Tôi để ý hành trình của Mai Văn Phấn trong khoảng 15 năm qua, tự thấy, viết về thơ anh lúc này là một việc khó.
Khó, và khổ.
Bởi vì, dường như Mai Văn Phấn đang “phản biện”, đúng hơn, “phản tư” lại chính mình - khi tập Bầu trời không mái che (Nxb Hội Nhà văn, 2010) đã tỏ ra “không bà con, huyết thống gì” với những tập trước đó.
Khó, vì mới đọc thoáng qua, tưởng Mai Văn Phấn đang làm cuộc trở về với “cảm xúc hồn nhiên” của thuở ban đầu, khi làm thơ chỉ là cảm xúc. Tưởng Mai Văn Phấn đã chán chường với những tìm tòi, thể nghiệm và cách tân ngôn ngữ…
Trong một trả lời phỏng vấn, Mai Văn Phấn nói về các phong cách thơ của mình như sau: “Tập thơ đầu tay Giọt nắng (1992) tôi viết theo bản năng, nhằm giải tỏa tâm trạng và ám ảnh về đời sống lúc đó. Năm ấy tôi 37 tuổi, thời điểm tôi trở lại viết sau gần 20 năm đoạn tuyệt với thơ ca. Hai tập tiếp theo (Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai) kết hợp truyền thống với tâm thức hiện đại. Tập thơ Nghi lễ nhận tên và trường ca Người cùng thời là cách tôi dò dẫm, vượt thoát khỏi hệ mỹ cảm cũ. Đến Vách nước là kết hợp có chọn lọc - tổng hòa những khuynh hướng hiện đại (siêu thực, tượng trưng, biểu hiện…). Năm 2009 tôi in hai tập với hai phong cách và khuynh huớng khác nhau. Tập Hôm sau là một hướng triển khai phong cách hậu-hiện đại kiểu Việt Nam; tập Và đột nhiên gió thổi thuộc cổ-điển-mới”.
Nhưng không.
Mai Văn Phấn không trở về với những khởi đầu ấy, nơi mà, nói như anh, chỉ “viết theo bản năng”.
Mai Văn Phấn cũng không trở về với tinh thần siêu thực, khi mà, nó từng hiện diện và chiếm cảm hứng chủ đạo trong thơ anh.
“Huyết mạch” trong thơ Mai Văn Phấn vẫn cuộn chảy, vẫn thay đổi và vẫn không chịu trở về chốn cũ.
Anh tâm sự: “Nhìn lại 9 tập thơ, đó là cách tôi đi từ truyền thống đến hiện đại và tìm ra giọng nói thi ca riêng biệt như bây giờ. Ở tập thơ Vách nước hình ảnh siêu thực đa dạng và khá phồn tạp. Nhưng đến những tập thơ sau này, nhất là Bầu trời không mái che, tôi cố gắng tránh cách biểu hiện đó. Thực ra siêu thực không còn mới mẻ, nhưng ‘vết bỏng’ của nó vẫn ảnh hưởng tới nhiều thế hệ sau này. Không riêng thơ ca, mà trong hội họa, thời trang, kiến trúc… nhiều nghệ sĩ vẫn mượn cách biểu hiện siêu thực để đến với những chủ đích khác”.
Về thơ Mai Văn Phấn lúc này, tôi thích dùng mấy chữ “đã thong dong hơn”.
Khi tôi hỏi: Với những tác giả thường tình, thong dong đã khó, với những tác giả yêu thích sự thể nghiệm, vốn chuộng ý niệm, lý thuyết và phong cách, thong dong càng khó hơn. Tại sao lúc này anh chọn sự thong dong?
Mai Văn Phấn thẳng thắn: “Cảm ơn anh đã tìm ra từ ‘thong dong’ đặt cho phong cách của tôi hiện nay. Sau khi đã băng qua những ‘sa mạc’, như siêu thực, tượng trưng, biểu hiện, thơ ngôn ngữ, tân hình thức, hậu hiện đại, cổ điển mới…, tôi thấy sao chúng ta không tự tìm lấy một khuynh hướng, mà phải lệ thuộc vào ‘thằng Tây’? Những khuynh hướng ấy bên ngoài họ đã xếp vào viện bảo tàng từ thế kỷ trước, trong khi chúng ta vẫn lúng túng, tranh cãi… Vậy thong dong là cách tôi tìm về với cội nguồn thi ca, để cho cảm xúc trôi chảy tự nhiên và tìm cách nói hồn nhiên, tối giản, trong trẻo nhất”.
Chính vì “cảm xúc trôi chảy tự nhiên”, khác với “viết theo bản năng”, đã cho ta một nhịp thơ riêng. Nó là sự kết hợp, có lẽ một cách tự nhiên, của nhiều giọng thơ, mà nếu chủ ý vin vào thi pháp, cấu trúc, người làm thơ sẽ né tránh, hoặc không đạt đến được. Đơn cử như phần IX trong bài Cửa mẫu (trang 19), phần I trong bài Đỉnh gió (trang 31), phần Nhịp I trong bài Hình đám cỏ (trang 43), hay các trang 47, 79, 115… cũng trong bài này. Nếu ta xâu chuỗi những trang này lại với nhau, thì “cách nói hồn nhiên, tối giản, trong trẻo” là điều có thể thấy được.
Quan niệm dễ thấy trong ước muốn “tạo dựng công việc thi sĩ” của Mai Văn Phấn là sự thay đổi và làm mới, làm khác. Đúng như lời phát biểu của anh: “Tôi không muốn lặp lại mình. Bài thơ/ tập thơ sau khi ra đời đã hoàn thành sứ mệnh và cũng không để lại cho người làm ra nó một kinh nghiệm gì. Kinh nghiệm, ở đây có chăng, chỉ cho nhà thơ một khả năng tự vệ để không lao đầu vào con đường cũ. Là một thi sĩ đúng nghĩa, nếu không sáng tạo, tức không làm ra những sản phẩm mới, coi như người đó đã chết”.
Chạm đến cõi thong dong ở cái tuổi, không quá trẻ để vỗ ngực mình đắc đạo sớm, không quá già, để hoàn toàn an nhiên, bỏ ngoài tai hết thảy - Mai Văn Phấn hẳn sẽ còn đi nhiều năm trên con đường thi ca của mình. Đi với thái độ điềm nhiên, không thắng thua, vì không phải chạy theo và ganh đua nữa. Nói như anh: “Tiếc những năm trước đây mình lay hoay, lúng túng lâu quá”.
La Hán Phòng 8-5-2011