Đặt Việt Nam ở vị trí “trung tâm của trung tâm” Đông Nam Á, Philippe Papin cho rằng con đường gia nhập ASEAN và tách dần khỏi Trung Quốc là cách để Việt Nam “tìm lại chính mình”. Xét một dân tộc qua bề dày quá khứ để lại trong ký ức là cách nhìn của sử gia người Pháp này, qua những “cấu trúc thừa hưởng từ quá khứ”. Thời gian làm việc ở Viện viễn đông bác cổ tại Hà Nội trong suốt thập niên 1990s còn giúp ông nhìn thấy thêm một vấn đề nội tại của dân tộc Việt Nam: “sự so le giữa thuyết ngôn của nhà cầm quyền với những cách ứng xử hoặc tư duy của đa số dân chúng”. Dù sách được xuất bản bằng tiếng Pháp từ năm 1999, dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Canada từ năm 2001, bản in mới nhất do NXB Giấy Vụn phát hành ở Việt Nam trong năm 2011 mới thực sự đến với giới trí thức Việt Nam và đem vào thêm một cách nhìn khác về dân tộc trên quĩ đạo (parcours) lịch sử. Cuốn sách từ lâu đã được đánh giá cao trong giới nghiên cứu Việt Nam từ Pháp và Canada, và đặt trong danh mục sách đọc cho sinh viên sử học biết tiếng Pháp.
Nếu người Pháp cuối thế kỷ 19 nhìn An Nam như mảnh đất nằm giữa hai nền văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ - IndoChina, thì nhà khoa học Pháp Philippne Papin cuối thế kỷ 20 nhìn Việt Nam qua “bộ mặt vẫn còn ghi đậm dấu vết của ba khu vực văn hóa lớn đã gặp nhau tại đây”, tức là thêm ảnh hưởng từ thế giới Mã Lai và đạo Islam. Thế nhưng bản thân mảnh đất trải dài đó cũng là một tập hợp của các thung lũng ít thông với nhau, mà “mỗi thung lũng là <một thế giới riêng>”. Địa hình “khảm dát” đó gây trở ngại cho sự thống nhất và bảo lưu các văn hóa địa phương, và là yếu tố “vô cùng quan trọng để hiểu lịch sử cư dân cũng như địa lý nhân văn của Việt Nam ngày nay”. Từ những đồng bằng nho nhỏ bị núi bao quanh, nước Việt Nam đã tạo dựng lãnh thổ qua những cuộc di dân: Nam tiến và Tây tiến, xóa khỏi bản đồ nước Chămpa và sáp nhập các vùng đất ở miền tây nam, đem mô hình Trung Quốc vào đặt cạnh mô hình bản địa trong sự đa dạng sắc tộc và phân chia Nam Bắc. “Thế giới thiểu số không phải là <ở bên cạnh> Việt Nam, không phải là một <Việt Nam khác> hay một Việt Nam <bên lề>, đó chính là Việt Nam, muôn màu muôn vẻ, một nước Việt Nam ta không dễ gì phân biệt tầng nền bản địa và những dân tộc khác đã đến và hòa nhập từ lâu đời”.
Với những di sản quá khứ và hệ quả từ cuộc chiến trong thế kỷ 20, những năm phát triển kinh tế sau đổi mới tạo ra một xã hội với dân số rất trẻ so với khu vực và thế giới, thiếu thốn nơi giải trí và gặp gỡ, “dễ gây nên những lối ứng xử thu về với chính mình, bạo động hoặc bất mãn rất dễ nhận ra” như đua xe và ma túy. “Để đạt các mục đích của mình, Nhà nước đã sử dụng đồng thời ba công cụ […]: tuyên truyền và chính sử, đảo ngược truyền thống và hệ thống giáo dục. [… C]ông thức <riêng mỗi nơi, một văn hóa hai mặt> đã thành công suốt năm thế kỷ.” Trong bối cảnh như vậy, việc lãnh đạo của Đảng trong thập niên 1990 tạo ra sự đảo lộn chính trị cho Việt Nam đương đại, mà ngay tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng phải tuyên bố với báo chí hồi tháng Một năm 1999 rằng “nguyên nhân chính của mọi trì trệ trong năm trước là sự vô hiệu hóa của bộ máy nhà nước”. Ví dụ của đảng viên và người có công cách mạng 71 tuổi Lê Thị Huyền - đăng trên báo Lao Động tháng 11 năm 1998 - được Philippe Papin đưa ra để minh họa “lời buộc tội của Đảng với các bất lực của Chính phủ, […] nhằm làm mất uy tín Nhà nước […và] nắm lại tình thế”. Các mặt trái có thể dẫn đến một “sự cáo chung cho một hệ thống kinh tế” như diễn giải được đưa ra trong chương 12 – chương cuối cùng của tập sách mỏng ngoài 200 trang.
Đến phần kết luận, Philippe Papin rời khỏi các phân tích chi tiết để quay lại cái nhìn tổng quan của một người đến “viếng thăm xứ này”, nhìn qua các tầng quá khứ bị hút vào cực Trung Hoa, bị làm thuộc địa Pháp, và ảnh hưởng từ khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu rồi phải tự bươn chải khi hệ thống sụp đổ và nay như là quay ngược lại. “Việt Nam từ nay hướng về một <Phương Nam> mới, phương Nam của Thái Lan, của Singapore, của Indonesia và của Malaysia”. Nội tại, từ “đề tài cấm kỵ suốt một thời gian dài vì đã bị người Việt tiêu diệt, giờ đây văn minh Chàm bắt đầu tái xuất hiện.” Câu hỏi đặt ra cho độc giả là trong một thập niên qua, từ sau ngày Philippe Papin đưa ra những tiên đoán về hành trình đương đại của Việt Nam, dân tộc này đã đi đến đâu theo trục tọa độ mà ông đã xây dựng?
VIETNAM: Parcours d’une nation của Philippe Papin được NXB La Documentation Francaise xuất bản ở Paris năm 1999 trong loạt sách Asie plurielle, tái bản trong loạt sách Belin năm 2003. Bản tiếng Việt do Nguyễn Khánh Long dịch và Thời Mới xuất bản ở Toronto năm 2001, NXB Giấy Vụn in và xuất bản tại Sài Gòn quí I/2011: