Khi nghiên cứu về các nhân vật bi kịch, Aristote (384-322) trong Poetics, một tác phẩm nổi tiếng đã cho thấy rằng, những con người đó không hoàn toàn tốt, màcũng không hoàn toàn xấu. So với những người bình thường họ có những nét trác tuyệt, siêu việt, nhưng luôn luôn có một nhược điểm mà theo ông, đó là nhược điểm định mệnh (tragic flaw) vì chính nhược điểm này là nguyên nhân đưa đến thảm họa sau này. Thế nên, Marlon Brando dù được nhìn nhận là diễn viên số một của màn ảnh Mỹ và thế giới, có phong cách mới lạ, độc đáo trong điện ảnh hiện đại và là diễn viên được trả thù lao cao giá nhất - điều mà hình như không ai có thể phủ nhận, ngay cả với những người vốn rất căm ghét quan điểm chính trị của Brando, thì dưới mắt tôi Brando là một nhân vật bi kịch.
Marlon Brando tên thật là Budem hay Marlon Brando Jr. sinh ngày 3.4.1924 tại Omaha, Nebraska. Cha là Marlon Brandeau sau đổi thành Brando khi đến định cư ở Mỹ, một thương gia gốc Pháp, mẹ là Dorothy Penne Baker, một diễn viên sân khấu. Theo tử vi Tây thì Marlon Brando tuổi con cừu, một tuổi có tính tình bướng bỉnh hay tranh cãi và không chịu ảnh hưởng bất cứ ai.
Năm Marlon Brando lên sáu tuổi, gia đình chuyển tới Libertyville tiểu bang Illinois. Ở đó, cha của cậu mua một trang trại và trở thành một nhà sản xuất hóa chất và thuốc trừ sâu.
Marlon Brando là một đứa bé thông minh, nhanh nhẹn, thích điền kinh và bóng đá. Cậu rất được mọi người trong gia đình cưng yêu, vì người cha thường xuyên vắng nhà, cậu suốt ngày cứ quanh quẩn giữa đám phụ nữ. Từ mẹ, hai chị là Frances và Jocelyn đến người vú nuôi và những người giúp việc khác. Nhưng ngay từ thời niên thiếu, tâm hồn cậu đã sớm có dấu vết rạn nứt. Cậu đã nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ say khướt, có lẽ đã ghé qua một quán rượu nào đó sau đêm diễn trên đường về nhà và cha cậu thì vẫn thái độ nóng nảy, thế là những cuộc cãi vã, xô xát diễn ra trước sự chứng kiến của cậu bé chín, mười tuổi đó. Như thế phải chăng sự kiện mở đầu (The exciting moment) của vở bi kịch cuộc đời Marlon Brando đã diễn.
Năm cuối ở trung học, Marlon Brando đã bị hội đồng kỷ luật của trường đuổi vì tội nghịch phá, dám đặt một trái bom tự chế trong phòng giáo sư. Sau biến cố đó cha anh đã bắt buộc gửi anh vào một học viện quân sự tại Minota. Nhưng trước khi kết thúc khóa học Brando lại bỏ trốn khỏi trường. Và để khỏi bị chi phối bởi sức ép của cha, anh đã làm rất nhiều công việc để kiếm sống như công nhân đặt ống nước, lắp thang máy, thợ hồ v.v... Công việc đó không phù hợp với anh, nhưng nó cũng đã dạy anh nhiều điều, góp phần làm phong phú hơn cho nghệ thuật diễn xuất của anh sau này.
Mùa thu năm 1943, Brando đến New York. Ở đó, hai người chị của anh đang theo học đại học. Một trong hai người sau này trở thành một diễn viên sân khấu nổi tiếng. Họ đã giúp anh vào học tại trường đào tạo diễn viên sân khấu dưới sự hướng dẫn của Erwin Piscater, một nhà tâm lý học kiêm lý luận sân khấu và đạo diễn nổi tiếng, và bà Stella Adler, một nữ diễn viên sân khấu nổi tiếng cũng không kém. Brando trở thành người học trò cưng của hai người. Cùng học với anh còn có Tony Curtis, Walter Matthaus, Tony Frannciesa, Ben Gazzara, Rod Stiger và Shelley Winter...
Brando không chỉ chứng tỏ là một người chuyên cần học hỏi, có triển vọng trở thành một ngôi sao sáng chói của sân khấu, mà còn gây không ít sóng gió trong tình yêu của anh với con gái bà Adler. Mối tình đầu vụng dại sớm tan vỡ, một vết rạn nứt nữa hằn lên trái tim anh.
Tuy thế, trong thời gian này, anh đã chính thức tham gia thường xuyên các buổi trình diễn trên sân khấu Broadway như với vở Buổi Cà Phê Trên Sân Thượng (1946) của Maxwell Andersen, và đặc biệt thành công trong vở Con Người Và Siêu Nhân (Man and superman, 1947) của Goerges B.Shaw. Chính nghệt thuật diễn xuất của Brando trong vở này đã cho đạo diễn Elia Kazan thấy là ông đã tìm được nhân vật Stanley Kwalski trong vở A Treetcar Named Desire của Tennesse Williams. Năm 1950, khi vở này được dàn dựng là một thành công ngoài sức tưởng tượng và vở kéo dài hơn bốn năm mà vẫn không ngớt khán giả.
Mặt khác, Brando không chỉ đóng trong A Treetar Named Disire (WB, 1951), mà còn được Elia Kazan và Lee Strasberg, hai nhà cách tân sân khấu nổi tiếng mời cộng tác với Xưởng Nghệ Thuật mà họ thành lập từ năm 1947 nhằm phát hiện và bồi dưỡng những tài năng nghệ thuật cho tương lai.
Cũng trong năm 1950, Brando nhận lời đóng vai chính trong phim The Man (UA, 1950) của Fred Zinneman. Với vai Ken Wilozed, một người bại liệt, quạu quọ và vô học thức đã khiến những nhà phê bình điện ảnh đánh giá cao tài năng đặc biệt của anh.
Sự thành công của anh trong bộ phim nói trên đã thôi thúc Elia Kazan muốn chính mình đứng ra chuyển vở kịch A Treetcar Named Disire (WB, 1951) thành phim, Brando đóng vai Stanley Kwalski, bên cạnh Vivien Leigh. Brando đã thể hiện nhân vật của mình như một con thú người: Ích kỷ, cục súc, thô bạo, và cuối cùng dẫn đến hành vi hiếp dâm người chị vợ chỉ vì muốn thỏa mãn lòng thù hận.
Với vai Emillo Zapata trong Viva Zapata (20th, 1952) của Elia Kazan, Brando đã diễn xuất một cách tuyệt vời, và đã được trao tặng giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Cannes 1952.
Sau vai Marc Antoine trong Julius Caesar (MGM, 1953) của J.L.Mankiewics, một vai lịch sử mà Brando diễn xuất khá thành công, anh lại tiếp nối với vai Tod Malloy trong On The Waterfront (COL, 1954) của Elia Kazan. Tod Malloy là một công nhân bốc xếp, trước là một đấu thủ quyền Anh mà theo chỉ thị của Mafia thì Malloy luôn luôn phải thua một đối thủ kém hơn trong các trận đấu. Anh đã mất đi sự tin tưởng vào bản thân nên bỏ nghề quyền Anh, nhưng lại trở thành một con bài bị sai bảo trong tay bọn găng-tơ. Nhưng Malloy bị tác động bởi tình yêu của một cô gái, em của một người mà anh được lệnh giết. Cuối cùng Malloy đã đi đến quyết định chống lại tổ chức mafia. Anh khai báo các hoạt động của mafia trước Ủy ban điều tra và làm cho tổ chức mafia ở đây bị tan rã. Bộ phim đã gây nên nhiều tranh luận nhưng đã mang đến cho Brando giải Oscar về nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm 1955. Trước đó một tháng, Brando được tặng giải Quả Cầu Vàng. Có thể nói chưa có một diễn viên nào trong độ tuổi của anh đạt nhiều vinh quang như vậy. Hào quang của anh không chỉ làm vinh dự cho anh mà còn đem lại tiếng tăm và vinh quang cho đạo diễn và những diễn viên cùng đóng chung với anh. Tất cả các đoàn làm phim ở Hollywood đều muốn có mặt anh.
Trước xã hội, Brando đã gặt hái từ thành công này đến thành công khác nhưng cả một bầu trời đang sụp đổ và đè nặng lên trái tim anh. Có thể nói, Marlon Brando tuy là một con người ngang tàng, bướng bỉnh, nhưng anh lại rất thương yêu và tôn thờ mẹ, một phụ nữ trẻ đẹp, đầy sức sống, có học thức và hóm hỉnh. Một người rất dễ thông cảm với mọi người, biết cách thuần phục đàn bò, cũng như biết cách làm cho người khác khóc cười bằng nghệ thuật diễn xuất của mình. Và có thể nói anh là một đứa con hiếu thảo. Mặc dù bà Penne Baker sau này không còn nghĩ đến một điều gì khác, kể cả con trai bà ngoài tật nghiện rượu. Rất nhiều lần, khoảng nửa khuya, Brando bị đánh thức dậy qua điện thoại, có tiếng một người nào đó cho anh biết hiện mẹ anh đang say mềm và không thể về nhà được. Thế là anh tung người ra khỏi giường, tức tốc đến ngay địa chỉ của quán rượu nơi mẹ anh đang có mặt để đón bà về. Anh đau xót, giận dỗi trước sự tiều tụy của mẹ, nhưng thương mẹ anh không từ khước được. Thế nên, 31.3.1954 là một trong những ngày đau khổ tột cùng mà anh phải gánh chịu, đó là ngày mẹ anh vĩnh viễn nằm xuống. Và không bao lâu sau đó anh lại phải vĩnh viễn giã từ Cesanne Bérenger, người vợ chưa cưới của anh vì chứng ung thư. Bây giờ trong anh là cả một khoảng trống ghê rợn và để lấp đầy nỗi đau nhức đó, anh đi tìm sự bám víu ở những phụ nữ lớn tuổi hơn anh. Cái chỗ nhược của Marlon Brando đã biến anh thành một nhân vật bi kịch là suốt đời anh cứ chạy theo những cuộc tình. Phụ nữ luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời anh. Bi kịch là ở đó. Cũng như vua Lear trong vở kịch cùng tên (1605) của Shakespeare. Ngay từ đầu vở kịch, nhà vua đã khởi sự từ bỏ ngai vàng và uy quyền hoàn toàn tín cẩn hai cô con gái lớn và ghét bỏ nàng Cordelia, để đến nỗi bị hai cô này tước đoạt tất cả uy quyền, tài sản lẫn quân hầu đầy tớ, thậm chí đến cả áo quần nữa.
Trong thời gian đóng phim Viva Zapata, Brando đã yêu một diễn viên đóng vai phụ người Mehico tên là Maria Louisa Catenada. Anh yêu thích những phụ nữ có vẻ đẹp hoang dã, hơi khác thường. Tiếp đó là Rita Moreno, người Puerto Rico. Rồi Katy Jurado, người Mehico; Jerry Gray, người da đen; Pier Angeli, người Italia; rồi cô gái nhảy Philippines và France Nguyễn, một diễn viên Pháp gốc Việt...
Giữa năm 1954, có thể do những đau khổ chồng chất, Brando đã sống trong tâm trạng hoảng hốt, nổi loạn. Anh khước từ không chịu đóng trong bộ phim The Egyptian của Michael Curtiz. Do việc phá vỡ hợp đồng, Brando bị dọa đưa ra tòa, nên anh đành phải nhận lời đóng vai Napoleon trong Desiree (20th, 1954) của Henry Koester bên cạnh Jeanne Simons. Năm sau, Brando lại một lần nữa đóng cặp với Jeanne Simons trong Guys và Dolls (MGM, 1955). Nghệ thuật diễn xuất của anh đã khẳng định ngôi vị của anh trong số mười diễn viên hàng đầu tại Hollywood.
Tiếp nối, anh có mặt trong The Teahouse of The August Moon (MGM, 1956) trong vai một phiên dịch trong thời kỳ quân đội Mỹ chiếm đóng Okinawa. Phim kế tiếp, cũng lấy bối cảnh tại Nhật, nhưng nhân vật của anh là một thiếu tá quân đội Mỹ, bên cạnh nữ diễn viên sân khấu Nhật Kabuki, với vai diễn này trong Sayonara (WB, 1957) Brando đã gặt hái thành công rực rỡ. Cộng với số tiền thù lao của phim này anh đã thành lập hãng Penne Baker Productions.
Hoàn toàn bất ngờ, ngày 11.10.1957, Brando làm lễ thành hôn với Kashfi một nữ diễn viên điện ảnh gốc Ấn Độ. Đây là một trong những ngã rẽ quan trọng dẫn đến bi kịch của đời anh. Anh và Kashfi có với nhau một đứa con trai là Christian David, nhưng họ đã trở thành là địa ngục của nhau trong cuộc sống gia đình. Đến ngày 22.8.1959 thì họ ly dị. Trước tòa do sự thán oán của Kashfi, tòa đã xử cho mẹ nuôi con. Hiểu chỗ nhược của Brando là rất thương con, Kashfi luôn luôn tạo những tranh chấp không ngưng nghỉ. Sau đó, Brando kết hôn với Castenada, tình nhân cũ của anh. Anh lại có thêm một đứa con với cô này tên là Mike. Nhưng cuộc hôn nhân mới này cũng không mang hạnh phúc đến cho anh, mà có lẽ còn tạo thêm những đau khổ mới, lại chồng chất bởi những đam mê mù quáng của anh. Tuy giữa anh và Castenada chưa ly dị nhau, phải đợi đến tháng 7.1968 mới chính thức ly dị. Nhưng cái nhược điểm định mệnh vẫn không rời bỏ anh, anh lại dấn thân sâu hơn vào một cuộc tình khác. Anh lại cặp với một cô hầu bàn người Tahiti tên là Toriipaia, và họ lại có với nhau một đứa con tên là Tehotu ra đời ngày 30.5.1963.
Mối dây liên hệ gần như phức tạp giữa anh và Castenada và cuộc hôn nhân không chính thức giữa anh và Toriipaia như những ràng buộc chằng chịt chưa có phương thế gỡ ra được - thì anh vẫn phải thường xuyên đi hầu tòa trong một oan nghiệt khác với Kashfi cho mãi đến giữa thập niên những năm 70 đôi bên mới được giải quyết khi cô này bị bắt quả tang vì tội sử dụng ma túy và nghiện rượu. Nhưng cuộc đời của Marlon Brando vẫn còn khổ lụy vì cô một lần nữa, bởi cô đâu đã chịu buông tha anh một cách dễ dàng. Năm 1979 cô đã xuất bản một tập sách tựa đề Brando Trong Bữa Ăn Sáng nhằm mục đích trả thù Brando, đề cập đến những thói tật của Brando.
Trở lại chặng đường nghệ thuật của Brando, sau phim Sayonara, anh tham gia phim The Young Lions (20th, 1958) của Edward Smytrick dựa theo tiểu thuyết của Irwin Shaw. Brando đóng vai trung sĩ Christian Diestla người Đức bên cạnh những diễn viên nổi tiếng khác như Neeg Ackerman, Montgomery Clift, Dean Martin. Trong kịch bản những nhân vật tương đối đồng đều, và có đất diễn; nhưng trong phim thì ngược lại, rõ ràng Brando vượt trội bởi nghệ thuật diễn xuất điêu luyện và sinh động hơn.
Năm 1959, Marlon Brando tạm ngưng đóng phim vì những bất ổn trong đời sống gia đình của anh, nhưng anh vẫn chuẩn bị cho những vai diễn mới. Những vai mà sau này anh gặt hái thành công, đem lại những vinh quang mới lớn hơn trong sự nghiệp diễn viên của anh. Đầu tiên là vai Val Xavier trong The Fugitive Kind (UA, 1960): Val là một người đàn ông không hề quan tâm đến bất cứ một điều gì khác ngoài chiếc đàn guita mà anh thường xuyên sử dụng. Anh đến một thì trấn yên tĩnh và ở đó thật tình cờ anh trở thành trung tâm của phụ nữ. Vợ ông cảnh sát trưởng (Maureen Stapleon) đã cho anh việc làm, vợ một người đàn ông bị ung thư (Anna Magnani) cho anh chỗ ở và hiến dâng thể xác cho anh, và người đàn bà xinh đẹp và nát rượu (Joanne Woodward) đã quyến rũ anh. Tức tối và ghen tị với anh, những người đàn ông địa phương đã ném Val vào ngọn lửa khi thị trấn xảy ra cơn hỏa hoạn. Một lần nữa không chỉ tài năng với khuôn mặt lạnh lùng và bí ẩn của anh đã giúp anh trong việc thể hiện nhân vật này.
Đối với One Eyed Jacks (Par, 1961) Brando vừa là ông bầu, vừa là diễn viên. Nhưng khi chuẩn bị quay thì không hiểu vì một lý do nào đó Stanley Kubrick, đạo diễn phim này đã tuyên bố bỏ cuộc, thế là anh kiêm luôn công tác đạo diễn. Bộ phim khi hoàn thành có tốn kém hơn lúc dự trù, nhưng thật bất ngờ nó được tặng giải chính thức tại Liên hoan phim Acapulco và giải Con Ốc Vàng ở San Sébastian. Sự kiện đó thúc đẩy Brando mạnh dạn bước vào vai trò đạo diễn.
Nhưng những năm kế tiếp sau đó, Brando đã trải qua những chặng đường chông gai, khắc nghiệt nhất đối với anh. Do muốn có thời gian hoạt động ở vị trí của một đạo diễn, anh đã từ chối lời mời đóng phim Lawrence Arab, mà trước đó anh đã ký hợp đồng với Aaron Rosenbergie - cuối cùng anh lại phải chọn giải pháp tham gia trong phim Mating on the Bounty (1962) trong vai trung úy Flerchera Chrsitian. Nhưng bộ phim đã thất bại khi được đưa ra chiếu trước công chúng. Sau đó, với sự có mặt liên tiếp của anh trong các phim The Ugly American (Univ, 1962) của Georges Englud, Bedting Story (Univ, 1964) của Ralph Levy, The Saboteur - Code Name Moritun (20th, 1965) của Bernhard Vicky, The Appaloosa (Univ, 1966) của Sidney J.Furie và The Countess from Hongkong (Univ, 1967) bộ phim cuối cùng của Charlie Chaplin, lànhững chuỗi thất bại liên tiếp trên bước đường nghệ thuật của anh song song với những nghiệt ngã, đau xót trong đời sống tình cảm.
Chặng đường này của Marlon Brando có thể coi như là sự kiện trung tâm (Tragic moment) của vở kịch.
Nhưng với phim Reflections in a Golden Eye (WB, 1967) của John Huston dựa theo tiểu thuyết của nhà văn nữ Carson Mc Cullers. Đó là một tấn thảm kịch tại một vùng hẻo lánh ở miền Nam nước Mỹ sau chiến tranh gồm: Hai sĩ quan, một người Philippines, và một con người xoay quanh mối quan hệ tình dục vô nghĩa giữa Leonora Penderton (Liz Taylor) mang một tâm trạng bạc nhược, khinh bỉ người chồng Wendell Penderton (Marlon Brando) một kẻ đồng tính luyến ái về tất cả mọi phương tiện trừ thực hành, và thiếu tá Langdon có một người vợ khổ sở trong lúc tuyệt vọng và điên cuồng đã cắt đôi vú. Người Philippines, kẻ trông nhà cho Alison vừa trịnh trọng vừa lịch sự đến độ khôi hài trong việc hết lòng phục vụ bất cứ ước muốn và đòi hỏi nào của Alison. Binh nhì Williamss, người chưa bao giờ toan tính đụng chạm, nhìn đến hay nói chuyện với một phụ nữ nào từ hồi 8 tuổi, đã trở nên mê mẩn tâm thần sau khi chợt thấy thân thể phơi bày của Leonora, và rồi, lén lút vào phòng người đàn bà này vào lúc nửa đêm để ngồi lặng người, điên dại chiêm ngưỡng khuôn mặt nàng trong giấc ngủ. Mối liên hệ giữa các nhân vật bị siết chặt bởi tâm tình say mê lẫn ghen hờn của đại úy Penderton với cái vóc dáng trẻ trung và chan chứa của Williams. Và chính đại úy này, cuối cùng trong một lần bắt gặp người lính vào một đêm canh thức của gã, đã bắn chết người lính và tất cả sự cân bằng giữa các nhân vật bỗng chốc bị lung lay, đổ vỡ. Chỉ còn lại viên đại úy, trông như một nhà tu rạng rỡ và siêu lạc.
Không chỉ Huston đã thành công khi giữ cái thần của tiểu thuyết, cái không khí bệnh hoạn lên màn ảnh, mà Liz Taylor đã diễn xuất rất xuất sắc trong vai người vợ, còn Marlon Brando đã làm tất cả phải bàng hoàng, vì khả năng biểu hiện tâm trạng của một con người không biết làm gì với những vấn đề xảy ra, một con người với một thân phận đọa đày, hủy hoại. Có thể nói với vai diễn này, nghệ thuật diễn xuất của Marlon Brando đã đạt đến giới hạn của nghệ thuật. Nhưng đáng tiếc cả phim và diễn xuất đã không được đánh giá đúng mức. Có thể, thời kỳ này nổ ra một thời kỳ mà tiết tấu của phim nhanh hơn, các nhân vật hoạt động nhiều hơn và có lẽ cũng ít triết lý hơn.
Mặt khác, trong thập niên 50, Marlon Brando là người ý thức rất rõ ràng vai trò của người nghệ sĩ. Anh đã từng cho rằng: “Đối với tôi, nghệ thuật điện ảnh không chỉ mang đến cho người xem những cảm xúc bởi câu chuyện được kể, những nhân vật sống động trong đó, mà còn gửi đến cho họ lý tưởng trách nhiệm vào mối liên hệ giữa con người trong cuộc sống”. Trung thành với quan điểm của mình, anh tham gia tích cực các hoạt động xã hội, anh đã từng đứng về phía mục sư Luther King tham gia chống tệ nạn phân biệt chủng tộc. Nổi bật nhất là tham gia cuộc biểu tình lớn tại Washington ngày 28.8.1963.
Từ năm 1964, Marlon Brando tham gia chống tệ nạn đối xử tàn bạo với người da đỏ, chống cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Nhưng khi Luther King bị ám sát, tiếp theo anh Kennedy bị ám sát, một bầu khí bạo động đang lan tràn trong xã hội Mỹ đã ít nhiều tác động đến con người anh, lòng tin trong anh bị lung lay, chán nản, nên anh đã ít tham gia vào các hoạt động xã hội. Nhất từ khi cha anh mất, hãng Penne Baker Productions của anh bị giải thể. Anh trở thành bi quan, thường xuyên đến đảo Tetiaro, một hòn đảo cách Tahiti 35 km mà anh đã mua từ năm 1963, rồi chuyển hẳn đến ở đó như một người chạy trốn cái văn minh dã thú. Anh đã từ chối lời mời đóng phim The Godfather của Elia Kazan và nhiều bộ phim khác.
Đến năm 1970, Marlon Brando đã trở lại đóng bộ phim Queimanda của Gillo Pontecorvo và năm sau anh lại tham gia phim Bố Già 1 (1971) của Francis F.Coppola dựa theo tiểu thuyết của Mario Puzo. Với nhân vật này, Marlon Brando đã được trao tặng giải Oscar.
Ngày 27.2.1973 khi đại diện ban giám khảo gồm Liv Ullman và Roger Moore tuyên đọc tên Marlon Brando, thì trên sân khấu xuất hiện một cô gái da đỏ nói rằng Marlon Brando từ chối không nhận giải để chống lại cuộc tàn sát người da đỏ tại miền Nam bang Dakota. Thái độ của Brando đã làm cho giới quân sự và chính quyền Mỹ phản ứng mãnh liệt, nhưng Marlon Brando không hề nao núng. Anh đã sử dụng số tiền khổng lồ do hai bộ phim vừa nói để ủng hộ người da đỏ trong các hoạt động của họ. Năm 1976, Ủy ban đoàn kết người da màu đã trao tặng giải thưởng nhân đạo hàng năm cho anh. Mặc dù lần này, với lòng trân trọng tổ chức nói trên Marlon Brando cũng đã từ chối không nhận giải thưởng. Tiếp đó, Marlon tiếp tục trong phim Bản Tango Cuối Cùng Ở Paris (1972) của Bernardo Bertolucci. Đặc biệt với nhân vật này, diễn xuất của Marlon Brando thật tuyệt vời, và theo nhiều nhà phê bình với vai diễn này ông xứng đáng đoạt giải Oscar hơn là vai diễn trong Bố Già 1.
Trong phim Những Người Tù Giữa Con Người (1973) người xem khắp thế giới lại thấy bóng dáng của phương pháp diễn xuất của Elia Kazan và Lee Strasberg, bóng dáng thời kỳ lộng lẫy của Brando với những nét diễn xuất góc cạnh và đầy cá tính của một con người sống giữa những bất trắc của chính mình và nghiệt ngã của đời sống. Mặc dù Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ năm đó đánh giá cao nghệ thuật diễn xuất của Brando trong vai này, nhưng họ dè dặt không dám trao giải thưởng, sợ một lần nữa anh từ chối.
Bẵng đi một thời gian, năm 1976, Marlon Brando trở lại điện ảnh với vai Robert Lee Clayton trong Thung Lũng Missouri (1976), Marlon Brando đã mang đến cho thời kỳ tàn lụi của loại phim Western một vóc dáng khác, một ý nghĩa đạo đức khác. Đó có lẽ là vai chính cuối cùng của anh trong điện ảnh. Sau đó anh tham gia trong những phim ngắn như Người Đàn Ông Vĩ Đại (1979) của Richard Poner với thù lao bốn triệu đôla chỉ trong mười một ngày. Rồi anh lại tham gia trong Ngày Tận Thế (1979) của Francis F.Coppola, là “bộ phim được dự định trước như một sự mở đường cho sự kiện Việt Nam trên màn ảnh thế giới, bộ phim không có kết thúc”, nhưng như Catherine Laporte, “nó như là một ngòi nổ chậm”. Marlon Brando đã nhận lời đóng vai đại tá Valter Kartz với tất cả tinh thần trách nhiệm của một diễn viên công dân. Ông đã phải chịu đựng một điều kiện sống rất ư khắc nghiệt trong rừng rậm của Philippines mà Steve Mc Queen đã từ chối, Harvey đã bỏ cuộc sau ba tuần đến đó. Với Marlon Brando, thì còn thê thảm hơn, lúc này ông cân nặng 142 kg và do di chuyển trong những điều kiện khó khăn, ông bị trẹo mắt cá chân nhưng ông vẫn tiếp tục với Coppola cho đến khi phim hoàn tất.
Ở tuổi 65, Marlon Brando lại có mặt trong phim Con Đường Casenègres (1988) của nữ đạo diễn Ezulan Paley, dựa theo tác phẩm Một Mùa Trắng Dã và Khô Cạn của nhà văn Nam Phi André Brink đề cập về nạn phâ biệt chủng tộc ở Nam Phi, trong vai ông bố của Donald Sutherland, vẫn với một nghệ thuật diễn xuất trầm tĩnh độc đáo và đầy cá tính. Đặc biệt, vào giữa tháng 11.1988 Marlon Brando lại một lần nữa xuất hiện trong vai một cựu điệp viên CIA trong bộ phim Jericho do chính Brando viết kịch bản và cùng đứng chung sản xuất với Elliot Kastner, bạn ông.
Nếu như Brando là nhân vật bi kịch của một đời danh vọng, thì vở kịch đó đang tới hồi kết thúc. Mới đây, Cheyenne Brando 25 tuổi, mang chứng bệnh u uất tâm thần sau khi người yêu của cô là Dag Drollet bị Christian Brando, người anh cùng cha khác mẹ của cô giết chết cách đây bốn năm và đã mưu toan tự sát ba lần trước đó, và ngày 26.4.1995, Cheyenne đã treo cổ tự vãn tại nhà riêng trên đảo Tetiaro Tahiti. Cũng như trong King Lear, vua Lear đã không những ý thức được những lỗi lầm của mình mà còn ý thức được cả những bất công nói chung trong xã hội loài người và ý thức được một cách sâu sắc hơn nữa cái mong manh của kiếp người. Ở đây Marlon Brando, nhân vật bi kịch của vở kịch đời mình không những đã tỉnh ngộ, thấy ra được “Cái bi kịch của đời tôi là miệt mài chạy theo hết người phụ nữ này đến phụ nữ khác và cứ có ảo tưởng là hạnh phúc hay ít ra đã tin rằng họ cũng giúp tôi vượt qua nỗi cô đơn hoặc đau khổ của tôi. Thật ra, tôi đã thất bại trước khi cuộc tìm kiếm bắt đầu”. Hơn thế nữa, ông còn nhận thức ra bản thân ông và tài năng của ông, điều mà hàng triệu khán giả khắp nơi trên thế giới đã và đang ngưỡng mộ ông, tất cả chẳng là gì cả, bởi theo ông “Người nghệ sĩ cuối cùng của chúng ta là danh họa Picasso”. Và Marlon Brando lại càng là một nhân vật bi kịch, bởi như hồi kết thúc của vở King Lear thì nhà vua đi lang thang trong đồng cỏ hoang và linh tính chói rạng dần trong ánh sáng giác ngộ, còn bạn có biết không, mai này Marlon Brando của chúng ta có lẽ cũng đang thơ thẩn dưới những hàng dừa cao cạnh một bãi biển trên đảo Tetiaro, Tahiti. Ở đó, Marlon Brando đang tìm lại chính mình, trước khi nằm xuống, chung lẫn với cỏ cây.
Đến ngày 7.1.2004, chính thức từ giả cõi trần thế, Marlon Brando, vẫn còn giữ được sự riêng tư như lúc còn sống. Ông đã được hỏa thiêu trong một tang lễ that kín đáo tại Los Angeles. Tham dự buổi lễ hỏa thiêu chỉ gồm thân nhân trong gia đình. Và chỉ sau khi mọi việc đã hòan tất luật sư đại diện của Brando, David Seeley, mới thông báo tin tức này cho giới truyền thông. Ngay chính David Seeley, người đại diện và quản lý tài chánh cho Brando từ bốn năm qua, cũng không biết được chương trình hỏa thiêu và tin rằng không có lễ cầu hồn dành cho công chúng./.