/2011/05/23/110523crat_atlarge_gessen?currentPage=all
Brodsky đã thể nghiệm mọi cuộc đấu tranh của thế hệ ông trên làn da của mình, như người Nga thường nói. Cuộc lưu vong của ông cũng không ngoại lệ.
Ảnh chụp 1980, Irving Penn.
Mùa thu 1963 ở Leningrad, nơi lúc đó còn là Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết, nhà thơ trẻ Dmitry Bobyshev cuỗm mất người yêu của nhà thơ trẻ Joseph Brodsky. Chuyện này không êm. Bobyshev và Brodsky là bạn thân của nhau. Họ thường xuất hiện, theo thứ tự abc, tại những điểm đọc thơ công cộng quanh Leningrad. Bobyshev hai mươi bảy tuổi và vừa ly thân với vợ; Brodsky hai mươi ba và công việc thất thường. Cùng với hai nhà thơ trẻ đầy hứa hẹn khác, họ được phong là “ban nhạc thần kỳ” bởi Anna Akhmatova, người bạn và thầy của họ; bà tin rằng họ đang làm trẻ lại truyền thống thơ ca Nga sau những năm đen tối dưới chế độ Stalin. Khi người ta hỏi Akhmatova rằng trong số đó bà khâm phục ai nhất, bà nêu tên hai người: Bobyshev and Brodsky.
Giới trẻ Liên xô cảm nhận những năm sáu mươi sâu sắc hơn những người cùng thế hệ với họ ở Mỹ và Pháp, vì, trong khi Suy thoái và Chiếm đóng đã là tồi tệ, chế độ Stalin còn tồi tệ hơn. Sau khi Stalin chết, Liên xô bắt đầu nhích lại gần thế giới. Lệnh cấm nhạc jazz được bãi bỏ. Ernest Hemingway được xuất bản; Bảo tàng Pushkin ở Moscow tổ chức triển lãm tranh Picasso. Năm 1959, Liên xô cho phép triển lãm hàng tiêu dùng Mỹ, và cha tôi, cũng là người của thế hệ ấy, lần đầu tiên được nếm mùi Pepsi.
Tình dục được giải phóng, nhưng nó sẽ đi đến đâu? Người ta sống với cha mẹ. Cha mẹ họ lại sống với ông bà, trong cái gọi là những chung cư. “Chúng tôi chưa bao giờ có căn phòng riêng của mình để cám dỗ các cô gái vào, các cô gái của chúng tôi cũng không có phòng riêng.” Brodsky viết sau này, khi đã lưu vong ở Hoa Kỳ. Ông có một nửa căn phòng, ngăn ra từ phòng của cha mẹ bằng một giá sách và mấy tấm rèm. “Chuyện tình của chúng tôi hầu như chỉ là những cuộc đi bộ và những cuộc nói chuyện, nếu phải trả lộ phí những dặm đường chúng tôi đã đi thì sẽ là môt khoản khổng lồ đấy” Người phụ nữ mà Brodsky đã cùng đi và cùng nói chuyện trong hai năm, người phụ nữ đã làm cho “ban nhạc thần kỳ” phải tan đàn xẻ nghé là Marina Basmanova, một họa sĩ trẻ. Người đương thời mô tả cô là người trầm lặng một cách duyên dáng và đẹp. “Tôi chỉ là thứ mà bàn tay em chạm đến/ ” ông viết, “trên đó, trong đêm, điếc đặc/ đen như quạ / em nghiêng đầu…./ Tôi thật là đui mù/ Em, khi ẩn khi hiện/ đã dậy tôi nhìn.”
Mọi người trong giới gần như nhất trí lên án Bobyshev. Không phải vì vụ bê bối đó, - ai mà chẳng có chuyện bê bối? – mà vì, ngay khi Bobyshev bắt đầu theo đuổi Basmanova thì chính quyền cũng bắt đầu theo đuổi Brodsky. Tháng 11 năm 1963, trên báo địa phương xuất hiện một bài báo lăng mạ Brodsky, cái quần của anh, mớ tóc đỏ hoe của anh, những kỳ vọng văn chương của anh, và những bài thơ của anh, mặc dầu trong bảy đoạn trích đưa ra làm dẫn chứng cho thơ của Brodsky thì ba đoạn là của Bobyshev. Mọi người nhận ra loại bài báo đó là mở màn cho một cuộc bắt bớ, và các bạn của Brodsky nài nỉ khuyên anh đến Moscow để chờ cho mọi sự qua đi. Họ còn khuyên anh nên vào khám ở bệnh viện tâm thần may ra việc chứng nhận anh bị một loại tâm thần phân liệt có thể giúp anh thoát khỏi vụ này. Brodsky đón Năm Mới trong bệnh viện, rồi xin được ra viện. Vừa ra đến ngoài, anh biết tin Bobyshev và Basmanova đang ở bên nhau đón Năm Mới tại nhà nghỉ của một người bạn. Brodsky vay mười hai rúp mua vé tầu và lao thẳng đến Leningrad. Anh chạm trán Bobyshev. Anh đối mặt Basmanova. Trước khi có thể đi xa hơn, anh bị ném vào tù. Phiên tòa sau đó đã gây nên một phong trào nhân quyền ở Liên xô, biến Brodsky thành một nhân vật nổi tiếng toàn thế giới, và kết quả cuối cùng anh bị lưu đày khỏi Liên xô.
Brodsky sinh tháng Năm, 1940, một năm trước cuộc xâm lược của Đức. Mẹ anh là kế toán, cha anh là nhà nhiếp ảnh làm việc cho Viện Bảo tàng Hải quân, ở Leningrad khi Brodsky còn nhỏ. Họ là cặp vợ chồng yêu nhau thắm thiết, và được Iosif Brodsky, con trai duy nhất của họ, hết sức kính yêu.
Leningrad phải chịu khổ đau khủng khiếp trong chiến tranh – nó bị Đức bao vây hơn hai năm, thiếu thốn lương thực và hơi đốt. Một người cô đã chết đói. Trong những năm liền sau chiến tranh, ngay cả khi Stalin động viên đất nước vào cuộc Chiến tranh Lạnh, cảnh tàn phá vẫn còn thấy rõ. “Chúng tôi đi học, và dù cho nhà trường có dạy những thứ rác rưởi gì để tô vẽ, thì đau khổ và đói nghèo vấn thấy rõ ở khắp nơi,” Brodsky viết. “người ta không thể che đậy cảnh hoang tàn bằng một trang báo Sự thật.” Anh là một học sinh không hào hứng học hành, và phải lưu ban năm lớp bẩy. Khi cha mẹ anh bắt đầu khó khăn về tài chính – cha anh mất việc trong chiến dịch cuối đời của Stalin chống người Do thái – Iosif, mười lăm tuổi bỏ học và vào làm việc ở nhà máy.
Trong cuốn tiểu sử trung thực, cực kỳ cẩn trọng và có căn cứ đáng tin cậy “Đời văn Joseph Brodsky” (Yale; $35; do Jane Ann Miller dịch từ tiếng Nga) người bạn cũ của Brodsky là Lev Loseff nhấn mạnh rất nhiều đến quyết định chủ quan bỏ học của anh, với lẽ rằng nó tránh cho Brodsky khỏi bị hủy hoại vì nhà trường nhồi nhét quá nhiều. Bản thân Brodsky cũng nghĩ thế. “Sau đó tôi thường xuyên hối tiếc việc chuyển hướng đó, đặc biệt khi thấy các bạn học cũ tiến bộ nhiều trong lòng hệ thống,” ông viết. “Và tuy nhiên tôi biết một cái gì đó mà các bạn của tôi không biết. Thật ra, tôi cũng tiến bộ, nhưng theo chiều ngược lại, và còn tiến xa hơn.” Chiều hướng mà ông đã đi có thể gọi bằng nhiều cách khác nhau, là viết chui, hay tự xuất bản (samizdat), hay tự do, hay Phương Tây.
Ông bồn chồn không yên. Ông bỏ công việc ở nhà máy sau sáu tháng. Trong bẩy năm kế tiếp, cho đến khi ông bị bắt, ông làm việc tại một hải đăng, một phòng thí nghiệm tinh thể học, và một nhà xác; ông cũng bỏ đi lang thang, hút thuốc lá và đọc sách. Ông đi khắp Liên xô, tham gia các đoàn thăm dò địa chất, giúp chính phủ Liên xô đang gấp rút công nghiệp hóa dò tìm rên đất nước rộng lớn những tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ. Ban đêm, các nhà địa chất tụ tập quanh những đống lửa trại chơi ghi ta và hát - thường là những bài thơ phổ nhạc – và đọc thơ của chính họ. Năm 1958, đọc một tập thơ về đề tài địa chất, Brodsky quyết định rằng bản thân anh có thể làm hay hơn. Một trong những bài thơ đầu tay của anh, “Những người hành hương” sớm trở thành thơ hay nhất trong lửa trại.
Cả nước bấy giờ đang điên lên vì thơ, vì thơ đã trở thành trung tâm cho không khí “tan băng” thời Khruschev. Năm 1959, phần nào trở về kiểu cách thời quá khứ Bolchevik, một bức tượng Maiakovsky được khánh thành tại trung tâm Moxcow, và chẳng mấy chốc lớp trẻ bắt đầu tụ tập xung quanh nó để đọc những bài thơ của chính họ. Đầu những năm 1960, một nhóm nhà thơ bắt đầu những cuộc đọc thơ được chăm chú lắng nghe tại Bảo tàng Bách khoa ở Moscow, nằm chéo góc với trụ sở KGB. Có một bộ phim nói về một trong những buổi tối như thế, và, mặc dầu nó chỉ là một buổi đọc thơ (chứ không phải là một buổi trình diễn nhạc Beatles, chẳng hạn) và mặc dầu những bài thơ bán chính thức này không phải là hay lắm, nhưng không khí thì thật sôi động. Một đám đông tụ tập và trước mặt họ một thanh niên đứng nói về những tình cảm của anh ta: cảnh này thật là mới.