“Đất cũ ta lại về
Đứng đi nơi chẳng động
Sao còn xót lệ khuya
Nhớ nhau một trời trống ! “
( Quê Nhà – Thơ Đặng Tấn Tới )
Thân vừa nhận gói báo từ người phụ xe đò dừng lại, quẳng xuống trước sạp bán báo của anh như mọi ngày, thì chiếc taxi cũng vừa đỗ xịch gần kề trước quày; một người đàn ông vội bước xuống, tay xách chiếc va li da to - nhìn anh với đôi mắt lạ lẫm , có vẻ thích thú. Thân thoáng ngước lên nhìn, thấy gã lạ hoắc – cắm cúi bê gói bào vào sau quày, lúi cúi mở. Nghề bán báo cũng giống như nghề bán rau sống, trái cây – phải bán lúc còn tươi, để lâu – khô héo, không ai thèm để mắt rờ dến nữa. Đã bao phen Thân bị “ tồn kho “ phải bán báo ký vì bề bộn chuyện nhà! Hơn mười lăm năm lăn lộn với bao nghề kiếm sống, từ phụ hồ, sửa xe đạp, thợ điện, sửa kính đeo mắt, cho đến kèm trẻ, chạy xe thồ - cuối cùng Thân đã “ trụ “ lại với cái nghề bán báo nhờ một người bạn giúp để trái tim hở hai lá của Thân còn có thể thoi thóp chứ không quặn thắt hằng đêm như trước.
Đã lấy từng loại báo, tuần báo, tạp chí ra đặt thứ tự trên chiếc ghế dài sau quày chuẩn bị treo lên dây và sắp lên mặt quày như thường lệ thì người đàn ông bước đến gần Thân, yên lặng nhìn anh giây lâu - mỉm cười : “ Nè anh! bán cho một tờ báo – được không? “. Tuy đã từng gặp bao vị khách “ đại gia” khinh rẻ, có lúc bị xài xể, vô cớ ( mà có “cớ gì “ để đáng bị xài xể đâu? ) Thân tuy đã tập nín nhịn nhẫn nhục từ sau ngày ra khỏi trại, nhưng đôi lúc vẫn chưa bỏ được cái tính “ ngang như cua “, lại là cháu chắc mấy chục đời với lão họ Trương đã là máu thịt. Anh đáp lời người đàn ông :
- Đã bán báo mà sao lại không được? – Thân vừa ngạc nhiên, vừa bực mình – thưa, ông mua tờ nào?
- Tờ nào cũng được – người đàn ông thản nhiên lấy thuốc ra gắn lên môi, bật quẹt, hít một hơi - cười.
- Phụ nữ thời trang , hử? Thân hỏi lớn.
- Cũng tốt thôi! – người đàn ông cười lớn, chỉ xem…ảnh mấy nàng cũng đủ vốn rồi – cần gì đọc những cái khác cho đau đầu…phải không anh?
Thân rút tờ “ Phụ Nữ Thời Trang ‘ số mới , in nhiều mầu, có ảnh diễn viên kiêm người mẫu Thúy Mộng trong bộ áo tắm hai mảnh rất hấp dẫn, khiêu gợi, đang đứng ở bãi tắm - trao cho người đàn ông với cái nhìn sắc lẻm.
Đến lúc ấy, người đàn ông mới sáp lại - ôm choàng lấy Thân – reo lên ; “ Anh Thân! Anh quên thằng em…nối khố T 53 năm xưa thật rồi sao? “. Thân dừng tay, mở to đôi mắt – ngước nhìn như soi lên gương mặt gã đàn ông xa lạ nhưng trông rất kiểu cách sang trọng. cố nhớ. T53 thật ư? Hơn ba chục năm dâu bể, đổi thay – cái hình hài tạm bợ này làm sao mà nguyên vẹn để nhận ra đây?
Thân chợt hỏi :
- Có phải Trần Tiến không?
- Trần Tiến T 53 đây mà! Tiến-lè-phè đây mà!
Thân nắm thật chặt hai bàn tay người bạn trẻ năm xưa – cười lớn- : “ Ha ha… hơn ba mươi năm rồi còn gì? Ba mươi năm mà hai thằng vẫn còn sống nhăn…còn nắm được tay nhau…Cậu đạo mạo, già, và …có vẻ hết lè phè rồi? “.
Thân kéo Tiến ngồi xuống chiếc ghế dài - “ Phải nói là hơn ba mươi năm bầm dập, nhưng không hề hấn gì, đúng không? “ – Tiến lấy thuốc ra mời Thân : “ Em đã chọn mỗi loại một tút thuốc anh vẫn thường hút để mang về biếu anh, hút cho đã ghiền, hút bù những ngày tháng lần mò đi “ bắt dế “ anh ạ…”.Trần Tiến cười thoải mái.
Sau một lần dời trai, mấy lần “ biên chế ” lán , cuối cùng Thân đã được xếp chung với nhóm sĩ quan tù binh trẻ mang cấp bậc chuẩn úy trong đó có Trần Tiến . Thân lớn hơn Tiến gần chục tuổi, nhưng cấp bậc thì huề nhau, nên được nằm chung một lán cuối trại. Thân chẳng mấy để ý đến mấy tay sĩ quan trẻ này, vì dường như suốt ngày họ nhởn nhơ, cười đùa, chọc ghẹo nhau – không lộ chút lo buồn gì? Thân nghĩ, có lẽ tuổi tác , và kèm theo là những hệ lụy của đời sống bộn bề, nên đã biến anh trở nên lầm lì, yên lặng? Còn tuổi trẻ, nhìn đời như một cuộc chơi – dâu bể có sá gì, đâu hề biết lo sợ ?
Sau vài ba tháng chung sống, Trần Tiến đã được Thân đặt cho một cái tên mà cả lán đều đồng tình – và ngay Tiến cũng rất vui nữa : “Tiến-lè-phè! “. Từ cách ăn măc, đi đứng, nói năng - cho đến những giờ lao động cải tạo rất gay cấn, nghiêm trọng hằng ngày – Tiến đều…lè phè ! Nghĩa là không hề thấy cậu ta vội vã, lo lắng; cứ lè phè vậy măc cho ai làm gì thì làm. Đi chặt tre, lè phè – cho đến giờ về cũng có hai cây tre nho nhỏ ai đó bỏ lại vác lên vai đủng đỉnh như đi dạo . Đi nhổ mì, lè phè – cho đến khi nhặt đủ một bao cát, tấp tểnh sắp gần cuối hàng. Đi cuốc đất, lè phè – cuốc sau anh em cả nửa giờ, khiến tất cả phải ngồi nghỉ chờ cùng về. Đi cắt tranh, lè phè… Cái lè phè của Tiến khác với sự “ bất lực “ thấy rõ của Tín – anh chàng giáo sư mới ra trường non choẹt, dáng thư sinh, và chỉ cao khoảng hơn một mét năm mươi một chút!
Với dáng người cao, dềnh dàng, đẹp trai , lính thiết giáp, giọng Nam đăc sệt – và lè phè ấy – khiến Thân để ý, gần gũi với Tiến nhiều hơn anh em trẻ khác. Thân trở nên “ thích “ cái lè phè rất dễ thương ấy của Tiến – coi đó là hình ảnh động viên anh quên đi bao nỗi lo toan về cảnh gia đình đang bị xáo trộn , muộn phiền!
Mà cũng rất lạ, tuy là “ chúa lè phè “ nhưng Tiến đều được bạn trẻ trang lứa mến phục. Có thể nói là sát đất. Tiến nhờ gì cũng làm. Kêu gì cũng có mặt. Một lần, đổi bình sêrum đạm để lấy một lạng café, lạng đường cát trắng và gói thuốc Ruby mà Tiến-lè-phè đã lè phè ngồi pha café như đang ở nhà riêng của mình vào mỗi sáng chủ nhật ; gọi mấy người bạn trẻ quây quần ngồi tán gẫu chờ cậu ta pha xong ly café để mỗi người được uống một ngụm và hít một hơi thuốc Ruby. Lần đó, Tiến “ phái “ một cậu đến mời Thân uống café khi anh đang nằm tòn teng trên võng ; đang buồn vì suốt mấy hôm chủ nhật rồi chẳng được ai thăm nuôi , ngay cả Diệu - Thân vui vẻ nhận lời đến “ chia vui “, nhưng khi nhìn thấy mỗi người chỉ được hớp một ngum , rít một hơi thuốc – Thân cười nói với Tiến : “ Tôi không thể “ phá mồi “ trong lúc này, cậu ạ! Tôi ngồi nhìn mấy cậu uống café và hút thuốc thơm , nghe mùi hương ngào ngạt vậy, cũng đã đỡ ghiền rồi! “. Tiến cũng cười vui : “ Anh Thân khỏi lo! Riêng anh được hai ngụm và hai hơi mà! “.
Thân biết Tiến rất ghiền café và thuốc lá, nên khi được trại phân phối cho gói thuốc quấn tay hiệu Cotin, đều chia thêm cho Tiến mấy điếu. Dĩ nhiên là không đủ thiếu gì khi mỗi tháng chỉ nhận một gói hai mươi điếu – nên Tiến vẫn thường la cà, săm soi ở các hàng ghế nhà họp, hay quanh lán trại khác, để nhặt từng mẫu tàn thuốc đã được tận dụng hết cỡ vất bỏ vào buổi sáng rất sớm. Vài mẫu tàn, góp lại được một điếu nhỏ. Có thể phì phà thở khói rất lè phè sau bữa cơm.
Ở chiếc lán gom ba mươi cảnh đời từ tứ phương dồn lại này – sau Tiến-lè-phè là Tín-lùn , anh chàng dạy văn trắng trẻo, lờ mờ, ngờ nghệch. Đôi lúc nằm không, Tín ngồi trước mặt, Thân có ý nghĩ khôi hài về Tín : Anh chàng dáng phong lưu trưởng giả ngờ nghệch vậy làm sao mà dạy văn cho học sinh đệ nhị cấp nhỉ? Tổ phân công đi giã muối ớt – công việc nhẹ nhàng nhất, Tín “ giã “ muối ớt trong cái chén nhỏ bằng khúc cây thật to, chỉ sau hai ba lần “ giả nện “ thì chén đã vỡ tan tành! Trại cắt đi chặt tre cùng lán, luôn nhặt được vài cây nhỏ nhất bị chê bỏ lại, vác lên vai, lần nào cũng đều bị “ vệ binh “ la hét vì “ không đạt yêu cầu “, bắt phải đi chặt lại! Hình ảnh tương phản với Tín là ông giáo Đình dạy toán, lầm lì , trầm tư, bao giờ nét mặt cũng đăm chiêu lo lắng - luôn tìm cây to, lao động tốt v v v để được ghi tên vào danh sách “ lao động giỏi ” cuối ngày. Có một “ dấu ấn “ về ông khiến Thân khó hiểu, cảm thấy rất lạ và khó chịu là mỗi lúc nhìn thấy anh em nào trong lán ốm đau lấy thuốc gia đình tiếp tế lên trại ra uống , là ông sà tới xin một viên – bỏ vào miệng nuốt với chút nước, rồi cám ơn - im lặng ra đi…Có lẽ là ông quá sợ chết, nên luôn cảm thấy mình bị ốm đau, cần nhiều loại thuốc cho vào bụng để dự trữ? Nằm bên cạnh ông Đình, là vị chuẩn úy già tên Hậu – cả lán gọi ông là “ sĩ quan tiếp liệu “ ( thực ra ông là sĩ quan tài chánh, chuyên đi phát lương ) vì ông có thể mua giúp nhiều loại hàng đang khan hiếm, rất cần thiết cho anh em : Thuốc lá Điện Biên, Thăng Long chính hiệu, đường miếng, bánh kẹo, ngay cả đường cát trắng và nhất là lương khô nhãn hiệu Trung Quốc! Nhờ vậy, anh em còn giữ được chút tiền , chiếc nhẫn vàng kỷ niệm dính hôn , đồng hồ, bút máy, được cất dấu qua bao lần khám xét hay được gia đình thăm nuôi lén lút bỏ tiền vào bánh in, thực phẩm - đã được “ bồi dưỡng “ thêm đôi chút! Ông Hậu rất dược ông phó trại tin dùng…
Một lần lán của Thân dược cắt đi lên huyện lỵ chuyễn gạo, giữa mùa mưa. Đường xa, trơn trợt, tuy Tiến trẻ vậy – nhưng cũng chỉ đi trước Thân một người. Sau cùng vẫn là Tín – anh chàng ngớ ngẩn lẹt đẹt.
Đến huyện ly, ai cũng vội vã vào kho lấy gạo, theo lệnh mỗi người đong dầy một bao cát gần lăm ký vác lên vai chứ không khiêng hai người một bao như lần trước. Trần Tiến bảo bạn lấy gạo giúp, lò dò ra đường, đổi chiếc nhẫn một chỉ vàng ( đã cất dấu kỹ còn lại khá lâu ) lấy một ký café, nửa ký đường, và hai gói Cotab. ( nếu nhờ ông Hậu thì chỉ được một phần ba số ấy thôi). Cả toán đã lấy cơm vắt ăn trưa xong chuẩn bị vác gạo lên đường, Tiến-lè-phè mới chui vào hàng làm cả bọn lo hết hồn. Vậy là cậu ta lè phè di sau Thân, chỉ trước một người là Tín, vừa đi – vừa gặm cơm!
Đi được một phần ba đường về trại thì cơn mưa lớn ập đến. Đường trơn, lại trợt hơn. Lệnh của gã vệ binh đã cho biết lúc khời hành là “ các anh làm gì thì làm, về trại gạo ướt là sẽ bị phạt! “. Ai cũng lấy tấm vài ny lông đang khoát bao bọc thật kỹ quanh bao cát gạo. Đi dò dẫm, cẩn trọng, để khỏi bị té ngã – nhưng dù tốc độ chậm vậy mà Tín và Tiến cũng đã bị rớt lại một quãng chừng năm mét! ( Dường như Tiến muốn đi lè phè vậy để chờ Tín sao đó ? ) Thân cũng đã cảm thấy mỏi rã vì khớp xương vai đêm qua bị sưng nhức bởi bệnh thấp khớp mãn. Anh đi trước Tiến vài mét. Gã vệ binh theo toán đi trước, thỉnh thoảng chạy lùi lại la thét Tín và Tiến. Gã cầm chiếc roi mây quơ quơ – trông rất dễ ngán. Thân luôn quay lại nhìn, theo dõi Tiến và Tín mỗi khi nghe tiếng la thét của gã vệ binh trẻ ( có lẽ nhỏ tuổi hơn bọn học sinh đệ nhị cấp của Tín ). Thân đã nhìn thấy Tín rất khổ sở, đã gắng hết sức đổi vai liên tục trên một đoạn đường ngắn, nhưng có lẽ sẽ không chịu nổi hết hai phần ba đường còn lại.
Thân cắm cúi bước, nhìn xuống từng bước chân trơn trợt trên con đường lở lói, ngập bùn đất; chợt nghe tiếng roi “ tr …o ót..tr o ó t…” từ phía sau mình. Tín vừa bị nhận hai roi vì đã lùi xa Tiến mấy mét.
Tiếng mấy người đàn bà đang đi bên lề dường vọng lại thật to : “ Sao lại đánh người ta? “ - “ Không thấy ổng ấy kiệt sức rồi sao? ” - “ Hãy mở mắt ra xem kìa…”. Tiến la lớn : “ Cán bộ cho tôi với anh ấy khiêng chung được không? “. Không đợi gã vệ binh trả lời, Tiến tự dừng lại, chạy vội vào bìa rừng bẻ một cành cây, cột chung hai bao gạo vào cây – phần gạo nặng gần sát vai Tiến, Tín có thể đỡ hai tay – không cần đặt lên vai nếu vai đang bị đau. Thân đi chậm, chờ Tiến – nói nhỏ : “ Lúc nào cậu mỏi, thay phiên cho tôi ! “ – Tiến cười tỉnh bơ : “ Em dư sức qua cầu mà anh! “…
Cách nay hai năm – rất tình cờ, một buổi sáng sớm trước giờ ra sạp báo -Thân mở mail đọc thư bạn bè, người thân – bỗng có thư của Trần Tiến! Cậu ấy nói đã tìm kiếm bao năm, mới biết được địa chỉ email bèn gởi thử thư đầu tiên hỏi thăm. Nếu nhận dược, xin cho số phone để được trò chuyện dù đang ở xa ngàn dặm!
Thân vui mừng không ngờ gặp lại Tiến-lè-phè sau hơn ba mươi năm tưởng đã chôn sâu vào dĩ vãng mờ mịt tăm tối một thời. Anh trả lời thư Tiến ngay. Tối hôm ấy – điện thoại reo báo tin cuộc gọi. Lại không ngờ là của Tiến. Cậu ấy cho biết, sáng dậy vào mail đã “ gặp “ anh – bỏ buổi đi bộ trước giờ ra xe đi làm – gọi ngay cho Thân để được “ nghe tiếng nói của huynh trưởng có còn hơi hám như xưa không ? “. Thân đã nói chuyện đủ thứ trên đời với Tiến, hơn nửa giờ - bắt đầu bằng trả lời những câu hỏi của Tiến. và tiếp theo là nghe Tiến trả lời mấy câu “ phỏng vấn “ của Thân. Hơn ba mươi năm thăng trầm gian truân, nói sao cho vừa trong ngần ấy thời gian? Tiến hẹn sẽ mail khi đến sở. Và sẽ gọi tiếp lúc trở về…
Chiếc nhẫn đính hôn đã được Tiến cất dấu bao tháng có khắc đậm hai chữ “ T “ đã được đem đổi một ký café, nửa ký đường cát và hai gói Cotab nhưng người con gái nặng tình vẫn chờ đợi cậu ấy. Được ra trại – về quê, Tiến đã xin lễ cưới với nàng ngay tức khắc. Một năm sau, có thằng cu Tý đầu lòng. Và một năm sau nữa, là bay vèo một cái – rồi lù lù dẫn ba đứa con về thăm ông bà nội ngoại vào năm 2002. Tiến đang làm ở phòng điều hành lưu thông của thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Thảo – vợ Tiến là một dược sĩ. - chủ nhân một Drug – Store bề thế. Con trai trưởng đã tốt nghiệp bác sĩ. Hai cô con gái đang học năm cuối và năm 2 đại học. Tiến cũng cho biết, cậu con trai cũng rất…lè phè và ngang ngạnh như cua, dám bỏ ra cả năm lương để đổi lấy một bảng số đặc biệt cho chiếc xe đời mới của mình; “ Hello VN “. Còn riêng cậu – suốt ngày không uống thức gì nhiều – ngoài chất- nước đen- đen…
Sau một tháng “ gặp nhau “ qua mail và điện thoại – một hôm, Thân được người làm ở dịch vụ chuyển tiền thị xã mang đến nhà 500USD do Tiến gởi về với dòng nhắn kèm theo “ tặng anh món qùa nhỏ để anh Thân làm cái kiosque gỗ bán sách báo và văn phòng phẩm… “ .
Chiếc kiosque gỗ có thể tháo rời, lắp ráp dễ dàng khi dời địa điểm buôn bán đã được hoàn thành, gần hai năm rồi mà Tiến không phone và mail đều đặn như trước. Sau hơn bốn lần mail và sau đó – thỉnh thoảng lại mail thăm hỏi vẫn bặt tin – Thân đành im lặng. Không hiểu rõ vì nguyên do gì?
Sáng nay Tiến lại xuất hiện mà không báo trước…
- Cậu giận tôi chuyện gì mà hơn hai năm đành đoạn “ cắt đứt “ cái rẹt vậy? – Thân nhìn Tiến chờ đợi, có vẻ thích thú vì đã nói được điều ấm ức bấy lâu.
Tiến vội kéo áo ra khỏi quần, vạch lên – chỉ vào đường mổ thành vết sẹo dài từ giữa ngực xuống bụng – cười :
- Không phải anh mà vì cái này nè! – Tiến kể trước khi nghỉ hưu công ty cho tôi được khám sức khỏe tổng quát lần cuối , khi khám bác sĩ phát hiện tôi bị ung thư đại tràng, họ bắt gia đình ký vào cam đoan, nếu phẫu thuật xét nghiệm kỹ lần cuối mà bệnh chỉ mới phát triển giai đoạn đầu, họ sẽ cắt bỏ và bảo đảm dứt hẳn bệnh. Nhưng nếu đã vào giai đoạn một, có triệu chứng di căn lan rộng. họ sẽ may lại như cũ – không giải phẩu được…
- Rồi thế nào? Thân nhìn vết sẹo to. dài – nằm dọc giữa bụng – lo lắng.
- Cuối cùng…họ đã cắt bỏ được phần mầm bệnh! Tôi đã được…thoát chết sớm mà có thời gian về thăm anh và “ thăm lại chốn xưa “ như bao lần anh em mình mơ ước đây! Hà hà…trở về thăm anh đây nè!
Ngay buổi chiều hôm ấy Tiến và Thân đã cùng nhau nhảy lên xe ôm đến bến xe thị xã , “ thực hiện ước mơ “ đã từng ấp ủ : lấy vé Thuân Thảo về Tuy hòa, thăm lại miền rừng núi Sơn Hòa -Củng Sơn, nơi khu trại T53 ( và 51, 52, 54 ) đã dược dựng lên cho “ những tâm hồn lưu lạc ” có nơi gặp nhau, trú ngụ . Xe vào bến Tuy Hòa đã xế chiều. Lấy phòng trọ , tắm rửa, nghỉ ngơi một lát là Thân rủ Tiến cùng đi thăm vài người bạn văn một thời tuổi trẻ lang bạt, cũng là để nhìn ngó sự chạy đua đổi thay chóng mặt của khu phố nhỏ hiền lành yên vắng năm xưa …
Buổi sáng sớm, sau ly café hả hê ở quán Cây Phương, và tô bún cá đặc sản khó quên, cả hai đã vội lên taxi đến bến xe nội thành để kịp chuyến đầu ngày đi huyện lỵ Củng Sơn. Tuy đã lấy vé đi từ thành phố đến huyện lỵ, nhưng – cà hai đã dặn người tài xế cho xuống chặng đường đúng “ ngay con lộ dẫn vào T 53 ngày xưa “. Người lái xe sau phút ngạc nhiên liếc nhìn Thân và Tiến – gật đầu, giọng vui vẻ; “ Hai bác yên tâm! Tôi là người dân địa phương Củng Sơn mà! “.
Khi xe bắt đầu đi vào con đường giữa cánh rừng và đồi núi dẫn lên huyện lỵ - Thân và Tiến bổng nhiên im bặt; những mẫu chuyện nhắc kể đau buồn thuở xưa đã trở thành những tràng cười dòn thơ trẻ đã nhường lại cho nỗi tưởng nhớ ngậm ngùi. Cũng con đường này, cũng rừng núi nọ, cũng mây trời vời vợi xa xa – nhưng cuộc đời đã đổi thay bao điều lạ lẫm, chua xót! Bao người đã nằm xuống, bao người còn lênh đênh, bao người đang khốn khó bất hạnh và Tiến-lè-phè trẻ trung đã là một con người chững chạc, tóc hoa râm, vẫn chưa dứt nỗi sầu xa xứ quặn đau.
Cả hai đang mãi mê với nỗi tưởng nghĩ riêng, với những ghi nhận dâu bể đang hiện dần ra trước mắt sau ba mươi năm được trở lại; tiếng người tài xế vọng lên cùng lúc chiếc xe đang từ từ dừng lại bên đường. phía tay trái là con lộ nhỏ dẫn sâu vào khu rừng : “ Lối vào T 53 đây rồi! Mời hai bác… “.
Thân và Tiến vội vã xuống xe, sau lời cám ơn gã lái xe chịu chơi và cái cười thân tình cùng bà hành khách; cả hai như đã về tới quê nhà sau bao năm xa cách. Xe tiếp tục lao đi trong bụi đỏ, Tiến và Thân đến ngồi trên một mô đá dưới gốc cây dõi mắt trông vào con đường đã từng bao lần in dấu gian nan sâu hút phía trong giữa rừng cây yên vắng.
Tiến lấy gói thuốc từ áo khoát, thong thả bật quẹt – châm lửa, rít một hơi dài. Cậu chuyền gói thuốc cho Thân. Vẫn lặng lẽ.
- Anh Thân còn nhớ, hay có liên lạc được với quý vị cùng lán mình nhiều không nhỉ? – Tiến bỗng quay lại nhìn Thân cũng đang nhả khói – những điếu thuốc chờ đợi một đời người thật đằm thắm, ngọt ngào biết bao!
- Cậu còn nhớ ông Đình - giáo sư toán, thường xin thuốc uống không?
- Làm sao quên ông ấy dược!
- Chết lâu rồi!
- Thật sao?
- Ai dám nói chơi! – Thân nhếch cười, sau ngày về hai năm, ông ta đã chết…
- Sớm vậy à?
- Đôi lúc tôi nghĩ, ông ta chết sớm vì quá…sợ chết – Thân cười buồn – cọng với nỗi phiền muộn mọc rễ dày lan sâu trong lòng ông như khối u ác tính, không thể cắt bỏ!
Thân hút một hơi thuốc dài – thở khói, nhìn đám khói bay dạt lên cao – cười thoải mái : “ Cậu nhớ Tín loắt choắt thư sinh chứ? “.
- Ông này đã làm tôi suýt bị mấy roi mây của gã vệ binh – sao không nhớ?
- Đang ở Pháp…- Thân nhìn - Tiến đang lơ mơ ngước mặt lên bầu trời chói chang nắng như muốn tìm kiếm cái gì còn ẩn khuất đâu đó – Chắc cậu ấy sang Pháp hành nghề…chặt tre, cắt tranh gì đó?
Tiến chợt quay lại : “ Tôi quên nói với anh, tháng trước tay Hậu – “ sĩ quan tiếp liệu “ café, thuốc lá, đường cục, lương khô Trung quốc cho lán mình có tìm đến thăm tôi qua mấy người bạn T54 đang ở Cali đưa đến…”
Mặt trời chói nắng . Rừng cây lặng yên.
Bất giác – Thân thở dài: “ Chúng ta đi…”
Cả hai lững thững đếm bước vào con đường dẫn đến khu lán trại năm xưa, như hai kẻ thong dong – nhàn rỗi – thơ thẩn trở về quê nhà mà không có một bóng người ra đón…/.