NEWSWEEK, 5/5/11. Hiếu Tân dịch
Một cái chết đáng đời
Elie Wiesel – Nhà văn được giải nobel.
(Page 1 of 2)
Ảnh: SIPA
Những hình ảnh người Mỹ hoan hỉ reo mừng trên các đường phố New York và Washington D.C., được phô cho cả thế giới thấy. Họ là những người cảm thấy nhất định phải bày tỏ sự thỏa mãn của họ trước sự kiện kẻ mà họ coi là kẻ thù số 1 của họ cuối cùng đã chết.
Thông thường, tôi phản ứng lại những cảnh tượng này với niềm e sợ sâu sắc. Sự hành hình một con người – bất kể con người nào – không bao giờ nên coi là một sự kiện đáng mừng. Cái chết – của bất cứ ai – phải được đối xử nghiêm cẩn, ưu tư.
Lần này thì khác. Khi chúng ta nghe Tổng thống Obama báo cáo với quốc dân và toàn thế giới những tin tức về việc bắt và cái chết của Bin Laden, cả tôi nữa, cũng chia sẻ phản ứng tập thể của rất nhiều người Mỹ: “Ông ta đã lãnh cái mà ông ta đáng phải chịu.” Ông ta đã phạm quá nhiều tội ác, giết quá nhiều người – ông ta đã gây ra quá nhiều đau khổ - cho nên cái chết của ông ta không gợi nên niềm trắc ẩn hay nỗi buồn. Bằng những hành động của mình, ông ta đã từ bỏ mọi quyền được thương xót của con người.
Đáng buồn là, ông ta không phải người duy nhất mà chiến dịch của Hoa Kỳ đưa vào vòng nguy hiểm. Còn có những người khác nữa. Trong số đó có trẻ em. Và trẻ em không bao giờ có tội. Vẫn là chính Bin Laden đưa các em vào vòng nguy hại.
Chiến tranh không bao giờ là chính nghĩa. Trong trường hợp Bin Laden, không có nghi ngờ gì về việc ông ta phải chịu trách nhiệm về vô số những cuộc tấn công. Chúng ta cũng không biết ông ta còn mưu mô những hành động khủng khiếp nào nữa. Và như vậy có thể hiểu được việc chúng ta phản ứng trước sự hủy diệt ông ta với ít nhiều thỏa mãn.
Quan trọng hơn, chúng ta biết ơn Tổng thống của chúng ta về việc xác nhận lại niềm tin của chúng ta vào sự lãnh đạo đất nước và khả năng của những người của chúng ta, trong sắc phục hay thường phục, khôi phục lại bộ mặt của trật tự, dù là yếu ớt. Sách Thánh nói rất rõ ràng: có một thời khóc thương và một thời hoan hỉ. Và như vậy, chúng ta hãy hân hoan và hy vọng rằng đây sẽ là một thời tái hiến dâng cho những lý tưởng hòa bình, hợp tác, và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, tất cả những khái niệm mà Bin Laden đã hoài công tìm cách phá hoại.
Những thử thách của Pakistan
Fatima Bhutto- Nhà văn, sống ở Karachi
Ngày 2 tháng Năm, Karachi, thủ đô thương mại của Pakistan bốc lửa. Mười bốn chiếc xe con, xe buyt, xe tải bốc cháy; súng nổ tại khu sầm uất Malir, và trong nhiều khu vực khác nhau của thành phố nhân dân được bảo hãy ở yên trong nhà. Bạo lực này không dính dáng gì đến cái chết của Obama bin Laden hôm trước, nhưng liên quan đến vụ giết hại một cựu nghị viên trong thành phố này. Các thử thách của Pakistan không bắt đầu và không kết thúc với Osama. Đất nước này đang bị kẹp chặt bởi những người chống đối Baloch đổ máu đã mất tích hàng ngàn (một sản phẩm phụ của sự dính líu của chính phủ chúng tôi vào cuộc chiến tranh chống khủng bố); giá cả các mặt hàng thực phẩm nhu yếu tăng vọt khi giới tư bản công nghiệp của chính phủ và các chúa đất phong kiến tích trữ những thực phẩm cơ bản như đường và định giá bột mì cao hơn nhiều so với giá quốc tế, và đất nước bắt đầu rơi vào cảnh bạo lực phe phái và sắc tộc chưa từng thấy kể từ giữa những năm 1990. Có lẽ không phải chuyện lạ lùng khi những người phát ngôn của chính phủ tuyên bố không biết gì về việc giết chết Osama, vì họ có vẻ không bao giờ có bất kỳ một ý tưởng nào về những gì đang xảy ra trên đất nước của họ.
Một đất nước nguy hiểm
Bernard-Henri Lévy Nhà triết học và tác giả Pháp
Ảnh: Patrick Kovarik / AFP-Getty Images
Tôi đã nói thế từ khi công bố cuộc điều tra của tôi về cái chết của Daniel Pearl, và bây giờ tôi sẽ nhắc lại nó: Pakistan, là đất nước nguy hiểm nhất trên thế giới, nguy hiểm hơn nhiều so với Bắc Triều Tiên, Iran, hay Syria. Tại sao? Bởi vì các cơ quan mật vụ của nó bị những kẻ Thánh chiến Hồi giáo thâm nhập. Bởi vì Abdul Qadeer Khan cha đẻ của bom Pakistan, là một thành viên của Lashkar-e-Taiba, một nhóm thánh chiến Hồi giáo là thành phần của giới số một của Al Qeada. Và bởi vì bộ tham mưu cao cấp của tổ chức này, những chỉ huy chóp bu của nó, đã luôn luôn được Pakistan nâng niu chiều chuộng, che dấu và bảo vệ.
Là một người quen thuộc với Abottabad, tôi có thể nói trong tâm trí tôi không có nghi ngờ gì về việc bin Laden được chào đón, rồi bị bỏ rơi, bởi các chính quyền ở Pakistan, theo các điều khoản của một cuộc mặc cả mà chúng tôi chưa hiểu rõ. Tôi thậm chí có thể suy ra rằng không phải chỉ “một ít phần tử” của hệ thống cấp bậc quân sự Pakistan, mà cả chính hệ thống đó, đã biết chuyện này.
Chúng ta đã tưởng tượng rằng bin Laden ẩn nấp đâu đó trong những hang động. Chúng ta đã nghĩ rằng hắn chạy từ nơi ẩn nấp tạm thời này đến nơi trú thân vội vã khác. Không phải như thế. Vì từ năm 2003, khi hắn được nhận vào chăm sóc tại bệnh viện của nhà thờ thị trấn Binori ở trung tâm Karachi, hắn đã được sống dưới sự che chở của một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ.
Chúng ta hy vọng rằng lần này chính quyền Obama sẽ học được một bài học rõ ràng như đập vào mắt về kẻ được coi là đồng minh này.
Một mảnh công bằng
Andrew Sullivan
Theo Sullivan blog/ The Daily Beast.
Ảnh: Peter Kramer / Getty Images cho TFF
Là một người Cơ đốc giáo tôi được yêu cầu cầu nguyện cho linh hồn Osama bin Laden, không vui mừng vì cái chết của ông ta. Và lời cầu nguyện này tôi đã nói, vì tôi buộc phải nói. Và điều này cũng đúng: niềm vui cũng không rời bỏ tôi, và tôi không mảy may cảm thấy hổ thẹn. Thật ra, tôi chỉ cảm thấy duy nhất cùng một điều là một nỗi buồn lớn và một niềm vui lớn.
Lý do cho nỗi buồn là rõ ràng: đây là một nhân vật đã có thể giáng quá nhiều nỗi đau lên quá nhiều người, ông ta đã làm biến dạng nhiều trí óc và nhiều linh hồn, ông ta đã giết nhiều con người. Và ông ta đã làm tất cả những điều ấy nhân danh Chúa.
Lý do của niềm vui thật sự ít rõ ràng hơn. Trong trường hợp tốt nhất, nó không phải là sự trả thù hay nỗi nhẹ lòng – dù cho nó có trong tất cả chúng ta. Niềm vui đến bởi vì tại một nơi nào đó chúng ta lần đầu tiên cảm thấy cái thập kỷ chiến tranh và giết người hàng loạt, gớm guốc, lộn xộn, khuất khúc, đầy đau đớn hành hạ này cuối cùng đã có thể có một chút kết cục xúc động, một mẩu nhỏ của công lý trong cái cầu vồng dài dặc của nó, một sợi tơ cốt lõi dẫn đến cái mà chúng ta có thể gọi là thắng lợi.
Tôi đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ Mỹ, những người vào ngày 12 tháng Chín năm 2001, thức dậy và quyết định phục vụ đất nước mình trong những giờ nguy cấp. Họ không ghi tên nhập ngũ vì muốn định hình lại Trung Đông hay mang dân chủ đến cho Iraq, hay mua chuộc Hamid Karzai. Họ nhập ngũ để tìm, bắt hoặc giết Osama bin Laden, và tấn công vào tất cả những gì mà hắn ta đại diện.
Nếu nói rằng chính hắn ta đã biến họ thành những người lính thì đã cho hắn quá nhiền vinh dự. Nhưng họ trở thành những người lính vì tội ác của hắn, và vì những gì hắn đã làm đối với đất nước mà họ yêu mến.
Và như vậy chúng ta nói với những người anh hùng của chúng ta: Các bạn đã không chết vô ích. Các đồng chí của các bạn sẽ hoàn thành công việc.
Và ai có thể không cảm thấy vui về điều đó?./.