Bách khoa từ điển Britannica nói về tính/ chủ nghĩa đồ vật (chosiste/ chosisme) trong văn học như sau: Thường xảy ra với các tiểu thuyết/ phản tiểu thuyết cố tình hạ thấp các yếu tố thuộc về con người, nhằm khẳng định quyền của các đối tượng và quy trình của người đọc trước khi chú ý đến người viết. Như vậy, trong tác phẩm, người ta làm cho các đồ nội thất quan trọng hơn con người đương nhiệm. Điều này có thể được xem như một cuộc biểu tình ngắn ngủi chống lại sự thống trị lâu dài (của con người với đồ vật)...
Tập truyện Hà mã, chó, chim, cá và những thứ khác (nxb hội Nhà văn, gồm 15 truyện) của Vũ Thành Sơn chạm đến nhiều thứ, nhưng dễ nhận biết nhất là cảm giác bị vật hoá. Chính cảm giác này làm cho một số truyện được xây dựng theo lối phủ mờ thân phận con người và bỏ qua các chi tiết móc xích.
Trước đây, khi xem xét một truyện ngắn thành công, người ta hay nhắm đến mấy yếu tố: một - cốt truyện; hai - tính điển hình hoá của nhân vật; ba - ý nghĩa nhân văn mà nhân vật đó mang lại; bốn - bút pháp, cách hành văn. Nếu nhìn như vậy, một số truyện ngắn của Vũ Thành Sơn chỉ giữ được yếu tố thứ tư, mà bỏ qua các yếu tố khác. Các nhân vật mờ nhạt sống vật vờ xung quanh các loài vật, các đồ vật… được tô đậm hơn. Một thế giới bình bình, một giọng kể đều đều, một bối cảnh rã rời… làm nên không khí của truyện.
Với cách viết như thế, tác giả như đi dưới chân của một trường thành, mà một bên là ánh sáng, một bên là bóng tối. Nếu ở bên sáng, hành trình có vẻ mâu thuẫn và nhỏ nhoi đó vẫn được nhìn thấy rõ, ấy là một tương phản giữa tĩnh (bức tường) và động (người bước đi). Các truyện ngắn của Vũ Thành Sơn không cho ta các kịch tích, các giọng kể thường thấy, mà ở đó là một trải nghiệm về cảm giác sống, sự chung đụng. Khi đọc, cái cảm giác về một điều gì đó cứ đeo bám ta, nhưng cụ thể là gì thì không thấy được, nhưng cũng khó rời bỏ được.
Đơn cử như truyện ngắn Cây cầu (trang 137-151), bắt đầu là bản tin sập cầu (nghe rất giống cầu Cần Thơ), tác giả viết một hồi thì đến truy vấn: “Một con chim tự nhổ hết lông của mình thì làm sao có thể cất cánh bay đi được?”. Rồi một hồi nữa, là đến câu hỏi về những tai ương, dịch bệnh… ở tầm mức tận thế. Mới nghe, tưởng như hiệu ứng cách bướm, một cây cầu sập ở một nơi nào đó thì có thể làm cho cả thái dương hệ chao đảo ở giao thoa vô tận. Nhưng không, tác giả từ khước cả luật nhân quả trong xây dựng cấu trúc có đầu có cuối, có mở có đóng… để nhằm đạt đến trạng thái ngẫu nhiên và ngẫu biến. Mọi thứ cứ như tình cờ xảy đến, không thể trì hãn, không thể thương lượng và không thể sắp xếp.
Chính những đặc điểm như vừa kể, Hà mã, chó, chim, cá và những thứ khác là một tập truyện đầy thách thức với người đọc. Bởi mỗi người đọc sẽ là đồng tác giả để dựng nên một tác phẩm khác từ chính cách đọc của mình.
Nhà văn Vũ Thành Sơn:
Âm bản được bày lên trang giấy
* Tại sao anh đặt tên tập truyện chỉ gồm con vật và đồ vật, gần như vắng bóng con người đúng nghĩa?
- Đó là những cá thể cùng chia sẻ không gian sống với chúng ta. Thế nhưng, trong phần lớn thời gian trong ngày, chúng ta hiếm khi chú ý đến chúng một cách thật sự. Thậm chí ngay giữa những cá thể đó cũng có một mối quan hệ lỏng lẻo (hà mã với chó, chó với Chim…). Có lẽ tình cảnh của con người cũng không khả quan gì hơn. Như những nỗi cô đơn xếp cạnh nhau thành dãy phố. Tôi nghĩ đến những cái bàn, chiếc ghế…
* Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến phần lớn những thân phận được anh cố ý xây dựng mờ nhạt về cả danh tính và tính cách, ví dụ: Nguyên, thằng bò tót, Karl, Hùng, Bình... Hai điều này phải chăng xuất phát từ quan niệm?
- Có thật là mờ nhạt về cả danh tính và tính cách không? Có lẽ (xin nhấn mạnh: có lẽ) các nhân vật ấy đang bị giằng xé giữa cảm giác “thuộc về” và cảm giác “trốn chạy”. Cái họ đang khao khát có, chính là cái “rõ ràng”, “cụ thể”. Và cái khiến họ sợ hãi trốn chạy, chính là những cái “mơ hồ”, “nhàn nhạt” đang bủa vây con tim họ.
* Anh nghĩ sao khi có nhận xét rằng, về không khí, truyện của anh phảng phất cái chất phi lý từ F.Kafka cho đến thế giới đồ vật của G.Perec. Xã hội kĩ nghệ và kĩ trị đối với anh như thế nào?
- Nếu độc giả có thấy trong truyện của tôi (xin nhấn mạnh: nếu có thấy) cái chất phi lý của Kafka hay khí quyển đồ vật của Georges Perec thì có thể đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi thường đọc Kafka; còn Perec chỉ một vài tác phẩm, không nhiều. Cả hai nhà văn này tôi đều yêu thích, tuy nhiên, không yêu thích đến mức để có thể tự xem là chịu ảnh hưởng của họ.
Truyện của tôi có lẽ mang trong mình không khí, hơi thở của đời sống đô thị; ở đó, các nhân vật hít thở, đi lại, yêu đương, mơ mộng, thất vọng, cô đơn… rồi chết. Công việc của tôi, với tư cách là nhà văn, chỉ là chọn một chỗ đứng thuận tiện cho việc quan sát, kín đáo để không bị hỏi giấy phép hành nghề, thường là ở vỉa hè, giương ống kính lên và click. Âm bản, sau đó, sẽ được bày lên trang giấy.
Còn các nhân vật đó nghĩ gì, âm mưu gì trong đầu, tâm trạng của họ ra sao,… đó là chuyện của họ với độc giả, tôi không biết. Làm sao tôi có thể đi tìm cho họ một người “có thể lắng nghe, có thể thấu hiểu”? Đó phải là công việc của các nhân vật và của độc giả, phải không?
L.Đ (thực hiện)
(* Một phần nội dung của hai bài này đã in một nơi khác, với các bút danh khác).