I
Một tấm bảng lớn cồng kềnh dùng cho việc giảng dạy hẳn hoi – bảng sơn đen bóng loáng được treo giữa vách ván nhà thầy giáo Phú, phía trước. Một lằn gạch thành một vệt phấn trắng to cộm sổ xuống lưng chừng chia đôi tấm bảng hai mảng bằng nhau. Một bên hiện lên mấy dòng thơ : “Anh đi khắp cùng non nước – nhớ về xóm nhỏ – trong đó có người yêu và tim tôi” ... Còn bên kia, tô đậm vài dòng chữ lớn, hơi tháo nhưng rất dễ đọc : “Ấp gà, ngày, tháng, năm – Mua heo nái, ngày, tháng, năm – nuôi tôm, ngày, tháng, năm – Xuống giống, ngày, tháng, năm (hơi mờ) – TM về Cà Mau, ngày, tháng, năm. Và dưới cùng, trong một cái khung trắng chạy dài suốt hai cột bảng : “Chị Sáu có về, dọn cơm cho mẹ nhớ dĩa cá phi chiên để trên kệ sau bếp (cá có xương nhiều) – nước mắm Phú Quốc trong tủ chén – nải chuối chín cây chim ăn treo cửa sau, phía ngoài – Phú đi nhà thằng Hợp mượn dụng cụ sửa vòng gặt về ăn cơm sau. Đừng đợi ... (Nhớ ăn cơm xong, cho mẹ uống thuốc ...)
Đó là lúc thầy giáo Phú có chuyện bận rộn : con heo nái mới đẻ được mươi mười con heo con, rặc đực, chỉ hai con cái, và bà Hai Dễ mẹ Phú vừa qua cơn bệnh thập tử nhất sinh, người gầy sọp, hom hem.
Việc heo đẻ, bà Hai Dễ hay nhân ra thành chuyện lớn nhất trong nhà, và thường hay chỉ trích Phú. Bà nói bằng giọng bỗ bã :
- Nhờ con Sáu Nhàn chị nó về kịp nên nó lách khỏi đỡ đẻ cho heo, y mừng quýnh. Bằng con Sáu trễ tàu đố heo con chui ra khỏi bọc, lùng tung lúng túng chết sạch trơn sạch trọi rồi. Cũng may...
Bà thường đứng chong đèn bên ổ heo chỗ xế cửa buồng mặc dù giữa ban ngày ban mặt. Bà không buông tha Phú :
- Mẹ tròn con vuông rồi, hú hồn hú vía. Giờ đến lượt thằng Phú trông coi nó đến biết ăn chí những một tháng !
Phú lầm lì không cãi mẹ như những lần khác hai mẹ con bàn bạc chuyện vặt vãnh trong nhà. Chị Nhàn nhìn thoáng qua mặt Phú cười rúc ra rúc rích.
Chị Nhàn dáng thấp, mảnh khảnh, da ngăm, tóc bới cao gọn ghẽ. Những năm sáu mươi, Phú đi học rồi đi dạy ngoài thị xã. Chị Nhàn tham gia cách mạng, lên tỉnh, lên khu, sau đó bị địch bắt giải ra Côn Đảo tới giải phóng mới về Cần Thơ rồi nghỉ hưu ở đó.
Chồng chị một cán bộ tác chiến của Ban chỉ huy Huyện đội Cái Nước hy sinh trong một đợt gỡ mảng “ấp chiến lược” Quản Phú, Thứ Vải năm chị ngồi tù Côn Đảo. Chị Nhàn ở vậy nuôi con không chịu đi bước nữa tới nay.
Thỉnh thoảng khoảng nửa năm, chị Nhàn mới có dịp trở về thăm quê. Mỗi lần về quê, chị Nhàn thường nghĩ lẩn thẩn đến mẹ, đến Phú. Chị thương Phú chưa vợ, từ nhỏ tới lớn quen sống nơi chợ búa nay bỏ về quê hương ở hẩm hiu với mẹ. Thế nên mặt ngoài cười vui vẻ với em, nhưng bên trong chị nghe đau đau trên ngực mỗi lần trông thấy đứa em trai phờ phạc.
Phú bơ phờ, uể oải và trông lôi thôi lếch thếch nữa: râu cằm ra tua tủa, lốm đốm vài sợi bạc, tóc dựng lụp xụp, rối rắm sau gáy. Tất cả chỉ vì con heo nái trở chứng khác hẳn trước đó nó hiền lành, khi đứng khi nằm chỉ một cái sờ tay gãi nhẹ lên lưng của cô Hai Bê người láng giềng hay lui tới với bà Hai Dễ. Nhưng khi lót ổ xong, con vật sòng sọc dữ dằn như quỉ. Hai Bê giỏi dỗ heo nhưng chịu thua, càng dằn dỗi dịch nó sang chỗ khác nó càng hung hăng gí mỏ gí miệng đào bới làm nát một vũng đất lớn giữa nhà.
- Cậu nghỉ đi để hết đó cho chị – Chị Nhàn dừng tay đâm đậu nành ngước nhìn Phú, nói. Và như chợt nhớ ra điều gì, chị Nhàn đứng phắt dậy – Quên nữa, chị có mua về mấy tờ báo cho cậu.
Nhà không có ra-đi-ô, nghe nói có báo, Phú lật đật đứng dậy theo chị Nhàn lên chỗ đặt chiếc bàn tròn nhỏ nhắn phía trước. Chưa kịp mang kiếng vào, Phú lật lựa mấy tờ báo sột soạt. Phú chúi mũi chúi mắt đọc ngấu nghiến. Chập lâu sau, Phú lôi cả xấp báo trở lại ngồi xuống cạnh ổ heo. Và cặp kiếng vẫn còn ngấp nghé trên mũi, Phú bộc bạch với chị Nhàn. Phú nói :
- Gẫm mà nước mình ngon. Nửa nước mới độc lập hơn mười năm, hẳn là ngon – Phú chìa ra trước mặt chị Nhàn một trang báo mở rộng – Chị coi đây, toàn chuyện động trời động đất. Rối ren bốn năm quốc gia. Còn nước mình, ngon !
Chị Nhàn họa theo một cách miễn cưỡng :
- Ờ, cậu nói đúng !
Và chị Nhàn cố mỉm cười với Phú mặc dù chị đang có tâm trạng không được vui lúc nghỉ hưu. Và chị Nhàn thường thờ ơ trước thời cuộc. Chị như thể một chiếc bóng mờ trước những xáo trộn của đời sống.
Khác hơn chị Nhàn, Phú xăng xốm nhảy vào cuộc. Phú nói rất hăng. Từ những dòng thời sự nóng bỏng trong mấy cột báo, Phú nói rộng thêm những vấn đề đặt ra trong văn học do một cô phóng viên trên tỉnh – cô Tuyết Mảnh người yêu của Phú cung cấp.
Phú nói xởi lởi hết với chị Nhàn như thể bù đắp lại những ngày ở đây hiếm có bạn bè để đàm đạo những việc trên.
Sau giải phóng bốn năm, Phú còn dạy môn văn cấp ba ngoài thị xã. Tính không vồn vã, săn đón khiến phần lớn học sinh sờ sợ thầy giáo Phú. Tốp học sinh ít gần gũi thầy Phú còn vì cảm giác thầy Phú hay làm cách và ngụy biện. Chiếc mùng mới tinh xếp trong cặp lúc học sư phạm, Phú dùng lưỡi lam cạo râu rạch lỗ chỗ và tự vá lại bằng những tấm giấy cứng.
Những năm Phú đi dạy, anh đưa bà Hai Dễ đi Sài Gòn chữa mắt được một lần. Mắt bà đã khỏi nhưng bị tật: một bên mắt trái mờ hẳn. Còn ba lần khác Phú giữ mẹ ở lại thị xã với anh đều không thành.
Bà Hai Dễ không quen lau chùi nền phòng ẩm ướt của Phú, không quen tiếng ồn ào nên cả ba lần tự bà lò dò xuống bến sông quá giang xuồng về Rạch Giếng. Người chị, kể cả anh Chín Thắng phụ trách công tác Dân vận xã Tân Hưng lúc bấy giờ, và thằng Hợp cháu của Phú, đều đứng hẳn về phía bà Dễ cân đòn với Phú, đẩy Phú về góc vườn cũ. Nhưng khi thầy Phú trôi dạt về mảnh vườn cũ, anh bị lạc lõng không bám đâu vào đâu được : Chín Thắng bố trí cho Phú dạy học, Phú không quen dạy đám học trò cấp một nhỏ xíu, nhớn nhác. Thắng kéo Phú vào văn phòng Xã ủy, Phú không quen ngồi viết báo cáo và đi thưa về trình. Thắng tận dụng trình độ học vấn của Phú ép Phú làm nhiều việc khác nhưng Phú từ chối. Duy chỉ có một việc không được ai phân công nhưng Phú tự giác nhận lãnh. Phú làm chí tình. Đó là việc tiếp xúc, đưa đón lẻ tẻ vài anh chị em phóng viên từ trên tỉnh đi thực tế xuống Bình Mỹ, thậm chí Phú dẫn họ về nhà mình, và tự tay lo từ thức ăn miếng uống.
Đặc biệt với Tuyết Mảnh quen biết từ thuở còn đi dạy học, đích thân Phú chèo xuồng đưa Tuyết Mảnh vào tận Cái Nước, Rau Dừa, cùng với Mảnh lò dò trên những nền bót cũ, đích thân Phú chèo chống đưa Tuyết Mảnh qua những trảng nước sóng sánh, những con lung đầy ắp bông súng, bồn bồn, và nhiều lần xuồng xuôi dòng Rạch Gốc theo nước ròng về tới kinh Bộ Mão, nhiều lần cùng Tuyết Mảnh lững thững trên đê tới sẩm tối chưa về tới nhà... Phú bộc bạch tất cả những gì Phú viết về Bình Mỹ, những sự kiện cũ mới, những chi tiết tự anh anh muốn trải ra trên trang giấy nhưng anh chưa viết được, không viết được.
Khi đó, Chín Thắng thỏa mãn với khó khăn về việc bố trí một trí thức về xã. Anh Chín bí đường. Rốt cùng trong óc con người phụ trách công tác Dân vận xã le lói vài tia hy vọng : Phú lấy vợ chăm sóc bà Hai Dễ và tiện thể lên liếp lập vườn, làm ruộng.
Nhưng cho tới nay Phú sống độc thân. Điều đó khiến bà Dễ hoang mang, và người chị cảm thấy bất lực hoàn toàn.
***
Những ngày về thăm quê, chị Nhàn làm hết công việc từ trong nhà đến ngoài vườn. Chị bao sân.
Dưới một tán lụa già giặn thấp là đà, chị Nhàn gom hết tàu dừa khô trên liếp vào một chỗ. Chị ngồi thui thủi, mải miết. Chốc chốc, những trái lụa già rớt lộp độp trên lớp lá lụa khô dày. Hàng cây ngũ trảo thân mốc xám, suông suông, với vô số tổ ong nghệ bằng đất thô thiển như thể thân cây được áo ngoài bằng một thứ da rắn. Một đống than rơm đen nhánh dưới gốc cây ngũ trảo chứng tỏ có người bắt cá nướng trui tại đây. Ngoài từng đợt chim trao trảo rối rít và vài con chim tu hú đập cánh lạch xạch trên vòm lá lụa xanh rờn, ở đây hoàn toàn yên tĩnh.
Chị Nhàn đưa mắt nhìn chung quanh. Chị phát hiện chỗ đôi chim khách khoác áo đen, chờn vờn, dưới lớp lụa vàng nhô ra một vỏ thuốc lá “Vĩnh Hội” màu vàng nhạt và một quyển sổ tay loại bỏ túi. Chị đến nhặt quyển sổ và lật ra xem. Nét chữ đứng, mảnh khảnh, hơi tháo, chị đoán đó là nét chữ của một người con gái. Chị nhẩm đọc: “... Ở đây nơi tôi ngồi, và cả khu vườn toàn mương liếp váng phèn. Phèn lừng lên dưới đáy ao trộn đặc sánh trong nước. Thứ nước phèn chua lè, mằn mặn rít rớm khó chịu. Dừa tơ cựa quậy lớn lên trong lùm cây bụi cỏ, không có người chăm sóc. Còn vỏn vẹn năm cây dừa lão ngó trật ót, thân sần sùi vết đạn. Dừa khẳng khiu nhắc nhớ đến cuộc chiến tranh kéo qua Rạch Giếng quá đỗi khắc nghiệt. Người ta sống, tồn tại bằng cách nào ? Mà hồi trước mình biết gì về chiến tranh? Đi học rồi đi dạy học sau anh Phú vài năm. Bỗng dưng mình thấy bồn chồn thương nhớ Rạch Giếng - Bình Mỹ nầy quá.
Nhưng đánh đổi khu vườn gần một mẫu đất nầy, đánh đổi hạnh phúc nầy mình đành chịu bó tay. Đứa bé tới trường bằng con đường nào ? Tịnh ơi ! Thay thế một người khác hợp lý hơn mình, như chị Hai Bê chẳng hạn. Qua lời xầm xì bàn tán của vài người ở Rạch Giếng, của thằng Hợp hay phóng đại quả là một điều đáng ngờ. Đàn ông họ thích của lạ ! Còn mình, phải lớn hơn cái bình thường chứ ? Xin chào tạm biệt khu vườn cũ ...”
Đọc xong, chị Nhàn cả quyết quyển sổ tay nầy của Mảnh. Chị lật đật vào nhà, và liền chìa quyển sổ cho Phú.
Phú ngồi gần ổ heo ngẩng dậy. Cổ nghểnh thẳng lên như cổ cò đánh hơi có người đến gần.
- Đúng rồi, của Mảnh. Chị lấy ở đâu hay vậy ? – Phú hỏi vội.
Chị Nhàn mỉm cười :
- Của bỏ quên ai tìm làm gì ? Cậu biết không, nó nằm lăn lóc dưới gốc lụa. Khổ quá “ông...” – chị Nhàn lại tiếp – khổ là khổ cho mẹ. Tuổi lên hàng tám mươi rồi, cậu có hay?...
Chị Nhàn chưa dứt, Phú nói vặn :
- Nhưng không phải cưới vợ cho mẹ ?
Chị Nhàn cười chua xót, nước mắt lưng lưng hai bên khóe mắt. Chị phân bua :
- Nói thật, chị muốn có người lo cho mẹ. Trước đây chị sống mơ mộng quá, nghĩ cái gì cũng đẹp. Nhưng rọi lại thực tế, khác hẳn. Theo chị bây giờ đằng nào cậu cũng phải chọn một đàng. Chị không chê ai. Cậu còn nhỏ nhiếc gì nữa, Phú.
Phú ngồi im. Chị Nhàn cúi xuống đỡ một con heo ra khỏi vú mẹ, giọng buồn buồn :
- Cậu khó quá – và chị tiếp – cậu cứ tưởng vườn rộng rậm thế nầy chim nào cũng muốn tới ở hết sao ? Có những loại chim không thể ở được, vì nó không thích nghi với hiện trường.
Phú cãi :
- Cũng không nên làm cái lồng tốt để nhốt con chim hót không hay.
Phú nói xong liền có cảm giác mình vừa xúc phạm đến người khác Phú không tiện kể tên.
Chị Nhàn thở dài, nói :
- Vậy là rắc rối quá. Khó quá ...
Rồi sau đó không biết nghĩ sao, chị Nhàn ngồi im thin thít chập lâu ...
***
... Vẫn một con heo nái lém lỉnh và bầy heo con chốc chốc la hoán lên một lượt khiến gian nhà không được mấy lúc yên tĩnh. Con nái bị xích dây vào hai vành tai, bướng bỉnh hút vào vách buồng làm sút sổ, vung vãi mớ lá dừa nhóm bếp. Phú lật đật bước tới gom mớ lá dừa. Con nái nhanh nhảu, sòng sọc giơ mỏ ngoạm vào ống chân Phú. Phú vùng ra kịp. Đàn heo quấn riết bên chân mẹ, nhớn nhác và từ trong chân vách, chúng bị Phú hất ngược trở ra ổ heo. Con nái càng lém lỉnh, hai vành tai to vểnh đứng hướng thẳng tới Phú. Đến lượt chị Nhàn dỗ dành chập lâu, heo mẹ mới chịu nằm ịch xuống cho con bú.
Tức thì đàn heo nhí nhít, nhảy bổ thí mạng lên bụng mẹ. Chúng lẳng nhẳng giành giật những nắm vú căng cứng, ướt át.
Hai chị em Phú loay hoay chập lâu mới xếp được chỗ cho heo đâu vào đấy. Lúc bấy giờ chị Nhàn chưa bắt chuyện lại với em. Phú chờ ...
Với Phú, chị Nhàn sống hết lòng mặc dù hoàn cảnh buộc hai chị em cứ cách xa nhau mãi. Nhưng chị Nhàn hiểu hết tâm trạng của Phú. Lứa tuổi từng trải của chị, vốn trầm tĩnh, từ tốn, chị Nhàn chưa quy chụp, gán ép đứa em trai lần nào qua những lời đồn đãi của nhiều người trong xóm.
Chính mắt chị Nhàn trong dịp về quê năm ngoái, trông thấy Tuyết Mảnh đốt lá dừa soi đường từ chợ Rau Dừa vào Cái Giếng dài ngót ngét sáu cây số để được gặp Phú. Tuyết Mảnh không thể nán lại Rau Dừa một đêm vì nóng ruột muốn gặp Phú ngay. Và một lần khác với một đối tượng khác – cô Hai Bê ở Rạch Giếng – đến phụ đắp lò cho bà Hai Dễ. Nắng đốt lửa hừng hực ngoài sân, Hai Bê ngồi nắn đất, tỉa tót những viên đất sét ướt mềm thành hình mấy chiếc lò nấu nướng. Trưa hôm đó sau khi chở xong mấy xuồng lúa bó, dép giầy không còn, Phú mệt nhoài nằm ngủ thẳng cẳng trên bộ ván trước. Hai Bê nặn lò xong, chưa khoét lỗ đặt củi, liền bước sấn đến chỗ Phú nằm. Bê dạn dĩnh khác thường, cắm cúi tự nhiên căng một cọng dây chuối đo bàn chân gồ ghề của Phú. Cô đo vì không biết Phú mang loại dép rộng hay hẹp ra sao? Gần đây không có chỗ bán dép, phải đổ đường ra tới chợ Rau Dừa.
Đo xong, khác hẳn khi nãy, Hai Bê bước rón rén dang xa chỗ Phú vì sợ Phú thức giấc.
Bê vội vã quay về nhà, và hôm sau đích thân cô cuốc bộ tới chợ Rau Dừa mua về cho Phú một đôi dép mới.
Ở độ tuổi ba mươi, Hai Bê chưa có ai dạm hỏi cưới làm vợ. Bê chưa biết yêu ai, và suốt hai năm qua cô chỉ biết nhắm vào một đối tượng để gởi gắm đời mình : Thầy Phú ! Có lẽ vì thế, không có người đàn ông nào dám ngỏ lời.
Song Phú không phăng tới và cũng không từ chối hẳn. Phú ỡm ờ...
Chị Nhàn đoán biết chuyện ấy nên nể tình em, chị chưa đưa Hai Bê vào câu chuyện. Chị Nhàn gạn Phú về cô phóng viên trên tỉnh trước.
Giọng chị Nhàn lắng xuống :
- Có gì đến đỗi không khắc phục được, cậu ? – Và chị tiếp – Chị đoán vì cô Mảnh có đứa con riêng phải không ?
Phú ngơ ngác :
Chị Nhàn không bỏ qua chuyện ấy, hỏi lại :
- Xem mòi thằng bé có thương cậu không vậy ? Phú lắc đầu :
- Có nước nó đem tôi bắn bỏ. Nhưng đó không phải là nguyên nhân chính.
- Vậy, cái chính là gì ? Có phải sức khỏe hoặc nghề nghiệp làm cậu do dự ?
Phú đáp :
- Cũng không phải nốt. Chị nghĩ coi ở đây làm nghề gì bây giờ ? Làm ruộng, nuôi heo, kéo củi dừa... hoàn toàn không phù hợp với Mảnh. Cô ta muốn tôi về chợ làm nghề cũ, còn mẹ, chị biết đó, mẹ coi chợ như nhà tù, ai bắt mẹ ra chợ, mẹ sẽ nhảy lầu tự tử. Tôi biết chọn đàng nào ?
Chị Nhàn lảng tránh không muốn nhắc tới thân phận lận đận của mẹ nên trở lại chuyện Tuyết Mảnh. Chị hỏi :
- Nghe nói Mảnh có viết bài về Bình Mỹ phải không cậu ?
Phú thích thú :
- Có viết vài bài ký. Theo tôi, tạm tạm chứ chưa phải hay.
Và sau đó Phú kể về Tuyết Mảnh một thôi dài, về chung quanh những bài viết về Bình Mỹ của Tuyết Mảnh, của nhiều anh em khác do chính anh cung cấp tư liệu.
Phú khấp khởi ...
II
So với bạn trang lứa lên tám lên chín, thằng con trai của Tuyết Mảnh – thằng Tịnh – người nhỏ bé, loắt choắt. Do được cả nhà Tuyết Mảnh nuông chiều thằng bé thường mơn trớn, vòi vĩnh quá đáng. Tịnh luôn vướng bên chân Tuyết Mảnh mỗi lần Mảnh tiếp bạn trai. Với Phú, Tịnh càng khe khắt: Phú ngồi uống nước chung với Tuyết Mảnh, Tịnh sà tới ngồi giữa khư khư đòi riêng một ly cam vắt hoặc ly cốc tai. Phú sắp soạn dạo chơi với Tuyết Mảnh, Tịnh chạy lơn tơn rào sau đón trước :
- Không được đi nghe mẹ. Con cấm mẹ đi đó !
Phú đi ngang buồng, Tịnh dang hai cánh tay chắn bít cửa sợ Phú bước vào. Tịnh đốt ảnh Phú tặng Tuyết Mảnh, miệng lẩm bẩm khiến cái trán nhỏ nhắn hơi dô ra:
- Thằng cha gồ ghề, thấy mà ghét !
Và nhất nhất mọi cử chỉ của Phú không lọt qua mắt Tịnh, chỉ khi nào thằng bé chống chế đến mệt nhoài nằm sải tay ngủ khò thì mọi cái diễn ra chung quanh không còn có ý nghĩa gì đối với nó nữa ...
Vì vậy một mặt Phú thương Tuyết Mảnh hết mình, mặt khác, Phú ngán ngại, hay đúng hơn, anh dội ngược thằng Tịnh. Nhưng khác hơn Phú, vài cô trong Phòng trị sự báo, nhiều anh chị em khác ở cơ quan không lấy gì làm khó chịu với đứa bé bướng bỉnh. Có những khoảng bù trừ lớn hơn ví như thằng Tịnh ngồi im thin thít mỗi lần bạn gái chơi trội, thậm chí hiếp đáp, hoặc mỗi lần Tịnh ngồi vào bàn lặng thinh nghe mẹ giảng bài, mẹ cốc trên đầu nó : “Ngốc ơi là ngốc”. Mỗi lần như thế hãy nhìn vào đôi mắt trẻ thơ của nó thấy sớm ẩn chứa một nét buồn rời rợi, xa xăm. Cái lớn nhất khiến mọi người quan tâm đến nó, thương mến nó còn vì lẽ thằng bé mồ côi cha từ thuở lọt lòng mẹ.
Đêm thằng bé chào đời, Tuyết Mảnh được tin cha nó – một người bạn dạy cùng trường với Mảnh – bỏ Tổ quốc ra nước ngoài không một lời từ giã mẹ con cô. Tuyết Mảnh như thân cây sắp ngã, cô gượng dậy. Cô im lặng, chịu đựng. Và chính một tay Tuyết Mảnh nuôi nấng thằng bé đến tuổi cắp sách tới trường. Và vẫn câm lặng, chịu đựng. Phú biết chuyện đó trước khi yêu Tuyết Mảnh. Dần dà, chuyện Tuyết Mảnh có đứa con riêng lọt rồi cũng tới tai bà Hai Dễ mẹ Phú. Nhưng bà Dễ giữ kín chưa lần nào dỡ chuyện ấy ra với con. Là vì thực ra bà Dễ không đặt nặng sự có mặt của đứa bé trong mối quan hệ giữa Tuyết Mảnh và đứa con trai út của bà. Dẫu có mặt của đứa bé chẳng có hề gì. Bà nghĩ. Bà chỉ hoang mang vì thấy Phú nấn ná, buông trôi không chịu dừng chịu ghé bến nào để bà yên tâm.
Đến lúc bà Dễ đặt chính thức vấn đề ấy với con, bà không chần chừ. Bà nói :
- Phải biết trước tao để mầy rảnh rang đi phất phơ ngoài chợ, chừng nào cưới vợ thì tùy ý - Giọng bà Dễ trở nên cứng cỏi hơn – tao tiếc vì tao già không còn quyền hạn gì với mầy. Tới như thằng Chín Thắng làm Chủ tịch xã cũng thua mầy ...
Phú chen nói :
- Mẹ muốn gì nữa ? Có thêm một đứa dâu người dưng nước lã có hơn gì con ? Không có dâu mẹ vẫn có người cơm bưng nước rót đàng hoàng, thiếu thốn đâu mẹ sợ – Phú buồn buồn, tiếp – Xứ nầy có ai được như mẹ. Mẹ có một giáo sư, một trí thức phục dịch khác nào mẹ như bà Tổng thống ?
Phú nói chưa dứt , bà Dễ với một con mắt trái đục lờ chiếu thẳng vào mặt Phú:
- Tổng thống ! Tiên tổ mầy – Bà nhắc – Một lần đi chợ nói năm ngày về, thời nhiên mất nửa tháng mới về. Về tới nhà, mầy nhăn răng cười huề với tao. Rồi làm chuyện nhà riết riết như có ai thúc đít mầy, lại dông ra chợ phất phơ với con nhà báo. Mầy ở đó chớ ở đâu nữa ? Tao ngồi nhà chớ có người tới mách với tao. Tao biết.
Phú ngồi yên để mặc cho bà Dễ nói. Mà ít khi nào bà Dễ chịu nói ngắn cho cam. Chốc chốc Phú gọi “Mẹ” một tiếng ấm áp như thường ngày Phú gọi ! “Mẹ ăn cơm đi mẹ”, “Mẹ uống thuốc chưa mẹ ? Thuốc rất dễ uống, có nước chín con rót sẵn đây”, “Cho mẹ trái chín nầy...”
Cứ vậy – những giọng ngọt lạt, nuông chiều mỗi lần bà Hai Dễ khư khư gí Phú vào cái vòng lẩn quẩn không lấy gì làm mới mẻ : Lấy vợ !
***
Tuyết Mảnh trở lại Bình Mỹ – một phần đất của Tân Hưng tách ra – giữa lúc nhà Phú có chuyện bận. Và đặc biệt có mặt người chị ruột của Phú – Chị Sáu Nhàn.
Tuyết Mảnh bị cuốn vào những việc củi lửa lem nhem dưới bếp cả ngày không cầm tới cây viết. Mảnh không ngồi yên chỗ nào để đọc vì ngài ngại chị Nhàn. Còn chị Nhàn, kể cả bà Hai Dễ, những ngày Tuyết Mảnh có mặt trong nhà đều giữ ý, không ai hé chuyện riêng giữa Phú với Mảnh. Duy có cô Hai Bê không léo hánh tới nhà Phú. Hai Bê đứng ngồi không yên, và thường chạy đầu trên xóm dưới, điểm chính là nhà thằng Hợp, để nắm tin tức cô phóng viên từ trên tỉnh xuống Bình Mỹ: Mảnh vào đây chuyện gì ? Rạch Giếng sắp lên báo chăng ? Chừng nào Tuyết Mảnh quay về chợ ? ...
Thằng Hợp hứng trọn những câu hỏi đó. Hợp thường cười nhăn nhó và hay tảng lờ, lạnh lùng khiến Hai Bê đôi lúc mủi lòng.
Đối với Hai Bê và Tuyết Mảnh, Hợp có một điểm nhận xét gần giống bà nội: một đàng tháo vát, giỏi dắn nhưng hay nói lắp bắp, to tiếng. Một đàng nhã nhặn giỏi chữ nghĩa nhưng đi cầu khỉ run như đuôi thằn lằn và sợ nước phèn, nước mặn.
Nhưng xét cho cùng, sự tảng lờ của Hợp đối với nhiều số phận đàn bà, nguyên nhân chính vì Hợp hay hoài nghi lòng tốt của họ. Số là Hợp không may mắn lấy con vợ hư hỏng : quét nhà đùa rác qua lỗ thủng trên tấm vách lá. Và có một lần Hợp nhớ suốt đời, lần đó Hợp đứng dưới bóng trăng sau chùa Rạch Giếng bắt quả tang con vợ trần trụi đang quần nhau với một gã đàn ông cùng xóm. Thế là gia đình Hợp vỡ tan.
Chuyện ấy Hai Bê biết. Hai Bê đã góp chút công đáng kể cho Hợp dứt khỏi người vợ ngoại tình. Trái lại Hợp hiểu thấu đáo tình cảm của Hai Bê đối với người chú ruột của mình. Dẫu sao, Hai Bê cũng là người láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau nên Hợp dễ gần gũi hơn Tuyết Mảnh. Hợp không ngần ngại thường rỉ tai bà nội nên chăng rứt Tuyết Mảnh ra trước nhứt, mặc dù Hợp biết đó là một việc rất khó?
Bà Hai Dễ không hẳn đồng tình với đứa cháu nội bất hạnh. Bà nóng ruột thấy không thể bỏ lỡ cơ hội khi có sự hiện diện của Tuyết Mảnh trong nhà mình. Bà vội vội, vàng vàng.
- Cô Mảnh có rảnh đi xóm với tôi một chút ! – Bà Dễ cầm cây dầm vừa tất tả bước xuống xuồng vừa nói như ra lịnh.
Tuyết Mảnh ngưng ngay việc sắp soạn đồ đạc chuẩn bị sáng mai về chợ, luống cuống theo bà Dễ xuống bến. Mảnh nhón chân bước ra sau lái xuồng.
- Ta ra ruộng đi, cứ quẹo phải rồi rẽ sang trái, thẳng tới – bà Dễ tay vít vít cây dầm bơi mũi, căn dặn.
Tuyết Mảnh làm theo như cái máy, mấy ngón chân bám cứng lên sạp ván nhưng thân người cứ run bần bật. Cây sào tre khua nước lõm bõm, run rẩy trong tay Mảnh. Xuồng rấn lên một bờ vồng cỏ phập phều dưới kinh khiến bà Dễ bỏ một chân xuống nước phụ điều khiển mũi xuồng quay sang hướng khác. Dần dà, xuồng theo con kinh trôi ngược lên đồng.
- Dừng lại. Dừng được rồi ! – Bà Dễ vừa nói vừa bỏ một chân xuống nước đúng chỗ một tàn dừa mát rượi.
Buổi chiều, gió chạy lướt trên ngọn rạ rì rào. Phía con lung trước mặt vung vãi một bầy cò trắng, chấp chới. Và kề bên chỗ chiếc xuồng đậu, trảng nuôi tôm của Hợp nước sóng sa sóng sánh. Ở đấy, một đàn chim so đũa với những đôi chân khẳng khiu bước thập thò trên bãi mặn tìm mồi.
Tuyết Mảnh vừa mệt vừa ngạc nhiên không hiểu bà Dễ làm gì, sắp nói gì ? Vừa lúc đó, bà già bắt chuyện:
- Tánh tôi không để bụng nên hỏi thật cô Mảnh cái nầy – Bà Dễ quay mặt về phía Tuyết Mảnh, hai tay bó gối, tiếp – Tôi biết chuyện cô với thằng nhỏ tôi ở nhà. Nhưng hỏi thiệt cô Mảnh có suy nghĩ kỹ chưa ?
Tuyết Mảnh thở phào nhẹ nhõm :
- Dạ thưa bác, cháu đã nghĩ kỹ.
Bà Dễ gạn lại :
- Nghĩ kỹ ! Nhưng cô Mảnh có biết thằng Phú dở tệ chưa, lớn sầm sầm như con tượng thích đi chơi rong. Chưa biết Hà Nội, chưa ra xứ Huế, nó ức. Làm thì dữ, ăn thì đợi cho bụng đói, cho cái miệng biết thèm mới ăn no nê. Với lại nó vung vãi cũng không vừa.
Bà Dễ đưa tay nhón một miệng bẹ chuối tát nước xuồng, người gầy gò, hom hem. Bà tiếp :
- Ở nhà tôi nuôi vịt, nó thả tôm xuống ao. Vịt hảo tôm thế nào, như mèo gặp mỡ vậy. Thử hỏi tôm tép còn sao đặng ? Tôi thích trồng trọt, nó thích nuôi heo nái. Nó bảo nuôi heo nái kinh tế hơn. Rồi đây gả hết bầy con, nó có chịu tha cho những thứ tôi trồng đâu. Nó phá như quỷ. Còn nói về quyền hạn trong nhà nầy thời nhiên nó gỡ dần dần. Nó giành quyền với tôi khi chưa no lo chưa tới. Chẳng là như vầy : tôi cụ bị củi dừa cho mùa sa mưa, nó kêu réo xấp nhỏ hàng xóm đến tha mất dần. Nó hay cãi. Nó nói có cách làm của nó – Bà cười độ lượng, tiếp – Vậy, cô Mảnh nghĩ kỹ chưa ?
Tuyết Mảnh đáp ngay :
- Dạ, cháu đã nghĩ kỹ.
- Nghĩ kỹ nhưng cô Mảnh tính tới chừng nào ? Theo tôi, đã thương thì phải cưới.
Mảnh ngồi im. Bà Dễ nhắc ra một chuyện cũ :
- Hồi trước lúc cha thằng Phú còn sống tôi đã từng đi nói vợ giùm cho nhiều người trong họ (ông già thằng Phú ở nhà phát công đôi, đốt chà là mở đường đi rừng). Còn tôi đi nói vợ như đi ruồng rừng, phải mang cả dao theo để dọn lá, vì Rạch Giếng lúc đó nhỏ như con lung, lá dừa nước giao ngọn bịt khù. Hỏi vợ ngày trước ngày sau đã tiến tới đám hỏi. Đám hỏi xong tính ngay ngày cưới. Vậy mới phải. Để lâu sẽ nguội lạnh bời rời như cơm mắc mưa, điều đó không nên, cô Mảnh.
Bà Dễ lặp lại :
- Vậy, cô Mảnh nghĩ kỹ chưa ?
Tuyết Mảnh hiểu ý bà Dễ, đáp :
- Hoàn cảnh của cháu chưa về đây được, bác ạ !
Bà Dễ nghiêng người nhìn. Bà gạn lại :
- Chưa hay không ?
Tuyết Mảnh không trả lời vội. Cô ngồi im cho đến khi bà Dễ tự kết thúc câu chuyện của bà.
Trời chập choạng tối, Tuyết Mảnh và bả Dễ mới vào tới nhà. Rồi không được mấy chốc, chị Nhàn mau mắn kéo lại câu chuyện giữa bà mẹ với Tuyết Mảnh khi nãy.
Giọng chị Nhàn chậm rãi, rõ từng tiếng :
- Cô Mảnh. Tôi biết mẹ tôi nói với cô chuyện gì rồi ? – Chị Nhàn nắm chặt bàn tay xương xương của Mảnh – Cô Mảnh thông cảm với bà già nóng vội. Chị hiểu bà mẹ chị muốn thằng Phú lập gia đình trước khi mẹ nhắm mắt để yên mồ yên mả. Bà mẹ chị khổ lắm. Chính vì vậy, cô Mảnh hiểu cho.
Mảnh vẫn ngồi im. Chị Nhàn tiếp :
- Sẵn dịp chị xin góp mấy ý, cũng không ngoài ý bà mẹ của chị: việc đời tư, hạnh phúc, do hai em quyết định lấy, không ai dự vào gán ép được. Chị cũng không dự vào, nhưng chị là chị ruột của thằng Phú nên không cho phép chị đứng ngoài cuộc. Theo chị đến lúc hai em phải quyết định. Muộn nữa là đằng khác, phải không?
Mảnh do dự, hai bàn tay bó cằm ngồi nhìn chị Nhàn. Theo thói quen dẫn chuyện với nhiều đối tượng người nghe trong kháng chiến, chị Nhàn thường bốc lên những suy nghĩ của mình, hay mau mắn và đôi khi quên không giữ ý. Chị Nhàn không đợi Tuyết Mảnh trả lời, chị tiếp :
- Muộn. Chị nói thật, rất muộn. Đã thương đã chọn thì phải đi tới. – Chị Nhàn ngưng một chốc, lại tiếp – có nhiều người không tới được thì họ tự “hòa” lấy. Nó đẹp, vừa là công bằng thôi, cô Mảnh ...
Nghe chị Nhàn nói tới đây, Mảnh không được điềm tĩnh nhưng cố nén. Cô mỉm cười với chị Nhàn.
Chị Nhàn không đoán được tâm trạng của Mảnh, chị vồn vã tự nhiên :
- Ở đây có nhiều chỗ kêu gả con cho nó, nhưng phải nói thằng em chị rất khó hiểu, không ừ ờ, cũng không chịu tới với ai. Khổ quá – Chị tiếp vô tư – Tôi đoán có lẽ vì mối quan hệ dây mơ rễ má nầy thành chuyện cù cưa cù nhằng mấy năm !
Đến lúc nghe nóng bừng trên mặt. Cô nói :
- Vậy, có chỗ nào tiện chị Sáu cứ việc hướng tới cho ảnh, bảo thẳng với ảnh đừng nghĩ gì tới em thêm rắc rối – Mảnh trách – Em nói thật, nếu ảnh có nơi có chỗ sớm, em mừng ...
Đương nhiên chị Nhàn chựng lại. Chị ngỡ ngàng vì mới vừa phát hiện một khía cạnh lạ lẫm của người ngồi đối diện với chị. Và sau đó không bao lâu, chị Nhàn do dự thôi không dẫn chuyện nữa.
Đến lượt Phú. Vẫn trong gian buồng chật hẹp vách ván bừa bộn một kệ sách cũ, Phú hỏi Mảnh :
- Mẹ với chị Sáu nói chuyện gì với em vậy ? Sao lại buồn ?
Mảnh không đáp, hỏi lại :
- Đâu, anh đoán hai người nói chuyện gì ?
Phú lắc đầu. Chốc sau, Phú hỏi :
- Hay mẹ với chị Sáu hỏi thăm thằng Tịnh. Nếu vậy, có gì làm em buồn ?
Mảnh nghiêm khắc :
- Thằng Tịnh có dính dáng gì đến gia đình nầy, anh Phú ? Nó là một đứa bé nghịch ngợm với anh thôi. Đáng trách là trách người lớn kia !
Phú gạn :
- Người lớn làm sao em ? – Phú hỏi dồn về một việc Phú nghi ngại nhất – Có phải người ta đồn anh lăng nhăng với ai đó không ? – Hay chính thằng Hợp đưa tin. Thằng Hợp...
Phú chưa nói dứt, Mảnh chen vào cười lạnh lùng :
- Anh đi xa đề rồi. Mà có thật như anh nghĩ, điều đó không can hệ gì tới em. Có em thì không có người khác, hoặc trái lại. Em không tin ai cả. Thằng Hợp không phải là đứa vụng dại. Anh đừng coi rẻ nó trẻ mãi. Em tin em. Em tự tin mình ...
Tuyết Mảnh đưa tay vỗ nhè nhẹ vào ngực mình.
Câu chuyện kéo dài suốt đêm hôm ấy. Hôm sau mới mờ trời, Mảnh vội vàng từ giã người trong gia đình Phú quay về chợ.
III
Mảnh mới bước xuống chiếc vỏ tốc hành tại voi lá nhà Phú về chợ, Hai Bê xuất hiện tại đập Rạch Giếng. Tóc kẹp gãy khúc đong đưa trên đôi vai thô thô, đầy đặn, và Hai Bê ăn mặc tươm tất hơn thường ngày : quần đen láng mới tinh, không mấy thẳng thốn. Áo vải xoa Pháp xanh mỏng lồ lộ đôi quai áo lót sau lưng.
Từ đập Rạch Giếng, Hai Bê lội tắt sau chùa Cao Đài về hướng nhà Phú. Trước khi vào vườn Phú, Bê lóng nhóng chập lâu ở nhà Hợp như thường lệ.
Hợp ngồi vót nan tre bện đó trông thấy Bê liền cười híp mắt. Hợp nói ngay :
- ô Hai giỏi thiệt, biết nhà ổng bữa nay trống vắng. Đi đằng ấy không ? Cần tôi đưa một khúc đường không ?
Hai Bê chối quanh :
- ừng nói trời ơi đất hỡi nghe Hợp, người ta cười cho nát mặt ra.
Hợp vẫn cười hô hố, mắt nhắm híp :
-Có tịch dịch ra tuồng – Hợp tiếp, xẵng giọng – Làm bộ làm tịch không ai ưa ...
Hợp nói đúng, Hai Bê màu mè bên ngoài, còn trong bụng thích nghe Hợp kể chuyện chung quanh giữa cô và Thầy Phú. Hợp nói làu làu đủ thứ chuyện về Phú, kể cả chuyện con đường bờ dừa vào nhà Phú mòn lẵn chỉ một mình Hai Bê đi, chuyện một đêm xỉn rượu Phú tạt vào nhà Hai Bê tới hừng đông mới về, bằng chứng bà mẹ Bê nhặt được gói đinh Phú mua từ chiều hôm qua về sửa sạp xuồng, chuyện Hai Bê ngồi tư lự với Út Phú trong ủ chuối sau vườn nhà Phú ...
Dĩ nhiên, Hai Bê không chịu thừa nhận chuyện nào của Hợp đưa ra cả.
Hợp dừng vót nan tre trong khi Hai Bê đứng lóng nhóng dưới hiên nhà Hợp nhìn về phía vườn thầy Phú. Thấy vậy, Hợp giục :
- i !
Nói xong, Hợp như được nối phía sau một cái đuôi gồ ghề : Bê vừa nói chuyện huyên thuyên, giọng ồm ồm, vừa bám sát sau lưng Hợp qua nhiều liếp vườn vào nhà Phú.
Mới tới cửa nhà, Hợp gọi ơi ới :
- hú Út ơi, chú Út. Báo chú hay nay nhà mình có khách nghe !
Nói xong, Hợp túm vai Hai Bê đẩy vào nhà rồi lẩn mất về phía trảng trống.
Vào nhà, trước tiên Hai Bê giành lấy cán chổi trên tay bà Dễ. Bà Dễ xuề xòa nhường chổi cho khách. Bê quét nhà. Bê lau ván. Bê đâm đậu nành nấu chín dỗ cho con heo nái nằm ì ịch giữa nhà. Bê cặm cụi dưới bếp như nhiều lần khác Bê tới đây... Và bỗng chốc gian nhà vắng vẻ nổi lên những giọng ấm áp : “Mùng heo đâu anh Út, đưa em giặt”, “Đậu nành đâm cho thật bã, nấu chín mới được nghe anh Út”, “Cái xoong nhôm mới chùi sao đen dữ vậy cà? ...
Phú đứng ngồi im ỉm. Anh rảnh rỗi hoàn toàn nếu không bước ra vườn phát dọn, đặt lờ, đặt lọp mỗi khi Hai Bê tới nhà anh.
Lát lâu, Phú hỏi :
- Bà má hết bịnh hẳn chưa vậy cô Hai ?
Bê mau mắn đáp :
- Đợi bà chết mất anh mới tới đưa đám táng luôn thể – Bê dừng lại đưa tay gạt than lửa trong lò, tiếp :
- Nói vậy chớ tôi biết mấy ngày qua anh không rảnh, anh có khách !
Phú uể oải :
- Mấy ngày nay cứ tưởng cô Hai chở bà má đi hốt thuốc bắc trong Rau Dừa !
Phú nói chưa dứt, Hai Bê nói giọng châm chọc :
- Khác hơn anh Út, tôi muốn đến coi sóc phụ con heo với chị Sáu nhưng sợ té ra mình bị thừa ....
***
Tuyết Mảnh rớt lại dọc đường vì chiếc vỏ tốc hành bị hỏng máy. Mảnh quay lại Bình Mỹ không phải vì không thể chờ nổi mấy mươi phút chữa máy, mà chính vì đất Bình Mỹ luôn nhắc nhủ cô phải quay về. Chính ở đấy, một vùng đất đẫm phèn đẫm mặn gợi Tuyết Mảnh nhớ một Bình Mỹ với nhiều cái đáng nhớ : Một cái giếng làng giữa xóm Rạch Giếng đã khô cạn, đã thành vườn cây trái, một miễu thờ thần qua bốn đời người trông coi, một con cá sấu từ sông Bảy Háp men vào Rạch Gốc cứ vài hôm trở mình nhận chìm xuồng qua lại vàm Rạch Giếng thành một câu chuyện huyền thoại, một nữ anh hùng Ba Bay, một lão du kích năm xưa thành danh “ông già Bá Đỏ”, tản mạn chuyện thầy cô giáo xa quê sống kham khổ, khắc khoải với một Bình Mỹ nghèo nàn. Trong óc cô phóng viên lấp lánh những trang viết, những con người đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt, trong đó có bà Hai Dễ cặm cụi với chiếc hầm nổi, với anh cán bộ Dân vận Chín Thắng xập xệ nơi thắt lưng mấy trái lựu đạn, với mảnh vườn vắng ngắt không một tiếng người, với ngôi nhà vung vãi cây lá trong tầm pháo lớn của giặc. Và trong đó, có cả Hai Bê.
Tuyết Mảnh tự sánh mình với Hai Bê. Bê là một người trong lớp phụ nữ nông thôn thất học, chữ nghĩa so với Phú một trời một vực. Song Hai Bê có những ưu thế hơn mình : khỏe, tháo vát và giỏi chuyện trong nhà, ngoài đồng. Vả lại Hai Bê là người láng giềng dễ dàng đến với bà mẹ của Phú.
Dưới nắng trưa oi bức, không một gợn gió, Tuyết Mảnh đi lẩn thẩn trên đất Bình Mỹ, lặng lẽ đi từ rạch Nhà Phấn theo bờ sông Tân Ánh về Rạch Giếng nghĩ ngợi đến những mảnh đời thường, và trong đó, có mảnh đời riêng của Mảnh ...
***
Và buổi trưa hôm đó, trong khoảnh khắc đó, Hai Bê đi rảo hết trong vườn Phú kéo củi và róc lá dừa thay cho bà Hai Dễ và chị Sáu Nhàn.
Chị Nhàn có việc đi vắng, chỉ mình bà Dễ cắm cúi ngoài vườn với Hai Bê. Là vì công việc dự trữ củi lửa cân nhắc mỗi gia đình trong quê trước khi trời đổ mưa, trước khi bắt mạ.
Hai Bê nhặt một chiếc áo sơ mi đàn ông từ trên nhánh ổi khoác vào người. Chiếc áo rộng thùng thình bị thủng lỗ chỗ và phèn nhuốm vàng cứng hai thân trước. Tóc kẹp gãy khúc, Bê vén lên tới gáy, cô đi tao tác trong vườn. Vườn Phú chỗ nào Hai Bê cũng biết : Liếp cây sộp, đường bờ dừa gối đầu xóm Rạch Giếng, một con mương tối hun hút giáp với trảng chứa chim chóc của thằng Hợp, một gốc lụa già ... Cô rảo cùng khắp và cuối cùng, biến mất trong liếp sậy trên bờ ao nước ngọt.
Cuộn một lượt mấy tàu dừa kẹp trong nách, Hai Bê rướn người ra chỗ trống. Lá dừa phơi cánh ngửa nghiêng trong lùm bụi bật kêu sột soạt. Chim tu hú, bìm bịp đập cánh lạch xạch trên vòm cây cao. Bỗng Hai Bê bị giật thót người và vùng ra khỏi mấy tàu lá khô. Bê cảm giác như bị dao khứa vào da thịt, như có những mũi kim sắc nhọn ghim vào mặt, trên cổ, trên ngực. Mắt Bê mờ hẳn : có vô số những cánh mỏng màu nâu sẫm từ lùm cây ngũ trảo bay ra tua tủa hướng thẳng về phía mình. Bê khuỵu xuống. Bà Hai Dễ ngồi cuốn lá khô không hay biết gì. Chỉ một mình Phú biết.
Nhưng không kịp. Phú chạy bổ tới đỡ Bê dậy, và túm Bê chạy vào nhà tránh bầy ong vò vẽ. Hai Bê hai tay bưng mấy mặt, khóc rấm rứt vì đau nhức không chịu nổi. Cô lăn đùn trên chiếc giường được bịt kín bằng vách ván. Cửa buồng bị gió khép chặt từ lúc nào Phú quên không để ý, người luống ca luống cuống. Anh chợt nhớ một mảnh da tê giác phòng hờ khi bị tai nạn rắn rít để trên kệ sách liền đùa hết mấy chồng sách xuống, và thật may mắn, anh tìm được ngay món thuốc quí cất giữ từ lâu nay. Và nhanh nhẹn cắt miếng da tê giác ra thành những mảnh nhỏ, Phú vạch kiếm từng vết ong đốt trên mình Hai Bê để đặt những mảnh da vào.
Hai Bê nằm ngửa sóng soài trên vạc, hai chân duỗi thẳng, và hai bàn tay luôn cào cấu khiến mảnh chiếu trải cuộn vào một góc giường. Mặt ửng đỏ, nhăn nhó, với đôi mắt cứ nhắm nghiền, và đôi môi luôn mấp máy, rên khe khẽ – tiếng rên khe khẽ, ư ử khiến ruột gan Phú cồn cào, thắt lại. Một cảm giác vừa đau đớn vừa khát khao xâm chiếm trong người Phú.
Hai Bê vẫn nằm sóng soài. Áo khoác vuột khỏi người rớt lại ngoài bờ ao. Áo xoa Pháp xanh mỏng nhàu nát, bị sứt hết cúc, và hai vạt áo mỏng dính cuộn lại phơi ra một cơ thể trắng phốp pháp, một khuôn ngực căng cứng, bày biện.
Phú có cảm giác tiếng rên ư ử phát ra từ trong lồng ngực khỏe khoắn, hơi nhô lên phập phồng. Mồ hôi tươm nhễ nhại trên mặt trên lưng Phú, trong lúc Phú ngồi chăm sóc những vết đau cho Hai Bê. Phú ngồi yên, thẫn thờ, vừa lo ngại, vừa thương. Phút chốc, Phú cảm thấy thương Bê quá : Bê lầm lì, nhẫn nại so với Tuyết Mảnh đi tới với anh. Bê bước vào đời anh, vụng về nhưng hết sức vững chãi. Và Bê đã đau đớn vì mình. Thương quá. Bỗng Phú gập người xuống, râu tóc bù xù dúi thật lâu trên khuôn ngực trắng trẻo, nóng hổi. Người Phú nóng ran như lửa đốt và cả thân mình cô gái giống như một hòn than chợt cháy ...
- Chú Út ơi, chú Út, báo cho chú hay nhà mình nay có thêm khách. Nghe chưa ? Nghe được không ? – Hợp gọi í ới rồi biến mất. Và thoắt cái, Tuyết Mảnh bước sâu vào nhà, đứng sững ngay trước cửa buồng của Phú.
Cô đứng chắn ngang cửa chập lâu, hai tay bấu chặt vào vách ván, run rẩy.
- Anh Phú ! – Tuyết Mảnh kêu khe khẽ. Tiếng kêu phát ra từ đôi môi mấp máy, tím ngắt. Tuyết Mảnh muốn kêu to lên một tiếng nhưng cổ đã khô đắng, nghẹn tức không phát ra được tiếng nào nữa. Cô cố trấn tỉnh nhưng giọng nói cứ run rẩy, khe khẽ :
- Anh Phú ... trả lại anh chiếc áo mưa. Em về !...
Tuyết Mảnh bước lảo đảo ra trước. Vừa lúc đó bà Hai Dễ từ ngoài vườn vào tới nhà, và chị Nhàn đi xóm cũng vừa về tới.
Bà Dễ xem việc mới xảy ra bằng việc động trời – một việc bà chưa nghĩ tới khiến bà bị bặt tiếng ngồi rũ rượi mặc cho chị Nhàn dàn xếp.
Chị Nhàn không dàn xếp nổi, không khuyên nhủ được Tuyết Mảnh ở lại. Chị mất hẳn sự từ tốn, điềm tĩnh sẵn có, người luống cuống khác thường. Thêm một bầy heo con vỡ ổ, xạo xự. Tuyết Mảnh không nghe thấy gì cả. Cô hoàn toàn không nghe thấy tiếng kêu réo giật giọng của chị Nhàn, của Phú phía sau, cứ bước thẳng ra con sông lớn với hy vọng còn chiếc vỏ tốc hành cuối cùng trong ngày chạy qua Bình Mỹ ...
IV
Tôi có dịp về Bình Mỹ giữa tiết thanh minh, trời sắp sửa mưa nên thường âm u vào mỗi buổi chiều. Không khí hãy còn nóng bức, ngột ngạt. Tôi đang mang một tâm trạng không được vui, không được thoải mái vì một chuyện riêng tư, và vì một chuyện chung của Tòa soạn báo – điều tra lại những sự việc trong bài viết của Tuyết Mảnh về đề tài giáo viên ở Bình Mỹ sắp sửa đưa lên Báo văn nghệ.
Đây không phải là lần đầu tôi đến Bình Mỹ ghé nhà Phú, nhưng thầy Phú lúc nào cũng xăng xốm, niềm nở tiếp tôi.
- Anh phải viết, sở trường của anh là viết. Anh làm kinh tế không được đâu – Phú vồn vã và sau đó căn dặn tôi – Anh cứ ngồi trên bàn nầy viết, hoặc ra gốc lụa căng võng ngồi viết. Dưới gốc lụa trưa nắng vẫn mát như ở trong nhà. Tuyệt. Cơm nước tôi lo. Anh đừng ngại ...
Phú rót tràn trề một ly trà loãng bốc hơi nghi ngút. Vừa ngồi xuống ghế đối diện với tôi, vừa nói :
- Kể ra Bình Mỹ Cái Nước của tôi may mắn được các anh cầm viết dòm ngó tới luôn – Phú cười hề hà rồi lại hỏi – Kỳ nầy anh định viết gì đây ? Nhân vật trong bài ký của anh, ông già Bá Đỏ, vẫn anh hùng, nhưng cuộc đời khúc khuỷu lắm. Ông lão còm cõi đi buôn bán kiếm sống, và cái hay, ông lão biết giúp người khác có công ăn việc làm. Ông cừ khôi thật. Ông không nói xịa ...
Phú hăng hái gợi tôi nhớ bài viết của mình về một ông lão du kích ở bưng biền Cái Nước cách nay gần hai mươi năm. Thời gian trôi qua chóng vánh. Ngẫm lại tôi bồn chồn nói với Phú :
- Tiếc quá, lần nầy tôi đi làm công việc khác.
Phú nói :
- Anh đang cầm viết mà ? Sở trường anh là viết.
Tôi đáp :
- Biết vậy nhưng phải buộc bụng làm anh à : đi rà lại xem có một nhóm giáo viên bị mất nhiều tháng lương hoặc lĩnh lương trễ đôi ba tháng ?
Tôi lúc đầu do dự, nhưng cuối cùng, không giấu được Phú. Tôi nhắc tên tác giả bài ký – Cô Tuyết Mảnh-với Phú.
Tự dưng Phú sa sầm nét mặt. Hiện ra trước mặt tôi một gương mặt phờ phạc, uể oải. Và thêm một ly nước trà loãng tràn trề, Phú cất giọng buồn buồn :
- Tất cả rồi cũng đánh động anh ạ – Phú ngẩng lên nhìn tôi – tôi cũng là một trường hợp bí đường. Một người sống nơi khỉ ho cò gáy nầy bị bí đường. Tôi chưa tìm được lối ra nên rất cần các anh viết, rất cần các anh đánh động. Tôi đã giúp các anh gom nhặt tư liệu. Điều đó tôi vui sướng vô phương. Còn bây giờ, các anh viết về tôi chứ !
Phú cười gượng, người hơi ngả lùi ra phía sau, đăm chiêu, lưng chạm mạnh vào vách ván khiến tấm bảng đen bóng loáng bật rung lên. Tấm bảng đong đưa lát lâu như không thể chịu ngừng.
Cà Mau, tháng 6-1990