Mùa hè, đầu con sông Cái nắng chiều chưa tắt, cuối sông về hướng biển mặt trăng đã mọc. Trăng giữa tháng vừa nhô lên, tròn, to lặng lẽ, nhợt nhạt như được cắt ra từ tấm lá úa. Ở cửa sông mấy hòn đá khổng lồ chồng chất lên nhau trông xa như ổ trứng của loài thuỷ quái. Thuyền đi khơi đi lộng chiều về neo dưới chân đá tránh sóng gió. Mấy ông già, ngồi mũi thuyền, hút thuốc uống rượu, ngắm người đi và xe cộ chạy qua cầu xóm Bóng. Bọn trẻ rửa lưới, nấu cơm, xúm quanh ngọn lửa chiều kể cho nhau nghe chuyện hoang đường về đá. Theo truyền thuyết đá nơi đây là những hòn bi của thằng bé con ông khổng lồ chơi làm vương vãi hàng trăm ngàn năm trước, vào cái thời biển trời mới tách đôi. Trước đó biển và trời còn nhập làm một như trong cái bùa bát quái âm dương lưỡng nghi, một vòng tròn hai phần đen trắng theo một đường rắn lượn. Thời mà người và thần tiên còn đang chung đụng, là hàng xóm, qua lại thăm viếng nhau, mượn tiền bạc và biếu xén nhau… Bọn thanh niên tin một ngàn năm nữa thằng bé này sẽ trở lại nhặt đồ chơi của nó. Lúc ấy nó vẫn còn là thằng bé con, cổ đeo đồng tiền trường mệnh, đầu cạo để tóc trái đào, cổ chân đeo lục lạc bằng bạc, tay cầm bầu sữa. Hắn đến từ đâu không biết, nước biển ngoài khơi chỉ mới làm ướt mắt cá chân hắn. Gần tới bờ hắn nhón gót bước từ Hòn Tre vào cửa sông chỉ có một bước. Hắn cúi xuống nhặt mấy hòn đá lên, bầu sữa nghiêng, vài giọt rơi ra ngoài, làm thành cảnh quan Ba Hồ ngày nay, nơi mà khách thập phương hàng năm kéo nhau đến du lịch. Nước hồ không trong xanh mà đục như nước hến. Người ta nói đó là nước sữa. Ghe thuyền ra khơi vào lộng mỏi mê về neo dưới chân đá. Thuyền lớn thuyền con rập rờn trên sóng trông xa nhấp nhô như củi mục. Mặt trăng đậu ngay trên hàng cột buồm nhọn đâm thẳng lên trời trông như một bông hoa vàng nở trên cành khô.
Thọ nằm ngữa trong lòng chiếc thuyền câu, lưng đặt trên tấm sạp làm bằng mấy ống tre mỏng đập dập, nẹp lại bằng mây, nghe tiếng nước đọng trong lòng thuyền vỗ róc rách dưới lưng . Anh nhìn lên bầu trời trong và cố gắng xua đuổi mọi điều buồn phiền trong lòng. gió chiều hây hẩy. Nùi nước tanh trên mặt sóng, con thuyền trét dầu rái phơi suốt ngày trong nắng thu cũng bốc mùi, cộng với mùi cá ươn làm thành cái hương vị sông nước quê nhà thực thân thương. Và anh nhắm mắt lại, tưởng như mình bềnh bồng trôi trên sông đời …
Bỗng có mấy giọt nước mát rơi trên mặt làm Thọ giật mình, tưởng mưa. Phía thượng nguồn, nơi cây cầu sắt có đám mây lớn đặc quánh như đất bùn, đùn lên ở chân trời. Đám mây hình con vịt lội, những làn sóng con vịt đạp ra sau là dãy mây xám nhạt rải ra tới tận phương bắc. Thọ nghĩ, có lẽ không phải mưa rơi từ đám mây này, vì con vịt mây còn ở rất xa và trời chiều thì trăng trắng như căng ra vầng lụa màu nguyệt bạch. Trời đất trong buổi chiều trên sông hôm nay lạ lắm, không hiểu dưới làn ánh sáng kỳ diệu nào mà núi non bên kia sông như kéo lại đứng gần hơn, thấy cả những thân cây xam xám màu tro trên đỉnh. Lại một đợt nước khác bắn lên. Lần này anh biết ấy là sóng vỗ mạn thuyền tung lên. Có mấy giọt nước rơi tình cờ nhưng đúng vào miệng Thọ. Lần đầu tiên Thọ nếm được hương vị con sông Cái, dòng sông quê hương. Thời kỳ niên thiếu Thọ đã sống ở chốn này, chèo thuyền câu, tắm sông, ôm cây chuối lội qua phía bên kia Ngọc Sơn mò cua bắt ốc. Thân thể này được tạo thành bởi nước sông Cái. Thế nhưng lớn lên, chu du thiên hạ mười mấy năm mới quay về bến sông này, nếm lại thứ nước tươi nguyên không nấu nướng pha trộn chi cả, rất thật, tan trên lưỡi, chan hoà giữa vòm miệng. Thực lạ, nó không mặn, hương vị đậm đà thứ nước sông nguyên chất, dòng sông chảy đến đoạn này đã rất gần biển, sao lại không nhiễm mặn ? Có lẽ gặp buổi nước ròng. Nước sông phảng phất mùi rong rêu, mùi cát dưới đáy sông. Mùi cát là mùi đặc biệt, nói không ai tin và cũng chẳng thể dùng lời mô tả được, thế nhưng nó có, có một cách rõ rệt, không lẫn lộn được. Anh chợt nghĩ đến câu thơ :“Bao nhiêu hạt cát bến sông này. Biết mây nhiêu ngàn thế kỷ nay…” Hai câu thơ rất thường, không hay để đến nổi phải nhớ và cũng không biết của thi sĩ nào chợt sáng lên trong anh, rất hợp tình hợp cảnh. Hai câu thơ chạm đến một vùng tâm linh sâu thẳm kỳ bí hồn người. Anh bùi ngùi, một giọt nước mắt chảy ra bò nhồn nhột ở thái dương đọng vào hốc lỗ tai. Và anh cảm khái về cái lẽ trường tồn của núi sông, đem so với thời gian phù du, bóng câu qua cửa sổ của con người, tuy đã ngắn ngủi như thế, nhưng mấy khi được yên? Thọ nghiêng người cho giọt nước mắt rơi xuống hoà với nước con sông cái chia niềm đau thương cho con sông này, vừa đưa bàn tay vỗ lên mặt nước. Làm như nó là bạn lâu đời, nay vừa chợt gặp lại, hỏi :" Con sông này, mày khởi nguyên ở đâu để cho ta giờ đây trôi nổi , phó thác những ngày cuối cùng ?” .Và anh mở ra cánh cửa cho con chim tưởng tượng vỗ cánh bay tìm về cội nguồn cổ tích .
Hàng vạn năm, không, có lẽ còn chìm vào dĩ vãng sâu xa hơn nữa, hàng triệu năm. Khi ấy lục địa Ấn Hoa còn là một mảng mềm, giống như phần trên đã nguội của tô cháo nóng, di chuyển, chạm rồi trượt lên thềm lục địa biển đông tạo thành một nếp gấp dài ở nơi mà ngày nay người ta gọi là bán đảo Đông Dương, phía Đông Nam Châu Á. Nếp gấp ấy là tiền thân dãy trường sơn ngày nay.
Vào một ngày như hàng triệu ngày qua. Ngày nở ra lặng lẽ như một bông hoa toả ngát hương. Mặt trời là khối lửa rực rỡ ướt át từ biển đông ngoi lên, rùng mình vẫy lớp bụi bình minh dát vàng mái tóc những con sóng. Trong khu rừng lạnh lẽo mọc toàn loài dương xỉ cổ đại vang lên tiếng chim u…u.. nghe như tiếng tù và ốc. Có con chim, giống chim gì lạ lắm, chưa thoát thai hẳn với tổ tiên của chúng là loài bò sát. Nó có cái mỏ to và dài. Trên mỏ có hàng răng nhọn như răng cá sấu, đầu và đuôi chim giống kỳ đà, mình còn phủ lớp lông vũ còn thô sơ như gai xương rồng. Chim chưa bay được, chỉ mới biết nhảy nhót leo trèo. Hai cánh chưa phát triển hoàn chỉnh, ở đầu cánh còn dấu vết cái móc trông như vuốt hổ .
Con chim tiền sử ngửa cổ tung lên trời khúc hát chào đón bình minh thời hồng hoang, một ca khúc man rợ cổ quái. Tiếng chim làm cho bụi lan rừng, lá to bằng tàu chuối, rùng mình nở ra một bông hoa, đó là loài hoa thuộc loại cách lan hương. Đoá hoa màu tím thạch ngọc lựu, có cái lưỡi dài màu vàng lấm tấm đen, một phối sắc vàng đen đẹp một cách dễ sợ như hổ báo. Từ trong lòng hoa trào ra một dòng mật sền sệt vàng óng. Mật chảy dài rơi trên phiến lá. Lá nghiêng mình trao mật cho đất.
Trong khu rừng dương xỉ âm u có con kiến đen rất to. Con kiến cô độc lang thang tìm mồi, thấy mật, nó dùng hai râu làm ăng ten đánh lên không trung tín hiệu tiệc tùng, gọi bạn. Một lúc sau hàng đàn kiến đông đúc kéo tới. Đàn kiến di chuyển theo một hàng dài có thứ tự. Chúng tạo ra cái rãnh sâu trên mặt đất phủ toàn tro núi lửa, một thứ tro rất mịn màu hồng. Kiến ăn hết mật rồi bỏ đi. Con đường chúng di chuyển thành cái rãnh dẫn nứơc mưa.
Những cơn mưa rừng thời kỳ tạo thiên lập địa này dữ đội, nước đỏ suốt ngày đêm. Những hạt mưa rơi dày lắm, có khi nhiều hạt chạm vào nhau thành khối nước lớn vỗ xuống làm tung lớp bụi hồng. Rãnh nước mưa hoá thành con suổi nhỏ. Nhiều suối nhỏ góp lại thành suối lớn. Suối lớn luồn lách tìm về hướng biển, băng qua sườn phía đông dãy Trường Sơn, tới đồng bằng suối đá hoá thành sông. Người ta đặt cho nó cái tên là con sông Cái .
Con thuyền không lái trôi xuôi, xoay dọc rồi lại xoay ngang. Có tiếng dòng nước gặp vật cản, con sông cất lên ca khúc rì rào triền miên. Thuyền đã trôi đến chân cầu sắt Vĩnh Ngọc . Thọ nhỏm dậy thấy một cái đầu ướt bóng loáng như rái cá rẽ nước lội lên thuyền . Anh hốt hoảng tưởng đâu ấy là con thuỷ quái cầu sắt theo lời đồn đại? Hoá ra không phải, con thuyền chao nghiêng, có người nắm be thuyền nhô lên. Thọ biết ấy là thằng Thành đêm đêm thường ra sông câu chình. Thành nhìn vào thuyền hỏi :
- Được con chim nào chưa ?
Thọ lắc đầu nói :“Mới ra, còn sớm quá chưa bắt được con nào”. Hàng đêm Thọ vẫn chèo con thuyền dọc theo dòng sông Cái dùng vợt bắt những con chim ngủ trong bụi cây dọc bờ sông. Đã lâu Thọ nghe người làng đồn chuyện thằng Thành đêm nào cũng ra cấu sắt, lấy khúc lòng bò làm mồi câu con cá chình dài và to bằng cây cột đình làng Ngọc Hội. Hắn tin đó là con thuồng luồng cổ xưa còn sót lại. Thọ muốn đùa với con người miệt mài đi trong cõi mê này. Anh làm cuộc thí nghiệm. Thọ nói đùa :
- Không thèm bắt mấy con le le, vịt nước, cò, diệc, bói cá, chích choè… tầm thường rẻ tiền hai bờ sông này nữa…
Thọ bỏ lửng, Thành tò mò hỏi :
- Thế bắt giống chim gì ?
Thọ nói rất chậm :
- Trên đỉnh hòn Thơm, chỗ đầu người “Mẹ Đá” có con chim thiên đường…
Thọ muốn gợi sự hiếu kỳ và lấy hình tượng con chim thiêng này để thay thế lấn át con thuỷ quái hoang đường ở chân cầu, may ra hắn tỉnh ngộ từ bỏ cuộc săn tìm con vật của quá khứ vô vọng Quả nhiên hắn đã bị con chim thiêng lôi kéo. Hắn hỏi :
- Thiên đường là giống chim gì ?
Lâu nay Thọ nghe dân làng đồn đại hắn với con Lai là anh em bạn dì, lấy nhau bảy năm không con. Chạy thầy chạy thuốc rất nhiều, không kết quả. Sau người ta nói vì chúng là anh em ruột rà nên trùng huyết không đậu thai. Đứa con là niềm ao ước khôn nguôi. Hắn nghĩ, vợ chồng gần gũi nhau là để có con, biết không con mà vẫn ôm ấp nhau có khác gì cầm thú, có khi còn sinh ra đá con cói cái bớt trắng giữa trán, phía sau có cái đuôi heo ngoe nguẩy. Vì thế đêm nào hắn cũng trốn vợ ra sông ngồi một mình trên cầu trong đêm, đắm mình vào cõi đam mê quái dị để quên mối sầu .
- Thiên đường là giống chim sống trên chín tầng trời. An hạt ngô đồng, uống giọt nước treo trên đầu ngọn cỏ linh chi. Hàng năm cứ vào tiết Bạch Lộ, mười tám tháng bảy âm lịch, nửa đêm ngửa cổ phun lên trời bao nhiêu là hạt minh châu, mỗi hạt là một mầm sống, rơi xuống bụng người nữ hoài thai thành những thiên thần trong như pha lê. Thiên thần bé con nằm trong bụng mẹ cất tiếng hát về một thế gian an lạc đầy niềm vui cùng với nhịp đập quả tim người mẹ dịu dàng êm ái như chiếc dùi bọc nhung gõ lên cai trống con bịt da bê thuộc …
Nghe xong, cái thằng người bỏ ra gần hết cuộc đời đi tìm con vật tổ giống nòi, ngẩn ngơ một lúc rồi cười. Nụ cười hiền lành trẻ thơ, làm như tin, làm như chẳng tin , nói :
- Ông lừa mị tôi...
- Không có con chim thiên đường thì làm gì có con thuồng luồng giao long giả sử, truyền thuyết, cổ tích ?
Thành không trả lời, không nói gì nữa, đưa tay vuốt nước trên mặt. Hắn nhìn Thọ, chẳng cần tranh cãi, buông be thuyền ra, lặn xuống. Hình như hắn muốn cười, sợ Thọ giận, hắn cười ở dưới nước. Những bọt không khí phì ra trồi lên, vỡ trên mặt nước sông . Thoáng một cái hắn đã lặn qua phía chân cầu bên kia. Hắn ngoi lên phì số hoi còn lại trong phổi hớp không khí vào, cười một tràng dài. Tiếng cười, xuyên qua hai đường ray, hàng tà vẹt trên cầu xếp rất dày, bay lên vòm cầu hình cánh cung đen ngòm trong đêm hoang vắng. Am thanh sắt như gai nhọn trồi lên đâm toạc bóng đêm xé rách thêm một lần nữa niềm kiêu hãnh cô đơn tả tơi như cánh diều giấy trong mưa .
Thực là một kết thúc bất ngờ, không có gì rõ ràng cả. Thọ buồn lắm, con chim thiên đường huyền thoại đẹp đẽ thiêng liêng không đánh bại con thuỷ quái nửa rắn nửa cá, da vàng đốm đen cầu sông Cái . Anh nghĩ, chỉ mới trôi một khúc sông ngắn đã gặp một số phận cô đơn lạc loài. Trên dòng sông này còn cuốn đi bao nhiêu cuộc đời chảy theo ảo mộng ?
Trên trời vẫn còn chút ánh sáng, mặt nước đã đen bóng như lãnh đen. Trời không có gió, con sông trơn láng, tất cả nước trên sông dường như đứng lại, nhìn ra cửa thấy con sông nghiêng hẳn đổ về hướng đó. Thuyền trôi đến khúc sông này chợt chậm lại, lừ đừ nổi trên nước, không chuyển động . Thọ nhìn qua hai bờ thấy xa hơn. Con sông mở rộng ra hết mức, đến đây sông đi vào vùng đồng bằng nhỏ nằm giữa hai bờ núi. Giữa sông nổi lên cái cồn cát trắng mờ trong đêm, sông tách làm hai nhánh như cặp đùi thon và dài của người con gái kẹp bãi cát vào giữa. Thọ hướng con thuyền về phía tả ngạn. Từ xa anh nhìn thấy một vật trăng trắng úp trên mặt nước đã tràn ngập bóng tối, anh tưởng chiếc nón của ai trôi. Đến gần hơn nhận ra đó là một con người đứng trong nước. Đến gần hơn nữa người ấy ngước mặt nhìn lên, hoá ra đó là lão Cậy, một lão già nghèo nàn, hình dung cổ quái. Khúc sông này cạn lắm, lão ngồi nước dâng lên ngập quá tới vai, tới cằm. Chiếc nón lá lão đội tránh ánh nắng quái chiều hôm , đến giờ dù đã tối lão ta vẫn đội trên đầu. Lão ngước lên cất tiếng hỏi :“Ai nghe như Sáu Thọ ?”. Thọ ừ, hỏi :
- Đãi được bao nhiêu ít rồi ?
Anh biết lão này đãi vàng .Thọ lấy làm lạ cho việc làm của lão. Xưa nay chưa ai ra sông suối đãi vàng vào ban đêm như người này. Ban đêm làm sao thấy những hạt vàng nhỏ như hạt buị. Hình như lão ta có cái mâm đãi vàng đặc biệt. Bao nhiêu hạt bụi vàng nặng nhất đọng xuống cái rốn ở dưới đáy, còn đất cát trôi ra ngoài. Đến sáng lão xách mâm về trút ra tờ giấy bồi, cuốn lại như điếu thuốc rê, rồi vo viên. Cứ vài tháng lão đem túi vàng cám qua chợ Đầm nhờ thợ thổi thành cục. Khối vàng nhiều ít chỉ có lão với tay thợ bạc biết. Và từ xưa đến nay lão đãi vàng cũng không để làm giàu. Không thấy lão bán vàng mua sắm gì cả. Lão lấy tiền làm thuê gánh mướn mà sống qua ngày, không hề đụng đến vàng. Quanh năm lão chỉ có cái quần cộc mặc trong người, ở mái nhà tranh rách nát .
Người dân đồn lão Cậy đem vàng qua bên kia sông cúng cho chùa. Dưới chân núi Sạn, cạnh vườn chùa Hang, hay còn gọi là Hải An Ni tự. Nơi đây có dựng tượng Phật Di Lặc cao mười tám thước ta. Di Lặc hay còn gọi là ông Phật bụng bự, Phật cười, nụ cười hiền hoà báo hiệu thế gian an lạc. Một hôm lão đi ngang qua, nhìn lên thấy ngài không cười nữa. Nắng chiều nghiêng chênh chếch khiến cho những điểm lồi trên khuôn mặt ngài chiếu xuống thành cái bóng đen làm mất đi nụ cười. Đức Di Lặc không cười nữa, đăm đăm nhìn qua bên kia sông làng Vĩnh Ngọc, cặp mắt buồn bã, báo hiệu những ngày khổ ải tang thương. Trong giây phút ngắn ngủi thiêng liêng đó ông lão phát đại nguyện: Từ bỏ nghề mài dao thuê cho mấy mụ bán cá ở chợ Phương Sài, để dứt cái nghiệp giúp kẻ khác sát sinh. Mỗi đêm chỉ ngủ vài giờ, thời gian còn lại xuống sông Cái đãi vàng tô tượng. Đến nay lão chỉ mới đủ vàng để tô cái móng chân út của pho tượng xi măng cốt thép cao như cây rơm này. Lão tin Phật sẽ để cho lão sống tới khi lão hoàn thành công việc. Muốn tô trọn pho tượng này lão còn phải sống và làm việc đãi vàng thêm ba trăm năm nữa, chưa chắc ý nguyện đã viên mãn . Quanh năm chỉ những ngày nước sông lũ lụt dâng cao, những ngày lão ốm, mọi đêm lão đều ra sông đãi vàng tô tượng …
Thọ lặp lại câu hỏi:“ Đêm nay được nhiều ít rồi ông lão?”. Lão Cậy làm bộ không biết, hỏi lại :“ Chú Sáu hỏi cái chi nhiều ít ?” Thọ nói :Vàng. Lão thoái thác: “Vàng bạc chi mô… gánh gồng suốt ngày mình mẩy đầy bụi, ra sông tắm mát …”
Đến đoạn này con sông hẹp lại, bên kia phía tháp bà, chân đá ăn ra lấn lòng sông, nước sông sâu và chảy xiết hơn. Nơi mỏm đá nhô ra có bóng người ngồi lặng lẽ trong đêm, bóng hắn buồn bã như con bồ nông đứng yên lặng chờ mồi trong một ngày biển động. Thọ lái con thuyền tấp vào dưới chân đá. Người kia vẫn đăm đăm nhìn con sông lặng lờ trong đêm, mặt nước lấp lánh ánh đèn điện trên cầu Xóm Bóng chiếu xuống. Nước loang loáng như đổ dầu. Thấy con thuyền lạ tấp vào hắn làm như người điên thét lên một tiếng lao ngay xuống lội ra, tay bám vào be thuyền, thấy không phải “con thuyền không đáy”. Khi biết lầm. Hắn hổ thẹn quay vào, lên bờ rũ hết nước sông đêm, leo lên mỏm đá ngồi ủ rũ như con chim bồ nông ướt cánh . Hắn là thằng Trạo. Gần đây thiên hạ thấy hắn hằng đêm thường ra sông Cái ngồi chờ con thuyền của Thánh mẫu thiên Y A Na làm bằng một cấy trầm đã hoá kỳ nam, con thuyền không đáy, không chèo chở con người từ bến sông đời u mê ô trọc này tìm về bờ đại giác bên kia, ấy cũng là phương chính đông, “cùng một phương tìm thấy mặt trời!”.
Trạo là con một của Xã Đoài, nhà rất giàu, có thùng lều làm mắm dưới Bình tân. Nhà có xe đò chở khách, có xe tải chở xác mắm lên Đà Lạt bán cho dân trồng lê guym. Trạo thông minh, yêu văn thơ, học hành tử tế, học đại học văn khoa Sài Gòn, khoa đông phương học, đến năm thứ ba yêu một nữ sinh viên cùng lớp, cô ấy lên thuyền nhằm phương mặt trời mọc mà vượt biên, đi tới bờ bên kia thái Bình Dương. Hắn thất tình, hoá điên không học hành được nữa. Ở nhà lang thang trên bờ biển làm thơ :
Ôi giấc mơ nhàu lụa đông phương
Con đường hương liệu
Lưu dấu trầm rơi
Cùng một phương tìm thấy mặt trời…
Hắn nghĩ con thuyền bằng trầm ấy thế nào cũng đi ngang qua bến sông này, và cứ đêm đêm hắn ra đây chờ đợi…
Thọ nằm giữa lòng thuyền suy nghĩ vẩn vơ về những số phận kỳ lạ trôi theo dòng chảy này. Gió đêm hây hẩy, con thuyền bềnh bồng. Trời tối quá, không thấy hai bờ. Thuỷ triều hạ xuống thấp đến tận cùng. Tất cả nước chứa trong lòng sông cùng dừng chân. Dòng sông hết cả hơi sức, đọng lại nghỉ ngơi. Thọ mở mắt thực to, vểnh tai lên cố nghe ngóng gió hướng nào, và ngước lên những vì sao lấp lánh trên đỉnh trời chỉ với một mục đích tìm xem hướng trôi của con thuyền, không biết nó trôi dọc hay trôi ngang hay cùng với con nước buồn này dừng lại, chờ đợi thuỷ triều khác để làm cuộc lên đường về với “phương tìm thấy mặt trời” như hoài bão phiêu bồng của thằng học trò điên hoá thân chim bồ nông rầu rĩ trong đêm ? Trên trời mây tụ lại, rải ra rồi gom thành đống , biến ra nhiều hình thù kỳ dị, nhưng cố nhìn và tưởng tượng vẫn mường tượng con thú hay con người. Anh vụt tưởng đến câu “Vân cẩu” lòng chợt buồn. Mặt trăng lạnh như mảnh nước đá mỏng trôi trong mây. Thọ tự hỏi, vào đúng cái thời điểm ta hoang mang này, cái gì chuyển động ? Thuyền trôi, mây bay hay trăng đi? Anh biết đám mây kia, con thuyền này, mặt trăng ấy đều chẳng đứng yên. Chuyển động là quy luật đất trời, chẳng phải chỉ xảy ra ở góc sông hoang vắng hay cuộc đời bé nhỏ của cái thằng người từ khi lọt lòng, được đầu thai làm người, cha mẹ đặt cho cái tên Lê Thế Thọ này. Thế còn ngôi sao xa xăm lấp lánh ánh sáng lạnh lẽo trên kia, nó bất biến hay chuyển động ? Chắc chắn là nó chuyển động, chỉ có điều nhanh như chớp hay chậm như rùa mà thôi.
Thọ chợt nhớ lại hình ảnh lục địa An Hoa mới đây lúc xuống thuyền mình đã tưởng tượng thấy. Ngay chính trong giấy phút mình nằm mơ mộng hôm nay nó vẫn không thôi chuyển động, nó vẫn trườn về bờ phía Đông dù cho tốc độ có chậm như sợi tóc hay móng tay mọc đi nữa thì qua thời gian dài dằng dặc hàng triệu năm nó cũng tiến được một đoạn xa vạn dặm. Thềm lục địa biển đông đâu thể cứ lùi mãi được, tới một lúc hết cả không gian thối lui, nó chống cự lại. Lục địa không tiến thêm được nữa, nó bị đẩy trồi lên dốc ngược về phía đông. Con sông cái này chảy ngược về thượng nguồn, đất trời điên đảo…
Ay là lúc con chim cổ quái thoát thai từ loài bò sát bay trở về cất tiếng u…u… như tù và ốc. Và mặt trời chín rục sần sùi như quả gấc chui từ biển lên. Ay cũng là lúc dòng sông nhiễm đầy hơi hướng thần thoại khô đến giọt nước cuối cùng. Tất cả những cuộc phiêu lưu trên dòng hoang tưởng miên viễn chấm dứt…
Một vạn năm sau có đứa bé chơi trò đào cát, nó phát hiện ra con thuyền nan, lòng thuyền đầy phân chim, và những con cá ươn hoá thạch trong lớp bùn thiên niên vạn cổ của dòng sông chảy qua một miền châu thổ cổ tích .
Đứa bé hay nhà thơ tương lai đưa tay sờ lên mạn con thuyền đen như than đá này, ngậm ngùi hỏi : “Những ai? Những số phận nào ? Đã một thời gắn bó đã trôi trên dòng hoang tưởng này ?”./.