Đám tù chúng tôi chịu đói, khát suốt một ngày đêm, gần như lả đi, nên khi em bé vừa mang tiền đi khỏi, lòng chúng tôi rộn lên niềm vui như sắp được đi dự liên hoan, nhưng đồng thời sự chờ đợi cũng căng thẳng ngay những giây phút đầu. Một niềm vui quá độ khiến nhiều người trong chúng tôi làm những cử chỉ lố bịch. Họ nói những câu vô nghĩa, rời rạc. Họ chọc ghẹo nhau như những đứa trẻ không kìm hãm được khỏi bộc lộ niềm vui bằng cách la hét hay nhảy múa khi được người lớn hứa cho quà. Nếu xét hoàn cảnh thực tế thì niềm vui đó hết sức thảm hại. Chúng tôi là những đào binh ngoài mặt trận bị bắt đưa về quân lao giam và chờ ngày ra tòa lãnh án lao công chiến trường. Từng cặp, tay bị còng dính lại với nhau, chen chúc trong căn phòng nồng nặc hơi người đã lâu chưa được tắm, đang đói khát. Vậy mà chỉ vừa mới nhận được một lời hứa, có thể là suông thôi, chúng tôi đã quên hết cảnh ngộ bi thảm hiện tại. Chúng tôi vui vì đang thưởng thức trong tưởng tượng hương vị của những gói quà nhỏ em bé sắp mang về: bánh mì kẹp thịt, xôi nếp đậu xanh, bánh bao nóng, những điếu thuốc lá thơm... Trong tưởng tượng phong phú đến sinh ra ảo giác, từng gói xôi, ổ bánh mì, từng cái bánh bao hiện ra rõ ràng trước mắt, tưởng chừng giơ tay ra nắm bắt được ngay làm cho nước miếng ứa ra đầy miệng, không kịp nuốt.
Em bé đúng là một thiên sứ đã đến cứu vớt chúng tôi trong hoàn cảnh khắc khe. Nhưng rồi em bé đi mãi, không thấy trở lại. Thời gian của những người đói chờ cơm vời vợi trong từng giây phút, đối với chúng tôi phải nhân lên nhiều lần.
Nửa giờ. Rồi một giờ trôi qua!
Đến một lúc, không dây dưa, ranh giới mỏng manh giữa hy vọng và tuyệt vọng đã bị xóa, một cách tàn nhẫn. Vẻ ngời sáng trong mắt họ tắt phụt. Nước miếng đang dồn dập tiết ra trong miệng ngưng lại, quánh đặc, trở nên đắng chát khô khốc như miệng người chết khát. Một tình cảm nào đó trong họ vừa đổ vỡ. Những gói xôi, ổ bánh mì trở thành than đen. Anh sáng bao quanh em bé biến mất, đôi cánh trắng rụng xuống.
- ĐM! Gặp điếm rồi anh em ơi! Cuối cùng, một người la lên bằng giọng của tử tội trước khi nhận những viên đạn vào người. Lập tức ý nghĩ đó được mọi người chia xẻ.
Những câu chửi rủa tục tằn, độc địa như vòi nước mở, phun ra.
- ĐM! Tưởng gặp Phật ai ngờ gặp điếm!
- Cái mặt trông hiền lành vậy mà bất lương!
- ĐM! Gặp lại nó, tao vặn cổ! Đồ ranh con!
- Thôi! Bớt giận đi, mấy cha nội. Mọi thằng điếm bề ngoài đều có vẻ hiền lành cả. Đó là chuyện thường, đâu có lạ lùng gì. Tại mấy cha nội đói bụng quá đâm quạu đó thôi.
- Sao không lạ lùng? ĐM! Muốn giật thì giật mẹ nó đi cho rồi, còn bày đặt ra trò lương thiện vặt làm đ... gì!
- À! Bỗng dưng làm sao cha đưa tiền cho nó được. Một thằng điếm cao tay trước hết phải biết tạo lòng tin. Khi cha đã tin nó hoàn toàn rồi, giao phó linh hồn cho nó rồi, thì nó mới chơi cha một vố sát ván chứ!
- Trời! Trời! Nhiều cái miệng kêu lên...
- Quỉ thần ơi! Thằng điếm lõi tì. Mới nứt mắt ra đã vậy, nói gì bọn có sỏi đầu!
Họ đua nhau kể lại những trường hợp tương tự. Dĩ nhiên chuyện nào cũng đưa đến kết luận chung là họ bị lừa, kẻ mất tiền, người mất của.
Một người, có lẽ vẫn còn nhớ cử chỉ khả ái của thằng nhỏ, nhưng trong tình cảnh ấy khiến anh ta phải đi đến một kết luận chua chát:
- Thằng nhỏ thuộc loại điếm chảy, chứ chẳng phải vừa. Nó muốn gạt tụi mình một vố nặng nên mới bày ra trò trả lại cái kính râm.
Một vài người cười, giọng chế nhạo nhận xét chính xác đó rẻ tiền.
- Chứ không à! Anh ta tức tối la to lên. Nó làm ra vẻ lương thiện khi trả lại cái kính mát để lấy lòng tin chúng ta, dễ bề móc túi. Chứ cái kính đáng giá vài trăm bạc, lấy cũng chưa đủ. Chơi cả vạn sướng hơn.
- Này mấy ông! Mấy ông đừng có ồn ào một cách trẻ con như vậy!
Mọi người nhìn lại gã thanh niên mặt còn rất trẻ, nhưng đôi môi thâm xì vì thuốc lá, mặt và da mặt vàng bệnh sốt rừng, vốn ít nói, không ai để ý.
- Đó là chuyện nhỏ nhặt thôi. Tôi kể chuyện lừa phỉnh kinh khủng này cho nghe. Hồi tôi mới trốn lính, bị bắt lần đầu, vào tù giam ở phòng gọi là OB3. Trong phòng toàn là bạn tù con so cả, thằng nào cũng ngờ nghệch như nghé non mới rời mẹ. Thấy gì, nghe gì cũng sợ xanh mặt lại. Sáng hôm đầu tiên, vừa thức dậy, đang còn chờ đợi những biến cố mới thì bỗng nghe một giọng dõng dạc vang lên, làm cả phòng giật mình:
- OB 3 chú ý! OB 3 chú ý!
Đang chộn rộn, chúng tôi im phắt ngay. Nhìn về phía cái lỗ vuông nhỏ ở cánh cửa sắt vừa mở ra, thấy một đôi mắt.
- Tất cả đứng lên!
Chúng tôi tuân lệnh răm rắp.
- Nghiêm!
Một vài giây trôi qua, chúng tôi chờ đợi.
- Tất cả cởi quần ra!
Chúng tôi vừa sợ, vừa ngỡ ngàng trước lệnh kỳ quặc đó, người này nhìn người kia chờ đợi, dò phản ứng nhau. Rồi một vài người tuân lệnh.
- Nhanh lên! Giọng nói bên ngoài lại vang lên.
Tất cả chúng tôi cởi quần. Và… phải nói thế nào đây. Người đó bắt chúng tôi chơi trò “chị năm”.
- Tất cả bắt đầu! Năm, mười, mười lăm …gã đếm.
Trong khi chúng tôi thi hành lệnh thì gương mặt sau lỗ vuông biến mất, cái cửa sập xuống. Rồi tiếng chân chạy hối hả và một tràng cười sảng khoái vang lên.
Về sau, chúng tôi được một đám tù cũ cho biết thủ phạm trò chơi quái ác đó là một đứa trẻ khoảng mười hai tuổi, ở khu dành cho trẻ em phạm pháp. Nó chuyên trơi trò đó với những kẻ mới vô phòng OB 3.
Trong thoáng chốc, dường như hình ảnh chú bé điếm vừa cuỗm tiền lu mờ đi. Những tiếng cười hì hì, hà hà một cách khoái trá nổi lên khắp phòng.
- Nhưng đâu có mất tiền! Giọng ai đó vang lên.
- Còn sướng nữa!
- Mấy ông chỉ mới bị lừa tiền, là vật chất. Còn chúng tôi bị đánh cắp tinh thần, mà chỉ bằng một mệnh lệnh cưỡng bức giả hiệu quái đản! Điều đó không quan trọng hơn sao?
- Chà! Đến nước này mà mày còn nói triết lý.
- Thôi! Bỏ qua đi mấy ông nội! Đã già đầu mà để cho một thằng quỉ nhỏ gạt thì cũng đáng đời rồi, còn tức tối chi nữa!
- Phải! Phải! Vài người tán đồng. Bề gì nó cũng có công cho bọn mình uống một bụng nước lạnh no nê. Xứng công lắm rồi. Đời này ai làm việc không công.
- Xứng mẹ gì! Mua mấy lon nước lạnh giá hơn vạn bạc à?
]
Chuyện thế này. Lần ấy, toán quân phạm đào ngũ chúng tôi dự trù được đưa từ nơi bị bắt về trại giam bằng máy bay, chỉ trong buổi sáng đến nơi. Một vài người từng trải cho biết, sau khi dừng lại làm thủ tục ở trạm trung chuyển, chúng tôi được đưa về trại giam và được ăn buổi cơm trưa ở đó. Nhưng cuối cùng máy bay không đến và chúng tôi được đưa đi đường bộ. Lúc đến nơi trời đã tối. Chúng tôi chịu đói khát suốt ngày hôm ấy. Chúng tôi xin được nuôi ăn, nhưng bị từ chối. Việc nuôi ăn không phải là nhiệm vụ của trạm trung chuyển. Họ chỉ được lệnh giam giữ và giải giao qua trại giam nên họ lùa nhốt chúng tôi lại là hết nhiệm vụ. Một vài người cố nài nỉ đều bị mắng. Chúng tôi ráng ngồi, nhắm mắt chờ đêm qua với cổ khát và bao tử trống rỗng. Phòng giam chật như nêm, tay bị còng từng hai người một, lỡ đứng lỡ ngồi nên chẳng ai ngủ được. Có lẽ giấc ngủ không chịu đến vì chúng tôi bị cơn đói khát hành hạ. Chúng tôi chỉ chống mắt chờ đêm chóng qua để sáng ra, mong kiếm được chút gì cho vào miệng nhai.
Thời gian trôi thật chậm, nhưng cuối cùng buổi sáng cũng đến. Phòng giam tạm được xây cạnh lề con đường dẫn vào đồn, chung quanh rào hai lớp kẽm gai. Qua những lỗ vuông nhỏ của cánh cửa sắt, chúng tôi nhìn được cuộc đời tự do bên ngoài: giòng xe cộ, người đi lại tấp nập buổi sáng. Tiếng thành phố cũng vang đến tai chúng tôi. Chúng tôi nghe rõ tiếng rao hàng, quà vặt. Hình ảnh những đĩa xôi lạp xưởng, bánh mì xíu, bánh bao nhân thịt, những ly sữa đậu nành nóng hổi bốc khói... mà lời rao thông báo khiến bao tử chúng tôi cồn cào quặn thắt. Người này ao ước được đớp một tô phở tái gầu đặc biệt hai trứng gà với bao nhiêu rau quế, ngò gai, chanh, ớt, nước béo vàng ngậy. Ăn xong nốc một ly cà phê sữa đá tổ bố. Người khác muốn ngốn ngấu hai, ba đĩa cơm tấm bì, uống một chai bia ướp lạnh đông đá. Người khác nữa mong nuốt gọn năm, sáu cái bánh bao nhân thịt hai trứng cút, uống liền hai ly sô đa chanh đường. Nhưng đó chỉ là ước mơ thôi. Từ ước mơ đến thực tế là một khoảng cách hầu như vô tận. Một vài người chịu không nổi, năn nỉ những người qua đường giúp đỡ, nhưng chỉ nhận được những tia mắt dửng dưng, lắc đầu, thảng hoặc một nụ cười nhạt rồi cắm cúi đi thẳng.
Giữa khi trong chúng tôi có một vài người sắp kiệt sức thì một em bé hiện đến. Đó là một bé trai khoảng mười một, mười hai tuổi, từ ngoài cổng đồn đi vào. Chúng tôi đoán nó là học sinh cấp hai ở một trường phổ thông nào đó. Thân thể nó nhỏ nhắn, tóc hớt cao, gương mặt tròn trĩnh, sáng láng. Nó mặc áo sơ mi trắng đã cũ, nhưng được giữ gìn sạch sẽ. Chiếc quần sọt xanh đồng phục của học sinh đã bạc màu. Tất cả chúng tôi chú mục nhìn nó như một hiện tượng, dò xét. Dường như có chủ tâm từ trước, nên ngay khi bước qua tấm vĩ sắt chắn ngang cổng đồn, mắt nó đã hướng thẳng về phía chúng tôi.
Một chút nắng buổi sáng lọt xuống từ những lá thông cao, chiếu sáng mái tóc và một bên gò má. Rất nhanh, mắt nó liếc nhìn vào cửa văn phòng làm việc lúc ấy hãy còn đóng kín. Cử chỉ khả nghi đó của nó gợi óc tò mò, chúng tôi hồi hộp theo dõi. Rồi nó xăm xăm đi thẳng về phía phòng tạm giam. Đến nơi, ngồi thụp ngay xuống, kề mặt sát rào kẽm gai, nói vừa đủ nghe:
- Các chú cần gì, cháu xin giúp. Mắt nó lại liếc về phía văn phòng. Chúng tôi bàng hoàng trước hạnh phúc bất ngờ nên mất cảnh giác. Nó vội nói thêm:
- Chú nào cần nước rửa mặt, xúc miệng.
Tức thì hàng chục cánh tay cùng đưa ra một lượt qua lỗ vuông của rào kẽm gai. Nào lon gô, ca nhựa, ly nhựa, bình đông...
- Các chú để từ từ. Nó nói. Mỗi lần cháu chỉ có thể mang bốn lon thôi. Những chú khác lần sau. Lần lượt rồi chú nào cũng có cả.
Nó lấy bốn lon gô chạy nhanh ra phía sau, một lúc trở lại với bốn lon nước đầy, lấy bốn lon khác đi. Cứ thế, nó đi lại nhiều lần. Chúng tôi chẳng kịp rửa mặt xúc miệng gì ráo, ai cũng vội lo uống một bụng đầy. Lần chót, nó trở về đưa ra một cái kính mát:
- Của chú nào bỏ quên trong lon gô, cháu xin trả.
Người chủ nhận lại đồ của mình với lòng biết ơn.
- Bây giờ chú nào cần mua thức ăn sáng?
Chúng tôi lại nhao nhao, như gà chuồng buổi sáng thấy chủ bưng thóc ra. Kẻ nhờ mua thứ này, người mua thứ khác. Gặp một trở ngại là chúng tôi không có tiền lẻ để đưa đúng số tiền phải trả. Nó nói:
- Các chú có tiền gì cứ đưa tiền đó. Mua xong đem về cháu sẽ thối lại.
Một vài người cẩn thận không muốn đưa số tiền ít ỏi duy nhất cho nó, nhưng nếu không thì không thể giải quyết được. Cuối cùng đành phải theo giải pháp của nó, đưa cả tiền lẻ lẫn tiền chẵn, giấy hai, ba chục, năm trăm, một ngàn. Nó cầm một nắm tiền khoảng hơn một vạn, cẩn thận đút vào túi, hẹn nửa giờ sẽ trở lại rồi thong thả đi ra cổng.
Nó đi mất hút!
]
Khi gã nhân viên áp tải đến điểm danh buổi sáng, chúng tôi đưa câu chuyện ra thưa. Mỗi người mỗi câu, chúng tôi mô tả tỉ mỉ, hình dạng thằng điếm lõi, y phục, ngôn ngữ, để nhờ gã điều tra. Chúng tôi nghĩ rằng thằng điếm nhãi ranh đó có vẻ rất quen thuộc đường đi nước bước và không phải đây là lần đầu tiên nó hành sự. Tất cả đám tù nào qua đây đều bị nó chơi, nên chúng tôi muốn làm cho ra lẽ để tránh cho những người cùng cảnh ngộ sau này. Nhưng hỏi mãi vẫn không ai có thể truy ra thằng quỉ nhỏ đó, kể cả những người ở lâu tại đồn này. Họ quả quyết rằng một chuyện như vậy chưa từng xảy ra tại đây.
Chúng tôi hậm hực. Không được ăn và mất tiền đã đành, nhưng tức vì đã bị một thằng điếm ranh con, mới nứt mắt gạt.
Điểm danh xong, trong khi chờ gã nhân viên điều xe, vài người còn nuôi chút hy vọng, cố nhìn ra cổng đồn coi thằng điếm có trở lại không nhưng hoài công. Cơn tức giận của họ vừa nguôi đi bỗng nổi lên. Họ lại chửi rủa nó một cách thậm tệ.
Đúng lúc đó, thằng nhỏ xuất hiện cùng với một thằng khác trạc tuổi nó.
- Nó đó! Nó đó! Thằng điếm! Thằng điếm!
Chúng tôi la toáng lên.
- Bắt thằng điếm! Bắt thằng điếm!
Chúng tôi gần như náo loạn, vài người đứng lên, định rời hàng.
Gã nhân viên vội chạy ra, thét chúng tôi im lặng rồi nhìn ra cổng đồn.
- Tôi đã nghi, đúng mà!
Gã nói rồi đi nhanh về phía hai đứa nhỏ. Tiếng gã từ ngoài cổng vọng vào:
- Lại cũng mày nữa hả, Nhân? Ai khiến tụi bay xía vào chuyện người khác. Mặc xác chúng nó có được không?
Thằng bé đến với chúng tôi lúc đầu tiến về phía gã nhân viên. Ánh mắt nó van lơn nhưng không thiếu cương quyết. Nó nắm tay gã, rồi nhìn về phía chúng tôi:
- Họ đang đói, chú à! Nó nhìn gã nhân viên không chớp.
Gã ngần ngừ rồi quay nhìn đám tù nhân:
- Thôi hai đứa làm gì thì làm đi, mau mau lên. Nảy giờ, họ trông tụi bay lắm đó, lần sau...
Gã bỏ lửng câu nói, bước đi.
Hai đứa nhỏ chạy nhanh ra ngoài cổng.
Chúng tôi sững sờ nhìn hai thân hình mảnh mai đang khệ nệ vác hai bao giấy căng phồng tiến thoăn thoắt về phía chúng tôi. Đến nơi, chúng đặt hai bao giấy xuống, ngẩng lên thở lấy hơi, nét mặt nhuốm mệt nhưng tươi tắn. Công việc phân phát được tiến hành tức thì.
- Mau mau lên! Vừa làm, chúng vừa giục nhau. Mấy chú sắp đi rồi!
Hai đứa có vẻ quen việc, nhanh nhẹn lấy từ trong bao ra trao cho từng người.
- Chú nào gởi mua bánh bao?
- Đây! Một người giơ tay ra.
- Chú cầm lấy! Bánh bao tám chục đồng một cái, mua hai cái trăm sáu, còn lại của chú bao nhiêu?
- Ba trăm tư, lúc nãy tui đưa năm trăm!
- Tiền còn lại của chú đây! Chú nào gởi mua mì xíu mại?
- Tui!
- Đây! Bánh mì của chú. Hai trăm đồng một ổ, còn lại của chú tám trăm. Lúc nãy chú đưa tờ một ngàn rách góc, cháu còn nhớ!
- Xôi đậu của ai?
- Thuốc lá, sữa đậu nành của ai?
Nhiều cánh tay giơ lên.
Theo lối phân phát rành rẻ đó, hai đứa hoàn tất công việc chẳng mấy chốc.
Xong việc, thằng nhỏ đến lúc đầu, giọng bình thản nói với chúng tôi:
- Hai cháu xin chúc mấy chú đi gặp nhiều may mắn, mạnh khỏe. Giọng nó như đang trả bài trước mặt thầy giáo, hơi ngập ngừng nhưng rõ ràng. Cháu xin lỗi đã để các chú chờ hơi lâu vì phải mua nhiều thứ, một mình cháu mang không hết, phải về rủ thêm bạn. Hai cháu xin chào và từ biệt các chú.
Nói xong, trong một dáng điệu như bỏ mặc chúng tôi, hai đứa quàng vai nhau đi ra, nhảy theo nhịp chân sáo. Đến cổng, một đứa quay lại, túm hai bao giấy không, cuộn tròn nói:
- Để mai mốt cháu dùng lại cho mấy chú khác.
Nó chạy nhanh ra theo bạn.
Nắng đã lên cao, chan hòa cả cảnh vật. Nắng soi sáng hai thân hình mảnh mai của các em vừa khuất sau cổng đồn.
Nắng cũng soi sáng tâm hồn chúng tôi.
Chúng tôi cầm gói quà nhìn theo các em, mà hết cảm giác đói khát. Chìm trong một cảm giác bàng hoàng, chúng tôi nhớ ra. Chưa ai nói với các em lời cám ơn.
Gã nhân viên trở ra, mở cửa phòng, hối thúc:
- Lên xe! Lên xe đi! Mau lên!./.