nghĩ đến kiếp sau mà dừng lại đi./.

Lâm Bích Thủy
Số lần đọc: 2911
Ngày đăng: 07.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày xưa... người đẹp - Thụy Vi
Nếp Hoa Vàng Xôi Hoa Cau - Phạm Tự Trọng
Khúc Cỏ - Mai Thanh Vinh
Nô lệ - Kahlil Gibran
Những Bà Mệnh Phụ Nổi Tiếng Nước Tôi - Thụy Vi
Về Cà Mau, Nhớ… - Nguyễn Thị Hậu
Con cái của Nữ thần và con cái của Lũ vượn - Kahlil Gibran
Đường Kiến: Một ví dụ của chung và riêng. - Trần Hoài Thư
Thời Của “Tùy Chọn” - Đỗ Hồng Ngọc
Một Khoảng Trời Riêng - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Tình lên ngơ ngác (truyện ngắn)
Chàng Ngốc (truyện ngắn)
Thư cảm ơn (sự kiện)