Các đồng nghiệp của Eagleman đôi khi cằn nhằn rằng anh hay đi quá xa, hay tìm cách nổi tiếng. Nhưng anh có một kỷ lục ấn tượng về những ấn phẩm được bạn bè xem xét lại, và ngay cả những dự án kỳ quặc nhất của anh cũng chịu sự khảo sát cực kỳ kỹ lưỡng. “Dữ liệu là cứng nhắc” Trưởng khoa Buônmano nói với tôi. “Các cách lý giải đôi khi có thể hơi mơ màng một tí.” Vấn đề lớn nhất của Eagleman là thời gian, theo nghĩa lý thuyết cũng như thực tiễn. Anh ngủ mỗi đêm bẩy tiếng, nhưng làm việc mỗi tuần bẩy ngày, hầu như không có giờ nghỉ. (Kỳ nghỉ gần đây nhất của anh là cách đây ba năm, một kỳ nghỉ cuối tuần ở Hawaii sau lễ cưới) Trong nhiều năm Eagleman là người độc thân kỳ cựu và một kẻ hẹn hò hàng loạt như một người bạn của anh mô tả, với một căn nhà gỗ bé xíu mà anh thích gọi là Tổ Đại bàng (Eagle là đại bàng). Sau đó, tháng Mười vừa qua, anh làm mọi người ngạc nhiên bằng việc cưới Sarah Alwin, một nghiên cứu sinh tiến sĩ đang nghiên cứu về điện sinh lý học của thị giác tại Đại học Tổng hợp Texas ở Houston. “Chúng tôi hợp với nhau tuyệt vời,” anh nói với tôi. “Cô ấy cũng nghiền công việc như tôi.” Họ mong có con sớm, trước khi DNA trong tinh trùng của anh bị sa sút quá nhiều vì tuổi tác. “Trước kia tôi là một kẻ hay báng bổ hôn nhân,” anh nói. “Bây giờ tôi thậm chí cũng muốn đẻ!”
Eagleman không bao giờ mất đi cái khuynh hướng tuổi thơ tự quan sát mình từ một khoảng cách, cư xử với bộ não của chính mình như một đối tượng nghiên cứu. Khi chúng tôi cùng nhau bước đi quanh qua quanh lại trong những hành lang mê cung của Baylor, anh tin cậy giao phó cảm giác về phương hướng của mình cho một con cá ngựa xinh xắn. Và khi chúng tôi ngồi vào bàn ăn trong một tiệm ăn, anh phàn nàn rằng anh thích ăn “một thanh chất dinh dưỡng nén lại” hơn. Về những nghiên cứu khác biệt nhau một cách lạ lùng: nó chỉ là một dạng khác của hiệu ứng người lập dị, anh nói với tôi. Bằng cách nhảy cóc từ đề tài này sang đề tài khác, anh buộc bộ não của anh phải tập trung chú ý vào mỗi vấn đề hơn nhiều so với sự thân thuộc cho phép anh chú ý. “Emerson đã làm đúng như thế” anh nói. “Ông ấy có một chiếc mâm xoay với nhiều dự án trên đó. Khi ông bắt đầu chán, ông chỉ việc quay nó và bắt đầu làm một cái gì khác.”
Đầu mùa đông này, tôi tham gia với Eagleman ở London trong dự án gần đây nhất của anh: nghiên cứu cảm nhận thời gian ở những người đánh trống. Nghiên cứu cảm nhận thời gian có xu hướng được thực hiện trong những nhóm người tham gia thí nghiệm lựa chọn ngẫu nhiên hay những bệnh nhân có não bị tổn thương hay rối loạn. Họ cho chúng tôi một cảm giác tốt về những khả năng của con người trung bình mà không phải là những cực đoan: chỉ là vấn đề cảm nhận thời gian của một người có thể chính xác đến mức nào? Trong khoa thần kinh học, người ta thường kiếm những con vật giỏi nhất về một thứ gì đó,” Eagleman nói với tôi, trong một bữa tối tại một tiệm ăn Ý ở Notting Hill. “Nếu là trí nhớ, hãy chọn loài chim biết nói, nếu là tài đánh hơi, hãy chọn chuột hay chó. Nếu tôi nghiên cứu về thể dục, tôi muốn tìm một anh chàng có thể chạy một dặm trong bốn phút. Tôi sẽ không muốn một lũ học sinh mũm mĩm.”
Ý tưởng nghiên cứu những người đánh trống đến từ Brian Eno, nhà soạn nhạc, người lập kỷ lục và cựu thành viên ban nhạc Roxy Music. Qua nhiều năm, Eno đã làm việc với U2, David Byrne, David Bowie, và vài người trong số những nhạc công tài năng nhất thế giới về nhịp điệu. Anh có một studio (phòng thu âm) cách đó vài khối nhà, trong một chuồng ngựa đua được cải tạo trong một ngõ cụt trải sỏi, và đã gửi một e-mail mời một số tay trống đến tham gia vào nghiên cứu của Eagleman. “Vấn đề là: những tay trống có các bộ não khác với người thường chúng ta không?” Eno nói. “Bất kỳ ai đã từng làm việc trong một ban nhạc đều chắc rằng họ có (những bộ não đặc biệt)”.
Eno gặp Eagleman lần đầu cách đây hai năm, sau khi một nhà xuất bản quen anh đưa cho anh một cuốn truyện ngắn của Eagleman, có tên là “Sum.” Bắt chước những truyện giả tưởng của Borges và Calvino, “Sum” là sản phẩm tự nhiên của các mối quan tâm khoa học của Eagleman – một vòng xoay khác của chiếc mâm xoay đã đưa trở lại chủ đề thời gian. Mỗi chương trong bốn mươi chương của nó là một loại thí nghiệm tư duy, mô tả một dạng khác nhau của thế giới bên kia. Eagleman thiết lập một loạt những điều kiện ban đầu, sau đó để cho các hàm ý mở ra một cách logic. Trong một chương, người chết chịu số phận phải tiêu cái vĩnh cửu bằng cách chơi từng mẩu nhỏ trong những giấc mơ lúc còn sống. Trong một chương khác, họ sống chung trong cõi âm với tất cả các phiên bản có thể có của họ - từ những thất bại nản lòng nhất đến những thành công vui cuồng nhất. “Tôi là người thực lòng chỉ muốn cái tối thiểu. Tôi thích những tư tưởng lớn, ngắn gọn,” Eno nói. “Tôi hỏi bạn tôi đã xuất bản nó khi nào, và anh ấy nói ‘Tháng Hai tới.’ Chúng tôi cãi nhau to. Tôi nói ‘vậy thì mang cái của nợ của cậu đi!’”
“Sum” đã phải mất nhiều năm mới tìm được nhà xuất bản – Eagleman bắt đầu viết nó khi còn đang học đại học – nhưng nó đã nhanh chóng tìm được độc giả. Ở Anh, nó được các nhà xuất bản rất khác xa nhau ca ngợi, như Nature (“nghiêm ngặt và giàu tưởng tượng”) và Obsever, nơi tác giả Geoff Dyer gọi nó là “độc đáo một cách đáng ngạc nhiên” và thấy trong nó “phẩm chất gây sững sờ, không thể giải thích nổi của thiên tài.” Eagleman đã xem xét việc xuất bản nó dưới một bút danh, nghĩ rằng anh sẽ bị lăng mạ bởi cả các nhà khoa học lẫn những người đọc tôn giáo. Ngược lại, cả hai nhóm này nhận quyển sách về nhóm mình. Các nhà vô thần như Philip Pullman viết những lời giới thiệu nhiệt tình, trong khi các biên tập viên của một trang mạng có nhiều tín ngưỡng khác nhau vinh danh nó như là một trong những sách tâm linh hay nhất của năm 2009. Tại một nhà thờ ở Massachusetts, các thành viên của giáo đoàn lần lượt thay nhau đọc các chương của nó từ trên bục giảng kinh.
Eno và Eagleman bắt đầu trao đổi e-mail từ đó, và Eno đã đề nghị rằng họ cộng tác với nhau trên một sân khấu đọc cuốn sách này. Buổi ra mắt đầu tiên ở Nhà hát Opera Sydney vào tháng Sáu năm 2009, với ambient score do Eno làm (một phiên bản opera đầy đủ, với âm nhạc của Max Richter, sản xuất bởi Nhà hát Opera Hoàng gia, dự kiến sẽ ra mắt ở London năm 2012.) chính trong khi ở đó Eno đã kể với Eagleman câu chuyện gây cảm hứng cho nghiên cứu về những người đánh trống.
“Lúc đó tôi đang làm việc với Larry Mullen, Jr., về một trong những album của U2,” Eno nói vói tôi. “Gọi nó là ‘All That You Don’t Leave Behind,’ hay là gì cũng được.” Mullen đang chơi trống cho ghi âm của một ban nhạc, và một click track – một tiếng động do máy tính tạo ra nhằm giữ cho tất cả những phần overdubbed (lồng tiếng lệch) được đồng bộ. Mullen nghĩ rằng click track bị tắt mất một chút: nó là một phần của cú đập đằng sau phần còn lại của dàn nhạc. “Tôi nói, ‘Không, không thể như thế được Larry ạ,’” Eno nhớ lại. “Tất cả chúng tôi làm việc cho track đó, bởi vậy, nó phải đúng.” Nhưng anh ta nói, “Xin lỗi, đơn giản là tôi không thể chơi theo nó.’”
Cuối cùng Eno đã điều chỉnh click thỏa mãn được Mullen, nhưng chẳng qua cũng chỉ là để chiều lòng anh ta. Chỉ sau khi người đánh trống đã đi khỏi, Eno mới kiểm tra lại track ban đầu và nhận ra Mullen đã đúng: tiếng click tắt khoảng sáu mili giây. “Chuyện là,” Eno nói với tôi, “khi chúng tôi đang điều chỉnh nó có lúc tôi đã đưa nó đi quá tiếng đập hai mili giây, và anh nói, ‘không, anh phải quay lại một chút,’ Điều ấy làm tôi vô cùng sửng sốt.”
Cuối buổi sáng hôm ấy Eagleman đến studio của Eno, mang theo một đôi laptop và monitor EEG (máy đo điện não đồ) không dây. “Cái này tuyệt lắm” anh vừa nói vừa lấy bộ monitor ra khỏi hộp xốp. “Ở sân bay họ kiểm tra an ninh đã rà soát toàn bộ người tôi.” Anh kẹp EEG lên đầu – trông nó gống như một con nhện khổng lồ đang quặp chặt ở đó – rồi theo dõi khi mười sáu đường sóng xuất hiện trên màn hình thành những dải màu. Mỗi đường biểu thị hoạt động điện tại những điểm khác nhau trong não của anh. Những người đánh trống sẽ đeo cái này trong khi thực hiện một loạt bốn phép thử, Eagleman giải thích. Các phép thử giống như những game video đơn giản, do phòng thí nghiệm của anh thiết kế để đo các dạng khác nhau của cảm nhận thời gian: giữ một tiếng đập đều, so với hai giọng, đồng bộ một tiếng đập với một hình ảnh, và so sánh nhịp độ thính giác và thị giác với nhau. “EEG có thể bắt được một phần hai mươi ngàn giây,” anh nói. “Thậm chí hoạt động của não không nhanh đến thế, bởi vậy chúng tôi đã lấy mẫu quá dư. Nhưng tại sao không?”
Trong khi Eagleman lập các khu vực thí nghiệm trong hai phòng, Eno hối hả đi quanh studio dọn dẹp cho gọn ghẽ, nói chuyện với những con mèo của anh, và pha trà. Chuồng ngựa đã được cải tạo thành một không gian rộng rãi thoáng mát sáng sủa, với những cầu thang uốn lượn dẫn lên vựa cỏ khô trước đây, bây giờ chất đầy những máy tính nối mạng. Góc trong cùng đặt một cặp độc huyền cầm to tướng: nhạc cụ điện một dây do Eno thiết kế, làm bằng những dây buộc đường sắt. Eno cạo râu nhẵn nhụi và vận toàn đồ đen. Anh có khuôn mặt tròn, tinh quái .
“Những người đánh trống rất khó kiểm soát,” anh nói, nhét mấy tấm thiệp Giáng Sinh vào các phong bì. “Trong nhiều ngày tôi không nghe thấy chuyện gì cả. Rồi bỗng nhiên mọi người quyết định kéo đến, và mang theo bạn bè của họ. Bởi vậy chúng ta có thể có một trận lụt những tay trống. Hay sẽ chẳng có một ai hết.” Anh hơi lo lắng rằng họ có thể cảm thấy đói, hoặc chán. (“Họ có nhiều khả năng kéo đến nếu có một cảnh nào đó đang diễn ra,” anh viết cho Eagleman cách đây mấy tuần.) Bởi vậy anh cử một người trợ lý đi mua bánh kẹo các loại, và đưa ra “các trò giải trí” để những người đánh trống chơi, kể cả một cái trống điện tử.
“Họ càng cảm thấy trong chuyện này có sự đua tranh, càng tốt,” Eagleman nói. “Điều quan trọng trong đó là bảo đảm họ tập trung chú ý.”
“Cái đó khó đấy,” Eno trả lời.
Người chơi đầu tiên lững thững bước vào lúc giữa trưa, một anh chàng lôi thôi lếch thếch, mặt đỏ, ngoáy hông, tên là Daniel Maiden-Wood, người chơi trống cho ca sĩ Anna Calvi. Khoảng giữa buổi chiều, chỗ ấy đầy ắp người. Larry Mullen, Jr., đang đi du lịch Australia, nhưng thành phần làm nên phần nhịp điệu xuất sắc đang nằm ườn ra các sofa và ghế dài của Eno. Trong số đó có các nhạc công jazz, những người chơi bộ gõ Cuba-Phichâu, và tay trống cho Razolight, một ban nhạc Anh với một cặp album đã bán được trên hai triệu bản (album đa bạch kim). Will Champion, của Coldplay, bước vào trông như một anh thợ rừng đến không đúng lượt. (Khi anh ta bỏ chiếc mũ sợi ra để lộ cái đầu lớn hình viên đạn, Eagleman nói nó dùng EEG thì thật tuyệt.) Champion đã làm việc với Eno trong “Viva la Vida,” album nằm trên đỉnh bảng xếp hạng năm 2008 cả ở Anh và Mỹ, củng cố địa vị của Coldplay như nhóm nhạc rock ăn khách nhất thế giới. “Anh ấy giống như một chiếc máy đánh nhịp sống vậy,” Eno nói. “Nếu anh hỏi anh ấy: ‘Bảy mươi tám phách một phút là thế nào?’ anh ấy sẽ đi tap, tap, tap. Và anh ấy dứt khoát làm được.”
Sự ganh đua thân ái mà Eagleman đã tưởng tượng giữa các tay chơi không bao giờ hoàn toàn thực hiện được. (Anh có thể đã gặp may mắn hơn nếu có một phòng đầy các ca sĩ hàng đầu.) Ngược lại, họ nói những chuyện đùa của người đánh trống. Anh làm thế nào biết khi có một tay trống đến trước cửa nhà anh? Tiếng gõ cửa càng lúc càng nhanh càng dồn dập hơn. Chúng ta đã ai nghe nói một tay trống định tự tử chưa nhỉ? Hắn ta lao mình đằng sau một đoàn tàu. Eno cả đời ghi âm phần trống, nhưng anh kêu rằng anh bị nghi ngờ về nhịp điệu. “Tôi bị cái chứng mà bạn tôi là Leo Abrahams gọi là sự lệch của bọn da trắng – cái khuynh hướng đánh sớm của những tay chơi da trắng,” anh nói. “Nó là mười một mili giây. Nếu anh ghi âm trễ đi chừng ấy, thì nghe nó hay hơn.”
Tuy nhiên, khi hai tay trống lượn lờ qua các điểm thử, đã thấy rõ một chút tổn thương đến lòng tự hào nghề nghiệp. Các tay trống không gặp trở ngại gì trong việc so sánh một tone hay giữ tiếng gõ đều, nhưng các phép thử thị giác về cảm nhận thời gian xúc phạm đến họ. Eagleman đã hứa rằng các kết quả sẽ không gắn với tên người, nhưng anh đã lập trình cho mỗi đợt thử kết thúc bằng một câu đánh giá vui “Anh là ngôi sao rock,” cho những ai đạt điểm trong hai mươi lăm phần trăm cao nhất; “Sẵn sàng cho lần sau,” cho một phần tư tiếp theo, “Sẵn sàng cho đêm open-mike” cho nhóm thứ ba, và “Quay về trại hè ” cho phần tư thấp nhất. Không ai muốn về trại hè cả.
Cảm nhận thời gian của người đánh trống là sự kiện vật lý, họ nhất trí, giống như khiêu vũ vậy. Gõ một nhịp trên một trackpad lấy đi mất của nó tất cả mọi vận động hoặc trí nhớ cơ bắp. Tuy nhiên nhiều người trong bọn họ chơi những click track này ngay cả trên sân khấu, và cảm giác của họ về nhịp đã bị điều kiện hóa thành hệ thống bởi những năm trong studio. Hip-hop là tám mươi đến chín mươi phách trong một phút, họ nói. Afrobeat vào khoảng một trăm mười. Disco bị mắc vào một trăm hai mươi dai dẳng đến mức anh có thể chạy hết bài hát này sang bài hát khác mà không hề lỡ mất một phách. “Không hề có một chút lầm lạc,” Eno nói. Trong cơn cuồng nhiệt biểu diễn, các tay trống đôi khi đánh dồn dập gấp gáp hay ngưng một chút để cho hợp với tâm trạng. Nhưng khi click- track trở thành phổ biến thì những sự đi lạc như thế phải được tái tạo một cách nhân tạo. Champion thích thú với việc Coldplay gần đây đã lập trình tỉ mỉ những “bản đồ nhịp độ” cho năm live show của nó, với những click track được thiết kế để tăng tốc hay cho chậm lại trong một bài hát. “Nó tái tạo sự kích động cho một track không quá cứng nhắc.” Champion nói.
Khi đến lượt anh làm thử nghiệm của Eagleman, Champion phải dùng máy tính nhiều gần gấp đôi người khác, cuối cùng tinh thần đua tranh đã nổi lên trong anh. Anh không cần phải lo lắng. Các kết quả của Eagleman sau đó cho thấy “một sự khác biệt khổng lồ về mặt thống kê,” như anh diễn tả, giữa cảm nhận thời gian của những người đánh trống và những người tham gia thí nghiệm khác được anh chọn một cách ngẫu nhiên ở Houston để đối chứng. Khi được yêu cầu giữ một tiếng đập đều, chẳng hạn, những người đối chứng dao động trung bình ba mươi lăm mili giây; những tay trống giỏi nhất chỉ lệch đi dưới mười. Eno nói đúng: các tay trống có những bộ não khác người thường. “Họ vượt trội trên những người đối chứng,” Eagleman nói. Nhiệm vụ sau đó của anh là dùng những dữ liệu EEG để tìm ra khu vực hoạt động nhất của bộ não những người đánh trống, rồi cho kích thích từ đột ngột vào chúng để xem anh có thể phá vỡ sự cảm nhận thời gian của họ không. “Bây giờ khi chúng tôi đã biết rằng có một cái gì đó ở họ khác biệt về phương diện giải phẫu, chúng tôi muốn thử xem chúng tôi có thể làm nó rối lên không,” anh nói.
Việc họ có muốn tham gia lại hay không là một vấn đề khác. Champion trông có vẻ như người hơi bị no đòn sau khi thử. “Không thể không cảm thấy giống như một kiểu đánh giá cá nhân,” anh nói trong khi mặc áo choàng vào. “Hy vọng rằng nó sẽ có ích cho một mục đích lớn hơn. Nhưng anh vẫn muốn cảm thấy như anh không còn bé bỏng gì nữa.” Anh nhún vai. “May sao, nó bảo tôi rằng tôi nên làm một ngôi sao nhạc rock. Thật tuyệt khi biết rằng điều ấy không bị bỏ phí.”
Đã gần nửa đêm khi tôi cùng với Eagleman cuối cùng rời khỏi studio của Eno, các laptop và EEG kẹp dưới cánh tay. Các đường phố có cảm gác ngột ngạt và gần ngay bên dưới bầu trời không sao; các vỉa hè lạo xạo tuyết. Cuốc bộ về khách sạn của chúng tôi, tôi nghĩ đến vô số tín hiệu cảm giác đang lao nhanh quanh tôi, ánh le lói của những ngọn đèn đường xa cửa sổ các quán rượu, tiếng rầm rầm của xe điện ngầm dưới đất, mùi khói của củi cháy và mùi bia tràn, và dạng cong của đã cuội dưới chân tôi. Từ hàng tỷ những mẩu vụn như thế não của tôi đã chắp lại thành câu chuyện đơn giản này – một đêm mùa đông ở Notting-Hill, và tôi hạnh phúc vì có nó.
Có sự cảm nhận thời gian của một người đánh trống sẽ như thế nào nhỉ? Tôi tự hỏi. Ta sẽ nghe được nhịp điệu ẩn tàng của cuộc sống hàng ngày, những nhấn lệch (syncope) của đường phố ư? Khi tôi hỏi những tay trống ở studio của Eno điều này, họ dường như thấy khả năng của họ phiền nhiễu như một năng khiếu. Giống như một giọng hát tuyệt hảo, nó làm tình làm tội người sở hữu nó khi phải nghe những nốt nhạc hát sai và tiếng còi ô tô nhạt nhẽo, sự cảm nhận hoàn hảo về thời gian cũng có thể khiến cho một người đánh trống nhạy hơn với chứng loạn nhịp của thế giới, và những mẫu lặp lại nhàm chán, Eagleman nói – với sự rung rinh của màn hình máy tính và ánh đèn huỳnh quang. Thực tại, bị tước mất một tiếng đập thừa trong đó bộ não phối âm các tín hiệu của nó, không nhất thiết là một nơi sống động hơn. Nó chỉ đầy rẫy những sô truyền hình được lồng tiếng tồi tệ.
“Chúng ta bị kẹt trong thời gian như cá ở trong nước,” Eagleman nói, quên lãng các luồng của nó cho đến khi một chiếc bong bóng trôi qua. Cách đó thường là tốt nhất. Anh đã dùng mười năm qua chăm chú nhìn thế giới thông qua những kẽ hở như thế trong nhận thức của chúng ta, anh nói. “Nhưng đôi khi anh đi quá sâu vào thực tại đến nỗi anh muốn lui lại. Đôi khi, trong những giây phút thoải mái, tôi nghĩ nếu tôi phát hiện ra rằng tất cả chỉ là một ảo ảnh, thì sao nhỉ?” Anh cảm thấy điều này sâu sắc nhất với những bệnh nhân tâm thần phân liệt của anh, những người thường có xu hướng thực hành tồi tệ trong những thí nghiệm về cảm nhận thời gian. Anh ngờ rằng, những tiếng nói trong đầu họ không khác với những độc thoại nội tâm ở những người khác; bộ não của họ chỉ xử lý chúng không đúng trình tự, do đó những ý nghĩ có vẻ như của một người nào khác. “Chỉ cần một cái véo nhỏ vào trong não, sự thay đổi nhỏ xíu trong nhận thức,” anh nói, “thì những gì anh thấy là thực sẽ không thực đối với người khác.”
Eagleman được nuôi dạy như một đứa trẻ Do thái thế tục và trở thành một người vô thần trong lứa tuổi thiếu niên. Tuy nhiên gần đây anh đã bắt đầu thích gọi mình là một kẻ Khả Dung “Possibilian” – một tên gọi do anh tự nghĩ ra. Khoa học đã dạy anh biết nghi ngờ những cái chắc chắn của vũ trụ, anh nói với tôi. Từ sự phức tạp khôn lường của mô não – “về thực chất là một chất liệu điện toán xa lạ” đến bí mật của vật chất tối (dark matter), chúng ta biết quá ít về trí tuệ của chúng ta và cái thế giới xung quanh ta để khăng khăng làm một nhà vô thần không khoan nhượng, anh nói. “Và chúng ta biết quá nhiều để đắm mình vào một câu chuyện tôn giáo nhất định.” Tại sao không đặt ham mê vào những lựa chọn khác? Tại sao chúng ta không tự tưởng tượng, như anh đã làm trong tác phẩm “Sum” của mình, chúng ta là những mẩu nhỏ của một phần cứng được làm thành mạng lưới, trong một chương trình vũ trụ, hay những mảnh nhỏ của một cơ thể siêu phàm, hay như một khả năng bất kỳ trong một nghìn khả năng khác, và sau đó nghiệm lại những ý tưởng ấy với những chứng cứ sẵn có? “Khí chất khoa học có phần là sự bao dung này, cùng một lúc giữ nhiều giả thuyết trong trí óc,” anh nói. “Như Voltaire đã nói, cái không chắc chắn là một lập trường khó chịu. Nhưng cái chắc chắn là một lập trường phi lý.”
Một người theo thuyết bất khả tri tầm thường có thể đã để mọi chuyện dừng ở đó. Nhưng Eagleman, như thường lệ, đã đưa sự vật đi một bước xa hơn. Cách đây hai năm, trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền thanh, anh đã tuyên bố bản thân anh là người sáng lập của một phong trào mới. Thuyết Khả dung mới chỉ có một thành viên, anh nói, nhưng anh hy vọng nó sẽ hấp dẫn nhiều người. “Tôi không nói đây là câu trả lời,” anh nói với tôi. Tôi chỉ đang tán dương tính rộng lớn của sự ngu dốt của chúng ta.” Lời tuyên ngôn chỉ có một nửa nghiêm túc, bởi vậy Eagleman bị sốc khi anh từ phòng thí nghiệm về nhà vào một buổi khuya, anh thấy hộp điện thư của anh đầy những e-mail, một lần nữa, với những lời nhắn từ các thính giả. “Anh biết không?” một bức thư viết. “Tôi cũng là một người Khả Dung đây!” Phong trào này từ đó đã lôi cuốn báo chí từ những nơi xa xôi như Ấn Độ và Uganda. Theo thống kê cuối cùng, gần một nghìn thành viên Facebook đã chuyển những niềm tin tôn giáo của họ sang Thuyết Khả Dung.
Francis Crick, vị thần bảo trợ cho những thử nghiệm không chắc thành công, có lẽ đã tán thành./.