Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
543
123.365.961
 
Vắng vẻ chợ hoa
Nguyễn Thanh

1

...

Bỗng nhiên hai phiên chợ hoa cuối năm tôi không được gặp lại vợ chồng Thành Lợi đi chơi chợ Tết. Cả hai, vừa là bạn thân vừa là ông anh bà chị trong kháng chiến. Không những hai phiên chợ tôi đi tha thẩn một mình vừa săn lùng những chậu hoa đổ tháo, rẻ thối gần giờ giao thừa, lại phải đảo mắt tìm bạn, kể cả mỗi tối thứ bảy hàng tuần theo lệ thường tôi cũng không còn được quây quần bên anh chị tại quán cà-phê lộ thiên hướng ra đường Hùng Vương rộng thoáng.

 

Không thể nhầm lẫn người nầy với người khác được, đặc biệt với chị Nhàn – Phan Thị Thanh Nhàn – Vợ Thành Lợi người thanh mảnh, thon thả, có gương mặt trắng mịn màng hay cười đùa với những chậu hoa vừa hé nụ trước mặt chồng. Chị Nhàn cười rũ rượi rất đỗi tự nhiên, trẻ trung như một đứa con gái. Khi đó, Thành Lợi trầm trồ, vô tư trước những gốc mai già lụ khụ đã cắt sừng làm nghé – những thân mai lùn tịt, thô, cong cớn hé ra những chiếc lá non nớt và điểm lấm tấm những cánh hoa vàng.

 

Tôi đi rong rổi trên quãng đường Lưu Tấn Tài, Hùng Vương, Phan Ngọc Hiển đang bày bán la liệt đủ loại hoa. Ở một thành phố cuối nước nầy tôi chưa hề trông thấy ai ươm hoa, trồng hoa, sinh sống bằng nghề mua bán hoa, song những ngày cận kề Tết Nguyên đán bỗng thấy xuất hiện nườm nượp những xe chở hoa từ miệt trên đổ xuống: vạn thọ, hồng nhung, mai tứ quí, mai vàng, nhiều loại cúc tỉ muội, đại đóa, mâm xôi... Đi lẩn vào dòng xe, dòng người đông nghịt, và trước các loại hoa khoe sắc sặc sỡ, tôi vẫn không xao lãng đôi bạn cũ.

 

Thành Lợi đang bận rộn việc gì đặc biệt chăng? Còn Thanh Nhàn đi đâu, về đâu? Không có lý do nào hai người đương nhiên chôn chân qua những phiên chợ vào thời điểm sắp Tết nầy? Tôi nghĩ. Thành Lợi an phận với công việc một phụ tá Giám đốc công ty mua bán đặc sản đã lâu. Hương Sen con gái duy nhất của anh chị tốt nghiệp đại học mấy năm đường đường là lính biên chế nghành độc quyền kinh doanh Bưu điện. Nhà từ những căn gác xép chung cư đã di dời ra ngoại ô. Nhà cơi lên ba thớt, hai tầng, có sân cây cảnh, có hòn non bộ. Tiện nghi trong nhà dường như không thiếu món nào.

 

“Khéo ăn – no. Khéo co – ấm”. Thật vậy. Thành Lợi chịu khó, sống khiêm nhường. Lúc Hương Sen sắp sửa vào đại học, Thành Lợi liền bỏ dứt thuốc lá, thôi ăn sáng, không ghiền rượu ghiền trà. Dần dà anh lảng tránh sòng cờ tướng, tu lơ khơ hoặc đi la cà vô bổ. Ngược lại, Thành Lợi lúc nào cũng vội vội vàng vàng như có khối công việc chực chờ anh. Không có mặt anh coi như việc nào có liên quan đến anh đều hỏng...

 

Tất bật, lo toan là vậy, nhưng thân hình Thành Lợi ngày thêm đẫy đà, chắc nịch, chỉ được cái cười duyên và nước da ngăm ngăm không khác dạo Thành Lợi lăn lộn ở chiến trường Tam Khánh. Riêng chị Nhàn trông người già đi đôi chút, vẫn đảm đang giỏi dắn và vẫn còn sang còn đẹp. Cả ba thành viên trong gia đình Thành Lợi đều ăn nên làm ra, nền  nếp, đúng mực một gia đình lý tưởng!

 

Vì thế tôi không tin điều gì không may xảy ra trong gia đình Thành Lợi, Thanh Nhàn. Cũng không nghĩ tính tình anh chị lẫn cháu gái Hương Sen đổi khác vựơt xa hơn tôi tưởng. Bẵng đi một thời gian không gặp anh chị rong rổi trên đường phố, tôi mạnh dạn tạt qua cơ quan anh, thậm chí tới nhà anh và có dịp ngồi lân la với người hàng xóm của anh.

 

Người ta đồn đãi râm ran, âm ỉ rằng gia đình Thành Lợi bất hòa, lục đục dài dài... Người đưa tin : “Chuyện làm ăn bể bạc, kín lắm!”. Người nói trắng ra : “Con gái tuổi hăm sáu, hăm bảy liệt vào loại đàn bà lỡ thời. Con Sen nhà Thành Lợi hốt nhằm thằng vô công rỗi nghề. Con nhỏ đẹp giống mẹ. Tiếc quá!”. Duy  có vợ Hùng Thông Tấn  không thụôc hạng đàn bà ngồi lê đôi mách mổ xẻ câu chuyện sâu hơn : “Day vào con Sen là tầm bậy. Nghe nói con Sen là con riêng của bà Nhàn. Chuyện lục đục chính là tại ổng bả. Lúc ngồi ăn cơm chung. Khi ngồi một mình bóng lẻ. Thường khi nửa đêm đế ý lắm mới nghe tiếng hai người cãi lẫy khiến Sen phải khóc...”. Vợ Hùng Thông Tấn còn phán thêm : “Không phải là chiến tranh vùng Vịnh đâu nghe. Chiến tranh lạnh đó!”...

 

Tôi nửa tin nửa ngờ. Những phiên chợ hoa, những buổi tối thứ bảy tôi cứ tha thẩn tìm đôi bạn cũ. Thành Lợi, Thanh Nhàn biền biệt đâu đâu?

2

 

Tôi quen thân với Thành Lợi, Thanh Nhàn nhờ một dịp về đất Tam Khánh tìm một ông anh – anh Nguyễn Xuân – người công tác chung cơ quan.

 

Anh Xuân thạo nhiều nghề, chính vẫn làm báo, ngoài ra, anh Xuân biết làm thơ, viết văn xuôi, biết kẻ vẽ và trình bày báo, tạp chí. Người làm được nhiều việc như anh Xuân đi phép hai tháng chưa về cơ quan giục tôi tay xách tay gói theo giao liên đi vòng vèo đường rừng từ Kinh Năm Đá Bạc lên Biện Nhị. Té ra hai tháng chẵn anh Nguyễn Xuân nuôi bà mẹ già trong cơn bịnh hoạn kéo dài, thứ nữa, phải dựng lần lượt năm căn chòi, đắp năm cái hầm nổi tránh đạn cho bà mẹ. Lúc bấy giờ đất Tam Khánh từ tuyến sông Cái Tàu chạy về mạn Tây Nam trong vòng kềm tỏa của pháo giặc từ ngoài biển, trong đất liền, dưới khối đạn rốc-kết, bom bi từ trên không tuôn xuống, kể cả bom B52 rải thảm trên đất Khánh Lâm. Đồn bót giặc bung lấn ra trên đất Tam Khánh như mạng nhện. Chúng nó tung ra từ tiểu đoàn, trung đoàn đến sư đoàn chủ lực mở liên tiếp những chiến dịch lấy tên “Nhổ cỏ U Minh”. Đại đội bảo an 974 của đại úy Hứa thuộc loại cục cưng của Tiểu khu An Xuyên có dịp tung hoành trên đất Tam Khánh. Đại úy Hứa chỉ huy toán quân ngụy giết người lên con số ngàn  có dịp phất lên biệt tài rải nhỏ từng toán quân tìm diệt “Việt Cộng”, khi phục kích ở vàm rạch Hàn, Ba Tĩnh, Khai Hoang, khi luồn lách qua kinh Cây Bàng – con đường huyết mạch nối liền ba xã Khánh An, Khánh Bình, Khánh Lâm.

 

Anh Nguyễn Xuân hai tháng cất công dựng lần lượt năm túp lều ở tạm trong tình hình nước sôi lửa bỏng thế nầy là chuyện bình thường. Khi bà mẹ hồi phục sức khỏe, anh Xuân và tôi còn phải làm vài việc theo yêu cầu của Tòa soạn báo trên đất Tam Khánh nầy, có lần hai đứa trôi dạt tới xóm Kinh Ngang.

 

Tôi ngỡ ngàng giờ lâu trước một cảnh đẹp hoang sơ giống hệt bức tranh tự tay anh Nguyễn Xuân cầm cọ vẽ treo trên bức vách lều của mẹ anh. Không tưởng tượng được giữa rừng không mông quạnh nổi lên một xóm nhà nằm sát bìa rừng, và giữa cánh đồng chơi vơi nửa cỏ năn nửa lúa phía sau xóm nhỏ hiện ra một bàu bông súng tím hồng rực rỡ tựa hồ sen. Lúa đỏ đuôi thì sen bắt đầu lụi tàn, đằng nầy, súng nghiễm nhiên trổ hoa quanh năm suốt tháng. Hoa tàn, nụ súng hình chóp nón vượt lên tua tủa, rung rinh trên mặt nước, trên những chiếc lá to bè dập dình sóng gợn. Thêm sắc tím hoa mua lỗ chỗ vây quanh bàu bông súng. Sắc mua trải dài tít tắp giáp tới thảm hoa tràm trắng muốt ngập đầy chân trời.

 

Thành Lợi và Thanh Nhàn xuất hiện tại đây. Một nam Bí thư Xã đoàn, một nữ Tổ đoàn trưởng nghe tin tôi và anh Nguyễn Xuân tới Kinh Ngang, cả hai kịp thì có mặt khiến tôi thấy ấm áp lạ thường. Đặc biệt Thanh Nhàn xuất hiện với chiếc áo bà ba màu xanh nước biển, vừa vặn, làm tôn lên gương mặt trắng mịn màng. Tóc xõa dài chấm tới đôi vai tròn lẵn, Thanh Nhàn từ bàu bông súng bước vào xóm dáng lung linh như một nàng tiên sa. “Quan tỉnh xuống xã xuống ấp đừng trách phiền tụi nầy đưa đón tệ nghe!”. Nhàn nói xong liền day sang anh Nguyễn Xuân: “Bác gái nay đỡ chưa anh? Tôi lo bà già chạy bom đạn suốt. Mà bà già cừ khôi lắm nghe anh”. Nhàn nói huyên thuyên. Thành Lợi mủ mỉ cười chúm chím. Miệng anh cười đến duyên. Anh xán lại chỗ tôi lập tức: “Ông Thâu ơi, làm sao cho tôi chuyển về tỉnh tập tành viết lách. Tôi thích làm nghề của hai ông. Làm Xã đoàn hay viết báo đều làm cách mạng thôi...”. Tôi đáp bằng cách gật đầu trước mặt ba người.

 

Bữa cơm sáng được hai ba gia đình xóm Kinh Ngang gom góp thức ăn thành ra một tiệc nhẹ. Bốn đứa tôi và ba đôi vợ chồng đều ở xóm Kinh Ngang ngồi ăn uống kề bên trảng – xê tránh đạn. Thức ăn được bày ra trên chiếc đệm với món rắn hầm bồn bồn, cá rô mề chiên xù, cá trê kho mặn. Anh Nguyễn Xuân vẫn ăn nói, đứng ngồi chậm rãi. Anh rất dễ hòa thân và ăn uống tự nhiên như người nhà. Còn tôi cầm đũa và ăn cơm cầm chừng trong khi anh em địa phương ép tôi gắp thức ăn. Bỗng da thịt tôi nổi gai óc vì Nhàn nhón đũa gắp một khúc rắn bông súng bỏ vào chén tôi. Anh Nguyễn Xuân được dịp cười híp cả hai mắt. “Thôi đi cô Nhàn. Chú Thâu lỡ kiếp trước tu hành không ăn được thịt chó, thịt rắn. Tôi thích đi chung với chú Thâu nhờ vậy”. Anh Xuân nói, ngưng ăn, bưng mặt cười xòa. Thanh Nhàn ngửng đầu lên nhìn tôi. Đôi mắt Nhàn long lanh nhìn về phía tôi khiến tôi ngượng ngùng vì trông thấy Nhàn thật đẹp.

 

Trên mười ngày lui tới trên đất Tam Khánh, tôi và anh Nguyễn Xuân không xa Thành Lợi, Thanh Nhàn được mấy hôm. Lần nào gặp Thành Lợi đều có mặt Thanh Nhàn. Anh Nguyễn Xuân giữ ý kề miệng sát tai tôi nó nhỏ : “Người ta có chỗ có nơi rồi, sờ sờ như cặp sam không thấy sao? Đã yêu nhau hai năm, còn hai tháng nữa làm đám cưới. Chú mầy liệu hồn!”.

 

Tôi hiểu ý anh Xuân muốn nhắc khéo tôi, nhưng tình cảm buổi ban đầu với cô Tổ đoàn trưởng tôi hãy còn bỏ ngõ. Không biết Thành Lợi có nghi ngại gì tôi chăng, gặp nhau lần nầy Lợi bước sấn tới chỗ tôi và chìa ra xấp bản thảo nửa viết tay nửa đánh máy. “Ông Thâu xem góp ý giùm. Ông mạnh dạn góp vô, giúp tôi được về tỉnh”. Thành Lợi mủ mỉ, chân tình. Anh Nguyễn Xuân hay ngồi trầm ngâm nhả khói thuốc lâu lắm mới lên tiếng. Còn tôi bộc trực, thêm nữa, được biết chắc Thành Lợi cùng trường với tôi nhưng khác lớp từ thành thị vào bưng biền làm cách mạng nên tôi góp thẳng một cách khuôn sáo: “Vốn sống quá ngon. Văn vẻ bay lên từ cuộc sống thực tế ở vùng đất nầy. Giàu sự kiện. Nội dung khỏi phải nói, tốt. Nhưng anh Lợi ơi, văn chương còn lục cục lòn hòn quá. Vả lại, chung chung, dàn trải, chưa làm nổi bật vấn đề muốn nói...”. Thành Lợi ngồi gật gù nhìn tôi và anh Nguyễn Xuân với cái nhìn đầy ngưỡng vọng. Còn Thanh Nhàn ngồi lắng nghe hết câu chuyện tự nhiên góp vào : “Anh Lợi viết hay lắm đó nghe. Con gái Cái Tàu thường nhờ anh làm thơ tặng bạn. Chỉ riêng chuyện em đi bao vây đồn Khoai Hoang, Cái Tàu, anh Lợi viết cà lơ phất phơ, dở tệ...”. Nhàn cười, đôi vai tròn lẵn run khe khẽ. Day sang anh Nguyễn Xuân, Nhàn tiếp : “Chừng nào anh Lợi xin về tỉnh được hẵng hay, bây giờ các anh nhớ gởi xuống cho ảnh sách báo để đọc. Ảnh là con mọt sách đó nghe!...”.

 

Nhàn nói vừa dứt, tôi ngửng lên nhìn anh Nguyễn Xuân vì chính mình không ngờ Nhàn quan tâm đến sự ham thích sách báo và viết lách của Thành Lợi đến vậy!

 

Đợi Thành Lợi, Thanh Nhàn từ giã đi họp, anh Xuân mới chậm rãi : “Con cọp ngủ thức dậy vồ được con nai tơ. Thành Lợi có số may nên hốt hồn con nhỏ thông minh lại giỏi dắn phải nói. Thân gái lủi thủi vào rừng bứt choại bán lấy tiền nuôi mẹ chính là hắn”. Anh Xuân ngưng một chốc lại tiếp : “Nó là con bà má Bảy gia đình liệt sĩ ở ngọn Hương Mai chớ không phải gái vườn dâu Cái Tàu như chú Thâu mầy tưởng. Gái miệt vườn có nước da trắng hới, còn đằng nầy, con Nhàn thêm duyên”.

 

Đúng là người thổ địa, anh Xuân càng dấn sâu vào chuyện linh tinh ở địa phương nghe càng hay. Từ chuyện Thanh Nhàn làm học trò Thành Lợi sau trở thành cô giáo trường làng ; từ cô giáo trường làng chuyển sang công tác Đoàn thanh niên... Đang kể dài dài, anh Xuân bỗng rẽ sang chuyện ngóc nghách đời thường. Anh chao mày, chuôi mắt hiện ra nhiều nếp nhăn, giọng chùn xuống : “Không những mấy bà già xưa mà lớp má mình bây giờ, vì coi trọng đường sinh con đẻ cái nên đi coi dâu thường ghé mắt coi cái mông, cái ngực. Chú mày xem kỹ con Nhàn có toàn diện không? Ngực đầy. Mông đầy...”

 

Tôi không đáp nhưng ngầm đồng tình với anh.

 

Câu chuyện giữa tôi và anh Nguyễn Xuân, cũng như giữa tôi và Thành Lợi, Thanh Nhàn dịp về Tam Khánh coi như tạm dừng lại tại đó. Trước khi chia tay tôi khuyên anh Nguyễn Xuân nên nán ở lại Tam Khánh để anh khỏi phải băn khoăn, ái ngại vì gần ba tháng anh Xuân chưa về cơ quan. Túp lều ở tạm của mẹ anh mới vừa hứng nguyên vẹn hai trái pháo, may mà người nhà kịp ra hầm tránh đạn.

 

Sau dịp tôi về Tam Khánh không bao lâu, đất Tam Khánh đã diễn ra một cuộc càn quét lớn mà kẻ địch dùng tổng lực đánh chọc sâu vào rừng U Minh Hạ, vào tận xóm nhỏ Kinh Ngang.

 

Một lần nữa, Đại đội Bảo an 974 ăn ké, xạo xự mở mũi và dừng lại rải quân dã chiến trọn đêm trong cánh rừng tràm thuộc hậu xóm Kinh Ngang. Chiều xuống đã mờ mặt người. Chim quay về tổ, về rừng thưa thớt hơn mọi hôm. Mười trong số ba mươi ngôi nhà xóm Kinh Ngang  bị đốt phá còn bốc khói nghi ngút. Trên hai mươi thanh thiếu niên không kịp lánh nạn bị địch bắt tra tấn đã thèm rồi lần lượt được thả về. Duy nhất có một người bị chúng giữ lại. Đó chính là nữ Tổ đoàn trưởng Phan Thị Thanh Nhàn!

 

Tóm được một nữ “Việt Cộng” có tên trong sổ bìa đen lưu giữ tại đồn vàm Cái Tàu, chính xác là một nữ Tổ đoàn trưởng trẻ đẹp – một miếng mồi ngon – cánh Bảo an tốp thay nhau canh gác, tốp day vào người Thanh Nhàn. Có thừa một tiểu đội sắc áo vàng nhem nhuốc, sình bùn xô đẩy, chen lấn để được hăm dọa, giễu cợt, thậm chí giở trò sàm sở bằng đủ kiều nhưng chúng không chạm được vào người Nhàn. Nhàn như kiệt sức chống đỡ... Rồi bỗng nhiên tốp lính sững lại đứng im phăng phắc, ngơ ngác nhìn tên chỉ huy lù lù bước tới... Chính hắn – đại đội trưởng 974 – đại úy Hứa –Dáng y thâm thấp. Đôi vai to bè. Màu da đen xỉn. Đại úy đi đứng chậm chạp. Giày trận lún sâu dưới lớp lá mục, phân dớn. Lầm lì không nói một câu. Mặt hắn ngờ nghệch, hai mắt hấp háy nhìn lướt qua từ khuôn mặt xuống ngực, xuống mông cô gái đứng trơ ra trước mặt hắn. Một cái hất hàm lạnh lùng về phía rừng...

 

Thanh Nhàn đứng hai chân như bắt rễ xuống lớp phân dớn. Lớp phân dày, ấm nóng, như muốn níu chân Nhàn ở lại. Nên chọn đàng nào? Một tốp nhố nhăng giở giò sàm sỡ. Một tên đơn phương độc mã nghếch mặt về phía rừng? Gió lùa tới những chiếc lá tràm lẫn lá nắp nước bung bay lả tả trước mặt Nhàn...

 

Trước khi bị tốp lính lẵng nhẵng gí súng đẩy về phía rừng, Nhàn nhìn quanh quất một lượt rồi day mặt ra hướng xóm Kinh Ngang : “Có anh em nào còn sót trong đó không? Cho tôi nhắn con Nhàn bị bắt. Nghe không?...”. Nhàn hô lên chưa dứt lại bị tốp lính đẩy đi. Cô lặng lẽ bước, lặng lẽ đếm từmg gốc tràm, từng lùm dây nắp nước, từng hố nước đỏ bầm, đặc sánh ven những trảng trống đầy ắp dây choại và những thân củi mục...

 

Đêm xuống thật nhanh làm toàn bộ khu rừng tràm tràn ngập bóng tối. Đêm thật sâu. Một túp lều hoang phế của những người thợ gác kèo ong làm chỗ cho đại úy Hứa ngả lưng, khi đó, đại úy được vây bọc chung quanh bởi ba lớp quân dã chiến. Không còn ngại đối phương bất ngờ đột kích, đại úy Hứa yên tâm nghỉ qua đêm với một nữ tù binh “Việt Cộng” mặc cho gió rừng  giật từng hồi dài...

3

 

Có phải vì chuyện nghiệt ngã ấy, âm ỉ, ngấm ngầm dẫn đến sự hục hặc, xáo trộn báo động đỗ vỡ trong gia đình Thành Lợi, Thanh Nhàn? Tôi nghĩ. Tôi đoán đúng là vì tôi gặp được cháu Hương Sen trực Bưu điện đêm 30 Tết.

 

Hương Sen hiện ra sau lớp thủy tinh đơn giản trong chiếc áo dài màu xanh nước biển, tóc sập dài xuống khỏi vai, dáng đi lung linh trông giống Thanh Nhàn dạo còn ở đất Tam Khánh. Khác Nhàn hồn nhiên, tươi tắn, Hương Sen đang trong tâm trạng không vui. Sen nắm níu tay tôi ra tận cửa, thỏ thẻ việc nhà : “Tết nầy con buồn quá, chú Thâu! Mẹ con bỏ nhà về Kinh Ngang rồi. Không có chỗ nào khác đâu – King Ngang!...”.

 

Nguyên nhân từ phía Thành Lợi, từ sự dày dò, ích kỷ của cánh đàn ông yêu vợ, thương con. Nhưng trước hết, Thành Lợi có tấm lòng bao dung, can đảm vượt qua cơn sóng gió dậy lên trong anh khi biết chuyện không may xảy ra với Thanh Nhàn thông qua bà má Bảy, kể cả bà má anh Nguyễn Xuân và đồng chí Bí thư Xã ủy Khánh Lâm để rồi chủ động làm lễ thành hôn đúng hẹn. Trách ai không tiếp tục giải tỏa tâm trạng của chính mình từ đầu, dĩ nhiên phải lo con tôm, con tép, nước mặn, nước lợ... Không lo làm sao được trong lúc mình phải vượt lên cái nghèo, nhưng mặt khác, không biết chăm chút hoặc thờ ơ, lãnh đạm với lĩnh vực tinh thần hóa ra người kém cỏi, thậm chí vô tích sự.

 

Dẫu chuyện ra nông nỗi như thế, chợ hoa đối với tôi thật buồn tẻ nhưng tôi vẫn mở lòng với người bạn cũ vì rằng chuyện đời thường có lắm cái khó hơn nhảy vào lửa nhiều!

Cà Mau – Tháng 7-2000

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3072
Ngày đăng: 11.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện những cô bé - Khôi Vũ
Hảo hớn miệt vườn - Khôi Vũ
Ngọn đèn- bếp Lửa - Trầm Hương
Dưới chân con là đất mẹ - Trầm Hương
Huynh đệ thần kê - Hồ Tĩnh Tâm
Xuất xứ - Phạm Lưu Vũ
Những giấc mơ không có - Thăng Trầm
Thư đi thư lại - Trần Kim Trắc
Nhà hiền triết - Trần Kim Trắc
Người dưng khác xứ - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)