Sau khi chương trình phát thanh BBC ngưng. Có thời gian nhàn rổi, Anh Lê Hải có nhã ý viết các chuyên đề về triết học cho VCV. Đây là bài đầu tiên. VCV
Tác phẩm văn học và thơ ca không chỉ đơn thuần là văn bản ký tự, mà còn là – nhìn từ góc độ là sản phẩm của trí tuệ nhân loại - văn bản thể hiện khả năng nhận biết của con người. Theo đó, cốt truyện - tạm dịch tiếng Việt từ khái niệm tiếng Anh narrative – không đơn thuần là kết cấu của văn bản mà trên hết là cấu trúc thông hiểu – understanding.
Kết cấu cốt truyện từng được chuyên gia hình thức học người Nga Wladimir Propp bóc tách từ các câu chuyện cổ tích, và được chuyên gia nhân học kết cấu người Pháp Claude Lévi-Strauss phát triển và quảng bá rộng. Nhìn các câu chuyện - bất kể là cổ tích, huyền thoại hay sáng tác văn học – như một chuỗi các hàm chức năng (function) ta sẽ thấy sự thông hiểu của con người cũng giống như một điệu nhạc trong mô tả của triết gia Đức Edmund Husserl. Đó là vì sự thổng hiểu hiện tại không hiện hữu một mình, mà được kéo vào quá khứ và tiến ra tương lai. Với một tác phẩm văn chương thì không quan trọng là chuỗi các sự kiện được sáng tác ra và sắp đặt theo thứ tự như thế nào, mà là tổng thể tạo ra thay đổi như thế nào với nhân vật chính hay các tuyến nhân vật trong câu chuyện. Quá trình thông hiểu cũng chính là quá trình tạo ra bản sắc, là khả năng của con người sắp xếp các quá trình diễn tiến theo thời gian và xếp đặt lại những ý nghĩa quan trọng nhất để người đọc có thể diễn giải lại.
Mô tả này cũng tương tự với khái niệm của Martin Heidegger về Dasein: chủ thể của sự thông hiểu và thời gian tính. Con người thường có xu hướng xác định bản thân qua mối quan hệ với các thực thể mà người ta gặp trong thế giới mà khởi đầu câu chuyện cũng là điểm bắt đầu của con đường tìm kiếm. Tư duy hiểu biết của con người tại mỗi thời điểm luôn đặt ra ba hệ thống thời gian là quá khứ, hiện tại và tương lai. Tức là, Dasein hiện tại không chỉ nhắm đến các lựa chọn trong tương lai mà còn cả những gì đã từng là trong quá khứ, là một quá trình được thời gian hóa. Theo đó sự thông hiểu không còn là phạm trù ở tầng tư duy – epistemology – mà được đặt hẳn xuống tầng bản chất - ontology; thông hiểu chính là bản sắc của con người
Triết học đương đại dần rời bỏ lối tiếp cận một phần hoặc bị động đối với con người, tiếp nhận cách nhìn con người một cách toàn thể hơn, mà khái niệm bản sắc đang ngày càng được thêm chú ý. Cốt truyện vốn là một phương tiện để phân tích văn chương nhưng nhờ lợi thế có khả năng kết hợp giữa thông hiểu với thời gian và phân tích văn bản nên nhanh chóng trở thành khái niệm phổ biến trong triết học đương đại. Các tiếp cận liên ngành từ xã hội học, tâm lý học và phân tâm học cũng đóng góp thêm nhiều cho chiếc chìa khóa triết học mới này./.