Xin gửi tới VCV một truyện ngắn có thật, giờ này ở Chung Cư Minh Mạng vẫn còn có người nhớ... là một kỷ niệm với những ai đã xây chung cư Minh Mạng...
Một buổi sáng tôi đang ngồi uống cà phê với một anh bạn tại một cái quán trên đường Sô Viết Nghệ Tĩnh, bỗng bạn tôi, anh Thân, lấy tay chỉ cho tôi thấy một người đàn ông trạc trên dưới 70 đang đạp xe đạp ngang qua. Anh hỏi tôi có biết người đó không? Khi thấy tôi lắc đầu, Thân bảo tôi: “Đấy là ông T. một người trước đây làm việc cho hãng thầu Capitol của Mỹ”. Tôi bảo với Thân là ông T., ông X. nào đó làm việc cho hãng thầu Mỹ thì ăn nhằm gì tới tôi, vả lại thành phố này thiếu gì kẻ làm cho Mỹ trước kia. Thân cười và giải thích rằng sở dĩ anh hỏi tôi có biết người đó không vì khi thấy người đó đi qua anh chợt nhớ lại một câu chuyện trả thù mà người đó đóng vai chính. Truyện trả thù này không thảm khốc, không hèn hạ mà trái lại rất hào hiệp, khôn ngoan và lại có tính cách ái quốc nữa mới hay chứ; do đó anh hỏi tôi biết người đó không, vì nếu tôi biết ông ta thì có thể tôi cũng biết câu chuyện trả thù đó. Tôi bảo Thân: “Thôi đi ông, chưa già đã lẩm cẩm, chuyện trả thù quái gì mà lại hào hiệp với ái quốc, ông không lẩm cẩm thì cũng xạo ke”. Dù bị chê Thân vẫn bình tĩnh và khuyên tôi nên nghe câu chuyện trả thù đó trước đã rồi hãy có ý kiến. Tôi đồng ý chịu nghe nhưng trong bụng thầm nghĩ nếu ông kể chuyện ấm ớ mất thì giờ của tôi thì ông đừng có trách! Và sau đây là câu chuyện do Thân kể:
Năm 1960 tôi làm chung một chỗ với ông T. đó, nhưng hai chúng tôi làm cho hai công ty. Ông T. làm cho Mỹ, tôi làm cho hãng thầu Đài Loan, thầu lại một phần công việc của hãng Mỹ. Nơi chúng tôi làm việc là chung cư Minh Mạng lúc đó mới khởi sự được xây – nói rõ hơn là chúng tôi làm tại công trường Xây Cất Chung Cư Minh Mạng. Trong Công trường có hai Giám Đốc của hai hãng, các kỹ sư, các giám thị, các công nhân các ngành mà giai cấp chót là quý vị thợ hồ và phụ hồ. Ông T. làm Phụ Tá Hành Chánh cho viên Giám Đốc người Mỹ. Do vấn đề công vụ tôi quen và chơi với ông T. Trước chỉ sơ giao sau thành khá thân thiết, vì tôi thấy ông T. hiền lành và cũng vì hai chúng tôi có một sở thích là đánh Sì Phé trong những lúc hết công việc. Ngoài ra buổi trưa không về vì nhà xa, chúng tôi còn ăn cơm chung với nhau nữa. Ba mươi năm trước cả tôi lẫn ông T. còn trẻ nên cũng không ai kém ai về bộ môn say mê người khác phái. Cả hai chúng tôi đều để ý tới một cô phụ hồ trạc độ 18, 19; cô này dáng người mảnh khảnh, nước da trắng như trứng gà bóc, đặc biệt nhất là trên công trường nắng như thế mà da nàng không bị cháy đen mà lại chỉ ửng hồng lên khiến cho đã dễ thương lại dễ thương hơn. Nhưng chưa hết, làn môi, cái mũi dọc dừa và cặp mắt, nhất là cặp mắt to tròn trong sáng dịu dàng mê hồn làm sao, và để chứa đựng tất cả các điều tuyệt diệu đó là một khuôn mặt trái soan đẹp như khuôn mặt người trong tranh “Vệ Nữ ra đời” mới khiếp chứ. Mỗi khi gặp nàng cả tôi lẫn ông T. đều chia sẻ một niềm đau là tại sao ông Trời lại ác độc bắt một người con gái đẹp như vậy phải đi làm phụ hồ ngày ngày gánh vữa muốn ẹo lưng, trong khi có những quân xấu hơn “con khởi” thì lại xe hơi nhà lầu, kim cương vòng vàng đeo chật người, làm ăn như vậy bị gọi là “Lão Tặc Thiên” là trúng phoóc!
Rồi, lạ thay, chẳng ai bảo ai, chẳng ai bàn bạc gì với ai mà cả hai chúng tôi đều gặp nhau ở chỗ cùng phong cho nàng là Tây Thi CTMM, tức là Tây Thi Công Trường Minh Mạng nơi Đất Việt Trời Nam chứ cóc phải bên nước Ba Tầu xa lắc xa lơ. Phong nàng làm Tây Thi xong chúng tôi lại gặp nhau trên từng cây số ở một điểm thứ nhì là đã có Tây Thi tất phải có Phạm Lãi. Nhưng vì cả tôi lẫn ông T. đều đã có “Quốc Hội” ở nhà, lộn xộn nó biểu quyết không cho ăn thì bỏ bu nên đành bảo nhau nhất định phải tìm cho ra xem thằng Phạm Lãi nào mà hên thế. Rồi một buổi chiều kia chúng tôi quả đã gặp Tây Thi đi với Phạm Lãi của nàng. Ông chắc không thể đoán được cảm nghĩ của chúng tôi vào giây phút đó. Cả hai chúng tôi bảo nhau: “Gọi ông trời là Lão Tặc Thiên là bậy, ông luôn có mắt, luôn luôn có lý, đáng khen, đáng khen thay!”. Vì Phạm Lãi của nàng cũng chính là một đồng nghiệp của nàng, nghĩa là cũng chỉ là một người thợ làm ở công trường, có khác chăng là anh chàng đó làm ngay cho hãng ông T. Anh này cũng rất bảnh trai, hiền lành và tuyệt vời hơn cả là anh ta rất lương thiện. Cách đấy mấy tuần chính ông T. đã trao tận tay anh một số tiền thưởng của Hãng tưởng thưởng việc anh ta đã mang trả lại một cái ví đầy nhóc đôla Mỹ mà một người kỹ sư Mỹ đánh rơi ở tầng lầu hai chung cư. Một người thợ hồ nghèo khó mà không thèm gần 500 đôla đâu phải chuyện thông thường. Cả hai chúng tôi rất mừng vì thấy Tây Thi và Phạm Lãi của chúng tôi thật xứng đôi vừa lứa.
Nhưng than ôi! Đời không phải lúc nào cũng đẹp như vậy. Thảm họa đã rớt xuống đầu hai kẻ mà chúng tôi thường âm thầm yêu thích.
Một buổi sáng ông T. thấy Cung (tên chàng Phạm Lãi đó) mặt mũi thẫn thờ bước vào văn phòng ông và cho biết muốn nhờ ông xin cho lãnh tất cả các khoản tiền thôi việc vì chàng xin nghỉ việc. Ông T. sửng sốt hỏi chàng: “Cậu đang làm tốt như vậy, sao lại xin nghỉ?”. Cung cho biết không những chàng phải xin nghỉ việc mà chắc còn sắp phải đi tù nữa, và đau khổ hơn nữa là chàng rất có thể sắp trở thành một kẻ sát nhân. Ông T. vội ôn tồn bảo Cung là có chuyện gì phải cho ông ta biết ngay để xem ông ta có giúp gì được không chứ không nên vội vã làm bậy. Cung vừa khóc vừa kể sự tình: thì ra Tây Thi đã chê kẻ ngu muội dám chê những đồng đôla thơm phức để cặp bồ với thằng Benny, một tên Phi Luật Tân đen đủi, to béo như con bò mộng, cưỡi một cái xe môtô cũng to như cái nhà táng; thằng Benny này làm giám thị công trường. Chính Phạm Lãi đau thương của chúng tôi đã nhìn thấy tận mắt Tây Thi của mình rú lên khe khẽ trong vòng tay bẩn thỉu của tên mọi kia trong một rạp chiếu bóng, sau đó lại cùng nó bước vô khách sạn Đồng Khánh, để Phạm Lãi phục ở cửa đến gần 3 giờ sáng mà vẫn chưa thấy Tây Thi ra. Giờ đây Phạm Lãi đã nhất định đóng vai Kinh Kha để không phải sang Tần, mà là đến Chung cư Minh Mạng hành thích tên mọi béo ú kia. Nghe xong câu chuyện ông T. cố nuốt cái tức xuống, ông cảm thấy mình nộ khí xung thiên và đau đớn có lẽ còn hơn cả chàng Phạm Lãi hiền lành kia nữa. Lòng ông tê tái, miệng ông khô cháy khi ông nuốt cục hận cái ực một cái, rơi thẳng vào con tim để bật ra ý chí trả thù. Lấy hết bình tĩnh, ông bảo Phạm Lãi đau khổ là cậu ta phải nhất nhất nghe lời ông đạo diễn thì mọi sự còn có cơ may cứu vãn được phần nào.
Và bây giờ ta đi đến “cái đinh của câu truyện trả thù lý thú này”. Trước hết ông T. bảo Cung: “Cậu đừng có điên cái đầu, thằng Benny tôi biết nó quá, nó to như con bò rừng mà cậu thì trông như con hươu sao, đánh thế cóc nào được nó, mà có lụi nó thì cậu chắc thành công được bao nhiêu phần trăm? Chỉ cần nó đẩy một cái là cậu tiêu, để rồi Tây Thi tiếp tục rửa ba toong cho nó dài dài. Nếu cậu còn yêu Tây Thi và có thể tha thứ lỗi lầm rất thông thường của cô ta thì phải nghe tôi, và phải can đảm thì mới cứu cô ta được. Thôi đây, tôi lấy cớ là cậu có việc đột biến mà xin hãng cho cậu vay trước nửa tháng lương. Số tiền này tối nay, à nhưng mà ngay bây giờ việc đầu tiên là cậu phải xuống ngay khu Dân Sinh mua lấy một cái mền thật lớn, thứ lớn nhất ấy; sau đó cậu về rủ lấy sáu bẩy cậu bạn, lựa những tên khỏe mạnh gan dạ nhất, mời họ nhậu một bữa ê hề, rồi sáng ngày mai, khi thấy thằng mọi lên tầng lầu ba thì các cậu nấp một chỗ, tung cái mền úp chụp lấy nó rồi a lê, ai nấy xông vào “kính tặng” cho nó một trận đòn hội chợ cho nó cạch đến già. Mọi việc về đến văn phòng này đã có tôi hứng chịu, tôi sẽ có cách nói”. Tóm lại, cái kế hoạch trả thù cứu nguy Tây Thi của ông T. đơn giản chỉ là một vụ chơi đòn hội chợ như kinh nghiệm ông ta đã rút được từ hồi còn đi ắc ê ở Thủ Đức.
Tôi bỗng thấy mình buột miệng hỏi: “Thế kết cục ra sao?”. Thì ra tôi đã bị câu chuyện lôi cuốn và đã quên béng mất chuyện trách cứ anh bạn tôi.
Anh Thân kể tiếp:
Phạm Lãi đã làm đúng như lời ông T. “dùi” và tên người Phi kia bị đánh gãy cả răng, hai mắt sưng húp như hai cái hột vịt lộn, đầu quấn băng, tay ôm quần chạy vào Văn Phòng kiện với ông Giám Đốc công trường người Mỹ. Được giao cho việc điều tra dàn xếp, ông T. đã tỉnh bơ đặt ngay một số câu hỏi với ông Giám Đốc người Mỹ: “Giả sử Tây Thi là của ông, ông có hành động trả thù không? Vụ này là thằng Benny cậy có đôla chơi gác người khác nó oánh cho là đúng, nhất là nó lại đánh đòn hội chợ, biết là đứa nào đánh? Ông có giám vì một con “dê cụ” mà để công trường phải ngưng công việc cả ngày để điều tra, hãng thiệt mất mất bao nhiêu là tiền. Ông Tổng Giám Đốc sẽ nói sao?”. Kết quả câu chuyện đến đó là kết thúc, và hồ sơ nội vụ coi như được xếp lại và bỏ qua, thú nhất là tên Benny kia từ đó chê Tây Thi luôn, và mặc dù nó có thể đoán trận đòn từ đâu đến nhưng hôm về Phi đi phép trở sang hắn đã lịch sự tặng ông T. một cái áo “Baron tagalog” rất là Phi. Còn Phạm Lãi có tha cho Tây Thi lúc đó đã mang tên mới là Tây Thi SM tức là Tây Thi Sứt Mẻ không thì tôi không được biết./.
17.7.1979