Sông Côn mùa lũ là cuốn sách viết về phong trào Tây Sơn từ lúc khởi đầu đến khi vua Quang Trung băng hà, đấy là thời kỳ ngắn ngủi và bi tráng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khi tiểu thuyết lấy lịch sử làm đề tài thường nặng về cấu trúc vĩ mô nên mang đậm cảm hứng sử thi. Cũng ở đề tài này nhưng Sông Côn mùa lũ tìm được “dòng riêng giữa nguồn chung” ở chỗ “nó không bị những cái lớn lấn át”. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác “không mô tả các trận đánh được coi là chói sáng nhất, đáng tự hào nhất của thời kỳ này, ông viết về nhân sinh, nhân thế bằng sự hiện diện sống động của các nhân vật lịch sử, các nhân vật hư cấu” (Lê Hoài Lương), tức là nhà văn quan tâm đến cái “vi mô”, “thế sự”, qua đó để làm bật nổi bản chất của cái “vĩ mô”. Vì thế, Sông Côn mùa lũ thiên về cảm hứng nhân đạo, “có thể xem cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa là cảm hứng chính trong tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ” (Phan Cự Đệ). Trong cuốn tiểu thuyết này có hàng loạt các chủ đề nhỏ như tình yêu, tình bạn, tình thầy trò, người phụ nữ, người trí thức, người nghệ sĩ, người anh hùng… Từ những chủ đề nhỏ này, nhà văn tô đậm một chủ đề lớn bao trùm toàn tác phẩm: thân phận con người trong loạn lạc chiến tranh.
Như vậy, để làm bật nổi về một chủ đề, trong cuốn tiểu thuyết của mình, Nguyễn Mộng Giác đã sử dụng thủ pháp lặp lại. Bằng hình thức này, tác giả cố định trong lòng người đọc về một hình ảnh, một sự việc nào đó nhằm gợi sự liên tưởng đến một chủ đề mà nhà văn hướng tới. Trong một cuốn tiểu thuyết trường thiên lịch sử đa chủ đề, nhiều sự kiện dễ làm người đọc phân tán thì cách thức lặp lại vừa xoáy được vào chủ đề, vừa tạo được những điểm nhấn thẩm mĩ cần thiết cho một tác phẩm nghệ thuật, làm cho nó khác với một cuốn sách lịch sử.
Trước hết, để làm nổi bật chủ đề về thân phận người phụ nữ trong thời tao loạn, Nguyễn Mộng Giác đã đi vào khai thác thế giới tâm trạng, tình cảm của các nhân vật nữ: An, Ngọc Hân, Thọ Hương trong đêm hợp cẩn. Đối với người phụ nữ, thế giới của họ là gia đình, chồng và con cái. Hạnh phúc của họ chỉ đơn giản là “vợ chồng thương yêu nhau, con cái ngoan ngoãn, đủ ăn đủ mặc”, một thứ hạnh phúc bình dị, đời thường, thực tế. Cho nên, trong cuộc đời của người phụ nữ, lấy chồng là một việc hệ trọng, đám cưới là một sự kiện thiêng liêng, sinh con đẻ cái là một việc vĩ đại. Vì thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào, đám cưới được xem là một kĩ niệm lớn lao, không thể quên trong cuộc đời một người phụ nữ. Với An, “ có lẽ trong cuộc đời dài, không bao giờ An có những kĩ niệm xót xa và đáng chán cho bằng kĩ niệm ngày cưới”. “Những đêm tân hôn của An chậm chạp trôi qua trong nỗi thao thức, xót xa, trong mớ bòng bong của những câu hỏi không có giải đáp”. Đối với Thọ Hương, mặc dù đã nhiều lần tâm sự về chuyện chăn gối vợ chồng với An nhưng những gì xảy ra trong đêm hợp cẩn vẫn là điều cô không thể ngờ tới. Đêm tân hôn, Đông cung tìm cớ ra ngủ riêng để người vợ trẻ khóc trong nỗi hờn tủi bi thiết. Điều ám ảnh Thọ Hương nhất là nỗi sợ hãi khi phải trở về “căn phòng lạnh lẽo” đó. Cũng như với An và Thọ Hương, công chúa Ngọc Hân nhớ về đêm hợp cẩn như một kĩ niệm khó quên. Người vợ trẻ “ xúc động đến nghẹt thở, hoang mang, lúng túng”, “khuôn mặt sượng sùng, thảng thốt” trước ánh nhìn cuồng nộ đam mê của vị danh tướng vừa làm đảo lộn cả Bắc hà. Như vậy, cả ba người phụ nữ trong truyện tuy có nguồn gốc xuất thân khác nhau song cuộc hôn nhân của họ giống nhau ở chỗ đều là những nước cờ chính trị. Cả ba người con gái lấy chồng đều trong tình thế bị động, đều bất hạnh như nhau. Lợi, chồng An bị Tây Sơn giết vì tội mưu phản. Đông cung Nguyễn Phúc Dương, chồng Thọ Hương cũng bị Tây Sơn giết vì không quy phục. Ngọc Hân tuy tìm được ý trung nhân song sống một nơi xa lạ về văn hoá cũng cảm thấy lạc lõng: “tôi vào đây như vào xứ lạ, Chúa công đa đoan công việc, chỉ còn niềm vui được đùa giỡn với con”, lại luôn nơm nớp lo sợ thế lực của Bùi hoàng hậu. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác miêu tả trùng lặp tâm trạng của ba cô dâu sau đêm hợp cẩn với những lo âu, hồi hộp, căng thẳng, với những khát khao thầm kín, những thổn thức trong lòng trong bối cảnh thời loạn có ý nghĩa tô đậm bi kịch của họ. Thời loạn, thân phận người phụ nữ thật thảm thương, hôn nhân của họ là món hàng trao đổi chính trị, họ bị động, hạnh phúc luôn ngoài tầm tay. Họ sống đời sống vợ chồng không phải cho chính bản thân họ mà cho sự tồn vong của một triều đại, một quốc gia. Từ Sông Côn mùa lũ, người đọc được thấu suốt về nỗi bơ vơ của thân phận người phụ nữ trước bề dày lao đao bấp bênh của lịch sử. Cho nên, là một tiểu thuyết lịch sử, nhà văn không nhằm nói về sử mà mở ra từ vùng mờ của sử những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Ngoài ra, trong tác phẩm của mình, để làm nổi bật chủ đề tình yêu trong chiến tranh, Nguyễn Mộng Giác còn tập trung miêu tả tâm trạng của hai nhân vật An và Huệ khi nhớ về mối tình đầu. Kĩ niệm mà Huệ và An nhớ nhất là “cái rụt tay” của An khi Huệ nắm lấy. Khi từ giã Kiên thành chạy trốn lên Tây Sơn thượng, Huệ thấy mối quan hệ giữa mọi người với gia đình mình đã đổi khác, lời lẽ trang trọng, xa cách, e dè, vị nể hơn. Cho nên khi gặp An, trước câu hỏi đường đột, tự nhiên, gần gũi của An: “Chuyện hồi sáng, tại sao phải làm vậy?”, Huệ bỗng nhớ lại cái đêm ấy, “cái đêm An rụt tay về và lí nhí bảo: “Đừng, anh Huệ!”, chưa có dịp nào để An và Huệ đứng riêng với nhau để nói một câu vu vơ, riêng tư”... Còn An, trong lần hồi hương, Huệ đến thăm hai chị em, đêm đó, một mình An thao thức, trăn trở khi phải “đối diện với cái sự thực nồng nàn nhưng hứa hẹn bao nhiêu khốn khổ xao động này”, An nhớ lại một mớ những kĩ niệm giữa hai người: “Đây là chỗ anh ngồi nghe cha giảng sách, đây là chỗ anh bắt gặp em đang thổi lửa nấu cháo cho Lãng, đây là chỗ em ngại ngùng bảo “Đừng, anh Huệ ạ”…”. Những lúc cô đơn, thèm khát được chia sẻ, được hoà đồng, được yêu thương, cả Huệ và An nhớ về kĩ niệm ấy như tìm lấy hơi ấm, tìm lấy một chỗ dựa tình cảm trước những phút chông chênh của cõi lòng. Ngày đưa tang vua Quang Trung, An hoà vào dòng người đưa tiễn, “thì thầm nhắc lại một trận bão rừng, chuyện hiểu lầm chung quanh cây gạo, tập thơ Đỗ Phủ, đêm ngập ngừng bảo nhỏ: “đừng, anh Huệ ạ!”… như lời chia sẻ về một mối tình, một nỗi đau trong tuyệt vọng.
Cả hai nhân vật Huệ và An đều có sự trùng lặp về tâm trạng, đó là tâm trạng yêu thương, xót xa, tiếc nuối, tủi hờn khi nhớ về kĩ niệm của mối tình đầu. Thủ pháp nghệ thuật này đã làm nổi bật bi kịch về tình yêu đôi trai tài gái sắc An - Huệ giữa một “mùa lũ” của lịch sử dân tộc mà họ chính là nạn nhân. Qua đó, nhà văn còn muốn nói về những khát vọng vĩnh cửu, rất nhân văn của con người là khát vọng về tình yêu. Đặc biệt trong thời loạn, khát vọng đó làm cho con người vốn đã chịu bao tai hoạ càng trở nên đáng thương hơn.
Ngoài việc tập trung làm nổi bật các chủ đề về bi kịch của người phụ nữ, bi kịch của tình yêu, nhà văn Nguyễn Mộng Giác còn đi sâu vào bi kịch của người trí thức trong thời loạn. Trong tác phẩm, hai nhân vật giáo Hiến và Nguyễn Huệ thường “gặp nhau” trong kĩ niệm “những đêm canh lúa” thưở hàn vi. Những năm đói kém, dân tứ xứ đổ về An Thái tuốt lúa trộm, chủ ruộng phải ra ngủ ngay tại các khu canh tác để giữ lúa. “Huệ không thể đứng ngoài nhìn, tình nguyện chia sẻ nỗi vất vả của gia đình thầy. Cho nên nhiều đêm, bên con cúi rơm ngún khói toả ánh sáng âm ỉ giữa đồng, hai thầy trò ngồi bên nhau tìm quên gió lạnh và tránh né giấc ngủ bằng cách luận bàn lan man về đủ mọi đề tài. Cuộc bàn luận không có khởi điểm cũng không nhằm đi đến một kết điểm. Giữa đêm đen mênh mông, với chút ánh sáng thơm mùi rạ mới, nhờ cùng nhau gìn giữ cho sự sống tối cần thiết, mà hai thầy trò đã vứt bỏ được những ràng buộc lễ nghi, những câu thúc của hình thức, những môi miếng giả dối thường thấy ở chỗ có ánh sáng và tiếng ồn ào đôi co”. Những buổi học đó, tình thầy trò thật đậm đà, không hề vương luỵ chút bụi đời. Từ khi ông giáo trốn nạn lên Tây Sơn thượng, được anh em Huệ bao bọc, chở che, lại thấy sự trưởng thành từng ngày của người học trò yêu, ông không khỏi “ngỡ ngàng”, “tiếc nuối”, “ông vừa hãnh diện vì Huệ, đồng thời với thất vọng”. Cho nên những lúc ông giáo cảm thấy mình đuối sức, lạc lõng trước hoàn cảnh mới, những lúc thiếu tự tin thì kĩ niệm “những đêm canh lúa bên ánh con cúi leo lét giữa đồng khuya” ùa về vừa giúp ông bớt nỗi cô đơn vừa như một điểm tựa để ông hi vọng về sự nối kết với cuộc sống hiện tại. Cho đến khi ông giáo thực sự bị hất sang lề, “cảm thấy lạc loài giữa mọi người”, ông tìm đến sách, nhìn thấy tập thơ Đỗ Phủ mà Huệ tặng cho con gái mình ở trên giá, “một niềm hân hoan pha chút hãnh diện tràn ngập lòng ông”, ông nhớ lại kĩ niệm “những đêm thức khuya canh lúa trên gò Miễu”. Như vậy, đối với ông giáo, kĩ niệm “những đêm canh lúa” được lặp đi lặp lại gắn với nỗi nuối tiếc, xót xa của một người thầy khi mối quan hệ thầy trò tốt đẹp dần dần rạn nứt, đứa học trò mà ông yêu quý ngày càng vượt quá xa để ông bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời.
Riêng đối với Nguyễn Huệ, “những đêm canh lúa” cũng là một kĩ niệm khó quên trong cuộc đời. Khi bị Nhạc trách cứ vì tự chuyên đưa quân xuống An Thái, Huệ ngẫm lại động cơ thúc đẩy mình hành động, đó là những kĩ niệm ngọt ngào trong đó có “ánh đuốc canh lúa lập loè”. Tuy là những hình ảnh “mờ nhạt, tầm thường” nhưng với Huệ, nó tạo thành một thứ sức mạnh tiềm ẩn và biểu hiện dưới những hình thức khác nhau, không khỏi nhiều lúc nó chi phối hành động của Huệ một cách vô thức.
Như vậy, cùng một kĩ niệm “những đêm canh lúa” nhưng cả ông giáo và Huệ đều nhiều lần nhớ đến, cách thức trùng lặp này cũng góp phần làm nổi bật thế giới nội tâm phong phú và cao đẹp của cả hai nhân vật. Mặt khác, nó tô đậm bi kịch của người nho sĩ trong thời loạn. Những kĩ niệm thầy trò đẹp đẽ đó thường được nhắc đến trong tiếng thở dài tiếc nuối, khi quan hệ thầy trò bị li gián bởi những toan tính chính trị.
Cũng nhằm tô đậm chủ đề về con người cá nhân trong mối quan hệ với lịch sử, với dân tộc, sự việc “hành kinh” cũng được lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối truyện. Đây là một sự việc trùng hợp ngẫu nhiên song nó có ý nghĩa sâu sắc về mặt nghệ thuật.
Ngày mẹ mất, An có kinh lần đầu, cô đã mất đi tuổi thơ, cũng có nghĩa là mất đi những tháng ngày bình yên để bước vào một cuộc đời đầy sóng gió. “Cái chết của bà giáo và kinh nghiệm một đêm có kinh nguyệt lần đầu đã quá đủ để tạo nên một vết đau buốt đến tê dại lên tâm hồn cô bé”. Cũng từ đây, đất nước lại bước vào mùa “bão lũ”. Nỗi lo âu, sợ hãi của An được lặp lại ở Thái - con gái của An. Thái cũng mất đi tuổi thơ bình yên đúng vào lúc hoàng đế Quang Trung qua đời. Cuộc đời của An được lặp lại ở Thái, cảnh sóng gió lại bắt đầu phủ trùm lên cuộc đời của một thiếu nữ. Phải chăng, lịch sử lại lặp lại, Nguyễn Huệ mất đi, một mùa “bão lũ” mới lại bắt đầu. Những cuộc đời lại dập dềnh nổi trôi trên dòng chảy điên cuồng của lịch sử khi đất nước bước vào chặng “hành kinh” mới.
Trong tiểu thuyết lịch sử, quyền lực cũng là một chủ đề luôn được nói đến. Con người tạo ra quyền lực nhưng cũng dễ bị quyền lực làm cho tha hoá. Trong Sông Côn mùa lũ, Vở tuồng chàng Lía được lặp lại nhiều lần để làm nổi bật chủ đề này. Vở tuồng chàng Lía gắn với chiến công đầu tiên chống quân Xiêm và chiến công cuối cùng chống quân Thanh của người anh hùng Nguyễn Huệ. Chính Huệ gợi ý cho Lãng “lấy chuyện chú Lía mà soạn một vở tuồng, đem diễn cho dân Quy Nhơn xem”. Sau chiến thắng quân Xiêm lẫy lừng trở về, Nguyễn Huệ náo nức xin anh cho diễn vở tuồng chàng Lía trong lễ khao quân ở đầm Thị Nại. Vở tuồng đang diễn giữa chừng thì Nhạc có lệnh cấm. Huệ thắc mắc: “Tại sao chúng ta giống chàng Lía mà lại sợ chàng Lía? Ta sợ cái gì? Chẳng lẽ ta trở thành bọn tham quan bị dân nghèo chán ghét nên phải sợ bóng sợ gió, không dám nhắc đến tên một dân nghèo khởi loạn chống triều đình?”. Tâm hồn trong sáng, lý tưởng cao đẹp, tấm lòng thành thực của Huệ được bộc lộ trọn vẹn qua lời nói và thái độ của Huệ khi chất vấn vua anh.
Vở tuồng chàng Lía được lặp lại một lần nữa sau chiến công vang dội đánh quân Thanh của vua Quang Trung. Chuẩn bị cho buổi lễ khao quân thật lớn và cũng để chinh phục kẻ sĩ Bắc hà, Lãng rụt rè đề nghị nhà vua cho diễn vở tuồng chàng Lía. “ Đột nhiên vua Quang Trung sa sầm nét mặt. Giọng nhà vua gắt gỏng: - Cậu nói gì thế? Gian khổ lặn lội ra tận chốn văn vật nghìn năm này, chẳng lẽ…”. Thấy nét mặt vua Quang Trung vẫn còn vẻ bực dọc (…) Lãng không giấu được vẻ sượng sùng hối tiếc”.
Lúc đầu vua anh cấm diễn vở tuồng chàng Lía thì lần này chính Nguyễn Huệ ra lệnh cấm. Phải chăng qua kinh nghiệm thực tiễn đến bây giờ Huệ mới thực sự bị thuyết phục: “Lời hát, tiếng trống, tiếng đàn cũng mạnh như mũi tên mũi giáo, chứ không phải đùa. Không phải không có lý khi từ xưa đến nay, các triều đình chỉ cho hát tuồng ca ngợi tôi trung, con hiếu, vợ hiền, nghĩa là ca tụng sự ngoan ngoãn, phục tùng. Không có ông vua nào dại dột ca tụng những tên nổi loạn”. Sự lặp lại vở tuồng chàng Lía cho thấy một có một sự phát triển trong tâm lý, tính cách nhân vật Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ không còn giữ được phẩm chất của một người anh hùng áo vải ban đầu nữa. Bây giờ nhân vật Nguyễn Huệ lại trở thành mẫu người đại diện cho giai cấp thống trị bằng mọi cách giữ lấy vị trí thống trị và bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình bằng thứ uy quyền tuyệt đối có trong tay. Cho nên sau lần gặp đó cho đến lúc qua đời, Nguyễn Huệ không còn gặp Lãng nữa, cũng không hề biết rằng người thư ký trung thành, người bạn tri âm tri kỷ trong những ngày gian khó chỉ vì tờ chiếu của ông ban ra mà trở thành kẻ vô gia cư bị triều đình tróc nã, truy đuổi.
Qua thái độ của Nguyễn Huệ với vở tuồng chàng Lía, tác giả gieo vào lòng người đọc bao trăn trở về những được mất của con người, về tính cách của một dân tộc và bản chất của lịch sử.
Như vậy, với một sự việc được trùng lặp, lặp lại và được phối xen từ đầu đến cuối truyện, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã tung hứng rất khéo léo gây một khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc. Mặt khác bằng cách đó, tác giả đã tạo nên sự mạch lạc của cốt truyện và góp phần tô đậm các chủ đề nhỏ trong tác phẩm. Do đó, tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ hấp dẫn người đọc không phải ở những cái lớn lao của những sự kiện, của các danh nhân, anh hùng mà toàn những chuyện bên lề của sử. “Ngòi bút của Nguyễn Mộng Giác chỉ phát huy hết sự tinh tế khi dừng lại ở những bức tranh nho nhỏ và tội nghiệp như thế” (Nguyễn Hưng Quốc)./.
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Quý Bích (2008), “Về nhân vật lịch sử trong văn chương hiện đại”, Báo Văn nghệ số 36.
2. Phan Cự Đệ (2006), Tuyển tập (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Nguyễn Mộng Giác (2003), Sông Côn mùa lũ, Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hà Nội.
4. Nguyễn Khắc Phê (2000), “Sông Côn mùa lũ - một cuốn tiểu thuyết công phu”, Tạp chí Sông Hương (134), tr. 87-89.
5. Trần Cao Sơn (2007), “Quang Trung - Nguyễn Huệ dưới một cách nhìn toàn diện”, Tạp chí Nhà văn (2), tr. 131-143.