Làng toàn người ngồi lê đôi mách. Ở đây nó thế, xưa nay vẫn thế, hơn nghìn năm rồi, không thế không thành làng. Chẳng ảnh hưởng gì đến văn minh nhân loại.
- Tiên sư bố đứa nào bảo bà hớt lẻo. Chuyện con Tĩn nhà ông Tạo, chìa vú cho thằng Sầm nhà ông Sì mút, mà bà kể cho lão Khoái nghe, là bà nghe bà Rủ nói, bà Rủ nghe bà Rỉ kể... Chứ có phải bà trông thấy đâu mà đổ cho bà hớt lẻo. Chúng nó mút vú nhau, chứ có ngủ với nhau nữa thì cũng kệ cha chúng nó, hớt lẻo làm chi cho phí mồm...
Nóng bức đến ngột ngạt, ve sầu lại thi nhau kêu inh ỏi, kêu nghiêng cả vòm trời, làm cho tất cả như đang ở trong một cái nồi rang khổng lồ.
- Thôi bà Hót ơi, tại mồm bà rộng, lại có chút duyên ăn nói... nên từ mồm bà nó cứ loang ra...
- Loang cái mả bố mày. Mồm bà đã nuốt chửng bố mày chưa?, duyên bà có làm lăn lóc ông tổ tám đời nhà mày hay không? mà mày bảo rộng với chả duyên...
- Bà chấp làm gì cái thằng Tít này. Bố nó, cái lão Hít ngày mai làm giỗ thằng con cả là liệt sĩ đấy.
- Tôi bà con gì với lão Hít mà lão ấy mời. Có chuyện này tôi kể mình bà nghe thôi nhé... Cái thằng Tít kia, mày cút ra chỗ khác cho chúng bà nói chuyện. Đừng có hòng mà hóng hớt. Ghét cái thói ngồi lê đôi mách...
Đám giỗ thằng cả Mít, con lão Hít.
- Mời các cụ, các ông các bà vào mâm cho. Cứ năm người đóng một. Bên này người, bên kia ma. Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay xin đừng lẫn lộn...
- Ông Tách đâu rồi, năm nay vẫn có mặt đấy chứ?
- Cả làng biết thừa cái chuyện ông Tách ỉa ra khói năm ngoái rồi, năm nay chắc hãi không dám đến.
- Hãi cái khỉ gió. Hãi nào bằng cái thói tham ăn. Người với ma còn không phân biệt được, chỉ chúi mũi vào miếng ăn, cho chết.
- Thưa các ông các bà, tôi Tách đây. Vâng tôi tham ăn, nhưng tham mấy cũng không bằng tổ sư nhà nó. Năm ngoái tôi ngồi chỗ này, mâm đủ năm người. Ăn xong về nhà, cảm giác bụng tưng tức, toàn hơi là hơi. Đến lúc ỉa ra chỉ thấy một ngụm khói, mới biết mình ngồi lẫn với ma. Thế mà có kẻ độc mồm bảo rằng tôi ỉa ra cả một đụn khói, trùm kín nhà, ba ngày mới tan...
- Ghê thật. Miếng ăn bỏ vào mồm nhai rồi mà rốt cuộc lại nuốt vào bụng kẻ khác chứ không phảI bụng mình. Chỉ có ma mới ăn tranh kiểu ấy được mà thôi.
- Ba ngày là thế nào. Hôm qua tôi nghe bà Hót bảo cái đụn khói ấy đến bây giờ cũng chửa tan. Làm cho tôi sợ hết hồn, hôm nay phải thủ sẵn mấy cành dâu làm đũa gắp mới dám đến đây ăn giỗ đấy.
- Cái bà Thầm này chỉ được cái nghe hơi nồi chõ. Cành dâu phải nhúng vào nước đái thì ma mới sợ, mới không dám gắp tranh. Chứ cành dâu không thì tác dụng gì.
- Thôi cho tôi xin. Bà mà dùng đũa bằng cành dâu nhúng nước đái thì tất cả những người ở đây biến thành ma hết. Thử hỏi ông có dám ngồi cạnh bà ta mà ăn cỗ hay không? chả lẽ vừa ăn vừa bịt mũi...
- Bác Thì ơi, thế ra ma sợ cành dâu với nước đái lắm à.
- Nào tôi có biết đâu, chỉ nghe lão Tửng bảo cái hồi cả làng bị ma ám, phải dùng hết ruộng dâu làng Thượng làm roi, nhúng vào nước đái cả làng Hạ, quất từng người một suốt bẩy ngày bẩy đêm mới trục hết ma đi được.
- Giời ôi! Bao giờ mới hết cái cảnh người và ma lẫn lộn trong một đám tiệc như thế này?