Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.015
123.137.477
 
Không gian bản sắc
Lê Hải*

Từng là nhà lý luận hàng đầu trong Đảng cộng sản Pháp giai đoạn 1945-1958, cũng từng có hai năm kiếm sống bằng nghề tài xế taxi ở Paris, Henri Lefebvre đã đem triết học Mác vào soi sáng khái niệm không gian xã hội, một nhánh tư tưởng tạo ảnh hưởng mạnh trong thế giới đương đại, như tác phẩm Thế giới phẳng của Thomas Friedman mà nhiều học giả Việt Nam thường nhắc, hay trường phái bản đồ hậu hiện đại và các ngành nghiên cứu đô thị[1].

 

Trước đây, khái niệm “không gian” chỉ được dùng trong hình học mà thôi, nhưng từ sau Lefebvre, người ta không còn lạ gì khi không gian được hiểu trong trường xã hội như: không gian sống, không gian lễ hội, không gian làng xã, không gian văn hóa, không gian quyền lực xã hội v.v. Không gian (xã hội) là một sản phẩm (của xã hội). Hơn vậy, mỗi xã hội tạo ra và sở hữu một không gian riêng. Chính xác hơn nữa, mỗi mô hình sản xuất với các mối quan hệ sản xuất đặc trưng tạo ra một không gian xã hội riêng biệt. Trong đó, luôn có không gian cho các mối quan hệ xã hội sinh học – mang tính sinh sản, ví dụ như quan hệ nam nữ, thế hệ, hay gia đình – và quan hệ sản xuất – ví dụ như phân chia lao động và tổ chức xã hội theo tháp chức năng. Hai mối quan hệ này thường pha trộn với nhau nhưng không gian xã hội luôn nhắm tới việc phân chia chúng bằng cách “đặt chỗ”.

 

Để đi sâu vào không gian xã hội, Lefebvre sử dụng hệ thống ba khái niệm cơ bản xuyên suốt: 1) Hoạt động không gian[2]: bao gồm cả quá trình sản xuất và sinh sản, và những vị trí cùng tính chất đặc biệt của mỗi tập hợp xã hội; 2) Các thể hiện của không gian: liên quan tới các mối quan hệ sản xuất và “trật tự” mà các quan hệ này qui định, tức là tới kiến thức, tín hiệu, qui tắc và các mối quan hệ “phía trước”; và 3) Các không gian thể hiện, chứa bên trong các hệ thống biểu tượng phức tạp, có lúc được mã hóa hoặc không, nối với nhóm vượt rào và thế giới ngầm trong cuộc sống xã hội, cũng như nghệ thuật (mà thực ra có thể định nghĩa là không gian thể hiện hơn là mã không gian).

 

Áp dụng bộ ba khái niệm của Mác (sản xuất, sản phẩm và lao động) vào không gian xã hội giúp định hình độ lỏng của lý thuyết, ví dụ như khi đặt vào không gian đô thị - có thể coi là một tác phẩm hay một sản phẩm. Ví dụ Venice có thể coi là một tác phẩm với định nghĩa về tác phẩm như một sự vật cá biệt, đầu tiên và đặc sắc, chiếm  giữ một không gian trong một thời gian đặc biệt nằm giữa quá trình tăng trưởng và mất đi. Tại đó sự thể hiện của không gian và không gian thể hiện tăng cường lẫn nhau. Sự khác biệt giữa một tác phẩm của tự nhiên và tác phẩm của nghệ thuật là thông điệp được gửi vào đó. Nhà thờ là một phát biểu chính trị. Chức năng thời xưa của tượng là bất tử hóa cái chết để không làm hại người sống. Không gian được sản xuất ra ngay cả trong trường hợp không phải là các công trình lớn như xa lộ, sân bay hay khu công cộng, được tạo ra với viễn kiến có trước trong tư duy. Con người nhìn, ngắm cảnh, du ngoạn như một phần cuộc sống. Người ta xây cất từ sơ đồ và bản vẽ. Truyền thống phương tây coi nhìn ngắm là phương pháp nắm bắt. Cho nên Venice không hoàn toàn là một tác phẩm vì không được lên kế hoạch trước. Thành phố này là quá trình đối chọi với thiên nhiên và kẻ thù để đạt mục đích thương mại. Không gian sống nhỏ hẹp này không thể tách rời ra khỏi một không gian rộng hơn, tức là hệ thống mua bán trao đổi có thể coi là trên toàn thế giới của thời bấy giờ. Khi đến đây, mỗi nhóm người ủng hộ một nhóm lãnh đạo chính trị và thực hiện dự án xây dựng các di tích trong khu vực. Bên cạnh các hoạt động ứng xử với biển như cảng và kênh dẫn là các hoạt động tập trung, lễ hội và sáng tạo kiến trúc. Nơi đây là mối quan hệ giữa một bên là nơi chốn được xây dựng từ ý chí tập thể và tư tưởng tập thể, bên kia là các lực lượng sản xuất với nhau. Đây là sản phẩm của lao động xã hội. Đằng sau tác phẩm Venice là sản phẩm. Giá  trị  thặng dư từ lao động được biến thành cái đẹp được sử dụng hợp lý, mỗi phần của Venice đều là bản trường ca về sự đa dạng trong thụ hưởng và sáng tạo trong nghi lễ.

 

Tiếp tục lập luận với một thành phố nổi tiếng khác của Ý là Tuscany, hay các không gian tuyệt đối (tự nhiên) và trừu tượng, Henri Lefebvre đã khéo léo vận dụng duy vật biện chứng của Mác để bóc lớp màn bao quanh sự vật (vật chất) để chỉ ra các mối quan hệ (xã hội), là điều mà ông luôn ngưỡng mộ và coi là thành tựu số một của tư tưởng Mác-xít. Không gian được giới thiệu như một sản phẩm rất đặc biệt, không được sản xuất ra theo kiểu như người ta làm 1kg đường hay 1m vải, cũng không hẳn là sản phẩm của thể chế, dù là mối quan hệ xã hội. Không gian vừa là sản phẩm và cũng là phương tiện sản xuất, là mạng lưới trao đổi, không thể tách rời khỏi lực lượng sản xuất, hay kỹ thuật và kiến thức, hay giai cấp và cả nhà nước lẫn kiến trúc thượng tầng./.



[1] Ví dụ có thể đọc thêm tham luận tiếng Việt của GS Đức Rudiger Korff tại Hội thảo khoa học quốc tế về Hà Nội, lưu tại http://tainguyenso.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/5790/1/21.pdf, hay tham luận của GS Mỹ Mike Douglas tại Hội thảo về không gian sống ở Hà Nội

http://mag.ashui.com/index.php/tuongtac/nhin-ra-the-gioi/99-nhin-ra-the-gioi/1235-thanh-pho-song-tot-qua-trinh-toan-cau-hoa-cuoc-song-thanh-thi-va-khong-gian-cong-cong-o-chau-a-thai-binh-duong.html

[2] Hoạt động không gian bảo đảm tính nối tiếp và kết nối ở một mức độ nào đó. (Trong khuôn khổ không gian xã hội và mỗi thành viên trong mối quan hệ xã hội trong không gian đó, kết nối này kéo theo một mức độ được bảo đảm về khả năng và một mức độ đặc biệt của thể hiện).

Lê Hải*
Số lần đọc: 2366
Ngày đăng: 07.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tính hiện đại và Bản sắc dân tộc không phải là cái áo khoác trong Thơ . - Yến Nhi
Phương Thức Lặp Lại Và Nghệ Thuật Xây Dựng Chủ Đề Trong Tiểu Thuyết Sông Côn Mùa Lũ Của Nguyễn Mộng Giác - Nguyễn Thị Kim Oanh
Chuyến lữ hành tạo bản sắc - Lê Hải*
Mỹ Học Ẩm Thực Vũ Bằng Qua Hai Tập Ký Miếng Ngon Hà Nội Và Thương Nhớ Mười Hai - Chế Diễm Trâm
Từ Cốt truyện đến Bản sắc - Lê Hải*
Võ Phiến những năm 1960 - Nguyễn Vy Khanh
Những Văn-Ảnh Có Chất Thơ Trong Triết Học - Trần Văn Nam
Cái Chết trong Văn-Chương: từ Siêu Hình, Lãng Mạn đến Kinh Dị và Trinh Thám - Nguyễn Vy Khanh
Xã Hội Học Của Sự Cô Đơn - Hamvas Béla
Cộng-đồng người Việt ở ngoài nước 30 năm sau - Nguyễn Vy Khanh
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)