Soi phải đi biển dù anh mới khỏi bệnh, chưa mạnh hẳn. Anh bệnh hơn ba tháng, khiến cảnh nhà vốn cực khổ lại càng lún sâu vào khốn quẫn. Đễ – vợ anh – đi cuốc mướn gặt mướn chẳng kiếm được bao nhiêu. Nằm một chỗ nhìn vợ xuôi ngược anh không yên bụng, nhưng bất lực, chẳng biết làm gì. Đến lúc đứng dậy được, bước xuống chõng, đi chưa vững, anh đã tính việc lo tìm cái ăn. Anh tới nhà lão Ngại mượn tiền và lúa, chuẩn bị lương thực cho một chuyến đi biển dài ngày. Anh còn nợ của lão khá nhiều, lớp cũ lớp mới. Cả làng Bá Hà, hơn ba mươi nóc nhà, đều là con nợ của lão. Ai vay lão cũng cho, và ai cũng vui vẻ lúc vay, tới khi trả thì nửa mếu nửa khóc. Lão tính lời rất cao, cao ít thấy.
Làng Bá Hà này nằm trong xó núi, heo hút, nhưng lão Ngại là người giàu nhất vùng. Lão có tám chục con trâu, hơn trăm mẫu ruộng. Nhà lão là một tòa dinh thự đồ sộ, lộng lẫy, ở giữa làng. Lão sống trong đó với chín đứa con và khoảng hai chục đầy tớ, người ăn kẻ ở. Ba bà vợ lão đã qua đời từ lâu, cả ba đều chết trẻ, lúc chưa đến bốn mươi. Những cái chết ấy khó hiểu, mờ ám. Đàn bà sợ hãi, không ai lấy lão nữa. Họ sợ đến mức chẳng dám bước vào sân nhà lão. Sợ gì? Không ai giải thích rõ ràng, rành mạch được. Vì những điều đe dọa họ thực ra trước sau vẫn chỉ là những lời đồn thổi. Người ta nói chuyền tai nhau, thêm bớt, thừa đầu thiếu đuôi, như chuyện quỉ ma hiện giữa ban ngày. Nhưng nỗi sợ là có thực, và khá to lớn. Người làm công làm mướn cho lão Ngại đều là đàn ông con trai. Lão tức giận, nổi khùng. Lão chửi bới, nguyền rủa, căm ghét láng giềng, hàng xóm… Thiên hạ đồn gì để hại lão? Họ nói, ba bà vợ lão đã từ trần vì cùng một chứng bệnh: bệnh giường chiếu! Có ai đó bảo rằng bà vợ thứ ba của lão đã tiết lộ, lão là tay bạo dâm. Khi về sống với lão, thời gian đầu, trong nhiều năm, chị ta bị hành hạ tàn bạo, đêm ngủ không được bận quần áo. Lúc chị sinh nở, mới hai chục ngày, lão đã mò vào buồng, đòi “ăn nằm”. Chị xua đuổi, van xin mấy cũng không thoát. Chị đau yếu rề rề, kiệt lực do chuyện chăn gối. Khả năng ngủ nghê của lão Ngại “bạo liệt”, khác thường!… Sự việc có đúng như vậy không? Chị ta còn nói những gì? Thật khó đoán. Chị ta chết lúc 34 tuổi, sau hơn sáu năm sống với “lão ôn dịch”.
*
Giữa sân có khoảng chục người đang ăn cơm chiều. Đây là các tá điền và người làm mướn. Họ ở trần, chỉ mặc quần đùi, ngồi bệt dưới đất. Nồi niêu chén bát để trong cái nia lớn. Bốn con chó to nằm vây quanh, nhìn nia cơm lom lom. Lão Ngại ngồi uống trà trên thềm. Thấy Soi vào, lão hỏi ngay:
“Đến trả nợ phải không, anh bạn?”
Soi ngồi xuống bên cây cột, cạnh bàn nước.
“Dạ, chưa trả, cháu…”
“Không trả thì mượn chớ gì?”
Lão cười, cười thật to. Chuyện gì làm cho lão vui? Soi bối rối,chẳng biết phải nói điều nào trước.
“Mày mạnh rồi hẳn?”
“Dạ. Mới bớt hai bữa nay. Cháu định mai đi khơi… cháu sẽ ra đảo Khô, ở lại đấy chừng mươi hôm, nghe nói ngoài đó biển thuận… Mấy tháng nay cháu nằm một chỗ, nhà trống trơn, mắm muối gạo thóc hết sạch.”
“Tao có nghe, mày bịnh lâu.”
“Cháu qua mượn cậu Mười ít lúa và…”
Lão Ngại khoát tay lia lịa như đuổi muỗi.
“Không “và”! Có lúa đã là may. Để coi, mày còn thiếu bao nhiêu.”
Lão nhíu mày, đưa tay bóp trán. Động tác này giống như ta tra chìa khóa vào tủ. Ở đây tủ là cái đầu. Toàn bộ “dữ liệu”, tên tuổi, số lượng, năm tháng, lão Ngại đều cất vào đầu. Ngăn nắp, kỹ lưỡng. Lão nhớ rất tài. Không lẫn lộn, không thiếu sót. Chỉ cần bóp trán, trong giây lát lão sẽ thấy mọi thứ, sẽ đọc ra vanh vách hàng dãy hàng chuỗi con số, khiến cho đám con nợ khiếp hãi, nể phục.
“Đây rồi, nghe cho rõ.”
Lão đọc số lúa, số tiền, ngày mượn. Khá nhiều, tổng cộng bốn lần, lần lâu nhất đã ngót hai năm. Khó mà trả cho hết số nợ này.
“Đúng không?”
“Dạ đúng!”
“Nhiều quá, nay mượn nữa, làm sao trả?”
“Dạ, cháu sẽ trả hết” Soi nói, chắc nịch, để lão già tin tưởng.
Lão Ngại ngồi im lặng, uống liền hai chén trà, lim dim mắt như ngủ gật.
“Nhiều đứa tới đây vay mượn, vẫn dẻo mồm em em cháu cháu, cầu xin ngon ngọt, nhưng về đến nhà thì chửi tao ngay. Chúng gọi tao là thằng bất nhân, yêu quái hùm beo… Theo mày, tao ác đức, hay thương người?… Không có tao vô số thằng chết đói.”
Soi “dạ, dạ” như điểm nhịp cho lão nói.
“Rồi, bao giờ trả nợ cũ? Xong cái cũ, sẽ tính tới cái mới.”
“Dạ, cậu cho cháu hẹn ba tháng.”
Lão Ngại trợn tròn mắt.
“Cha ơi! Mày có phép gì… hay định đi ăn cướp?”
“Cháu sẽ làm đêm làm ngày. Cầu trời cho cháu mạnh lành hẳn…”
“Giỏi đấy, nghe qua tao đã phục” lão nói bằng giọng mỉa mai. Quay ra sân, lão gọi: “Thằng Chim đâu.”
Một thằng bé ngồi trong tốp người ăn cơm, dạ lớn, chạy tới. Nó chừng mười lăm tuổi, đen sạm.
“Nói cho anh Soi đây nghe, mày ở với ông mấy năm rồi?”
“Dạ, bốn năm.”
“Ông trả công cho mày bao nhiêu?”
“Dạ, hai con nghé trâu.”
“Còn gì nữa?”
“Gạo, nón mũ, quần áo.”
“Mày sẽ ở đến chừng nào?”
“Dạ, tới già!… Ông nói, khi cháu lớn ông sẽ cưới vợ cho, và cho mượn tiền để cất nhà!”
Xua thằng bé đi, lão Ngại cười hê hê.
“Mày nghe tận tai rồi đấy. Tao thương những đứa siêng năng, hiền lành, thiệt thà…”
Soi lúng túng, hết nhìn ra cổng lại nhìn xuống chân.
“Nhưng cái gì cũng có giới hạn, đẹp người, đẹp ta… Tao đâu phải thánh, lấy của đâu tao nuôi cả cái làng rách rưới này… Nghĩ lại đi, mày có thể trả xong nợ không? Nói ba tháng là nói lấy được… Đừng cãi, tao bằng tuổi cha mày mà!”
Lão Ngại làm cao. Lão thích nghe người ta tâng bốc mình. Đợi cho Soi xuống giọng năn nỉ, than thở hồi lâu, lão phán gọn:
“Thôi được, cho mày mượn thêm ba giạ, nhưng tiền thì không.”
Soi đón bao lúa từ tay thằng Chim, bước xuống sân. Lão Ngại tới gần, nói nhỏ:
“Có cách này giúp mày trả nợ. Mày cho con Đễ tới đây làm phụ việc bếp núc cho cậu, sáu tháng… Chỉ sáu tháng cậu Mười sẽ xóa hết nợ.”
Soi hoảng sợ. Anh tưởng mình nghe lầm. Đễ sẽ chui vào cái hầm u ám này sống chung với lão cọp?
“Sao, được không? Chỉ toàn việc nhẹ thôi. Lo cơm nước cho đám tay cày, và giặt giũ chút ít cho lũ nhỏ.”
Soi sợ cứng miệng, anh quay đi, không nói một lời.
Vác bao lúa ra khỏi nhà lão trọc phú, Soi đi một mạch đến đầu dốc Cát. Anh dừng lại bên gốc cây cầy, nghỉ chân. “Đúng là con cáo nhiều mưu mẹo. Lão ta nói một đằng làm một nẻo. Nhưng khi còn túng quẫn thì mình vẫn còn phải nằm gần móng vuốt của lão… Nghèo khổ là đau xót, nhọc nhằn, cay cực. Có nên kể chuyện này cho Đễ biết không? Chắc phải kể. Để nàng hiểu rõ, tìm cách chống đỡ, đề phòng.”… Chỉ vác chừng này lúa mà Soi thấy mệt, chân run, mồ hôi ướt áo. Anh chưa mạnh. Nhưng anh phải đi làm, gắng vượt qua cái khó.
Chợt Soi thấy đằng xa có người cắm đầu chạy. Tướng thằng Chim. Đúng là Chim. Tới nơi, nó mệt, thở hồng hộc. Nó đưa cho Soi một gói nhỏ bọc bằng vải nâu.
“Tiền đây!” Không đợi Soi hỏi, nó giải thích: “Tiền của ông Mười cho anh mượn. Ông nói lúc nào trả cũng được.”
*
Đã hơn ba tháng nhưng Soi vẫn chưa về. Thời gian đầu Đễ bồn chồn, trông ngóng, sau đó chị buồn rầu, lo sợ. Chị nhờ người thân dò tìm giùm, nhưng không thu được một tin nào tươi sáng. Chẳng ai gặp Soi trên đảo Khô, cũng như trên các bến bãi, vũng vịnh trong vùng. Ai cũng nói, chắc anh gặp nạn giữa biển rồi. Chỉ có Đễ nghĩ rằng anh chưa chết. Anh sẽ trở về. Con người hiền hậu, thương vợ thương con như thế không thể chết được.
Cuộc sống của mẹ con chị còn bị lão Ngại xen vào quấy tung lên. Lão đến nhiều lần, nói phải nói trái, dỗ dành ngon ngọt. Lão vẽ ra cho chị thấy, chỉ lão mới có đủ sức giúp chị thoát khỏi cảnh bần cùng. Đến ở với lão chị sẽ giũ sạch nợ nần, và có tất cả những gì chị muốn.
Lần thứ tư – lần sau cùng – lão Ngại đến vào khoảng đầu canh hai. Đễ không dám mở cửa. Lão già ngồi chóc ngóc ngoài thềm, nói chõ vào:
“Cháu rất may mắn, biết không. Ở vùng này cậu chưa hề cầu cạnh ai… Thường thì thiên hạ kéo tới chầu chực trước ngõ nhà cậu hàng đàn.”
“Cháu biết.”
“Mọi người đều nói thằng Soi chết rồi… nó đã tan vào biển xanh.”
“Dạ, ảnh sẽ về.”
“Về thế nào… đã gần bốn tháng!”
“Ảnh tốt, thương vợ con, thương cô bác anh em… không thể chết được.”
“Người tốt chết sống khác người thường?”
“Họ không chết trẻ, chết thảm.”
Lão Ngại cười.
“Tốt, xấu, giàu, nghèo đều chết cả… Điều cay nghiệt của đời sống nằm ở đó. Kẻ xấu có thể gặp rủi ro, người tốt cũng vậy.”
Thằng nhỏ nằm trên chõng trở mình, khóc mớ. Gió thổi ù ù như muốn tăng thêm độ giá lạnh quạnh quẽ cho đêm quê.
“Chừng nào ta sờ được mặt trăng kia thằng Soi mới về.”
“Cháu khấn cầu ngày đêm…”
Lão Ngại thở hắt rõ to.
“Cứ ngồi đó mà chờ trời cao ban phước… Sống lâu rồi cháu sẽ thấy, nhiều lúc ta tìm đỏ mắt cũng chẳng gặp gã Trời!… Cháu có quyền ước mơ, nhưng chớ nên khâu sẵn cái túi để chực hốt vàng bạc của bà tiên chiêm bao!” Nghỉ giây lát, lão đổi giọng: “Nhìn kỹ mà xem, cả xứ này ai rộng rãi như cậu? Nhưng lòng tốt cũng có mức độ… Hãy nghe cho rõ, món nợ của nhà mày rất lớn, kéo dây dưa quá lâu, hơn hai năm rồi. Thằng Soi hứa trong vòng ba tháng sẽ trả. Nay đã đáo hạn… Nếu mày không đến ở trừ nợ thì cậu Mười đây sẽ thu hết giường chiếu lu hũ gà qué, và xiết nhà. Chúng mày chỉ có cái nhà rách này đáng giá. Mất nhà, thử hỏi mẹ con mày rúc vào đâu?”
Nói xong, lão ho, khạc nhổ ầm ĩ, đứng phắt dậy, đi về. Chị đàn bà khốn khổ buồn đau, khóc vùi… Rạng sáng, chị dậy sớm, bịn rịn rời bỏ căn nhà nhỏ thân quen, bồng con đi ra biển.
*
Chị đứng đó, câm lặng, trơ trọi giữa đất trời quạnh hiu. Thằng bé chị bồng trên tay đã hóa đá. Phần lớn cơ thể chị – từ cổ trở xuống – cũng đã thành đá. Vậy là mọi sự mong chờ bỗng chốc tan biến. Cứ tưởng như chị đứng đây đã ngàn năm, hay từ thời khai thiên lập địa… Sau những ngày dông gió, biển trở lại hiền hòa. Trời quang mây, sáng rỡ, trông như cao hơn trước. Biển lặng, nước xanh lơ, khó thấy một gợn sóng. Ngoài xa ghe thuyền qua lại giăng mắc, nhưng chúng chỉ đi theo hai hướng, ra vô, nam bắc, không chiếc nào hướng mũi thẳng vào đây – phía mặt trời lặn – vào cái bến khuất nẻo này. Còn lại cái đầu da thịt, chị vẫn nghe và thấy, vẫn ngóng nhìn ra khơi. Chắc là Soi đã gặp bão dông, ghe chìm giữa vời, chẳng ra đến hòn Khô… Đêm cuối cùng anh chị không ngủ, thức trắng với nhau, thì thầm trò chuyện như những ngày mới quen thuở xưa. Soi nói, anh không muốn mượn tiền, lúa của lão Ngại, bởi anh biết rõ tâm địa, đọc được ý đồ của lão. Dân làng đều biết chân tướng lão. Lão giăng ra một cái bẫy, bao lúa gói tiền là tấm lưới. Rồi lão sẽ mai phục, rình mò tại một góc ruộng nào đấy, chờ con mồi lơ ngơ đến nạp mạng… Anh dặn, chị đừng đến ngôi nhà hắc ám đó, không nhận bất cứ thứ gì của lão đưa tặng. Chắc chắn lão sẽ dùng các trò trí trá, các đòn phép mập mờ để quyến rũ, lừa gạt. Đó là những hũ mật ướp thuốc độc. Anh sẽ cố gắng làm lụng để trả nợ. Thời trẻ ai cũng khổ cực, nhưng rồi sẽ qua đi. Anh tin vào trời Phật, thần thánh, tin vận may sẽ đến với mình… Ai ngờ đây là đêm chia ly. Soi hôn lên tóc, lên trán con. Anh cầm đôi tay nhỏ nhắn của nó. Anh hôn hai má vợ tới tấp. Chị khóc. Mới gượng ngồi dậy được có ba ngày, ăn cơm còn đắng miệng, mà anh phải đi khơi!
Mặt trời lặn. Những vệt nắng yếu ớt, mờ nhạt trên biển vụt tắt. Có thể đây là ngày cuối cùng của chị. Tối nay chắc đầu chị sẽ thành đá. Chấm dứt chuỗi ngày khắc khoải đợi mong… Trời dịu mát, nước biển chuyển sang màu xanh sậm. Chợt nơi đường chân trời xa tít xuất hiện một chấm đen nhỏ. Nó di động, lớn dần. Lát sau đã có thể thấy rõ, một cánh buồm. Chị nhìn nó chăm chú, dù không còn biết mừng… Chiếc ghe đến gần hơn. Đúng là nó chạy thẳng về cái bến nhỏ này… Ghe ai về? Bóng đêm úp chụp xuống gành đá, phủ trùm pho tượng vô tri! ./.