Lê tài Điển ,nhìn bởi Đinh Cường
Paris 10.2010
Những hoạ sĩ Việt Nam sống tại Paris có thể chia thành nhiều thời kỳ ,thời của Lê Phổ, Mai Thứ, Lê thị Lựu, Vũ cao Đàm từ cuối thập niên 30, đến thời Lê bá Đảng, Điềm phùng Thị thâp niên 40, thập niên 50 có Vĩnh Ấn, Võ Lăng, Võ Đình…cho đến thập niên 60 thì có Nguyễn Cầm, Lê tài Điển và đầu thập niên 80 có Thái Tuấn qua đoàn tụ cùng gia đình. Đó là kể qua về những hoạ sĩ nổi tiếng mà nay kiểm lại, đã mất gần hết. Chỉ còn Võ Lăng, Nguyễn Cầm và Lê tài Điển.
Đinh Cường – Lê tài Điển. Café Montparnasse Paris 10 .2010
(Ảnh Nguyễn đình Thuần)
Cho nên lần qua Paris bày tranh cùng Nguyễn đình Thuần tại galerie Annam Héritage quận 7 (từ 28 .10 đến 6.11.2010), tôi nói phải gặp và viết về Lê tài Điển, người bạn cùng thời và quen thân nhau từ lâu. Từ thời còn gọi tên Tây của Điển là Aristide, quê ở Mỹ Tho, sinh ngày 31tháng 8 năm 1937, gia đình có quốc tịch Pháp, năm 1962 nhân có Mai lan Phương, họa sĩ tốt nghiệp Đại Học Mỹ thuật Trang Trí ở Paris về thay hoạ sĩ Tôn thất Đào, làm giám đốc trường Cao dẳng Mỹ thuật Huế (1962-1963), có mời người bạn là Lê ngọc Huệ, tốt nghiệp điêu khắc Đại Học Mỹ Thuật Montpellier về dạy điêu khắc. Điển cùng về để học điêu khắc với Lê ngọc Huệ, một người thầy dạy điêu khắc trẻ, đã đem luồng khí mới về cho truờng, đã đào tạo những điêu khắc gia tài ba như Lê thành Nhơn, Mai Chửng… Năm 1964 Điển rời khỏi Việt nam học tiếp tại trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ thuật Paris, làm việc tại xưởng vẽ của hoạ sĩ Raymond Legueult… Thời gian sau đó năm 1972 Điển về làm việc tại nhà in Sài Gòn Ấn Quán của Trương vĩnh Lễ, gần cạnh nhà tôi ở đường Nguyễn đình Chiểu, Tân Định. Trông coi phần mỹ thuật và kỹ thuật ấn loát, sau này có giới thiệu anh Thái Tuấn vào làm. Lê tài Điển là thành viên Hội họa sĩ Trẻ Việt Nam và đứng
Than ,nghiên cứu hình
Không đề ,sơn dầu trên bố 100cm x 100cm
Vũ khúc xanh ,sơn dầu trên bố 100cm x 150cm
Không đề II ,sơn dầu trên bố 100cm x100cm
tên trong phần thực hiện tờ Thời Tập 1974 do Viên Linh làm chủ bút (Thời Tập có ghi: xuất bản dưới sự bảo trợ của Hội Hoạ Sĩ Trẻ VN), đến nay vẫn gắn bó cùng bạn: làm nơi liên lạc phát hành tại Pháp của tạp chí Khởi Hành (1) cùng chị Vũ lan Phương. Luôn nhớ những lần gặp Điển ở Paris, từ năm 1991 có Nguyễn Trung từ Sài Gòn qua bày tranh tại Nhà Việt Nam thời Bạch thái Quốc trông coi, lúc ấy hội họa Sài Gòn bắt đầu có chút khởi sắc trở lại sau thời kỳ đổi mới. Nhiều đêm Nguyễn Trung và tôi về Sartrouville uống rượu ở nhà Nguyễn Cầm. Cầm làm hiệu trưởng trường Mỹ Thuật Sartrouville và Điển dạy ở đó rất nhiều năm. Chúng tôi ra ngủ lại ở trường có phòng rộng, có cả anh Thái Tuấn từ Orléans lên … không còn gì ồn ào hơn những lúc tranh luận cùng nhau khi tạt qua chuyện văn chương nghệ thuật, vốn ít khi bàn đến, anh Thái Tuấn vẫn nói …tới cùng nhất. Điển và Kiệt Tấn hay về thăm Thái Tuấn ở Orléans nay anh không còn nữa (anh mất tại Sài Gòn ngày 26.9.2007). Tôi biết bạn buồn khi xa cố tri, cũng như nơi này tôi không còn Ngọc Dũng, thỉnh thoảng buổi chiều anh nhắn qua uống ly whisky tự tay anh pha chế …Những họa sĩ đàn anh tài hoa, những người bạn vong niên thân yêu, đáng kính.
Lê tài Điển –Thái Tuấn - Nguyễn Phước
Năm 1971 triển lãm tranh, tượng và thủ ấn họa của Lê tài Điển tại Alliance francaise, Sài Gòn cho thấy một không khí mới từ những André Lhote(2), Henri Moore (3), đã ảnh hưởng rất lớn đến hội họa và điêu khắc hiện đại thế kỷ 20 mà anh hấp thụ để hoà nhập cùng tâm hồn phương Đông lan toả ra từ một họa sĩ phóng khoáng, tự do của Miền Nam. Thời kỳ này anh làm nhiều thủ ấn họa(estampe) mới lạ. Tranh sơn dầu thì từ có hình chuyển sang trừu tượng với những mãng vuông đỏ, vàng nâu và mãng đen mạnh. Tượng thì chưa thoát nổi quả trứng tròn của Brâncuşi (4) và những khoảng trống và khối hình (le plein et le vide) của tượng đồng Henri Moore… Anh làm nhiều với nhiều trải nghiệm từ đời sống và những sinh hoạt nghệ thuật tạo hình của Paris, cái nôi của nghệ thuật một thời, cho đến nay vẫn còn giữ gìn vốn văn hoá, sinh hoạt nghệ thuật in đậm nét nhất. Chúng tôi đã lang thang những ngày cùng nhau ở khu Montparnasse, trên đồi Montmartre …place du Tertre, nơi tập trung những họa sĩ tứ xứ ngồi vẽ khách du lịch. Điển đã chỉ quán rượu nơi buổi chiều đã ngồi cùng Ngọc Dũng (đã mất 7.2000 tại Virginia) cũng như khi lái xe, đã chỉ những quán cà phê Le Dôme, La Coupole, La Rotonde… nơi các hoạ sĩ Picasso, Modigliani, Chagall, Foujita … cả nhà thơ Apollinaire, Mayakowski thường ngồi những năm đầu thế kỷ muời chín, để nhìn thấy một Paris đầy suơng khói thơ mộng:
“Violet-Paris, phenylamine Paris dawned through the windows of La Rotonde”
Mayakowski
(Paris-violet, ánh tím Paris xuyên qua cửa sổ La Rotonde)
Không đề I , sơn dầu trên bố 100cm x 160 cm
Tháng 7 năm 1994, anh triển lãm chung cùng Nguyễn Lâm, Nguyễn Cầm, Thái Tuấn, Hồ hữu Thủ, Philippe Franchini tại Galerie Bellint, Paris là một cuộc hội ngộ đẹp với chủ đề mang tên ‘’Racines” (Cội nguồn). Thế giới nghệ thuật của Lê tài Điển nghiêng nhiều về đời sống tâm linh, thời gian sau này còn tìm về lộ trình Phương Đông như một bình thản cho tâm hồn. Anh sống và làm việc chân thành hết mình, kiến thức rộng, luôn tìm kiếm sáng tạo, cả trong những đồ án trang trí mà anh thực hiện … Anh như một tấm guơng lớn phản chiếu toàn thân, một hiện hữu mang cả khổ đau và hạnh phúc. Lê tài Điển, hay sự vương giả và nhuần nhuyễn, có thể mượn lời của Philippe Franchini, một nhà điêu khắc (chuyên làm sắt hàn –fer forgé), chủ nhân galerie La Dolce Vita trong khách sạn Continental Sài Gòn, một thời đã cho chúng tôi có nơi bày tranh tượng sang trọng, ấm cúng … đã viết về anh:
“Nghệ sĩ sáng tác phong phú, chắc chắn chưa trải hết tài năng điêu khắc của mình, nhưng điều chính yếu phải chăng đã được thể hiện trong bàn tay diệu kỳ của đức Phật đang nắm một hình bầu dục, trình bày như một đôi cánh vinh quang vươn lên? Bàn tay ấy dường như còn diễn tả một kiếm tìm sâu lắng cùng một hy vọng hồi sinh … Lão Tử đã viết :
“Ôi mọi vật trùng trùng
Đều trở về cội rễ
Trở về cội rễ là Tịnh
Ấy gọi là Phục Mạng
Phục Mạng gọi là Thường “
(Ngô kim Khôi dịch)
Lê tài Điển, Điêu khắc
Ôi vạn vật trùng trùng đều trở về cội rễ. Trở về cõi không. Phải chăng Lê tài Điển, nhà nghệ sĩ tạo hình nhiều trải nghiệm, sống cả quảng đời thăng trầm, lang bạt giang hồ giữa phố thị Paris đã có thể ngồi trầm ngâm bên chai chát đỏ nhìn lại một chặng đường dài đã hiến dâng cái Tâm mình cho nghệ thuật, để có thể thấy ra: Khổ đau - Hạnh Phúc không khác./.
Virginia ,Féb.28.2011
(1) Khởi Hành ,chủ nhiệm chủ bút Viên Linh
Thư ký toà soạn Nguyễn tà Cúc -Midway City –California
(2) sinh năm1885 Bordeaux ,mất năm 1962 Paris
hoạ sĩ ,lý thuyết gia viết nhiều sách hội họa
(3) điêu khắc gia Anh ,sinh 1898 Castleford mất 1986 tại East
Herfordshire
(4) Điêu khắc gia Roumani, sinh năm 1876 tại Gori ,Valachie
mất tại Paris 1957.Tác giả tượng nổi tiếng Chiếc Hôn và
Buổi khai thiên lập địa bằng đá cẩm thạch hình một quả trứng nhẵn bóng- Viện bảo tàng Mỹ Thuật Philadelphia
Nguyễn Trung ,Nguyễn Cầm ,Mai Thảo ,LêtàiĐiển
Paris 1991