Tác giả khai thác bộ sử Nhà Minh, đối chiếu với các bộ sử Việt Nam, để vạch lại, theo trình tự thời gian, cuộc đấu tranh chống ngoại xâm 1407-1427.phần 1 theo diendan, kể từ phần 2 theo bản tác giả gửi.
Qua những điểm tương phản, câu hỏi cần đặt ra là: Trước khi khởi nghĩa vua Lê Lợi có hợp tác với nhà hậu Trần và nhà Minh hay không? Nhắm tìm hiểu rộng thêm, hãy tham khảo Lam Sơn Thực Lục, có đoạn chép:
“ …Tuy giặc có khéo léo, khôn ngoan nhiều cách, mà tráng chí của nhà vua , trước sau chẳng chịu chùng. Thế nhưng trong lúc thế giặc còn mạnh , chưa dễ đánh được nào . Nhà vua thường hậu lễ nhún lời, đem nhiều vàng bạc đút lót cho các tướng giặc là bọn Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ; mong thư bớt lòng hãm hại nhà vua, để nhà vua đợi thời lừa dịp.
Đảng của giặc là Lương Nhữ Hốt bàn với bọn giặc, nói rằng :
-Chúa Lam Sơn chiêu vong, nạp bạn, đãi quân lính rất hậu, chí nó chẳng nhỏ Nếu thuồng luồng gặp được mây mưa, thì tất không phải là vật ở trong ao đâu. Nên sớm trừ đi, để sau sinh vạ.
Năm Mậu Tuất (1418) khi ấy nhà vua khởi quân tại Lam Sơn.” (2)
Lam Sơn Thực Lục do khai quốc công thần Nguyễn Trãi soạn, vua Lê Lợi trực tiếp đề tựa; đây là tư liệu gốc trước mọi bộ sử nước ta. Căn cứ vào Lam Sơn Thực Lục, người đọc sử có thể có những nghi vấn như sau:
-Nếu là một thường dân, như Đại Việt Toàn Thư chép, làm sao Bình định vương Lê Lợi có đủ tư cách để liên lạc với các quan lại cao cấp của nhà Minh như bọn Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ để đút lót?
-Hơn nữa chỉ là thường dân thôi, làm sao có thể “ chiêu vong, nạp bạn [dung nạp người làm phản], đãi quân lính rất hậu” như lời Lương Nhữ Hốt tố cáo với bọn giặc.
Tại một văn kiện khác “ Chiếu tha những người có tội tại Giao Chỉ” do vua Tuyên Tông nhà Minh ban hành được ghi trong Minh Thực Lục và cũng được Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại. Chúng tôi dò lại Toàn Thư cả phần nguyên văn chữ Nho và bản dịch của Nxb Khoa Học Xã Hội (3) thấy thiếu một đoạn quan trọng. Đoạn văn này xác nhận Lê Lợi, Phan Liêu, Lộ Văn Luật đã từng làm việc cho nhà Minh; chắc Sử thần Ngô Sĩ Liên soạn Toàn Thư, muốn giấu việc này nên cố tình lược bỏ đi. Nhắm làm sáng tỏ vấn đề, xin chép nguyên văn và phần dịch đoạn văn mà Ngô Sĩ Liên lược bỏ:
……Lê Lợi, Phan Liêu, Lộ Văn Luật, vốn đã qui phụ triều đình, từng được bổ nhiệm sử dụng, rồi suy nghĩ lệch lạc, để đến nỗi sai trái như vậy. Nay đặc biệt mở con đường đổi mới, nếu thành thực hối cải, trở lại theo điều thiện, giữ tiết bề tôi thì được khoan thứ, vẫn được trao quan chức. Những kẻ bị Lê Lợi bức hiếp theo nghịch, cùng những dư đảng của Trịnh Công Chứng trốn tránh chưa xuất hiện, nay có thể đích thân ra qui thuận, hoặc đến quan sở tại đầu thú cũng đều được tha, quan sẽ trở lại nguyên chức, quân trở lại nguyên đơn vị, dân trở lại với nghề cũ. Sau khi chiếu thư ban ra, như bọn Lê Lợi cùng những kẻ bị cưỡng bách, chấp mê không hối tội, vẫn chống mệnh như cũ, thì quân Thiên triều gia tăng thảo phạt, hối cũng không kịp nữa. (Kỳ Lê Lợi, Phan Liêu, Lộ Văn Luật đẳng, bản giai qui tâm triều đình, tằng kinh nhiệm dụng, ngẩu quai nhất niệm, thất ngộ chí thử. Kim đặc khai kỳ tự tân chi lộ, thành năng hối quá tòng thiện, phục thủ thần tiết, tất hựu kỳ tội, nhưng thụ dĩ quan. Cập hữu bị Lê Lợi đẳng bách hiếp tòng nghịch, tịnh Trịnh Công Chứng đẳng dư đảng đào tỵ vị xuất giả, kim năng đình thân lai qui, hoặc phó sở tại quan ty tự thú, quan phục nguyên chức,quân phục nguyên ngũ, dân phục nguyên nghiệp. Chiếu thư đáo hậu như Lê Lợi đẳng cập hiếp tòng chi đồ, chấp mê bất thuân, nhưng tiền cự mệnh, thiên thảo tất gia, hậu hối vô cập. 其 黎 利 潘 僚 路 文 律 等, 本 皆 歸 心 朝 廷, 曾 經 任 用, 偶 乖 一 念, 失 誤 至 此. 今 特 開 其 自 新 之 路, 誠 能 悔 過 從 善, 復 守 臣 節, 悉 宥 其 罪, 仍 授 以 官. 及 有 被 黎 利 等 迫 脅 從 逆 并 鄭 公 證 等 餘 黨 逃 避 未 出 者, 今 能 挺 身 來 歸, 或 赴 所 在 官 司 自 首 一 體 赦 宥, 官 復 原 職, 軍 復 原 伍, 民 復 原 業. 詔 書 到 後 如 黎 利 等, 及 脅 從 之 徒 執 迷 不 悛, 仍 前 拒 命, 天 討 必 加 後 悔 無 及.)
Hãy hiểu các sự kiện nêu trên vào đúng thời điểm lịch sử xẩy ra. Sau khi Minh Thành Tổ nuốt lời hứa không lập vua nhà Trần, trực tiếp cai trị hà khắc, thì các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nước ta. Trước tình huống đó, vua nhà Minh đành phải ra chiếu ân xá:
NGÀY 24 THÁNG 2 NĂM VĨNH LẠC THỨ 9 [18/3/1411]
Chiếu dụ Giao-Chỉ rằng: “ Trẫm nhận mệnh trời, cai trị muôn phương, vĩnh viễn che chở soi xét tình cảnh kẻ dưới; lòng đầy sự thương yêu, sớm chiều canh cánh. Nghĩ rằng Giao-chỉ đã được sáp nhập vào bản đồ, nhưng suốt năm chưa được yên ổn nghỉ ngơi, sau buổi khốn khó giặc giả bèn ban ân khoan hồng như sau: Kể từ ngày 24 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 9 trở về trước, những người Giao Chỉ tụ tập trong núi rừng đều được xá tội, quân cho trở lại nguyên đơn vị, dân trở lại với nghề cũ, quan lại quân dân phạm tội chưa bị phát giác cũng được tha….. (4)
Chiếu thư ra rồi, có nhiều nhóm lợi dụng thời cơ xin hàng để nghĩ xả hơi, rồi lại tiếp tục nỗi dậy. Tình trang như vậy, vua nhà Minh đành ra chỉ dụ ân xá cho một vài nhóm thuộc loại “ hàng rồi phản, phản rồi xin hàng”:
NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM VĨNH LẠC THỨ 11 [4/12/1413]
Sắc dụ quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ, Kiềm quốc công Mộc Thạnh rằng trong những số đầu mục tại Giao Chỉ có những kẻ đã hàng rồi phản, phản rồi xin hàng. Hãy chọn trong số đó một, hai người, tuyên bố ân mệnh của Trẫm, tha hết tội, lượng tài cao thấp giao trước chức quan, ngõ hầu yên lòng dân chúng. (5 )
Cũng vào năm này [1413] thế lực nhà hậu Trần gần như sụp đổ, Trần Quí Khóach phải chạy vào Quảng Trị; giao Nghệ An cho Phan Quí Hựu giữ; rồi cha con Phan Quí Hựu, Phan Liêu đầu hàng giặc. Trong hoàn cảnh đó, nếu Lê Lợi tại Thanh Hóa có làm quan cho Trần Quí Khóach thì cũng bị đứt liên lạc và ông ta cũng biết rằng lực lượng Trần Quí Khóach không thể cứu vãn được tình hình.
Được biết trong 10 năm kháng chiến, Bình định vương Lê Lợi mấy lần tạm hòa với giặc, còn sử nhà Minh thì chép là “hàng”. Bởi vậy nếu từng là Kim Ngô Tướng quân của Trần Quí Khóach, ở vào hoàn cảnh nhà hậu Trần trên đường sụp đổ; một người quyền biến như Lê Lợi tất không chịu bất lực buông tay, đành tạm hàng với quân Minh để giữ gìn thực lực. Hơn nữa với chức Tuần kiểm, trông coi một tổ chức bán quân sự, dưới quyền phần lớn là bộ hạ cũ, ít bị kiểm soát, Lê Lợi có cớ chiêu dụ người lưu vong, dung nạp kẻ phản loạn như Lam Sơn Thực Lục chép.
Cũng căn cứ vào Lam Sơn Thực Lục:
Lương Nhữ Hốt báo động với quân Minh rằng “ Chúa Lam Sơn chiêu vong, nạp bạn, đãi quân lính rất hậu. Nếu con thuồng luồng gặp được mây mưa thì tất không phải là vật ở trong ao đâu; nên sớm trừ đi để lâu sanh họa ”(6).
Nhữ Hốt là người Việt theo giặc, chắc rành về người mình hơn; lời báo động của y đã trở thành hiện thực; con “ thuồng luồng” Lê Lợi sớm rời ao tù “ Tuần kiểm” để cất quân khởi nghĩa; rồi “thuồng luồng ” thành công biến thành “ rồng ”, một biểu tượng được dành riêng cho ngôi vua.
Nay hãy thuật về cảnh Bình định vương Lê Lợi trãi qua trong năm đầu khởi nghĩa:
Mã Kỳ, nội quan (8) nhà Minh, được tin Bình Định vương dấy quân ở Lam Sơn (9), bèn kéo quân đến bức
bách. Vương lui đóng ở Lạc Thủy (10) , đặt quân phục sẵn để đợi giặc. Khi Mã Kỳ đến, quân phục đổ ra đánh.
Các tướng Lê Thạch, Lê Ngân và Lê Lý đua nhau xung phong, phá trận địch: chém hơn nghìn thủ cấp,
bắt được quân nhu và khí giới kể đến hàng nghìn.
Cách vài ngày sau, tên Ái (không rõ họ) phụ đạo ở sách Nguyệt Ấn (11), dắt quân Minh đi đường tắt
đến đánh úp: quân của Vương bị vỡ, chạy tan tác; vợ và con gái của Vương bị địch bắt. Vương thu thập
số quân tan vỡ còn sót lại, rồi cùng với các tướng Đinh Lễ, Đỗ Bí và Lê Xí lặng lẽ rút vào ẩn náu ở núi Chí
Linh (12). (Cương Mục, sđd, trang 353)
Việc con gái bị quân Minh bắt, chính vua Lê Lợi (sau khi lên ngôi ) đã trình bày với vua Tuyên Tông nhà Minh, trong tờ tâu có đoạn như sau:
] Ngày 11 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 4 [ 15/3/1429 ]
….. Nhân Thần có chút tình riêng: thần trước đây bị quan quân xua đuổi, trong lúc thảng thốt để mất con gái nhỏ mới 9 tuổi. Dò la được biết Nội quan Mã Kỳ mang về, tiến dâng làm quan nô tỳ. Thần tội to như gò núi đã được tha, nghĩ đến gia đình chỉ mong được đoàn tụ, xin được chiếu chỉ tha cho về để được vẹn tình cha con, Thần đáng ghi khắc vào tâm cốt, cảm ơn không bao giờ quên.”
( Minh Thực Lục v. 18, t. 1218-1219; Tuyên Tông q. 51, t. 3b-4a )
Vua Tuyên Tông tỏ vẻ ân cần, trả lời rằng:
Ngày 28 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ 4 [ 1/5/1429 ]
…….Riêng dụ ngươi về việc ngươi tâu rằng có con 9 tuổi bị Mã Kỳ thu dưỡng đem về kinh sư, muốn được đoàn tụ. Nghe việc này động lòng trắc ẩn, Trẫm là cha mẹ của thiên hạ lại nỡ để cho một trẻ nhỏ không được gần người thân ư! Nên đã ra lệnh tìm hỏi ngay việc này. Nhưng con gái ngươi vì không hợp thủy thổ, nên bị bênh mất đã lâu. Tình thương yêu cha con người người giống nhau, nhưng phần số mỗi người thì đã định; bảo riêng để ngươi biết. Nay ban cho Lý Kỳ, Vĩnh Đạt, Thông tiền phí tổn đi đường; Sứ giả Hà Lật được ban y phục, tiền giấy, cho đi theo cùng Kỳ. ” ( Minh Thực Lục v 18, tr. 1258-1260; Tuyên Tông q. 52, tr. 10b-11b )
-Tháng 9, viên Tổng binh nhà Minh Lý Bân đem quân tới lùng sục. Vua đặt quân mai phục tại Mường Một (13), dùng tên thuốc độc bắn chết quân địch quá nửa; Bân thua rút quân về (14)
Vào năm này tại miền Bắc, viên quan địa phương thuộc dân tộc thiểu số là Xa Miên nỗi dậy tại huyện Tứ Mang [Sơn La]; giết chết quân Minh rất nhiều, trong đó có viên Ðô chỉ huy người Việt tên là Trần Nhữ Thạch:
NGÀY 20 THÁNG 2 NĂM VĨNH LẠC THỨ 16 [ 27/3/1418 ]
Trước đây viên cựu Thổ quan Tri huyện Tứ Mang, châu Gia Hưng là Xa Miên, có con Xa Tam làm phản, giết bọn Tri huyện lưu động Âu Dương Trí. Quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân sai Đô đốc Đồng tri Phương Chính mang binh thảo phạt. Giặc cậy đông cự địch, các viên Thổ quan Đô Chỉ huy Trần Nhữ Thạch, Thiên hộ Chu Đa Bồ tử trận. Quan quân ra sức đánh bại giặc, bắt người em là Xa Đạo giết chết. Bọn Xa Tam trốn, nhưng núi rừng hiểm trở chướng lệ mới phát; quan quân lục soát không bắt được, bèn mang quân trở về và sai người chiêu dụ. Bân báo lên và xin thưởng tuất bọn Nhữ Thạch để khuyến khích quân sĩ. Được chấp nhận.
Thạch người Nam Sách, trước kia là quan nhỏ của họ Trần. Khi Vương sư chinh phạt Nam phương, đầu tiên đến qui phụ; đánh giặc, chiêu hàng có nhiều thành tích, thăng quan lên đến chức Đô Chỉ huy Thiêm sự. Thảo phạt giặc Xa Tam, thâm nhập trận, trúng tên ngã ngựa bị giết. Đa Bồ người huyện Đông Ngàn, phủ Bắc Giang; lập quân công được chức quan, cùng Nhữ Thạch phấn dõng giết giặc, bị thương chết.Thiên tử mệnh bộ Lễ cùng quan Hành nhân ban tế và cho lụa vải; quan sở tại tạo phần mộ. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2063; Thái Tông q. 179, tr. 2a)
Chú thích
1. Toàn Thư, Sđd, tập 2, trang 240.
2.Lam Sơn Thực Lục. Nguyên tác: Nguyễn Trãi. Vua Lê Lợi đề tựa. Sài Gòn: NXB Tân
Việt,1958, quyển 1, trang 9.
3. Toàn Thư, Sđd tập 2, trang 256.
4.Minh Thực Lục, Sđd, quyển 113, trang 1443.
5.Minh Thực Lục, Sđd, quyển 145, trang 1717.
6. Lam Sơn Thực Lục, Sđd, trang 9.
8.Nội quan: tức hoạn quan.
9.Lam Sơn: nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
10.Lạc Thủy: người dịch Toàn Thư đoán địa điểm này thuộc thượng lưu sông Chu, phía trên Lam Sơn, Thanh Hóa.
11.Sách Nguyệt Ấn: nay thuộc huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa.
12. Núi Chí Linh: tức núi Pù Rinh, thuộc xã Giao An, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa ngày nay.
13.Mường Một: Theo Toàn Thư sau là xã Bắt Mọt, thuộc huyện Thường Xuân, Thanh Hóa ngày nay.
14.Toàn Thư, sđd. trang 241.
Năm Kỷ Hợi [1419]
Trong năm này nhiều cuộc nỗi dậy xẩy ra, nên quân Minh phải đánh dẹp rất vất vả. Trước hết hãy đề cập tiếp đến lực lương của Bình định vương Lê Lợi tại Thanh Hóa, Cương Mục chép như sau:
Tháng 4, mùa hạ. Bình Định vương đánh đồn Nga Lạc (1), bắt được chỉ huy Minh, Nguyễn
Sao. Rồi Vương lại lui giữ núi Chí Linh. Quân Minh kéo đến bức bách. Đô tổng quản Lê Lai
chịu chết thay Vương.
Vương tấn công đồn Nga Lạc, bắt được chỉ huy Minh, Nguyễn Sao, đem chém. Nhưng bấy giờ
thế lực của giặc còn đang mạnh; về phía Vương, tướng còn hiếm, quân còn ít, lại đánh nữa, không thắng
được địch. Vương chạy vào Trịnh Cao, rồi lui giữ núi Chí Linh. Quân Minh thường đến đánh úp: tình hình
phía Vương khốn quẫn quá! Vương phải nhóm họp các tướng, dụ bảo họ rằng: "Bây giờ ai có thể làm
như Kỷ Tín (2) xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau?". Trong các tướng chẳng ai dám
đáp ứng cả. Riêng có Lê Lai khảng khái xin vâng, tình nguyện trao đổi đồ mặc với Vương để đi chết thay.
Lê Lai liền cho sắp xếp nghi trượng chỉnh tề, chính mình đem quân và voi, hướng ra phía địch,
chỉ huy các tướng chia đường khiêu chiến. Tướng Minh lấy thêm quân bao vây Lê Lai. Lai chiến đấu kiệt
sức, bị người Minh bắt và giết chết. Địch bèn rút quân về Tây Đô. (3)
Toàn Thư chép thêm:
Tháng 5 vua đóng tại sách Ðà Sơn, quân Minh tiến đánh. Vua phục kích tại Mường Chánh (4), cả phá quân giặc, rồi dời quân đến đóng tại sách Lư Sơn, ít lâu sau dời sang Mường Thôi, rồi lại về đóng bản doanh ở Vu Sơn (5)
Riêng Minh Thực Lục chép rằng quân của Bình định vương Lê Lợi thường giao tranh với quân Minh tại vùng Lam Sơn, rồi rút lui sang Ai Lao; phải chăng muốn nói đến địa danh Mường Thôi (6) mà Toàn Thư đề cập ở trên, vì Mường Thôi nằm tại vùng biên giới Ai Lao:
Ngày mồng 2 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 26/5/ 1419 ]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân tâu rằng đầu sỏ giặc Lê Lợi trú tại sách Khả Lam. Sai Đô đốc đồng tri Phương Chính, Đô chỉ huy Sư Hữu mang quân đánh; bắt được bọn ngụy Cấm vệ tướng quân Nguyễn Cá Lập. Số còn lại chạy trốn sang Lão Qua; bèn lưu Đô Chỉ huy Hoàng Thành, Chu Quảng giữ đồn Khả Lam, bọn Chính trở về Giao Chỉ. Lê Lợi lại xuất hiện đánh phá, giết Tuần kiểm Vương Cục, Lương Hướng rồi đi. Thành mang quân truy kích, giặc thua chạy. Gặp mưa nắng nước dâng, lam chướng mới nỗi lên, xin đợi mua thu tiến binh. Được chấp thuận. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2137; Thái Tông q. 212, tr. 1a )
Ngày 10 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [30/8/1419]
Lê Lợi đầu đảng giặc tại Thanh Hóa, Giao Chỉ; mang quân đánh phá Lỗi Giang(7), bị bọn Đô chỉ huy Hoàng Thành đánh thua, lại chạy sang trốn tại Lão Qua. ( Minh Thực Lục q. 215, tr. 2151; Thái Tông q. 215, tr.1a)
Cùng trong tháng 8/1419, tại Nghệ An có cuộc nỗi dậy của hai nhân vật đầu não theo giặc, đó là Tri phủ Nghệ An Phan Liêu và Chỉ huy vệ Nghệ An Lộ văn Luật. Lúc quân nỗi dậy đang vây thành Nghệ An, thì Phong thành hầu Lý Bân đích thân tiếp cứu, nên buộc phải rút lui về châu Ngọc Ma tại vùng thượng du Nghệ An:
Ngày 11 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [31/8/1419]
Viên Thổ quan Giao Chỉ giữ chức Tri phủ Nghệ An Phan Liêu là con Quí Hữu. Trước đây Quí Hữu theo Trần Quí Khoách làm Thiếu bảo ngụy. Bị đại quân đánh, thế cùng Quí Hữu bèn sai Liêu đến cửa quân xin hàng. Quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ theo chế độ ban cho Quí Hữu chức Phó sứ ty Án Sát coi phủ Nghệ An, lại ban cho Liêu chức quan. Quí Hựu chết, cho Liêu thừa kế cha nhậm chức này. Nhân Mã Kỳ bạo ngược phi lý, Liêu bèn làm phản tại huyện Nha Nghi (8), cùng viên thổ quan Thiên hộ Trần Đài tụ tập đám đông đốt phá châu huyện giết quan lại; viên thổ quan chỉ huy vệ Nghệ An Lộ Văn Luật cũng đi theo. Quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân mang quân đến đánh, bọn giặc tan, Liêu chạy đến châu Ngọc Ma (9 ) nương dựa viên thổ quan Tri châu Cầm Trách, Bân sai người truy bắt. ( Minh Thực Lục v.14, tr. 2152; Thái Tông q. 215, tr. 1b )
Tại Phủ Thanh Hóa, lại có thêm cuộc nỗi dậy của Phạm Nhuyễn tại huyện Nga Lạc, bị Ðô Chỉ huy Từ Nguyên đánh bắt được:
NGÀY 1 THÁNG 10 NĂM VĨNH LẠC THỨ 17 [19/10/1419]
Bọn phản loạn Giao Chỉ Phạm Nhuyễn tụ tập tại sách Cự Lặc, huyện Nga Lạc . Ngày hôm nay quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân sai Đô Chỉ huy Từ Nguyên mang quân bắt được, bèn chém bọn Nhuyễn để thị chúng. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2161; Thái Tông q. 217, tr. 1a )
Tháng 11/1419 xẩy ra 2 cuộc nỗi dậy của dân đãi vàng, thứ nhất xẩy ra tại huyện Phù Lưu [Nghệ An] do Vũ Cống chỉ huy; thứ hai tại huyện Ðồng Lợi, châu Hạ Hồng [Hải Dương] do Trịnh Công Chứng cầm đầu. Ngoài ra còn có các cuộc nỗi dậy của anh em Trần Trực Thành tại Nghệ An, Nông Văn Lịch tiếp tục đánh phá tại phủ Lạng Sơn, Trần Ðại Quả nỗi lên tại châu Vũ Ninh [Bắc Ninh], Nguyễn Ðặc tại châu Khoái [Hưng Yên], Ngô Cự Lai tại châu Thiên Thệ [ Bắc Ninh] :
NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM VĨNH LẠC THỨ 17 [17/11/1419]
Ty Đô Chỉ huy Giao Chỉ tâu rằng tại huyện Kệ Giang (10 ), phủ Nghệ An có tên thổ quan Bách hộ Trần Trực Thành, cùng em là Trực Ngụy tự xưng Kim Ngô Tướng quân; cùng bọn Lãm Bàn giặc Áo Đỏ cướp phá xã Dương Biến giết tuần kiểm Trương Tú. Vũ Cống người trong hộ đãi vàng liên kết với kỳ lão Hoàng Nhữ Điển tụ tập dân chúng đốt phá huyện Phù Lưu (11 ). Các nhóm nỗi dậy tại huyện Khâu Ôn (12) có Nông Văn Lịch, châu Vũ Định [Ninh] (13 ) có Trần Đại Quả, châu Khoái (14 )có Nguyễn Đặc, huyện Thiện Thệ (15 ) có Ngô Cự Lai tiếp tục trước sau làm loạn giết hại quan binh. Tại huyện Đồng Lợi, châu Hạ Hồng, phủ Tân An, viên Xã chính coi việc đãi vàng là Trịnh Công Chứng tụ tập đám đông hơn 1000 người đốt phá bắt giết quan lại tại các ty tuần kiểm thuộc các huyện Đa Dực, Đồng Lợi, châu Hạ Hồng (16 ) và cửa biển sông Đản. Đô đốc Phương Chính mang quân đánh dẹp đánh bại giặc tại Đồng Lợi. Thám thính cho biết trước đó bọn chúng đến châu Nam Sách, bèn truy kích kịp thời đánh dẹp tại ty tuần kiểm A Côi (17 ) chém hơn 400 thủ cấp, số giặc chết trôi tính không hết; Công Chứng bèn chạy trốn. Sắc dụ quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân mang quân đánh bắt. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2165-2166; Thái Tông q. 218, tr. 1a-1b )
Ngoài ra còn phải kể thêm nhóm Vũ Liên, Vũ Lợi tụ tập dân nỗi dậy tại châu Thượng Hồng, phủ Lạng Giang [Hải Hưng] (18) . Nguyễn Ða Cấu và Trần Nhuế ở Hoàng Giang (19) thấy thành Ðông Quan [Hà Nội] chỉ còn những quân lính ốm yếu, bèn dấy quân tiến đánh. Quân đến Lô Giang , đánh phá được cầu phao, nhưng ít lâu sau bị quân Lý Bân đánh bại (20)
Trong các nhóm mới nỗi lên, vua Minh Thái Tông lưu ý đến Phan Liêu, nên gửi chiếu thư đòi đánh dẹp gấp:
Ngày 16 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 3/11/1419 ]
Thiên tử ban mệnh cho Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân:
“ Mặc dù giặc Phan Liêu tại Nghệ An đã bị đánh tan , nhưng chúng vẫn còn tồn tại. Trong một thời gian ngắn, ngươi cần chỉnh đốn quân ngũ tiêu diệt chúng như nhổ gốc, không để sót mối lo trong dân. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2163; Thái Tông q. 217, tr. 2a )
Do đó Phong thành hầu Lý Bân đích thân chì huy cuộc hành quân lớn tại tỉnh Nghệ An, nhưng chỉ đuổi được bọn Phan Liêu ra khỏi biên giới để rồi tiếp tục trốn tránh tại Lão Qua:
Ngày 6 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 23/11/1419 ]
Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân đến châu Ngọc Ma dẹp giặc; đầu đảng giặc bọn Phan Liêu cùng giặc Áo Đỏ hơn 1000 tên chống cự bị quan quân đánh bại. Bắt sống Tù trưởng giặc Áo Đỏ là bọn Nửu Môn, Diệp Để; bọn Liêu, Lộ Văn Luật, Trần Văn, Trần Tử Trực và quân còn lại bỏ trốn. Quan quân tiến đến mường Cự Đàm, núi Bồ Đàm thuộc châu Ngọc Ma; giặc cậy hiểm đóng trại phòng thủ, bèn đánh phá. Bọn Liêu chạy sang Lão Qua; lại sai Đô chỉ huy Tiết Tụ tiến đánh bắt được đồng đảng giặc là bọn Hồ Tử Kính cùng giặc Áo Đỏ là Thượng Bì, Thượng Tướng hơn 300 người.
Trước đó sai Bố chánh ty sứ Giao Chỉ Nguyễn Huân, Chỉ huy Trần Nguyên Khôi giử sông Ác bắt được tên phản loạn Thiên hộ châu Nam Linh Trần Thuận Khánh, Bách hộ vệ Nghệ An Trần Trực Thành đem chém. Đô đốc Phương Chính, Tham chính Mã Ánh cũng bắt và giết đầu đảng giặc Trịnh Công Chứng tại Đồng Lợi, đồng đảng giặc là Lê Điệt bỏ trốn. ( Minh Thực Lục v.14, tr. 2167-2168; Thái Tông q. 218, tr.2a-2b)
Ðang lo đánh dẹp tại Nghệ an, thì ở miền Bắc lại xẩy ra những mối lo khác. Tại châu Gia Lâm [Bắc Ninh] quân của Ðào Cường chiến thắng trong một cuộc phục kích, bèn chuẩn bị vượt sông đánh thành Giao Châu [Hà Nội], Lý Bân phải điều động quân kỵ mới ngăn chặn được:
Ngày 28 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [14/12/1419]
Tại huyện Thiện Tài, châu Gia Lâm, Giao Chỉ, Đào Cường làm phản. Đô Chỉ huy Lưu Chấn, Vu Tán, Ngô Hưng mang quân đánh dẹp. Bọn Chấn không nghiêm cấm, nên quân sĩ buông thả cướp phá. Giặc giả bộ vứt đồ vật bỏ chạy, rồi đặt phục binh đón đợi. Quan quân bi bại, giặc đưổi tới sông Phú Lương, định vượt sông. Đô Chỉ huy Trần Tuấn ra sức đánh, nên ngăn được. Nhưng thế giặc mạnh thêm, quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân sai ngay bọn Đô Chỉ huy Cảnh Vinh mang kỵ binh đi đánh, giặc bèn rút lui.( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2169; Thái Tông q. 218, tr. 3a )
Tại phủ Phụng Hóa [Nam Ðịnh], quân Minh cầm đầu bởi Ðô Chỉ huy Trần Trung, đánh bại quân nỗi dậy của Lê Ðiệt và Trần Dĩ Luật:
Ngày 3 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [19/12/1419]
Bọn Đô Chỉ huy Trần Trung tại Giao Chỉ đánh bại đảng giặc Lê Điệt tại sông Tiểu Hoàng huyện Kiến Xương bắt sống 350 tên, đốt cháy trên 160 chiếc thuyền. Tiếp tục truy kích đến xã Cổ Lôi, huyện Tây Chân, phủ Phụng Hóa đánh bại bọn giặc Trần Dĩ Luật chém hơn 600 tên, đốt hơn 250 chiếc thuyền. ( Minh Thực Lục v. 14 tr. 2171; Th ái Tông q. 219, tr. 1a )
Tại phủ Kiến Bình [Ninh Bình], Lý Bân sai Chỉ huy Phương Chính đánh dẹp, nhưng chưa giết được chủ tướng Ðinh Tông Lão:
Ngày 8 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 24/12/1419]
Ngày hôm nay các huyện như Đại Loan thuộc phủ Kiến Bình, Giao Chỉ; có bọn giặc Đinh Tông Lão làm loạn. Quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân sai Chỉ huy Giao Châu hậu vệ Phương Chính đốc suất quân đánh dẹp. Giặc thua chạy, chém hơn 400 tên, đều bị bêu đầu để làm răn. ( Minh Thực Lục v. 14 , tr.2173; Thái Tông q.219, tr. 2a)
Riêng Lý Bân đích thân chỉ huy hai cuộc hành quân: thứ nhất tiếp tục truy đánh quân Lê Ðiệt tại phủ Trấn Man [Thái Bình]:
Ngày 11 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 27/12/1419 ]
Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân truy đánh bọn Lê Điệt tại huyện Đình Hà phủ Trấn Man, đánh bại giặc mấy lần; chém hơn 500 tên, bắt sống bọn ngụy Kim ngô tướng quân Vũ Lộ. ( Minh thực Lục v. 14, tr.2173; Thái Tông q.219, tr. 2a )
Thứ hai, mở cuộc hành quân lớn tại châu Ðông Triều [Quảng Ninh] tấn công lực lượng nỗi dậy của sư ông Phạm Ngọc tu tại chùa Ðồ Sơn, bắt được tướng là Phạm Thiện; rồi làm cuộc tàn sát lớn, giết tù binh có đến mấy trăm người:
Ngày 15 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [31/12/1419]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân bắt được Tù trưởng giặc Phạm Thiện tại châu Đông Triều . Trước đây tên yêu tăng Phạm Ngọc tại chùa Đồ Sơn, huyện An Lão phao rằng trời giáng ấn kiếm, lệnh làm chúa; bèn tiếm xưng La Bình vương, kỷ nguyên Vĩnh Ninh, tụ tập đám đông làm loạn. Bọn Thiện và Đào Thừa đến theo. Ngọc cho Thiện làm Nhập Nội Kiểm Hiệu Tả Tướng quốc Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Ngô Trung làm Nhập Nội Hành khiển Hữu Thượng thư Tri Quân Quốc Trọng Sự, Đào Thừa làm Xa Kỵ Đại Tướng quân, Lê Hành làm Tư không, tụ tập đám đông chiếm cứ đường thủy và bộ. Lúc đại quân đến đánh, Thiện dàn quân hai bên bờ, lại bày thuyền giửa sông, thủy bộ cùng chống cự. Bân xua quân đánh gấp, chém 1200 thủ cấp, bắt sống Thiện cùng bọn Trung gồm 780 người, tịch thu hơn 200 chiếc thuyền lớn nhỏ, Ngọc tẩu thóat; lại bắt quân giặc hơn 260 tên, bèn xử chém để răn.Thiện, Trung, cùng bọn Vũ Lộ đều bị giải về kinh sư. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2174; Thái Tông q 219, tr. 2b)
Chú thích
1.Nga Lạc: ở gần Lam Sơn, thuộc vùng Bái Thượng, Thanh Hóa ngày nay.
2. Trung thần của Hán Cao Tổ. Khi Cao Tổ bị Hạng Vũ vây ở núi Huỳnh Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), tình hình nguy
ngập quá, Tín phải ăn mặc giả làm Cao Tổ, thay Cao Tổ ra đầu hàng: bị Hạng Vũ đốt chết. Còn Cao Tổ nhờ đó trốn thoát.
3.Cương Mục, sđd, trang 357.
4.Mường Chánh: huyện Lang Chánh, Thanh Hóa sau này.
5. Toàn Thư, Sđd, tập 2, trang 242.
6. Mường Thôi: Theo Toàn Thư có lẽ là Man Xôi, ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, giáp Lào.
7.Lỗi Giang: một nhánh sông Mã tại huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa
8.Nha Nghi: Theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ., Sđd, Nha Nghi tức huyện Nghi Xuân, thuộc tỉnh Hà Tĩnh hiện nay.
9.Ngọc Ma: Châu miền thượng du phủ Nghệ An.
10.Huyện Kệ Giang: theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ., Sđd, huyện Kệ-Giang vị trí phía bắc huyện Thanh Chương, Nghệ An hiện nay.
11. Huyện Phù Lưu: theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ. huyện Phù Lưu thuộc phạm vi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An ngày nay.
12.Huyện Khâu Ôn: theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ. huyện Khâu Ôn thuộc tỉnh Lạng Sơn hiện nay.
13. Châu Vũ Ninh: theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ. châu Vũ Ninh thuộc tỉnh Bắc Ninh hiện nay.
14. Khoái châu: theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ. Khoái châu thuộc tỉnh Hưng Yên.
15. Huyện Thiện Thệ: theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ. huyện Thiện Thệ đời Minh tương đương với huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Ninh hiện nay.
16.Châu Hạ Hồng: theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ. châu Hạ Hồng thuộc tỉnh Hải Dương hiện nay.
17.Huyện A Côi: theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ. huyện A Côi thuộc phía bắc tỉnh Thái Bình hiện nay.
18.Minh Nghiên Cứu, Sđd trang 95.
19. Lộ Hoàng Giang thời Trần, Hồ tức phủ Kiến Bình thời Minh thuộc; theo Đ.N.V.N.Q.C.Đ. hiện nay thuộc tỉnh Nam Định, Ninh Bình .
20.Toàn Thư, Sđd, tập 2, trang 243.
Năm Canh Tý [1420]
Lúc này tình hình tại các phủ, huyện xung quang thành Ðông Ðô [Hà Nội] vẫn còn bị đe dọa, Lý Bân bèn mang quân đánh Lê Hành, Ðào Cường tại huyện Ða Cẩm thuộc phủ Lạng Giang [Hải Hưng]:
Ngày 26 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [11/1/1420]
Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Phong Thành hầu Lý Bân mang quân tới phủ Lạng Giang. Tin điệp báo cho biết Tù trưởng giặc Tư không Lê Hành, ngụy Kim Ngô Đại Tướng quân Đào Cường tụ tập lực lượng hơn 8000 tên lập trại tại xã Ma Lãng, huyện Đa Cẩm ( 1 ); bèn tiến binh tiễu trừ. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2180; Thái Tông q. 219, tr. 5b )
Sau hai ngày hành quân truy kích, quân của Lý Bân đánh thắng, giết chết Ðào Cường:
Ngày 28 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [13/1/1420]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân mang quân tới huyện Thiện Tài, gặp toán du binh của giặc hơn 1000 tên, đánh bại chúng rồi đuổi đến xã Ma Lãng. Giặc bỏ trống trại ra giao chiến, quan quân lại đánh bại; bắt giết Đào Cường, cùng tướng sĩ của chúng hơn 3500 tên. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2181-2182; Thái Tông q. 219, tr. 6a-6b )
Riêng phía tây thành Ðông Ðô, Cấn Sư Lỗ và Phạm Công Trịch nỗi lên tại huyện Thạch Thất [Hà Tây], Trịnh Công Chứng chuyển quân từ châu Oai Man[ Hà Tây] sang Gia Lâm [ Bắc Ninh]; Lý Bân phải sai quan đi đánh dẹp. Tại Thanh Hóa thì quân của Ðô Chỉ huy Từ Nguyên tiếp tục dằng co với Bình định Vương Lê Lợi tại vùng Lỗi Giang:
Ngày 4 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 18 [ 18/1/1420 ]
Giặc Giao Chỉ Cấn Sư Lỗ, Phạm Công Trịch tụ dân làm loạn. Quan Tổng binh Lý Bân sai người đến huyện Thạch Thất giao chiến. Sư Lỗ thua chạy, chém được bọn Dực vệ tướng quân Cấn Hoạch hơn 150 người. Lúc bấy giờ Công Chứng tại châu Oai Man nghe tin đưa quân về Khoái Châu. Nhưng bị Đô chỉ huy Giao Chỉ Tôn Lâm đánh tại huyện Thiện Tài, châu Gia Lâm, giết bọn tướng giặc Phạm Trầm, bắt sống đầu đảng giặc Lê Hành.
Giặc Lê Lợi tại Thanh Hóa tụ tập quân đóng trại tại Lỗi Giang, bị Đô chỉ huy Từ Nguyên suất quân công phá, Lợi chạy trốn. ( Minh Thực Lục v.14, tr. 2185; Thái Tông q. 220, tr.1a)
Trước tình hình loạn lạc xẩy ra khắp nơi, vua Minh Thái Tông xuống chiếu quở trách Phong thành hầu Lý Bân; cùng điều thêm quân từ các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam đến và bổ nhiệm Vinh dương bá Trần Trí sang phụ tá cho Lý Bân:
Ngày 18 tháng giêng nhuần năm Vĩnh Lạc thứ 18 [4/3/1420]
Sắc dụ quan Tổng binh Giao Chỉ Phong Thành hầu Lý Bân rằng :
“ Trẫm ra lệnh người cai trị một phương, muốn cho quân dân được yên chổ; nay để cho giặc giã nỗi lên rầm rộ, làm sao ngươi từ chối trách nhiệm được. Nay điều quân từ các xứ Vân Nam, Tứ Xuyên; quan quân nhiều ngươi phải hết sức trù tính sớm diệt bọn giặc. Nếu lần lữa ngày tháng, khiến bọn giặc ngày một lớn, thì căn cứ vào quốc điển khó mà khoan thứ được. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2191; Thái Tông q. 221, tr. 2a )
Ngày 21 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [ 3/5/1420 ]
Mệnh Vinh dương bá Trần Trí giữ chức Tả tham tướng phụ tá Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân trong việc đánh dẹp man di phản loạn. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2201; Thái Tông q. 223, tr. 3a )
Có thêm quân, thêm tướng; Lý Bân buộc phải tỏ ra năng nỗ hơn; đánh tan quân nỗi dậy của Lê Ðiệt tại phủ Trấn Man [Thái Bình, Nam Ðịnh]
Ngày 4 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [16/5/1420]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân sai Đô Chỉ huy Trương Quý đánh giặc Lê Điệt tại huyện Đình Hà, phủ Trấn Man (2), bắt sống ngụy Long Hổ Đại Tướng quân Đinh Thung, riêng tên Điệt mang dư đảng trốn. Bân tự suất binh đánh bắt, do đó ngụy Long Hổ Tướng quân Phan Dương, Phạm Canh đều hàng. Quân của Bân truy kích đến cùng, bắt sống Điệt, vợ y, cùng tướng giặc Nguyễn Thừ, Đỗ Đức Lăng, Nguyễn Như Lôi, giết trên 600 người, cùm giải bọn Điệt về kinh sư. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2205; Thái Tông q. 224, tr. 1a)
Lại bắt được thủ lãnh cuộc nỗi dậy tại Ðông Triều là Sư ông chùa Ðồ Sơn, La bình vương Phạm Ngọc:
Ngày 20 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [1/6/1420]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong Thành hầu Lý Bân bắt cựu thủ lãnh giặc ngụy La Bình vương Phạm Ngọc. Trước đây Ngọc thua bỏ chạy, lại trở về châu Đông Triều tụ tập đám đông cướp phá; cuối cùng bị bắt, cùm giải về kinh sư. ( Minh Thực Lục v. 14, t 2206; Thái Tông q. 224, tr. 1b )
Tuy nhiên qua sự theo dõi tình hình một cách chặt chẻ của vua Thái Tông, thì việc làm của Lý Bân vẫn chưa đạt được yêu cầu; vì chưa dẹp được những cuộc nỗi dậy lớn của Lê Lợi, Phan Liêu, Xa Tam, Nông Văn Lịch:
Ngày 10 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [20/6/1420]
Sắc dụ quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân rằng bọn phản loạn Phan Liêu, Lê Lợi, Xa Tam, Nông Văn Lịch đến nay vẫn chưa bắt được, không biết việc binh đến khi nào mới hết, dân đến lúc nào mới được yên; nên ngày đêm hết lòng trù hoạch phương lược , sớm diệt bọn giặc này , để khỏi phụ sự ủy nhiệm của Trẫm. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2211; Thái Tông q. 225, tr. 1a )
Lý Bân sai Ðô Chỉ huy Chu Quảng làm cuộc càn quét lớn bắt được các nhóm nỗi dậy khác như Khai thánh vương Nguyễn Ða, Chiêu tín hầu Ðàm Dữ Bang, Tư đồ Ngô Gia, Thái sư Vi Ngũ:
Ngày 15 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [25/6/1420]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân sai Đô Chỉ huy Chu Quảng đánh bắt được bọn ngụy Khai Thánh vương Nguyễn Đa, ngụy Chiêu Tín hầu Bình chương Quân quốc trọng sự Đàm Dữ Bang, ngụy Nhập Nội Kiểm hiệu Bình chương Tư đồ Nguyễn Gia, ngụy Thái sư Trung liệt công Vi Ngũ; lại bắt vợ con, cùng ấn ngụy; đem tất cả đến kinh sư. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2212; Thái Tông q. 225, tr. 1b )
Tại đây cần có sự đối chiếu giửa hai bộ sử Hoa, Việt: Minh Thực Lục chép lực lượng của Bình định vương Lê Lợi giết hai viên quan cao cấp của nhà Minh là Hữu Tham chính Giao Chỉ Hầu Bảo, và Tả Tham chính Phùng Quí. Riêng Toàn Thư (3) chép rằng:
Hầu Bảo giữ đồn Hoàng Giang, bị Nguyễn Thuật người Kiến Xương (4) đánh giết.
Vậy phải chăng Nguyễn Thuật là bộ hạ của Bình định vương Lê Lợi, lại theo Ð. N.V.N.Q.C. Ð. của Ðào Duy Anh thì lộ Hoàng Giang tức phủ Kiến Bình đời Minh, nay thuộc các tỉnh Nam Ðịnh, Ninh Bình. Nếu vậy thì tại thời điểm năm Vĩnh Lạc thứ 18 [1420] quân của Bình định vương Lê Lợi đã có mặt tại hai tỉnh miền Bắc gần Thanh Hóa. Sau đây là văn bản trong Minh Thực Lục về vụ giết hai Tham chính Hầu Bảo và Phùng Quí:
Ngày 23 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [3/7/1420]
Giao chỉ Hữu Tham chính Hầu Bảo đốc suất dân binh chống giặc tử trận. Tả Tham chính Phùng Quí cũng đánh giặc tử trận.
Bảo người đất Tán Hoàng, Chân Định; từ Sinh viên Quốc Tử bổ dụng làm Tri huyện 3 huyện Cổn Thành, Cống Du, Đôn Hưng; rành việc hành chính. Lúc mới lập Giao Chỉ, chọn người cai trị phủ huyện, bèn thăng Bảo làm Tri phủ Giao Châu, rồi được thăng chức Hữu Tham chính Giao Chỉ. Bấy giờ giặc Lê Lợi cướp phá các quận, huyện tại vùng Hoàng Giang ( 1 ), Bảo đôn đốc dân binh xây đồn tại các nơi quan trọng để chống cự. Giặc đến đánh, bọn Bảo đánh không thắng, bị chết.
Quí người đất Vũ Lăng, Hồ Quảng; trúng Tiến sĩ giữ chức Binh khoa Cấp sĩ. Lúc Anh quốc công Trương Phụ giữ chức Tổng binh chinh phạt Giao Chỉ, Quí đôn đốc lương thực, cần lao gắng sức. Được tâu công việc hoàn thành xứng chức, chiếu chỉ thăng chức Giao Chỉ Hữu Tham nghị; rồi giữ chức Đề đốc các hầm mỏ vàng bạc, thăng chức Tả Tham chính. Biết cách chiêu tập dân lưu vong qui phụ, có một đội thổ binh hơn 2000 người, đều dõng cảm chịu chiến đấu; mỗi lần ra quân đánh nhau đều lập công. Sau bị Trung quan Mã kỳ ghen tỵ, đoạt hết thổ binh; đến lúc Lê Lợi làm phản quân mạnh, Quí chỉ có vài trăm lính đến đánh . Binh ít gặp quân giặc đông, Quí ra sức đánh rồi tử trận. Bảo lo chính trị thanh liêm khoan thứ, Quí có tài; tử trận mọi người đều tiếc. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2213; Thái Tông q. 225, tr. 2a )
Tiếp đến cũng cần nêu thêm điểm dị đồng giửa Toàn Thư và Minh Thực Lục về việc Bình định vương Lê Lợi giao tranh với quân Minh trong tháng 10 Âm lịch, tại vùng biên giới Việt Lào. Cả hai nguồn đều xác nhận có Phương Chính chỉ huy đạo quân Minh, tuy nhiên Toàn Thư khẳng định rằng Bình định vương thắng, Minh thực Lục chép quân Minh thắng. Sau đây là sử liệu trong Toàn Thư (5):
Mùa đông tháng 10, vua nghe tin quân Minh sắp đến, đặt mai phục ở bến Bổng (6) chờ giặc, chém giết quân giặc nhiều vô kể, bắt được hơn 100 con ngựa. Vua cho nghỉ chân tại Mường Nanh, rồi lại dời quân đến Mường Thôi. Tên Ðồng tri Quỳ Châu là Cầm Lạn dẫn bọn Lý Bân, Phuơng Chính đem hơn 10 vạn quân theo đường Quỳ Châu đến thẳng Mường Thôi(7). Vua phục kích chúng ơ Thi Lang. Bân và Chính chỉ chạy thoát được thân mình.
Tháng 11, vua tiến quân đóng ơ sách Ba Lẫm thuộc huyện Lỗi Giang, khiêu khích cho giặc ra đánh.Tướng giặc là bọn Ðô ty Tạ Phượng, Hoàng Thành bỏ đồn Nga Lạc về giữ trại Quan Du (8) để phòng bị cho thành Tây Ðô, cố giữ không ra đánh.Vua ngày đem dùng nhiều cách tiến công uy hiếp để giặc mỏi mệt, rối loạn. Lại sai Lê Sát, Lê Hào chia nhau đến đánh, cả phá bọn giặc, chém được hơn ngàn thủ cấp, thu được rất nhiều chiến cụ, từ đó thế giặc ngày một suy. Vua bèn chiêu tập nhân dân các xứ. Các huyện bên cạnh đều sôi nổi hưởng ứng, cùng nhau tiến đánh và uy hiếp các đồn giặc.
Riêng Minh Thực Lục chép như sau:
Ngày 25 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [30/11/1420]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong Thành hầu Lý Bân sai Hậu vệ Giao Châu Chỉ huy sứ Phương Chính truy kích Lê Lợi, đánh bại giặc tại sông Mường Tâm, Lão Qua; Lợi bỏ trốn. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2231; Thái Tông q. 230, tr. 2a )
Chú thích
1.Huyện Đa Cẩm: thời Minh cai trị thuộc châu Thượng Hồng, phủ Lạng Giang. Theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ. nay thuộc huyện Cẩm Giàng, phía tây tỉnh Hải Dương.
2.Phủ Trấn Man tức lộ Long Hưng đời Trần, theo Đ.N.V.N.Q.C.Đ. gồm một phần đất của tỉnh Thái Bình và Nam Định ngày nay.
3.Toàn Thư, Sđd, tập 2 trang 244.
4.Kiến Xương:là vùng đất các huyện Vũ Thư, Kiến Xương tỉnh Thái Bình ngày nay.
5. Toàn Thư, Sđd, tập 2, trang 244-245.
6. Bến Bổng: theo chú thích Toàn Thư, có lẽ nằm trên thượng lưu sông Chu.
7. Mường Thôi: theo chú thích Toàn Thư, có lẽ là Man Xôi, phía tây bắc Thanh Hóa, giáp Lào.
8.Quan Du: sau đổi là châu Quan Hóa, nay thuộc huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Năm Tân Sửu [1421]
Các cuộc hành quân tại Thanh Hóa năm trước không dẹp được Bình định vương Lê Lợi, Lý Bân sai Ðô chỉ huy Sư Hữu truy kích Phan Liêu tại Nghệ An; tuy có thắng lợi, nhưng vẫn chưa bắt được Liêu:
Ngày 6 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 19 [ 7/2/1421]
Tháng này quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân sai Đô chỉ huy Sư Hữu truy kích bọn giặc Phan Liêu, Cầm Trách. Khi đến Ngọc Ma (1) thì Liêu đến Lão Qua xin viện binh; riêng Trách dùng voi xung kích đánh trả tại rừng Nông Ba. Bọn Chỉ huy Trương Minh, Thiên Hộ Trương Bản xông vào trận giặc bắn lính cữi voi, lại dùng hỏa khí bắn vào khiến voi phải chạy lùi; giặc tan rã. Chém hơn 100 tên, bắt sống hơn 30 tên. Em Trách là Kết mang 200 quân dưới quyền đầu hàng. ( Minh Thực Lục v 14, tr. 2248-2249; Thái Tông q. 233, tr. 1b-2a)
Trước tình hình chiến tranh kéo dài, quân lính đông, lương thực tốn kém; Lý Bân đề ra chính sách đồn điền, sử dụng phần nhiều lính bản xứ làm công việc này. Lời tâu được vua nhà Minh chấp thuận:
Ngày 29 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 19 [28/6/1421]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân tâu rằng đất nội phụ Giao chỉ xa xôi, không dễ dàng vận chuyển lương thực; xin cho các ty, vệ, sở chia lính lập đồn điền để cung cấp. Hoạch định một phần căn cứ vào đất đai hiểm hay dễ, tình thế gấp hay hoãn để dùng quân đồn điền hoặc chinh điều nhiều hay ít. Quân lính người bản xứ tuy được liệt vào sổ binh, nhưng lúc đánh nhau còn lưỡng lự hai lòng, thường không liều chết; nay bàn định tỷ số đồn điền phần nhiều là lính bản xứ, quan quân ít.
Trong 7 vệ gồm Giao Châu tả, Hữu, trung, tiền, cùng Trấn Di, Xương Giang, Thanh Hóa; hoạch định quan quân 1 phần đồn điền, 9 phần chinh thủ; quân lính người bản xứ 7 phần đồn điền, 3 phần chinh điều. Hậu vệ Giao Châu, vệ Tam Giang, Thiên Hộ-sở Thị Cầu; quan quân 2 phần đồn điền, 8 phần chinh thủ; lính bản xứ 8 phần đồn điền, 2 phần chinh điều. Mỗi người làm đồn điền hàng năm trưng thu 35 thạch lúa.
Ba vệ Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa quan quân đồn điền 3 phần, 7 phần chinh thủ; lính bản xứ 6 phần đồn điền , 4 phần bị chinh điều. 3 Thiên Hộ sở tại Diễn Châu, Nam Tĩnh, Thanh An; tất cả quan quân không phụ trách đồn điền, quân bản xứ 3 phần đồn điền, 7 phần chinh điều. Quân đồn điền hằng năm trưng thu 18 thạch lúa mỗi người. Lời tâu được chấp nhận. ( Minh Thực Lục v. 14, tr. 2275-2276; Thái Tông q. 237, tr. 2a-2b )
Sử dụng chiến thuật du kích “ tỵ nhuệ thừa tệ” [tránh quân tinh nhuệ, thừa cơ đánh quân yếu]; gặp lúc giặc đông mạnh, Bình định vương Lê Lợi thường cho quân ẩn náu tại biên giới Ai Lao. Nhắm phá vỡ kế sách này, nhà Minh cưỡng bức sứ giả Ai Lao sang Bắc Kinh để gây sức ép:
Còn tiếp.